Ðiểm Báo Pháp – 25/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 25/6/21

Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về sự cố hạt nhân Đài Sơn như thế nào

Ảnh chụp vệ tinh: Trung tâm khai thác điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 08/05/2021.
Ảnh chụp vệ tinh: Trung tâm khai thác điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 08/05/2021. AP – Planet Labs Inc.

Dù không được nêu trên trang nhất, nhưng tình hình Trung Quốc vẫn thu hút sự chú ý của báo Pháp ra ngày hôm nay 25/06/2021, đặc biệt là tờ Le Figaro. Nhật báo cung cấp thêm thông tin về sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Trung Quốc, có liên quan đến cả Pháp lẫn Mỹ.

Trong một hàng tựa nhỏ ngay trang nhất, tờ báo cánh hữu Le Figaro ghi nhận sự kiện: “Ngành kiểm duyệt của Bắc Kinh đổ ập xuống trung tâm hạt nhân EPR”, tức là nhà máy điện nguyên tử thế hệ mới mà Pháp đã giúp Trung Quốc xây dựng tại Đài Sơn, thuộc tỉnh Quảng Đông ở miền nam nước này.

Kết quả rõ ràng của chiến dịch kiểm duyệt mà tờ báo Pháp ghi nhận là hầu hết cư dân thành phố này đều không biết đến sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân đồ sộ, nằm ở ngay trung tâm tỉnh Quảng Đông, đông dân nhất ở miền nam Trung Quốc. Không một nhân viên nào trong số 10 nhà hàng được tờ Le Figaro liên lạc qua điện thoại ở đô thị 100 triệu dân này biết rằng đã có 5 “thanh” nhiên liệu hạt nhân ngay trong lò phản ứng Đài Sơn-1 gần đấy, đang rò rỉ một loại khí hiếm nhiễm phóng xạ.

Vụ việc, được CNN tiết lộ ngày 14 tháng 6 và được cả tập đoàn điện lực Pháp EDF lẫn công ty con Framatome, nhà sản xuất các “thanh” hạt nhân và là đối tác 30% của nhà máy EPR Trung Quốc, xác nhận, đều đã không đến được tai của khoảng 100 triệu người dân Quảng Đông.

Đối với Le Figaro, chủ trương của Bắc Kinh là ngăn chặn bất kỳ vấn đề nào mà chế độ cho là đe dọa sự “ổn định xã hội” của Trung Quốc vài ngày trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản, được tổ chức vào mồng Một tháng 7. Sự can thiệp của cơ quan kiểm duyệt, đã nhanh chóng bóp nghẹt các thông tin về sự cố.

Trên mạng Vi Bác Trung Quốc, một vài bài đăng đề cập đến thông tin từ bên ngoài “Bức tường kiểm duyệt ” đã bị xóa trong vòng vài giờ. Hashtag rất phổ biến “#CNN cho biết rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn” đã bị chặn. Trên diễn đàn internet Thiếp Ba (Tieba), các cuộc thảo luận của cư dân Đài Sơn đã “được tẩy sạch”, không còn bất kỳ bài đăng nào nêu lên thái độ lo ngại.

Một số người đã đề cập đến sự tương đồng giữa vụ rò rỉ phóng xạ ở Đài Sơn với dịch bệnh Covid-19 ở Vũ Hán, với tin tức về dịch ban đầu đã bị chính quyền bóp nghẹt. Một cư dân mạng đã mỉa mai đặt câu hỏi: “Tin đồn đã bị bác bỏ. Nhưng đã từng có rất nhiều “tin đồn thất thiệt”, bạn không có kinh nghiệm gì à? ”.

Một bài đăng khác thì khẳng định “Không có sự lây truyền từ người sang người”, nhắc lại thông báo của chính quyền có từ tháng Giêng năm 2020 về virus Vũ Hán. Trong nhiều tuần lễ, chế độ đã phủ nhận mức độ nguy hiểm của loại virus mới, bịt miệng các bác sĩ phát động cảnh báo. Một cư dân mạng khác cho rằng “Đài Sơn sẽ được ghi danh trong lịch sử giống như Vũ Hán.”

Một tuần sau, những bài đăng như kể trên đã bị xóa hoàn toàn trên mạng, và chỉ còn có quan điểm chính thức của chính quyền: Không có hiện tượng “rò rỉ” nào ở Đài Sơn, và mức độ phóng xạ là “bình thường”.

Bộ Môi Trường Trung Quốc đã gọi những tuyên bố của CNN là “sai sự thật”, trong lúc các chuyên gia của EDF phủ nhận tính chất nghiêm trọng của các thông báo trên truyền hình Mỹ và cho rằng chỉ riêng vụ này sẽ không đủ để gây ra một tai nạn nguy hiểm.

Tuy nhiên, phía Pháp cũng quan ngại về thái độ không rõ ràng, che giấu thông tin của đối tác Trung Quốc. Theo một cuộc điều tra của Le Figaro, tập đoàn CGN của Trung Quốc, sở hữu 70% dự án, từng phớt lờ các khuyến nghị của đối tác Pháp.

Trước đây, những thông tin đáng ngại về an toàn hạt nhân tại Đài Sơn thường được nêu rõ tại Hồng Kông, cách đó 130 km, nơi báo chí còn được tương đối tự do, với các tổ chức phi chính phủ sẵn sàng phá vỡ bức màn im lặng mà Bắc Kinh phủ kín trên đại lục. Thế nhưng giờ đây không còn thấy các phương tiện truyền thông Hồng Kông lên tiếng vì đã bị Luật An Ninh Quốc Gia có hiệu lực từ năm 2020 kiểm duyệt, mà nạn nhân mới nhất là tờ Apple Daily, tiếng nói bạo dạn nhất trên đảo.

Về sự cố Đài Sơn, Le Figaro ghi nhận sự kiện lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thoạt đầu đã bày tỏ “mối quan ngại lớn” của mình trước những tiết lộ của CNN trước khi nhanh chóng rập khuôn theo Trung Quốc. Chỉ một hôm sau, quan chức được Bắc Kinh bổ nhiệm này đã tuyên bố: “Như cơ quan an toàn hạt nhân đã báo cáo, mọi sự vẫn bình thường” ở Đài Sơn.

Châu Âu chia rẽ vì LGBT

Về thời sự châu Âu, hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu là chủ đề rất được các báo quan tâm, nhất là cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề quyền của những người đồng tính, chuyển giới tính…(LGBT). Le Monde đã dành nguyên một hồ sơ cho đề tài này, với hàng tựa lớn đập mắt ngay trang nhất: “Quyền của giới LGBT: Sự chia rẽ của châu Âu”.

Theo Le Monde, một đạo luật mà thủ tướng Hungary Viktor Orban cho thông qua, trong đó đánh đồng tình dục đồng giới với nạn khiêu dâm và ấu dâm, đang gây ra phản ứng bất bình sâu sắc trong Liên Âu. Trong bối cảnh đó, quyết định của Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA cấm chiếu sáng sân vận động Munich với màu sắc cầu vồng, biểu tượng của phong trào LGBT nhân trận đấu Đức-Hungary trong khuôn khổ Cúp Bóng Đá Euro 2020 đã làm dấy lên tranh cãi.

Tờ báo Pháp trước hết ghi nhận sự kiện là có đến 17 quốc gia trong số 27 thành viên EU đã đồng ký tên vào một văn bản tố cáo các điều khoản phân biệt đối xử đối với người đồng tính và chuyển giới do đảng của Viktor Orban chủ trương.

Văn bản được nhóm ba nước Benelux (Bỉ, Hà Lan, và Luxembourg), Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ireland, các quốc gia Scandinavia, Bắc Âu và các quốc gia vùng Baltic, những quốc gia Đông Âu duy nhất trong danh sách, đã bày tỏ thái độ “quan ngại sâu sắc” về một đạo luật mà theo họ, sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử rõ ràng đối với người LGBT và vi phạm “quyền tự do ngôn luận với lý do bảo vệ trẻ em”. Đối với với các nước ký tên, bộ luật của Hungary là một cuộc tấn công nhằm vào phẩm giá con người và quyền bình đẳng, tức là các giá trị cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu.

Đối mặt với liên minh này, bộ trưởng Tư Pháp Hungary, Judit Varga, đã cho rằng: “Quyền bảo vệ gia đình và giáo dục con cái của chúng tôi, một quyền tối thượng mà EU không có quyền tranh cãi”. Quan điểm đó đã bị đồng nhiệm Thụy Điển phản bác, trong lúc quốc vụ khanh Pháp, Clément Beaune, tố cáo một “sự đồng hóa nguy hiểm giữa nội dung khiêu dâm và đồng tính… một kiểu nhầm lẫn có thể dẫn đến hận thù”.

Theo Le Monde, Hungary có một số đồng minh trong hội nghị thượng đỉnh lần này, trong đó có Ba Lan, quốc gia đã thiết lập các khu vực “không dành cho người đồng giới LGBT”, hay Slovenia, trên danh nghĩa sẽ đứng trung lập vì là nước này sẽ chủ trì EU vào ngày 01/07/2021, nhưng với thủ tướng, Janez Jansa, là người ủng hộ lãnh đạo Hungary.

Còn một nguồn tin của Pháp mà Le Monde trích dẫn đã lấy làm tiếc : “Nghịch lý là điều này – tức là quyền của giới đồng tính – lại gây ồn ào hơn là các cuộc tấn công vào Nhà nước pháp quyền hoặc vấn đề tham nhũng”.

Biến thể Delta: Pháp đối mặt với làn sóng dịch thứ 4?

Liên quan đến thời sự Pháp, trang nhất của báo Libération đã báo động về nguy cơ một làn sóng dịch bệnh thứ tư sẽ dâng lên trở lại vào tháng 9 tới đây, thông qua một biến thể mới của virus gây dịch Covid-19. Tờ báo chạy trên trang nhất hàng tựa lớn: “Biến thể Delta: Sẽ chích đau đấy”. Delta là tên gọi khoa học chính thức của “biến thể Ấn Độ”.

Theo Libération, mùa đông 2021 vừa qua đã chứng kiến việc một biến thể đến từ Anh – gọi là Alpha – có thể lây nhiễm nhanh hơn gốc Sars-Cov-2. Mùa hè này sẽ là cơ hội cho biến thể Delta, ban đầu được phát hiện ở Ấn Độ.

Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Châu Âu dự báo Delta có thể là nguyên nhân gây ra 90% các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Liên Hiệp Châu Âu ngay từ cuối tháng 8, giống như trường hợp của Vương Quốc Anh đã bị Delta xâm lấn.

Tại Pháp, tỷ trọng của biến thể Delta đã tăng từ 0,2% vào ngày 11 tháng 5, lên thành đó 1% vào ngày 25 tháng 5, để rồi đạt 10% trong tuần này. Tại vùng Landes, biến thể Delta đã chiếm khoảng 70% các ca dương tính.

Đến tận nơi thị sát hôm 24/06, thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố khởi động một “kế hoạch hành động tăng cường” với rất nhiều xét nghiệm và vac-xin.

Nhà virus học Bruno Lina, thành viên của Hội Đồng Khoa Học, cảnh báo: “Có thể cho rằng vào cuối mùa hè, biến thể Delta sẽ chiếm ít nhất 80% các ca nhiễm ở Pháp. Vấn đề của biến thể Delta là tính lây lan của nó, trong lúc một phần ba người Pháp không được bảo vệ tuyệt đối, bởi vì chưa bị Covid cũng như chưa được tiêm chủng. Việc bị một biến thể có thể lây truyền như vậy đủ để cho dịch bệnh bùng phát trở lại.”

Theo Libération, tháng Giêng vừa qua, khi đối mặt với biến thể Alpha, Hội Đồng Khoa Học đã so sánh vấn đề vào thời điểm đó với một “cuộc chạy đua với thời gian […] giữa một bên là nỗ lực tiêm chủng và bên kia là sự xâm nhập của biến thể Anh – tức là Alpha – trong dân chúng Pháp”. Biến thể Alpha đã thắng trong cuộc đua, dẫn đến làn sóng dịch bệnh thứ ba.

Hình tượng so sánh đầu năm đó vẫn còn có thể áp dụng cho biến thể Delta, và cần phải đánh bại biến thể này thì mới tránh được làn sóng thứ tư trong những tháng tới. Thế nhưng vấn đề là tiến trình tiêm chủng, cách duy nhất để ngăn chặn virus thì bắt đầu chững lại. Thủ tướng Pháp không tránh khỏi lo ngại: “Mỗi ngày chúng ta tiêm mũi đầu tiên được cho 200.000 người”. Đối với ông Castex, con số đó “quá ít”, trong tình hình tốc độ các cuộc hẹn để tiêm chủng “đang chậm lại”.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các tờ báo Le Figaro, La Croix và Les Echos cũng được dành cho các vấn đề thời sự Pháp từ xã hội, chính trị cho đến kinh tế.

Le Figaro tập trung trên vấn đề xã hội, chạy hàng tựa lớn trang nhất “Xu hướng phân biệt đối xử tích cực bắt đầu lan đến các trường trung học và đại học”.

Đối với tờ báo cánh hữu, tại Paris chẳng hạn, các quy tắc phân bổ học sinh có tác dụng làm suy yếu các trường trung học “danh giá” vì đặt ưu tiên cho tiêu chí hòa đồng xã hội thay vì trình độ học giỏi. Ở bậc đại học, mô hình ưu tiên cho tài năng cũng đang lùi bước.

Nhật báo Công Giáo La Croix thì hướng tới vòng 2 cuộc bầu cử cấp vùng sẽ diễn ra vào Chủ Nhật 27/06 tới đây. Trang nhất tờ báo đặt tít: “Một cuộc bỏ phiếu với nhiều ẩn số”.

Theo tờ báo, những điều chưa chắc chắn về số cử tri đi bầu (vốn đã thấp kỷ lục trong vòng 1), cũng như về kết quả của việc kêu gọi dồn phiếu cho ứng cử viên còn trụ lại được ở vòng 2, khiến cho kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử cấp vùng khó dự báo.

Sau cùng, Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề kinh tế, ghi nhận “Làn gió lạc quan đang thổi vào nền kinh tế Pháp”.

Tờ báo trích dẫn một nghiên cứu mới của Viện Thống Kê Pháp Insee, theo đó thì bầu không khí kinh doanh trong tháng 6 này đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 đến nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cỡ vừa đang rất tin tưởng vào cơ may phát triển.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210625-trung-quoc-kiem-duyet-hat-nhan-dai-son