Quan hệ với Trung Quốc – Bài học từ Philippines

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan hệ với Trung Quốc – Bài học từ Philippines

Dựa vào Trung Quốc

Dư luận đang dậy sóng trước việc Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào hôm qua 20.5, đã mạnh miệng bảo vệ mối quan hệ “gần gũi” giữa Phompenh và Bắc Kinh. Ông ta còn khẳng định: “Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không thỉnh cầu Trung Quốc, thì tôi thỉnh cầu ai?” (1)

Thái độ của ông Hun Sen là điển hình cho các lãnh đạo các nước Đông Nam Á khi tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế và viện trợ vaccine từ Trung Quốc. Thế nhưng kinh nghiệm từ Philippines trong quan hệ với Trung Quốc có lẽ sẽ là bài học tốt hơn cho các nước Đông Nam Á tham khảo.

Quan hệ với Trung Quốc - Bài học từ Philippines

Hình minh hoạ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 AFP

Philippines đang “thức tỉnh”?

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 21/3 đã chỉ trích“đội quân đông đảo ” gồm 220 tàu cá được trang bị vũ khí của Trung Quốc hoạt động xung quanh bãi Đá Ba Đầu ở Biển Đông. Theo ông Lorenzana, hành động này là một hành động khiêu khích trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines và thềm lục địa của nước này, vi phạm luật pháp quốc tế và Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016. Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila gần như hàng ngày, yêu cầu Bắc Kinh nhanh chóng rút tàu và khí tài hải quân của họ ở tất cả các địa điểm mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Philippines thậm chí đã triệu tập phái viên Trung Quốc đến Manila, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016. Những diễn biến này cho thấy chiến lược của Tổng thống Philippines Duterte – đó là không đối đầu, ngược lại còn tỏ ra gần gũi với Trung Quốc, bất chấp điều đó gây tổn hại cho mối quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ – đã không làm thay đổi hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các hành động hiếu chiến, quân sự hóa và đánh bắt cá của Trung Quốc – thường gây thiệt hại cho ngư dân Philippines – đã trở thành cơ sở cho chiến lược biển của Trung Quốc từ rất lâu trước khi Duterte nhậm chức tổng thống. 

000_99C3MU.jpg
Hình chụp hôm 27/4/2021 của Tuần duyên Philippines cho thấy các tàu của Trung Quốc ở bãi Sabina cách đảo Palawan của Philippines 235 km. AFP

Hướng tới cuộc bầu cử toàn quốc năm 2022, Manila có thể sẽ quay lại lập trường đối đầu mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh. Trong cuộc đua trở thành người kế nhiệm Duterte, các ứng cử viên tổng thống tiềm năng – bao gồm cả các đồng minh chính trị thân cận nhất và các thành viên nội các của Duterte – sẽ có những bài diễn văn tranh cử đề cao quan điểm chống Trung Quốc, điều mà Duterte từng thực hiện và giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong bối cảnh phe đối lập và người dân ngày càng gia tăng lập trường chống Trung Quốc, một lựa chọn vững chắc cho Philippines là tái lập liên minh an ninh với Mỹ. Các cuộc tuần tra chung với đồng minh, các cuộc tập trận và triển khai các khí tài quân sự của Mỹ tới Philippines sẽ là sự đáp trả mạnh mẽ đối với các hành động khiêu khích của các tàu dân quân biển của Trung Quốc.

Kể từ khi căng thẳng ở khu vực Đá Ba Đầu bùng phát, các quan chức Mỹ và Philippines đã đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm cả việc tăng cường nhận diện các tình huống đe dọa ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ nhắc lại rằng Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) sẽ được kích hoạt nếu Trung Quốc tấn công tàu, máy bay hoặc quân đội của Philippines ở Biển Đông. Các cuộc tập trận Balikatan – cuộc tập trận thường niên lớn nhất giữa Washington và Manila – cũng đã được tái khởi động hôm 12/4. Các nỗ lực chung nhằm tăng cường MDT và Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng năm 1999 (VFA), một thỏa thuận cho phép Washington duy trì quyền tài phán đối với quân đội Mỹ đóng tại Philippines, nên được coi là phản ứng trước sự thất bại trong chiến lược xoa dịu của Duterte. 

Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin Jr còn muốn mở rộng “phạm vi phủ sóng” của MDT, thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc tấn công nhằm vào tàu công và tàu quân sự của Philippines, để Manila có thêm lý do viện dẫn MDT. Các chuyên gia an ninh Philippines khác khuyến nghị Philippines nên xem xét lại các cuộc tuần tra hàng hải chung với Mỹ ở Biển Đông như một biểu tượng cho liên minh “keo sơn” của họ. Bất chấp luận điệu của Duterte chống Mỹ, có một số lý do khiến Philippines vẫn được xem là đồng minh thân thiết của Mỹ: 

Thứ nhất, bộ máy quốc phòng Philippines duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ với quân đội Mỹ do hai bên có quá trình đào tạo và trao đổi chuyên môn trong suốt nhiều thập kỷ qua. Bộ Quốc phòng đã có động thái khôn khéo để đình chỉ việc chấm dứt thỏa thuận VFA. Sau khi Duterte dọa hủy VFA với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã tuyên bố quân đội Philippines phần lớn ủng hộ thỏa thuận này. 

Thứ hai, trong quá trình hiện đại hóa quân sự của Manila, quân đội Philippines được hưởng lợi từ các cuộc tập trận thường xuyên và nâng cao năng lực với các lực lượng Mỹ. Washington đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá 765 triệu USD cho Philippines kể từ năm 2015, khiến quốc  gia Đông Nam Á này trở thành nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.  

Thứ ba, 60% người dân Philippines coi Mỹ là đối tác nước ngoài đáng tin cậy nhất, trong khi Trung Quốc là một trong những đối tác kém tin cậy nhất. Sự thất bại của Tổng thống Duterte trong việc xử lý đại dịch COVID-19 – với việc phụ thuộc quá mức vào vaccine Sinovac của Trung Quốc và bỏ qua các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông – càng góp phần làm gia tăng thái độ chống Trung Quốc ở Philippines. 

Thứ tư, liên minh vượt ra ngoài các cuộc thảo luận an ninh cấp cao và các cuộc tập trận. Philippines có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân để giải quyết những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như các thảm họa, thiên tai, các mối đe dọa môi trường biển và biến đổi khí hậu.  

Trước sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng đối với vai trò của Washington trong chính sách an ninh của Philippines, Duterte có thể chịu áp lực phải từ bỏ chiến lược chủ bại trong quan hệ với Trung Quốc, bao gồm cả việc ông từ chối lên án việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân biển ở Biển Đông.

Trường hợp Việt Nam

Câu chuyện của Campuchia và Philippines sẽ là bài học tốt cho Việt Nam tham khảo. Việt Nam là quốc gia láng giềng có rất nhiều “duyên nợ” với Trung Quốc. Đặc biệt, hai quốc gia có thể chế và ý thức hệ tương tự nhau, với sự cầm quyền duy nhất của Đảng cộng sản. Tuy nhiên, lại có một khoảng cách lớn trong nhận thức về Trung Quốc giữa lãnh đạo và người dân Việt Nam. Các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam luôn tham khảo ý kiến từ Bắc Kinh, các quan chức Việt Nam cũng luôn được đưa sang Trung Quốc đào tạo. Trong khi người dân thì tỏ vẻ căm ghét Trung Quốc.

000_U74XE.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 12/11/2017. AFP

Trang The Diplomat ngày 21/5 dẫn kết quả khảo sát của tổ chức Phong vũ biểu châu Á (ABS)  mới nhất cho thấy tại Việt Nam, Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn, nhưng với hình ảnh kém tích cực hơn so với Mỹ. (2)

Dữ liệu mới nhất của ABS cho thấy hơn 50% người Việt Nam được hỏi tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất ở châu Á, trong khi chỉ 14,67% chọn Mỹ. Trở lại năm 2010, 43,32% người được hỏi coi Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng nhất ở châu Á, trong khi chỉ có khoảng 10% chọn Mỹ. Điều thú vị là trong khi cả hai quốc gia cùng mở rộng ảnh hưởng kể từ năm 2010, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ đã nới rộng và Trung Quốc tiếp tục vượt xa.

Dù Trung Quốc có ảnh hưởng tương đối nhiều hơn ở Việt Nam, song nhìn chung, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam không phải là tích cực. Chỉ 25% số người Việt Nam được hỏi tin rằng Trung Quốc tác động tích cực đến đất nước mình, trong khi đối với Mỹ, con số này lên tới 85%. Nói cách khác, tuyệt đại đa số người được hỏi ủng hộ Mỹ, hoan nghênh Washington đến và mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự khác biệt này là do căng thẳng gia tăng trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Gần đây, sự quyết đoán và hành động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm dấy lên tâm lý “bài Trung” và các cuộc phản đối chống Trung Quốc ở Việt Nam. Việt Nam nhiều khả năng sẽ xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với Mỹ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Washington để đạt được lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Nguyễn Hoàng Thịnh

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/relations-with-china-lesson-from-philippines-05232021093501.html