Ðiểm Báo Pháp – 14/05/21
Mất ảo tưởng về Trung Quốc, Liên Âu hướng tới Ấn Độ
Điểm qua báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 14/05/2021, giới quan tâm đến tình hình châu Á không thể bỏ qua bài phân tích trên Le Monde về sư chuyển hướng rõ nét hiện nay của Liên Hiệp Châu Âu về phía Ấn Độ thay vì Trung Quốc. Bên cạnh đó, chủ đề chung được tất cả các báo chú ý là cuộc leo thang xung đột giữa Israel và người Palestine, đặc biệt được Libération nêu bật trong tựa lớn trang nhất.
Tình hình chính trị Pháp với các khó khăn mà tổng thống Macron và đảng cầm quyền đang gặp phải cũng được quan tâm, chiếm lĩnh trang nhất của hai tờ Le Monde và Le Figaro. Riêng Les Echos thì phấn khởi trước triển vọng kinh tế châu Âu hồi phục nhanh chóng, trong lúc La Croix lại lo ngại trước tình trạng lá phổi của hành tinh là vùng Amazonia bắt đầu mất tác dụng.
Lời mời gọi đến từ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương
Về sự chuyển hướng địa chính trị của châu Âu, hay nói rõ hơn là Liên Hiệp Châu Âu, trong bài “Lời mời gọi đầy quyến rũ của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”, nhà bình luận Sylvie Kauffmann của nhật báo Le Monde đã giải thích rõ nguyên nhân: “Với việc không còn ảo tưởng về Trung Quốc, gió đã xoay chiều ở châu Âu, và hiện nay đang thổi về phía Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Theo ghi nhận của Le Monde, bằng chứng rõ nhất cho thấy nỗi thất vọng của Liên Hiệp Châu Âu là quyết định đình chỉ tiến trình phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư toàn diện đã ký kết với Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2020, nối tiếp bằng động thái thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác với New Delhi.
Đức thất vọng nhất vì đã áp đặt thỏa thuận
Thái đô thất vọng và bực tức đối với Trung Quốc đã được Đức công khai thể hiện khi ngoại trưởng Heiko Mass không ngần ngại tiết lộ việc Hungary, một nước Liên Âu rất thân thiết với Trung Quốc, hôm 10/05 vừa qua, đã lại một mình chống lại 26 thành viên còn lại để ngăn chặn một tuyên bố của Liên Hiệp Châu Âu lên án chiến dịch đàn áp mà Bắc Kinh đang thực hiện ở Hồng Kông, một tuyên bố đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên.
Bằng cách công khai giải thích sự im lặng của Bruxelles trước các hành vi đàn áp của Trung Quốc tại Hồng Kông, ngoại trưởng Đức đã vén bức màn về lý do khiến Budapest cản trở quyết định của Liên Âu. Theo ông, chúng ta phải tìm kiếm nguyên do trong “mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Hungary”.
Trên thực tế, thủ tướng Hungary Viktor Orban không hề giấu giếm điều này và không ngần ngại tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây là ông có điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và theo Bắc Kinh, trong cuộc trao đổi mới nhất, ông Tập đã nói với ông Orban rằng ông đánh giá cao việc Hungary đã “kiên quyết theo đuổi chính sách hữu nghị với Trung Quốc” như thế nào.
Vụ việc càng khiến Berlin khó chịu hơn khi chính họ là bên đã hỗ trợ Bắc Kinh. Là nước EU xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, Đức luôn quan tâm đến việc duy trì sự năng động này. Được Tập Cận Bình khuyến khích, thủ tướng Angela Merkel đã áp đặt lên các đối tác châu Âu một thỏa thuận đầu tư toàn diện với Bắc Kinh mà bà kiên quyết ký kết trước khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU vào cuối tháng 12 năm 2020. Quan điểm chủ đạo là phải làm nhanh, còn chi tiết tính sau.
Thủ đoạn của Bắc Kinh khi thương thuyết thỏa thuận
Đối với Le Monde, chính những chi tiết đó mới đặt ra vấn đề, đúng theo ngạn ngữ “ma quỷ ẩn nấp trong các chi tiết”. Từ khi thỏa thuận được ký kết, nhiều chi tiết đã bị rò rỉ và vì khi xem xét kỹ, có thể thấy rằng Bruxelles đã bị Bắc Kinh lợi dụng và gài bẫy.
Tờ báo Đức Welt am Sonntag đã phát hiện ra một điều đáng tiếc trong phụ lục II, mục 9 của thỏa thuận: “Các lãnh đạo hàng đầu của các tổ chức phi lợi nhuận được phép hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải là công dân Trung Quốc. Cụ thể, điều này có nghĩa là nếu ví dụ như Quỹ Konrad Adenauer, tổ chức từ thiện của đảng CDU của thủ tướng Merkel, có văn phòng tại Trung Quốc, thì cơ sở này sẽ phải do một người Trung Quốc đứng đầu, một điều không hoàn toàn đảm bảo cho tính độc lập.
Vào tháng 3, khi các phụ lục được công bố, một số đoạn đã tiết lộ một quan niệm kỳ lạ về sự có đi có lại, vẫn được những người quảng bá thỏa thuận ca ngợi. Các điều khoản đầu tư vào lĩnh vực nghe nhìn chẳng hạn quy định rằng không một bộ phim hoặc phim truyền hình châu Âu nào có thể được chiếu trên truyền hình Trung Quốc buổi tối từ 7 giờ đến 10 giờ mà không được nhà nước cho phép. Tương tự như vậy, chỉ phim hoạt hình Trung Quốc mới có thể được chiếu trên các kênh hoạt hình ở Trung Quốc từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối.
Tuy nhiên, những quy tắc hà khắc đó mà các nhà đàm phán Trung Quốc đã cẩn thận ghi rõ trong thỏa thuận, lại hoàn toàn thiếu vắng trong các phụ lục nêu chi tiết các điều khoản đầu tư phía châu Âu.
Một thỏa thuận bị chỉ trích ngay từ đầu
Bị những người phản đối chế độ Trung Quốc và Nghị viện Châu Âu chỉ trích nặng nề, số phận thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc lại thêm tồi tệ khi vào tháng 3, Bắc Kinh quyết định trừng phạt một số nghị sĩ và nhà nghiên cứu châu Âu để đáp trả các biện pháp của EU chống lại các quan chức Trung Quốc liên quan đến các hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Ủy Ban Châu Âu cuối cùng đã đóng một chiếc đinh vào quan tài của thỏa thuận thông qua tuyên bố của một trong những phó chủ tịch, thừa nhận vào ngày 04/05 rằng môi trường chính trị “không thuận lợi” cho việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định.
Thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ
Theo Le Monde, gió đã đổi chiều và lúc này đang thổi mạnh về phía Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngày 08/05, nhân thượng đỉnh Liên Âu ở Porto mà nhân vật số một Ấn Độ, Narendra Modi, đã được mời tham gia trực tuyến, EU đã quyết định khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định tự do thương mại với Ấn Độ, đã thất bại vào năm 2013 sau nhiều năm thương lượng trầy trật. Tại Porto, đã có cuộc nói chuyện về các dự án chung về cơ sở hạ tầng, về khả năng một thỏa thuận về đầu tư… Đây đều là những chủ đề cho đến nay vẫn nằm trong chương trình nghị sự EU-Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Ấn Độ không phải là Trung Quốc và nước này không thay thế nước kia. Tuy nhiên, bị chìm đắm trong bi kịch của đại dịch Covid-19, khiến họ bi suy yếu trước đối thủ lớn ở châu Á, Ấn Độ chia sẻ với EU về nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác, vượt ra ngoài khuôn khổ đau đầu của thương mại.
Tuy không bao giờ được nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả Bruxelles lẫn New Delhi đều chú ý đến Trung Quốc. Đối với ngoại trưởng Ấn Jaishankar, đại dịch, không phải là một giai đoạn thoáng qua mà đã tạo ra một sự bình thường mới trong quan hệ quốc tế. Giống như Ấn Độ, EU đã nhận ra những sơ hở trong an toàn nguồn cung ứng của mình.
Israel: Nguy cơ nội chiến giữ hai cộng đồng Do Thái và Ả Rập
Bùng lên từ nhiều ngày qua, xung đột càng lúc càng leo thang giữa Israel và người Palestine tiếp tục thu hút sự quan tâm, được Libération đưa lên trang nhất, và Le Figaro dành cho một hồ sơ. Nổi bật là một bức ảnh màu phủ trọn trang nhất tờ Libération, cho thấy bầu trời đầy khói lửa của dải Gaza sau một vụ oanh kích của quân đội Israel. Tờ báo chạy hàng tựa lớn “Israel-Palestine: Đà leo thang chóng mặt”.
Theo Libération, “Tình hình leo thang đẫm máu vẫn tiếp diễn” với nỗi lo ngại Israel bị lâm vào “nội chiến” gia tăng. Bạo lực giữa hai cộng đồng người Do Thái và người Ả Rập tại thành phố Lod, theo tờ báo “đang lan rộng” ra nhiều nơi khác ở Israel.
Đây cũng là nhận xét của nhật báo cánh hữu Le Figaro: “Jerusalem, Haifa, Akko … Danh sách các thành phố đa chủng tộc bị các vụ xung đột giữa hai cộng đồng khuấy động ngày càng dài thêm”, với cường độ bạo lực gia tăng dữ dội.
Đằng sau những hành vi bạo lực, Le Figaro nhận thấy bàn tay của các phần tử cực hữu rất hung bạo tại Israel. Tờ báo nêu ví dụ về vụ một người Palestine bị đám đông “hành hình” tại Bat Yam, vùng ngoại ô Tel Aviv, cho thấy một “sự tàn bạo chưa từng có” và nhất là đã “được phát trực tiếp trên truyền hình vào thứ Tư (12/05) lúc giờ ăn tối”.
Vụ tấn công dã man người Palestine này như đã bị đáp trả bằng một vụ hành hung người Do Thái tại thành phố Akko, ở miền bắc Israel, nơi một giáo viên bị đám đông Ả Rập dùng gậy đá tấn công đến bị thương nặng. Điều “trớ trêu”, theo Le Figaro, là người giáo viên trẻ đó bị đánh đập khi đang cố gắng ngăn cản học sinh tham gia biểu tình chống Ả Rập.
Mỹ và Châu Âu phản ứng lấy lệ
Theo cả Le Figaro lẫn Libération, tình hình Cận Đông một lần nữa đòi hỏi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. Thế nhưng cả hai tờ báo đều chưa thấy phản ứng tích cực nào.
Đối với Libération, “Dù lò lửa Cận Đông đang bùng cháy, nhưng Washington như vẫn thụ động”. Theo tờ báo: “Chính quyền Biden đã chứng tỏ sự thiếu vắng chuẩn bị, qua đó cho thấy là họ không quan tâm đến việc giải quyết xung đột”, đặc biệt “bằng cách ngăn chặn mọi quyết định tại Liên Hiệp Quốc”.
Le Figaro cũng thấy rằng Hoa Kỳ, và Liên Âu cũng thế, đều đang tự bằng lòng với “một dịch vụ tối thiểu” cho vùng Cận Đông, “giới hạn trong việc kêu gọi bình tĩnh và xuống thang”. Đối với tờ báo, phản ứng này rất “nguy hiểm”.
Pháp: Liên minh cầm quyền lộ rõ sự chia rẽ
Trang nhất của Le Monde cũng như Le Figaro đều dành cho chính trị Pháp, nêu bật tình trạng chia rẽ trong phe đa số ở Quốc hội. Trong lúc Le Figaro ghi nhận: “Tình đoàn kết giữa những người theo “chủ nghĩa Macron” bị chia rẽ gặm nhắm”, thì Le Monde đi sâu vào chi tiết: “Thông hành y tế, chủ nghĩa thế tục: phe đa số đang chịu sức ép”.
Đối với Le Figaro, một năm trước cuộc bầu cử tổng thống, những khác biệt chính trị trong phe đa số đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của “ngôi nhà chung”, nơi có thể quy tụ đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM và các đồng minh.
Tuần lễ sắp kết thúc rất hỗn loạn đối với phe đa số của tổng thống sau những trục trặc và tranh giành quyền lực. Đỉnh điểm của những chia rẽ này là tối 11/05, khi đảng Modem bổ phiếu chống chính phủ tại Quốc hội về thông hành y tế.
Theo tờ báo bằng hành động nổi loạn này, đồng minh cánh trung của LREM muốn bắn một phát súng cảnh cáo và nhắc nhở hành pháp về “quyền lực” gây hại của mình. Nhưng trong nội bộ đảng của tổng thống, sự đoàn kết đã bị thách thức do vấn đề khăn choàng sau khi một ứng cử viên của đảng xuất hiện trùm khăn trên tấm áp phích bầu cử.
Le Monde cũng nhìn thấy là cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hôm thứ Ba về thông hành y tế đã làm nổi bật sự khác biệt giữa nhóm LRM và đồng minh chính, đảng Modem.
Văn bản về các phương thức dở bỏ phong tỏa cuối cùng đã được thông qua trong đêm, sau lần bác bỏ đầu tiên khiến đa số đứng trước bờ vực tan vỡ.
Một số nghị sĩ trong phe đa số cầm quyền còn tố cáo sự leo thang thiên hữu để chống lại đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia
Kinh tế Liên Âu nhanh chóng hồi phục sau đại dịch
Như nói ở trên, nhật báo Les Echos đã dành trang nhất cho việc nêu bật triển vọng kinh tế khá lạc quan của Liên Hiệp Châu Âu. Trên nền lá cờ châu Âu đang phấp phới, tờ báo chạy hàng tựa lớn: “Châu Âu kỳ vọng vào một đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn”.
Theo ghi nhận của Les Echos, Ủy Ban Châu Âu vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Liên Âu, theo đó GDP của khu vực sử dụng đồng euro sẽ tăng 4,3% vào năm 2021 và 4,4% vào năm 2022.
Đây là một điều đáng phấn khởi vì như vậy, tăng trưởng của khu vực sẽ trở lại mức cuối năm 2019 – tức là mức trước đại dịch – ngay từ đầu năm 2022, sớm hơn sáu tháng so với dự kiến trước đây. Đà tăng này đã có được nhờ tác động cộng hưởng của hai yếu tố: Chiến dịch chích ngừa chống Covid-19 phát sinh hiệu quả, cũng như tiến trình dỡ bỏ dần dần các hạn chế.
Đối với Ủy Ban Châu Âu: “Tất cả các quốc gia sẽ thấy nền kinh tế của họ trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2022”, với những tình huống khác nhau, như Đức sẽ đạt được mức đó ngay vào cuối năm 2021, trong khi Ý sẽ phải đợi thêm một năm nữa.
Trong toàn cảnh đó, Tây Ban Nha và Pháp là hai nước đi đầu trong tiến trình khôi phục kinh tế, với mức tăng trưởng 5,9% cho Tây Ban Nha và 5,7% cho Pháp ngay trong năm nay.
Lời kêu gọi bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Trang nhất của La Croix đưa ra lời kêu gọi “hành động để bảo tồn một trong những lá phổi của hành tinh”. Dù không phải là lần đầu tiên, nhưng rõ ràng là lời kêu gọi này vẫn hữu ích và mang tính thời sự.
Có ba nhân vật đã đưa ra – hay đúng hơn là đưa ra trở lại – lời kêu gọi nói trên trong các cột của nhật báo La Croix: Nicolas Hulot, cựu bộ trưởng Pháp, đặc biệt kêu gọi “hủy bỏ hiệp ước thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mercosur”. Mercosur là tên gọi khối nước Nam Mỹ bao gồm Brazil, Achentina, Paraguay và Uruguay.
Bên cạnh ông, Sir Robert Watson, chủ tịch của tổ chức liên chính phủ về đa dạng sinh học, cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thức tỉnh.
Nhân vật thứ ba là Cacique Ninawa, chủ tịch liên đoàn của những người sác dân Huni Kuin thổ dân sống ở vùng rừng Amazon của Brazil. Ông lên tiếng tố cáo số phận mà chính phủ Bolsonaro dành cho những người dân bản địa, những cư dân đầu tiên và những người bảo vệ rừng.
Ba tiếng nói đưa ra một lời kêu gọi quan trọng, đặc biệt vào thời điểm mà một nghiên cứu khoa học vừa cho thấy một “sự đảo ngược lịch sử”, theo đó vùng Amazon của Brazil “hiện thải ra nhiều carbon hơn lượng khi hấp thụ được”.
Trọng Nghĩa