Tin Trong Nước – 27/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 27/6/21

Tin trưa 27/6: Thêm 76 ca COVID-19; Bệnh nhân COVID-19 thứ 75 tử vong

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Thêm 76 ca COVID-19, phần lớn ở TP.HCM

Bộ Y tế trưa 27/6 ghi nhận 76 ca dương tính nCoV, gồm tại TP HCM 65, Hưng Yên 8, Bắc Giang 2, Bắc Kạn một.

76 ca mới từ số 15326-15401, trong đó 71 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Hưng Yên; Ca 15326-15333 gồm 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước, 3 ca liên quan đến một Công ty ở huyện Yên Mỹ. Kết quả xét nghiệm ngày 26/6 họ dương tính, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bắc Giang; Ca 15334-15335 là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa liên quan ổ dịch Lục Ngạn, kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6 dương tính.

TP.HCM; Ca 15336-15400 gồm 43 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 19 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi; một ca liên quan đến cửa hàng quần áo Ngọc Hà, quận 1; 2 ca đang điều tra dịch tễ.

Bắc Kạn; Ca 15401 nữ, 40 tuổi, địa chỉ huyện Chợ Đồn, liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 26/6 dương tính, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 75 tử vong

VnExpress – Bộ Y tế sáng 27/6 công bố “bệnh nhân 9779” tử vong vì sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên nền tăng huyết áp.

Theo Tiểu ban điều trị, bệnh nhân nam, 80 tuổi, địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ông có tiền sử tăng huyết áp, gout, hội chứng cushing (rối loạn nội tiết và chuyển hóa) do thuốc, đi lại khó khăn từ lâu.

Bệnh nhân sống cùng nhà con (mắc Covid-19). Ngày 10/6 ông có kết quả xét nghiệm dương tính, điều trị tại Bệnh viện quận Tân Bình. Cùng ngày, bệnh nhân khó thở, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu trong tình trạng sốt, khó thở, thở oxy gọng kính.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, kháng đông, thuốc duy trì vận mạch. Tuy nhiên do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Bệnh nhân tử vong sáng 26/6, chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên bệnh nhân tăng huyết áp, gout, cushing do thuốc.

Như vậy, đây là ca tử vong thứ 40 của đợt dịch này và thứ 75 kể từ khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020.

TP.HCM triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng: Đối tượng, điều kiện, thủ tục hưởng ra sao?

Thanhnien – TP.HCM vừa thông qua một số chế độ chính sách đặc thù, phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 886 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của TP.HCM.

Theo kế hoạch đã được thông qua, đối với đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (tức lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19, TP.HCM quy định mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, áp dụng trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. TP.HCM dự kiến có khoảng 230.000 NLĐ tự do được hỗ trợ. Để được nhận hỗ trợ, NLĐ tự do cần đảm bảo điều kiện như cư trú hợp pháp tại địa phương (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú, được cơ quan công an xác nhận), không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 (4 triệu đồng/tháng).

Trong khoảng thời gian 3 tuần thì NLĐ tự do sẽ được nhận hỗ trợ,

mức 1,5 triệu đồng/người. Nếu địa phương nơi NLĐ tự do cư trú hoạt động tích cực thì thời gian phê duyệt, chi trả sẽ nhanh hơn

Đồng thời, NLĐ tự do làm trong 6 nhóm công việc, gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của TP.HCM ngày 30.5 (như tại các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên…).

Cụ thể, NLĐ tự do sẽ điền vào các chỗ trống trong bản khai như xác định giảm thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng trong thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội, làm nghề gì, địa chỉ làm thuê (nếu có)… Phía khu phố sẽ chuyển các bản khai lên chính quyền phường/xã để họp hội đồng xét. Sau đó chính quyền quận/huyện/TP. Thủ Đức sẽ thẩm định gửi chính quyền TP.HCM phê duyệt. Khi có quyết định phê duyệt, chính quyền phường/xã sẽ ra quyết định hỗ trợ.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: “Trong khoảng thời gian 3 tuần thì NLĐ tự do sẽ được nhận hỗ trợ, mức 1,5 triệu đồng/người. Nếu địa phương nơi NLĐ tự do cư trú hoạt động tích cực thì thời gian phê duyệt, chi trả sẽ nhanh hơn”.

Với đối tượng NLĐ tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM)… bị ảnh hưởng bởi dịch, TP.HCM quy định điều kiện, mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 1 lần mức 1,8 triệu đồng/NLĐ cho khoảng 80.000 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động (vẫn còn hiệu lực) từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1.5 – 31/12/2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương…

Hỗ trợ 1 lần mức 1,8 triệu đồng/NLĐ cho khoảng 20.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ 1/5 – 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người với đối tượng NLĐ đang mang thai; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng).

TP.HCM cũng sẽ thực hiện chi hỗ trợ 1 lần 2 triệu đồng/hộ cho khoảng 10.000 hộ kinh doanh thành lập theo pháp luật doanh nghiệp (trừ hộ cho thuê nhà và mặt bằng) phải dừng hoạt động theo yêu cầu của TP để kiểm soát dịch Covid-19. Áp dụng cho khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cụ thể trên địa bàn Q.Gò Vấp, P.Thạnh Lộc (Q.12) và các khu vực khác theo chỉ đạo cụ thể của TP.HCM.

Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận lên tiếng về thông tin cấp dưới mắc COVID-19 “không chịu khai báo y tế”

Ông Nguyễn Quốc Việt (Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận) khẳng định với báo Tuổi trẻ, không có chuyện bệnh nhân COVID-19 là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong không chịu khai báo lịch sử truy vết, gây khó khăn cho địa phương như một số thông tin đăng tải.

Theo ông Việt, nữ bệnh nhân này đã khai báo và thậm chí rất nghiêm túc trong quá trình điều tra dịch tễ. Không hề có chuyện người này không khai báo y tế.

Giám đốc Việt chia sẻ trên báo Bình Thuận online, sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến sáng 26/6, ông đã liên lạc qua điện thoại và được Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tuy Phong khẳng định đã khai báo đầy đủ. Cán bộ y tế điều tra dịch tễ hỏi đến đâu thì bệnh nhân khai đến đó.

“Khi thông tin trên xuất hiện trên báo chí, chị D. có gọi điện và cho biết bản thân rất bức xúc về thông tin trên”, dẫn lời ông Việt liên quan bệnh nhân Covid-19 là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong.

Cũng theo nguồn trên, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch sáng 26/6, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho hay, do tình hình bệnh của Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện này có chiều hướng nặng hơn nên đã chuyển vào điều trị tại TP. Phan Thiết. Tại đây, nữ bệnh nhân này được chẩn đoán là tình hình bệnh không nặng hơn, bệnh nhân này chỉ có biểu hiện của việc bị căng thẳng về tâm lý.

Báo Bình Thuận cũng đăng tải chi tiết toàn bộ lịch trình của bệnh nhân Covid-19 này, từ ngày 16/6 đến khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào khuya 23/6. Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân đã được đưa đi các ly tập trung, đồng thời nhà chức trách đã phun khử khuẩn và tiến hành phong tỏa theo quy định địa điểm liên quan ca bệnh.

Theo đó, nữ bệnh nhân 51 tuổi này gặp bệnh nhân COVID là nữ bác sĩ  Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận một lần vào chiều 19/6. Một ngày sau đó, bệnh nhân trực tại khoa ngoại sản (Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong). Ngày 21/6, bệnh nhân làm việc và tiếp xúc với một số người trong cơ quan.

Sau giờ làm, nữ bệnh nhân khám cho 2 người bệnh tại số 50 thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc (Tuy Phong, Bình Thuận). Khoảng 19 giờ 30 có qua quán Hùng Loan mua đồ. Ngày 22/6, bệnh nhân đến làm việc tại TTYT Tuy Phong. Đến ngày 23/6 thì xin nghỉ việc do mệt mỏi.

Đến sáng 25/6, nữ bệnh nhân này được Bộ Y tế thông báo là 1 trong 5 ca mắc COVID-19 của tỉnh Bình Thuận.

Theo Dân trí, tỉnh Bình Thuận ngày 26/6 ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch mới bùng phát (đã được Bộ Y tế công bố), tất cả đều liên quan bệnh nhân nữ bác sĩ Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong mắc COVID-19 được xác định nhiễm bệnh do tiếp xúc với cháu gái nữ bác sĩ khoa sản này.

5 người dùng ‘chiêu’ giả bệnh nhân, thuê xe cứu thương thông chốt kiểm dịch

Tuoitre – Tối 26/6, Cục Cảnh sát giao thông cho biết vừa phát hiện, ngăn chặn một nhóm người giả bệnh nhân, thuê xe cứu thương để qua mặt lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch.

Theo đó, vào 20h30 cùng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc đội 2 của cục làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trước trạm thu phí đầu cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã phát hiện 1 ô tô cứu thương, biển số 34A 389-86, đi từ hướng Hải Phòng sang Quảng Ninh qua chốt kiểm dịch không dừng khai báo y tế.

Tổ công tác phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra và phát hiện trên xe có 6 người, gồm 1 lái xe và 5 người ngồi trong khoang phía sau.

Ban đầu những người này khai là bệnh nhân đi cấp cứu, nhưng khi lực lượng chức năng khai thác lái xe Phạm Công Hải L. (27 tuổi, trú tại Nam Sách, Hải Dương) thì nam tài xế khai báo quanh co và không xuất trình được giấy phép lái xe cho lực lượng chức năng.

Sau thời gian làm việc với cảnh sát giao thông, cả 5 người trên xe cho biết đều có hộ khẩu thường trú tại Gia Lộc, Hải Dương. Bước đầu những người này khai nhận không phải là bệnh nhân, đã dùng “chiêu thức” thuê xe cứu thương chở từ Hải Dương về Quảng Ninh để đi làm. Họ hy vọng sẽ thông chốt mà không phải dừng để khai báo y tế.

Hiện vụ việc đã được tổ công tác bàn giao cho Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) xác minh, xử lý.

Bắc Ninh “gắn chíp” cho công nhân để quản lý lộ trình

Dantri – Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, tỉnh này đã tính đến việc quản lý công nhân qua việc đeo đồng hồ gắn chíp. Qua đồng hồ, nếu công nhân đi sai lộ trình sẽ phát hiện được ngay. 

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, từ ngày 20/6, Bắc Ninh đã cho thêm công nhân trở lại nhà máy làm việc. Với 450.000 công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp, việc quản lý về lâu dài sẽ rất khó khăn. 

Do vậy, tỉnh đã tính tới việc quản lý bằng công nghệ thông qua việc yêu cầu công nhân đeo đồng hồ gắn chip. Qua đồng hồ, nếu công nhân, người lao động đi sai lộ trình, doanh nghiệp sẽ phát hiện được ngay.  

Trước đó, để đảm bảo chống dịch hai đầu (khu công nghiệp và khu dân cư) mà vẫn duy trì sản xuất, ngày 26/5, Bắc Ninh đưa ra phương án “lọc” công nhân, cho phép không quá 50% công nhân vào làm việc, ăn ở tại công ty, thậm chí cả công nhân ở vùng cách ly, giãn cách xã hội. Giải pháp này có ưu điểm vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, giảm số công nhân ở khu dân cư, tránh lây nhiễm trong cộng đồng…

Trong bối cảnh dịch bệnh, công nhân làm việc trong nhà máy được đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở, làm việc nên một số doanh nghiệp đã khuyến khích công nhân tiếp tục ở lại đến ngày 30/6 để duy trì sản xuất. Người lao động từ đó cũng có thêm thời gian tăng ca, tăng giờ làm, có thu nhập tốt hơn. 

Bắc Ninh cũng cho phép đưa hơn 2.000 lao động từ Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc, với điều kiện, các công nhân này phải là những người ở vùng không có dịch và được xét nghiệm RT- PCR 2 lần cho kết quả âm tính.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trua-27-6-them-76-ca-covid-19-benh-nhan-covid-19-thu-75-tu-vong.html

Tin tối 27/6: Công bố số tiền trẻ mồ côi sắp được nhận; Ngành thuế sẽ ‘nắm’ doanh thu người bán trên sàn thương mại điện tử

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Công bố số tiền trẻ mồ côi sắp được nhận

Thanhnien – Theo chính sách đối với trẻ mồ côi (TMC) sẽ được áp dụng theo các quy định tại Nghị định 20/2021, có hiệu lực từ 1/7.

Các trẻ mồ côi là những em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, sẽ được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng. Cụ thể, đối với trẻ mồ côi dưới 4 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng, và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Ngoài ra, trẻ mồ côi được cấp thẻ BHYT miễn phí; được miễn, giảm học phí khi học giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học… Khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, trẻ mồ côi còn được hỗ trợ: tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ BHYT.

Đối với trẻ mồ côi được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tại địa phương, sẽ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng thấp nhất là 1,8 triệu đồng đối với trẻ em dưới 4 tuổi; 1,44 triệu đồng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.

Ngành thuế sẽ ‘nắm’ doanh thu người bán trên sàn thương mại điện tử từ 2022

VnExpress – Dự kiến từ đầu năm sau, sàn thương mại điện tử phải kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.

Đây là một trong những nội dung trong thông báo của Tổng cục thuế về dự kiến lộ trình việc kết nối cung cấp thông tin thay vì áp dụng chính thức từ 1/8.

Theo lộ trình này, từ nay đến trước 1/8, Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương sẽ khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn.

Từ 1/8 đến trước 1/10, Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.

Từ 1/10 đến hết năm nay, Tổng cục Thuế và các sàn sẽ nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.

Từ 1/1/2022, sàn thương mại điện tử kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.

Với lộ trình dự kiến này, Tổng cục thuế đề nghị Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và các Sàn giao dịch thương mại điện tử có đề xuất cụ thể chậm nhất trước 3/7.

Lộ trình này được đưa ra sau khi quy định các sàn thương mại như Shoppe, Tiki, Lazada, Sendo… phải khấu trừ thuế trực tiếp trên doanh thu người bán gặp phải nhiều ý kiến trái chiều về tính hợp lý và chưa nhất quán với các luật về thuế.

Theo Nghị định 126 và Thông tư 40 do Bộ Tài chính ban hành, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin người bán bao gồm doanh thu, tài khoản ngân hàng và mặt hàng kinh doanh cho cơ quan thuế để quản lý thuế hiệu quả hơn.

Thông tư 40 quy định cụ thể về trách nhiệm này của sàn thương mại điện tử có hiệu lực từ 1/8. Tuy nhiên, nhiều sàn thương mại điện tử lo ngại đây là khoảng thời gian quá ngắn để họ kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, quy định tại Thông tư 40 cũng yêu cầu các sàn thương mại điện tử dần dần theo lộ trình sẽ phải khai, nộp thuế thay hộ cá nhân kinh doanh trên sàn. Quy định này đang có nhiều ý kiến trái chiều về tính hợp lý và chưa nhất quán với các luật về thuế.

Nhóm học sinh ‘nghiện’ TikTok rủ nhau ném đá hàng loạt ô tô trên cao tốc

Chiều 27/6, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an H.Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho biết, cơ quan này vừa làm rõ, xử lý, răn đe nhóm học sinh ném đá vào hàng loạt ô tô chạy trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn qua địa phận huyện này.

Theo vị lãnh đạo, thời gian gần đây, Công an H.Tam Dương nhận hàng loạt đơn trình báo của người dân về việc bị ném đá khi di chuyển qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn qua địa phận huyện này gây hư hỏng phương tiện, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Gần đây nhất, khoảng 7 giờ 15 sáng 22.6, anh Vương Xuân Chiến (36 tuổi, trú xã An Hòa, H.Tam Dương) điều khiển xe tải mang biển số 29H – 303.79 di chuyển trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hướng đi Lào Cai. Khi đến km33+500 thuộc địa phận xã An Hòa thì bị ném đá, vỡ kính chắn gió phía trước.

Vào cuộc truy xét, Công an H.Tam Dương đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, phối hợp cùng toàn bộ các xã, thị trấn trong huyện, nơi có tuyến cao tốc chạy qua rà soát nghi phạm để ngăn chặn hành vi nguy hiểm này.

Trong thời gian ngắn, Công an H.Tam Dương đã làm rõ nhóm học sinh cấp 2, gồm: L.T.T, L.T.G, N.Đ.D và K.T.T cùng trú H.Tam Dương, đã thực hiện hành vi kể trên.

Bước đầu, Công an H.Tam Dương làm rõ L.T.T là người khởi xướng. Do được nghỉ hè, nhiều thời gian rảnh, T. đã mượn điện thoại của bố mẹ để vào mạng xã hội TikTok xem các video có nội dung xấu, rồi rủ các bạn lên đường cao tốc để ném đá.

Tại cơ quan Công an, T. cho biết khi xem các video đó cảm thấy rất vui và hứng thú nên rủ nhóm bạn thân của mình đi ném đá, các bạn được rủ nghe xong cũng rất hào hứng. Cả nhóm chọn những viên sỏi, gạch, đá cứng sau đó nấp ở lùm cây ven đường. Khi các phương tiện đi qua, T. sẽ hô to và cả nhóm cùng ném.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, nhóm học sinh này đã thực hiện 6 buổi ném đá vào các phương tiện trên cao tốc.

Theo lãnh đạo Công an H.Tam Dương, hành vi của nhóm học sinh này đã làm hư hỏng nhiều phương tiện. Đặc biệt, tài xế chạy xe trên cao tốc thường đi với tốc độ cao, nên khi bị ném đá rất dễ giật mình, mất lái,… dễ dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.

Đề xuất lãi suất 0% “rúng động” triệu dân Việt, VAFI tuyên bố “sốc”

Với đề xuất đưa dần lãi suất về 0%, VAFI khiến người dân sửng sốt và nhận được nhiều ý kiến phản biến từ chuyên gia. Tuy nhiên, hiệp hội này vẫn tin tưởng đề xuất sẽ “thành công vang dội”.

Đưa lãi suất tiền gửi về 0%: Hướng dòng tiền vào các kênh có lợi?

Dân Trí – Sáng 22/6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm .

Theo đánh giá của VAFI, với lãi suất tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5-6,2% là “rất cao” so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, đây được cho là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Lãi suất cao có nguyên nhân cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ.

VAFI cho rằng, Việt Nam có nhiều tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0%: chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu hỗ trợ thu ngoại tệ lớn, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán thời gian qua đều tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19.

Một đề xuất tưởng tượng trong phòng máy lạnh?

Sau đề xuất trên của VAFI, từ nước Anh, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho biết, việc hạ lãi suất tiền gửi mạnh về mức 0% có thể ngay lập tức khiến Việt Nam bị xem là có hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ để hạ giá đồng tiền thông qua điều chỉnh giảm lãi suất. Trong bối cảnh chúng ta đang bị quan sát về thao túng tiền tệ, đây sẽ là bước đi sai lầm làm gia tăng căng thẳng về vấn đề này.

Thứ hai, lãi suất tiền gửi giảm về 0% sẽ khiến tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh như vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, “đốt nóng” thị trường tài chính và bất động sản. Đây là hiện tượng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảnh báo gần đây.

Ngoài ra, lãi suất cho vay phải được giữ ở mức cao vì nhiều lý do. Trong đó có việc giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc dùng lợi nhuận để bù đắp. Việc hạ lãi suất đầu vào nhưng tiền không đi vào hệ thống ngân hàng có thể chỉ làm tăng chi phí vốn chứ không tạo ra kết quả ngược lại.

Ông Tuấn cũng cho rằng, đề xuất hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trái phiếu với lãi suất 2%/năm để đưa dần lãi suất tiền gửi về 0%cũng không có cơ sở khoa học và thực tiễn nào. Khi lãi suất tiền gửi bị đẩy về 0%, người dân có rất nhiều kênh có thể đạt mức sinh lời trên 2% nhưng rủi ro cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, cho vay không chính thức, cổ phiếu.

Vị chuyên gia bình luận, đây là một đề xuất ” tưởng tượng trong phòng máy lạnh “, không có sự tham khảo thực tế về đầu tư cụ thể ở nước ngoài cũng như những nghiên cứu tài chính hành vi mới, thiếu hiểu biết về chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư hưu trí.

Đồng thời, đề xuất này lập lờ về những con số vĩ mô kèm theo như lạm phát và thanh khoản thị trường, tỷ lệ tiền gửi so với cho vay, tỷ lệ tiết kiệm cao đột biến của các nước trong đại dịch Covid-19 so với Việt Nam.

“Việc chỉ nhìn vào con số lãi suất mà không đề cập đến nền tảng vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư là vô cùng thiếu sót. Hoặc đây là một đề xuất do thiếu hiểu biết, hoặc là do cố tình lập lờ để trục lợi chính sách” – ông Tuấn nhận xét.

Đưa lãi suất về 0% là không khả thi, gây nhiều rủi ro

Trao đổi với Dân trí về nội dung này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh, đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% là không khả thi. Lý do là bởi, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam hiện vẫn ở mức 4 – 5%/năm, nếu hạ lãi suất sẽ dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản.

Hơn nữa, chính sách này sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở  Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4% trong năm nay. Nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, điều này sẽ gây rúng động hệ thống tài chính, đưa đến khủng hoảng cho các ngân hàng, đặc biệt là về thanh khoản.

“Với các quốc gia đưa được lãi suất tiền gửi về 0% thường phải đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất là tỷ lệ lạm phát thấp, thứ hai là ngân hàng không dựa quá nhiều vào nguồn huy động vốn trong dân. Đây là 2 điều kiện tiên quyết, nếu không, việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% là không khả thi”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, thị trường trái phiếu ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, không phổ biến với người dân. Người dân vẫn chưa biết nhiều đến thị trường trái phiếu, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư.

Mặt khác, thị trường trái phiếu ở Việt Nam mới nở rộ cách đây vài năm nên chưa có sự ổn định khi các nhà phát hành dùng lãi suất cao để hấp thụ vốn, đây là rủi ro rất lớn cho thị trường trái phiếu. 

VAFI: Đề xuất này sẽ “thành công vang dội”

Tuy nhiên, trước những bình luận của giới chuyên gia, vào cuối giờ sáng ngày 23/6, VAFI một lần nữa khiến công luận sửng sốt với văn bản đáp trả, cho rằng, “tất cả ý kiến phản biện đều có chung một điểm duy nhất quan liêu, là không đọc toàn bộ văn bản của VAFI khi trả lời câu hỏi của báo giới”.

Theo VAFI, sự phản đối xuất phát từ các lập luận như không thể hạ nhanh lãi suất xuống được trong bối cảnh lạm phát cao; hạ mạnh lãi suất thì hệ thống ngân hàng thiếu tiền khi dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán, kỹ thuật số, ngoại tệ… và như vậy làm mất ổn định thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó là các lo ngại như việc để người dân lao vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là đầy nguy hiểm và rủi ro. Việc hạ mạnh lãi suất cũng sẽ gây lạm phát tăng cao…

Phía VAFI nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn làm được điều đó phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành Luật thuế tài sản để “khóa” kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết .

Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. Để có các văn bản như đề xuất thì thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa.

Ngân hàng thương mại huy động vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn cần phải có ưu đãi và sự bảo đảm để người dân đầu tư vào thị trường trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành với lãi suất mục tiêu 2%/năm trong khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 0%/năm. Khoản đầu tư trái phiếu này phải an toàn như tiền gửi tiết kiệm.

“Tinh thần văn bản của chúng tôi như vậy chứ không phải khuyến nghị dân chúng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà không có bảo đảm tuyệt đối của Nhà nước” – VAFI lưu ý.

VAFI khẳng định, đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu và hiệp hội này tin tưởng rằng sẽ ” thành công vang dội “. Đồng thời nhấn mạnh: VAFI không phải là tổ chức chỉ gồm các học giả viển vông mà là các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường tài chính, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để khuyến nghị các cơ quan chính phủ ban hành chính sách”. 

https://www.dkn.tv/khac/tin-toi-27-6-cong-bo-so-tien-tre-mo-coi-sap-duoc-nhan-nganh-thue-se-nam-doanh-thu-nguoi-ban-tren-san-thuong-mai-dien-tu.html