Bắc Kinh buộc tội Đại sứ quán Hoa Kỳ kích động ‘Cách mạng Màu’ ở Trung Quốc
28/05/202 – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cáo buộc Hoa Kỳ khởi xướng “cuộc cách mạng màu” ở đất nước đông dân nhất thế giới này, sau khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc công bố “Chương trình tài trợ ngoại giao công chúng” năm 2021, đề nghị tài trợ lên tới 30.000 đô la cho “các dự án tăng cường quan hệ Mỹ- Trung”.
Theo chương trình, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư vấn và học viện hàn lâm có thể đăng ký tài trợ kinh phí cho các lĩnh vực ưu tiên như nghiên cứu xã hội và các giá trị, văn hóa, sức khỏe và ngôn ngữ Hoa Kỳ. Một trong những lĩnh vực ưu tiên nổi bật chính là các dự án “Hỗ trợ việc tăng cường quan hệ giao lưu giữa công dân Hoa Kỳ-Trung Quốc, đặc biệt là [tăng cường] sự hiểu biết về Hoa Kỳ trong người dân Trung Quốc”.
Chương trình này đã khiến ĐCSTQ hết sức tức giận. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ đang muốn tuyển dụng một nhóm “gián điệp phản bội” ở bên trong Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thậm chí còn tố cáo Hoa Kỳ đã khởi xướng một “cuộc cách mạng màu” (nỗ lực gây mất ổn định một quốc gia thông qua một sự kiện sắp diễn ra) ở Trung Quốc.
Ngày 19/5, ông Triệu cáo buộc Hoa Kỳ “can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác trên thế giới, gây ảnh hưởng xấu và thậm chí tạo ra các cuộc cách mạng màu” dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền.
“Người ta sẽ phải tự hỏi về mục đích thực sự của chương trình mà Hoa Kỳ đang khởi xướng,” ông Triệu nhấn mạnh trong một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.
Trong một bài báo xuất bản ngày 15/5, Thời báo Hoàn cầu đã chỉ trích Hoa Kỳ đang cố gắng khai thác “nhóm người phản bội” ở Trung Quốc. Báo cáo dẫn lời Li Haidong, một giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiến hành một kế hoạch thâm nhập vào Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông và Ma Cao, tuyên truyền dưới chiêu bài ‘ngoại giao quần chúng’; còn cung cấp hỗ trợ tài chính và lợi ích cho những ‘cá nhân cụ thể’ hoặc ‘tổ chức’ dưới chiêu bài của các hoạt động văn hóa; thậm chí nhằm kích động một ‘cuộc cách mạng màu’.”
Bài báo đã được đăng tải rộng rãi trên nhiều trang web của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhân vật kỳ cựu của truyền thông Trung Quốc Huang Jinqiu bình luận rằng, lý do khiến ĐCSTQ rất tức giận về chương trình này là bởi nó có thể ngăn trở công cuộc tẩy não lâu dài của ĐCSTQ.
“Chính phủ đã tẩy não người dân thông qua hệ thống tuyên truyền trong suốt một thời gian dài. Mọi người không có tư duy độc lập. ĐCSTQ muốn họ trở nên ngu ngốc, yếu đuối và chịu nô dịch,” ông Huang nhận xét.
Ông nói thêm rằng ĐCSTQ lo ngại người dân ở Trung Quốc Đại lục sẽ tìm hiểu về nước Mỹ chân thực thông qua các dự án mà chương trình mới này hỗ trợ. Theo đó, những tuyên truyền chống Mỹ trong quá khứ của ĐCSTQ sẽ bị vô hiệu. Điều này khiến ĐCSTQ cảm thấy bị đe dọa.
“Sau khi thức tỉnh, người dân có thể yêu cầu quyền dân chủ và bỏ phiếu, đó là điều mà ĐCSTQ coi là ‘yếu tố gây bất ổn’. Đó cũng là lý do tại sao ngay cả khi các bạn có Internet, ĐCSTQ vẫn sẽ cố gắng hết sức để chặn thông tin,” ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Huang cũng nhận định, cách tiếp cận của Đại sứ quán Hoa Kỳ là sự tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm tách ĐCSTQ ra khỏi người dân Trung Quốc phổ thông.
“Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã nêu rõ rằng, Trung Quốc không phải là ĐCSTQ và ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc. Vì vậy, chính quyền Trump đã nhắm vào ĐCSTQ trong khi thể hiện sự thông cảm và ủng hộ đối với người dân Trung Quốc phổ thông.”
Ông Huang còn nói, ĐCSTQ rất tức giận về sự phân biệt này: “Đó là lý do tại sao ĐCSTQ muốn buộc chặt mình với người dân Trung Quốc. Nếu chúng ta phải chết, chúng ta sẽ chết cùng nhau. Đảng muốn chuyển hết mọi đau khổ cho người dân.”
Cũng theo ông Huang, Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ không áp đặt bất kỳ tuyên bố hay đòi hỏi chính trị nào đối với người Trung Quốc. Điều mà họ cố gắng làm là chỉ cung cấp cho người Trung Quốc một cửa sổ để nhìn ra thế giới rộng lớn hơn, hít thở không khí tự do và suy nghĩ độc lập.
Từ xưa đến nay, các hoạt động giao lưu văn hóa của ĐCSTQ vẫn bị trộn lẫn với tuyên truyền và các chương trình nghị sự khác. Ông Huang nhận thấy rất khó để phân biệt liệu đó có phải là giao lưu văn hóa thực sự, hay là nhiệm vụ tuyên truyền của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, hay thậm chí là các hoạt động gián điệp hay không.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
https://trithucvn.org/the-gioi/bac-kinh-buoc-toi-dai-su-quan-hoa-ky-kich-dong-cach-mang-mau-o-trung-quoc.html
Chuyên gia: Trung Quốc đang có các biểu hiện giống Hoa Kỳ trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra
Phụng Minh | DKN 26 phút trước
Liên quan đến những dấu hiệu bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc, ông Lý Dương, thành viên của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hôm 26/5 cho biết, xu hướng gia tăng nợ của Trung Quốc đang tương tự như trước khi có sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ trước đây, đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Đối với nền kinh tế Trung Quốc, tất cả các loại nợ đều trở thành kẻ thù, theo Vision Times.
Vào ngày 26/5, Diễn đàn thị trường phái sinh Thượng Hải lần thứ 18 do Sở giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải tổ chức đã được tổ chức tại Thượng Hải. Người đứng đầu các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành có liên quan, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, giám đốc điều hành doanh nghiệp, chuyên gia, học giả và đại diện truyền thông đã tham dự diễn đàn.
Lý Dương, Chủ tịch Phòng thí nghiệm Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và thành viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng.
Ông Lý cho rằng vào năm 2020, tỷ lệ đòn bẩy tài chính trong dân cư Trung Quốc đã vượt qua Đức và Nhật Bản, đây là một tín hiệu nguy hiểm hơn; và xu hướng tăng nợ của người dân Trung Quốc kể từ năm 2010 cũng tương tự như xu hướng trước khi bùng phát khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Trung Quốc phải đặc biệt cảnh giác.
Ông cho biết: “Hầu hết các khoản nợ của cư dân đều liên quan đến thị trường bất động sản, điều này tăng cường sự lan tỏa lẫn nhau giữa rủi ro nợ của cư dân và thị trường bất động sản”.
Ông cũng chỉ ra rằng hầu hết trái phiếu chính phủ của Trung Quốc, đặc biệt là trái phiếu chính quyền địa phương, được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại, điều này đã dẫn đến việc tài chính hóa các chính sách tài khóa và tăng cường sự đan xen lẫn nhau của rủi ro tài khóa và rủi ro tài chính.
Về việc tăng giá hàng hóa, Lý Dương cho rằng PPI (Chỉ số giá xuất xưởng của các sản phẩm công nghiệp) có thể biến động đáng kể, liên quan chặt chẽ đến thị trường quốc tế; mặt khác, nó liên quan chặt chẽ đến mức độ tài chính hóa cao của nền kinh tế thực.
Giá hàng hóa tăng nhanh là tâm điểm chú ý của các quan chức cấp cao gần đây, bao gồm cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Năm cơ quan bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt gần đây để cùng thảo luận về các doanh nghiệp chủ chốt có ảnh hưởng thị trường mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp quặng sắt, thép, đồng và nhôm.
Các công ty được lệnh không tham gia vào các hoạt động đầu cơ quá mức, và không phát tán thông tin sai lệch để khuyến khích sự gia tăng liên tục của giá hàng hóa và các hành vi vi phạm khác. Đồng thời cũng nói rõ rằng chính phủ có quan điểm “không khoan nhượng” đối với việc các công ty thao túng giá hàng hóa và tích trữ.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc , việc tăng giá hàng hóa có tính chất chu kỳ và sẽ có giai đoạn giảm xuống, trong khi vấn đề nợ nần chồng chất không ngừng.
Viện Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã công bố báo cáo hàng đầu của mình có tựa đề “Báo cáo Tài chính Trung Quốc 2020: Cải cách Tài chính theo Mô hình Phát triển Mới” vào ngày 25 tháng 4.
Báo cáo cho thấy từ năm 2008 đến năm 2020, tỷ lệ cung tiền M2 của Trung Quốc trên GDP đã tăng từ 148,8% lên 215,2% và tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc tăng từ 141,2% lên 270,1%.
Về gánh nặng nợ của người dân Trung Quốc, chính phủ đưa ra một số chỉ số khác nhau, trong đó có tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình, là tổng nợ hộ gia đình chia cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây cho biết do dịch bệnh, tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của Trung Quốc đã tăng theo từng giai đoạn, với tỷ lệ đòn bẩy của người dân đạt 72,5%, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia chỉ ra rằng trong 5 năm qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cư dân tăng nhanh nhất, và đã vượt qua Mỹ.
Mức độ nợ nần của người Trung Quốc cũng có thể được đo lường bằng tỷ lệ tài sản trên trách nhiệm của hộ gia đình, tức là tổng số nợ của hộ gia đình chia cho tổng tài sản của hộ gia đình. Ngoài ra, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình cũng có thể đo lường mức độ nợ cá nhân, tức là tổng số nợ của hộ gia đình chia cho thu nhập khả dụng. Theo một báo cáo do Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam và Ant Group phối hợp thực hiện, năm 2018, tỷ lệ nợ trên thu nhập hộ gia đình của Trung Quốc đạt 121,6%.
Tỷ lệ đòn bẩy của cư dân có tương quan thuận với chỉ số giá nhà ở. Trong những trường hợp bình thường, điểm cao nhất của tỷ lệ đòn bẩy của cư dân chậm hơn hai hoặc ba năm so với điểm cao nhất của giá nhà ở, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có sự sụt giảm đáng kể về giá nhà ở, điều này đã góp phần lớn vào tỷ lệ đòn bẩy của người dân cao.
Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố mở rộng nhu cầu trong nước và kích cầu tiêu dùng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc vay nợ tăng nhanh cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Ngoài ra, Giám đốc Viện Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo rằng tích lũy nợ của Trung Quốc có phần khác biệt so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi, đó là, nợ khu vực công của Trung Quốc chiếm khoảng 60%, trong khi mức toàn cầu chỉ từ 30% đến 40%, đây là rủi ro cần được đặc biệt chú ý. Nếu mô hình tích lũy nợ không được điều chỉnh và phương thức tích lũy nợ vẫn tập trung ở khu vực công, các cơ quan chính phủ có thể phải chịu áp lực rất lớn.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-dang-co-cac-bieu-hien-giong-hoa-ky-truoc-khi-khung-hoang-tai-chinh-xay-ra.html