Tin Trong Nước – 22/5/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 22/5/21

Nữ giáo viên mắc COVID-19, chồng và con âm tính nhưng có kháng thể virus COVID-19

Người lao Động – Mẫu xét nghiệm của 2 trường hợp F1 là chồng và con của nữ giáo viên 1 Trường THPT ở TP. Hải Phòng là âm tính nhưng lại có kháng thể với virus COVID-19.

Ngày 22/5, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP. Hải Phòng cho biết kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và thông báo nhanh của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về 2 trường hợp F1 của ca bệnh nữ giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (cô giáo N.T.T.N.) phát hiện có kháng thể với virus COVID-19.

Trước đó, ngày 17/5, cô giáo N.T.T.N. dạy Toán trường THPT Ngô Quyền, được xác định dương tính với COVID-19

Sau nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm, hai cha con đều cho kết quả âm tính với COVID-19 nhưng lại tìm thấy kháng thể với virus này. Trong khi đó, cả 2 đều chưa được tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng 2 cha con đã từng bị nhiễm virus COVID-19 thời gian gần đây và tự khỏi bệnh nhờ sản sinh kháng thể.

Hiện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện tăng cường truy vết, rà soát những trường hợp từng tiếp xúc gần với chồng và con trai của nữ giáo viên nói trên trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến nay.

Thực hiện cách ly tập trung 21 ngày đối với các trường hợp tiếp xúc gần với chồng bệnh nhân N.T.T.N.. Các học sinh học cùng lớp với con trai của bệnh nhân phải được thực hiện cách ly chặt chẽ tại nhà (do là trẻ dưới 15 tuổi).

TP. Hải Phòng cũng nhất trí đề xuất của cơ quan chuyên môn về việc triển khai xét nghiệm để tìm kháng thể COVID-19 với những trường hợp có nguy cơ cao, nếu kết quả xét nghiệm COVID-19 của những người này âm tính.

Ảnh minh họa.

Phát hiện ca mắc COVID-19 là thanh niên lao động tự do ở Hà Nội về quê Thanh Hóa

Người lao Động – Chiều ngày 22/5, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với COVID-19.

Theo đó, một trường hợp là F1 của nam công nhân trở về từ tâm dịch Bắc Giang (bệnh nhân có mã định danh BN4694) tại Ngọc Lặc, đã được cách ly tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá.

Ca bệnh thứ 2 là N.X.K. (SN 1996, có địa chỉ tại thôn 7, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa) – được Bộ Y tế định danh BN5046. Anh K. làm nghề xây dựng tự do tại ngõ 83, Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 18/5, N.X.K. từ Hà Nội về Thiệu Hóa (đi xe khách Tùng Lâm, trên xe có khoảng 10 khách).

Như vậy, tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đến ngày hôm nay 22/5, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận có 4 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 2 trường hợp tại xã Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc), một trường hợp ở phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa và 1 trường hợp tại huyện Thiệu Hóa.

Một cán bộ công an phường dương tính COVID-19 đi nhiều nơi gồm cả trường học

Người lao Động – Chiều 22/5, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP. Đà Nẵng cho hay trên địa bàn vừa ghi nhân ca dương tính COVID-19 mới. Đó là trường hợp bệnh nhân N.Đ.M. (SN 1983, công tác tại Công an phường Nam Dương – 193 Hoàng Diệu; trú tại đường Trần Phú, phường Hải Châu 1, cùng quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng).

Theo lịch sử dịch tễ do bệnh nhân cung cấp, ngày 2/5, anh tham gia làm căn cước công dân tại UBND phường Nam Dương, có đeo khẩu trang suốt quá trình làm việc. Ngày 4/5, anh M. đến Trường Tiểu học Lê Lai lấy phiếu từ cán bộ Đội Quản lý hành chính Công an quận Hải Châu đang làm căn cước tại đó; buổi tối tham gia tuần tra 8394 với dân quân, dân phòng và bảo vệ dân phố.

Chiều 5/5, anh M. làm việc tại Công an phường Nam Dương và có đi cùng 1 cán bộ y tế phường đến tại khách sạn Mercury (125 Nguyễn Văn Linh) để lấy danh sách mời đối tượng nguy cơ (nhân viên massage, spa) đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Tại đây, anh M. tiếp xúc chị quản lý bộ phận massage, có mang khẩu trang và giữ khoảng cách. Lúc 15 giờ – 17 giờ 20 cùng ngày, anh M. đến Trường Tiểu học Lê Lai lấy phiếu từ cán bộ Đội Quản lý hành chính Công an quận Hải Châu.

Ngày 6/5, anh T.Q.V. (bệnh nhân 3656, lúc này chưa phát hiện mắc Covid-19 – là cán bộ Công an TP. Đà Nẵng) đến Công an phường Nam Dương đưa biên bản cho anh M., cả 2 đều mang khẩu trang và giữ khoảng cách.

Sáng 7/5, anh M. đến Trường Tiểu học Lê Lai lấy phiếu từ cán bộ Đội Quản lý hành chính Công an quận Hải Châu đang làm căn cước tại đó. Đến khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, anh M. đến đường Trần Thúc Nhẫn (không nhớ số nhà) chở một người đến sân bay Đà Nẵng để đi TP HCM (chuyến bay VN6055). Trong quá trình đưa đón, anh M. chỉ ngồi trên xe.

Đến ngày 8/5, anh M. được xác định là F2, phải thực hiện cách ly tại nhà do có tiếp xúc với anh T.Q.V. (bệnh nhân 3656 – lúc này được xác định là F1) hôm 6/5. Cùng ngày, anh V. được lấy mẫu xét nghiệp sau khi cách ly tập trung và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Do đó, anh M. được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ.

Tối cùng ngày, anh M. tham gia tuần tra 8394 với dân quân, dân phòng và bảo vệ dân phố. Sáng ngày 10/5, anh cùng Ban Dân quân và Quy tắc đô thị kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 (đi bằng xe máy); buổi chiều trực bầu cử tại Nhà Văn hoá Tân Thành (K266/H14/29 Hoàng Diệu) một mình, không tiếp xúc với ai.

Ngày 11/5, anh M. đi làm giờ hành chính tại Công an phường Nam Dương, sau giờ làm về nhà. Đến khoảng 16 giờ 45 cùng ngày, anh đến bộ phận hộ khẩu, UBND quận Hải Châu tại địa chỉ 270 Trần Phú nhận 3 cuốn sổ hộ khẩu, sau đó về nhà

Ngày 12 và 13/5, biết tin anh T.Q.V. (bệnh nhân 3656) có kết quả dương tính với COVID-19, dù thuộc đối tượng F2 và đã được kết thúc cách ly trước đó, anh M. và 3 cán bộ công an phường vẫn cách ly tại tầng 4 của trụ sở Công an phường Nam Dương, không tiếp xúc với ai bên ngoài.

Ngày 14/5, anh M. được cho về cách ly tại tầng 4 nhà riêng, không tiếp xúc với ai trong nhà. Ngày 15/5, lúc 7 giờ 30, anh M. đến Trường THCS Sào Nam đường Lê Hồng Phong lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, thời gian ở tại địa điểm này khoảng 10 phút, có mang khẩu trang, không tiếp xúc với ai. Sau đó, anh về nhà và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. 

Từ ngày 16 đến ngày 20/5, anh M. cách ly tại một tầng ở nhà riêng, không tiếp xúc với thành viên trong gia đình. Ngày 21/5, anh được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính COVID-19.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng, ngoài yếu tố dịch tễ nói trên, bệnh nhân M. có tham gia phòng chống dịch nên thường tiếp xúc với nhiều đối tượng nguy cơ.

Bệnh nhân COVID-19 trẻ, khỏe trở nặng nhanh chóng

VnExpress – Các bệnh nhân đợt dịch thứ 4 mang biến chủng Ấn Độ, trẻ tuổi và không bệnh lý nền song trở nặng nhanh, diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch.

Theo Tiểu ban Điều trị, đến sáng 22/5, hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 75 cơ sở y tế cả nước. Trong số này, có 50 bệnh nhân tiên rất lượng nặng, 26 bệnh nhân phải thở máy và 4 ca đặt ECMO gồm 2 ở Hà Nội, một TP.HCM, một ở Bắc Ninh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân, trong đó 32 ca tiên lượng rất nặng. Về tình trạng lâm sàng, 23 người phải thở máy, 2 ca ECMO.

Bệnh nhân trở nặng nhanh

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hội chẩn các bệnh nhân hôm qua cho biết chỉ trong gần một tháng, Việt Nam ghi nhận tới 2.000 bệnh nhân, tương đương số lượng bệnh nhân cả năm ngoái cộng lại. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân nặng trong đợt dịch này khá cao.

Đánh giá của Tiểu ban điều trị trong hội chẩn là các bệnh nhân thở oxy có thời gian chuyển nặng ngắn hơn những đợt dịch trước.Trong số các ca bệnh trở nặng nhanh, rồi diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch, có không ít bệnh nhân là người trẻ tuổi, không có bệnh lý nền.

Một bệnh nhân là nam bác sĩ 37 tuổi, không có bệnh lý nền nhưng diễn biến tăng nặng nhanh. Anh phát hiện dương tính hôm 7/5, khi sốt, ho, tức ngực, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị 4 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ C, suy hô hấp tăng, phải thở oxy dòng cao rồi chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Chỉ 4 tiếng đồng hồ sau khi vào viện, bệnh nhân diễn biến tăng nặng nhanh, được chỉ định can thiệp ECMO. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy đã mờ lan tỏa 3/4 phổi.

Đây là bệnh nhân thứ hai trong tình trạng nguy kịch, phải đặt ECMO, ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong đợt dịch này. Người thứ nhất là “bệnh nhân 3019”, nam, 54 tuổi, quê Thái Bình.

Ngoài ra, thai phụ 35 tuổi ở Hà Nội, phát hiện dương tính hôm 9/5, sau hơn một tuần vào viện phải thở máy qua ống nội khí quản, vẫn còn sốt cao, được điều trị an thần, giãn cơ. Trường hợp trở nặng cấp tính này được các chuyên gia hàng đầu khuyến nghị cần hội chẩn với sản khoa liên tục.

Việt Nam đến nay đã trải qua 3 đợt dịch và đang ở đợt dịch thứ 4. Với đợt dịch đầu tiên, có một số bệnh nhân nặng nhưng không có tử vong. Đợt dịch thứ 2 ở Đà Nẵng (tháng 7-8/2020) vẫn với chủng virus lần đầu tìm thấy ở Vũ Hán (Trung Quốc) như đợt một, nhưng bùng phát trong bệnh viện khiến 35 ca tử vong, chủ yếu là bệnh nhân rất nặng, có nhiều bệnh nền.

Đợt dịch thứ 3 ở Hải Dương (tháng 1/2021) chủ yếu với biến chủng Anh (B.117) khiến hàng trăm người mắc nhưng hầu hết ở những người trẻ, số ca nặng không nhiều và không có ca tử vong.

Trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến nay đã ghi nhận khoảng 2.000 ca, 6 người tử vong. Giải trình tự gene virus các bệnh nhân đợt này chủ yếu nhiễm biến chủng Ấn Độ và Anh. Biến chủng Ấn Độ được ghi nhận tại Việt Nam lần đầu tiên hôm 30/4, với kết quả giải trình tự gene của nhân viên khách sạn ở Yên Bái. Nhân viên này lây nhiễm bởi nhóm chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh cách ly tại khách sạn Như Nguyệt.

Bộ Y tế đánh giá diễn biến Covid-19 hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.

Người trẻ cũng đáng lo

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phân tích khi so sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau, các nhà thống kê thường dùng khái niệm tỷ suất chênh (Odd Ratio- OR) để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong.

Thống kê trên 64.781 bệnh nhân Covid-19 nặng tại 592 bệnh viện ở Mỹ năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân Covid-19 nặng khoảng 20,3%. So với nhóm 18-34 tuổi thì nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi có tỷ suất chênh OR=16,2. So với người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân có bệnh tiểu đường nguy cơ tử vong cao hơn với tỷ suất chênh OR=1,9.

Điều này có nghĩa là mỗi 100 bệnh nhân nặng tiền sử trẻ khỏe có khoảng 20 người tử vong, thì nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ tử vong khoảng 80 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có bệnh tiểu đường sẽ tử vong khoảng 32 người.

“Khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng, đều có thể tử vong”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Ông nêu ví dụ ngay từ đầu vụ dịch, tại Vũ Hán ghi nhận bác sĩ Lý Văn Lượng mới 34 tuổi tử vong. Sau đó một loạt những người nổi tiếng khỏe mạnh như nữ cầu thủ Elham Sheikhi của Iran tử vong ở tuổi 23, lực sĩ Victor Luna ở Brazil qua đời vì Covid-19 ở tuổi 37, lực sĩ đa tài Dmitriy Stuzhuk ở Ukraina – một người không chịu tin rằng có bệnh Covid-19, đã qua đời vì chính bệnh này ở tuổi 33.

Theo bác sĩ Cấp, nguy cơ tử vong phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến do cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Nguy cơ này cũng phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng virus. Nó cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.

“Thực tế tại Ấn Độ hiện nay cho thấy khi hệ thống y tế bị quá tải thì không thể đảm bảo được việc điều trị có hiệu quả”, bác sĩ Cấp nói.

Bác sĩ Cấp cũng nhấn mạnh, ở đợt dịch thứ 4 đang xảy ra tại Việt Nam, giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân chủ yếu nhiễm biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2). Vụ dịch này có quy mô và tính phức tạp hơn các vụ dịch trước vì nó bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều dịa phương, cả ở trong các khu công nghiệp lớn.

6 bệnh nhân trong đợt dịch này đã tử vong, đa số cao tuổi, trong đó một người mới 37 tuổi, có nhiều bệnh lý nền đi kèm. Song, bác sĩ Cấp nhấn mạnh đang còn rất nhiều bệnh nhân nặng.

‘Dịch không thể kết thúc trong tháng 6’

VnExpress – Chuyên gia y tế ước tính số ca nhiễm trong đợt dịch này có thể lên đến 4.500 hoặc 6.600 tùy theo mức độ giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc.

Các chuyên gia độc lập, dẫn đầu bởi tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (chuyên về phổi) thuộc Đại học Sydney, nhận định: Đợt dịch này có thể bắt đầu từ giữa tháng 4/2021 hoặc sớm hơn. Khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, số ca tăng lên nhanh chóng, tính đến 20/5 ghi nhận 1762 ca và lan rộng ra 30 tỉnh/thành phố, đồng thời xuất hiện nhiều vòng lây nhiễm. Điều này chứng tỏ đã có ca mắc Covid-19 âm thầm trong cộng đồng.

Theo nhóm nghiên cứu, đợt dịch thứ 4 xuất hiện nhiều ổ dịch đồng thời, bắt nguồn từ các ca bệnh nhập cảnh nhưng không được cách ly chặt chẽ hoặc nhập cảnh trái phép. Kết quả giải trình tự gene của một số ca bệnh cho kết quả là các chủng virus biến thể B.1.167.2 (Ấn Độ) và B.1.1.7 (Anh). Đây là các chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam.

Khi bị lây nCoV từ những ca bệnh nhập cảnh, người dân tới khám bệnh và vô tình làm lây lan virus trong các bệnh viện. Bệnh viện trở thành ổ dịch và tiếp tục lây ra ngoài cộng đồng. Quá trình lây lan này đã diễn biến qua nhiều vòng. Dưới đây là ví dụ về một chuỗi lây nhiễm qua ít nhất 5 vòng của ổ dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ngày 4/5, chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được phát hiện sau khi một bác sĩ của bệnh viện đi công tác nước ngoài xét nghiệm dương tính nCoV. Đến 11/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phát hiện hơn 60 bệnh nhân Covid-19, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở viện. Từ các ca nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhanh chóng xuất hiện thêm chùm 11 ca nhiễm tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Từ biểu đồ 1 cho thấy, khi lực lượng chức năng đang triển khai các biện pháp truy vết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 và Bệnh viện K thì chuỗi lây nhiễm đã tới Bắc Ninh và Lạng Sơn, sau đó lan sang Hòa Bình và Bắc Giang.

Theo nhóm nghiên cứu, các ổ dịch khu trú trong bệnh viện có thể kiểm soát được bằng biện pháp cách ly. Tuy nhiên các ổ dịch có liên quan tới những nơi nhiều người tập trung, khu công nghiệp lớn, các hoạt động nhạy cảm như bar, karaoke thì phức tạp và khó truy vết đầy đủ.

“Do đó việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm để hạn chế các ổ dịch mới phức tạp hơn và cần thực hiện nhanh, triệt để hơn”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Từ biểu đồ 2 cho thấy đợt dịch lần này, tính đến 11/5 đã xuất hiện đồng thời nhiều ổ dịch với khoảng gần 20 chuỗi lây nhiễm. Đầu tiên là từ Đà Nẵng với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và Bar New Phương Đông, Thẩm mỹ viện AMIDA. Tiếp đến là các ổ dịch ở Yên Bái với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương… Sau đó là các ổ dịch bùng phát mạnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2, Bệnh viện K… lây lan ra rất nhiều địa phương, tiếp tục tấn công các bệnh viện và khu công nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh…

Không chỉ nhiều ổ dịch mà mối quan hệ của các ổ dịch khá phức tạp, chồng chéo lẫn nhau. Từ ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (màu xanh) lan sang các ca bệnh ở bệnh viện K (màu cam), hình thêm chuỗi lây nhiễm ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen Vĩnh Phúc (màu đỏ)…

Lấy ví dụ từ ca lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, “bệnh nhân 3171” lây cho người nhà là ca 3181 nam, 58 tuổi, địa chỉ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội công bố 8/5.

Bệnh nhân 3181 tiếp tục là nguồn lây cho “bệnh nhân 3253”, 74 tuổi, trú tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ. Từ “bệnh nhân 3253” bắt đầu xuất hiện một chùm nhiễm mới gồm các “bệnh nhân 3387-3389”.

Cũng từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tỉnh Nam Địnhghi nhận 1 ca, bệnh nhân 3229, nữ, 16 tuổi, địa chỉ tại huyện Trực Ninh. Ca bệnh này cũng có liên quan dịch tễ với bệnh nhân 3166 ở Bệnh viện K Tân Triều. Bệnh viện K lại là nguồn lây cho ca 3238, 3239 ở Lạng Sơn, từ đây tiếp tục hình thành chùm lây nhiễm mới tại Lạng Sơn

Dự báo diễn biến đợt dịch lần này, nhóm nghiên cứu đưa ra hai kịch bản theo mô hình dự báo dịch SEIQHCDR sử dụng số liệu dịch tễ, lâm sàng, xã hội học của Việt Nam, có tham khảo phân tích tổng hợp dữ liệu từ các nước trên thế giới. Mô hình này đã được kiểm chứng với hai đợt bùng phát dịch lần hai (tại Đà Nẵng) và lần ba (Hải Dương), cho kết quả có độ chính xác cao, sai số dưới 5%.

Kịch bản một là kịch bản hiện nay: Giả định rằng chúng ta giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch hiện tại như truy vết, cách ly tập trung, cách ly y tế vùng dịch và giãn cách xã hội các khu vực có nguy cơ cao (giảm tiếp xúc xã hội ở mức 20% từ ngày 4/5 và 50% từ ngày 9/5).

Với kịch bản này, đỉnh dịch nằm ở tuần 3-4 tháng 5/2021 với số ca nhiễm mỗi ngày có thể lên tới 150-210 ca (đây là số ca thực nhiễm trong cộng đồng, không phải số ca phát hiện và báo cáo). Dịch có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối tháng 6/2021 với tổng cộng từ 4.100 đến 6.600 ca nhiễm. Tuy nhiên, do nhóm nghiên cứu chưa có đủ thông tin chi tiết về dịch tễ các ca bệnh tại ổ dịch ở khu công nghiệp tại Bắc Giang nên có thể ước tính này chưa phản ánh đúng tình hình nghiêm trọng của đợt dịch.

Đồng thời, nếu không giãn cách xã hội kịp thời, mầm bệnh sẽ lây lan âm thầm và tạo ra các ổ dịch lớn đồng thời ở nhiều tỉnh thành phố.

Đề xuất 4 điều kiện cách ly F1 tại nhà

VnExpress – Cơ quan y tế phải hướng dẫn chi tiết biện pháp an toàn khi cách ly F1 tại nhà, có giám sát bằng camera, xử phạt hình sự người vi phạm, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay, nhưng phải đảm bảo các điều kiện cần thiết.

Ông phân tích, mục đích chính của các hình thức cách ly là cắt đứt đường lây nhiễm của dịch bệnh từ một người sang nhiều người. Dựa trên nguyên tắc này, nhà chức trách có thể áp dụng nhiều phương pháp cách ly, phù hợp với từng thời kỳ dịch bệnh.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam quy định bắt buộc cách ly tập trung với người tiếp xúc gần (F1) tại các cơ sở do quân đội, công an quản lý. Theo ông Nhung, chính sách này là hợp lý, đúng đắn, phù hợp với điều kiện thời gian qua, giúp Việt Nam đứng vững trước ba làn sóng dịch bệnh. Bởi khi dịch bệnh mới bùng phát, người dân, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc cách ly, chưa hiểu rõ về Covid-19.

Tuy nhiên, đến nay sau hai năm chống dịch thành công, nhiều nghiên cứu khoa học được công bố, ngành y tế và người dân đã hiểu biết nhiều hơn về dịch bệnh. “Vì vậy, chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà đặt ra lúc này là phù hợp. Nghĩa là có thể dùng nhiều phương pháp cách ly khác nhau với F1, nhưng đảm bảo nguyên tắc làm sao cắt đứt nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Nhung nói.

Ông đề xuất bốn điều kiện để cách ly F1 tại nhà an toàn. Thứ nhất, người dân phải được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn. “Điều quan trọng nhất là người cách ly phải có thái độ chấp hành cách ly nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế”, ông Nhung nói và đề xuất bắt buộc F1 cách ly tại nhà phải ký cam kết không vi phạm quy định.

Thứ hai, người cách ly phải có cơ sở vật chất đủ rộng, nhà nhiều phòng khép kín, cách biệt với các nhà xung quanh. “Kiên quyết không chấp nhận cách ly tại nhà với những người có diện tích nhà quá nhỏ, đông thành viên”, ông Nhung nói.

Thứ ba, khi gia đình có thành viên là F1 thì những người còn lại đương nhiên là F2 (diện cách ly tại nhà) nên cần được trang bị kiến thức phòng tránh dịch, sinh hoạt hàng ngày an toàn. Ông Nhung đề xuất nên giao cho tổ dân phố hoặc tổ Covid-19 cộng đồng hỗ trợ gia đình cách ly mua sắm nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt… Cơ quan y tế cần tuyên truyền kiến thức cho người dân.

Thứ tư, tất cả gia đình đăng ký cách ly tại nhà phải lắp camera giám sát 24 giờ. Người nào tự ý ra khỏi nhà, vi phạm quy định thì xử lý hình sự.

Đồng thời, trong thời gian cách ly tại nhà, các thành viên gia đình phải được xét nghiệm Covid-19, tối thiểu ba lần như quy định với người cách ly tập trung.

“Nếu gia đình đáp ứng đủ bốn điều kiện nêu trên thì có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà. Chủ trương này vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện cho người thuộc diện cách ly có tâm lý thoải mái, có thể làm việc tại nhà từ xa”, ông Nhung nói và đề nghị trước mắt làm thí điểm ở Bắc Ninh, Bắc Giang để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra nơi khác.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà là phù hợp và cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Ông phân tích, dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang chủ yếu xảy ra tại khu công nghiệp. “Trong khi mỗi phân xưởng, mỗi nhà máy xuất hiện ca F0 sẽ có rất nhiều F1. Nếu cứng nhắc cách ly tập trung sẽ không có đủ cơ sở vật chất bởi có thể có tới hàng trăm nghìn F1”, ông Phu nói.

Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trong khu cách ly tập trung, lực lượng chức năng sẽ khó khăn trong phục vụ ăn uống, sinh hoạt. “Hơn nữa, nếu khu cách ly tập trung không đảm bảo sẽ rất dễ bị lây nhiễm chéo. Vì vậy, cần tính đến phương án cách ly tại nhà trên cơ sở phân loại các nhóm nguy cơ của F1”, ông Phu nói.

Ông đề xuất, các F1 thuộc diện nguy cơ cao vẫn bắt buộc cách ly tập trung; trường hợp ít nguy cơ hơn thì cách ly tại nhà.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang “mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng” việc cách ly F1 tại nhà. Việc thí điểm này áp dụng khi có quá nhiều F1 cần cách ly.

Theo ông Đam, việc thí điểm áp dụng trước mắt ở quy mô nhỏ, với các gia đình có điều kiện về nhà cửa, đảm bảo khoảng cách với xung quanh. Người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) sẽ được cách ly tại nhà, kết hợp giám sát bằng công nghệ và hàng xóm, người dân xung quanh.

Hai anh em tử vong dưới hố công trình

VnExpress – Thấy em gái ngã xuống hố nước sâu, bé trai Trịnh Quốc Việt, 11 tuổi, ở thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, nhảy xuống cứu nhưng cả hai tử vong.

Chiều 21/5, Việt dẫn em gái Trịnh Thùy Linh, 8 tuổi và một trẻ nhỏ cùng xóm đến bãi đất trống ở phố Thống Nhất, thị trấn Rừng Thông, chơi đùa vì mới được nghỉ hè. Trong lúc nô đùa, bé Linh trượt chân ngã xuống hố nước ven đường.

Thấy em chới với kêu cứu, Việt chạy lại định cứu giúp nhưng cũng trượt chân sa vào hố sâu không thể thoát ra. Đứa trẻ đi cùng chạy về thông báo cho người lớn, nhưng khi được tìm thấy cả hai anh em Việt đã ngừng thở.

Hôm nay, đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Thanh Hóa và chính quyền huyện Đông Sơn đã đến thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình nạn nhân, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tai nạn thương tâm.

Hiện trường nơi hai bé gặp nạn là hố nước rộng gần 10 m2, chỗ sâu nhất khoảng 2 m, được hình thành trong quá trình thi công đường trục chính trong khu đô thị thị trấn Rừng Thông. Hố nước hình thành từ khá lâu do san lấp mặt bằng, song đơn vị thi công không cắm biển cảnh báo, làm hàng rào.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-toi-22-5-nu-giao-vien-mac-covid-19-chong-va-con-am-tinh-nhung-co-khang-the-virus-covid-19.html

Ảnh minh họa: tổng hợp.

Thêm 33 ca COVID-19

Bộ Y tế sáng 23/5 ghi nhận thêm 33 ca COVID-19, gồm 31 ca trong nước với Bắc Ninh 29, Ninh Bình 2, và hai ca nhập cảnh được cách ly ngay.

33 ca mới được ghi nhận từ số 5087-5119. Tổng số ca nhiễm tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.067 ca, ở 30 tỉnh thành. 5 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Điểm nóng vẫn là Bắc Giang 851, địa bàn Hà Nội 276 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 41 ca ở Bệnh viện K), Đà Nẵng 150.

Số ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm ở Bắc Ninh lên 448, Ninh Bình 4.

Thêm 143 ca trong 24 giờ, chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh

VnExpress Trong 24 giờ tính đến tối ngày 22/5, Việt Nam ghi nhận thêm 143 ca trong nước và 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội.

Riêng tối 22/5, Bộ Y tế ghi nhận 73 ca trong nước, trong đó tại Bắc Giang 39, Bắc Ninh 25, Lạng Sơn 2, Điện Biên 2, Thanh Hóa 2, Đà Nẵng, Hải Dương và Thái Nguyên đều một.

Các ca mới được ghi nhận từ số 5014-5086, nâng tổng số ca nhiễm trong nước tính từ ngày 27/5 đến nay lên 2036, ở 30 tỉnh thành. Số ca nhiễm mới cũng đưa tổng số ca nhiễm ở điểm nóng Bắc Giang lên 851, Bắc Ninh 419, Đà Nẵng 150, Điện Biên 52, Lạng Sơn 26, Hải Dương 31, Thanh Hóa 4, Thái Nguyên 2.

Cụ thể, Thái Nguyên

Ca 5014, nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại huyện Phú Bình, là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, đã được cách ly từ trước.

Đà Nẵng

Ca 5015, nam, 38 tuổi, địa chỉ tại quận Hải Châu, là F1 của ca 3656, đã được cách ly từ trước.

Bắc Ninh

Ca 5016-5037, 5043-5045, gồm 18 F1, 3 ca là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, 3 ca sàng lọc, một ca chưa rõ nguồn lây.

Hải Dương

Ca 5038, nam, 59 tuổi, địa chỉ thành phố Hải Dương, là F1 của ca 4836, đã được cách ly.

Lạng Sơn

Ca 5039, nữ, 44 tuổi, địa chỉ tại huyện Chi Lăng, là F1 của ca 4608, đã được cách ly từ trước.

Ca 5040 nữ, 33 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, đã được cách ly từ trước.

Điện Biên

Ca 5041-5042 gồm một ca là F1 của ca 4378, một ca sàng lọc, đã được cách ly từ trước. 

Thanh Hóa

Ca 5046, 5086 gồm một ca là F1 của ca 4694, một ca đang tiếp tục điều tra, đã được cách ly từ trước.

Bắc Giang

Ca 5047-5085 là 39 ca có liên quan dịch tễ đến ổ dịch Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng, Đình Trám, đã được cách ly, phong tỏa.

Thai phụ mắc COVID-19 suy hô hấp, phải mổ cấp cứu trong đêm

Dantri – Thai phụ hiếm muộn có bầu sau 11 năm cố gắng bị mắc Covid-19. Khi nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, bệnh nhân suy hô hấp, suy thai phải mổ cấp cứu ngay trong đêm.

Sản phụ L.T.Q., 33 tuổi, địa chỉ tại Điện Biên là bệnh nhân COVID-19 được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận điều trị từ ngày 19/5. Thời điểm nhập viện, sản phụ Q. được hội đồng chuyên môn bệnh viện chẩn đoán suy hô hấp, đã mang thai 35 tuần và suy thai. Theo tìm hiểu, bệnh nhân vô sinh 11 năm, sau khi thụ tinh trong ống nghiệm bệnh nhân đã có thai và hoàn toàn khỏe mạnh.

Trong ngày này, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, các bác sĩ cũng đã phải tiêm trưởng thành phổi cho thai.

Đến ngày 21/5, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân tăng nặng, suy thai. Bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu.

Để tiến hành phẫu thuật cứu em bé, bệnh viện đã phải huy động các bác sĩ từ các Khoa Cấp cứu, Sản, Nhi, Gây mê. Hơn 1 giờ phẫu thuật, bé gái nặng 2,6 kg chào đời.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng Khoa Ngoại sản Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là thời điểm vàng để cứu con bởi mẹ suy hô hấp phải can thiệp thở máy sẽ ảnh hưởng nhiều đến con.

Sau phẫu thuật, em bé được chuyển về Khoa Nhi để chăm sóc và điều trị còn sản phụ đã ổn định về sản khoa được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp. Hiện bệnh nhân đang phải thở máy, dùng kháng sinh phổ rộng, có sử dụng thuốc vận mạch.

Trước đó, sản phụ Q. có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 số 3758 vào ngày 4/5. Ngày 13/5 bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, sốt thành cơn kèm ho lẫn đờm, mệt mỏi, được xét nghiệm và phát hiện dương tính COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Điện Biên.

2 bác sĩ kiệt sức đổ gục khi lấy mẫu test COVID-19 giữa trưa nóng

Tuoitre – Hình ảnh 2 bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đổ gục kiệt sức vì mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ giữa nắng nóng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 được chia sẻ trên mạng xã hội khiến không ít người xót xa.

Chiều 22/5, trên mạng xã hội xuất hiện các đoạn clip, hình ảnh 2 bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh kiệt sức, đổ gục tại chỗ vì phải mặc liên tục bộ đồ bảo hộ trong nhiều giờ giữa nắng nóng để lấy mẫu thử COVID-19 gây xúc động mạnh trong dư luận.

Theo đó, các đoạn clip trên ghi lại hình ảnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Hải và một nữ bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ đổ gục, ngồi bệt giữa sàn nhà vì kiệt sức. 

Sau đó, 2 bác sĩ trên phải nhờ tới sự sơ cứu của các y bác sĩ đồng nghiệp, tiếp nước, cởi phanh đồ bảo hộ, dùng quạt tay mới tỉnh táo trở lại.

Hai  bác sĩ trên kiệt sức là bởi sau khi mặc đồ bảo hộ cấp độ 4 lấy mẫu xét nghiệm liên tục trong nhiều giờ cộng với thời tiết nắng nóng khiến cơ thể suy kiệt. 

Đặc biệt, trong những ngày qua, các bác sĩ trên phải làm việc liên tục để truy vết thần tốc COVID-19. Riêng trong ngày 22/5, trên địa bàn huyện Quế Võ đặt ra mục tiêu lấy 28.000 mẫu test COVID-19 cho người dân tại đây.

Sau khi được sơ cứu, sức khỏe của 2 bác sĩ trên đã tạm thời ổn định.

Chủ karaoke đục mở ‘lối hậu’, đón ‘dân chơi’ giữa dịch COVID-19 căng thẳng

Tuoitre – Chiều 22/5, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết Công an huyện Bình Giang vừa tổ chức triệt phá tụ điểm karaoke hoạt động bất chấp lệnh cấm về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể vào hồi 22h45 ngày 21/5, các trinh sát Công an huyện Bình Giang đã ập vào kiểm tra quán karaoke Kingdom ở thôn Mỹ Trạch, xã Bình Minh, huyện Bình Giang do ông Trần Văn Xuân (70 tuổi, trú thôn Mỹ Trạch) đứng tên đăng ký kinh doanh, phát hiện 3 phòng hát đang hoạt động.

Tại thời điểm kiểm tra, trong 3 phòng hát có tổng cộng 31 khách có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất kích thích.

Đáng nói, để qua mắt lực lượng chức năng, chủ quán karaoke cho sửa chữa, mở một lối đi phía sau của quán là khu vực vắng vẻ phục vụ việc đón khách. 

Trước đó, Công an xã Bình Minh, huyện Bình Giang đã tổ chức cho quán này ký cam kết chấp hành các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Hà Nội: Con của chuyên gia Ấn Độ nghi dương tính Covid-19

Thanhnien – Chiều tối 22/5, cư dân tòa Park9, Khu đô thị Timescity (Hà Nội) đã nhận được thông báo tạm thời không rời khỏi nơi cư trú do có ca nghi nhiễm Covid-19, là con của chuyên gia Ấn Độ, đang tạm trú tại tòa nhà này.

Ca nghi nhễm là cháu bé 3 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, tạm trú tại tầng 33. Ngày 22/5, cháu bé này đến bệnh viện Vinmec (trong Khu đô thị Timescity) là xét nghiệm dịch vụ và cho kết quả dương tính.

Ngay sau đó, cháu bé được chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư 2 (H.Đông Anh, Hà Nội). Mẫu bệnh phẩm tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để tiếp tục xét nghiệm.

Thêm 4 người thân nữ công an ở Hải Dương mắc COVID-19

Tiền Phong – Tối 22/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương thông tin, trong ngày ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19, trong đó 4 trường hợp là người thân nữ công an xã.

Tối 22/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19, trong đó, TP Hải Dương (6 ca), huyện Ninh Giang (1 ca). Trong làn sóng dịch bệnh thứ tư, tính đến nay toàn tỉnh ghi nhận 32 ca bệnh.

Ổ dịch tại phường Hải Tân (TP. Hải Dương) trong ngày ghi nhận 4 ca mắc COVID-19, là các BN4949, BN4950, BN5009, BN5038.

Cả bốn ca bệnh mới tại ổ dịch phường Hải Tân đều là F1, người thân của nữ bệnh nhân L.H.H (BN4836), nữ công an chính quy công tác tại xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng.

Tài xế trả tiền lẻ để phản đối trạm BOT ở Đồng Nai thu phí cao

Theo nghi nhận của VTC, ngày 22/5 nhiều tài xế xe ben chở vật liệu đi qua trạm BOT trên đường chuyên dùng khu vực mỏ đá Tân Cang (thuộc phường Phước Tân, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã trả phí bằng tiền lẻ vì cho rằng trạm này thu phí cao.

Cụ thể, các tài xế xe ben dùng nhiều tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 1.000 đồng để trả tiền vé qua trạm (mỗi vé lượt xe qua trạm là 95.000 đồng) và trả thiếu tiền, khiến cho nhân viên thu phí tại trạm BOT rất khó xử.

Một tài xế xe ben cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc này là do các tài xế cho rằng trạm BOT thu phí cao: Tài xế nói: “Tại quốc lộ 51 trạm thu phí xe 18 tấn trở lên giá chỉ 2,4 triệu đồng/tháng/xe, trong khi ở trạm BOT đường chuyên dụng này thu đến 2,85 triệu đồng/tháng (vé tháng), còn vé mua theo lượt xe là 95 nghìn đồng/lượt, như vậy là quá cao”.

Trả lời VTC, đại diện trạm BOT đường chuyên dụng khu vực mỏ đá Tân Cang cho biết, trạm này đã ghi lại hình ảnh các xe ben cố tình gây khó khăn, cản trở lưu thông, làm bằng chứng đưa lên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để tìm hướng xử lý”.

Hải cảnh Trung Quốc đổi ca, tiếp tục tiếp cận các lô dầu khí của Việt Nam

Theo Dự án Đại sử ký Biển Đông, sau khi có mặt tại khu vực phía tây nam Bãi Tư Chính ngày 2/5/2021, tàu Hải cảnh 5202 của Trung Quốc đã thực hiện 4 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại các Lô 05.2 và Lô 06.1 vào các ngày 4, 6, 9 và 13/5, sau đó di chuyển về đảo Hải Nam. 

Đây là đợt hoạt động tương đối ngắn của Hải cảnh 5202 nếu so với các tàu hải cảnh khác (5204, 5304, 5402) từng hoạt động tại khu vực Lô 05.2 và 06.1 trước đây. Có lẽ tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gặp sự cố hoặc được điều về để chuẩn bị cho một nhiệm vụ khác. Sau khi Hải cảnh 5202 rời đi, Hải cảnh 5302 đã được điều xuống thay thế từ ngày 14/5 và đã có lần tiếp cận đầu tiên đến các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam vào ngày 16/5.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-trong-nuoc-sang-23-5-143-ca-trong-24-gio-thai-phu-mac-covid-19-suy-ho-hap-phai-mo-cap-cuu-trong-dem.html