Tin Trong Nước – 26/5/21
Thêm 115 ca COVID-19, Bắc Ninh là điểm nóng
VnExpress – Bộ Y tế tối 26/5 ghi nhận 115 ca dương tính COVID-19 trong nước, gồm tại Bắc Giang 39, Bắc Ninh 64, Hà Nội 9, Hải Dương 2, Thái Nguyên một.
Như vậy trong ngày 26/5, Việt Nam ghi nhận thêm 235 ca Covid-19, 59 người được công bố khỏi bệnh, một người tử vong. Tổng số ca cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 3.028 ca, ở 30 tỉnh thành.
Số ca nhiễm mới tối nay nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 1.520, Bắc Ninh 624, địa bàn Hà Nội 344 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Hải Dương 43, Thái Nguyên 3.
Bệnh nhân COVID-19 thứ 45 tử vong
Thanh Niên – Chiều nay, 26/5, Bộ Y tế thông báo ca mắc Covid-19 tử vong, là bệnh nhân nữ, 67 tuổi, quê ở Bắc Ninh.
Ca mắc COVID-19 thứ 45 tử vong tại Việt Nam là bệnh nhân 3760 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ H.Thuận Thành, Bắc Ninh).
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, suy giáp sau xạ trị bướu giáp từ năm 2007, đang điều trị theo đơn; đái tháo đường đang dùng insulin tiêm, thể trạng béo phì.
Ngày 11.5, bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (Bắc Ninh) cách ly điều trị với chẩn đoán viêm phổi trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
Ngày 12/5, bệnh nhân xét nghiệm có kết quả dương tính COVID-19 và được chuyển sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân được Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn 3 lần, được nhóm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư tăng cường hỗ trợ điều trị tại chỗ hằng ngày.
Ngày 25/5, bệnh nhân diễn biến bệnh nặng dần, xuất hiện tình trạng suy tim, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) để điều trị, trên đường vận chuyển bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn (lần 1), và thêm 2 lần ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhân tử vong đêm 25/5, chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm COVID-19, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
TP. Bắc Ninh lập hơn 100 chốt kiểm soát
VnExpress – Sáng 26/5, lãnh đạo TP. Bắc Ninh cho hay trong số 115 chốt kiểm soát có một chốt cấp tỉnh đặt tại vị trí gần trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, trên quốc lộ 38 đi thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành.
114 chốt cấp phường gồm 30 chốt mềm, 84 chốt cứng. Các chốt kiểm soát có nhiệm vụ không cho người từ vùng dịch, xe chở khách vào thành phố. Xe chở lương thực được vào khi đảm bảo chỉ có một tài xế, không biểu hiện ho, sốt và có giấy xét nghiệm âm tính.
Do số lượng chốt cứng lớn, nhiều phường đã sử dụng gạch, cống bê tông để làm rào chắn, ba ca trực cả ngày lẫn đêm.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch phường Võ Cường (TP. Bắc Ninh) cho biết, đã dựng 16 chốt cứng chủ yếu phục vụ việc cách ly giữa phường với phường và chốt tại các điểm chợ tạm. “Các chốt phối hợp với lực lượng cơ động sẽ giám sát để người dân không ra đường sau 20h, ban ngày chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm”, ông Toàn nói.
Hôm nay, TP. Bắc Ninh cũng phong tỏa thêm hai cụm dân cư ở phường Vân Dương và cụm dân cư khu Lãm Làng với 46 hộ, gần 1.900 người; cụm dân cư Chu Mẫn với 13 hộ, 1.500 người; chung cư HUD Trầu Cau, phường Võ Cường với hơn 1.000 người. Các khu dân cư đều có thời gian phong toả 14 ngày và có thể kéo dài hơn tùy diễn biến dịch.
Hiện, TP. Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Các huyện Lương Tài, Tiên Du, thị xã Từ Sơn giãn cách theo chỉ thị 15.
Hà Nội thêm 2 ca dương tính COVID-19
VnExpress – CDC Hà Nội chiều 26/5 ghi nhận 2 người dương tính nCoV, trong đó một liên quan chùm ca tại Times City và Công ty T&T, một liên quan Bệnh viện K. Các ca này chưa được Bộ Y tế ghi nhận, vì vậy xếp vào ca nghi nhiễm.
Hai người gồm:
Nữ, 50 tuổi, sống ở đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Bà làm việc tại tầng 5 tòa nhà Công ty T&T và tiếp xúc gần “bệnh nhân 5312”. Ngày 23/5, bà xét nghiệm nghi ngờ nhiễm nCoV, cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Đường sắt, Long Biên. Ngày 26/5, Trung tâm Y tế quận Long Biên lấy mẫu lần 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo kết quả dương tính.
Còn người liên quan tới chùm trong Bệnh viện K là nam, 37 tuổi, sống ở xã Xuân Phú, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Từ ngày 1/4, anh đến Bệnh viện K để chăm bố ốm. Ngày 5/5 và 8/5, anh được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính nCoV. Ngày 11/5, CDC Hà Nội chuyển anh sang cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Nam Từ Liêm. Sau đó, anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính vào 16/5; 21/5. Ngày 25/5, anh xét nghiệm lần thứ 5, kết quả dương tính.
Theo CDC Hà Nội, thành phố đã ghi nhận 149 ca nhiễm cộng đồng ở 20 quận, huyện.
Bắt giữ cô gái F1, 18 tuổi 2 lần trốn khỏi khu cách ly tập trung
Ngày 26/5, Công an TP. Phủ Lý (Hà Nam) đã bắt giữ Trang Thị D. (18 tuổi, ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là người thuộc trường hợp F1 nhưng bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung.
Sau khi điều tra yếu tố dịch tễ, cơ quan chức năng đã đưa D. đi cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tỉnh Hà Nam).
Theo công an, D. sống tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Đây là địa phương đang thực hiện việc phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 20/5, D. bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bắt xe khách đi Hà Nội. Khi đến chốt kiểm soát dịch tại đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tổ công tác tại chốt phát hiện D. đến từ nơi có dịch nên đưa cô này đi cách ly tập trung tại xã Mường Trung.
Đến chiều 24/5, D. tiếp tục bỏ trốn khỏi khu cách ly khiến Công an tỉnh Điện Biên phải ra thông báo, đề nghị các tỉnh phối hợp truy tìm.
Sau đó, qua rà soát, Công an phường Châu Sơn (TP. Phủ Lý, Hà Nam) đã phát hiện D. tại một phòng trọ thuộc tổ dân phố Hưng Đạo. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ vụ việc để xử lý cô gái này theo quy định.
Bắc Giang hoàn thành 12 khu cách ly với 3.000 giường điều trị bệnh nhân nặng
VnExpress – Sở Y tế sáng 26/5 cho biết khu ICU đã hoàn tất bên trong Bệnh viện Phổi. Trong khu điều trị bệnh nhân nặng này có 16 máy theo dõi chức năng sống, 6 máy thở tần suất cao; hệ thống oxy trung tâm, hệ thống camera.
Tỉnh cũng sẽ khẩn trương lập thêm một khu ICU tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế về quy trình chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn…
12 khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, công suất hơn 3.000 giường đã được thiết lập. Tỉnh cũng lắp đặt hệ thống đường truyền kết nối để phục vụ giao ban trực tuyến giữa các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh với Sở và Bộ Y tế, kịp thời trao đổi chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Từ ngày 26/5, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao là Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng, huyện Việt Yên, trên tổng số dân cư là 18.723 người. Trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính sẽ thực hiện cách ly, truy vết, đồng thời lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh để xét nghiệm theo phương pháp PCR tiếp tục.
Hiện, ngành y tế đã xét nghiệm diện rộng xong tại huyện Việt Yên và Yên Dũng. Các khu vực trọng điểm đang tập trung xét nghiệm đến lần thứ 3.
Toàn tỉnh đã lấy 636.764 mẫu; xét nghiệm được 591.604 mẫu, hiện nay còn 9.032 mẫu gộp (45.160 mẫu đơn) chưa có kết quả. Hàng nghìn mẫu đã được chuyển tới Bệnh viện Quân y 103, Viện Pasteur Nha Trang và CDC tỉnh đề nghị hỗ trợ xét nghiệm.
Đến nay, Bắc Giang ghi nhận 1.454 ca nhiễm, chủ yếu liên quan đến 3 ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam; tại khu công nghiệp Vân Trung, khu công nghiệp Quang Châu. Trong đó, ổ dịch xã Phương Sơn ghi nhận 7 F0 đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng. Nguy hiểm nhất là ổ dịch tại khu công nghiệp Quang Châu, ghi nhận 995 F0, đang tiếp tục tăng.
Dự kiến trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tăng. Tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng kể cả tập thể dục, thể thao.
‘Nổ’ là Việt kiều kẹt lại Việt Nam do Covid-19, lừa lấy gần nửa tỷ đồng của nữ nạn nhân
Thanhnien – Ngày 26/5, Công an Q.1 (TP.HCM) đang tạm giữ Trần Hỷ Tâm (40 tuổi, ngụ Q.11), kẻ đội “mác” Việt kiều để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, Tâm không có công việc ổn định và thường xuyên lên mạng xã hội kết bạn làm quen với các cô gái với ý định lừa đảo.
Vào cuối tháng 3/2021, Tâm làm quen với chị B.V (34 tuổi, quê Long An). Lúc này, Tâm lấy tên giả là Tuấn và nói là Việt kiều Mỹ đang mắc kẹt tại Việt Nam do Covid-19.
Sáng 5/4, Tâm đón chị V. đi chơi. Nhân tiện, chị V. nhờ Tâm chở đến ngân hàng để gửi 490 triệu đồng. Lợi dụng lúc nạn nhân sơ hở, Tâm đã chiếm đoạt số tiền nói trên. Đến ngày 21/5 thì Tâm bị bắt.
Tiệm vàng bị trộm bẻ khóa đột nhập, “cuỗm” nhiều cây vàng
Nld – Ngày 26/5, Công an huyện Bố Trạch – cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành làm rõ trình báo của chủ tiệm vàng Kim Bình về việc bị mất trộm vàng, trị giá hơn 100 triệu đồng.
Theo trình báo của anh Đoàn Thanh Thủy – chủ tiệm vàng Kim Bình có địa chỉ ở cổng chính chợ Hoàn Lão (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch), sáng cùng ngày lúc anh đến cửa tiệm thì tá hỏa khi phát hiện kẻ gian cạy cửa đột nhập lấy trộm hơn 3 cây vàng. Tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Theo anh Thủy, số vàng bị mất chủ yếu là bông tai phụ nữ, loại vàng Tây 10K, 14K và 18K. Tại hiện trường, cửa cuốn của tiệm vàng bị cạy, tủ kính bị đối tượng dùng đá đập vỡ. Một số bông tai vàng còn rơi vãi, nằm rải rác trong tủ kính và dưới nền nhà.
Hiện Công an thị trấn Hoàn Lão đang với hợp với Công an huyện Bố Trạch khám nghiệm hiện trường và trích xuất camera để điều tra làm rõ.
Bỗng dưng được ‘ngân hàng’ chuyển tiền, cẩn thận mất luôn tài khoản
Vietnamnet – Gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo mới bằng tin nhắn, nhiều ngân hàng đã lên tiếng, cảnh báo khách hàng.
Chị Trinh (quận Tân Phú, Sài Gòn) cho biết: Chiều 21/5, chị bất ngờ nhận được tin nhắn từ hệ thống của ngân hàng với nội dung “Vietcombank trân trọng thông báo tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa” kèm theo một đường link để đăng nhập, xác thực. Sau khi nhấp vào đường link và điền các thông tin cá nhân, chị Trinh đã bị trừ hơn 3,2 triệu đồng trong tài khoản. Số tiền trong tài khoản của chị còn lại là 130.000 đồng.
Theo chị Trinh, nếu là tin nhắn rác thì chị có thể phát hiện được đó là đường link giả, đằng này tin nhắn nằm chung trong hộp thư của ngân hàng nên đã khiến chị mất cảnh giác.
Chị Trinh chia sẻ: “Tin nhắn giả mạo nằm chung với những tin nhắn báo biến động số dư, thì làm sao chúng tôi có thể lường trước được. Ngân hàng cần xem lại cách quản lý hệ thống của mình để tránh rủi ro cho khách hàng”.
Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng đang phối hợp với các cơ quan liên ngành, để giải quyết việc tin nhắn mạo danh nằm trong phần tin nhắn tự động của ngân hàng.
Theo Vietcombank, thời gian qua đã xuất hiện hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank thông báo “tài khoản khách hàng đã bị khóa” và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của người dân nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Các đường link giả mạo được Vietcombank ghi nhận đến thời điểm hiện tại bao gồm: vnvietcombank.cc; vavietcombank.cc; /newvietcombank.cc; vanvietcombank.cc…
Ngân hàng này khuyến cáo, ngân hàng chỉ có duy nhất một địa chỉ website tại đường dẫn: https://vietcombank.com.vn/. Người dân chỉ truy cập website chính thức để đăng nhập sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Theo ngân hàng, các đối tượng lừa đảo thường giả mạo bằng cách đưa đường link chỉ sai khác một vài ký tự, nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người dân.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email hay các phần mềm chat như Zalo, Viber, Facebook Messenger…. Chính vì vậy, ngân hàng khuyến cáo người dân tuyệt đối không bấm vào các đường link khi nhận được tin nhắn.
Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, người dân nên chủ động: Khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; Đổi mật khẩu; Gọi điện ngay cho ngân hàng và trình báo vụ việc tới cơ quan công an, trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Nếu nhận được các tin nhắn giả mạo hay nghi ngờ giả mạo, người dân nên liên hệ ngay với tổng đài của ngân hàng, hoặc đến điểm giao dịch để được hỗ trợ.
Gần đây, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng phát đi cảnh báo đến tất cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ của mình, cảnh giác trước hình thức lừa đảo mới tương tự.
‘Cơn sốt’ ôxy có thể khiến hệ thống y tế ở hàng chục quốc gia sụp đổ hoàn toàn
Baotintuc – Hàng chục quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy trầm trọng do các ca mắc virus viêm phổi tăng cao, đe dọa sự “sụp đổ hoàn toàn” của các hệ thống y tế.
Theo trang Guardian (Anh), Tổ chức Báo chí Điều tra, cơ quan phi chính phủ có trụ sở tại London (Anh), đã phân tích các dữ liệu để tìm ra các quốc gia có nguy cơ cạn kiệt ôxy cao nhất. Tổ chức này cũng nghiên cứu dữ liệu tỉ lệ tiêm vaccine virus viêm phổi trên tổng dân số của các quốc gia trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu, 19 quốc gia trên thế giới – bao gồm Ấn Độ, Argentina, Iran, Nepal, Philippines, Malaysia, Pakistan, Costa Rica, Ecuador và Nam Phi – được coi là có nguy cơ cạn kiệt ôxy cao nhất sau khi ghi nhận mức tăng lớn về nhu cầu kể từ tháng 3, ít nhất 20%. Trong khi đó, những quốc gia này mới chỉ tiêm chủng cho chưa đến 20% dân số của họ.
Các chuyên gia lo ngại một số quốc gia châu Á khác, như Lào, cũng sẽ gặp rủi ro trước nguy cơ thiếu ôxy y tế cho bệnh nhân viêm phổi có triệu chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi – bao gồm Nigeria, Ethiopia, Malawi và Zimbabwe -những quốc gia có hệ thống cung cấp ôxy kém hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc nhu cầu tăng cao, có thể đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Các bệnh viện ở Ấn Độ đã thông báo tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng khi đất nước phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2. Vào giữa tháng 5, Ấn Độ cần thêm 15,5 triệu m3 ôxy mỗi ngày để dành riêng cho bệnh nhân viêm phổi, nhiều hơn 14 lần so với nhu cầu hồi tháng 3.
Để đối phó với tình trạng này, Ấn Độ cấm tất cả hoạt động xuất khẩu ôxy dạng lỏng. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia lo lắng hơn là ảnh hưởng của làn sóng này đến các nước láng giềng của Ấn Độ, bao gồm Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Một số nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thiết bị y tế và nguồn cung ôxy y tế do Ấn Độ sản xuất.
Ông Zachary Katz, Phó Giám đốc Phụ trách dược phẩm thiết yếu của Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton (CHAI), cho biết: “Hãy tưởng tượng nếu các quốc gia này đạt đỉnh dịch cùng lúc, tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều, bởi Ấn Độ cần tất cả nguồn cung oxy”.
Dữ liệu cho thấy Nepal hiện cần lượng ôxy gấp 100 lần so với hồi tháng 3. Nhu cầu về ôxy ở Sri Lanka cũng đã tăng gấp 7 lần kể từ giữa tháng 3. Ở Pakistan, quốc gia đang hứng chịu làn sóng ca thứ 3, gần 60% bệnh nhân phải thở ôxy trong bệnh viện so với thời kỳ cao điểm trước đó vào mùa hè năm ngoái. Giới chức nước này đã cảnh báo vào cuối tháng 4 rằng áp lực nguồn cung ôxy đã đạt đến mức độ nguy hiểm.
Bác sĩ Fyezah Jehan tại thành phố Karachi (Pakistan) cho biết: “Tâm trạng của mọi người ở đây rất tồi tệ. Chúng tôi rất sợ tình trạng như ở Ấn Độ. Chúng tôi hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra và lệnh phong tỏa hiện nay có thể ngăn chặn một làn sóng mới”.
Trong khi đó, bà Greenslade nhận định nhu cầu ôxy tăng nhanh chóng đang gây áp lực lên nhiều hệ thống y tế.
Một số quốc gia đã phải yêu cầu các công ty sản xuất ôxy lỏng chuyển hướng đối tượng khách hàng, từ cung cấp ôxy công nghiệp sang cung cấp cho bệnh viện. Ôxy y tế hiện chỉ chiếm 1% sản lượng ôxy lỏng toàn cầu.
Ở Iraq, các công ty khí đốt có thể sản xuất khoảng 64.000 m3 oxy lỏng mỗi ngày, tương đương 1/3 nhu cầu của bệnh nhân virus viêm phổi tại nước này.
Ở Colombia, ngành công nghiệp này chỉ có thể cung cấp 450.000 m3 mỗi ngày, ít hơn 2/3 so với nhu cầu.
Ở Peru, nếu các công ty khí đốt chuyển sang cung cấp ôxy y tế, sản lượng cũng chỉ có thể đáp ứng 80% lượng ôxy cần thiết.
Ông Jesús Valverde Huamán, bác sĩ tại khoa chăm sóc đặc biệt ở Lima (Peru), cho biết họ đã phải đấu tranh liên tục để có đủ ôxy cho bệnh nhân, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn vào tháng 11 và tháng 12/2020, khi số ca bệnh giảm dần.
“Chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao một nguồn tài nguyên thiết yếu như ôxy lại bị dành phần lớn cho công nghiệp khai thác mỏ, thép, dầu và khí đốt. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện công yếu kém không có đủ ôxy để cứu sống trẻ sơ sinh, người trưởng thành và người cao tuổi”, bà Greenslade nhấn mạnh.
Ngoài ôxy lỏng là nguồn cung chính cho các bác sĩ ở nhiều quốc gia, các bệnh viện cũng có thể lấy oxy từ các nhà máy lọc ôxy tại chỗ và từ các máy cô đặc di động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Unicef, Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ khác đã vận chuyển hàng trăm nghìn thiết bị cô đặc ôxy đến các quốc gia giúp họ giải quyết nhu cầu tăng cao..
Nhưng WB cảnh báo rằng nhiều quốc gia đã không đăng ký các khoản vay khẩn cấp để giúp họ nâng cấp hệ thống ôxy. Năm ngoái, WB đã cung cấp 160 tỉ USD cho các quốc gia đối phó với dịch viem phoi và bổ sung thêm 12 tỉ USD trong tháng này. Các khoản này có thể được sử dụng để nhập khẩu hoặc tăng cường sản xuất ôxy.
Mickey Chopra, một quan chức cấp cao của WB cũng cho biết các quốc gia chỉ xin hỗ trợ máy thở và PPE mà không xin cung cấp ôxy.
“Các biến chủng mới đang khiến mọi người bất ngờ và điểm yếu nhất trong hệ thống y tế hóa ra là hệ thống cung cấp ôxy”, bà Chopra nói.
Sắp tới, bà Greenslade mong muốn các chính phủ đề ra chiến lược toàn diện để đảm bảo nguồn cung ôxy y tế. Theo đó, các nhân viên y tế cần được đào tạo bài bản để có thể cung cấp dưỡng khí cho bệnh nhân một cách an toàn, cũng như có thể bảo trì, sửa chữa thiết bị.
“Vào lúc này, các chính phủ cần đoàn kết với nhau để tìm giải pháp xử lý khủng hoảng. Nhưng vấn đề là họ cần phải đi trước đón đầu nó”, bà Greenslade nhận định.
Thêm 25 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 27/5 ghi nhận 25 ca dương tính nCoV, gồm 24 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 23, Lạng Sơn một và một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Số ca nhiễm cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 3.052 ca, tại 30 tỉnh thành. Số ca nhiễm mới sáng nay đưa tổng số ca nhiễm ở Bắc Giang lên 1.543, Lạng Sơn 45.
Trong 24 giờ tính đến tối 26/5, Việt Nam ghi nhận thêm 235 ca Covid-19, 59 người được công bố khỏi bệnh, một người tử vong.
Số ca COVID-19 trong nước vượt 3.000
VnExpress – Với 235 ca nhiễm được công bố ngày 26/5, số bệnh nhân Covid-19 trong nước một tháng qua đã vượt 3.000, hơn một nửa ở Bắc Giang.
Chỉ 3 ngày qua, số ca nhiễm đã tăng thêm 1.000. Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn là địa phương ghi nhận số bệnh nhân nhiều nhất trong đợt dịch này với 1.520 và 624. Hà Nội xếp thứ 3 với 344 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K).
Như vậy, 30 ngày qua, tính trung bình kể từ khi dịch bùng phát hôm 27/4, mỗi ngày Việt Nam ghi nhận hơn 100 ca nhiễm. Con số lớn nhất trong 4 đợt bùng phát dịch. Covid-19 xuất hiện ở 30 tỉnh thành.
Dự báo những ngày tới, các ca Covid-19 tiếp tục tăng do Bắc Giang tổng lực xét nghiệm. Địa phương đang cách ly tập trung hơn 12.600 F1 và hơn 60.000 công nhân cách ly trong các khu dân cư phong tỏa ở huyện Việt Yên. Đặc biệt còn khoảng 50.000 người có nguy cơ cao đang chờ xét nghiệm.
Cách ly tạm thời Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Zing – Tối 26/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) thực hiện việc cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm và phun khử khuẩn vì có trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 từng đến đây.
Tối 26/5, sau khi nhận được thông báo về trường hợp bà N.T.K.C., 38 tuổi, ngụ tại Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, nghi mắc Covid-19 từng đến bệnh viện khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định được ngành chức năng yêu cầu cách ly tạm thời và khẩn trương thực hiện công tác phòng dịch.
Khoảng 20h, sau khi tiến hành cách ly tạm thời nhiều khu vực của bệnh viện, nhân viên y tế tiến hành phun xịt khử khuẩn các phòng, khoa.
Bà N.T.K.C. là nhân viên của một công ty vận tải trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Sau khi cách ly tạm thời và khử khuẩn, nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho các trường hợp có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19.
Trước đó, ngày 26/5, bà C. đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám vì đau họng, sốt và mất khứu giác. Do có triệu chứng nghi ngờ, người này được đưa vào khu sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy nữ bệnh nhân dương tính với COVID-19.
TP.HCM công bố thêm 2 ca nghi nhiễm COVID-19
Tuoitre – Khuya 26/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố thêm 2 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 cư trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Đây là 2 vợ chồng sinh hoạt chung tại giáo phái truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp cùng với ca nghi nhiễm cư trú tại huyện Hóc Môn đã công bố tối cùng ngày.
Hai trường hợp mới ghi nhận này cũng đi khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào ngày 26/5 do có triệu chứng viêm hô hấp. Hai người này được phân loại khám sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả nghi nhiễm COVID-19. Hiện cũng đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định.
Trao đổi với phóng viên rạng sáng 27/5, chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, đã tạm phong tỏa cách ly khu vực hẻm 415 Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp), nơi có căn nhà là địa điểm của giáo phái truyền giáo Phục Hưng hoạt động.
Hơn 20.000 người chuẩn bị luân phiên chống dịch Bắc Giang
VnExpress – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 26/5 yêu cầu các trường y khoa trên cả nước chuẩn bị hơn 20.000 người nhằm thay thế luân phiên đội ngũ chống dịch tại Bắc Giang.
Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế, sẽ điều phối, tập huấn lực lượng này để đến Bắc Giang thay thế cho lực lượng hiện tại. Theo Bộ trưởng Long, sự luân phiên giúp đủ lực lượng duy trì chiến đấu, các cán bộ và nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Đến tối 26/5, Bắc Giang ghi nhận 1.567 ca nhiễm, tổng số Fl là 13.173, F2 61.341. Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cho biết các đơn vị hỗ trợ xét nghiệm 14.052 mẫu đơn một ngày (tương đương 70.000-98.000 mẫu gộp một ngày). Toàn tỉnh đã lấy 636.764 mẫu; xét nghiệm được 591.604 mẫu, hiện nay còn 9.032 mẫu gộp (45.160 mẫu đơn) chưa có kết quả. Hàng nghìn mẫu đã được chuyển tới Bệnh viện Quân y 103, Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh hỗ trợ xét nghiệm.
Ngành y tế đã thay đổi phương thức “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công” bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc. Ngày 26/5, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng. Lực lượng triển khai test nhanh được Bộ Y tế điều động gồm 400 người thuộc đoàn chi viện tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, hỗ trợ Bắc Giang.
Khoảng 10 đơn vị đang hỗ trợ công tác xét nghiệm cho Bắc Giang như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Học viện Quân y 103, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga… Ngoài ra các CDC Quảng Ninh, CDC Hải Phòng cũng hỗ trợ Bắc Giang từ giai đoạn đầu đợt dịch.
Bộ Y tế cũng điều động nhiều bệnh viện hỗ trợ Bắc Giang trong điều trị như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương… Ngày 26/5 13 y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mang vật tư phòng hộ đến Bắc Giang, hỗ trợ tỉnh lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân nặng.
Bộ trưởng Long khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. “Ngành y tế từng hỗ trợ rất lớn để dập dịch tại Đà Nẵng năm ngoái, nhưng lần này phải hỗ trợ ở mức cao hơn”, ông nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, được trao toàn quyền “điều quân” từ mọi nơi tới Bắc Giang. Bên cạnh đó cũng cần “đảo quân”, bố trí để các cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Một bệnh nhân sau 20 ngày, xét nghiệm 5 lần mới phát hiện dương tính
Thanhnien – Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chiều 26/5, Hà Nội ghi nhận 2 ca dương tính COVID-19, trong đó có 1 trường hợp xét nghiệm 5 lần sau 20 ngày mới phát hiện dương tính. Đó là bệnh nhân M.K.T (nam, 37 tuổi, địa chỉ H.Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
Bệnh nhân là người nhà chăm sóc bố tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ ngày 1/4, đã được bệnh viện này lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày 5/5 và 8/5, kết quả đều âm tính.
Ngày 11/5, bệnh nhân được chuyển sang cách ly tập trung tại Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) và được Trung tâm Y tế Q.Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm thêm 3 lần vào các ngày 16, 21, 25/5, kết quả xét nghiệm lần thứ 5 (lấy mẫu ngày 25/5) xác định dương tính với COVID-19.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 149 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở 20 quận, huyện.
Cũng trong tối qua, cả nước ghi nhận thêm 115 ca mắc mới, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với 64 ca bệnh, Bắc Giang 39 ca, còn lại là ở Hà Nội, Hải Dương và Thái Nguyên.
Nhân viên y tế ngất xỉu khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Bắc Giang
Vtc – Chiều 26/5, lãnh đạo huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) thông tin về việc một nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu khi đang test kháng nguyên nhanh, sàng lọc COVID-19 cho người dân tại Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên.
Vị lãnh đạo này cho biết, sáng nay, đoàn tình nguyện của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lấy mẫu làm xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho khoảng 6,8 nghìn người dân và công nhân đang sinh sống tại thôn Núi Hiểu.
“Do lượng người lấy mẫu xét nghiệm đông, nhân viên y tế phải làm việc liên tục trong điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt, nóng bức nên có một nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu. Nhân viên y tế bị ngất là ở đoàn tình nguyện Hải Dương, là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương”, vị lãnh đạo này cho biết.
Sau khi thấy nhân viên y tế bị kiệt sức dẫn đến sốc nhiệt và ngất ra sàn, nhiều đồng nghiệp đã đến hỗ trợ, cởi đồ bảo hộ và liên tục động viên “cố lên”. Sau đó, lực lượng y tế vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao. Dự kiến, khoảng 2h sáng 27/5, đoàn y tế mới hoàn thành việc lấy mẫu.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin, hình ảnh cùng clip cho thấy một nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu khi đang lấy mẫu test COVID-19 cho người dân. Chủ tài khoản Facebook đăng tải thông tin kèm chia sẻ: “Bác sĩ kiệt sức tại Núi Hiểu, Quang Châu. Các bạn đang được ở nhà hãy cảm thấy hạnh phúc và tuân thủ các quy định phòng dịch của chính quyền địa phương. Đừng nghĩ ngoài kia là sung sướng, thực sự thương các bác sĩ tuyến đầu”.
Sau khi hình ảnh kèm thông tin trên được chia sẻ, rất nhiều người bày tỏ niềm xúc động và gửi lời cảm ơn chân thành tới những y, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, dù trong cái nắng gay gắt vẫn phải căng mình làm việc, góp phần phát hiện sớm các ca mắc bệnh để điều trị, cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đề xuất tiêm vắc-xin phòng dịch cho 8.000 lái, phụ xe buýt Hà Nội
Tienphong – Liên quan đến Hà Nội, Hiệp hội Vận hành khách Hà Nội vừa có văn bản đề nghị thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch COVID-19 cho 8.000 tài xế và lái phụ xe buýt.
Theo Hiệp hội Vận hành khách Hà Nội, ngoài vận hành trong môi trường phòng kín, điều hòa suốt 8 giờ liên tục, các tài xế, phụ xe mỗi ngày còn tiếp xúc với hàng triệu lượt hành khách đi xe buýt. Nếu không có giải pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả nguy cơ dịch bùng phát, lây lan là rất cao.
Thực tế, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 thành phố đã có kế hoạch triển khai tiêm chủng cho người lao động ở “dịch vụ thiết yếu” giai đoạn 2021 – 2022, trong đó có lái, phụ xe buýt. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lịch tiêm cụ thể. Do các yếu tố như trên nên hiệp hội đề nghị, thành phố cần ưu tiên tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho nhóm người này, giúp người lao động trong “dịch vụ thiết yếu” yên tâm làm việc, đồng thời cũng để an toàn cho cộng đồng và hàng triệu hành khách sử dụng xe buýt thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Vi rút gây bệnh COVID-19 lây lan trong không khí như thế nào?
Thanhnien – Liên quan đến vi rút COVID-19 lây lan ở khu công nghiệp ở Bắc Giang khiến nhiều người mắc, tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang hôm qua (25/5), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết vi rút gây bệnh COVID-19 lây lan trong không khí.
Về vấn đề này, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cho biết trong khu công nghiệp, nhà máy là môi trường đóng kín, đặc biệt khi có hệ thống lạnh thì mật độ vi rút sẽ rất cao, lây rất xa cho cả phân xưởng làm việc.
“Trước đây cũng đã ghi nhận 1 chùm ca siêu lây nhiễm ở quán bar ở Q.2, TP.HCM. Khi giải mã gen vi rút thì không tìm thấy sự khác biệt so với các chủng khác. Do đó, việc siêu lây nhiễm là do môi trường đóng kín”, TS-BS Vĩnh Châu cho biết.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng vi rút cúm nói chung và vi rút gây bệnh COVID-19 nói riêng tồn tại trong không gian kín và sống tốt nhất trong môi trường 4 độ C, không khí “tù” thì vi rút sống cả tháng. Từ 27 độ C trở lên, nắng, thông gió thì vi rút sẽ yếu và loãng ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây người ta nghĩ vi rút gây bệnh COVID-19 lây qua giọt bắn nước bọt khoảng cách dưới 2 mét. Nay ngành y tế thông tin thêm, lây lan qua không khí, và như vậy lo lắng là vi rút COVID-19 dễ làm lây lan hơn? Về vấn đề này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc lây nhiễm vẫn là giọt bắn và ho cũng tối đa 2 mét, nhưng trong phòng kín giọt bắn cứ lơ lửng trong không khí”.
“Tiếp xúc gần sẽ bị lây, không đủ 5K thì bị lây, không thể nói bị nhiều như vậy là do lây qua không khí mà vì biết trễ, không phòng ngừa ngay từ đầu và lại là chủng vi rút COVID-19 lây nhanh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.
Do đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu và bác sĩ Trương Hữu Khanh, để phòng việc vi rút gây bệnh COVID-19 trong môi trường kín, cần tạo ra môi trường thông thoáng, có khí đối lưu thường xuyên. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người làm việc cần mang khẩu trang liên tục để ngăn thải tác nhân ra môi trường và bị nhiễm từ môi trường không khí đã ô nhiễm vi rút gây bệnh.