Tin Khắp Nơi – 16/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 16/6/21
  • Bộ KH-ĐT: Hàng không Việt đang đứng bên bờ vực phá sản
  • Ngoại trưởng Blinken: Bắc Kinh phải hợp tác trong các cuộc điều tra tới về nguồn gốc của CoVid-19
  • Trung tâm EPR Đài Sơn : Giữa tham vọng hạt nhân của Trung Quốc và công nghệ Pháp
  • Chính quyền Biden yêu cầu người dân Mỹ tố cáo gia đình và bạn bè có nguy cơ ‘cực đoan’.
  • Vương Hữu Quần: 6 tín hiệu về khả năng Vương Hộ Ninh bị thay thế

Bộ KH-ĐT: Hàng không Việt đang đứng bên bờ vực phá sản
Quý Bình •Thứ Tư, 16/06/2021
Bộ KH-ĐT Việt Nam nhận định Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản khi tiếp tục thua lỗ nặng nề. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways thì cạn dần nguồn lực về tài chính.

Bộ KH-ĐT: Hàng không Việt đang đứng bên bờ vực phá sản. (Ảnh minh họa: Vietnam Airlines/Facebook)
Góp ý dự thảo báo cáo Thủ tướng Việt Nam về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, dịch COVID-19 khiến thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9% so với năm 2019. Doanh thu từ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với năm 2019.

Đáng chú ý, đợt dịch COVID-19 lần thứ ba trong giai đoạn cao điểm sát Tết Nguyên đán 2021 khiến doanh thu hàng không giảm 80% so với cùng kỳ. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Bộ KH-ĐT nhận định, với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tâm lý khách hàng thay đổi, dự báo hoạt động hàng không năm 2021 vẫn hết sức khó khăn và hy vọng đến 2024 mới phục hồi trở lại như trước khi chưa có dịch.

Cơ quan này cũng cho biết, báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy dự kiến số lỗ của quý I của hãng sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

“Vietnam Airlines đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng“, báo cáo cho hay.

Đối với các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines và Vietjet, Bộ KH-ĐT dự báo hoạt động của các hãng này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

Theo báo cáo tài chính của Bamboo Airways, năm 2020, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu 175 triệu USD (khoảng 4.023 tỷ đồng), tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Do kinh doanh dưới giá vốn, hãng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức âm 156 triệu USD.

Trước khó khăn trên, Bộ KH-ĐT đề xuất để Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 – 2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bộ này cũng đề xuất để Bộ GTVT kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bộ Tài chính cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Quý Bình – https://trithucvn.org/kinh-te/bo-kh-dt-hang-khong-viet-dang-dung-ben-bo-vuc-pha-san.html

Ngoại trưởng Blinken: Bắc Kinh phải hợp tác trong các cuộc điều tra tới về nguồn gốc của CoVid-19

 Bình luận Nguyên Hương • 22:24, 16/06/21

Ngoại trưởng Blinken: Bắc Kinh phải hợp tác trong các cuộc điều tra tới về nguồn gốc của CoVid-19

Ngoại trưởng Antony Blinken làm chứng trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Hart trên Đồi Capitol ở Washington, vào ngày 8/6/2021. (Alex Wong / Getty Images)

Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 13/6 cho biết Bắc Kinh phải làm việc với các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán. Ông nói thêm rằng việc Trung Quốc không hợp tác là một lý do khiến đoàn thanh tra của Tổ chức Y tế Thế giới không thể tiến hành cuộc điều tra toàn diện và đưa ra báo cáo đáng tin cậy.

Ngoại trưởng Blinken nói với chương trình “Face the Nation” của CBS: “Trung Quốc phải hợp tác” trong giai đoạn điều tra thứ hai của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). “Tính minh bạch, khả năng tiếp cận của các chuyên gia quốc tế, chia sẻ thông tin — điều đó nhất định phải được đảm bảo. Và một lần nữa, như bạn thấy, các quốc gia đang xích lại gần nhau để khẳng định điều này”.

Ông Blinken cho biết, báo cáo nghiên cứu giai đoạn một được WHO công bố vào tháng Ba “thực sự có vấn đề, một trong các vấn đề đó là Trung Quốc không hợp tác”.

Báo cáo đưa công bố trên cơ sở những phát hiện của đoàn thanh tra WHO, những người tiến hành nghiên cứu thực địa tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào đầu năm nay. Vũ Hán là nơi xuất hiện ổ dịch COVID-19 đầu tiên, sau đó chính quyền Trung Quốc đã liên kết những trường hợp này với một khu chợ ẩm thực địa phương.

Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca bệnh COVID-19 đầu tiên cho nhóm điều tra. Trong khi đó, các nhà phê bình nhấn mạnh rằng cuộc điều tra của WHO thiếu tính độc lập, vì một số thành viên trong đoàn có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Báo cáo đầu tiên của WHO thể hiện quan điểm ưu tiên của Bắc Kinh về nguồn gốc của virus và kết luận rằng, khả năng virus bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”. Bắc Kinh đã đưa ra giả thuyết rằng virus lây nhiễm từ động vật tự nhiên – rằng virus đã truyền sang người từ thân chủ là động vật.

Trung Quốc có một cơ sở nghiên cứu sinh học lớn ở Vũ Hán, được gọi là Viện Virus học Vũ Hán, nơi nghiên cứu về virus corona ở dơi trong hơn một thập kỷ qua. Viện nghiên cứu nằm cách khu chợ ẩm thực khoảng 30 phút lái xe.

Một tờ thông tin tháng Một do Bộ Ngoại giao công bố và một báo cáo tình báo Mỹ không được tiết lộ lần đầu tiên được The Wall Street Journal đưa tin, cả hai đều nói rằng có những cá nhân bị bệnh với các triệu chứng phù hợp với COVID-19 vào mùa thu năm 2019. COVID-19 là căn bệnh do virus của ĐCSTQ gây ra.

Vào ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi tiến hành “một nghiên cứu tại Trung Quốc, do WHO triệu tập giai đoạn 2 về nguồn gốc COVID-19 một cách kịp thời, minh bạch, do các chuyên gia lãnh đạo và dựa trên khoa học, bao gồm những vấn đề được các chuyên gia WHO khuyến cáo trong báo cáo tháng Ba”.

Ông Blinken nói: “Để làm được việc này, chúng ta cần hiểu những gì đã xảy ra, cần đi đến tận cùng vấn đề. Chúng ta đang tiến hành nghiên cứu thông qua WHO và nghiên cứu vấn đề đó bằng nỗ lực của chính bản thân mình.

Cuối tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo “nỗ lực gấp đôi” để thăm dò nguồn gốc của virus và đưa ra một báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Fox News ngày 13/6, ông Blinken cho biết, các nhà lãnh đạo G-7 đều đồng ý rằng sự hợp tác của Bắc Kinh là cần thiết để tiến hành nghiên cứu điều tra nguồn gốc của virus.

Ngoại trưởng Blinken nói: “Các nhà lãnh đạo của G-7 cùng đồng lòng yêu cầu Trung Quốc hợp tác tiến hành nghiên cứu giai đoạn hai của WHO để thực sự đi sâu tìm hiểu những gì đã xảy ra”.

“Chúng ta cần tìm hiểu kỹ những gì đã xảy ra. Chúng ta cần có trách nhiệm giải trình. Chúng ta cần hiểu điều gì đã xảy ra, tại sao nó lại xảy ra, nó đã xảy ra như thế nào để có thể đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nó xảy ra lần nữa, hoặc ít nhất là có thể giảm thiểu cơ hội xảy ra đại dịch tiếp theo nếu chúng ta không thể hoàn toàn ngăn chặn một đại dịch”.

Ngày 12/6, tại G-7, Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi Trung Quốc hợp tác với WHO trong giai đoạn hai của cuộc điều tra.

“Đây là điều rất bi thảm, và tôi nghĩ rằng những người này [nạn nhân COVID-19] đáng được tôn trọng, đáng được biết nguồn gốc của loại virus này từ đâu. Có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn nó tái diễn”, ông nói trong một cuộc họp báo.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ cần sự hợp tác từ phía Trung Quốc. “Chúng tôi cần sự minh bạch để tìm ra nguồn gốc của loại virus này”.

Nguyên Hương – Theo The Epoch Times

Trung tâm EPR Đài Sơn : Giữa tham vọng hạt nhân của Trung Quốc và công nghệ Pháp

Đăng ngày: 16/06/2021 – 16:32

Ảnh tư liệu: Trên công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân EPR Đài Sơn, liên doanh giữa Pháp và Trung Quốc, ngày 17/10/2013.
Ảnh tư liệu: Trên công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân EPR Đài Sơn, liên doanh giữa Pháp và Trung Quốc, ngày 17/10/2013. AP – Bobby Yip

Trung tâm điện hạt nhân Đài Sơn của Trung Quốc với hệ thống lò phản thế hệ thứ 3 EPR duy nhất đang hoạt động trên thế giới, do Pháp thiết kế xây dựng bị sự cố rò rỉ khí phóng xạ. Sự cố này là một vố đau đối với tham vọng hạt nhân của Trung Quốc cũng như với Công ty Điện lực Quốc gia Pháp (EDF), nhà cung cấp độc quyền công nghệ lò phản ứng EPR.

Hai lò phản ứng hạt nhân EPR của nhà máy điện Đài Sơn được đặt bên bờ sông Châu Giang trong tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Trung tâm điện hạt nhân này được khánh thành năm 2018 để cung cấp điện cho cho hoạt động công nghiệp tập trung rất đông trong tỉnh Quảng Động. Hôm thứ Hai (14/06) vừa qua, kênh truyền hình Mỹ CNN loan tin một số lượng bất thường khí nhiễm xạ đã thoát ra từ quy trình làm lạnh của lò phản ứng số 1, khiến hoạt động của trung tâm Đài Sơn bị gián đoạn từ nhiều tuần nay. Thông tin này ngay lập tức đã thú hút sự chú ý của giới chuyên môn hạt nhân cũng như làm dấy lên các nghi hoặc về độ tin cậy của lò EPR, một tinh hoa của ngành công nghiệp hạt nhân Pháp.

Hôm qua (15/06), bộ Môi Trường và Cơ quan An toàn hạt nhân đã phải ra thông cáo giải thích nguyên nhân sự cố. Đó là do có một số lượng nhỏ các thanh nhiên liệu ( khoảng 5 thanh) bị hư hại dẫn đến hiện tượng tích tụ khí phóng xạ tăng bất thường tại trung tâm Đài Sơn. Thông cáo đồng thời giảm thiểu mức độ nguy hiểm của hiện tượng, khẳng định không có phóng xạ thoát ra ngoài môi trường cũng như không phải ngừng hoạt động của lò phản ứng.

Tập đoàn điện lực Pháp EDF không phải là chủ khai thác trung tâm Đài Sơn, nhưng là nhà cung cấp công nghệ lò EPR, đồng thời là cổ đông góp 30% vốn vào trung tâm điện hạt nhân này cùng các tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc. EDF cho biết đã được thông báo về hiện tượng từ tháng 10 nắm ngoái, nhưng khẳng định không có chuyện thoát khi nhiễm xạ ra ngoài không khí và đây là những trục trặc thông thường trong vận hành lò phản ứng. Trong khi đó theo tiêu chuẩn an toàn hạt nhân tại Pháp, một trục trặc tương tự chắc chắn sẽ dẫn đến ngừng hoạt động lò phản ứng.

Lò phản ứng EPR : trục trặc từ trên công trường xây dựng

Lò phản ứng hạt nhân EPR thuộc độc quyền công nghệ của Pháp được đánh giá là an toàn nhất và quyết định tương lai của điện hạt nhân. Liên doanh hợp tác với EDF, Trung Quốc đã khánh thành đưa vào vận hành 2 lò phản ứng EPR đầu tiên của trung tâm Đài Sơn cách đây 3 năm. Đây cũng là những lò EPR duy nhất đã đi vào hoạt động trên thế giới.

Trong những năm qua, EDF liên tục gặp các trục trặc rắc rối từ trên công trình xây dựng lò phản ứng EPR. Hai công trình khởi công trước trung tâm Đài Sơn, một ở Phần Lan và một ở Pháp vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau 15 năm khởi công do các vấn đề về kỹ thuật cũng như tài chính.

Sự cố ở Đài Sơn được phát hiện vào lúc mà EDF đang cố gắng hoàn tất công trình duy nhất tại Pháp, trung tâm Flamanville ( Normandie) đồng thời hy vọng sẽ được xây dựng thêm nhiều trung tâm nữa ở trong nước. Chính phủ Pháp vẫn thận trọng muốn chờ khởi động trung tâm EPR đầu tiên, trong điều thuận lợi nhất có thể vào cuối năm 2022, rồi mới ra quyết định có xây thêm hay không sáu lò EPR.

Bên cạnh đó, EDF cũng đang tiến hành đàm phán với nhiều nước châu Âu như Ba Lan, Cộng Hòa Séc về các dự án EPR. Anh Quốc, nơi có 2 lò EPR đang trong quá trình xây dựng, cam kết sẽ đặt hàng thêm hai lò. Tập đoàn Pháp cũng đang tiến hành thương lượng với Ấn Độ để lắp đặt tại nước này một trung tâm điện hạt nhân khổng lồ với 6 lò phản ứng EPR tại Jaitapur.

Các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 EPR siêu hiện đại được đánh giá là bàn đạp để thực hiện chiến lược chuyển tiếp năng lượng sạch trong khi mà năng lượng mặt trời hay điện gió chưa thực sự thuyết phục. Nước Đức tuyên bố từ bỏ điện hạt nhân lại xây dựng quá trình chuyển tiếp năng lượng bằng cách quay lại than. Pháp cũng như Trung Quốc và Mỹ, những cường quốc hạt nhân dân sự đều đặt kỳ vọng vào nguyên tử.

Với công nghệ độc quyền lò EPR, tập đoàn Pháp có thể cạnh tranh dễ dàng trên trường quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân dân sự với Nga hay với chính Trung Quốc, nước cũng đang phát triển các lò hạt nhân riêng. Phần đông các chuyên gia nhận định sự cố gặp phải tại trung tâm Đài Sơn sẽ đặt ra vấn đề về độ tin cậy của thế hệ lò phản ứng EPR.

Trung Quốc :Tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân số 1 thế giới
Theo ông Nicolas Mazzucchi, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến Lược Pháp, « vẫn còn quá sớm để rút ra bất cứ kết luận nào » nhưng « trên thực tế, đó là một tin rất xấu đối với lĩnh vực hạt nhân Trung Quốc trên bình diện quốc tế ». Vấn đề nảy sinh ở Đài Sơn đặt ra câu hỏi cho tương lai của hạt nhân Trung Quốc. Sự phát triển hạt nhân diễn ra mạnh mẽ ở đất nước này, nhưng vẫn còn giới hạn trong quy mô cả nước vì những thận trọng sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Trung tâm EPR Đài Sơn được coi như là chiếc tủ kính trưng bày chính sách hạt nhân dài hạn của Bắc Kinh. Phát triển năng lượng hạt nhân càng trở nên cấp bách do cuộc chạy đua kinh tế phi các bon đang được ông Tập Cận Bình phát động. Năm ngoái, lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2060, nước này sẽ đạt mức trung hòa các bon. Như vậy từ nay đến đó, công xưởng thế giới Trung Quốc sẽ phải cắt giảm rất mạnh sự lệ thuộc của vào năng lượng hóa thạch, hiện chiếm 69% sản xuất điện, trong đó chủ yếu là than đá. Trong khi đó năng lượng nguyên tử mới chỉ chiếm tỷ trọng 3% sản lượng điện.

Với khoảng năm chục lò phản ứng đang hoạt động và 18 lò đang xây dựng, Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 3 thế giới về số lượng lò phản ứng hạt nhân, chỉ sau Hoa Kỳ và Pháp. Xu hướng phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ còn tăng nhiều nữa theo kế hoạch 5 năm ( 2021-2025) vừa công bố hồi tháng Ba năm nay.

Về lâu dài, mở rộng hợp tác với ngước ngoài, Bắc Kinh muốn dần dần làm chủ lĩnh vực hạt nhân. Trung Quốc có tham vọng trở thành nhà xuất khẩu công nghệ hạt nhân hàng đầu thế giới nhằm chủ yếu vào các loại lò phản ứng giá thành rẻ để có thể cạnh tranh với Pháp và Mỹ.

RFIViet

Chính quyền Biden yêu cầu người dân Mỹ tố cáo gia đình và bạn bè có nguy cơ ‘cực đoan’.

 Bình luận NTDVN • 17:29, 16/06/21

Chính quyền Biden yêu cầu người dân Mỹ tố cáo gia đình và bạn bè có nguy cơ 'cực đoan'

Tổng thống Joe Biden đã gặp Thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Năm ngày 10/6. Ảnh: Anna Moneymaker / Getty Images

Chính quyền Biden đã thiết kế ra một kế hoạch để “hỗ trợ” người dân Mỹ tố các các thành viên gia đình và bạn bè có tư tương “cực đoan” của họ cho chính phủ.

Theo Breitbart đưa tin, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch nhằm tạo ra những cách thức để người Mỹ có thể tố cáo các thành viên gia đình và bạn bè “cực đoan” của họ cho chính phủ. Được biết, động thái này của chính quyền ông Biden nằm trong nỗ lực chống lại cái gọi là chủ nghĩa khủng bố trong nước.

Trong một cuộc trò chuyện với các phóng viên, một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden đã giải thích về tầm quan trọng của việc ngăn chặn bạo lực được thúc đẩy bởi chính trị trước khi nó bắt đầu. Quan chức này cho biết:

“Chúng tôi sẽ làm việc để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguồn lực liên bang, để giải quyết mối lo ngại hoặc hành vi đe dọa trước khi xảy ra bạo lực”. 

Quan chức này cũng trích dẫn chiến dịch “Nếu bạn thấy điều gì đó, thì hãy nói điều gì đó” của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, như một cách để giúp ngăn chặn khủng bố Hồi giáo cực đoan trong nước.

Ông Biden đã khởi đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình với một cảnh báo rõ ràng trong bài phát biểu nhậm chức, về “sự gia tăng cực đoan chính trị, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chủ nghĩa khủng bố trong nước, mà chúng ta phải đối đầu và đánh bại”. 

Và vào ngày 1/6 vừa qua, ông Biden nói rằng, sự đe dọa của “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” đang là “mối đe dọa gây chết người nhất trong nước hiện nay”.

Chính quyền ông Biden cũng cho biết, họ sẽ làm việc với các công ty công nghệ lớn Big Tech để “tăng cường việc chia sẻ thông tin” giữa chính phủ với các công ty công nghệ, qua đó chống lại quá trình cực đoan hóa.

https://www.ntdvn.com/the-gioi/chinh-quyen-biden-yeu-cau-nguoi-dan-my-to-cao-gia-dinh-va-ban-be-co-nguy-co-cuc-doan-200425.html

Vương Hữu Quần: 6 tín hiệu về khả năng Vương Hộ Ninh bị thay thế
Vương Hữu Quần•Thứ Tư, 16/06/2021

Ông Vương Hộ Ninh, đương kim Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phụ trách tư tưởng văn hóa, là nhân vật chủ chốt khiến Trung Quốc vài năm qua tăng tốc chuyển hướng cực tả, trở về thời Cách mạng Văn hóa (CMVH) thời Mao Trạch Đông. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nhân vật này có thể bị thay thế trong bố trí nhân sự tại Đại hội 20 của ĐCSTQ

Ông Tập Cận Bình (trái – Ảnh Shutterstock) và ông Vương Hỗ Ninh (phải – Angélica Rivera de Peña/ Wikimedia)

Năm 1995, Vương Hỗ Ninh được phe Giang – Tăng (các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng) đưa từ Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải về Trung Nam Hải. Thời điểm đó, Giang là lãnh đạo ĐCSTQ còn Tăng là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.

Từ 1995 – 2021, trong 26 năm, Vương đã phục vụ 3 thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Giai đoạn 10 năm Hồ Cẩm Đào (2002 – 2012) bị phe Giang – Tăng thao túng phía sau trong mọi vấn đề quan trọng. Vì vậy, trong 17 năm từ 1995 – 2012, phe mà Vương thực sự phục là phe Giang – Tăng, là “quản bút” quan trọng nhất của họ.

Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ từ Đại hội 18 tháng 11/2012. Từ 2013 – 2017, ông Tập dồn sức thâu tóm quyền lực cao nhất từ phe Giang – Tăng. Lúc này, Vương cố gắng lặng lẽ giúp Tập xây dựng cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình”, nhờ đó đã được tín nhiệm và cuối cùng vào được Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19 của ĐCSTQ vào tháng 10/2017.

Trong hơn ba năm sau khi Vương được giao phụ trách tư tưởng văn hóa, ông ta đã không ngừng truyền lửa chủ nghĩa Marx-Lenin cho ông Tập, cũng đồng thời giật dây phía sau với đủ chiêu trò khiến ông Tập đã sa vào nhiều cái bẫy, hệ quả làm “cuộc chơi” của Tập ngày càng gay go: năm 2018 bắt đầu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, năm 2009 đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và năm 2020 che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) khiến bệnh dịch lây lan toàn cầu.

Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào năm tới, là dịp thay khóa và các chức vụ quan trọng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, và Ủy viên Bộ Chính trị đều sẽ phải thay người mới.

Trong hơn 8 năm từ khi ông Tập lên nắm quyền, đã đẩy mạnh tẩy sạch thao túng của phe Giang – Tăng, thông qua danh nghĩa chống tham nhũng để hạ bệ những quan chức quan trọng trong các hệ thống khác nhau của ĐCSTQ trước đây do phe Giang – Tăng cài cắm. Hiển nhiên, họ rất căm hận ông Tập, không ngừng bày mưu tính kế và hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện kế hoạch trả thù.

Ông Tập ý thức rõ nguy cơ cận kề và đang cố gắng hết sức để tìm cách giữ quyền lực tiếp nhiệm kỳ thứ ba, đảm bảo các thân tín chiếm các vị trí quan trọng trong việc bố trí nhân sự tại Đại hội 20 ĐCSTQ.

Từ truyền thông trong và ngoài Trung Quốc cho thấy, có ít nhất 6 dấu hiệu chỉ ra vị trí của ông Vương Hộ Ninh có thể bị thay thế.

Thứ nhất, phe Giang – Tăng đã suy sụp

Ngày 7/6, Nhân dân Nhật báo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đăng bài của bút danh “Tuyên Ngôn” có tiêu đề “Chủ nghĩa xã hội không phụ Trung Quốc”, bài đã được các báo lớn của ĐCSTQ đăng lại. Bài viết này nhắc tên Tập Cận Bình 4 lần, Mao Trạch Đông 3 lần, Đặng Tiểu Bình 1 lần, không nhắc đến Giang Trạch Dân. Ngày 8/6, Nhân dân Nhật báo lại đăng một bài ký tên “Tuyên Ngôn” có tựa “Trung Quốc không phụ chủ nghĩa xã hội”; bài viết 6 lần nhắc tên Tập Cận Bình, 1 lần nhắc tên Mao Trạch Đông, 1 lần Đặng Tiểu Bình, không nhắc đến Giang Trạch Dân.

Ngày 1/5, tờ Cầu Thị (Qiushi) của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đăng một bài của Phó Chủ tịch Chính hiệp Trương Khánh Lê (Zhang Qingli) có tựa “Bảo đảm thống nhất và tập trung của Đảng liên quan thành bại của Đảng”, bài cũng được các cơ quan thông tin ĐCSTQ đăng lại. Khi nói về các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ, bài chỉ nhắc đến Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình, không nhắc tên Giang Trạch Dân.

Từ lâu, ĐCSTQ đã lên kế hoạch trao tặng danh hiệu cao quý nhất “Huân chương 1/7” trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Ngày 31/5, Tân Hoa xã công bố danh sách đề cử “Huân chương 1/7” gồm tổng cộng 29 người, không có Giang Trạch Dân.

Tình cảnh của phe Giang – Tăng là báo hiệu không may cho số phận chính trị của ông Vương.

Thứ hai, vấn đề về tuyên truyền đối ngoại mà Vương phụ trách

Ngày 31/5, ông Tập nhấn mạnh trong cuộc họp Bộ Chính trị về công tác tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ: “Phải chú ý nắm bắt ý chính, cởi mở và tự tin, nhưng cũng phải khiêm tốn, cố gắng tạo hình ảnh về một Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu quý, và đáng kính trọng”. Phát biểu cho thấy sự không hài lòng của ông Tập đối với hoạt động tuyên truyền đối ngoại dưới giám sát của ông Vương.

Sau đây có thể đưa một số minh chứng tiêu biểu:

Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từng gọi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “con bạc lưu manh” và “kẻ thù công khai của nhân loại”. Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương lên án Mỹ “không đủ tư cách để nói lời trịch thượng với Trung Quốc”, “Đa số các nước trên thế giới không công nhận các giá trị phổ quát do Mỹ chủ trương”…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên nhấn mạnh “Có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán”; cảnh báo Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes) gồm Mỹ, Anh, Canada , Úc, và New Zealand “cẩn thận kẻo bị chọc mù mắt”; chỉ trích Nhật Bản làm chư hầu chiến lược của Mỹ …

Đại sứ quán ĐCSTQ tại Pháp đã gọi học giả Antoine Bondaz của Pháp là “chó điên”, Tổng lãnh sự ĐCSTQ tại Rio de Janeiro là Lý Dương (Li Yang) đã gọi Thủ tướng Canada Trudeau là “chó của Mỹ”.

Ngày 1/5, trang web của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ đã công bố bức ảnh tổng hợp nhạo báng tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại Ấn Độ bằng việc so sánh hình ảnh Trung Quốc phóng tên lửa và chuyện đốt thi thể người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ…

Những phát ngôn “sói chiến” đầy hung hăng phi nhân tính đã khiến ĐCSTQ bị thất sủng trên toàn thế giới.

Thứ ba, Lưu Hạc cho xuất bản lại bài viết cũ lên án CMVH

Ngày 5/5, trang NetEase của Trung Quốc đã đăng một bài viết cũ vào năm 2008 của Phó Thủ tướng ĐCSTQ Lưu Hạc, nhưng đã đổi tiêu đề thành “Nếu không rút bài học từ CMVH thì không thể có tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày nay”.

Đoạn đầu của bài có viết: “Trong những ngày đầu thúc đẩy cải cách, ông Đặng Tiểu Bình kiên quyết bác bỏ những sai lầm của CMVH và chấm dứt đường lối chính trị dựa trên đấu tranh giai cấp, trọng tâm của công việc là đưa đất nước chuyển sang tập trung vào xây dựng kinh tế. Thời điểm đó thế giới ít người nhận ra ý nghĩa phi thường của quyết định lịch sử này. Ngay cả ngày nay vẫn còn những người nhớ nhung cảnh nghèo do chủ nghĩa bình quân của thời CMVH và những đặc quyền tinh thần được hưởng tại thời điểm đó, nhưng Trung Quốc đã tiến về phía trước – một bước tiến lớn không thể đảo ngược”.

Lưu Hạc tin rằng “sự đồng thuận để phát triển được hình thành trên cơ sở suy nghĩ lại các bài học của CMVH” là lý do chính cho phép màu kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua. Nếu không học bài học về thảm họa CMVH thì sẽ không có tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc ngày nay. Chính bài học tồi tệ của CMVH mà người Trung Quốc đã nhận ra những sai lầm và phi lý của lý thuyết lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh, mới ý thức được bị kịch khi bế quan tỏa cảng, mới nhận ra những khủng hoảng và ác mộng khủng khiếp Trung Quốc đã trải qua, người Trung Quốc ý thức mãnh liệt khát vọng thoát khỏi đói nghèo, rối loạn, và thúc đẩy cải cách và mở cửa.

Bài viết cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc “mở cửa với thế giới bên ngoài” và ý nghĩa to lớn của việc “tuân thủ đường lối cải cách theo định hướng thị trường”.

Bài viết này của Lưu Hạc được đưa vào cuốn “Ba mươi năm kinh tế Trung Quốc” với tiêu đề ban đầu là “Ba mươi năm kinh tế Trung Quốc và các vấn đề dài hạn trong tương lai”.

Lưu Hạc nổi tiếng trong phe cải cách của ĐCSTQ. Ông Tập từng giới thiệu khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Donilon đến thăm: “Đây là Lưu Hạc, ông ấy rất quan trọng đối với tôi”. Chúng ta cũng biết, Lưu Hạc thường là trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ, đôi khi trực tiếp là đặc phái viên của ông Tập.

Do là cố vấn ra quyết định kinh tế quan trọng nhất của ông Tập, khi ông Tập đi đâu cũng thường có Lưu bên cạnh. Ví dụ, gần đây nhất là việc ông Lưu cũng được tháp tùng ông Tập trong chuyến thị sát ở Thanh Hải từ ngày 7 – 9/6.

Những quan điểm cơ bản nêu trên trong bài luận cũ của Lưu Hạc cho thấy hoàn toàn khác quan điểm cực tả về việc quay trở lại CMVH của Vương Hộ Ninh. Tờ NetEase đã xuất bản bài viết này với tiêu đề nhấn mạnh bất thường, đầy hàm ý phản bác quan điểm của Vương. Đằng sau động thái của Netease trong công bố bài viết này chắc chắn phải có “bảo lãnh”.

Thứ tư, công bố đối thoại giữa Triệu Tử Dương và học giả kinh tế Mỹ

Ngày 27/5, NetEase đã công bố bài viết tựa đề “Bản ghi hội thoại cấp cao hiếm có với lượng thông tin khổng lồ (cao thủ quyết đấu, không có lời thừa)”, truyền tải toàn văn cuộc đối thoại được ghi lại trong cuốn sách “Trung Quốc trong mắt Friedman” xuất bản tại Hồng Kông năm 1989, không quên đính kèm theo một bức ảnh màu của Triệu Tử Dương.

Cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương là một trong những đại diện theo chủ nghĩa cải cách trong hệ thống ĐCSTQ. Ông bị Đặng Tiểu Bình phế truất vì phản đối vụ thảm sát ngày 4/6/1989 do Đặng chủ trương. Tác giả Friedman nổi tiếng với chủ trương kinh tế thị trường tự do và đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976. Cuộc đối thoại giữa hai người này liên quan đến vấn đề nhạy cảm nhất ở Trung Quốc vào thời điểm đó là vấn đề cải cách giá cả.

Mở đầu cuộc đối thoại, Triệu Tử Dương nói: “Hôm nay là một cơ hội hiếm có, chủ yếu là tôi muốn nghe ý kiến của Ngài, một người rất quan tâm đến những cải cách của chúng tôi. Về kinh tế, Ngài là một giáo sư lớn còn tôi là một học sinh tiểu học. Ngài đi đường xa tới, nên để Ngài nói nhiều hơn, còn tôi chủ yếu lắng nghe”.

Friedman chỉ ra chìa khóa vấn đề là trung ương ĐCSTQ nên từ bỏ tập trung quyền lực, càng cởi mở càng tốt. Cách duy nhất để kiềm chế lạm phát là hạn chế cung tiền, ở Trung Quốc đó là in ít tiền hơn. Ông tin rằng vấn đề lạm phát của Trung Quốc không phải là về đầu tư hay tiêu dùng, mà là về việc in quá nhiều tiền.

Friedman tin rằng tự do hóa giá cả và thực hiện cải cách giá cả sẽ hạn chế lạm phát. Nếu giá chính thức thấp nhưng người ta khó mua được thì đó thực sự không phải là giá thấp. Ông cũng cho rằng vấn đề mấu chốt nhất của cải cách là không được “cắm cọc” giữa chừng, không tiến cũng không lùi.

Cuối buổi đối thoại, ông Triệu Tử Dương nói: “Một lần nữa tôi cảm ơn vì những góp ý hữu ích của Ngài, tôi và các đồng nghiệp sẽ nghiên cứu kỹ những ý kiến của Ngài. Tóm lại, những cải cách của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì Ngài nói, đó là sự phát triển của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với lợi ích của người dân Hợp chủng quốc Mỹ”.

Giống như bài viết cũ của Lưu Hạc, cuộc phỏng vấn quan trọng này cũng được NetEase đăng tải với tiêu đề đậm và sắc nét gây chú ý, còn nội dung cũng đầy hàm ý hướng tới quan điểm của Vương.

Cuộc trò chuyện này hoàn toàn trái ngược với những lời rao giảng và tường thuật đầy giáo điều Marx-Lenin thường thấy của  ông Vương Hộ Ninh. Đằng sau động thái của Netease trong công bố bài viết này chắc chắn phải có “bảo lãnh”.

Thứ năm, bài cũ “Thực tiễn là tiêu chí duy nhất để kiểm tra chân lý”

Ngày 10/5/1978, ấn phẩm nội bộ “Xu hướng lý luận” của Trường Đảng thuộc Trung ương ĐCSTQ xuất bản bài “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý” được ông Hồ Diệu Bang phê duyệt. Ngày 11/5, tờ Nhật báo Quảng Minh đăng lại trên trang nhất với danh nghĩa “bình luận đặc biệt”, cùng ngày Tân Hoa xã cũng đăng lại. Sau đó ngày 12/5, toàn văn bài viết được hàng loạt cơ quan truyền thông lớn đăng lại gồm Nhân dân Nhật báo, Giải phóng quân; ngày 13, một số tờ báo của tỉnh đã đăng lại. Bài viết này đã gây ra phản ứng lớn vào thời điểm đó, kéo theo cuộc thảo luận trên toàn quốc về tiêu chuẩn của chân lý.

Từ tháng 3 – 6 năm nay, các cơ quan truyền thông lớn ở Trung Quốc Đại Lục liên tục đăng tải lại bài viết, nhấn mạnh quá trình và ý nghĩa của việc xuất bản bài viết nói trên.

Ví dụ, ngày 24/3, Nhật báo Quảng Minh đã đăng một bài viết nói về việc Đặng Tiểu Bình khẳng định và ủng hộ bài viết trên, theo đó Đặng đã kêu gọi “tinh thần cởi mở” để giúp đỡ công bố bài viết này.

Một ví dụ khác, ngày 31/5, tờ The Cover của Trung Quốc đã đăng một bài viết đặc biệt nói về bài viết nói trên được ông Hồ Diệu Bang, lúc đó là Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, cho đăng.

Điểm mấu chốt của “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý” nằm ở chỗ: phủ nhận CMVH và phủ nhận “hai phàm là” mà nhà lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Hoa Quốc Phong khẳng định (phàm là quyết định do Chủ tịch Mao đưa ra thì chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, phàm là chỉ thị của Chủ tịch Mao đưa ra thì tất cả chúng ta đều tuân theo).

Trong quá trình ủng hộ cuộc thảo luận về tiêu chuẩn chân lý này, Đặng Tiểu Bình đã cho thấy vai trò thay thế Hoa Quốc Phong với tư cách là lãnh đạo thực sự của ĐCSTQ. Sau đó Đặng dần tranh được các chức vụ của Hoa Quốc Phong như Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Thủ tướng, đồng thời cách chức tất cả các quan chức cấp cao thân cận Hoa Quốc Phong.

Gần đây, đông đảo truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng loạt bài viết “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý” thể hiển rõ tiếng nói phe cải cách trong ĐCSTQ, có thể xem là đòn phản công nhắm vào trào lưu trở lại thời CMVH mà Vương Hộ Ninh chủ trương.

Thứ sáu, xu thế chống Tập của truyền thông bên ngoài Trung Quốc

Ngày 10/6, nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại mang màu sắc phái Giang – Tăng đã đăng bài “Ai sẽ giám sát Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, nội dung nhắm thẳng vào Tập Cận Bình.

Ngày 11/6, các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đã đăng bài “Truyền thông Nga tập trung vào bài phát biểu của Tập Cận Bình với người Tây Tạng ở Thanh Hải: phong cách Stalin”, theo đó đầy dụng ý sử dụng truyền thông Nga để ngấm ngầm chỉ trích Tập Cận Bình như Stalin.

Ngày 8/6, khi các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đưa tin rằng Nhân dân Nhật báo đăng hai bài bình luận vào các ngày 7 và 8/6 đề cập đến vấn đề không “đếm xỉa” tới Giang Trạch Dân, họ đã đặc biệt kèm theo một bức ảnh được sắp xếp theo thứ tự là Mao, Đặng, Giang, Hồ, và đã đặt Giang vào giữa còn Tập ở bên.

Ngày 28/5, các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đã đăng bài viết công kích việc ĐCSTQ huy động toàn xã hội tìm hiểu 4 bộ sử mới, chỉ trích rằng Tập Cận Bình “đã thay thế chủ nghĩa hư vô lịch sử này bằng một chủ nghĩa hư vô lịch sử khác”. Cuối cùng bài viết đặt câu hỏi: Liệu ‘lịch sử’ được xây dựng giáo điều như vậy thì là nghiên cứu hay kiểm soát tinh thần?

Ngay từ ngày 3/12/2018, các cơ quan truyền thông hải ngoại nói trên đã đăng bài “Cực tả xé toang Trung Quốc, Tập Cận Bình nên có trách nhiệm”, yêu cầu phải tiến hành kiểm điểm toàn diện đối với ông Tập.

Kết luậnThực tế thủ đoạn hãm hại ông Tập của Vương Hỗ Ninh rất vụng về. Ví dụ, vào tháng 3/2020 khi đại dịch viêm phổi từ Vũ Hán lan ra thế giới và mang đến những thảm họa nghiêm trọng cho người dân các nước, ông Vương Hộ Ninh đã đi đầu trong công bố sách “Nước lớn chống dịch bệnh”. Tân Hoa xã đưa tin, “cuốn sách làm nổi bật tình cảm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đối với nhân dân, thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất sắc với tư cách là nhà lãnh đạo của một nước lớn”. Tưởng như đây là ca ngợi ông Tập, nhưng không khác gì chửi rủa ông Tập. Ngay sau khi thông tin được đưa ra, Internet lập tức bùng nổ làn sóng đánh giá và chửi bới thậm tệ.

Tuy nhiên, ông Tập dường như đã bối rối trước “bùa mê” chủ nghĩa Marx-Lenin từ ông Vương, trong một thời gian dài đã không thể nghe hoặc nhìn thấy tình hình thực tế, đi từ đánh giá sai này kéo theo một đánh giá sai khác, kết quả là nhiều vấn đề nội chính và đối ngoại không bình thường, làm xu thế chống Tập bùng nổ khắp nơi trong và ngoài nước.

Ngày nay, ông Tập đang ở trong tình thế nguy cấp nên có thể đã nhận ra một số vấn đề do ông Vương gây ra, nên không loại trừ sẽ bố trí thân tín thay thế.

Vương Hữu Quần, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)