Ðiểm Báo Pháp – 7/7/21
Luật An ninh Quốc gia mới: Không khí “tố giác” tràn ngập Hồng Kông
Tình hình Hồng Kông với Luật An ninh Quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt vẫn thu hút sự quan tâm theo dõi của báo Le Figaro. Trong bài phóng sự “Sự đồng hóa khắc nghiệt của Trung Quốc nhắm vào Hồng Kông”, Le Figaro nhận định một năm sau khiLuật An ninh Quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực, phe đối lập bị ngăn chặn và các quyền tự do đang giảm sút. Quảng cáo
Đúng vào ngày 01/07/2021, kỷ niệm tròn 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc và 24 năm Hồng Kông được trao trả lại cho Bắc Kinh, một người đàn ông 50 tuổi đã đâm dao vào lưng một cảnh sát ngay tại trung tâm thành phố rồi tự sát ngay sau đó. Đối với tờ báo Pháp, hành động bạo lực đó là minh chứng cho thấy sự căng thẳng đang ngự trị tại thành phố kể từ khi Luật An ninh Quốc gia mới hình sự hóa các hành vi lật đổ và ly khai.
Một lãnh đạo của đảng Liên Đoàn Dân Chủ Xã Hội khẳng định chính phủ đã hứa rằng Luật An ninh Quốc gia mới chỉ áp dụng cho một nhóm nhỏ những người cực đoan nhưng trên thực tế, tất cả mọi người đều có liên quan : chính trị gia, nhà báo, nghệ sĩ, giáo viên … Từ đó đến nay, gần 120 người đã bị bắt và có nguy cơ bị tù chung thân.
Le Figaro liệt kê lại hàng loạt sự kiện : 15 dân biểu đối lập từ chức hồi tháng 11/2020 sau khi 4 dân biểu đối lập khác bị loại. Vào tháng 01/2021, 53 chính trị gia bị cảnh sát bắt vì tham gia tổ chức kỳ bầu cử sơ bộ của phe đối lập vào tháng 07/2020 và bị cáo buộc tìm cách lật đổ chính phủ. Đến tháng 03/2021, chính phủ Trung Quốc cải cách hệ thống bầu cử nhằm bảo đảm chỉ những “người yêu nước” mới có cơ hội nắm giữ quyền hành. Đơn giản chỉ cần hô “Giải phóng Hồng Kông” cũng bị xem là kêu gọi độc lập, điều hiện giờ bị coi là bất hợp pháp.
“Xảo quyệt” hơn, Luật An ninh Quốc gia mới còn làm bao trùm lên khắp thành phố một bầu không khí “tố giác”. Chính phủ đã tạo một đường dây nóng để khuyến khích người dân tố cáo các hành vi lật đổ và ly khai, hiện đã nhận được hơn 100.000 cuộc gọi.
Giới văn hóa cũng bị kiểm duyệt. Bảo tàng nghệ thuật đương đại M+ phải cam kết không trưng bày một số tác phẩm. Một cuộc triển lãm dành riêng cho các cuộc biểu tình năm 2019 và một viện bảo tàng về sự kiện Thiên An Môn 04/06/1989 đã phải đóng cửa sau một cuộc bố ráp của cảnh sát. Một quy định mới được ban hành, cho phép nhà chức trách cấm các bộ phim bị xem là “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Các phương tiện truyền thông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Apple Daily, tờ báo bình dân day nhất ủng hộ dân chủ, đã phải ngừng xuất bản vào ngày 24/06. Chủ báo, ông Lê Trí Anh, và một số nhà báo của Apple Daily bị giam trong tù. Trong khi đó, đài phát thanh và truyền hình nhà nước RTHK có một giám đốc mới thiếu kinh nghiệm, người đã hủy bỏ một số chương trình và sa thải các phóng viên chỉ trích chính phủ.
Thế nhưng, nơi mà nhà chức trách muốn tấn công mạnh nhất lại là ở các trường học vì họ tin rằng “các cuộc biểu tình làm rung chuyển Hồng Kông hồi năm 2019 là kết quả của một hệ thống giáo dục tự do quá mức, vốn dĩ không khơi dậy được lòng yêu nước trong giới trẻ”, theo phó chủ tịch một nghiệp đoàn giáo viên chính ở Hồng Kông. Để khắc phục tình hình, chính quyền đã cho sửa đổi chương trình giảng dạy một số môn học, chẳng hạn như môn giáo dục công dân.
Nhiều nội dung, chẳng hạn về phân quyền hoặc vụ thảm sát Thiên An Môn bị cắt hoàn toàn khỏi sách giáo khoa. Các thư viện cũng đã loại bỏ nhiều cuốn sách kể cả các tác phẩm về Nelson Mandela và Martin Luther King. Việc kiểm duyệt cũng trở nên phổ biến trong giới giáo viên. Nhiều thầy cô tránh nói về các vấn đề thời sự khi giảng bài, sống trong nỗi lo sợ bị khiếu nại hoặc bị tước giấy phép giảng dạy.
Trong bầu không khí đó, nhiều người Hồng Kông đã chọn ra đi dù không dễ dàng. Anh Quốc dự báo đến năm 2025 sẽ tiếp đón 322.000 người Hồng Kông. Số đơn xin thị thực nhập cảnh của người dân Hồng Kông vào Canada, Úc và Đài Loan cũng tăng bùng nổ.
Tập đoàn điện lực Pháp EDF: “Giấc mộng Trung Hoa” biến thành ác mộng
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trở lại với sự số nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, trong bài viết “Giấc mộng Trung Hoa của EDF (tập đoàn điện lực Pháp) biến thành ác mộng”, thông tín viên Frédéric Lemaitre của Le Monde khẳng định chỉ trong vòng vài giờ, một sự cố kỹ thuật nhỏ tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đã trở thành một cuộc “khủng hoảng hoàn hảo” cho tập đoàn điện lực Pháp.
Nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, Trung Quốc,là “hợp đồng thương mại lớn nhất” của ngành công nghiệp hạt nhân Pháp, thậm chí là trong lịch sử điện hạt nhân dân dụng, và Trung Quốc là một trong những thị trường hứa hẹn nhất trên thế giới, theo giải thích của EDF. Được đưa vào hoạt động hồi năm 2018, Đài Sơn là đầu tàu trong quan hệ hợp tác Pháp – Trung. Lò phản ứng hạt nhân EPR thế hệ thứ 3 ở Đài Sơn là lò phản ứng EPR thế hệ 3 đầu tiên được lắp đặt.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sự cố có thể nằm ở khâu sản xuất ở Pháp thanh nhiên liệu, cách vận chuyển, cách lắp đặt thanh nhiên liệu, thậm chí là một sai sót thiết kế lò phản ứng hạt nhân EPR. Đương nhiên, nếu vấn đề là do phía Pháp thì Trung Quốc sẽ không hài lòng và rất có thể Pháp sẽ phải “trả giá đắt” vì đã “làm mất mặt” Trung Quốc khi thông báo vụ việc cho Nhà Trắng.
Theo Le Monde, câu chuyện khá phức tạp bởi hãng Pháp Framatome, một doanh nghiệp được EDF giao xây dựng nhà máy Đài Sơn, lại giao cho một công ty con ở Mỹ quản lý dữ liệu về mọi sự cố liên quan đến tập đoàn. Vì cổ đông chính của nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn là CGN – công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc, hiện đang nằm trong danh sách đen của Washington, nên muốn xử lý hồ sơ sự cố thì công ty Mỹ phải được sự cho phép của Nhà Trắng. Đây là sự sỉ nhục đối với Bắc Kinh.
Không chắc là EDF có nhiều khả năng còn được hoạt động lâu dài ở Trung Quốc, bởi cũng như trong mọi lĩnh vực khác, Bắc Kinh ngày càng cần ít chuyên gia nước ngoài hơn. Vào ngày 30/01, công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc thông báo đã đưa vào vận hành lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 đầu tiên, hoàn toàn do Trung Quốc xây dựng trong vòng 5 năm mà không có bất kỳ đối tác nước ngoài nào. Trong khi đó, ở Flamanville, lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba đầu tiên tại Pháp được khởi công từ năm 2007 cho đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Liệu có phải “học sinh Trung Quốc” đang “vượt mặt” người “thầy Pháp” đang trở nên già nua hay không ? Nhà báo Frédéric Lemaitre của Le Monde kết luận dẫu sao thì “giấc mộng Trung Hoa” của tập đoàn điện lực Pháp EDF dường như cũng đã chấm dứt.
Pháp : Niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường có thể bị biến thể Delta nhấn chìm
Covid-19 vẫn là một trong những chủ đề được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nước Pháp mới thoát khỏi phong tỏa chưa lâu lại phải đối mặt với nguy cơ một làn sóng dịch mới bùng phát ngay trong mùa hè này do sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta.
Le Monde trích dẫn phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal, theo đó hiện giờ tại Pháp khoảng 1/3 số ca nhiễm mới thường nhật liên quan đến biến thể Delta và con số này cứ sau mỗi tuần lại tăng gấp đôi. Còn bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran gọi đó là “mối đe dọa có thực, có thể phá hỏng kỳ nghỉ hè và cả mùa hè” của người dân Pháp, “nhấn chìm niềm hy vọng về sự trở lại lâu dài của một cuộc sống bình thường”. Nhà nước đặc biệt lo ngại vì cho đến nay mới có 30% dân số Pháp được tiêm ngừa đầy đủ số liều, tỉ lệ này vẫn còn quá thấp để đạt miễn dịch cộng đồng.
Sức ép đang gia tăng vì tỉ lệ nhân viên y tế ở bệnh viện và trung tâm dưỡng lão đã tiêm phòng đầy đủ chỉ đạt lần lượt 64% và 57%, so với tỉ lệ 98% ở Ý, nên thượng tầng Nhà nước Pháp ngả về khả năng bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng. Chính phủ đang đẩy nhanh việc tham vấn với người đứng đầu các đảng phái ở Nghị Viện, đại điện các hiệp hội dân biểu … với hy vọng đạt đồng thuận về một dự luật bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng rồi đệ trình lên Quốc Hội vào cuối tháng Bảy.
Không ủng hộ giải pháp bắt buộc toàn bộ dân chúng tiêm phòng như quy định bắt buộc tiêm chủng 11 bệnh đối với trẻ nhỏ, nhưng chính phủ Pháp cũng đang hướng tới biện pháp mạnh : bắt người nhất quyết không chịu đi tiêm phải tự trả phí xét nghiệm chẳng hạn nếu muốn đi sàn nhảy hay du lịch. Một giải pháp khác là mở rộng phạm vi những nơi yêu cầu có chứng nhận Covid-19, chứ không phải là chỉ khi tham gia các hoạt động tập hợp đông người, đi hộp đêm, du lịch nước ngoài như hiện nay. Tất cả đều nhằm thúc đẩy dân Pháp đi tiêm nhiều hơn.
Sự ngờ vực dai dẳng
Báo La Croix nói đến thái độ “ngờ vực dai dẳng” của giới nhân viên y tế về việc tiêm phòng. Chính vì sự ngờ vực dai dẳng mà chính phủ phải cân nhắc biện pháp bắt buộc. Nhiều nhân viên chăm sóc y tế coi đó là đòn tấn công nhắm vào tự do của họ.
Thế nhưng, trong bài xã luận có tiêu đề “Tinh thần/Đạo đức”, tờ báo Công giáo nhấn mạnh tự do cá nhân luôn phải được đặt lên bàn cân với lợi ích chung, ngoài ra cần phải lưu ý là nhân viên y tế thường tiếp xúc với người bệnh và người cao tuổi, những người dễ bị nhiễm virus corona nhất. Vì thế, việc tiêm chủng cho nhân viên chăm sóc y tế là một nghĩa vụ đạo đức.
Liệu có thể dùng luật trong trường hợp này không? La Croix nhìn sang Ý và cho biết nước láng giềng của Pháp đã làm được với những kết quả ngoạn mục. 98% nhân viên chăm sóc y tế tại Ý đã tiêm chủng. Ngay trong giới chính trị Pháp cũng có một sự đồng thuận khá rộng. Vì thế, theo La Croix, nếu thấy cần thiết, chính quyền Pháp sẽ không gặp khó khăn gì để luật được thông qua.
Thế nhưng, tốt hơn hết là không làm điều đó, bởi vì, nếu đạo đức là quan trọng, thì tinh thần của các đội cũng quan trọng không kém. Lực lượng trên tuyến đầu mà trước đây từng được hoan nghênh và nay đang bị chỉ trích chắc chắn sẽ không thoải mái với việc bị bắt buộc tiêm ngừa. La Croix kết luận sự ép buộc chỉ có ý nghĩa nếu việc giải thích và động viên khích lệ không thành công.
Cá cược trực tuyến: Nạn dịch ít được nói tới
Libération hôm nay dành sự chú ý cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu Avignon, Liên hoan phim quốc tế Cannes với gương mặt nổi bật là chủ tịch ban giám khảo, đạo diễn người Mỹ Spike Lee. Một gương mặt khác được Libération trân trọng nhắc tới là nhà khoa học Pháp Axel Kahn, nhà nghiên cứu về gien và bệnh ung thư, cựu chủ tịch Liên đoàn quốc gia phòng chống ung thư. Điều trớ trêu là giáo sư Axel Kahn đã qua đời vì chính căn bệnh ung thư vào ngày hôm qua 06/07/2021. Không chỉ là một khoa học gia, với các quan điểm đạo đức và triết học, Axel Kahn còn là một tiếng nói có giá trị đối với giới chính trị Pháp.
Nhìn ra nước ngoài, Libération đưa độc giả đến với quốc gia Trung Đông Liban, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc hơn 55% dân số sống dưới mức nghèo, đồng tiền mất giá hơn 85%, giá lương thực thực phẩm tăng gấp 4 lần. Đối đầu với cuộc khủng hoảng, tất cả các đảng phái chính trị, đặc biệt là lực lượng Hezbollah, đã bắt đầu phân phối hàng cứu trợ, thay thế vai trò Nhà nước đồng thời cũng nhằm thắt chặt quan hệ với người ủng hộ.
Trở lại nước Pháp, trong lĩnh vực xã hội, Libération lưu ý về một nạn dịch ít được nói tới : cá cược trực tuyến. Việc công ty xổ số đánh cược của nhà nước, Française des Jeux, lên sàn chứng khoán, đợt tư nhân hóa đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống Pháp Macron, khi đó được cho là nhằm ủng hộ tầng lớp bình dân nhưng trên thực tế lại làm họ bị tổn thương nhanh hơn : 70% số này dưới 25 tuổi. Việc mở cửa phương thức cá cược trực tuyến đã cho phép những công ty làm ăn “thiếu đàng hoàng” nhấn chìm hơn nữa nhóm dân cư vốn đang không thấy bất cứ lối thoát nào để ra khỏi khó khăn. Họ chỉ còn biết “nợ nần trong vô vọng”.
Theo nhiều nghiên cứu, 71% người đặt cược nói rằng nếu thắng, họ sẽ dùng số tiền đó để trả nợ. Các cơ quan có trọng trách bảo vệ những người trong cảnh bấp bênh khỏi những “kẻ săn mồi” này, chẳng hạn Cơ quan quản lý Xổ số Quốc gia (ANJ), đã thừa nhận sự bất lực trước những phương thức hoạt động đáng ngờ của các nhà cái cá cược, tức là họ không có khả năng bảo vệ các nạn nhân.
Libération kết luận đó là một kiểu “dịch bệnh” do Nhà nước làm lây lan, đẩy người chơi đến chỗ lệ thuộc. Trong tương lai gần, sẽ không có chiến dịch tiêm chủng nào để phòng ngừa dịch bệnh mang tên cá cược trực tuyến nhưng công luận có thể chờ đợi vào việc chính phủ ngừng tiếp tay cho sự lây lan của loại virus này.
Thùy Dương