Trung Quốc đang chiến thắng cuộc đua vaccine trên thế giới, nhưng sẽ không lâu
Vaccine Covid-19 là đòn bẩy cho quyền lực mềm mới của TQ ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông.
Có lẽ quan trọng nhất là việc TQ xuất khẩu rất sớm các loại vaccine được phát triển nhanh chóng, nó đã mang lại cho Bắc Kinh một lá bài ngoại giao mạnh mẽ ở các châu lục này.
Sau khi TQ kiểm soát được dịch Covid bùng phát, trong lúc các nhà lãnh đạo khác của thế giới bị phân tâm lo đương đầu y tế trong chính quốc gia họ, TQ lợi dụng sự hỗn loạn này để đẩy mạnh các cuộc đàn áp chính trị ở Hồng Kông và Tân Cương.
Cho đến nay, TQ đã xuất khẩu khoảng 265 triệu liều vaccine Covid, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại, và cam kết cung cấp thêm 440 triệu liều nữa.
Chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh thuộc dạng bắt bí. Những nước láng giềng nghèo ở Nam Á chung quanh Ấn Độ nằm trong số những mục tiêu mà TQ nhắm tới.
Vào ngày 27/4, cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị tổ chức một cuộc họp online với những người đồng cấp của mình là Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka, thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguỵ Phượng Hoà đã có mặt tại Bangladesh, cam kết tăng cường hợp tác quân sự. Rồi chỉ trong vòng vài ngày sau đó, các quan chức ở Bangladesh đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Sinopharm. Chưa đầy hai tuần sau, đại sứ TQ tại Bangladesh đã làm cho chủ nhà ngạc nhiên với một cảnh báo bất ngờ: Bất kỳ sự hợp tác nào trong tương lai của Bangladesh với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ (Bộ Tứ) chắc chắn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của quốc gia này với TQ.
Một vị giáo sư của Đại học Hồng Kông nhận xét rằng: Sẽ là ngu ngốc nếu ai đó kết luận rằng viện trợ và cung cấp vaccine mà TQ hiện đang làm cho châu Á và thế giới sẽ không biến thành một lợi thế ngoại giao lâu dài.
Với việc các lô hàng của chương trình Covax bị trì hoãn do xuất khẩu của Ấn Độ bị sụp đổ vì đại dịch, TQ có lẽ là lựa chọn duy nhất trong thời gian tới đối với nhiều nước nghèo nàn. Nó trở thành một cơ hội để TQ chứng tỏ với thế giới rằng sự trỗi dậy của họ là không thể dừng lại.
Hiệu quả của vaccine Sinovac rất khác nhau, từ 50% đến 90% trong các nghiên cứu. Các cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy rằng các vaccines của TQ ít được ưa chuộng ở một số nơi. Ngay cả ở Hồng Kông, chỉ có 37% cho biết họ sẽ tham gia vào việc chích Sinovac.
Trên khắp châu Phi, các quốc gia vẫn còn do dự về vaccine TQ, cho thấy thuốc của TQ có thể bị hao mòn trong các kho lưu trữ chứ không tạo ra được thiện chí chính trị mà Bắc Kinh mong muốn.
Ưu thế của TQ có thể không kéo dài. Ấn Độ công nhận TQ có lợi thế, nhưng tin rằng nó sẽ không lâu dài và tính rằng Ấn sẽ tăng vọt xuất khẩu vaccine của chính họ trong một vài tháng tới.
LMN (tóm lược từ báo Bloomberg)