Tin Trong Nước – 16/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 16/6/21

Sáng 16/6: Ninh Thuận thất thoát gần 190 tỷ đồng, 181 cá nhân rút kinh nghiệm

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Đội tuyển Việt Nam lập cùng lúc hai cột mốc

VnExpress – Bên cạnh vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, tối qua 15/6 Việt Nam còn lần đầu tiên trong lịch sử vào thẳng vòng chung kết Asian Cup 2023.

Việt Nam kết thúc vòng loại thứ hai ở vị trí nhì bảng G sau trận thua UAE 2-3 tối 15/6. Khi xét các đội nhì bảng có thành tích cao, Việt Nam đứng thứ tư, vừa đủ để vào thẳng VCK Asian Cup 2023 mà không phải đá vòng loại thứ ba Asian Cup. 11 đội khác cũng vào thẳng Asian Cup là chủ nhà Trung Quốc, Nhật Bản, Syria, Qatar, Hàn Quốc, Australia, Iran, UAE, Saudi Arabia, Oman và Iraq.

Đây là lần đầu Việt Nam vào thẳng Asian Cup mà không phải đá vòng loại cuối. Năm 2019, đội phải chơi thêm vòng loại thứ ba Asian Cup để giành suất đi vòng chung kết. Lần này thầy trò Park Hang-seo không phải thi đấu nữa. Thời gian đó, đội tuyển sẽ đá vòng loại cuối World Cup 2022 – lần đầu tiên trong lịch sử.

Có 12 đội kể trên, thay Qatar bằng Lebanon, sẽ đá vòng loại cuối World Cup. Qatar là chủ nhà nên không cần dự vòng loại cuối World Cup. Họ vẫn dự vòng loại thứ hai World Cup để giành suất tới Asian Cup 2023.

Asian Cup 2023 dự kiến diễn ra từ 16/6 đến 16/7 tại 10 thành phố của Trung Quốc. Do nằm trong nhóm 12 đội vào thẳng, Việt Nam sẽ ở một trong hai nhóm hạt giống đầu trước lễ bốc thăm.

Báo điện tử Pháp luật TP.HCM, Thanh Niên bị tấn công mạng gây gián đoạn truy cập

Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động tối 15/6, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, cho biết trang báo điện tử của cơ quan này đã bị tấn công mạng dẫn đến gián đoạn truy cập trong khoảng 40 phút chiều cùng ngày.

Sau đó, đội ngũ kỹ thuật của Báo Thanh Niên đã khôi phục được hệ thống. Lãnh đạo Báo Thanh Niên đang báo cáo các cơ quan chức năng gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) về sự cố nêu trên.

“Chúng tôi không thiết kế nền tảng trang báo điện tử theo một hệ thống thống nhất mà gồm các module có tính độc lập tương đối. Do đó, về góc độ kỹ thuật, chỉ có thể làm gián đoạn chứ không thể đánh sập hoàn toàn trang báo” – ông Thông cho biết.

Trong khi đó, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM Nguyễn Đức Hiển cũng xác nhận trang báo điện tử của cơ quan này bị tấn công mạng từ chiều 15-6, khiến việc truy cập bị gián đoạn. Lãnh đạo Báo Pháp luật TP HCM cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng về sự cố này.

Theo ghi nhận, tại thời điểm hiện tại, 2 trang báo Pháp luật TP HCM và Thanh Niên đã truy cập được bình thường. Trước đó, Báo điện tử VOV cũng bị tấn công mạng nghiêm trọng.

Ninh Thuận thất thoát gần 190 tỷ đồng, 181 cá nhân rút kinh nghiệm

zing – Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, có tới 21 sở, ngành của Ninh Thuận kiểm điểm rút kinh nghiệm, khi để thất thoát ngân sách gần 190 tỷ đồng.

Cụ thể, theo Zing, ngày 15/6, Thanh tra tỉnh Ninh Thuận cho biết có 43 cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quản lý đã tiến hành kiểm điểm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, những cá nhân trên thuộc 21/21 đơn vị sở, ban, ngành và UBND tỉnh đã nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, ở cấp đơn vị, cá nhân ở cấp quản lý thấp hơn, đã có 72 tập thể phòng và 138 cá nhân tổ chức kiểm điểm với hình thức tương tự.

Ngoài chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, đến nay có thêm 181 người kiểm điểm trách nhiệm.

Trước đó, hồi tháng 8/2020, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Ninh Thuận như giao đất không phù hợp với quy hoạch; vi phạm chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra UBND tỉnh Ninh Thuận chưa lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, chậm phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; không truy thu được số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận khắc phục 25 nội dung, thu hồi về ngân sách số tiền gần 189 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Ninh Thuận, đến nay mới khắc phục được 14 nội dung được, số tiền thất thoát mới chỉ thu được 43,862 tỷ đồng.

Khởi tố nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh

Thanh Niên – Tối 15/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Linh, nguyên cán bộ Bộ Công an, vì có hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Linh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Linh có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, ở thời điểm năm 2018, khi ông Linh là Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an.

Trước đó, các cơ quan tố tụng điều tra hành vi “đưa hối lộ” của Vũ “nhôm” và một số người liên quan.

Diễn biến hành vi phạm tội được cơ quan điều tra nêu rõ như sau: từ tháng 6.2017, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương.

Do lo sợ bị pháp luật xử lý nên Vũ đã nhờ Hồ Hữu Hòa, vốn hành nghề phong thủy, tâm linh, có mối quan hệ rộng, tiếp cận với một lãnh đạo Tổng cục Tình báo để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin.
Sau đó, Hòa đã kết nối được với ông Nguyễn Duy Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an, hiện là Cục trưởng một đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.

Theo cơ quan điều tra, trước ngày 23.8.2018, sau khi bị bắt giam, Vũ “nhôm” tự nguyện khai báo nhiều lần về việc thông qua tài xế riêng của mình đã chuyển 5 tỉ đồng cho Hòa và 4 lần chuyển quà cho trợ lý giúp việc của ông Linh.

Ngoài ra, Vũ còn khai trực tiếp đưa 500.000 USD cho Hòa để đưa cho ông Linh. Tuy nhiên, sau thời điểm tháng 8.2018, khi đã bị phạt tù trong vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, Vũ “nhôm” đã phủ nhận các lời khai trước, cho rằng không đưa tiền mà chỉ đưa thuốc lá cigar, nấm linh chi Hàn Quốc.

Vũ khai đưa tiền là do được hướng dẫn khai từ nấm linh chi, thuốc lá cigar thành tiền. Theo Vũ “nhôm”, bị can khai vậy do bị phạm nhân đánh đập, không cho ăn, không cho ngủ, ép nghe theo điều tra viên.

Đối với ông Nguyễn Duy Linh, cơ quan điều tra xác định, ban đầu ông Linh phủ nhận mối quan hệ với Vũ “nhôm”. Tuy nhiên, sau khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Linh mới thừa nhận thông qua sự giới thiệu của Hồ Hữu Hòa đã nói chuyện với Vũ “nhôm” qua điện thoại và chỉ đạo thư ký của mình đi nhận quà của Vũ. Ông Linh chỉ thừa nhận thư ký của mình nhận chai rượu, thuốc cigar của Vũ “nhôm”, không biết giá trị nhãn hiệu, nước sản xuất.

Theo kết luận điều tra, bị can Phan Văn Anh Vũ mặc dù phủ nhận việc đưa tiền sang thành thuốc lá cigar, nấm linh chi, nhưng hành vi của bị can đủ yếu tố cấu thành tội “đưa hối lộ”. Bởi lời khai ban đầu của Vũ tại cơ quan điều tra là tự nguyện, phù hợp với lời khai của người có liên quan khác. Mặt khác, việc Vũ “nhôm” cho rằng bị cán bộ trại tạm giam ép cung, sửa dụng phạm nhân đánh đập… là không có căn cứ.

Với bị can Hồ Hữu Hòa, cơ quan điều tra khẳng định có đủ căn cứ để xác định có dấu hiệu của hành vi “môi giới hối lộ”.

Tuy nhiên, kết luận điều tra nêu hành vi của ông Nguyễn Duy Linh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng không đủ căn cứ để xem xét theo quy định. Bởi lẽ, hiện chưa làm rõ được túi quà mà ông Linh nhận được từ Vũ “nhôm” thông qua Hồ Hữu Hòa và một số người liên quan khác là đồ vật gì, tài sản gì và có giá trị như thế nào. Do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Đảng ủy Công an T.Ư xem xét xử lý nghiêm mặt Đảng và chính quyền đối với ông Nguyễn Duy Linh.

Theo nguồn tin Thanh Niên, vụ án này sau khi hoàn tất giai đoạn điều tra thì Viện KSND tối cao đã trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung.

Người đàn ông quốc tịch Nhật Bản nằm chết trong nhà trọ ở quận 7- TP.HCM

NLD – Ngày 15/6, Công an quận 7 đang phối hợp cùng Công an TP.HCM điều tra nguyên nhân người đàn ông chưa rõ lai lịch, quốc tịch Nhật Bản tử vong tại một căn nhà trọ trên ở phường Tân Phú, quận 7.

Theo thông tin ban đầu, chiều 14/6, người dân phát hiện căn nhà trọ trên đường số 1, phường Tân Phú, quận 7 có dấu hiệu bất thường nên đến kiểm tra. Đến nơi, mọi người hốt hoảng khi thấy người đàn ông quốc tịch Nhật Bản (khoảng 50 tuổi) đã tử vong nên trình báo công an.

Thi thể nạn nhân sau đó được chuyển đến bệnh viện làm thủ tục khám nghiệm pháp y phục vụ quá trình điều tra. 

Hải Phòng: Nữ cán bộ tòa án bị tấn công trên đường đi làm

Dân Trí – Nguồn tin từ quận Hải An, TP. Hải Phòng tối 15/6 cho biết, công an quận này đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ nữ cán bộ hiện đang công tác tại Tòa án nhân dân (TAND) thành phố bị tấn công.

Theo đó, cơ quan chức năng bước đầu xác định, khoảng 7h ngày 14/6, bà H, cán bộ của “Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên” thuộc TAND TP. Hải Phòng điều khiển xe máy đến cơ quan làm việc (trụ sở tại đường Lê Hồng Phong, quận Hải An).

Bà H. đi trong làn đường hỗn hợp thuộc đường Lê Hồng Phong, đến đoạn giáp ranh giữa Viện kiểm sát nhân dân thành phố và TAND thành phố (thuộc phường Đằng Lâm) thì bất ngờ bị một nhóm gồm 3 người lao tới chặn đầu xe máy.

Khi bà H. còn chưa kịp phản ứng thì nhóm người này đã lao vào tấn công, mặc cho bà H. xưng là cán bộ của Tòa án và hô hoán, cảnh báo nhóm người đã đánh nhầm người.

Điều đáng nói, nhóm người này còn hỏi đi, hỏi lại nạn nhân có đúng tên là H. hay không và khi được nạn nhân xác định là đúng thì tiếp tục hành hung, thậm chí đánh vỡ cả mũ bảo hiểm bà H. đang đội. Chỉ khi thấy bà H. tri hô, kêu cứu thì nhóm người này mới lên xe tẩu thoát.

Theo nguồn tin từ TAND thành phố, bà H. không có thù oán cá nhân với ai, nguyên nhân vụ hành hung nhiều khả năng là liên quan đến công việc. 

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-sang-16-6-ninh-thuan-that-thoat-gan-190-ty-dong-181-ca-nhan-rut-kinh-nghiem.html

Tối 16/6: TP.HCM xin giảm thời gian cách ly cho đội tuyển bóng đá Việt Nam

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

TP.HCM xin ý kiến việc giảm thời gian cách ly cho đội tuyển bóng đá Việt Nam

Dân Trí – Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản gửi Bộ Y tế để xin ý kiến về việc rút ngắn thời gian cách ly cho các thành viên của đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Trước đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc đề nghị hỗ trợ nhập cảnh và rút ngắn thời gian cách ly cho các thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia. Liên đoàn đề nghị TP.HCM áp dụng biện pháp cách ly 7 ngày đối với toàn bộ thành viên đội tuyển.

Trong thời gian chờ ý kiến của Bộ Y tế, sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, toàn bộ thành viên đoàn sẽ được tiếp nhận và tổ chức cách ly theo đúng quy định, hướng dẫn hiện hành, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ khởi hành dự kiến lúc 21h40 ngày 16/6 (theo giờ UAE). Hạ cánh tại TP.HCM dự kiến vào 7h35 ngày 17/6 (theo giờ Việt Nam).

Theo quy định phòng, chống dịch Covid-19 hiện hành, toàn đội sẽ cách ly 21 ngày tại một khách sạn tại quận 7, TP.HCM.

Phá đường dây cá độ bóng đá hơn 1.000 tỷ, riêng ngày khai mạc Euro 2020 hơn 38 tỷ đồng

NLD – Ngày 16/6, Công an TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), cho biết vừa triệt phá một đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá với số tiền lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. 

Cơ quan công an đã bắt giữ 14 đối tượng liên quan. Qua điều tra, cơ quan công xác định đây là đường dây đánh bạc rất lớn, liên quan đến nhiều đối tượng ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội, phương thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, sử dụng các ứng dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. 

 Cầm đầu đường dây là Nguyễn Phạm Hùng (SN  1983), trú tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Hùng là tổng tài khoản cá độ bóng đá, tổ chức cho các con bạc trên địa bàn một số địa phương tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia đánh bạc.

Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định từ tháng 11-2020 đến nay, tổng số tiền mà các đối tượng giao dịch khi cá độ cơ quan chức năng chứng minh được qua dữ liệu điện tử và tài khoản trang mạng là hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng trong ngày 11-6 – ngày khai mạc Euro 2020, số tiền “giao dịch” qua đường dây đánh bạc của Nguyễn Phạm Hùng là 38,4 tỉ đồng.

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái

Dân Trí – Ngày 16/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Giang (sinh năm 1964, trú tại tổ 5, phường Minh Tân, TP. Yên Bái), Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái, về tội “Gian lận bảo hiểm y tế”, quy định tại Điều 215, Bộ Luật Hình sự.

Cũng liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố đối với bà Đặng Thanh Huệ (sinh năm 1970, trú tại tổ 15, phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái), là bác sĩ, Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện này, cùng về tội “Gian lận bảo hiểm y tế”.

Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ vụ việc.

Vụ học trò nghèo bị trường giữ học bạ: Thành lập đoàn kiểm tra

Ngoài việc giữ học bạ của cậu học trò nghèo vì không có tiền nộp quỹ, hiệu trưởng trường này còn bị tố giữ suất học bổng và không trả tiền thưởng đúng với giá trị mà các em đạt được.

Ngày 16/6, ông Đặng Huy Toàn – Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông – cho biết cùng ngày, Đảng ủy xã đã quyết định thành lập đoàn giải quyết đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Hải – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập.

Động thái này được thực hiện sau khi một số giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập gửi đơn kiến nghị (có nội dung tố cáo) tới cơ quan chức năng cho rằng ông Hải đã có nhiều sai phạm. Trong đó, có vụ “Xót xa cậu học trò nghèo không có tiền nộp quỹ bị trường giữ học bạ” mà Báo Người Lao Động đã phản ánh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc phản ánh ông Hải giữ học bạ chuyển cấp của cậu học trò nghèo vì nợ 550.000 đồng tiền quỹ, các giáo viên còn phản ánh nhiều sai phạm.

Trong đó, từ năm 2018 đến năm 2021 có nhiều học sinh tham gia các phong trào đạt thành tích cao nhưng không nhận được tiền hoặc không nhận đủ số tiền thưởng của ban tổ chức.

Cụ thể, em Nguyễn Thị Ngọc H. (lớp 5) đạt giải 3 cuộc thi kể chuyện sách hè: “Em yêu biển đảo, quê hương” nhưng không nhận được tiền thưởng. Em Y P. Ê Ban (học sinh lớp 3) đạt giải nhất cấp huyện, giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu nhi” và em Y Ch. Hra (lớp 3) đạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” nhưng mỗi em chỉ nhận được 200.000 đồng.

Tương tự, năm học 2019-2020, em H Ô R. Byă (học sinh lớp 3) đạt giải nhì cấp huyện và giải 3 cấp tỉnh cuộc thi: “Tiếng hát măng non” nhưng không nhận được tiền thưởng.

Ngoài thắc mắc giá trị 2 giải thưởng, chị H Bren Byă (mẹ của em H Ô R. Byă) còn cho biết năm học 2020-2021, em được đi dự đại biểu cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội và được tặng một gói học bổng tiếng Anh trị giá 5 triệu đồng.

“Vì gia đình khó khăn, không có máy tính, điện thoại smartphone nên tôi lên trường nhờ thầy hiệu trưởng tạo điều kiện vì trường có phòng máy tính. Thầy hiệu trưởng nhận gói học bổng nhưng cháu vẫn chưa được học và giờ đã hết thời hạn” – chị H Bren Byă cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Bình, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hà Huy Tập, cho biết em H Ô R. Byă được thưởng 1 triệu đồng giải nhì huyện và 300.000 đồng giải 3 cấp tỉnh. “Tôi là người trực tiếp nhận số tiền thưởng này rồi đưa lại cho thầy hiệu trưởng. Sau đó, số tiền này dùng để mua vở thưởng cho các em tham gia và phục vụ ăn uống đi lại, liên hoan. Đúng ra giải của các em đạt được thì đưa cho các em” – cô Bình nói.

Giá heo hơi xuống thấp nhất 2 năm, giá thịt ngoài chợ vẫn cao

Thịt lợn hơi xuất chuồng đang có mức giá rẻ nhất kể từ tháng 11/2019 tới nay, song mặt hàng này ngoài chợ gần vẫn rất đắt đỏ.

Khảo sát của VnExpress, giá heo hơi tại các khu vực miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang và Bắc Giang… hiện giá thu mua chỉ  66.000 – 68.000 đồng một kg.  

Với khu vực miền Nam, giá heo cũng rớt từ 69.000 đồng hôm ⅙, xuống còn 65.000 đồng (14/6). Đặc biệt, với heo loại 2 giá chỉ còn 60.000 đồng một kg.

Tại Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, nơi cung cấp gần 20% tổng nguồn heo cả nước, cũng cho biết giá heo hơi đã giảm thêm 3.000 đồng xuống còn 65.500 đồng/ kg so với hồi đầu tháng.

Ông Anh, hộ chăn nuôi ở Đồng Nai thông tin, nguồn cung heo hiện khá dồi dào nên đẩy giá đi xuống. Ông cho biết vừa xuất chuồng 100 con heo thịt với giá 65.000 đồng một kg. Ông Anh nói: “Với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, thì mỗi kg heo hơi hiện chỉ lời khoảng 5.000-7.000 đồng”, ông cũng cho biết, đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.

Theo ông Giàu, một người chuyên thu mua heo ở Long An, sắp tới giá heo sẽ còn đi xuống vì nguồn cung dồi dào, trong khi sức mua giảm vì dịch bệnh. Nhiều trường học đóng cửa nên giảm 100% nhu cầu ở nhóm này. Còn nhóm nhà hàng, khách sạn cũng sụt tới 50% do giãn cách xã hội.

Trái ngược với giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, giá thịt lợn tại chợ vẫn đắt đỏ và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đơn cử, tại chợ Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thịt ba chỉ, vai sấn giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg tuỳ loại; thịt thăn giá 140 -160.000 đồng/kg… 

Ở chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), thịt lợn ba chỉ giá từ 140 – 160.000 đồng/kg; sườn thăn giá 150 – 170.000 đồng/kg…

Bà Lê Phương Trà, người tiêu dùng ở ngõ 2 Đại Từ than thở, dù đã hạ nhiệt nhưng so với thời đỉnh điểm thì mức giảm không đáng kể, chỉ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg tuỳ loại.

Theo các chuyên gia trong ngành, thịt lợn từ chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian, mà ở khâu trung gian và khâu bán lẻ đang ăn lãi quá nhiều. Do đó, thời điểm hiện tại, dù giá thịt lợn hơi giảm mạnh, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá đắt đỏ.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-toi-16-6-tp-hcm-xin-giam-thoi-gian-cach-ly-cho-doi-tuyen-bong-da-viet-nam.html