Tin Tổng Hợp – 30/6/21
Có sự kiểm duyệt, giám sát của Trung Quốc tại các giảng đường Úc
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đông đảo sinh viên Trung Quốc tại các đại học ở Úc đã tạo ra một môi trường tự kiểm duyệt với các bài giảng nhằm tránh chỉ trích Bắc Kinh, Reuters cho hay.
Một số phụ huynh ở Hoa lục bị công an Trung Quốc chất vấn về các hoạt động của con em họ ở Úc; cảnh sát Hong Kong đã thẩm vấn một du học sinh về các hoạt động cổ suý dân chủ, HRW cho biết trong phúc trình công bố ngày 29/6.
Vẫn theo tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế, tình trạng tự kiểm duyệt ngày càng trầm trọng trong khi các đại học chuyển qua dạy online giữa đại dịch COVID trong lúc học sinh Trung Quốc tham gia các lớp học trực tuyến từ sau hệ thống kiểm duyệt internet ‘Vạn lý Tường lửa’ của Bắc Kinh.
Tác giả phúc trình, Sophie McNeill, nói xu hướng này làm mai một tự do học thuật của tất cả học sinh trong lớp và xói mòn tự do học thuật tại Úc.
Một ví dụ được đưa ra là một lớp học online đã gỡ bỏ các phần tham chiếu liên quan tới vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn 1989.
Trước đại dịch, 40% trên tổng số các du học sinh ở Úc là từ Trung Quốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn 24 du học sinh có quan điểm cổ suý dân chủ đang theo học ở Úc, 11 người trong số này từ Hoa lục, 13 từ Hong Kong.
“Nếu bạn phản đối đảng cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài, họ sẽ tìm thân nhân của bạn và buộc bạn phải trả giá, cho dù bạn đang ở Úc,” theo lời một du học sinh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trích dẫn trong phúc trình.
Học sinh này đã đăng tài liệu ‘chống nhà nước’ lên Twitter và cho biết công an Trung Quốc năm ngoái đã chính thức cảnh cáo cha mẹ của em tại quê nhà.
Một du học sinh từ Hong Kong báo cảnh sát Úc rằng sau khi em lên tiếng tại một cuộc tuần hành dân chủ thì có 4 người che mặt nói tiếng Hoa tìm tới nơi em trú ngụ, cầm gậy rượt đuổi em. Sau vụ việc này, em phải ngủ trên xe và rồi tìm chỗ ở mới. Hiện em đang xin tị nạn tại Úc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hơn phân nửa số du học sinh bị uy hiếp không báo cáo cho nhà trường biết vì e rằng trường quan tâm hơn tới chuyện duy trì quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Phân nửa các nhà giáo được tổ chức này phỏng vấn cho biết họ phải tự kiểm duyệt trong lớp học, tránh bàn về Trung Quốc ở giảng đường.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính phủ Úc hàng năm báo cáo các trường hợp sách nhiễu và kiểm duyệt cũng như các trường học phải liệt kê các học sinh ‘chỉ điểm’ bạn học hay giáo viên vào thành phần sách nhiễu và có biện pháp trừng phạt.
https://www.dkn.tv/the-gioi/co-su-kiem-duyet-giam-sat-cua-trung-quoc-tai-cac-giang-duong-uc.html
Nhà cầm quyền quân sự Myanmar không cho báo chí gọi họ là chính quyền quân sự
Nhà cầm quyền quân đội Myanmar ngày 30/6 đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với các hãng tin nước ngoài gọi họ là chính quyền quân sự cũng như tường trình về sự kiện họ chiếm quyền hồi tháng 2 năm nay là một cuộc đảo chánh.
Nhiều hãng tin nước ngoài, kể cả Reuters, đã dùng các cụm từ như vậy khi nói về Hội đồng Chính quyền Quốc gia do quân đội lãnh đạo và vụ lật đổ lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi
Bộ Thông tin do quân đội kiểm soát đưa ra cảnh báo vừa kể trên nhật báo Global New Light of Myanmar.
“Một số hãng tin nước ngoài được cảnh báo từ nay chớ nên dùng cụm từ chính quyền quân sự để ám chỉ chính phủ và chớ nên trích dẫn hay thổi phồng tin giả,” theo cảnh báo của Bộ Thông tin.
“Sẽ có những hành động chống lại họ theo luật lệ hiện hành nếu họ dùng sai, trích dẫn và thổi phồng tin giả cũng như gieo rắc thông tin sai lạc.”
Giám đốc Bộ Thông tin và phát ngôn viên của nhà cầm quyền Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Chính phủ quân sự Myanmar kiên quyết nói rằng họ nắm quyền phù hợp với hiến pháp, cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi thắng áp đảo vào tháng 11 năm ngoái. Cáo buộc này bị ủy ban bầu cử lúc đó và các nhà quan sát quốc tế bác bỏ.
Các nước phương Tây lên án việc chiếm quyền là một cuộc đảo chánh và áp đặt chế tài có giới hạn lên nhà cầm quyền quân sự Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar bị các tổ chức tự do báo chí chỉ trích vì bắt nhiều nhà báo, thu hồi giấy phép của một vài tổ chức truyền thông độc lập và hạn chế tiếp cận internet.
Lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing nói truyền thông là thiết yếu cho nền tự do ngôn luận và dân chủ, nhưng cũng kêu gọi truyền thông địa phương ngăn chặn việc xâm nhập của những ý tưởng nước ngoài.
Ân Xá Quốc Tế: Luật an ninh quốc gia gây «khủng hoảng» về nhân quyền tại Hồng Kông
Hôm nay, 30/06/2021, tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) ra báo cáo khẳng định Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt tại Hồng Kông cách đây đúng 1 năm, đã gây ra một cuộc « khủng hoảng « trong lĩnh vực nhân quyền tại đặc khu hành chính.
Ngày này cách nay một năm, bất chấp sự phản đối gay gắt của đại đa số người dân Hồng Kông, Trung Quốc đã ban hành Luật An ninh Quốc gia tại vùng đất bán tự trị. Theo Bắc Kinh, bộ luật là công cụ để trừng phạt các hành vi lật đổ chính quyền, khủng bố, ly khai và thông đồng với các thế lực nước ngoài, thiết lập ổn định trật tự ở đặc khu hành chính.
Bà Yamini Misha, giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh: «Trong một năm qua, Luật An ninh Quốc gia đã hướng Hồng Kông tới một chế độ cảnh sát trị, làm cho tình hình nhân quyền chuyển biến đáng lo ngại».
Trước khi áp đặt luật, Bắc Kinh cũng như chính quyền Hồng Kông cố gắng giải thích rằng công cụ pháp lý này chỉ nhắm tới một « thiểu số đối tượng cực đoan » nhằm tái lập ổn định tại Hồng Kông, sau các cuộc biểu tình khổng lồ hồi năm 2019, phản đối bộ luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc. Sự kiện khi đó đã rúng động đặc khu hành chính.
Báo cáo của Amnesty International được công bố trong bối cảnh tuần trước nhật báo duy nhất ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông Apple Daily đã phải đóng cửa vì sự dồn ép, trấn áp ồ ạt của chính quyền. Sau ông chủ của tờ báo, tỷ phú Lê Trí Anh, hàng loạt các lãnh đạo tòa báo bị bắt, tài sản phong tỏa… Tất cả đều chiểu theo các điều khoản của Luật An ninh Quốc gia với cáo buộc chung chung, mập mờ « thông đồng với các thế lực nước ngoài».
Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ rõ : « Từ chính sách văn hóa, giáo dục cho đến truyền thông, Luật An ninh Quốc gia đã tác động đến toàn thể xã hội Hồng Kông, gây ra không khí sợ hãi khiến người dân buộc phải cân nhắc suy nghĩ về những điều muốn bày tỏ và về cách sinh hoạt của mình».
Bản báo cáo dày 47 trang của tổ chức phi chính phủ trên trích dẫn các phân tích những quyết định pháp lý, các cuộc tiếp xúc với những nhà hoạt động và đi đến kết luận rằng việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã « dẫn đến hàng loạt vi phạm nhân quyền».
Theo thống kê của chính quyền Hồng Kông, đã có 117 người tuổi từ 15 đến 79 đã bị bắt, trong đó hơn 60 người đã bị truy tố theo Luật An ninh Quốc gia từ khi được ban hành đến nay.
Anh Vũ
(RFI) – Nga: Hơn 600 người chết mỗi ngày vì Covid, Putin khó tuyên bố chống dịch thành công. Hôm nay, 30/06/2021, tổng thống Nga có cuộc trả lời câu hỏi của thính giả trên truyền hình, với chương trình mang tên «Đường dây trực tiếp». Chương trình thường niên phải hủy bỏ vào năm ngoái, do đại dịch. Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot, tại Matxcơva, «sẽ rất khó để ông Putin khẳng định như đã làm trong nhiều tháng rằng Nga đã vượt qua thành công đại dịch Covid-19 này…. Các con số rất, rất đáng lo ngại : hơn 600 trường hợp tử vong mỗi ngày kể từ đầu tuần, con số nhiễm virus hàng ngày chưa từng có kể từ khi bắt đầu đại dịch, và các bệnh viện đang sắp bão hòa». Nga là quốc gia sản xuất vac-xin xuất khẩu, nhưng dân Nga lại rất ngờ vực với các loại vac-xin sản xuất trong nước. Cho đến nay mới chỉ có 15% dân Nga tiêm ít nhất một liều, theo thống kê của trang Gogov hôm 28/06.
(AFP) – Cảnh sát Nga khám xét nhà các phóng viên điều tra độc lập về tham nhũng trong giới quyền chức. Hôm qua, 29/06, cảnh sát Nga đã đột kích vào nhà một số nhà báo điều tra của trang mạng độc lập Proïekt, và người thân của họ. Trang Proïekt đang điều tra về các hoạt động tham nhũng của bộ trưởng Nội Vụ Vladimir Kolokoltsev. Bất chấp vụ khám xét này, Proïekt cho biết vẫn sẽ công bố các kết quả điều tra. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế gọi các cuộc khám xét này là một «cuộc tấn công đáng hổ thẹn nhằm vào báo chí độc lập và tự do ở Nga», một ví dụ về «cuộc thanh trừng có hệ thống nhắm vào những tiếng nói chỉ trích vạch trần hành vi sai trái của những người nắm quyền».
(Reuters) – Ngành du lịch chao đảo vì đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại khoảng 2400 tỷ đô la Mỹ cho kinh tế thế giới. Số du khách quốc tế toàn cầu giảm đến 74% trong năm 2020 so với năm 2019. Theo ước tính của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát Triển (Cnuced), tình hình năm 2021 sẽ còn gây thất vọng hơn và ngành du lịch toàn cầu không thể ổn định trở lại trước năm 2023. Giải pháp bền vững nhất chỉ có thể là chiến dịch chích ngừa.
(Reuters) – Belarus: Mỹ cấm bán vé máy bay đến và đi từ Belarus. Ngày 29/06/2021, Mỹ ra lệnh cấm bán vé máy bay thương mại hai chiều đến và đi từ Belarus. Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Washington sau khi Minsk buộc một chuyến bay hạ cánh để bắt giữ một nhà báo bất đồng ý kiến. Đồng thời, động thái này là sự phản đối của Mỹ dành cho cuộc đàn áp gay gắt của tổng thống Belarus Alexander Loukachenko chống lại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và cáo buộc ông gian lận trong cuộc bầu cử.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210630-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p