Tin Trong Nước – 15/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 15/6/21

Sáng 15/6: Gần 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 quốc lộ cửa ngõ TP.HCM; Bắt đường dây đánh bạc hơn 1.500 tỷ đồng

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Gần 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 quốc lộ cửa ngõ TP.HCM

VnExpress – Quốc lộ 50, 1, 13, 22 dự kiến được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí gần 18.000 tỷ đồng, làm ở giai đoạn 2021-2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng kết nối vùng.

Đây là một trong những nhóm dự án đề xuất ưu tiên ở kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020-2030, vừa được UBND thành phố ban hành. Trong các công trình này, quốc lộ 50, 1 và 13 dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.

Ngoài các dự án này, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại TP.HCM theo lộ trình ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách để làm đồng bộ đến năm 2030. Trong đó giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở thành phố cần hơn 553.500 tỷ đồng.

Bắt đường dây đánh bạc hơn 1.500 tỷ đồng

Thanhnien – Tối 14/6, Cục cảnh sát hình sự (C02) – Bộ Công an cho biết, vừa bắt giữ Bùi Tuấn Anh (31 tuổi, quê Nam Định) cùng hơn 20 nghi phạm trong đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM với số tiền giao dịch hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo đó, C02 cho biết đã phát hiện 3 băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Băng nhóm này đã gây ra nhiều vụ đâm chém lẫn nhau để tranh giành địa bàn. Đặc biệt, các đối tượng tàng trữ vũ khí quân dụng. Dưới trướng của Tuấn Anh có hàng chục đàn em có tiền án tiền sự, hung hãn. 

Ngày 13/6, cơ quan chức năng đã huy động hơn 100 cán bộ đột kích nhiều hang ổ của băng nhóm này, qua đó bắt giữ 23 đối tượng.

Theo cơ quan điều tra, Tuấn Anh bước đầu khai nhận, đã điều hành băng nhóm này để tổ chức cá độ bóng đá từ tháng 6/2019 đến nay. Tổng số tiền luân chuyển giao dịch trong đường dây này đến thời điểm bị bắt là 1500 tỷ đồng. 

Riêng giải Euro 2020 vừa diễn ra, Tuấn Anh quản lý 6 cổng master với hơn 200.000 điểm (tương đương khoảng 2 tỷ đồng) điểm giao cho các đại lý cấp dưới quản lý điều hành. Từ đầu giải đến nay, Tuấn Anh thu lợi bất chính là 240 triệu đồng. Khi khám xét, lực lượng chức năng thu giữ một khẩu súng bắn đạn chùm (hoa cải). Hiện C02 đang tiếp tục mở rộng điều tra đường dây này.

Đường BOT bị “băm nát”, nhà đầu tư nói không có tiền sửa

Vietnamnet – Trong số 9 dự án BOT đang xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng, hiện có 4 dự án nhà đầu tư dừng bảo trì. Điển hình trong số này là Dự án BOT quốc lộ 1 đường tránh thành phố Thanh Hóa (dài hơn 10 km) được đầu tư xây dựng thu phí từ 2009, đến năm 2017 thì phải dừng thu để tính toán lại.

Tuy nhiên từ khi dừng thu phí đến nay mặt đường đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Cao Văn Hòa, thường xuyên đi về qua tuyến đường này cho biết, hơn 2 năm nay, mỗi lần lái xe từ Hà Nội về Thanh Hoá đi qua đoạn đường này, anh phải tập trung cao độ để đề phòng xảy ra tai nạn.

Anh Hoà nói: “Đường nhiều ổ trâu, có đoạn hằn lún sâu 10-15 cm được cào bóc sơ sài nên khi đi với tốc độ cao, mất tập trung thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. 

Trước tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án đang tạm dừng thu phí nhưng chưa chuyển giao cho Nhà nước, thì nhà đầu tư dự án phải có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa cho hay, theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí đến năm 2025, nhưng đến năm 2017, Tổng cục Đường bộ đã cho dự án dừng thu phí, sau khi tính toán số thu đủ theo hợp đồng. 

Từ đó đến nay do không có nguồn thu nên nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện cào bóc những đoạn đường hằn lún, không thể bảo đảm an toàn theo yêu cầu.

Ông Nam cho biết: “Dự án khai thác hơn 10 năm đã đến thời hạn phải đại tu lớn, nhưng do nguồn thu từ thu phí không còn, nên chúng tôi không thể thực hiện”.

Trước đó, Công ty BOT đường tránh Thanh Hoá đã đề xuất cho dự án thu phí trở lại, tuy nhiên đề xuất này đã không được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Tìm thấy một ngư dân mất tích khi tránh bão

VnExpress – Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển, anh Lê Đức Dương đã được tàu biên phòng và ngư dân cứu sống.

Chiều 14/6, Biên phòng Nghệ An đã bàn giao ngư dân Dương, trú thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho đại diện chính quyền địa phương.

Theo cán bộ biên phòng, đêm 13/6, anh Dương được tàu biên phòng phối hợp với một tàu cá Quảng Nam phát hiện khi đang bám víu vào chiếc bè mảng trôi dạt trên vùng biển Nghệ An cách bờ nhiều hải lý, sức khỏe yếu, hoảng loạn. Sáng nay, nạn nhân được tàu đưa cập bờ, bác sĩ chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, đêm 12/6, anh Dương cùng người em họ là Lê Đức Giang, trú tại phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, dùng bè mảng đánh bắt hải sản trên biển. Khi họ quay vào bờ tránh bão Koguma thì bè hỏng máy ở khu vực cách đảo Hòn Mê khoảng hai hải lý về phía đông nam, hai bè trôi dạt trên biển. Đến 4h cùng ngày, cả hai mất liên lạc. Biên phòng Thanh Hóa cùng biên phòng Nghệ An tổ chức tìm kiếm.

Hàng trăm container ùn tắc ở cửa khẩu Móng Cái

Thanhnien – Ngày 14/6, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết hàng trăm container chở nông sản chờ làm thủ tục bị ùn ứ.

Các cơ quan chức năng TP.Móng Cái đang tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thông quan, đưa nông sản Việt Nam kịp thời sang Trung Quốc, tránh bị hư hỏng.

Đại diện Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết cùng ngày, khoảng 400 container chở nông sản đã đổ về điểm xuất hàng Km 4, P.Hải Yên (TP.Móng Cái) để chờ làm thủ tục dẫn đến tình trạng ùn ứ. Không chỉ tại điểm xuất hàng Km 4, P.Hải Yên mà tại cầu Bắc Luân 2, tình trạng ùn ứ cũng diễn ra tương tự.

Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ gỡ vướng cho phương tiện buộc lắp camera

NLD – Nhận định dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Bộ GTVT kiến nghị Phó thù tướng Lê Văn Thành xem xét lùi thời hạn xử phạt đối với vi phạm của chủ phương tiện chưa lắp camera.

Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định lắp camera theo Nghị định số 10 và Thông tư 12 của Chính phủ.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2021 đến hết 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp camera lên ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Riêng ôtô kinh doanh vận tải hành khách trên 9 chỗ đề nghị chưa xử phạt từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022. Sau thời gian trên thì xử phạt.

Theo Nghị định số 10 và Thông tư số 12 của Chính phủ, trước ngày 1/7/2021, các nhóm phương tiện gồm xe vận tải hành khách trên 9 chỗ, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát hành trình. Mục đích nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, gần đến thời hạn 1/7, Bộ GTVT nhận được nhiều báo cáo của các Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi này.

Bộ GTVT nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn, nhất là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, giảm hơn 50% lượng khách so với trước. Trong đó nhiều nơi chịu ảnh hướng lớn gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM bà một số tỉnh, thành khách, việc kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp camera là cần thiết.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-sang-15-6-gan-18-000-ty-dong-mo-rong-4-quoc-lo-cua-ngo-tp-hcm-bat-duong-day-danh-bac-hon-1-500-ty-dong.html

Tối 15/6: Cựu Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội bị khởi tố

Hiểu Minh

Ảnh tổng hợp.

Cựu Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội bị khởi tố

VnExpress – Ông Nguyễn Thế Quang, 64 tuổi, nguyên Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cùng hai người bị cáo buộc lập dự toán trùng 7 biên chế với số tiền 2,3 tỷ đồng.

Cả 3 người bị vừa bị Công an tỉnh Gia Lai khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Lựu (54 tuổi, nguyên Phó chánh văn phòng HĐND tỉnh) bị bắt tạm giam, còn ông Quang và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (30 tuổi, kế toán Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) được tại ngoại.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Quang và hai người này diễn ra từ năm 2013 đến 2016. Việc lập dự toán trùng 7 biên chế (đã được Văn phòng Quốc hội đảm bảo) gây thiệt hại ngân sách 2,3 tỷ đồng.

Hồi năm 2017, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai từng kết luận bà Lựu và ông Quang có nhiều vi phạm, sử dụng nguồn kinh phí và hợp thức hóa việc mua quà Tết trái quy định… với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Họ sau đó bị kỷ luật, nộp 8 tỷ đồng khắc phục.

Bé trai 1 tuổi bò ra cửa gào khóc, người mẹ tử vong trong phòng

Dân Trí – Chiều 15/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên xác nhận, đơn vị đã tiếp nhận và đang cấp cứu cho một bé trai trong tình trạng nguy kịch.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 9h30 sáng cùng ngày, người dân trọ tại hẻm 175 đường Y Moan (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thấy bé trai 1 tuổi bò ra trước cửa phòng trọ và kêu khóc thảm thiết.

Lúc này, mọi người vội chạy tới phòng kiểm tra thì tá hỏa phát hiện chị Nguyễn Thị T. (SN 1993, ngụ huyện Krông Năng) đã tử vong trong phòng, miệng sùi bọt mép và cơ thể nồng nặc mùi thuốc trừ sâu.

Ngay sau đó, bé trai con của chị T. nhanh chóng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng da tím tái, miệng sùi bọt mép.

Nhận thông tin về vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi làm rõ nguyên nhân.

Được biết, vợ chồng chị T. từ huyện Krông Năng đến TP. Buôn Ma Thuột ở trọ để đi làm thuê, gia cảnh khá khó khăn.

CĐV Việt mua vé khán đài UAE để tiếp lửa cho đội tuyển

VnExpress – Nhiều cổ động viên Việt Nam ở Dubai đã mua vé bên khán đài đội bạn để có cơ hội vào sân tiếp lửa cho đội tuyển đấu với UAE.

Nguyễn Tâm, sống ở khu Al Satwa của Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), là một trong số nhiều cổ động viên Việt Nam phải mua vé bên khu vực khán đài của cổ động viên UAE.

“Dù mua vé khá khó khăn và không biết có được phép vào sân hay không, tôi vẫn xin sếp cho đổi ngày nghỉ vào hôm nay để đi cổ vũ đội tuyển. Dù đội bạn mạnh và có lợi thế sân nhà, tôi vẫn tin những người hùng của Việt Nam sẽ chiến thắng”, Tâm chia sẻ với VnExpress.

Cô dự đoán Việt Nam sẽ đánh bại UAE với tỷ số 2-1, với pha lập công của hai trong ba cầu thủ Quang Hải, Tiến Linh hoặc Công Phượng.

Giống như Tâm, Tùng Anh, người Việt sống tại Deira, Dubai, cũng phải mua vé bên khu vực dành cho cổ động viên đội bạn. Vì lý do phòng ngừa Covid-19, ban tổ chức của UAE chỉ cho phép 30% lượng khán giả vào sân theo dõi so với thông thường. Đối với các trận có đội tuyển UAE tham dự, đội khách được phân bổ 10% tổng số lượng khán giả, thay vì chia đều 50-50 như các trận khác.

“Khi tôi vào mua vé sáng 12/6, khu vực khán đài dành cho cổ động viên Việt Nam đã hết chỗ. Do đó, tôi quyết định mua vé sang khu vực của đội bạn”, anh kể. “Tôi chỉ muốn được vào sân để tiếp thêm tinh thần cho các cầu thủ nước nhà, nhưng sợ trận này phía UAE sẽ làm chặt và khó vào sân hơn cho cổ động viên đội mình”.

Là một cổ động viên nhiệt thành của đội tuyển Việt Nam, Tùng Anh cho biết dù trận đấu có được tổ chức cách nơi anh sống cả 100 km, anh vẫn sẵn sàng đến sân để tiếp lửa cho các cầu thủ. Trong trận đấu với Malaysia tối 11/6, anh cũng là một trong nhiều cổ động viên Việt Nam đã có mặt trên sân Al Maktoum. Vài ngày đã qua, anh vẫn chưa quên được cảm giác cuồng nhiệt của buổi tối hôm đó.

“Không khí ở trong sân cuồng nhiệt và hồi hộp hơn bên ngoài rất nhiều. Lúc đội bạn gỡ hòa, tôi thấy khá buồn và tiếc nuối, nhưng sau đó vỡ òa trong chiến thắng. Tôi hò hét nhiều đến mức hôm nay vẫn còn đau họng”, anh cho biết.

Đội tuyển Việt Nam tối 11/6 đánh bại đội tuyển Malaysia với tỷ số 2-1, với hai bàn thắng của Tiến Linh và Quế Ngọc Hải. Trận đấu cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 với đội tuyển chủ nhà UAE sẽ diễn ra lúc 20h45 (23h45 giờ Việt Nam) ngày 15/6 tại sân Zabeel, Dubai.

“Trận tối nay là tâm điểm và quyết định ngôi đầu bảng. Cổ động viên Việt bên này háo hức lắm. Nhiều người đã mua vé, dù phải ngồi bên khu vực khán đài của UAE”, Hoàng Nguyễn, trưởng nhóm hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Dubai, cho hay.

Ngoài quy định về số lượng khán giả trên sân, ban tổ chức giải đấu cũng yêu cầu khán giả phải đáp ứng hai điều kiện quan trọng nhất để vào sân: có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi trận đấu diễn ra; đã tiêm vaccine Covid-19 và có hiện chữ E trên ứng dụng theo dõi tiêm chủng Al Hosn ở điện thoại. Cổ động viên cũng phải đo thân nhiệt trước khi vào sân, ngồi giãn cách và đeo khẩu trang toàn thời gian có mặt ở sân.

Hoàng Anh, sống ở khu Dubai Marina, thành phố Dubai, cảm thấy may mắn hơn nhiều người khác khi mua được vé trong khu vực khán đài dành cho cổ động viên Việt Nam.

“Những trận trước tôi không sắp xếp đi được vì bận công việc, nên lần này không thể bỏ lỡ cơ hội đi cổ vũ cho đội tuyển”, Hoàng Anh nói. “Tôi đã xin nghỉ để đi cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng”.

TP.HCM hủy toàn bộ đề thi tuyển sinh lớp 10, giải phóng các hội đồng thi

Vtv – Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố diễn ra sáng 14/6, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, tất cả các hoạt động giáo dục cũng như các kỳ thi của TP đã được tạm hoãn theo chỉ đạo của TP.HCM.

Hiện toàn TP có hơn 7.000 cơ sở giáo dục. Các cơ sở này đã thành lập được 9.311 tổ phòng chống COVID-19 tại các đơn vị trường học để chủ động thực hiện công tác theo dõi, giám sát về công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo chung.

Ông Dũng cho biết, hiện nay, TP có 702 học sinh trong các khu phong toả và cách ly. Trong đó, có 6 em diện F0,  48 em F1 và 218 em F2. Giáo viên có 7 F0, 133 F1, 594 F2 và có 387 GV trong các điểm phong toả, cách ly.

Trong đó, riêng ở khối lớp 9 có đến 108 em trong khu phong tỏa, cách ly.

Theo kế hoạch ban đầu, kỳ thi vào lớp 10 sẽ tổ chức vào hai ngày 2 và 3-6. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã quyết định đã tạm hoãn theo chỉ đạo của TP.HCM và dự kiến tổ chức trước 25-6.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, kế hoạch dự kiến là kỳ thi lớp 10 sẽ tổ chức vào hai ngày 21 và 22-6. Nếu không, Sở phải hủy toàn bộ đề thi.

Ông Dũng nói thêm, với tình hình dịch bệnh hiện nay, kỳ thi dự kiến sẽ rất khó tổ chức trước 25-6. Vì vậy, Sở đã tiến hành huỷ toàn bộ nội dung đề thi và giải phóng hội đồng sao y đề thi để chuẩn bị lại.

Xót xa cậu học trò nghèo không có tiền nộp quỹ bị trường giữ học bạ

Kenh14 – Câu chuyện về một cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi, sống với ông bà nghèo nên không có tiền để nộp 550.000 đồng các khoản quỹ và bị hiệu trưởng giữ lại học bạ.

Ngày 14/6, PV báo Lao Động về nhà ông Y Liêng (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) để tìm hiểu câu chuyện em Y H. Bkrông (cháu của ông Y Liêng) không có tiền đóng quỹ, bị hiệu trưởng giữ lại học bạ khiến nhiều giáo viên tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tâm Thắng) bức xúc.

Trong căn nhà gỗ lụp xụp, ông Y Liêng cho biết vừa đi nhặt rác về. Còn em Y H. Bkrông mang theo một gói mì tôm đi chăn bò (con bò được nhà nước hỗ trợ) nên chiều mới về.

Sau một hồi nhờ người đi tìm, chúng tôi mới gặp được Y H. Bkrông. Dù đã học lớp 6 nhưng Y H. Bkrông nhỏ thó, có dấu hiệu suy dinh dưỡng.

Ông Y Liêng cho biết gia đình thuộc hộ cận nghèo. Cha Y H. Bkrông không còn liên lạc với gia đình từ lâu, còn mẹ cũng rời nhà khi em vừa biết ngồi. Ông bà Y Liêng phải chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Không có nương rẫy nên đêm đến, ông Y Liêng phải đi nhặt rác tại bãi rác gần nhà. “Đêm nào nhiều thì được 50.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập của gia đình trong những năm qua” – ông Y Liêng nói.

Cũng theo ông Y Liêng, sau khi kết thúc năm học 2019-2020, do không có 550.000 đồng để đóng tiền quỹ nên nhà trường không trả học bạ chuyển cấp, do vậy em Y H. Bkrông đã phải nghỉ học.

Theo giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của em Y H. Bkrông, khi hết năm học, cô đã trình bày hoàn cảnh gia đình em Y H. Bkrông rất khó khăn nhưng hiệu trưởng vẫn kiên quyết giữ hồ sơ. “Giữa cuộc họp và khi cơ quan chức năng về làm việc, tôi đều khẳng định hiệu trưởng làm trái lương tâm đạo đức nhà giáo. Đáng lẽ học sinh khó khăn thì thầy phải huy động để em được đi học, đây lại giữ học bạ lại để thu tiền” – cô giáo này bức xúc.

Còn theo cô Nguyễn Thị Minh Châu, giáo viên Trường Mầm non tư thục Phúc Lộc (xã Tâm Thắng), sau khi biết việc em Y H. Bkrông không được rút hồ sơ để đi học, ngày 28/9/2020, cô chở em Y H. Bkrông lên trường đóng tiền cho hiệu trưởng. “Thầy hiệu trưởng không viết biên lai thu tiền mà ghi vào sổ của thầy. Sau đó, tôi chở em Y H. Bkrông lên Trường THCS Phan Đình Phùng xin vào học và mua 2 bộ đồng phục cho em, tổng cộng hết 920.000 đồng. Lúc này, nhà trường đã vào học được khoảng 3 tuần” – cô Châu nói.

Tại một cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập, nói: “Nguyên tắc đi học thì phải đóng tiền và đã thỏa thuận mọi vấn đề với nhà trường này thì phải chấp nhận. Còn không đóng tiền thì chúng tôi có biện pháp để giữ… Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ và tôi làm hoàn toàn đúng”(?!)

Giáo viên tố hiệu trưởng sai phạm hàng loạt

Trước đó, 2 giáo viên của Trường Tiểu học Hà Huy Tập đã gửi đơn tới cơ quan chức năng cho rằng ông Nguyễn Ngọc Hải có hàng loạt sai phạm trong công tác.

Ông Phạm Văn Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Jút, cho biết sau khi tiếp nhận đơn, phòng đã về nắm bắt vụ việc thì ông Hải cũng nhận thấy sai sót của mình. Ngày 14/6, ông Hiệp đã làm việc với Huyện ủy Cư Jút và thống nhất Huyện ủy sẽ giải quyết đơn tố cáo.

Đối với vấn đề giữ hồ sơ của Y H. Bkrông, ông Hiệp cho rằng phòng cũng đã chỉ ra cho ông Hải thấy như vậy là sai. Ông Hiệp nói: “Vấn đề này, tôi đã nói rát cả tai, theo nguyên tắc học sinh học xong là phải trả hồ sơ. Quyền được học tập là quyền của các em, sao có thể giữ hồ sơ lại được. Nếu có vướng mắc gì thì phải làm việc với gia đình để tìm hiểu. Các khoản phụ thu này cũng chỉ để phục vụ lại trường, nếu cảm thấy học sinh khó khăn quá thì thôi, hoặc kêu gọi giáo viên trong trường giúp đỡ”.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-toi-15-6-cuu-chanh-van-phong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-bi-khoi-to.html