Phương Tây đang ‘ngây thơ’ trước một Trung Quốc nham hiểm?
Lê Minh • 09:45, 02/07/21
Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)
Cho dù muốn hay không muốn, các nền dân chủ phương Tây đã bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh mới, ngày càng sâu sắc với Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo của họ càng nhanh chóng nắm bắt được thực tế nghiệt ngã này, thì họ càng có tư thế để đối đầu tốt hơn.
Ông Armin Laschet, người dẫn đầu trong cuộc chạy đua trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, gần đây đã nói rằng ông không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Ông Laschet không phải là người duy nhất suy nghĩ như vậy. Nhiều chính trị gia phương Tây đang cảnh giác với quan điểm chống lại Bắc Kinh, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Liệu họ có đáng trách không? Rõ ràng, việc quay trở lại những ngày đen tối của sự cạnh tranh không ngừng giữa các siêu cường sẽ chỉ làm tổn hại đến sự thịnh vượng và làm sống lại bóng ma của cuộc xung đột tàn khốc.
Nhưng theo ông Michael Schuman, tác giả của “Siêu năng lực bị gián đoạn: Lịch sử Trung Quốc của thế giới” và “Điều kỳ diệu: Câu chuyện sử thi về hành trình tìm kiếm sự giàu có của châu Á”, cho dù muốn hay không muốn, các nền dân chủ phương Tây đã bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh mới, ngày càng sâu sắc với Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo của họ càng nhanh chóng nắm bắt được thực tế nghiệt ngã này, thì họ càng có tư thế để đối đầu tốt hơn.
Phải làm gì để đối phó với Trung Quốc khi mà sự trỗi dậy của quốc gia này đã trở thành tâm điểm trong cuộc thảo luận giữa Mỹ và các đồng minh? Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn tại cuộc họp G7 vào tháng này, và mặc dù các quốc gia công nghiệp phát triển lớn đã cố gắng tạo ra một mặt trận thống nhất, nhưng rõ ràng là sự khác biệt vẫn còn và các cuộc tranh luận vẫn diễn ra gay gắt. Cả 2 bên đều có những luận điểm xác đáng: Washington coi Bắc Kinh là một mối đe dọa cần phải đương đầu; những người khác, dẫn đầu là bà Angela Merkel, không sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ khăng khít này.
Sai lầm lớn nhất của các cường quốc phương Tây là nghĩ rằng họ vẫn đang ngồi trên ghế lái trong quan hệ với Trung Quốc. Tất nhiên, quyết định của họ rất quan trọng, nhưng Trung Quốc cũng vậy, và hiện giờ tính quyết định của Bắc Kinh trong “cuộc chơi” này còn trở lên quan trọng hơn bao giờ hết. Tất nhiên, chính sách đối ngoại của Trung Quốc, giống như bất kỳ quốc gia nào, một phần là để phản ứng với sự thay đổi của thời đại. Nhưng Bắc Kinh có chương trình nghị sự riêng, bắt nguồn từ nền chính trị của đất nước và thế giới quan của giới lãnh đạo và đang vận hành theo cách riêng của họ. Điều đó sẽ tiếp tục đối chọi với những điều các nhà hoạch định chính sách ở Washington, Berlin và Paris đang hướng tới.
Mục tiêu của Bắc Kinh là làm bất cứ điều gì cần thiết để khôi phục quyền lực của Trung Quốc – từ xây dựng khả năng quân sự cho đến tài trợ cho nghiên cứu chip. Điều này bản thân nó không nhất thiết là điều xấu. Những người ở Mỹ và châu Âu hoàn toàn ủng hộ việc Trung Quốc trở nên thịnh vượng, có ảnh hưởng lớn hơn và là trụ cột của tiến bộ kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự tiệc chào mừng các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26 tháng 4 năm 2019. (Ảnh của Nicolas Asfouri/Pool/Getty Images)
Nhưng ban lãnh đạo hiện tại do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu đang theo đuổi lợi ích quốc gia của mình theo những cách khiến xung đột với các nền dân chủ phương Tây gần như không thể tránh khỏi. Ông Tập không chỉ khẳng định tầm ảnh hưởng mới của Trung Quốc; ông ta còn đang sử dụng nó như một thứ công cụ để làm suy yếu các lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.
Với việc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đang vi phạm các quy tắc quốc tế.
ĐCSTQ đang tấn công các lý tưởng dân chủ bằng cách lạm dụng những phương tiện truyền thông xã hội cởi mở của phương Tây và phản đối các nhà phê bình. Những người thách thức Bắc Kinh, chẳng hạn như chính phủ Úc, phải đối mặt với chiến tranh kinh tế nhằm ép buộc họ phải nghe theo.
Ông Tập đã báo hiệu hướng đi này trong nhiều năm. Ông này kêu gọi một “kiểu quan hệ quốc tế mới”, bề ngoài có vẻ rất tốt đẹp: “Tất cả các quốc gia nên tôn trọng chủ quyền, phẩm giá và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, các con đường phát triển và hệ thống xã hội của nhau”. Nhưng điều đó trong thực tế lại có nghĩa là một trật tự toàn cầu, nơi dân chủ không thống trị tối cao.
Đây chính là mối đe dọa đối với chính nền tảng của hệ thống toàn cầu hiện tại – mối đe dọa từ một cường quốc độc tài có ý định định hình lại trật tự quốc tế.
Ông Tập đã biện minh cho chế độ ngày càng đàn áp của mình bằng cách hứa sẽ đạt được “Giấc mộng Trung Hoa”, một sự phục hồi sự vĩ đại của quốc gia, điều cốt yếu đối với sự thống trị tiếp tục của ông ta.
Với những nguy cơ đe dọa tứ bề, ông Tập đang tìm cách ngăn cản Mỹ và các đồng minh can thiệp làm xáo trộn những toan tính của mình. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã vạch ra những “lằn ranh đỏ” về mọi vấn đề được phương Tây quan tâm, bao gồm tình trạng của Đài Loan và cuộc đàn áp đối với phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Trong chính sách kinh tế, các quan chức đã thể hiện sự không sẵn sàng giải quyết những bất bình của các đối tác thương mại, từ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến các khoản trợ cấp làm bóp méo thị trường. Tháng 3 vừa qua, tại một cuộc họp với các quan chức Mỹ ở Alaska, Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đã nói rõ rằng Bắc Kinh không còn cảm thấy cần phải lắng nghe Washington nữa.
Đó là quyền của Trung Quốc. Nhưng nó cũng để lại rất ít không gian để thương lượng. Tuy nhiên, một số chính trị gia ở thế giới phương Tây dường như không chú ý đến. Ông Sanders, trong một bài luận gần đây , đã lập luận một cách ngây thơ về sự hợp tác và lập trường cứng rắn đối với các vấn đề vi phạm nhân quyền – đây chính xác là những gì mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ.
Ông Laschet tin rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác quan trọng trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và không thể đơn giản bị coi là đối thủ. Ông và một số lãnh đạo phương Tây cố bám víu lấy hy vọng này và coi đó như một con đường để tránh một cuộc đối đầu rộng lớn hơn.
Nhưng đi theo con đường đó có cái giá phải trả: Phải tuân theo chương trình nghị sự lớn hơn của Bắc Kinh và rơi vào cái bẫy mà nó đã giăng ra đối với trật tự tự do và các giá trị dân chủ. Rõ ràng, lựa chọn giữa một cuộc chiến tranh lạnh mới hoặc chấp nhận một cường quốc độc tài không phải là điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây muốn thực hiện. Nhưng Trung Quốc đang làm điều đó cho họ.
Lê Minh – Theo Bloomberg