Tin Trong Nước – 24/6/21
Tối 24/6: Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền; Kiến nghị giảm 10% giá vé trạm BOT Xa lộ Hà Nội
Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
Dantri – Tại cuộc họp báo chiều 24/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình Biển Đông.
Trước thông tin gần đây, tàu trinh sát và máy bay Trung Quốc được phát hiện tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Theo đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, mọi hoạt động xâm phạm đến chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.
Trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế như hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc.
Về việc Trung Quốc gần đây triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loại thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối” – Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.
Kiến nghị giảm thêm 10% giá vé trạm BOT Xa lộ Hà Nội
Dantri – Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII – nhà đầu tư) vừa kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận giảm mức giá vé lượt và giãn thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý qua trạm BOT Xa lộ Hà Nội, áp dụng trong 3 tháng (1/7 đến 30/9).
Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị giảm 10% mức giá trong quyết định 922 được TP phê duyệt điều chỉnh hồi tháng 3 năm nay.
Theo đó, mức giá mới sau khi giảm là: 22.000 đồng với ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt; 35.000 đồng với ô tô 12-30 chỗ, xe tải 2- 4 tấn; 45.000 đồng với ô tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4 -10 tấn; 90.000 đồng với xe tải 10-18 tấn, container 20 feet; 125.000 đồng với vé xe tải trên 18 tấn, container loại 40 feet.
Trong khi đó, xe mua vé tháng và quý không giảm giá nhưng được tăng 10% thời gian sử dụng (cho khoảng thời gian có hiệu lực của vé trùng với giai đoạn giảm giá).
Trước đó, từ 1/4, trạm BOT Xa lộ Hà Nội hoạt động trở lại sau hơn 3 năm tạm ngưng, để thu phí hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh giá vé trong năm đầu tiên (từ 1/4 đến 31/3/2022) là 90% mức giá được UBND TP thẩm định, phê duyệt.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội được nhiều người xin giảm án
VnExpress – Hơn 30 CDC các tỉnh cùng hai nhà khoa học và các tổ chức xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm trong vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19.
Sáng 24/6, TA Cấp cao tại Hà Nội xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Cảm và 5 người khác là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành. Trong vụ án này, ông Cảm bị cáo buộc chủ mưu.
Phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra trong hai ngày do thẩm phán Đặng Đình Lực làm chủ tọa. 11 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. CDC Hà Nội (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội) được mời đến toà với tư cách là bị hại.
Ngoài đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 30 CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) các tỉnh, hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan cho nhóm các bị cáo là cựu cán bộ CDC, luật sư của ông Cảm xin nộp thêm đơn xin của 42 phó giáo sư, tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc.
Trong đơn viết chung đề ngày 16/6 gửi Tòa án Cấp cao tại Hà Nội, hai giáo sư, tiến sĩ từng là Phó viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ trung ương và Cục phó Cục Y tế dự phòng “kính mong xem xét khoan hồng, giảm án” cho cựu giám đốc CDC Hà Nội.
Theo bản án sơ thẩm, 10 bị cáo, trong đó có 6 cựu cán bộ CDC Hà Nội đều bị tuyên phạt về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 222 Bộ luật hình sự. Trong đó, ông Cảm bị phạt 10 năm tù, Dung 6 năm, Thanh 6 năm 6 tháng, Quỳnh 5 năm và Vinh 6 năm 6 tháng, Duy 6 năm.
Bản án xác định, lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2, các bị cáo dưới sự chủ mưu của ông Cảm đã vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm.
Vụ cá chết hàng loạt trên sông Mã: 134/135 mẫu nước giếng không đạt chuẩn
Ngày 24.6, thông tin từ UBND H.Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, kết quả xét nghiệm có 134/135 mẫu nước giếng nằm dọc theo sông Mã, trên địa bàn 10 xã, thị trấn của H.Bá Thước (Thanh Hóa) không đạt theo quy chuẩn.
Cụ thể, khi phân tích, xét nghiệm 135 mẫu nước, nhìn chung nhóm chỉ tiêu cảm quan (màu sắc, độ đục, mùi vị) thì đa số mẫu nước trong, không có mùi vị; một số ít mẫu có độ đục và độ màu vượt giới hạn cho phép.
Đối với nhóm chỉ tiêu hóa học (Ph, Pecmanganat, sắt tổng hợp, Amoni, Asen) có một số mẫu có chỉ số Ph thấp hơn giới hạn cho phép, 1 mẫu có chỉ tiêu sắt cao hơn giới hạn cho phép, 2 mẫu xuất hiện Asen nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép.
Đáng chú ý, đối với nhóm chỉ tiêu vi sinh (Coliform, E.coli), trong 135 mẫu nước thì có tới 134 mẫu có chỉ tiêu Coliform vượt giới hạn cho phép rất nhiều lần; 51/135 mẫu có chỉ tiêu E.coli vượt giới hạn cho phép.
Vấn đề lấy mẫu nước giếng của người dân sống dọc sông Mã qua H.Bá Thước để kiểm tra chất lượng nước nhằm xác định nguồn nước sinh hoạt của người dân có bị ô nhiễm hay không, sau khi sông Mã bị ô nhiễm, kéo dài từ 15/3 đến cuối tháng 4.
Hậu quả việc sông Mã bị ô nhiễm đã khiến cho khoảng 60 tấn cá lồng của người dân các H.Bá Thước, Cẩm Thủy chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, các loài thủy sản tự nhiên cũng chết la liệt không kiểm đếm hết.
Việc điều tra, truy tìm hung thủ gây ô nhiễm sông Mã vẫn đang được một đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, thực hiện. Tuy nhiên, trước đó các H.Quan Hóa (thượng nguồn sông Mã), Bá Thước đã kiểm tra và phát hiện có tới 9 doanh nghiệp nằm cạnh sông Mã, chuyên sản xuất bột giấy, đũa có hành vi chôn đường ống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, hoặc để nước thải chưa qua xử lý chảy tràn ra sông Mã.
Tin COVID-19 tối 24/6: Thêm 116 ca COVID-19; Lập Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn quốc
Thêm 116 ca COVID-19
Bộ Y tế chiều 24/6 ghi nhận 116 ca dương tính trong nước, gồm tại TP.HCM (61), Đà Nẵng (20), Tiền Giang (9), Phú Yên (8), Bắc Giang (9), Bắc Ninh (2), Nghệ An (5), Thái Bình (1), Hải Phòng (1).
Như vậy, trong ngày 24/6, Việt Nam ghi nhận thêm 285 ca, gồm 6 ca nhập cảnh và 279 ca trong nước. Trong đó, 260 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Lập Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn quốc
VnExpress – Bộ Y tế ngày 24/6 thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc, nhằm tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiến hành tiêm chủng an toàn.
Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản làm Phó Trưởng ban.
Ban chỉ đạo gồm 5 Tiểu ban, gồm: Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; Tiểu ban Tiêm chủng; Tiểu ban An toàn tiêm chủng; Tiểu ban Giám sát chất lượng vaccine; Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và truyền thông; Văn phòng thường trực thuộc Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc.
Các tiểu ban chủ yếu giám sát chất lượng vắc-xin từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản cho đến triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm trên toàn quốc. Xây dựng các hướng dẫn về tiêm chủng, xử trí cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ…
Hải Phòng phát hiện 1 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến xe khách chạy tuyến Bắc – Nam
Thanhnien – Chiều nay, 24/6, H.Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng cho biết, vừa nhận được thông tin về anh N.V.T., ở xã Cộng Hiền, có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.
Trước đó, vào ngày 17.6, anh N.V.T. bắt xe khách Trung Đức, BS 15B 036.84 từ Đồng Nai về đến chân cầu Nghìn (H.Vĩnh Bảo). Tại đây, anh N.V.T. đi xe tải của 1 người ở xã Hưng Nhân, H.Vĩnh Bảo về nhà ở xã Cộng Hiền. Trên xe tải còn có 2 người khác. Khi về đến nhà, anh N.V.T. khai báo y tế qua Zalo.
Từ 19 – 23/6, anh N.V.T. làm việc chở vật liệu xây dựng quanh xã Cộng Hiền và có đi viếng đám ma ở thôn An Quý, xã Cộng Hiền vào ngày 23.6. Sau khi đi viếng đám ma, anh N.V.T. có ngồi ăn cơm cùng một số người tại nhà 1 người, ở thôn An Quý.
Sau khi biết tin 3 lái xe, phụ xe của xe khách Trung Đức, BS 15B 036.84 nhiễm COVID-19, anh N.V.T. đã khai báo và được đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 H.Vĩnh Bảo đã phong tỏa y tế thôn Cống Hiền, xã Cộng Hiền, nơi anh N.V.T. sinh sống. Cơ quan chức năng đã xác định được 21 F1 của anh N.V.T.
H.Vĩnh Bảo cũng đã tổ chức lập chốt kiểm soát ra vào thôn Cống Hiền và lên kế hoạch cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Việc truy vết những người liên quan với anh N.V.T. đang được tích cực triển khai.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, liên quan đến xe khách Trung Đức đã có 5 ca dương tính COVID-19 (4 ca ở Thái Bình, 1 ca ở Hải Phòng).
Một tuyển thủ Việt Nam phải cách ly y tế thêm một tuần tại TP.HCM
Dantri – Trong khi hầu hết các thành viên của đội tuyển Việt Nam kết thúc cách ly vào hôm nay (24/6), sau khi về nước từ UAE, thì tiền vệ trẻ Nguyễn Hai Long sẽ cách ly thêm một tuần.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí vào chiều nay (24/6), tiền vệ đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Hai Long đã xác nhận thông tin nói trên.
Theo đó, Nguyễn Hai Long sẽ phải trải qua thêm một tuần cách ly y tế phòng dịch COVID-19. Nguyên nhân Hai Long phải cách ly y tế nhiều hơn các đồng đội một tuần, là do cầu thủ này mới tiêm một mũi vắc xin ngừa Covid-19, trong các thành viên khác của đội tuyển Việt Nam đã tiêm đủ hai mũi.
Chính vì thế, tiền vệ của CLB Than Quảng Ninh không nằm trong diện được giảm thời hạn cách ly. Hai Long sẽ tiếp tục ở lại cách ly y tế trong một khách sạn tại TP.HCM thêm 7 ngày nữa, rồi mới về địa phương để tiếp tục tự cách ly tại nhà.
Đối với tất cả các thành viên của đội tuyển Việt Nam đã về nước, sau khi hoàn tất quá trình cách ly y tế, họ phải tự theo dõi sức khỏe đủ 28 ngày tính từ ngày nhập cảnh về Việt Nam (17/6).
5 ca COVID-19 tại Khu công nghiệp Thành Thành Công chưa rõ nguồn lây
Tuoitre – Sáng 24/6, ngành y tế Tây Ninh ghi nhận thêm 5 ca COVID-19 là công nhân tại Công ty TNHH Winga Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhưng chưa xác định rõ nguồn lây.
Phó giám đốc Sở Y tế Tây Ninh Nguyễn Văn Cường cho biết sau khi lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty TNHH Winga Việt Nam, có 5 mẫu dương tính trong 395 mẫu test gửi Viện Pasteur TP.HCM.
Được biết, khu làm việc có ca dương tính tại Công ty TNHH Winga Việt Nam có khoảng 1.000 công nhân, ngành y tế đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm với số công nhân còn lại.
Qua rà soát, trong 5 ca dương tính này có 4 người ở tỉnh Long An đến Tây Ninh làm việc, 1 người ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, đang điều tra, kết nối, truy vết, khoanh vùng, cách ly.
Ngành y tế Tây Ninh tiến hành truy vết các khu nhà trọ mà các công nhân Công ty TNHH Winga Việt Nam đang ở; đóng băng các khu cắt, khu may và khu hoàn thành của công ty; tất cả F0, F1 được giữ lại, cách ly ngay tại công ty, tránh lây lan ra diện rộng; nếu phát hiện khu nhà trọ có người nhiễm sẽ tạm thời phong tỏa chờ truy vết, hướng dẫn khử khuẩn.
Qua rà soát, tỉnh xác định tại Khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời, huyện Gò Dầu có 85 trường hợp liên quan đến ca F0 phát hiện tại thị xã Trảng Bàng, ngành chức năng đang tập trung số công nhân vào ký túc xá của công ty để cách ly, tiếp tục xét nghiệm, truy vết đến đâu xét nghiệm đến đó.
Thay đổi bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm
VnExpress – Bộ Y tế ngày 24/6 cho biết thay bộ đồ bảo hộ liền thân hiện nay bằng bộ đồ rời cho nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, để giảm tình trạng nóng bức, ngột ngạt.
Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi lấy mẫu là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế và đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Tuy nhiên, theo Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tại Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn hợp lý.
“Đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng và nhu cầu xét nghiệm tăng cao đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên lấy mẫu”, Bộ Y tế thông tin trong công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành liên quan tới vấn đề sử dụng đồ bảo hộ khi lấy mẫu nCoV, ngày 24/6.
Do đó, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi lấy mẫu bệnh phẩm. Cụ thể, căn cứ nguồn lực tại chỗ, cơ sở xét nghiệm cung cấp, hướng dẫn cho nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm giám sát Covid-19 có thể sử dụng bộ quần áo rời phù hợp kích cỡ.
Trang phục này gồm áo choàng y tế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối, có dây buộc cố định sau gáy và quanh eo, mũ trùm đầu, bao giày rời. Không nhất thiết mặc bộ bảo hộ liền thân.