Dương Đức Thịnh: nạn nhân của chế độ Cộng Sản
Lá cờ vàng xuất hiện ngày 6 tháng 1 tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Người bênh kẻ chống chưa lắng xuống. Một sự kiện khác liên quan lại nổi lên đến cờ vàng xảy xa ở tiểu bang New South Wales, Úc Châu vào dịp tưởng niệm lần thứ 46 Quốc Hận 30-4. Ý nghĩa sự xuất hiện lá cờ vàng ở Quốc Hội Hoa Kỳ và sự hủy hoại lá cờ vàng tại New South Wales hoàn toàn khác nhau, nhưng cả hai trường hợp đều ảnh hưởng đến giá trị tinh thần, niềm đau chung đối với người tị nạn Cộng sản đã từ bỏ quê hương tìm tự do.
Viêt-Nam Cộng Hòa không còn nữa. Nhưng lá cờ vàng luôn luôn là một biểu tượng của những người Việt tị nạn không hề phai nhạt, nhất là những thế hệ đi trước. Đối với họ sự trở lại của chế độ Miền Nam trước 1975 được phục hồi trong tương lai chỉ là một điều mong ước vì tình cảm rất xa vời với hướng đi của lịch sử. Nhưng thực tế cho ta thấy lá cờ vàng càng ngày lại càng được xem như một di sản của tổ quốc vô cùng quý giá mà chúng ta thường thấy xuất hiện trong các buổi lễ của người Việt tỵ nạn.
Sau hơn 46 năm, lá cờ vàng vẫn còn làm rỉ máu mỗi khi đến ngày Tưởng niệm 30-4. “Biến cố Cờ Vàng” tạo ra từ một du học sinh trung học người Việt tại Úc đã giẫm đạp lên lá cờ vàng ba sọc đỏ và liên tục có những phát ngôn tục tĩu trong dịp Quốc Hận đã dấy lên thách thức và thù hận trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do ở tiểu bang New South Wales cho biết ông đã làm việc với hiệu trưởng của ngôi trường, cảnh sát và Bộ Di trú Úc về sự việc trên: “Nhà trường đã liên lạc với chúng tôi và thông báo đã đình chỉ ngay lập tức học sinh này vì đã có hành động không thể chấp nhận được ở Úc. Đây là hành động mạ lị, đạp lên lá cờ và chửi rủa bằng lời lẽ thô tục là điều gây tổn thương cho cộng đồng chúng tôi”.
Ông Paul Huy Nguyễn cũng nói thêm, bên cạnh làm việc với nhà trường và cảnh sát, ông cũng gửi thông báo đến dân biểu tiểu bang và liên bang trên toàn nước Úc để bày tỏ mong muốn lấy lại danh dự cho cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng và mọi nơi nói chung.
Bà Hoa Nguyễn, một người Việt tại Úc viết trên Facebook về sự việc: “Cháu bé giật cờ vàng đặt cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu vào thế vô cùng nhạy cảm…Cộng đồng ta cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Nếu không làm, ta tiến hành lấy chữ ký gửi bộ di trú để hủy visa trả về nước theo luật định.”
Cùng ngày, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chia sẻ trên đài BBC: “Đây là hệ quả của vấn đề giáo dục, nhất là việc học lịch sử còn một chiều, phiến diện và ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của các cơ quan dân vận của Cộng sản.” Một giảng viên tại Đại học Hà Nội, bà tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cũng đã chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 4/5: “Đây là việc đáng tiếc thể hiện sự giáo dục không đầy đủ và thiếu ý thức của một người trẻ Việt Nam, thế hệ sinh ra nhiều năm sau cuộc chiến.”, “Ở đây, chúng ta thấy có hai vấn đề. Thứ nhất, học sinh này được giáo dục một ý thức hệ hết sức căm thù với chế độ Miền Nam Việt Nam. Thứ hai, đơn giản hơn là cậu ta thiếu hiểu biết của một người khi ra nước ngoài.”
“Có những thứ trong nước bất di bất dịch nhưng nước ngoài thì khác hẳn: chúng ta không có quyền xâm phạm vào tài sản của người khác; trong khi đó nghi phạm Dương Đức Thịnh còn quay phim, tung lên mạng. Đó là một hành động rất ngông nghênh, coi thường pháp luật và luân thường đạo lý. Có thể nói hành động của một du học sinh con ông cháu cha này đã được nuông chìu coi trời bằng vung nên vẫn như vậy khi ra nước ngoài,”. Bà Ánh kết luận “đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là của một nhóm vì trong video, có những người khác tham gia, cổ vũ, quay phim.”Điều này đáng sợ vì người trẻ là tương lai đất nước. Nhìn rộng ra, nếu đất nước rơi vào tay những người trẻ không cần biết về luật pháp, luân thường đạo lý thì đất nước sẽ đi về đâu?”. Ngoài ra, lại còn tự nhận mình đại diện cho 90 triệu người dân trong nước, thật là một hiện tượng đáng buồn! Tội nghiệp cho đất nước Việt nam ngày nay!
Úc là quốc gia ôn hòa, tôn trọng nhân quyền và ghét bạo lực. Có những lỗi ở trong trường học sẽ bị phạt nặng. Ở Úc người ta tránh công kích cá nhân, trẻ con được dạy từ bé “nếu không nói được điều gì tử tế thì im lặng chứ không được dùng lời nói làm tổn thương người khác. Trong mọi trường hợp phải biết kiềm chế, không được phép dùng vũ lực. Dùng vũ lực để đạt được điều mình muốn là hành vi thấp kém nhất.”
Các cháu ở Việt Nam mới sang thường vướng các lỗi lầm mà nước Úc kiêng kỵ. Môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông của Úc dạy rất khác chương trình Việt Nam vì, họ nói sự thật. Bảo tàng di dân Úc đã có những thước film tư liệu về chiến tranh Việt Nam và di dân đến Úc, người Việt nào đã xem qua đều không tránh khỏi xúc động. Du học sinh, sinh viên muốn vào xem không mất tiền. Các em nên vào xem để hiểu được lịch sử nước mình qua con mắt khách quan của quốc tế. Một số du học sinh nhất là các em học phổ thông trong độ tuổi hiểu biết, khi đi du học đã bị sốc ngay lần đầu tiếp nhận sự thật. Cách các em phản ứng lại rất khác nhau- nhưng nhiều em quay ra hận thù, có những suy nghĩ y như em Dương Đức Thịnh của trường trung học Marrickville đã tham gia giật cờ vàng và sỉ nhục lá cờ này.
Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng, đó là vai trò gia đình trong giáo dục con em trong trường hợp Dương Đức Thịnh. Cha mẹ nào mà không yêu thương con, nhưng không phải cha mẹ nào cũng có khả năng giáo dục con mình. Có những cha mẹ rất cẩn thận. Họ dặn dò con họ kỹ lưỡng trước khi đi du học, rằng không được hỗn hào, gây gổ với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, những người đã bị cộng sản truy bức phải bỏ tổ quốc ra đi, chịu bao tang thương bất công. Có những người họ dặn con họ, yêu tổ quốc không phải là yêu cộng sản. Hãy đứng ngoài mọi vấn đề tranh cãi chỉ tập trung vào việc học. Nhưng cũng có những cha mẹ chỉ lo làm ăn tin rằng “có tiền là có tất cả”.
Con cái họ là phản ánh lại cách hành xử của họ. Thường con cái họ cũng không thành đạt ở Úc. Kể cả gia đình thu xếp tìm cách cho ở lại thì cũng tự mình cô lập khỏi vòng xã hội ở Úc, không thực sự có bạn bè bản địa hay tham gia được vào mạng lưới xã hội ở đây. Các em được dạy dỗ tử tế và cha mẹ khuyến khích tự lập, tự tìm hiểu thế giới thì không gặp vấn đề gì trong kết bạn ở xứ lạ quê người. Thường các em trẻ rất dễ hội nhập với cuộc sống mới rất nhanh. Còn những em không có chút kinh nghiệm về xã hội, không tự lập và được nuông chiều ở Việt Nam thì thường cô độc và không có bạn bè tốt. Bạn bè rủ rê kích động nhau, cộng thêm không có sự dạy dỗ, giám sát từ cha mẹ, lại được sự tự do dễ khiến các em muốn trở thành anh hùng.
Có những hội nhóm con nhà giàu, thuê chung nhà ở chung, đánh điện tử từ sáng đến đêm, không đi học, thỉnh thoảng ra đường đi chợ Việt ăn quán Việt cả đám với nhau đờ đẫn như người ở hành tinh khác. Cha mẹ ở Việt Nam, tất nhiên, không hay biết gì hết. Một trong các tác động chính đưa đến sự kiện giật cờ và sỉ nhục là nhóm dư luận viên cộng sản vươn tầm xa bơm thêm thù hận. Như nhóm Dư Luận Viên 47 kêu gọi Đại Sứ Quán Việt Nam can thiệp cho học sinh Dương Đức Thịnh trong khi Nhóm Dư Luận Viên này không phải nhân viên ngoại giao hay đại diện cho chính phủ Việt Nam. Hành động này vi phạm luật và các giá trị Úc (khi xin visa, đã phải cam kết tôn trọng các giá trị Úc nhưng có lẽ các dịch vụ du học Việt Nam giải thích rõ ràng). Đại sứ quán Việt Nam hiểu rõ lập trường quan điểm của Úc trong việc ứng xử với lịch sử và cộng đồng.
Chính phủ Úc thậm chí đã duyệt chi kinh phí nhiều triệu đô la để xây bảo tàng người Việt ở Úc. Trong chính trường Úc, nhiều chính trị gia xuất thân đã từng hệ lụy với Việt Nam Cộng Hòa. Người Việt khi xưa đi tị nạn sang Úc chỉ có bộ quần áo vắt trên người, nhưng họ có nghị lực mạnh hơn cái chết, có xuất phát điểm ở tự do bát ngát nên khi có cơ hội xứng đáng với năng lực, họ trở nên thành đạt. Ở Việt Nam chỉ có con các quan chức cộng sản là đường quan lộ thênh thang, con em nông dân công nhân (những giai cấp mà họ đã lợi dụng) còn lâu mới được đổi đời! Nguy hiểm là những ngôn từ và khuyến dụ của bọn dư luận viên đánh vào tâm lý của các em muốn “được nổi tiếng, trở nên quan trọng, được công nhận “yêu nước”. Chúng đánh lừa bọn trẻ con đáng thương, đến khi bị trục xuất về Việt Nam, sống ở Việt Nam 1-2 năm mới nhận ra- lúc đó cay đắng tràn trề, nhưng đã muộn.
Cộng đồng người Việt ở Úc tính cả du học sinh là hơn 1 triệu, tương đương cộng đồng người Việt ở Pháp. Ở Mỹ là đông nhất, nhưng hiện tại hoạt động yêu nước diễn ra ở Úc và Châu Âu mạnh mẽ hơn, do cộng đồng người Việt ở Mỹ bị chia rẽ rất nhiều. Một cộng đồng người Việt khác đang lớn mạnh với nửa triệu người ở Đài Loan, đất nước tự do dân chủ bậc nhất châu Á!
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại tính tổng cộng đã trên 6 triệu người và còn tăng nữa, do tình hình kinh tế chính trị xã hội Việt Nam ngày càng kém nên nhiều người vẫn tiếp tục ra đi. Nhận thấy sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đảng cộng sản Việt Nam đã thực thi chính sách “cảm tình viên” để phá hoại từ bên trong. Cục C2 Tình Báo Quốc Phòng Việt Nam đã lập cơ sở ở Melbourne. Họ chưa hoạt động mà đã lộ. Nhưng việc họ ngang nhiên tuyên truyền “yêu nước là yêu Đảng” ở Melbourne cho thấy sự bành trướng công khai của họ mà cộng đồng chúng ta cần nên xem xét nghiêm túc. Chúng ta đã phải rời bỏ Tổ Quốc ra đi tìm tự do mà họ còn theo tới tận bên này, chúng ta không thể để yên được.
Sự kiện Dương Đức Thịnh giật cờ vàng đặt cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu vào một thế vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên chỉ là bài thử nghiệm đầu tiên cho chúng ta trước khi bị tấn công ồ ạt. Chúng ta cần thay đổi “tương kế tựu kế”. Cộng đồng ta cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu cũng nên ra thông cáo về việc này để cảnh báo với các du học sinh để tránh hậu quả về sau và ngăn chận trường hợp tương tự trong tương lai.
Tất cả chúng ta đều cần thời gian để có thể học và thay đổi. Khi cờ vàng bị xúc phạm và tổn thương bởi từ đâu, điều đầu tiên cần cân nhắc mục đích hành động của kẻ thủ phạm. Chúng ta cần một sự đoàn kết thật sự. Cộng sản là cao thủ về ma giáo luôn nhân danh “yêu nước” để làm những điều phản quốc ngay trên đất nước mà gần 100 triệu dân vẫn có rất nhiều người ủng hộ họ. Dùng một đứa trẻ để châm ngòi vào ngày 30 tháng 4 năm nay là hạ sách của một chế độ phá sản về đạo đức và Dương Đức Thịnh là nạn nhân của chế độ Cộng Sản hiện nay.
Thái Hóa Lộc
14/5/2021