Ðiểm Báo Pháp – 18/5/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 18/5/21

Pháp tìm lối thoát tài chính cho Châu Phi

Hội nghị quốc tế tìm trợ giúp kinh tế cho Châu Phi do Pháp tổ chức, bạo lực ở dải Gaza – Israel và việc dỡ bỏ phong tỏa phòng Covid-19 đợt hai, sẽ diễn ra vào ngày mai, là các chủ đề lớn của báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 18/05/2021. 

Hội nghị quốc tế trực tuyến bàn về trợ giúp kinh tế Châu Phi là chủ đề của hầu hết các báo. Bài « Một thượng đỉnh để đưa châu Phi thoát khỏi khủng hoảng » trên Le Monde, cho biết thượng đỉnh có sự tham dự của 21 lãnh đạo quốc gia Châu Phi, nhiều lãnh đạo Châu Âu và định chế quốc tế. Phủ tổng thống Pháp kêu gọi « trợ giúp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và các định chế đa phương ».

Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (trong báo cáo mới nhất hồi tháng 4/2021), để ra khỏi khủng hoảng do đại dịch, Châu Phi cần đến 425 tỉ đô la, từ đây đến 2025. Nhu cầu rất lớn, nhưng trợ giúp phát triển quốc tế cho Châu Phi (phía nam sa mạc Sahara) lại sụt giảm 1% trong năm ngoái (theo OCDE). Trong lúc các nước giàu đã bơm vào nền kinh tế nước mình tổng cộng gần 16.000 tỉ đô la, kể từ đầu khủng hoảng, thì trợ giúp cho các nước nghèo nhất là hết sức nhỏ.

Ảnh minh họa : Thượng đỉnh Pháp - Châu Phi tại Bamako, Mali, 2017.
Ảnh minh họa : Thượng đỉnh Pháp – Châu Phi tại Bamako, Mali, 2017. © REUTERS/Luc Gnago

Các biện pháp chính

Nhiều biện pháp hỗ trợ Châu Phi được bàn đến trong hội nghị này. Chủ trương của Pháp là gia tăng số tiền mà các nước Châu Phi có thể được hưởng trong tổng số 650 tỉ đô la của cơ chế Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR), do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều hành, vốn được sử dụng cho các mục tiêu khẩn cấp. Pháp đề nghị các nước giàu giảm một phần quyền lợi, để chuyển cho các nước Châu Phi. Hiện nay, Châu Phi chỉ có quyền nhận được 33 tỉ trong tổng số tiền nói trên. Thúc đẩy đầu tư nội địa, đầu tư cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chấn hưng kinh tế là một ưu tiên, theo Điện Elysée. Việc đàm phán giữa các nước Châu Phi và các chủ nợ trong việc hoãn trả nợ cũng là một chủ đề quan trọng khác.

Theo Le Monde, về mặt tài chính, điểm đặc biệt đáng lo ngại là Châu Phi có thể lâm vào tình trạng vỡ nợ. Do khủng hoảng, nợ công của các nước Châu Phi có thể tăng trung bình từ 10 đến 15% GDP. Vai trò của Trung Quốc được đặc biệt chú ý. Bắc Kinh là chủ nợ số một đối với nhiều quốc gia châu Phi. Điểm mới trong hội nghị về Châu Phi lần này là có sự tham gia của Trung Quốc. Theo nguồn tin từ một người tham gia chuẩn bị hội nghị nói trên, có nhiều áp lực để buộc Trung Quốc phải « minh bạch » hơn về các tài trợ, đầu tư vào Châu Phi.

Trung Quốc tham gia: Bước ngoặt quan trọng

Về vai trò của Trung Quốc, nhật báo Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý « Làm thế nào Trung Quốc trở thành chủ nợ chính », nhấn mạnh đến tình trạng phụ thuộc nặng nề của nhiều nước Châu Phi vào Trung Quốc. Số nợ của các nước Châu Phi do Trung Quốc nắm giữ, từ 2 tỉ đô la năm 2000 lên đến 73 tỉ năm 2019, chiếm 30% tổng số nợ của Châu Phi. Bắc Kinh bị cáo buộc « đưa nhiều nước Châu Phi vào bẫy nợ ». Trong số các nước đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc, có Ethiopia, Angola, Guinea và Zimbabwe. Trước áp lực quốc tế, Bắc Kinh dần dần buộc phải chấp nhận giãn nợ cho một số nước Châu Phi, như Congo hay Angola. Theo chuyên gia Cécile Valadier, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), việc Trung Quốc tham gia vào Cơ chế Quốc tế Tái cấu trúc nợ cho Châu Phi (sáng kiến của G20, đưa ra tháng 11/2020) « đánh dấu một bước ngoặt thực sự ».

Thay đổi chiến lược của Pháp với Châu Phi

Vẫn về hội nghị Châu Phi tổ chức hôm nay, La Croix chú ý đến sự thay đổi được đánh giá là quan trọng trong chính sách của tổng thống Pháp, hướng đến toàn bộ châu lục, chứ không chỉ tập trung vào khu vực châu Phi nói tiếng Pháp, như lâu nay. Tổng thống Emmanuel Macron, ngay từ khi nhậm chức năm 2017, muốn mở rộng quan hệ với các nước Châu Phi nói tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha. Thời gian gần đây, các cường quốc, như Trung Quốc, Nga và cả nước Anh, ngay sau khi rời Liên Âu, đã tổ chức thượng đỉnh về kinh tế, đầu tư tại Châu Phi.

Israel – Hamas: Tham vọng ngoại giao của Biden có nguy cơ phá sản

Bạo lực Cận Đông và bế tắc quốc tế là chủ đề chính của Le Monde. Nhật báo chạy tựa « Dải Gaza bị oanh kích, Biden bị áp lực, Liên Âu im tiếng ». Theo Le Monde, riêng tại Gaza, đã có hơn 40 người chết hôm Chủ Nhật do oanh kích. Bạo lực kích động bạo lực, nhiều thành viên tổ chức Fatah ở vùng Cijordani (Palestine) cũng bắt đầu tham gia vào các bạo động chống Israel, do lo sợ bị phong trào Hamas lấn át. Trong lúc đó, nội bộ đảng Dân Chủ cầm quyền tại Mỹ đang ngày càng bị phân hóa, do thái độ của chính quyền Biden đối với xung đột nói trên.

Le Monde có bài phân tích mang tựa đề « Các tham vọng ngoại giao của Biden có nguy cơ phá sản », nhấn mạnh đến chính sách tránh né của chính quyền Mỹ ngày càng càng khó duy trì. Kể từ cuối tuần trước, tổng thống Joe Biden và ngoại trưởng Anthony Blinken liên tiếp có các tiếp xúc, nhằm thúc đẩy ngừng bắn. Tuy nhiên, hiện tại, tổng thống Mỹ không thể tiếp cận với Hamas (cầm quyền tại dải Gaza), do tổ chức này bị Washington xếp vào danh sách khủng bố. 

Tóm lại, xung đột một tuần nay giữa Israel và Hamas thách thức nghiêm trọng tham vọng trở lại vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế của nước Mỹ. Tại Hội Đồng Bảo An, Chủ Nhật vừa qua, nước Mỹ đã tiếp tục một mình chống lại tất cả, khi cản trở mọi tuyên bố chung của Hội Đồng Bảo An.

Về khả năng hành động của Mỹ, nhật báo Le Figaro, trong bài phân tích « Ngoại giao tìm kiếm ngừng bắn tại Gaza », lưu ý đến thế khó xử hiện nay của chính quyền Biden, hiện đang đàm phán về việc trở lại của Washington với Hiệp định Hạt nhân Iran, vốn đã gây rắc rối cho quan hệ Mỹ – Israel, đối thủ của Iran. Theo Le Figaro, Joe Biden không muốn có thêm một hồ sơ gây căng thẳng khác với Iran, đặc biệt trong lúc mà tổng thống Mỹ « không tin là xung đột có thể được giải quyết trong ngắn hạn ».

Tuy nhiên, vẫn Le Figaro, trong một bài viết khác, nhấn mạnh là lập trường « ủng hộ vô điều kiện » Israel của Biden ngày càng gây phân hóa trong nội bộ đảng Dân Chủ. Le Figaro coi đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn đầu tiên của tân chính quyền Mỹ Biden. Ngày càng có nhiều dân biểu, nhà tranh đấu đảng Dân Chủ đòi hỏi một chính sách cân bằng hơn, đòi tổng thống Biden nỗ lực hơn để thúc đẩy ngừng bắn, hơn là « ủng hộ vô điều kiện » quyền tự vệ của Israel.

Hamas – Netanyahou: Khẳng định vị thế trong nội bộ

Về phía các nước Ả Rập, với Le Figaro, cản trở hiện nay cho một giải pháp cân bằng, là Palestine không còn là trọng tâm trong chính sách của khối này. Nhiều nước Ả Rập lại đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Israel. Quan hệ giữa Israel và Hamas không còn phụ thuộc nhiều vào các nỗ lực ngoại giao bên ngoài, mà chủ yếu do nhu cầu nội bộ của mỗi phía. Mục tiêu hiện tại của phía Israel là tham vọng của thủ tướng Netanyahou, đang trong thế yếu trước liên minh đối lập, muốn giành lại thế thượng phong, thông qua việc tỏ ra cứng rắn với Hamas để tiếp tục nắm quyền. Về phía Hamas, đó là chủ trương tỏ ra cứng rắn với Israel để được coi là lực lượng lãnh đạo duy nhất của Palestine, đẩy phong trào Fatah ra lề. Thông thường, một khi hai bên đã đạt được mục tiêu, xung đột sẽ lắng dịu. Tuy nhiên, theo Le Figaro, tình tình lần này có vẻ khác trước. Xung đột kéo dài sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng hơn : gia tăng đối kháng giữa người Do Thái và người Ả Rập tại chính Israel, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập Sunni cũng có thể rơi vào bế tắc.

«Công lý cho tất cả»

Để tìm giải pháp cho xung đột Israel – Palestine, đang rơi vào thế bế tắc toàn diện, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài xã luận đáng chú ý, mang tựa đề « Công lý cho tất cả ». Theo Le Figaro, trong 12 năm nắm quyền, thủ tướng Israel Netanyahou đã đặt niềm tin vào sức mạnh quân sự vượt trội của Israel, buộc người Palestine phải khuất phục. Nhưng điều này đã không xảy ra. Le Figaro khẳng định, chính « các bất công được thể chế hóa », trong quan hệ giữa hai bên, khiến phẫn nộ chồng chất phẫn nộ trong xã hội Palestine, ở tất cả các khu vực. « Thiết lập lại công lý để đổi lấy an ninh là nỗ lực đầu tiên cần được khởi sự » là chủ trương của Le Figaro.

Pháp: Cảnh giác cao độ trước giai đoạn 2 dỡ bỏ phong tỏa

Thêm một loạt biện pháp ra khỏi phong tỏa phòng Covid-19 sẽ được áp dụng kể từ ngày mai. Truyền thông Pháp hôm nay kêu gọi cảnh giác cao độ. Libération chạy tựa trang nhất : « Quán bar, nhà hàng. Phải chăng là lúc để ăn mừng ? ». La Croix có bài xã luận « Chúng ta hãy thận trọng ». Theo nhật báo Công giáo, việc mở cửa trở lại các quán cà phê, bảo tàng, rạp chiếu bóng, cửa hiệu, việc lùi thời điểm giới nghiêm thành 21 giờ là một tin vui, các chỉ số y tế tích cực là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên, hãy tránh thổi phồng giai đoạn 2 dỡ bỏ phong tỏa này. Một số người dùng từ « Giải phóng », cứ như thể đây là mùa hè giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít năm 1944.

La Croix chỉ trích làm như vậy là « không nghiêm túc », « không được tế nhị », bởi không thể so sánh tình hình phong tỏa phòng dịch vừa qua với các thảm kịch do chiến tranh, chiếm đóng trước đây. Và coi ngày 19/05 là ngày được giải phóng, cũng hết sức nguy hiểm, bởi bệnh dịch còn chưa kết thúc. La Croix nêu kinh nghiệm của nước Anh láng giềng, đang lo lắng với biến thể virus Ấn Độ, khiến dịch bùng trở lại. Tóm lại, cần tiếp giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

Pháp tập trận với Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương: Nhật Bản vui mừng

Về thời sự châu Á, Le Figaro chú ý đến cuộc tập trận hải quân chưa từng có mà Pháp tham gia tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cùng Mỹ, Úc và Nhật Bản, nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Đối với giáo sư Michito Tsuruoka, đại học Keiko, chính quyền Nhật hết sức hài lòng với việc hải quân Pháp và Mỹ phối hợp rất tốt, sát cánh bên nhau. Theo vị giáo sư đại học Keiko, bộ luật cho phép Hải Cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài, có hiệu lực từ 01/02/2021, khiến căng thẳng gia tăng gấp bội. Philippines, Việt Nam và Nhật Bản đều phản đối bộ luật này. Cho dù Pháp hay Anh không can thiệp trực tiếp vào xung đột Nhật – Trung, nếu nổ ra, nhưng sự hiện diện của các lực lượng này trong khu vực buộc Trung Quốc « phải tính toán kỹ ».

Hồng Kông sắp không còn báo chí độc lập

Về Hồng Kông, Le Figaro có bài điểm lại tình hình tự do báo chí bị đàn áp mạnh. Tổ chức Phóng viên Không biên giới mới đây xếp Hồng Kông ở hạng thứ 80 về tự do báo chí, sau Kỉghizistan. Phó tổng biên tập báo Stand News, Ronson Chan, dự báo chẳng mấy chốc tại Hồng Kông sẽ không còn các phương tiện truyền thông độc lập như Apple Daily (do tỉ phú Lê Trí Anh – Jimmy Lai sáng lập) hay Stand News.

Tân giám mục Hồng Kông: Giáo dục, trận tuyến mới với Bắc Kinh

Cũng về Hồng Kông, La Croix có bài phân tích lý do đằng sau việc lựa chọn tân giám mục Hồng Kông của giáo hoàng. Cha Stêphannô Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), người đứng đầu các tu sĩ tỉnh dòng của dòng Tên tại Hoa lục, được bổ nhiệm, sau hơn hai năm vị trí này không có người đảm nhiệm. Các nhà phân tích hiểu rõ về tình hình địa phương đánh giá việc giáo hoàng bổ nhiệm cha Chu Thủ Nhân là một lựa chọn « có ý nghĩa cân bằng rất cao ». Điểm mạnh của tân giám mục Hồng Kông là giáo dục. Sắp tới, giáo dục sẽ là một trận tuyến giữa Bắc Kinh và giới tranh đấu cho dân chủ Hồng Kông. Dự kiến chính quyền Trung Quốc sẽ tấn công vào quyền tự do giảng dạy, vẫn còn tồn tại ở Hồng Kông, đặc biệt tại hơn 300 trường Công giáo, các cơ sở thường bị cáo buộc là căn cứ địa của phong trào dân chủ. Từ nhiều tháng nay, giáo hoàng tránh đề cập đến Hồng Kông, trong bối cảnh phong trào dân chủ bị đàn áp nặng nề.

Pháp, Đức, Tây Ban Nha phát triển chiến đấu cơ Châu Âu

Về trang nhất các báo, ngoài ba chủ đề lớn nói trên, nhật báo Les Echos đặc biệt chú ý đến việc ba nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha đạt đồng thuận về dự án phát triển chiến đấu cơ chung đầu tiên của châu Âu, sẽ được đưa vào sử dụng kể từ 2040, để thay thế cho Rafale của Pháp và Eurofighter của Đức-Tây Ban Nha.

Tập đoàn thực phẩm Danone bầu lãnh đạo mới, sang trang khủng hoảng, và việc hãng dược Sanofi có tín hiệu thành công trong việc chế tạo vac-xin ngừa Covid giai đoạn hai là các chủ đề trang nhất khác của Les Echos.

«Dầu lửa: trò chơi mập mờ của các nhà đầu tư».

Trong lĩnh vực Khí hậu, Môi trường, có nhiều bài viết đáng chú ý. Le Monde có bài phân tích « Dầu lửa : trò chơi mập mờ của các nhà đầu tư ». Trái ngược hẳn với tuyên bố bề ngoài và một số hành động tỏ thiện chí để hãm đà hâm nóng Trái đất (như trồng rừng), đại đa số các tập đoàn lớn thế giới hiện nay vẫn đi theo hướng ngược lại : bám chặt lấy năng lượng hóa thạch. Theo số liệu của Liên minh các nhà đầu tư Climate Action 100+, tập hợp các doanh nghiệp có tổng tài sản 54 nghìn tỉ đô la, thì cam kết khí hậu của 159 trên tổng số 167 doanh nghiệp không tuân thủ Thỏa thuận Khí hậu Paris, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5 đến 2°C so với thời tiền công nghiệp.

Triển lãm «Rừng Amazon – Thiên đường đã mất» tại Paris

Nhật báo Le Figaro giới thiệu cuộc triển lãm hình ảnh và âm thanh đặc biệt tại Philharmonie Paris về Rừng Amazon, hay « Thiên đường đã mất » của nhiếp ảnh gia Sebastiao Salgado, 77 tuổi. « Thiên đường đã mất » hay đúng hơn là một Thiên đường trên trần thế là điều mà nhiếp ảnh gia Pháp gốc Brazil muốn giới thiệu với công chúng.

Trả lời Le Figaro, Sebastiao Salgado thừa nhận Amazon không phải là một thế giới tuyệt hảo, nhưng hoàn hảo hơn nhiều so với thế giới hiện đại của chúng ta. Đây là một thiên đường với nhiều nghĩa. Thiên nhiên hào phóng, thuần khiết, con người đa phần sống với nhau thân ái.

Cuộc phiêu lưu chụp ảnh trong rừng Amazon của nghệ sĩ Sebastiao Salgado được thực hiện, với sự trợ giúp của Quân đội Brazil và tổ chức Funai (Cơ quan Quốc gia quản lý các vùng rừng bảo tồn tại Amazon rất có uy lực), trước khi tổng thống cực hữu dân túy Bolsonaro lên nằm quyền và chi phối toàn bộ các thiết chế quản lý rừng Amazon. Theo nhiếp ảnh gia, giờ đây, dưới thời Bolsonaro, tổ chức Funai, thay vì bảo vệ rừng lại bảo vệ những người phá rừng, bởi vậy khả năng thực hiện công việc như ông từng làm là không thể.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210518-ph%C3%A1p-t%C3%ACm-l%E1%BB%91i-tho%C3%A1t-t%C3%A0i-ch%C3%ADnh-cho-ch%C3%A2u-phi