Tin Tổng Hợp – 2/7/21
Trung Quốc: Tập Cận Bình muốn theo chân Mao đi vào lịch sử
Thứ Năm, 01/07/2021, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình nhắc nhiều đến Mao Trạch Đông. Kể từ khi lên cầm quyền, chủ tịch Trung Quốc đi theo di sản của «Người Cầm Lái Vĩ Đại» đến mức đôi khi còn được đặt biệt danh «Người Cầm Lái Vĩ Đại 2.0».
Hàng chục nghìn người tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, 100 phát đại bác và một đội tiêm kích trên không, Trung Quốc mừng đảng Cộng Sản 100 tuổi. Điểm nhấn của sự kiện là một tuần lễ hội. Đây cũng là cơ hội để ông Tập Cận Bình khẳng định hơn nữa quyền lực của mình.
Trong suốt hơn một giờ, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, kiêm chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân, không ngớt lời ca tụng những tiến bộ đạt được trong những năm qua khi nhấn mạnh rằng hàng trăm triệu người đã thoát cảnh nghèo khổ.
Trong bài phát biểu nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc, Tập Cận Bình tuyên bố, sau một thế kỷ kém phát triển và bị xâm lược, « người dân Trung Quốc nay đã vùng lên » và xu hướng « hồi sinh » của đất nước là « không thể đảo ngược được », đồng thời cảnh báo « những tên đế quốc » nào tìm cách đe dọa, trấn áp hay chế ngự sự hồi sinh đó.
Tại buổi lễ hoành tráng này, Tập Cận Bình xuất hiện trên ban công Tử Cấm Thành, và trong trang phục truyền thống mầu xám « kiểu Mao Trạch Đông », ông không ngừng nhắc đến Mao Trạch Đông, người lãnh đạo đất nước từ năm 1949 đến năm 1976.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne, phân tích những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật.
***
France 24: Những điểm nào cho thấy Tập Cận Bình tiếp tục đi con đường Mao Trạch Đông?
Mathieu Duchâtel: Giống Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình cũng muốn để lại dấu ấn trong lịch sử. Lịch sử Cộng hòa Nhân dân ngày nay chính thức được chia thành ba thời kỳ. Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ cách mạng với Mao Trạch Đông, một giai đoạn dài 30 năm. Đó là thời kỳ « Trung Quốc nổi dậy » và chấm dứt cuộc nội chiến và thời kỳ bán chủ nghĩa thực dân.
Tiếp đến là thời kỳ tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm sự phồn thịnh. Giai đoạn này tương ứng với thời kỳ của các cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Đặng là nhân vật số một của đảng Cộng Sản Trung Quốc (PCC) giai đoạn 1978 – 1992.
Về phần mình, Tập Cận Bình đặt nhiệm vụ « tìm kiếm sức mạnh » lên hàng đầu trong lịch trình hành động của mình. Sự phân chia thành ba thời kỳ này đặt ông ấy trong thế bộ ba với ba gương mặt tiêu biểu : Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình.
Tư tưởng Mao, được Tập Cận Bình sử dụng như là kim chỉ nam, đặc biệt thấy rõ nhân kỳ Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, còn thể hiện rõ hơn là trong bài diễn văn ông phát biểu hôm thứ Năm 01/07. Chính vào thời điểm đó mà tên của ông được đưa vào trong Điều lệ Đảng, một vinh dự chỉ có Mao mới có được lúc sinh thời.
Những yếu tố về sự sùng bái cá nhân mà Tập Cận Bình được hưởng ngày nay cũng sử dụng nhiều biểu tượng hình ảnh như thời Mao. Việc dàn dựng các chương trình lễ kỷ niệm mừng 100 năm là một ví dụ điển hình. Nhưng khác với Mao, Tập Cận Bình không tập hợp quần chúng. Chỉ có một sự vận động nâng cao tư tưởng của Đảng và giáo dục tinh thần yêu nước, chứ không còn những chiến dịch vận động quần chúng theo kiểu thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Tập Cận Bình có những điểm chung nào với đảng Cộng Sản thời Mao Trạch Đông?
Sau nhiều nỗ lực cải cách của Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980, Tập Cận Bình quay trở về với tư tưởng Lê-nin chính thống, đặt kỷ luật nội bộ lên trên hết, và ông đã tiến hành một quá trình tái tập trung quyền lực mạnh mẽ. Ngày nay, không ai còn nói về dân chủ trong nội bộ Đảng, hay cân bằng giữa các phe phái nữa.
Hơn nữa, Đại Hội Đảng lần thứ 19 là một cột mốc quan trọng. Ông ấy đã cho đưa vào Điều lệ Đảng: «Chính phủ, quân đội, xã hội và trường học, Bắc, Nam, Đông, Tây : Đảng lãnh đạo tất cả ». Một công thức của chính Mao Trạch Đông.
Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình không ngừng nhấn mạnh đến « chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa». Phải chăng đó cũng là mong muốn nối dõi Mao?
Người ta còn nhớ là Liên Xô từng phê phán Mao Trạch Đông có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Tập Cận Bình, ông ấy cũng vậy, chú trọng nhiều vào việc huy động tinh thần yêu nước. Ông ấy dùng điều này để phục vụ cho một dự án nhằm chứng minh sự ưu việt của mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc so với các nền dân chủ tự do.
Tập Cận Bình muốn chứng tỏ rằng « chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sẽ chiến thắng ». Luận điệu của các quan chức Trung Quốc nhắm vào các đối tác phương Tây liên tục nhấn mạnh sự bất lực của phương Tây trong việc ngăn chặn dòng chảy lớn của lịch sử : đó là « Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một thế giới » và phương Tây phải ý thức được những hệ quả – ngụ ý rằng không nên chống đối lại điều đó.
Nhưng cuộc cạnh tranh ý thức hệ được biến thành mốt thời thượng, và ngày nay chỉ tập trung vào tính hiệu quả của các mô hình quản trị nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế. Nếu như Mao Trạch Đông trước đây từng xuất khẩu Cách Mạng và tìm cách thống lĩnh phe xã hội chủ nghĩa, thì Tập Cận Bình giờ có một cách tiếp cận toàn diện hơn cho cuộc cạnh tranh. Đó chính là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với các nền dân chủ phương Tây – trên thực tế chính là với Hoa Kỳ.
Ngược lại, hai nhân vật này đối lập với nhau ở điểm nào?
Ngay cả khi các tham chiếu về chủ nghĩa Mác là bất biến, chẳng hạn như trong việc chỉ trích mô hình dân chủ, và cho dù việc điều hành Đảng là theo tư tưởng Lê-nin, Trung Quốc của Tập Cận Bình là một mô hình chủ nghĩa tư bản Nhà nước.
Dự án của Tập Cận Bình dành cho Trung Quốc dựa trên sự tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh để trở thành cường quốc canh tân sáng tạo nhất. Do vậy, ông ấy huy động mọi công cụ của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là tài chính, và dựa vào một nền kinh tế toàn cầu hóa mà Mao Trạch Đông đã bác bỏ, chỉ vì vấn đề ý thức hệ. Những dự án lớn hiện nay tại Trung Quốc cũng như tại châu Âu là chuyển đổi xanh và số hóa nền kinh tế, trong một cuộc đua đổi mới để tạo việc làm và tăng trưởng.
Minh Anh
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210702-trung-quoc-tap-can-binh-mao-trach-dong-lich-su
100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc: Đài Loan quyết tự vệ đến cùng
Trong bài diễn văn hôm 01/07/2021 nhân kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập, ông Tập Cận Bình hứa hẹn « thống nhất » Đài Loan, « dập tắt » mọi ý đồ ly khai và tuyên bố độc lập của hòn đào với 24 triệu dân này. Lập tức, chính quyền Đài Bắc ngay chiều qua tuyên bố « quyết tâm bảo vệ chủ quyền và dân chủ Đài Loan » đến cùng. Công luận Đài Loan coi như không có sự kiện đảng Cộng Sản Trung Quốc tròn 100 tuổi.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre tường trình:
Không một bài viết nào trên báo chí Đài Loan sáng ngày 01/07/2021. Điều đó chứng tỏ công luận xứ này ít quan tâm đến sự kiện 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngay cả đảng đối lập Đài Loan là Quốc Dân Đảng, vốn có lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh cũng không chuyển lời chúc mừng tới Bắc Kinh trong dịp này.
Cần phải nói là quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã nguội lạnh đáng kể từ 2016 và với việc đắc cử của một vị tổng thống Đài Loan chủ trương độc lập. Sau việc Bắc Kinh siết gọng kềm với Hồng Kông và trước những cuộc tập trận liên tục của quân đội Trung Quốc, ngày càng có nhiều người Đài Loan bác bỏ mọi dự án sáp nhập với Hoa Lục. Theo thăm dò gần đây nhất có đến 90 % những người được hỏi bác bỏ ý tưởng này.
Đảng Lực lượng Thời đại xuất thân từ phong trào « Hướng Dương » của sinh viên năm 2014 – chủ trương chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đài Loan, cách nay hai ngày thậm chí đã tổ chức một sự kiện trên mạng internet, mang tên « Hổ thẹn thay cho đảng Cộng Sản Trung Quốc ». Biểu tượng thể hiện tình liên đới ngày càng lớn giữa Đài Loan và Hồng Kông, ba nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông được mời tham dự sự kiện nói trên.
Về phần mình, truyền thông Đài Loan dành trang nhất cho sự kiện Đài Bắc và Washington nối lại đàm phán để ký kết một thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh coi đây như là một hành động đối đầu với Trung Quốc và thời điểm đưa ra thông báo Mỹ và Đài Loan nối lại đàm phán là một vố đau đối với Trung Quốc.
Dù vậy, trong bài diễn văn tại Quảng Trường Thiên An Môn hôm 01/07/2021 lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến quyết tâm « thống nhất » Đài Loan với « đất mẹ » và đe dọa « đập tan mọi ý đồ đòi độc lập của Đài Loan ». Trong một thông cáo cùng ngày, chính quyền Đài Bắc đáp trả : « Quyết tâm của chúng tôi bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ Đài Loan không thay đổi ».
Thanh Hà
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210702-100-nam-dang-cong-san-trung-quoc-dai-loan
Lục Quân Nhật – Mỹ tiến hành đợt tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay
Hôm qua 01/07/2021, Lực lượng Lục Quân của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bắt đầu đợt tập trận chung tại các trại huấn luyện trên toàn lãnh thổ Nhật Bản với khoảng 3.000 người tham gia. Quảng cáo
Theo đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đợt tập trận kéo dài 9 ngày này được coi là lớn nhất từ trước tới nay giữa lực lượng bộ binh hai nước, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự của mình tại biển Đông.
Đây cũng là dịp để Mỹ lần đầu tiên triển khai một đơn vị tên lửa đánh chặn trong khuôn khổ cuộc tập trận tại trại huấn luyện trên đảo Anami Oshima thuộc tỉnh Kagoshima phía nam Nhật Bản.
Tại đây, cuộc tập trận đã khởi sự từ ngày 30/06 với khoảng 70 người tham gia dựa trên kịch bản một cuộc không kích của đối thủ. Các giàn phóng tên lửa trên mặt đất và radar cho hệ thống đánh chặn PAC-3 được đưa đến từ căn cứ không quân của Mỹ tại tỉnh Okinawa.
Còn theo hãng thông tấn Anh Reuters, Nhật Bản cũng lần đầu tiên tiến hành một đợt diễn tập không quân chung với Phillipines từ ngày 5 đến ngày 8/7 với nội dung huấn luyện cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Cuộc tập huấn diễn ra tại căn cứ không quân Clark, một cơ sở quân sự cũ của Hoa Kỳ tại miền bắc Philippines.
Nhật Bản và Philippines đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự vào tháng Giêng năm 2015 và kể từ đó đến nay đã tổ chức 17 cuộc tập trận hải quân chung.
Có thể nhận thấy rõ ràng Nhật Bản đang thể hiện một thái độ chủ động hơn trong vấn đề hợp tác quân sự với các đồng minh và an ninh khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210702-nhat-ban-hoa-k%E1%BB%B3-luc-quan-tap-tran
(Nhà Trắng/VnExpress) – Hoa Kỳ hứa hỗ trợ thêm về vac-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam. Đây là một trong những nội dung của cuộc điện đàm ngày 01/07/2021 giữa cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Tuần trước, Hoa Kỳ thông báo cung cấp 55 triệu liều vac-xin cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ Y Tế Việt Nam sẽ được cấp 332,3 triệu đô la (từ ngân sách chính phủ và Quỹ vac-xin) để mua thêm 31 triệu liều vac-xin Pfizer và 30 triệu liều AstraZeneca từ công ty Vietnam Vaccin JSC (VNVC). Đây là công ty giao lô vac-xin đầu tiên cho Việt Nam vào tháng Hai. Việt Nam muốn có được 150 triệu liều vac-xin trong năm nay để tiêm chủng cho 70% dân số. Nhưng cho đến nay, Việt Nam mới chỉ nhận được 4,5 triệu liều từ chương trình COVAX, một số nước khác và từ các hợp đồng thương mại.
(AFP) – Miến Điện phong tỏa thành phố lớn thứ 2 Mandalay vì Covid-19. Trước số ca nhiễm không ngừng tăng và trong bối cảnh nhân viên y tế vẫn đình công chống đảo chính, chính quyền tập đoàn quân sự phải phong tỏa thành phố miền trung có 1,7 triệu dân từ ngày 02/07/2021. Trước đó, trong chuyến công du Matxcơva, tướng Min Aung Hlaing đã đặt mua 2 triệu liều vac-xin của Nga nhưng không rõ loại nào. Từ đầu năm đến nay, Miến Điện mới chỉ nhận được 1,5 triệu liều vac-xin được Ấn Độ chuyển sang, trong khi dân số nước này là 54 triệu người.
(Yonhap) – Seoul im lặng về khả năng Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trao đổi liên lạc. Mục tiêu có lẽ là để chuẩn bị cho một cuộc thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong cuộc họp báo trưa nay 02/07/2021, bộ Thống Nhất Hàn Quốc nói « không hay biết » về tin lãnh đạo hai nước Triều Tiên trao đổi một bức thư với nội dung chính là bàn thảo về khả năng thượng đỉnh Joe Biden – Kim Jong Un. Sự kiện đó được dự trù diễn ra vào tháng 5/2022.
(AFP) – Mỹ «quan ngại» sau tiết lộ Trung Quốc xây dựng hơn 110 hầm để phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo Washington Post ngày 01/07/2021 ? Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hơn 110 cơ sở được dùng làm bệ phóng các tên lửa xuyên lục địa. Tất cả được phát hiện trong khu vực sa mạc ở phía tây bắc thành phố Ngọc Môn, thủ phủ tỉnh Cam Túc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price nhận định : đây là dấu hiệu mới nhất bên cạnh rất nhiều những thông tin khác cho thấy kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc đang được tích lũy với mức độ nhanh hơn và cao hơn so với những dự phóng của Hoa Kỳ.
(Yonhap) – Mỹ liệt Bắc Triều Tiên vào những nước tệ nhất về buôn người. Báo cáo thường niên của Mỹ, được công bố ngày 01/07/2021, liệt chế độ Bình Nhưỡng vào danh sách 11 chính phủ có « một chính sách hoặc một mô hình » buôn người trong khuôn khổ những chương trình do chính phủ tài trợ, cưỡng ép lao động trong dịch vụ y tế liên quan đến chính phủ hoặc một số lĩnh vực khác, nô lệ tình dục trong các trại của chính phủ, sử dụng hoặc tuyển quân trẻ em. Ngoài Bắc Triều Tiên, nằm trong danh sách còn có Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Cuba, Erythrea, Iran, Nga, Nam Sudan, Syria và Turkmenistan.
(Reuters) – Mỹ ngưng chương trình đào tạo sinh viên quân sự cho Cam Bốt. Thông báo được sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh đưa ra hôm 01/07/20201. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng giữa Cam Bốt và Mỹ. Chính quyền Washington quan ngại về sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại Cam Bốt và Phnom Penh đang trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.
(Reuters) – Liên Hiệp Quốc kêu gọi tập đoàn quân sự Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Sau khi quân đội Miến Điện trả tự do cho hơn 2.000 tù nhân, ngày 01/07/2021, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, một lần nữa kêu gọi « trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị bắt giữ tùy tiện, trong đó có tổng thống Win Myint và cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi ».
(Swiss Info) – Thụy Sĩ gia tăng trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện. Ngày 01/07/2021, bộ Kinh Tế đưa thêm 8 người, trong đó có 4 bộ trưởng và 3 thứ trưởng của tập đoàn quân sự, bị đưa vào danh sách trừng phạt vì « tham gia và ủng hộ các hành động và chính sách vi phạm nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền tại Miến Điện, cũng như các hành động đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ». Những nhân vật bị trừng phạt sẽ bị cấm vào Thụy Sĩ và mọi tài sản của họ nếu có ở Thụy Sĩ đều bị phong tỏa.
(AFP) – 130 quốc gia đồng ý về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15 %. Tổng thư ký Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế, Mathias Cormann hôm qua 01/07/2021 đánh giá đây là một « ngày lịch sử » : sau nhiều năm nghiên cứu, đàm phán, cuối cùng 130 nước đồng ý về sáng kiến đánh thuế tối thiểu 15 % vào tất cả các tập đoàn lớn trên thế giới. Trong số các quốc gia hưởng ứng đề xuất được Hoa Kỳ đưa ra nhân thượng đỉnh G7 hồi tháng 6/2021 không có Ai Len và Hungary. Đây là những quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn so với 15 % quy định, một lá chủ bài của những nước này để thu hút các tập đoàn quốc tế vào hoạt động trên lãnh thổ của mình.
(AFP) – Khánh thành bức tượng tưởng nhớ cố công nương Diana. Đúng kỷ niệm 60 năm ngày sinh Diana, hai con trai bà là hoàng tử William và Harry hôm 01/07/2021 khánh thành bức tượng Lady Di trong khu vườn của tòa lâu đài Kensington. Đó là một bức tượng đồng, với hình ảnh ba đứa trẻ bao quanh công nương Diana. Tác giả bức tượng nói trên là nhà điêu khắc Ian Rank Broadley. Ông lấy nguồn cảm hứng từ những năm cuối đời, Lady Di đã rất năng động trong các hoạt động từ thiện đặc biệt là những chương trình bảo trợ trẻ em tại các nước nghèo. Là người vợ đầu của thái tử Charles, công nương Diana qua đời tại Paris trong một tai nạn giao thông năm 1997, khi bà 36 tuổi.
(Reuters) – Một bức tượng Nữ Thần Tự Do thứ hai tại New York. Kể từ hôm 01/07/2021 một bức tượng Nữ Thần Tự Do thứ hai được dựng lên tại đảo Ellis Island. Tác phẩm cao chưa đầy 3 mét, nên nhiều người gọi là “cô em gái” của bức tượng đồ sộ ngự tọa trên đảo Liberty Island, cảng New York từ năm 1886. Tượng Nữ Thần Tự Do thu nhỏ là bản sao nguyên mẫu mà tác giả là nhà điêu khắc Frédéric-Auguste Bartholdi. Bảo tàng Musée des Arts et Métiers của Paris cho New York mượn bức tượng nói trên trong 10 năm với ngụ ý thể hiện sự gắn bó giữa hai dân tộc Pháp và Mỹ. Ngoài ra, ở thời điểm này, Paris và New York cùng nhấn mạnh đến hình ảnh “Nữ Thần Tự Do với ngọn đuốc sáng dẫn đường cho nhân loại”.
(AFP) – Nhiệt độ kỷ lục tại Nam Cực được ghi nhận 18,3°C ngày 06/02/2021. Nhiệt độ này được ghi nhận ở trạm khoa học Esperanza của Achentina và là mức cao chưa từng có ở Nam Cực, vượt qua 17,5°C được ghi nhận ở cùng địa điểm vào ngày 24/03/2015. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới ngày 01/07, sự kiện này cho thấy cần có những biện pháp khẩn cấp chống biến đổi khí hậu.
(AFP) – Chạy đua lên không gian : đến lượt nhà tỷ phú Anh, Richard Branson nhập cuộc. Hôm 01/07/2021, chủ nhân tập đoàn Virgin thông báo kế hoạch thám hiểm không gian. Nếu điều kiện cho phép, kể từ ngày 11/07 này, tức chưa đầy hai tuần nữa, Richard Branson sẽ đáp phi thuyền Virgin Galactic lên không gian. Như vậy là tỷ phú người Anh này còn đi trước cả sáng lập viên tập đoàn Amazon, Jeff Bezos hay chủ nhân Tesla, Elon Musk.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210702-tin-tong-hop