Tin Tổng Hợp – 17/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 17/6/21

Nhật bãi bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo 1 tháng trước Thế Vận Hội

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga tại một cuộc họp báo về Covid-19, Tokyo, 17/06/2021.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga tại một cuộc họp báo về Covid-19, Tokyo, 17/06/2021. REUTERS – ISSEI KATO

Thụy My

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay 17/06/2021 thông báo tình trạng khẩn cấp tại Tokyo sẽ được bãi bỏ vào Chủ Nhật 20/06, cũng như tại 8 tỉnh là nơi diễn ra các cuộc tranh tài Thế Vận. Tuy vậy, một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì, trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa là khai mạc Thế Vận Hội Tokyo.

Theo thủ tướng Suga, số ca nhiễm tính trên toàn quốc đã giảm từ giữa tháng Năm, nhưng tại một số địa phương, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Các quán bar, nhà hàng lại được bán rượu nhưng chỉ đến 19 giờ, và tới 20 giờ phải đóng cửa như hồi cuối tháng Tư, khi Tokyo và nhiều tỉnh khác bị đặt trong tình trạng khẩn cấp. Các sự kiện thể thao, văn hóa được phép tổ chức nhưng chỉ với phân nửa sức chứa, giới hạn tối đa 10.000 người tham dự. Riêng tại Okinawa, tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì đến ngày 11/07, theo AFP.

Các nhà tổ chức Thế Vận Hội tuần tới sẽ quyết định về việc khán giả trong nước dự khán các cuộc tranh tài Olympic sẽ khai mạc vào ngày 23/07. Còn khán giả từ nước ngoài đã bị cấm từ tháng Ba, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận. Các chuyên gia vẫn cho rằng sẽ chắc chắn hơn nếu thi đấu không có khán giả, và như vậy sẽ có những khuyến cáo mới khi cổ động viên trong nước được tham dự.

Từ nhiều tháng qua, các nhà tổ chức cố gắng trấn an dư luận Nhật Bản, với quy định đôi khi rất khắt khe dành cho những người tham dự. Các vận động viên có thể bị loại nếu vi phạm các biện pháp chống Covid-19, như xét nghiệm hàng ngày và mang khẩu trang. Mục tiêu là tiêm chủng cho 80% vận động viên từ nay cho đến khi Olympic diễn ra, dù vậy họ vẫn bị cấm tiếp xúc với công chúng. Khoảng 6.000 đại diện các phương tiện truyền thông nước ngoài đến đưa tin sẽ bị theo dõi việc di chuyển bằng định vị GPS để có thể truy vết trong trường hợp có ca dương tính.

Nhật Bản chuẩn bị cấp hộ chiếu vac-xin

Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Katsunobu Kato, hôm nay 17/06/2021 loan báo các công dân Nhật cần xuất ngoại, kể từ tháng Bảy sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các chủ doanh nghiệp Nhật đang chờ đợi hộ chiếu vac-xin để có thể tiếp tục đi kinh doanh, và nhiều nước đang tìm cách thúc đẩy du lịch. Hiện nay chỉ mới 6% dân Nhật được tiêm chủng hai liều.

Về phía Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles đang nghiên cứu cấp hộ chiếu vac-xin số hóa cho những ai đã được chích ngừa, đã từng bị Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính. Ý tưởng này tại Hoa Kỳ đang bị tranh cãi, các bang bảo thủ như Florida và Texas cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền riêng tư.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210617-nh%E1%BA%ADt-b%C3%A3i-b%E1%BB%8F-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-t%E1%BA%A1i-tokyo-1-th%C3%A1ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i

Triển lãm nhiếp ảnh Cartier-Bresson tại Thư viện Quốc gia Pháp

Bức ảnh Golden Rush mô tả cảnh vào cuối ngày, đám đông chen lấn trước ngân hàng để mua vàng, trong những ngày cuối cùng của Quốc Dân Đảng, Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 23/12/1948.
Bức ảnh Golden Rush mô tả cảnh vào cuối ngày, đám đông chen lấn trước ngân hàng để mua vàng, trong những ngày cuối cùng của Quốc Dân Đảng, Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 23/12/1948. © Fondation Henri Cartier-Bresson / Magnum Photos

Tuấn Thảo

Sau khi thành công vào mùa thu năm ngoái tại Palazzo Grassi ở Venise, cuộc triển lãm với các tác phẩm nhiếp ảnh của Henri Cartier-Bresson là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật tại Paris vào mùa hè 2021. 50 bức ảnh được chọn lọc, trích từ bộ sưu tập chủ ‘‘Master Collection’’ được trưng bày từ đây cho tới ngày 22/08/2021 tại Thư viện Quốc gia Pháp (BnF François Mitterrand).

Nổi tiếng lúc sinh tiền nhờ tài quan sát và khả năng phi thường để nắm bắt khoảnh khắc ”quyết định”, ông Henri Cartier-Bresson quan sát thế giới để rồi đưa ra một cách nhìn riêng biệt tự nhiên, dung hòa trong cùng một khung ảnh nhiều bộ mặt cuộc sống lắm khi tương phản đối nghịch. Đó là nhãn quan của một phóng viên nhiếp ảnh, có tầm nhìn xa và kiến thức sâu rộng. Từ cuộc cách mạng Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đến Tây Ban Nha đắm chìm trong nội chiến, từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho tới xã hội Liên Xô thời hậu Staline, ông là một trong những nhà nhiếp ảnh Tây phương đầu tiên nhờ tài chụp hình phóng sự mà ghi lại nhiều khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử.

Vai trò quan trọng của hai nhà sưu tầm Pháp

Đến cuối đời, Henri Cartier-Bresson (1908-2004) đã trở thành một huyền thoại sinh động của làng nhiếp ảnh quốc tế, cuộc hành trình của ông đã xuyên qua thế kỷ XX, phản ánh nhiều biến đổi của thế giới qua hàng chục ngàn bức ảnh chụp. Vào năm 1973, nhà nhiếp ảnh lúc đó đã ngoài 65 tuổi, từ kho ảnh đồ sộ của mình đã tạo ra bộ sưu tập chủ bao gồm 385 bức ảnh chính gốc, theo lời khuyến khích của hai vợ chồng nhà sưu tầm người Pháp mang quốc tịch Mỹ Dominique và Jean de Ménil, từng sáng lập phòng triển lãm đương đại tại Houston, bang Texas.

Bộ sưu tập chủ này (Master Collection trong tiếng Pháp gọi là ”Le Grand Jeu”) phản ánh cuộc rong chơi trong thế giới lớn rộng mênh mông của nhà nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson. Khi chọn ra 385 bức ảnh chụp có thể gọi là ưng ý nhất, nhà nhiếp ảnh đã thực hiện một bộ sưu tập để đời, ghi chép lại những kinh nghiệm sống đáng ghi nhớ nhất. 

Các bức ảnh nhỏ sau đó được tập hợp lại dựng cùng trên một bức toàn cảnh khổ rộng, như thể đó là một tấm chân dung tự phác họa về sự nghiệp và cuộc đời. Tính tổng cộng có 6 phiên bản của bức tranh toàn cảnh này, được cất giữ tại Quỹ Menil (Houston), Bảo tàng Victoria & Albert (Luân Đôn), Đại học Mỹ thuật Osaka (Nhật Bản), tại Thư Viện Quốc gia Pháp BnF, tại Bộ sưu tập François Pinault sau khi khai trương Phòng triển lãm mới tại khu vực Les Halles và nhất là tại Quỹ Cartier-Bresson, cả ba đều nằm tại Paris.

Bộ sưu tập ảnh chụp của Henri Cartier-Bresson xen kẽ những hình ảnh đời thường với chân dung những nhân vật nổi tiếng, điển hình là ảnh chụp hai khách bộ hành đội mũ quả dưa tại Bỉ (năm 1921) hay chân dung của nhà văn Mỹ William Faulkner (1947), lễ đăng quang Quốc Vương Anh George VI (1938) hay chân dung của hai nhà vật lý Irène Curie và Frédéric Joliot tại Paris (1944) …..

Cartier- Bresson, cuộc phiêu lưu xuyên thế kỷ

Bộ ảnh chụp phong phú này cho thấy là bố cục và bối cảnh quan trọng không kém gì các nhân vật chính, một số gương mặt nổi tiếng không dễ gì nhận ra được ngay như trường hợp tấm ảnh chụp nhà điêu khắc Alberto Giacometti gần xưởng sáng tác của ông tại Paris (1961). Chỉ trong giai đoạn cuối đời, Cartier-Bresson mới chuyển từ nhiếp ảnh phóng sự sang nhiếp ảnh nghệ thuật và phát huy thêm các khái niệm trừu tượng trong thể loại tượng hình.

Xuất thân từ một gia đình thương gia giàu có ở vùng Normandie, Henri Cartier-Bresson từ thuở thiếu thời đã sớm bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật hình ảnh. Vào cuối những năm 1930, ông từng làm trợ lý trong vòng 4 năm cho đạo diễn Jean Renoir, nhất là trong hai bộ phim ”Une partie de campagne” (Một chuyến về quê – 1936) và ”La Règle du Jeu” (Luật chơi – 1939) rồi sau đó chuyển sang nhiếp ảnh phóng sự khi ông đồng thành lập hãng Magnum với nhiều bạn đồng hành là Robert Capa và David Seymour vào năm 1947.

Sau khi ông qua đời vào năm 2004, Trung tâm văn hóa Pompidou đã tổ chức một cuộc triển lãm lớn về Henri Cartier-Bresson, cho thấy nhà nhiếp ảnh có nhiều lối tiếp cận khác nhau, ông có thể chụp theo nhiều cách, để rồi như chuyên gia kiêm nhà phê bình Clément Chéroux từng nhận xét, Henri Cartier-Bresson tìm ra được một góc nhìn độc đáo, một chữ ký riêng biệt trong cách dựng khung hình để rồi thu vào đó những khoảnh khắc ”quyết định”. Hàng ngàn bức ảnh cho thấy Cartier-Bresson không chỉ chụp theo cùng một thể loại, mà là nhà nhiếp ảnh nắm bắt muôn đề tài.

Cartier-Bresson trong mắt 5 nhân vật nổi tiếng

Nhân cuộc triển lãm lần này tại Thư viện Quốc gia Pháp BnF, ban điều hành Quỹ Cartier-Bresson tiếp tục đối chiếu tác phẩm của nhà nhiếp ảnh bậc thầy người Pháp với góc nhìn của 5 nhân vật nổi tiếng gồm nhiếp ảnh gia kỳ cựu người Mỹ Annie Leibovitz, đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders, nhà văn Tây Ban Nha Javier Cercas, giám đốc Cục Nhiếp ảnh tại Thư viện Quốc gia Pháp Sylvie Aubenas và nhà sưu tầm François Pinault, vốn là chủ nhân của Palazzo Grassi, từng thực hiện cuộc triển lãm trên cùng chủ đề hồi mùa thu năm 2020 tại Venise.

Mỗi người một cảm nhận riêng trong lãnh vực chuyên môn của họ, các vị khách mời ở đây đã chọn ra 10 tấm hình được cho là tiêu biểu nhất. Nhà nhiếp ảnh Mỹ Annie Leibovitz chủ yếu chọn các tấm hình có bố cục mạnh mẽ trong cách sắp đặt các khối đen trắng, ánh sáng và bóng tối được khai thác như cách dàn dựng phim truyện, nơi mà những anh hùng đời thường bất chợt xuất hiện trong khung hình. Đạo diễn Đức Wim Wenders lại tập trung vào yếu tố con người, làm nẩy sinh những mô típ gần như là siêu thực, ảnh chụp thực tế những chi tiết lạ như thể được cắt ghép thêm. Nhà văn Tây Ban Nha Javier Cercas lại rất quan tâm đến các bức chân dung của các văn hào và những người chuyên cầm bút.

Nhà sưu tầm François Pinault chọn những hình ảnh gợi lên hạnh phúc đời thường, còn cô Sylvie Aubenas, giám đốc Cục Nhiếp ảnh tại Thư viện Quốc gia Pháp chọn những ảnh chụp gợi lên những khung cảnh đã biến mất thời nay trước đà hiện đại hóa của nhịp sống thành thị. Năm nhãn quan bổ sung cho nhau, nhưng khi ghép lại giống như một quyển truyện phiêu lưu dày 5 chương, được minh họa bằng hình ảnh của người từng được mệnh danh là ”Con mắt của thế kỷ”. Gần hai thập niên sau ngày qua đời, Henri Cartier-Bresson đã để lại một di sản đồ sộ như một ngọn núi, nơi vẫn còn cất giữ nhiều viên ngọc quý.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20210617-tri%E1%BB%83n-l%C3%A3m-nhi%E1%BA%BFp-%E1%BA%A3nh-cartier-bresson-t%E1%BA%A1i-th%C6%B0-vi%E1%BB%87n-qu%E1%BB%91c-gia-ph%C3%A1p

(AFP) – Thủ môn đội tuyển quốc gia bóng đá Miến Điện đào thoát ở lại Nhật. Sau khi kết thúc chiến dịch thi đấu vòng loại khu vực châu Á cho World Cup 2020, tại Nhật Bản, ngày hôm qua, 16/06/2021, Pyae Lyan Aung, thủ môn phụ của đội tuyển quốc gia bóng đá nam Miến Điện đã thông báo với nhân viên di trú Nhật tại sân bay Osaka là anh không lên máy bay về nước. Luật sư của cầu thủ này, ông Shogo Watanabe, xác nhận thông tin trên với AFP.

Theo hình ảnh của truyền hình NHK, qua phiên dịch thủ môn này nói : « Nếu tôi trở về Miến Điện, cuộc sống của tôi sẽ gặp nguy hiểm ». Pyae Lyan Aung là cầu thủ từng được biết đến khi giơ 3 ngón tay chào (biểu tượng phản phản kháng đảo chính) trước trận đấu với đội Nhật Bản. Luật sư của cầu thủ cho biết bắt đầu làm các thủ tục để xin quy chế tị nạn chính trị cho cầu thủ này.

(Le Figaro) – Bị Cristiano Ronaldo chê, Coca-Cola mất ngay tiền tỷ. Danh thủ Bồ Đào Nha, đang chơi cho câu lạc bộ Ý Juventus Turino, khẳng định trong cuộc họp báo sau trận đấu với Hungary ở bảng F, EURO 2020, hôm thứ Ba (15/05) là anh thích uống soda hơn Coca-Cola. Chỉ vài giờ sau, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của hãng nước ngọt bị rớt mất hơn 1 đô la một cổ phiếu, khiến vốn chứng khoán của Coca-Cola, một trong những nhà tài trợ chính cho giải đấu, mất hơn 4 tỷ đô la. 

(AFP) – Tuyển thủ Đan Mạch Eriksen sẽ được gắn máy khử rung. Phải nhập viện do bị ngừng tim trên sân cỏ ngay trong trận khai mạc Euro 2020 hôm thứ Bảy tuần trước, tuyển thủ Đan Mạch Christian Eriksen sẽ được gắn dưới da một máy khử rung để điều hòa nhịp tim, theo thông báo của Liên đoàn bóng đá Đan Mạch hôm nay, 17/06/2021,vài giờ trước khi diễn ra trận đấu với đội Bỉ. Tuy nhiên, Liên đoàn không nói gì về hậu quả của tai biến này đối với tương lai của cầu thủ 29 tuổi hiện đang đá cho CLB Inter Milan.

(AFP) – Pháp: Du khách đến từ Canada và Mỹ được xếp màu «xanh». Theo một quyết định vừa được đăng trên Công Báo hôm nay, 17/06/2021, các du khách từ Canada và Mỹ kể từ nay được Pháp xếp vào diện màu « xanh » và có thể di chuyển ở Pháp dễ dàng hơn, tức là khi đến Pháp sẽ không bị cách ly, không cần phải có lý do cấp thiết, cho dù họ chưa được chích ngừa Covid-19. Du khách từ hai nước này, nếu chưa được tiêm chủng, trước khi lên máy bay chỉ cần trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng thể dưới 72 tiếng.

(AFP) – Vac -xin ngừa Covid của CureVac có hiệu quả thấp. Hôm qua 16/06/2021, hãng CureVac của Đức công bố kết quả giai đoạn đầu cho thấy vac-xin ngừa Covid-19 của hãng này chỉ đạt hiệu quả 47%, theo phân tích dữ liệu từ một cuộc thử nghiệm quy mô lớn và như vậy là hiện giờ chưa đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết. Theo ông Franz Werner Haas, giám đốc điều hành của hãng, kết quả trên là do có sự xuất hiện của những biến thể virus mới và hiệu quả của vac-xin còn có thể thay đổi. 

(AFP) – Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận ngày nghỉ lễ kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ. Hôm qua 16 /06/2021, Quốc Hội Hoa Kỳ đã chấp thuận sự ra đời của ngày nghỉ lễ liên bang 19/6 nhằm kỷ niệm ngày giải phóng những người nô lệ cuối cùng tại Texas vào năm 1865. Kể từ sau cái chết của George Floyd do một cảnh sát da trắng gây ra, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thành lập ngày kỷ niệm này, đặc biệt là từ cộng đồng người da màu. Ngày kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lê, bên cạnh mục đích tưởng nhớ một giai đoạn đầy bất công trong lịch sử nước Mỹ, cũng mang ý nghĩa hướng tới xây dựng một xã hội tiến bộ và có trách nhiệm hơn trong tương lai.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210617-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p