Tin Trong Nước – 2/7/21
Sáng 2/7: Ai sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?; Cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9
Cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9
Thanhnien – Ngày 1/7, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng ký quyết định thi hành kỷ luật cách chức đối với thiếu tướng Trần Văn Tài, Phó tư lệnh Quân khu 9, “do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng”.
Theo báo chí trong nước, trước đó, hôm 25/5, Ban Bí thư đã họp và đưa ra kết luận trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó bí thư Đảng uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, ông Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định.
Vi phạm của thiếu tướng Trần Văn Tài được xác định là “rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức đảng, Quân đội Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần phải kỷ luật nặng.
Ai sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?
Tuoitre – Người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 sẽ được nhận từ 1,5 triệu đồng/người đến 3,71 triệu đồng/người, trong khi lao động tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người…
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành, nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo nghị quyết mới này, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Đầu tiên là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Thứ đến là chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Thứ 3, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Tiếp đến là hỗ trợ một lần người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với mức 1,8 triệu đồng/người (nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng) và mức 3,7 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.
Nội dung thứ 5 của nghị quyết nêu hỗ trợ một lần người lao động ngừng việc do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó là hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động, mức 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất.
Chưa hết, gói 26.000 tỷ đồng còn để hỗ trợ người lao động đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thêm 1 triệu đồng/người.
Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định (80.000 đồng/người/ngày) và được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4 đến hết 31/12/2021.
Nội dung thứ 8 quy định hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) từ ngày 27/4 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Người phải cách ly (F1) cũng được nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày không quá 21 ngày.
Thứ 9 là hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ và đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp đến, các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.
Kế đó, với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Cuối cùng là chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
40 doanh nghiệp muốn tổ chức công nhân ở lại nhà máy
VnExpress – 40 doanh nghiệp ở TP.HCM đã đăng ký tổ chức cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy để đảm bảo sản xuất và phòng chống COVID-19.
Chiều 1/7, Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho hay, đang phối hợp ngành chức năng kiểm tra điều kiện tổ chức nơi ở tập trung tại 22 doanh nghiệp thuộc Hepza đăng ký thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất. Nếu đạt yêu cầu, Hepza sẽ chấp thuận để các nhà máy triển khai.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó ban quản lý Hepza giải thích “cách ly” được hiểu là doanh nghiệp bố trí nơi ở, làm việc của lao động tại nhà máy tách biệt bên ngoài tránh đưa mầm bệnh vào. Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như được cơ quan chức năng đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp; nơi ở tách biệt khu vực sản xuất; lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát…
Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) là một trong 40 doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay nhà máy có nhiều đơn hàng cần hoàn thành, nếu dịch xâm nhập mà không ứng phó kịp sẽ thiệt hại lớn. Do đó, doanh nghiệp đã lên phương án bố trí cho hơn 700 công nhân ở lại nhà máy nếu phát hiện dịch.
Trước diễn biến dịch phức tạp, hai hôm trước UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương phối hợp Sở Y tế thẩm định các doanh nghiệp ở thành phố đã đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly, hoàn thành trước ngày 5/7. Hepza tiếp tục vận động, nhân rộng doanh nghiệp triển khai cách làm trên.
TP.HCM có hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà máy với hơn 1,6 triệu lao động. Môi trường làm việc ở nhà máy được đánh giá khép kín, đông người, khi dịch xuất hiện dễ bùng phát, khó kiểm soát. Thời gian qua, các nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7), Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức) ghi nhận nhiều ca nhiễm, bị phong tỏa và ngừng sản xuất.
Quảng Bình gửi hàng tấn cá biển vào tâm dịch Sài Gòn
Vietnamnet – 5 giờ sáng ngày 30/6, những thành viên của Câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình í ới gọi nhau đến chợ cá Nhân Trạch – chợ hải sản lớn nhất ở địa phương. Họ bắt đầu thu mua cá tươi vừa được các ngư dân chuyển lên bờ sau một đêm đi đánh bắt.
Sau khi thu mua, những thành viên tiếp tục vận chuyển đến kho đông lạnh để sơ chế, đóng gói số cá. Việc thu mua, đóng gói kéo dài đến tận trưa.
Chị Trần Thị Thùy Dung, Chủ nhiệm CLB Du lịch Quảng Bình cho biết, chiến dịch gom cá tặng người Sài Gòn bắt đầu từ chiều ngày 28/6.
Chị Dung cho hay: “Hiện tại, ở TP.HCM do dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc, giảm thu nhập, những bữa ăn hằng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Quảng Bình cũng như các tỉnh miền Trung bị lũ lụt tàn phá, đã nhận được sự hỗ trợ của người dân cả nước. Vì vậy người dân ở mảnh đất này muốn làm việc gì đó để cảm ơn những ân tình mà họ nhận được”.
Chị Dung cũng chia sẻ thêm, Quảng Bình là miền biển, đặc sản mùa này là cá nục – món hải sản tươi, ngon, nhiều dưỡng chất, giá cả lại phải chăng. Vì vậy nhóm chị đã quyết định chọn loại cá này để gửi tặng người dân Sài Gòn.
Chị cho hay: “Giá cá nục mua tại thuyền là 15 nghìn đồng/kg, cộng thêm chi phí túi đựng, cấp đông… là khoảng 20 nghìn/kg. Vì vậy chúng tôi quyết định chọn cá nục để có thể mua được nhiều, chuyển vào cho bà con. Cá sẽ được đưa đến các khu vực cách ly, người lao động nghèo, công nhân thất nghiệp…”.
Lời kêu gọi của nhóm được nhiều cá nhân, tổ chức hưởng ứng và ủng hộ bằng nhiều hình thức. Chị Dung nói “Có người góp vài kg cá nục, có người góp cả tạ cá ngừ, cá thu. Trong đó, một nhiếp ảnh gia cũng quyết định đấu giá ảnh và dùng toàn bộ số tiền để ủng hộ người dân Sài Gòn. Sau 2 ngày kêu gọi, số tiền chúng tôi nhận được lên đến khoảng 100 triệu đồng”.
Điều may mắn là việc thu mua cá để hỗ trợ Sài Gòn đều được người dân làng chài ủng hộ nhiệt tình.
Chị Dung nói thêm “Từ khâu thu mua đến giá cả, nhân lực cấp đông, vận chuyển, chúng tôi đều được ưu đãi. Chúng tôi còn được một công ty vận tải hỗ trợ chuyển 1 xe container chở cá từ Quảng Bình vào Sài Gòn (khoảng 30 tiếng) hoàn toàn miễn phí”.
Chị cho biết thêm: “Khi cá được chuyển vào Sài Gòn, những con người quê ở Quảng Bình sống ở đây sẽ hỗ trợ làm việc với chính quyền, phân bố cá về “Tủ lạnh yêu thương 0 đồng” ở các địa phương vùng dịch, để cung cấp cho bà con”.
CLB Du lịch Quảng Bình có hơn 50 thành viên. Họ là những người làm trong ngành du lịch của tỉnh này. Đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua, họ đã chung tay giúp đồng bào mình vượt khó khăn.
Các thành viên của CLB kêu gọi và nấu 17 nghìn suất cơm đưa đến vùng lũ. Họ cũng tổ chức thành công chiến dịch thu mua rác thải sau lũ, nhằm dọn dẹp môi trường sống cho địa phương.
Chị Dung nói: “Dù những người làm du lịch như chúng tôi cũng đang phải trải qua quãng khoảng thời gian khó khăn chung do đại dịch, nhưng chúng tôi vẫn muốn đồng hành hỗ trợ cùng cộng đồng, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.
Trưa 2/7: Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm; Giá nước sạch sinh hoạt được điều chỉnh mới
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm
vtv – Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, đang diễn ra một cuộc họp trực tuyến, để đưa ra quyết sách cuối cùng về sản lượng. Trước thềm cuộc họp này, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua, do những kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu nhiên liệu.
Hiện giá dầu thô WTI giao tháng Tám đã tăng 3,2% lên gần 76 đô la Mỹ /thùng – mức cao nhất kể từ năm 2018. Giá dầu Brent cũng bật tăng 2% và được giao dịch ở mức hơn 76 đô la Mỹ/ thùng. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng giá dầu sẽ không quay đầu giảm, ngay cả khi OPEC+ quyết định tăng sản lượng thêm 500 nghìn thùng/ngày.
Bank of America thậm chí còn dự báo, giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng trong năm sau, do sự gia tăng nhu cầu về nhiên liệu, sau khi các biện pháp hạn chế đi lại tại nhiều nước dần được nới lỏng.
Bộ Tài chính ban hành quy định về khung giá nước sạch sinh hoạt mới
vov – Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 44/2021 quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt mới bắt đầu từ ngày 5/8/2021.
Theo đó, giá nước sạch được tính theo các yếu tố chi phí sản xuất, phân phối, tiêu thụ; phù hợp với chất lượng nước, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, thu nhập của người dân …
Khung giá nước sạch được quy định như sau: Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu 3.500 đồng/m3, tối đa 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 có mức từ 3.000-15.000 đồng/m3. Khu vực nông thôn có mức từ 2.000-11.000 đồng/m3.
Khung giá nước sạch quy định nêu trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do tỉnh quyết định. Thông tư số 44/2021 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/8/2021.
TP. Thanh Hóa: Nhiều công trình xây dựng được ‘mở lối’ để hợp thức hóa sai phạm
Thanhnien – Những năm gần đây, trên địa bàn TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) không khó để phát hiện các công trình, dự án từ nhỏ đến lớn bất chấp quy định xây dựng lấn chiếm, sai giấy phép. Cơ quan chức năng có phát hiện, lập biên bản nhưng xử lý không triệt để, trái lại còn “mở lối” để “hợp thức hóa sai phạm”.
Một ngã tư, 5 công trình vi phạm
Gần đây, trên địa bàn TP.Thanh Hóa xuất hiện nhiều công trình, dự án vi phạm về trật tự xây dựng bị phạt hành chính, khiến UBND tỉnh này phải ban hành chỉ thị yêu cầu nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn.
Ngã tư giao nhau giữa đại lộ Võ Nguyên Giáp với đường CSEDP (khu vực giáp ranh giữa P.Đông Vệ và P.Quảng Thành, TP. Thanh Hóa) là một trong những ngã tư lớn, mới được hình thành, tạo nên cảnh quan đô thị văn minh và hiện đại ở khu vực phía nam TP.Thanh Hóa. Thế nhưng, ngã tư này đang bị “xâm hại” bởi hàng loạt công trình, dự án lớn xây dựng sai quy hoạch mặt bằng, giấy phép xây dựng.
Điển hình như Trung tâm tổ chức sự kiện White Palace, hay còn gọi là “Cung điện trắng” ở ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP, có tổng diện tích hơn 7.900 m2. Dự án đã được xây dựng với công trình bề thế là tòa nhà khách sạn – thương mại đang hoạt động. Tuy nhiên, khoảng cách từ tường công trình đến đại lộ Võ Nguyên Giáp chỉ có 19m, trong khi quy định tối thiểu phải cách 25,4m.
Không chỉ vi phạm chỉ giới xây dựng, “Cung điện trắng” còn có tầng cao, diện tích xây dựng không phù hợp với tổng mặt bằng quy hoạch; chủ đầu tư tự ý xây khu nhà 1 tầng, rộng khoảng 140m2, dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp để làm quán cà phê, trong khi công trình này không có trong mặt bằng xây dựng.
Tháng 3/2020, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội kiểm tra quy tắc đô thị TP. Thanh Hóa và UBND P.Đông Vệ đã kiểm tra, phát hiện các vi phạm trên và ra quyết định phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, sau xử lý vi phạm hành chính, các hạng mục vi phạm vẫn hoàn thành và đi vào hoạt động.
Cũng tại ngã tư trên, một số dự án mắc sai phạm tương tự, như: dự án cửa hàng xăng dầu loại 3 của Công ty TNHH đầu tư xây lắp – Thương mại Việt Nga, đã xây dựng nhà xưởng rộng 580 m2, vi phạm chỉ giới xây dựng và sử dụng không đúng mục đích; Trung tâm thương mại tổng hợp và Showroom ô tô Ford Thanh Hóa xây thêm 3 hạng mục công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; dự án khu thương mại hỗn hợp của Công ty Cp đầu tư Thương mại – Du lịch Hoàng Sơn cũng xây dựng nhiều công trình vi phạm chỉ giới xây dựng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng khu vực ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp với đường CSEDP, đã có tới 5 dự án chủ đầu tư các dự án đã xây dựng công trình không có trong mặt bằng quy hoạch xây dựng, sai giấy phép xây dựng, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Các dự án được xây dựng vào giai đoạn 2015 – 2019 và chính quyền địa phương, đơn vị chức năng đều biết, có kiểm tra, lập biên bản và xử lý hành chính, nhưng không hiểu vì lý do gì, các công trình vi phạm vẫn hoàn thành, hoạt động như chốn không người.Không cho phép hợp thức hóa sai phạm Đầu năm 2021, sau khi thành lập đoàn kiểm tra các dự án khu vực ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trong đó nêu rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm trước tiên thuộc về UBND P.Đông Vệ, UBND P.Quảng Thành và UBND TP. Thanh Hóa.
Sở này cũng khẳng định phần vi phạm của các dự án “không phù hợp với hồ sơ đầu tư xây dựng được thẩm định, cấp phép”, nhưng không kiến nghị xử lý tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định, mà lại đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa “nghiên cứu phương án quy hoạch” đối với khu vực nút giao thông đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Hòa, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP. Thanh Hóa, thừa nhận chính việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn công trình sai phạm chưa hiệu quả đã dẫn tới các công trình vi phạm vẫn tồn tại.
Người nghèo Sài Gòn xếp hàng nhận cơm Việt Kiều
Thanhnien – Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM kéo dài, hàng loạt các hoạt động hỗ trợ cộng đồng diễn ra ở khắp nơi.
Mấy ngày qua, đúng 16 giờ 30 phút, điểm phát cơm miễn phí tại số 270 đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, Sài Gòn lại có hàng dài người nghèo xếp hàng chờ tới lượt nhận cơm. Toàn bộ 5.000 phần cơm phát trong 10 ngày đều do người Việt tại bang Texas, Mỹ tài trợ.
Anh Lâm Hoài Trung (34 tuổi, đại diện nhóm phát cơm) cho biết, qua sự kết nối của một người bạn đang định cư ở Mỹ, nhóm anh nhận được hỗ trợ 151 triệu để mua gạo từ một nhóm người Việt tại Mỹ. Ngay lập tức, anh tập hợp một số người lại để nấu cơm phát cho người nghèo Sài Gòn.
6 tấn gạo được tài trợ, nhóm đã chia sẻ 5 tấn đến các bếp cơm 0 đồng, còn lại 1 tấn quán dành để nấu 5.000 phần cơm phát cho bà con bị ảnh hưởng bởi dịch tại quận Gò Vấp.
Mỗi ngày, nhóm tập trung từ 8 giờ sáng để chuẩn bị nấu 500 phần cơm, liên tục trong 10 ngày. Tính cả thời gian chia phần, đóng bịch, mọi công đoạn hoàn thành vào lúc 4h chiều. Đến 4 giờ 30 phút, nhóm phát phiếu và 5 giờ chiều bắt đầu phát cơm.
Thấy hoạt động thiết thực, hỗ trợ được nhiều người gặp khó khăn vì dịch, nhiều bạn bè đã gửi thêm các loại rau, củ để góp sức với nhóm.
Ngày đầu, phải mất hơn 1 tiếng nhóm mới phát xong 300 phần cơm. Nhưng đến ngày thứ hai trở về sau, thông tin được chia sẻ ở nhiều nơi, số người đến nhận tăng lên, nên 300 phần cơm hết sạch trong 20 phút. 200 phần cơm còn lại được nhóm chia nhau đi phát khắp các cung đường của thành phố cho người lao động, người vô gia cư hoặc gửi vào mái ấm, khu phong tỏa.
Hàng dài người đến chờ nhận cơm, đa phần là người lao động lớn tuổi, làm nghề nhặt ve chai, bán vé số, xe ôm hoặc thất nghiệp vì dịch, kéo dài đến hàng chục mét trên vỉa hè. Không ai giành chỗ của ai, người tới sau tự động xin phiếu nhận cơm rồi đứng vào cuối hàng.
Ông Trịnh Việt Hùng (70 tuổi) cho biết, cả tháng qua khu phố bị phong tỏa, ông cũng mất việc, con cái ở xa, nhà lại toàn anh em có tuổi nên phải ra xin cơm từ thiện để ăn qua ngày.
Bà Đỗ Thị Tá (78 tuổi) có dáng người thấp bé, đội chiếc nón lá rách te tua, đôi mắt mờ đục, các nếp nhăn xếp chồng lên nhau, tay bà xách mấy bọc ve chai nổi bật giữa dòng người thẳng tắp.
Ngày 30/6 là ngày thứ năm điểm phát cơm từ thiện Việt kiều Mỹ hoạt động, cũng là ngày thứ năm bà được nhận cơm tại đây. Bà cứ tấm tắc khen mãi: “Cơm ngon lắm, tôi ăn no lắm”.
Đứng cách bà Tá chừng 10 người, ông Nguyễn Văn Ba (58 tuổi, xe ôm truyền thống) than: “Ế cả hai tháng nay, được hỗ trợ hộp cơm mừng lắm. Mỗi ngày chỉ được 1 – 2 cuốc xe, kiếm hai, ba chục ngàn. May mà nhà ông bà già để lại, chứ ở trọ là chết đói”.
Theo kế hoạch, nhóm sẽ phát cơm vào 5 giờ chiều từ 25/6 đến 4/7, với tài trợ của người Việt tại Mỹ. Sau đó, nhóm sẽ tự bỏ kinh phí để tiếp tục duy trì các phần cơm gửi đến bà con lao động nghèo Sài Gòn.