Ðiểm Báo Pháp – 20/05/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 20/05/21

Covid-19 và một thế giới bị chia rẽ

Các nước phát triển sẽ không thoát ra khỏi cơn ác mộng đại dịch nếu phần còn lại của thế giới không được bảo vệ bằng vac-xin. Trên đây là nhận định của cây bút xã luận Sylvie Kauffmann của báo Le Monde trong bài viết « Covid-19 chia rẽ thế giới », ở chuyên mục Địa chính trị – Thời luận.  

Đầu năm 2021, chiến dịch tiêm chủng của Israel đã khiến châu Âu choáng ngợp. Tính đến giữa tháng 4, 60% dân số Israel đã được tiêm vac-xin ngừa Covid-19. Được thực hiện chính xác như một chiến dịch quân sự và với lượng vac-xin dự trữ mua từ rất sớm giá « đắt như vàng », chiến dịch chủng ngừa của Israel được xem là một thành công vang dội. Vấn đề duy nhất là người Palestine ở các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, Gaza và Cisjordanie, lại không nằm trong chương trình tiêm chủng của Israel. Cho dù theo Công ước Genève, chính quyền chiếm đóng Israel phải chịu trách nhiệm tiêm phòng cho người Palestine. Nhưng chính phủ Benjamin Netanyahu muốn thực thi các thỏa thuận Oslo, theo đó công tác chăm lo sức khỏe cộng đồng thuộc thẩm quyền của chính quyền Palestine. Cuối cùng, nhờ cơ chế quốc tế Covax, người Palestine mới nhận được vac-xin.

Theo cây bút xã luận Kauffmann, nếu Liên Âu để các nước thành viên tự xoay xở thì có lẽ trong khi 60% người Đức được tiêm phòng, người dân Bulgarie và CH Chypre vẫn đang phải chờ nguồn vac-xin từ Covax. Nếu như vậy, mùa hè ở châu Âu sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì hiện giờ chúng ta có thể hình dung. Hôm 17/05, tại Diễn Đàn Hòa Bình Paris, cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Pascal Lamy, nhắc đến nguy cơ xảy ra « nạn phân biệt vac-xin » giữa các nước giàu và các nước kém phát triển. Thế nhưng, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới khẳng định nạn phân biệt đó đã xảy ra : Các nước giàu, chiếm 15% dân số thế giới, sở hữu 45% lượng vắc-xin trên toàn cầu, trong khi các nước thu nhập thấp, chiếm gần một nửa dân số thế giới, lại chỉ nhận được 17% lượng vac-xin được sản xuất. Trong số đó, châu Phi chỉ nhận được 1,8%.

Tổ Chức Thương Mại Thế Giới kêu gọi các nước chia sẻ vac-xin. Ngay sau đó, tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Hoa Kỳ sẽ chuyển 80 triệu liều vac-xin ra nước ngoài vào cuối tháng 06/2021 và gọi đó là điều đúng đắn, thông minh, cần phải thực hiện. Trước đó chục ngày, tổng thống Biden đã khiến mọi người ngạc nhiên khi quyết định đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế đối với vac-xin ngừa virus corona, trong bối cảnh Washington bị chỉ trích về “chủ nghĩa dân tộc vac-xin”. Chính sách của Washington cho đến lúc đó là tiêm chủng cho người Mỹ và tích trữ vac-xin nhưng không xuất khẩu, trong khi Liên Âu, mặc dù chiến dịch tiêm chủng tiến chậm hơn Mỹ, nhưng lượng vac-xin xuất khẩu cũng nhiều bằng lượng thuốc được sử dụng cho chiến dịch tiêm ngừa.

Cuộc tranh luận gay gắt về việc nên ưu tiên cho việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế hay tăng sản lượng và chia sẻ vac-xin vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng thông báo của tổng thống Mỹ Joe Biden là một câu trả lời trong bối cảnh đại dịch bùng lên ở Ấn Độ. Rõ ràng là các nước phát triển sẽ không thoát khỏi cơn ác mộng này, nếu phần còn lại của thế giới không nhận được vac-xin và không thể sản xuất vac-xin.

Virus corona cho thấy sự bất bình đẳng y tế và kinh tế đang gia tăng trên toàn cầu.
Virus corona cho thấy sự bất bình đẳng y tế và kinh tế đang gia tăng trên toàn cầu. © Pixabay/Geralt

Bất bình đẳng gia tăng

Một tác động toàn cầu khác của Covid-19 cũng ngày càng bộc lộ rõ : sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế giữa các nước phía Bắc và một phần Nam bán cầu. Kinh tế gia Hubert Testard, một chuyên gia về châu Á, trong cuốn sách « Đại dịch, sự chao đảo của thế giới », nhận định không phải tất cả các nước đang phát triển đều sẽ đi chung một con thuyền. Ông dự đoán : « Vào cuối cuộc khủng hoảng, các nước mới nổi sẽ chia thành hai nhóm, có những nước sẽ không có lại mức GDP của năm 2019 và có những nước sẽ duy trì được đà tăng trưởng. Nhóm đầu tiên có lẽ sẽ gồm châu Phi nam Sahara, Ấn Độ, một số quốc gia Trung Đông và châu Mỹ La-tinh ». « Nạn phân biệt chủng tộc bằng vac-xin », nếu tiếp diễn, sẽ khiến các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng thêm lâm cảnh khó khăn.

Chương trình tái thiết kinh tế của các nước giàu chỉ tập trung vào nền kinh tế của họ mà không nhìn rộng ra tình hình toàn cầu thời hậu khủng hoảng, điều đó sẽ càng làm sự phân hóa giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi thêm nghiêm trọng. Một ngân hàng lưu ý nhóm các nước mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã có sự phân hóa, Trung Quốc là một chủ nợ và các khoản nợ đang siết chặt quanh các nước châu Phi, Trung Quốc cũng đã tiến xa so với Ấn Độ.

Đối với cây bút xã luận của Le Monde, không ai thấy rõ rủi ro này hơn bà Kristalina Georgieva, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế. Hôm 17/05, bà nói rằng tất cả đang ở trên cùng một con thuyền, và mọi người ai cũng phải chèo thuyền. Những người ở vị trí tốt nhất nên để những người khác cùng hưởng lợi thế đó, bởi lần này không có chuyện con thuyền bị chìm một phía mà phía kia vẫn sẽ ổn.

Pháp dỡ dần phong tỏa: Sau cơn mưa trời lại sáng?

Vẫn liên quan đến Covid-19 nhưng ngay tại Pháp, Libération quan tâm đến giai đoạn 2 dỡ bỏ phong tỏa chính thức bắt đầu từ ngày hôm qua với việc hàng quán, bảo tàng, rạp phim … được mở cửa trở lại sau nhiều tháng đóng cửa, giờ giới nghiêm từ 19 giờ cũng được lùi thành 21 giờ. « Sau cơn mưa trời lại sáng » là tựa trang nhất của báo Libération, trên nền bức ảnh một người phụ nữ cười rạng rỡ bên cốc bia và bạn bè. 

Tuy nhiên, trong bài viết « Nước Pháp vô địch về giới nghiêm », Libération nhấn mạnh người Pháp được « giải phóng » nhưng không phải quá thoải mái, phải đến ngày 09/06 giờ giới nghiêm mới lùi đến 23 giờ và phải đến ngày 30/06 thì Pháp mới dỡ hẳn lệnh giới nghiêm. Cho dù theo bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire, biện pháp dỡ dần phong tỏa có thể cho phép dân chúng tìm lại « nghệ thuật sống kiểu Pháp », nhưng tờ báo nhắc lại là từ tháng 10/2020, dân Pháp phải sống với nhịp độ, giờ giấc mà chính phủ ấn định và hiện nay với lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, Pháp vẫn là nước có quy định giới nghiêm nghiêm ngặt nhất châu Âu.

Hiện giờ tại Liên Âu chỉ còn 6 nước vẫn áp dụng giờ giới nghiêm, nhưng thời gian giới nghiêm đều ngắn hơn Pháp, chẳng hạn Hy Lạp từ 0 giờ 30 đến 5 giờ sáng, Hungary từ 0 giờ đến 5 giờ, Ý từ Hungary từ 23 giờ đến 5 giờ.

Xung đột Israel – Palestine: Biden muốn cho Netanyahu thời gian «rộng đường hành động»?

Nhìn sang Trung Đông, Le Figaro nhận định dường như tổng thống Mỹ Joe Biden muốn thủ tướng Israel có thêm thời gian để dễ bề hành động, làm suy yếu lực lượng Hamas, trước khi tiến đến một lệnh hưu chiến. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, tổng thống Mỹ luôn tỏ ra thận trọng và kín đáo, không đặt vấn đề người Palestine là mối ưu tiên. Theo Le Figaro, vì quyết tâm quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, nguyên thủ quốc gia Mỹ không muốn có bất cứ bất đồng quan điểm nào khác với Israel, đồng minh lớn của Washington trong khu vực.

Trong tám ngày qua, chính quyền Hoa Kỳ đã ngăn cản mọi quyết định của Liên Hiệp Quốc nếu thấy chúng có thể đi ngược lại lợi ích của Mỹ và Israel. Nhưng cuối cùng, vào hôm qua 19/05, Joe Biden đã kêu gọi Israel nhanh chóng làm « giảm leo thang » căng thẳng. Theo Le Figaro, đây có thể là tín hiệu hướng tới thỏa thuận đình chiến. Đúng là không thể có giải pháp ngoại giao ở Trung Đông, nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Liên Âu tự đặt mình ra bên lề

Trong cơn sốt ngoại giao này, Liên Hiệp Châu Âu đang vắng bóng, do các thành viên bị chia rẽ và cũng do không nắm rõ thực tế. Hugh Lovatt, chuyên gia về khu vực Trung Đông của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế, nhận định chính Liên Âu đã tự đặt mình ra bên lề, vì Bruxelles không muốn đối thoại với Hamas. Bruxelles cũng thích nhắm mắt làm ngơ và coi như phong trào này không tồn tại. Liên Âu vì thế đã tự tước đi khả năng có thể giữ vai trò trung gian. Chuyên gia Hugh Lovatt nhấn mạnh Bruxelles phải nói chuyện với những kẻ khủng bố, nếu muốn khởi động lại tiến trình hòa bình ở Trung Đông, giống như đang làm ở Afghanistan với lực lượng Taliban.

Liên Hiệp Châu Âu cũng đã tự tước bỏ ảnh hưởng của mình vì đã không sử dụng các đòn bẩy Bruxelles có trong tay để gây áp lực đối với Israel và chính sách mở rộng các khu định cư của người Do Thái, cũng như không trừng phạt các cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ ở Palestine. Hugh Lovatt nói : « Chính quyền Palestine ngày càng chuyên quyền, trong khi được châu Âu tài trợ. Thế nhưng, Liên Hiệp Châu Âu lại không muốn giải quyết vấn đề này ». Nói một cách khái quát, Bruxelles tập trung mọi nỗ lực vào viện trợ nhân đạo và kinh tế, trong khi vấn đề chính lại là chính trị.

«Chủ nghĩa cơ hội chính trị» của Matxcơva và Bắc Kinh

Khoảng trống ngoại giao nói trên đã thu hút các cường quốc khác, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc, hai nước đang tìm cách để tiếng nói của họ được lắng nghe. Bắc Kinh và Matxcơva đã lần lượt đề nghị làm trung gian hòa giải. Nhưng theo Hugh Lovatt, đây chỉ là “chủ nghĩa cơ hội chính trị”, bởi Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ người đối thoại nào khác ngoài Mỹ.

Các nước Ả Rập có khả năng can thiệp được nhiều hơn. Ai Cập, một cường quốc khu vực và có biên giới với Gaza, có thể đối thoại với cả Israel, chính quyền Palestine và lực lượng Hamas, đang có nhiều nỗ lực hòa giải nhất, cho dù đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, bởi theo chuyên gia của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế : « Nếu không có áp lực của cộng đồng quốc tế đối với những kẻ hiếu chiến, nếu không có sự thúc đẩy của Hoa Kỳ và Liên Âu, thì sự can thiệp của Ai Cập không thể đủ để chấm dứt sự thù địch ».

Quặng đồng – nguồn thu hiện tại và rủi ro trong tương lai cho Chilê

Nhìn sang châu Mỹ La-tinh, báo Le Monde quan tâm đến Chilê, nơi quặng đồng vừa là nguồn thu lớn vừa là rủi ro cho tương lai quốc gia. Trong những tháng qua, giá đồng trên thế giới đã tăng vọt (tăng 31% chỉ tính riêng từ đầu năm 2021). Bộ trưởng bộ Khai Thác Mỏ ở Chilê gọi đó là một tin vui cho đất nước, nhận định nếu mức giá đó được duy trì, Chilê sẽ có thêm nguồn thu 10 tỉ đô la để giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách, hệ quả của đại dịch.

Xuất khẩu đồng hiện chiếm hơn một nửa xuất khẩu toàn quốc, đóng góp 10% vào GDP đất nước. Ủy ban quản lý đồng của Chilê ước tính từ nay đến năm 2023 sẽ có thêm 33.000 việc làm đươc tạo ra trong lĩnh vực này. Còn theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, GDP năm 2021 của Chilê sẽ tăng thêm 6,2%, đưa nước này thành 1 trong số hiếm hoi quốc gia trong khu vực có mức GDP đủ bù đắp cho mức sụt giảm năm 2020.

Tuy nhiên, Le Monde dẫn nhiều chuyên gia, theo đó thuế đánh vào các các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khai khoáng đồng rất thấp, nên Nhà nước thực ra không thu được nhiều lợi, trong khi đó tổn hại cho môi trường lại quá lớn. Ngoài ra, món quà mang tên đồng mà tự nhiên ban tặng cho Chilê có thể khiến nước này phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên đồng mà lơ là mảng sáng chế, phát minh, đa dạng hóa hoạt động, thiếu sự quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo … Đó chính là những nguy cơ, rủi ro cho tương lai của Chilê.

Trung Quốc và ông chủ Tesla nhấn chìm Bitcoin

Trong lĩnh vực kinh tế, cả Le Figaro và Les Echos đều chú ý đến tiền ảo. Les Echos chạy tựa trang nhất « Vụ lao dốc của Bitcoin » : giá trị đồng tiền ảo mất 35% rồi đến cuối ngày mức sụt giảm là 20%. Trong vòng 1 tuần, 1.000 tỉ đô la đã tan thành mây khói. Còn Le Figaro nhận định chính Trung Quốc và Elon Musk, chủ tập đoàn Tesla, đã « nhấn chìm » Bitcoin, đồng tiền nổi tiếng nhất trong số các loại tiền ảo.

Sau một năm « chạy đua điên cuồng » với các đồng tiền kỹ thuật số khác, Bitcoin, đã « lao dốc trên toàn cầu » vào thứ Tư 19/05, sau khi Bắc Kinh tuyên bố tiền ảo không nên và không được sử dụng trên thị trường, bởi đó không phải những đồng tiền thật. Vài ngày trước đó, tỉ phú Elon Musk đã làm chao đảo đồng Bitcoin và thị trường tiền ảo khi tuyên bố Tesla từ chối khách hàng mua xe thanh toán bằng Bitcoin.

Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210520-covid-19-v%C3%A0-m%E1%BB%99t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-b%E1%BB%8B-chia-r%E1%BA%BD