Tin Khắp Nơi – 28/5/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 28/5/21

Covid-19: Việt Nam có gần 3.000 ca nhiễm trong vòng một tháng

Nhân viên y tế kiểm tra các cửa hàng ăn buộc phải đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/05/2021. 

Nhân viên y tế kiểm tra các cửa hàng ăn buộc phải đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/05/2021.

AFP – NHAC NGUYEN

Chỉ trong vòng một tháng, Việt Nam ghi nhận 2.913 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong từ khi đợt dịch tái bùng phát ngày 27/04/2021. Virus corona đã lan ra 30 tỉnh thành, trong đó có nhiều nơi phát hiện biến thể B.1.617 (biến thể Ấn Độ). Trong khi đó, chỉ có khoảng 1% trên tổng số hơn 96 triệu dân được tiêm chủng.

Trong đợt dịch này có nhiều điểm đặc biệt hơn so với những lần trước. Thứ nhất, về kỷ lục số ca nhiễm trong một ngày, có lúc lên đến 444 ca nhiễm mới, gấp hơn ba lần đỉnh của đợt trước xảy ra ở Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán. Thứ hai, Covid-19 cũng gây nhiều ca tử vong trong cộng đồng, con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới vì có đến 20% số bệnh nhân mới có triệu chứng nặng, nhiều ca tiên liệu xấu, còn 80% số ca nhiễm chỉ biểu hiện ít triệu chứng, theo báo VnExpress ngày 26/05.

Về chiến lược tiêm chủng, ngày 26/05, Việt Nam nhận được thêm 288.000 liều vac-xin AstraZeneca, bổ sung thêm cho hơn 1,6 triệu liều mới nhận hôm 16/05. Trước nhu cầu tiêm chủng cao, nhưng số vac-xin do Hà Nội đặt mua không được giao nhanh chóng, nhiều công ty ở Việt Nam cho Reuters biết sẵn sàng trả tiền để tiêm chủng cho nhân viên vì nếu căn cứ theo diện ưu tiên, sẽ còn lâu đến lượt họ.

Hiện tại, Việt Nam chưa áp dụng « hộ chiếu vac-xin », nên người nước ngoài nhập cảnh, dù đã được tiêm chủng, vẫn phải bị cách ly tập trung 3 tuần và theo dõi y tế tại địa phương thêm hai tuần. Ngày 24/05, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham) ở Hà Nội đã đề nghị chính phủ Việt Nam rút ngắn thời hạn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm chủng, đồng thời cho phép lĩnh vực tư nhân tự mua vac-xin ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho nhân viên của họ. Hiện tại, bộ Y Tế Viện Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Việt Nam điện đàm
28/05/2021 – VOA Tiếng Việt

Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Tối ngày 27/5 giờ Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn điện đàm, thảo luận quan hệ song phương, nhân quyền, tình hình Biển Đông, và các vấn đề khác, theo Bộ Ngoại Mỹ và Thông Tấn xã Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khen ngợi sức mạnh của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và tái khẳng định cam kết chung của chúng ta trong việc bảo vệ và gìn giữ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.”

Hai bên cũng thảo luận về những quan ngại đang diễn ra liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và các cam kết giải quyết biến đổi khí hậu, và ứng phó COVID-19.

“Bộ trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, và ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.

Ngoại trưởng Blineken viết trên Twitter sau cuộc điện đàm: “Tôi vui mừng tái khẳng định sức mạnh của Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.”

TTXVN cho biết Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hình thức thiết thực để hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp tiếp cận vaccine.

Truyền thông Việt Nam cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.

Phía Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp hướng đến thúc đẩy quan hệ thương mại ổn định, hài hòa với Hoa Kỳ, mong muốn Hoa Kỳ sớm kết thúc vụ việc điều tra theo Mục 301, liên quan đến việc Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.

Người dân Myanmar tự vệ chống lại quân đội, làm dấy lên lo ngại về chiến tranh
Thứ Tư, 26/05/2021

Người dân Myanmar đang chuyển sang tự bảo vệ trước chính quyền quân sự, làm dấy lên lo ngại về nội chiến, đặc phái viên Myanmar của Liên Hợp Quốc cảnh báo hôm thứ Hai.

Bà Christine Schraner Burgener nói rằng người dân thất vọng và lo sợ sau khi quân đội lên nắm chính quyền vào tháng Hai thông qua một cuộc chính biến. Bà cho biết một cuộc nội chiến “có thể xảy ra”, khi những người biểu tình chống lại quân đội đang chuyển sang tấn công nhiều hơn và đang được các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số huấn luyện sử dụng vũ khí tự chế.

Bà Schraner Burgener muốn tổ chức đối thoại toàn diện với các nhóm vũ trang quân sự người thiểu số, quân đội – còn được gọi là Tatmadaw, các nhóm xã hội dân sự và những lực lượng khác. Tuy vậy, bà cho biết, “sẽ không thực sự dễ dàng thuyết phục cả hai bên đến bàn đàm phán, nhưng tôi vẫn đề nghị họ … để tránh đổ máu nhiều hơn và tránh một cuộc nội chiến, bởi nếu nó xảy ra, nó rất có thể sẽ kéo dài.”

Người dân các địa phương đã thành lập một lực lượng được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân cùng với Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Lực lượng này “phải cố gắng được đặt dưới một cơ cấu chỉ huy duy nhất”, bà Schraner Burgener nói, trong bối cảnh những người biểu tình đang chuyển sang các hành động tấn công. Bà nói thêm, hàng ngày, “các vụ nổ” xảy ra ở bất cứ đâu, làm người dân sợ hãi”.

Bà Schraner Burgener cho biết các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số đã nói với bà trong các cuộc họp rằng họ ủng hộ nhân dân. Hiện cũng khó để biết vũ khí chủ yếu là tự chế của họ có thể chống lại quân đội với ” lực lượng rất mạnh và nhiều vũ khí sát thương” hay không.

Quân đội đã thực hiện một cuộc chính biến vào ngày 1 tháng Hai chống lại chính phủ được bầu cử dân chủ và đang sử dụng “bạo lực trên quy mô lớn.”

Khả năng xảy ra một cuộc nội chiến là lý do tại sao trong ba tuần qua bà Schraner Burgener đã thảo luận với các bên chủ chốt về ý tưởng bắt đầu một cuộc đối thoại nhiều bên bao gồm cả các đảng chính trị và ủy ban đình công cũng như một nhóm nhỏ các nhân chứng từ cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi lo lắng về tình hình hiện nay và chúng tôi thực sự muốn mọi người hãy tỉnh táo …để quyết định xem họ muốn thấy đất nước mình trở lại bình thường như thế nào”, bà nói.

Bà gọi tình hình ở Myanmar là “rất tồi tệ”, khi chỉ ra con số hơn 800 người thiệt mạng, hơn 5.300 người bị bắt, và hơn 1.800 lệnh bắt giữ của quân đội.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc cũng trích dẫn các báo cáo về số người chết, bị thương và thiệt hại chưa được xác nhận về nhà cửa và tài sản dân sự ở thị trấn Mindat, phía tây bang Chin, nơi quân đội tuyên bố thiết quân luật. Bà cũng chỉ ra những báo cáo mới về tình trạng bạo lực gia tăng ở bang Kayah – còn được gọi là bang Karenni – ở miền đông Myanmar và bang miền nam Shan.

Myanmar trong 5 thập kỷ đã mòn mỏi dưới sự cai trị khắt khe của quân đội, khiến đất nước bị cô lập và bị trừng phạt quốc tế. Khi các tướng lĩnh nới lỏng sự kìm kẹp, với cột mốc là việc bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm 2015, cộng đồng quốc tế đã phản ứng bằng cách dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt và bắt đầu đầu tư vào đất nước này. Cuộc chính biến diễn ra sau cuộc bầu cử tháng 11 khi đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo và quân đội nói rằng kết quả là gian lận.

Bà Suu Kyi đã trực tiếp ra hầu tòa lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính hôm thứ Hai với nhiều cáo buộc khác nhau, trong bối cảnh quân đội đe dọa giải tán đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà – đảng đã giành được 82% phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Luật sư của bà, Min Min Soe, cho biết bà Suu Kyi muốn nói với người dân Myanmar rằng đảng được thành lập vì họ, và “NLD sẽ tồn tại chừng nào người dân còn tồn tại.”

Bà Schraner Burgener gọi nỗ lực của quân đội để cấm NLD là “không thể chấp nhận được” và nói, “Tôi cũng hy vọng NLD sẽ tồn tại vì đây là ý nguyện của người dân.”

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đã có cuộc gặp kéo dài một giờ với tư lệnh quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing, bên lề cuộc họp tháng trước của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN đã ban hành một kế hoạch hành động gồm 5 điểm trong đó kêu gọi ngừng bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN làm trung gian hòa giải, viện trợ nhân đạo và tổ chức chuyến thăm cho đặc phái viên đó tới Myanmar.

Nhưng bà Schraner Burgener cho biết một ngày sau đó, tướng Hlaing nói ông sẽ xem xét năm điểm khi tình hình Myanmar ổn định. Và hôm Chủ nhật, ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Trung Quốc rằng ông thấy “5 điểm đó không thể thực hiện được.”

“Vì vậy, rõ ràng là tùy vào việc ASEAN phản ứng như thế nào”, bà nói. “Rõ ràng, chúng ta nên biết rằng thời gian đang trôi qua và chúng ta không còn nhiều thời gian để xem các hành động trên thực địa, bởi vì thời gian sẽ chỉ nằm trong tay của quân đội.”

Bà Schraner Burgener cho biết Tatmadaw tuyên bố hôm Chủ nhật rằng họ đã thay đổi quy định về tuổi nghỉ hưu của tổng tư lệnh, có nghĩa là ông Hlaing “có thể ở lại ở vị trí này suốt đời.” 

Sau cuộc gặp của bà với tướng Hlaing, đặc phái viên Liên Hợp Quốc đã yêu cầu đến Myanmar để tiếp tục thảo luận, nhưng bà nhận được câu trả lời là “vẫn chưa phải lúc.” Bà nói rằng bà sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình vì tin rằng mọi người có thể sẽ được khuyến khích bởi sự hiện diện của bà. Bà vẫn có văn phòng tại thủ đô Naypyitaw và cho biết hàng ngày bà vẫn nhận được báo cáo từ nhiều người trong nước.

Bà Schraner Burgener đã hội đàm với các nhà lãnh đạo khu vực, các nhân vật và các nhóm ở Myanmar. Bà hiện đang bay đến Nhật Bản để gặp ngoại trưởng nước này. Bà cho biết bà cũng sẵn sàng nói chuyện với các quan chức Trung Quốc.

Bà Schraner Burgener nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc đang cố gắng ngăn chặn bạo lực, bùng phát bởi cuộc đảo chính quân sự. “Rõ ràng là rất buồn khi thấy người dân phải sử dụng vũ khí,” bà than thở.

Tiến Minh (theo Newsweek)

Thất bại nữa của chính quyền Biden: Chính sách nới lỏng biên giới khiến ma túy tổng hợp từ Trung Quốc tràn vào giết hại người Mỹ nhiều hơn cả Covid-19

 Bình luận Lê Minh – 25/05/21   

Thất bại nữa của chính quyền Biden: Chính sách nới lỏng biên giới khiến ma túy tổng hợp từ Trung Quốc tràn vào giết hại người Mỹ nhiều hơn cả Covid-19

Các cộng đồng trên khắp nước Mỹ đang phải vật lộn với tác động của cuộc khủng hoảng Opioid… (Victor Moussa/Shutterstoc)

Vào năm 2019, chính quyền Trump đã vận động thành công chính phủ Trung Quốc cấm sản xuất và buôn bán bất hợp pháp fentanyl và các chất tương tự. Tuy nhiên, Fentanyl đã không biến mất. Các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ đơn giản là đi một chặng đường dài, vận chuyển hóa chất đến Mexico cho các tập đoàn ma túy – vốn đâng buôn bán heroin, meth và cocaine – để sau đó chuyển qua biên giới để vào Mỹ.

Lần đầu tiên Jean bị rủ rê dùng thử heroin, cô đã từ chối. Tuy nhiên, vào một đêm, khi Jean 18 hoặc 19 tuổi, cô đã dùng thử. Trong vài năm sau đó, heroin dẫn cô đến với ma túy đá và ma túy đá dẫn đến fentanyl. Cho đến khi mang thai vào năm 2017, cô mới quyết định tìm đến sự giúp đỡ. “Ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống, tôi đã ở tận cùng của sự bế tắc nhưng lại mặc nhiên chấp nhận nó”, cô gái 29 tuổi đến từ Denver (bang Colorado, Mỹ) nói. “Nhưng khi tôi phát hiện ra mình đang mang thai con gái, tôi mong muốn một điều gì đó tốt hơn cho nó”.

Không phải ai cũng có nhận thức như vậy. Trong khi Covid-19 hoành hành khắp đất nước, thì các dịch bệnh khác cũng âm thầm bùng phát trong lòng xã hội Mỹ. Dữ liệu gần đây từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy có hơn 90.000 người Mỹ chết do sử dụng ma túy quá liều trong vòng 12 tháng tính đến tháng 10 năm 2020, tăng 30% so với năm trước. Con số này nhiều hơn số người thiệt mạng năm ngoái do tai nạn giao thông (42.000 người) và súng (44.000 người) cộng lại. Khoảng 55.000 người trong số những người sử dụng quá liều đã chết vì opioid tổng hợp như fentanyl, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần vào sự gia tăng này. Tiến sĩ Chris Thurstone, giám đốc các dịch vụ sức khỏe hành vi tại Denver Health, nói rằng sự cô lập do phong tỏa có thể làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm và lo lắng, và lạm dụng chất kích thích thường gia tăng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khi mọi người mất việc làm hoặc lo lắng về tài chính của họ. Nhiều người đã sử dụng ma túy một mình, hoặc khi họ không thể tìm kiếm trợ giúp y tế do các phòng khám đóng cửa hoặc ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới. Nhưng câu chuyện này còn dài hơn thế: Đại dịch opioid của Mỹ đã bước sang một giai đoạn mới nguy hiểm phần lớn là do việc chuyển dịch – và hiện đại hoá – thị trường thuốc.

Nguồn gốc của hiện tượng này có thể bắt nguồn từ thuốc giảm đau theo toa, chẳng hạn như OxyContin, được giới thiệu vào năm 1996. Trong khoảng 15 năm, cuộc khủng hoảng opioid theo toa biến thành cuộc khủng hoảng opioid bất hợp pháp. Fentanyl, loại thuốc có hiệu lực gấp 100 lần morphin/ gam, đang tàn phá nặng nề nhất ở khu vực Bờ Đông và Appalachia. Người dùng ở các bang phía Tây từ trước đến nay ưa chuộng loại heroin dạng hắc ín, loại không trộn lẫn với fentanyl, hơn là loại heroin dạng bột trắng được tìm thấy ở phương Đông. Trưởng bộ phận Los Angeles của Cơ quan Chống Ma Túy Hoa Kỳ (DEA) Bill Bodner cho biết, những người ở miền Tây lớn tuổi nghiện opioid, “là những người sử dụng hắc ín, họ là những người sử dụng hắc ín và họ sẽ tiếp tục là những người sử dụng hắc ín”.ĐCSTQ vẫn có thể “hạ gục” nước Mỹ bằng thịt nhiễm độc và ma túy Fentanyl. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy điều tương tự cũng đang xảy ra ở miền Tây. Ở San Francisco, số người chết vì dùng ma túy quá liều trong năm ngoái nhiều hơn gấp đôi so với Covid-19. Giám định y tế của thành phố ước tính rằng fentanyl đã được phát hiện trong máu của gần 73% trường hợp tử vong do dùng thuốc quá liều. Tại Las Vegas, số ca tử vong do dùng fentanyl quá liều đã tăng từ chỉ 16 ca vào năm 2015 lên 219 ca vào năm 2020.

Sự lan truyền của Fentanyl cũng liên quan đến địa chính trị và tội phạm có tổ chức. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất của các hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl, và cho đến gần đây, loại thuốc này thường được gửi trực tiếp đến Hoa Kỳ theo các bưu kiện nhỏ. Vào năm 2019, chính quyền Trump đã vận động thành công chính phủ Trung Quốc cấm sản xuất và buôn bán bất hợp pháp fentanyl và các chất tương tự. Sau đó, Matthew Donahue, phó giám đốc phụ trách hoạt động của DEA , cho biết, các chuyến hàng trực tiếp “hầu như đã bị dừng lại”.

Tuy nhiên, Fentanyl đã không biến mất. Các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ đơn giản là đi một chặng đường dài, vận chuyển hóa chất đến Mexico cho các tập đoàn ma túy – vốn đâng buôn bán heroin, meth và cocaine – để sau đó chuyển qua biên giới. Số lượng fentanyl mà lực lượng an ninh Mexico thu giữ đã tăng gần gấp 5 lần từ năm 2019 đến năm 2020. Sau khi qua biên giới, các băng đảng ma tuy, Sinaloa và Jalisco New Generation, đã sử dụng mạng lưới của họ để phân phối ma túy trên khắp nước Mỹ.

Đó không chỉ là vấn đề tuyến đường fentanyl đi đã thay đổi. Thuốc cũng có thể thay đổi hình dạng. Ở Mexico, fentanyl được ép thành những viên thuốc giả giống với thuốc giảm đau như OxyContin hoặc hydrocodone. Chỉ cần 2mg fentanyl là có thể gây tử vong, vì vậy một viên fentanyl nguyên chất — hoặc một viên nén với một loại thuốc khác như heroin hoặc cocaine — đã có thể gây chết người. Khi DEA kiểm tra các viên thuốc mẫu từ các vụ thu giữ ma túy từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2019, 27% số này có chứa một liều lượng fentanyl gây chết người. John Pelletier, người điều hành bộ phận chống ma tuý của Cảnh sát đô thị Las Vegas, cho biết nhóm của ông đã phản ứng với một cuộc gọi cấp cứu do quá liều gây tử vong khi 2 nạn nhân mở điện thoại để kiểm tra tác dụng phụ của OxyContin mà không nhận ra rằng họ đã uống một viên thuốc fentanyl. 

Thuốc giả là công việc kinh doanh tuyệt vời cho các băng đảng tội phạm. Ông Keith Humphreys thuộc Đại học Stanford cho biết: Fentanyl có thể được sản xuất với giá bằng 1% giá của heroin. Ông Donahue nói: “Các băng đảng không cần một cánh đồng trồng cây thuốc phiện”,“ họ chỉ cần một tầng hầm, một ngôi nhà hoặc một nhà kho nhỏ là đủ”.

Sự lan rộng của fentanyl đã thay đổi số lượng những người tử vong vì opioid. Vào năm 2014, opioid đã giết chết người da trắng với tỷ lệ gấp đôi so với người Mỹ gốc Phi. Tỷ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ở người Mỹ da đen đã tăng hơn gấp ba lần trong vòng 5 năm tính đến năm 2019 do fentanyl thâm nhập vào nguồn cung cấp ma túy bất hợp pháp. Những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 cũng đang chết với số lượng lớn hơn.

Tỷ lệ tử vong cao hơn ở những người Mỹ trẻ tuổi phản ánh sự chuyển hướng sang thị trường thuốc trực tuyến. Mạng đen – Dark web, một góc khuất của Internet, từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp ma túy bất hợp pháp. Giờ đây, thuốc giả có sẵn trên các nền tảng trò chơi và mạng xã hội như Instagram hoặc TikTok. Đại dịch opioid đang khiến người Mỹ sử dụng ma túy thường xuyên như thể dùng giấy vệ sinh hay hàng tạp hóa vậy.

Tất cả những điều này đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm, con số 90.000 người chết cho thấy nước Mỹ cần phải có một phản ứng mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia cho rằng tốt nhất là các bang nên từ chối mở rộng chương trình Medicaid theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, vì điều đó có thể giúp cung cấp methadone cho những người nghiện. 

Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký cho phép hầu hết các bác sĩ kê đơn Buprenorphine, một phương pháp điều trị chứng nghiện opioid.

Thực tế, vấn đề này hoàn toàn có thể được khắc phục bằng cách cắt nguồn cung. Nhưng theo Breibart, Fentanyl thường được sản xuất tại Trung Quốc và tuồn vào Mỹ bất hợp pháp qua biên giới phía nam, nơi chính quyền Biden đã nới lỏng việc thực thi pháp luật. Thống đốc Texas Greg Abbott (R) cho biết hồi đầu tháng 5 rằng lượng fentanyl bắt tại biên giới đã tăng 800% trong năm qua.

Lê Minh 

https://www.ntdvn.com/kinh-te/that-bai-nua-cua-chinh-quyen-biden-chinh-sach-noi-long-bien-gioi-khien-ma-tuy-tong-hop-tu-trung-quoc-tran-vao-giet-hai-nguoi-my-nhieu-hon-ca-covid-19-188072.html

Chuyên gia: Trung Quốc đang có các biểu hiện giống Hoa Kỳ trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra

Phụng Minh 

Ảnh: Youtube/DKN.TV.

Liên quan đến những dấu hiệu bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc, ông Lý Dương, thành viên của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hôm 26/5 cho biết, xu hướng gia tăng nợ của Trung Quốc đang tương tự như trước khi có sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ trước đây, đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Đối với nền kinh tế Trung Quốc, tất cả các loại nợ đều trở thành kẻ thù, theo Vision Times.

Vào ngày 26/5, Diễn đàn thị trường phái sinh Thượng Hải lần thứ 18 do Sở giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải tổ chức đã được tổ chức tại Thượng Hải. Người đứng đầu các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành có liên quan, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, giám đốc điều hành doanh nghiệp, chuyên gia, học giả và đại diện truyền thông đã tham dự diễn đàn.

Lý Dương, Chủ tịch Phòng thí nghiệm Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và thành viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng.

Ông Lý cho rằng vào năm 2020, tỷ lệ đòn bẩy tài chính trong dân cư Trung Quốc đã vượt qua Đức và Nhật Bản, đây là một tín hiệu nguy hiểm hơn; và xu hướng tăng nợ của người dân Trung Quốc kể từ năm 2010 cũng tương tự như xu hướng trước khi bùng phát khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Trung Quốc phải đặc biệt cảnh giác.

Ông cho biết: “Hầu hết các khoản nợ của cư dân đều liên quan đến thị trường bất động sản, điều này tăng cường sự lan tỏa lẫn nhau giữa rủi ro nợ của cư dân và thị trường bất động sản”.

Ông cũng chỉ ra rằng hầu hết trái phiếu chính phủ của Trung Quốc, đặc biệt là trái phiếu chính quyền địa phương, được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại, điều này đã dẫn đến việc tài chính hóa các chính sách tài khóa và tăng cường sự đan xen lẫn nhau của rủi ro tài khóa và rủi ro tài chính.

Về việc tăng giá hàng hóa, Lý Dương cho rằng PPI (Chỉ số giá xuất xưởng của các sản phẩm công nghiệp) có thể biến động đáng kể, liên quan chặt chẽ đến thị trường quốc tế; mặt khác, nó liên quan chặt chẽ đến mức độ tài chính hóa cao của nền kinh tế thực.

Giá hàng hóa tăng nhanh là tâm điểm chú ý của các quan chức cấp cao gần đây, bao gồm cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Năm cơ quan bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt gần đây để cùng thảo luận về các doanh nghiệp chủ chốt có ảnh hưởng thị trường mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp quặng sắt, thép, đồng và nhôm.

Các công ty được lệnh không tham gia vào các hoạt động đầu cơ quá mức, và không phát tán thông tin sai lệch để khuyến khích sự gia tăng liên tục của giá hàng hóa và các hành vi vi phạm khác. Đồng thời cũng nói rõ rằng chính phủ có quan điểm “không khoan nhượng” đối với việc các công ty thao túng giá hàng hóa và tích trữ.

Đối với nền kinh tế Trung Quốc , việc tăng giá hàng hóa có tính chất chu kỳ và sẽ có giai đoạn giảm xuống, trong khi vấn đề nợ nần chồng chất không ngừng.

Viện Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã công bố báo cáo hàng đầu của mình có tựa đề “Báo cáo Tài chính Trung Quốc 2020: Cải cách Tài chính theo Mô hình Phát triển Mới” vào ngày 25 tháng 4.

Báo cáo cho thấy từ năm 2008 đến năm 2020, tỷ lệ cung tiền M2 của Trung Quốc trên GDP đã tăng từ 148,8% lên 215,2% và tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc tăng từ 141,2% lên 270,1%.

Về gánh nặng nợ của người dân Trung Quốc, chính phủ đưa ra một số chỉ số khác nhau, trong đó có tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình, là tổng nợ hộ gia đình chia cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây cho biết do dịch bệnh, tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc đã tăng theo từng giai đoạn, với tỷ lệ đòn bẩy của người dân đạt 72,5%, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia chỉ ra rằng trong 5 năm qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cư dân tăng nhanh nhất, và đã vượt qua Mỹ.

Mức độ nợ nần của người Trung Quốc cũng có thể được đo lường bằng tỷ lệ tài sản trên trách nhiệm của hộ gia đình, tức là tổng số nợ của hộ gia đình chia cho tổng tài sản của hộ gia đình. Ngoài ra, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình cũng có thể đo lường mức độ nợ cá nhân, tức là tổng số nợ của hộ gia đình chia cho thu nhập khả dụng. Theo một báo cáo do Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam và Ant Group phối hợp thực hiện, năm 2018, tỷ lệ nợ trên thu nhập hộ gia đình của Trung Quốc đạt 121,6%.

Tỷ lệ đòn bẩy của cư dân có tương quan thuận với chỉ số giá nhà ở. Trong những trường hợp bình thường, điểm cao nhất của tỷ lệ đòn bẩy của cư dân chậm hơn hai hoặc ba năm so với điểm cao nhất của giá nhà ở, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có sự sụt giảm đáng kể về giá nhà ở, điều này đã góp phần lớn vào tỷ lệ đòn bẩy của người dân cao.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố mở rộng nhu cầu trong nước và kích cầu tiêu dùng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc vay nợ tăng nhanh cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng.

Ngoài ra, Giám đốc Viện Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo rằng tích lũy nợ của Trung Quốc có phần khác biệt so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi, đó là, nợ khu vực công của Trung Quốc chiếm khoảng 60%, trong khi mức toàn cầu chỉ từ 30% đến 40%, đây là rủi ro cần được đặc biệt chú ý. Nếu mô hình tích lũy nợ không được điều chỉnh và phương thức tích lũy nợ vẫn tập trung ở khu vực công, các cơ quan chính phủ có thể phải chịu áp lực rất lớn.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-dang-co-cac-bieu-hien-giong-hoa-ky-truoc-khi-khung-hoang-tai-chinh-xay-ra.html