Tại sao Trung Cộng bị ám ảnh về việc thống nhất Đài Loan?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tại sao Trung Cộng bị ám ảnh về việc thống nhất Đài Loan?
  • Thứ tư, 21/04/2021

Bước sang năm 2021, Trung Cộng tiếp tục biểu dương sức mạnh quân sự của mình ở eo biển Đài Loan, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Liệu Trung Cộng sẽ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực? Tại sao chế độ này lại bị ám ảnh về việc thống nhất Đài Loan đến vậy?

Trung Cộng ám ảnh về thống nhất Đài Loan
Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đổ bộ vào bờ trong một cuộc tập trận trên bờ biển đại lục gần Đài Loan, vào ngày 10 tháng 9 năm 1999. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Có bốn lý do chính đằng sau hành vi của Trung Cộng ở eo biển Đài Loan.

Thứ nhất, Đài Loan là một điểm nhức nhối đối với Trung Cộng

Năm 1921, dưới sự chỉ huy của Đảng Cộng Sản Liên Xô cũ, một đảng chính trị mới đã xuất hiện ở Trung Quốc-Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng). Lúc bấy giờ, nó chỉ là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản thuộc Đảng Cộng Sản Liên Xô. Trung Cộng đã được thành lập với mục tiêu trước mắt lúc này là lật đổ Trung Hoa Dân Quốc (ROC), là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Vào ngày 07/11/1931, khi Nhật Bản xâm chiếm ba tỉnh đông bắc của Trung Quốc và đất nước đang rơi vào khủng hoảng, Trung Cộng đã thành lập Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa trên lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc.

Từ năm 1921 đến năm 1949, Trung Cộng chủ yếu chỉ làm một việc, đó là lật đổ Trung Hoa Dân Quốc bằng mọi giá. Cuối cùng, nó đã thành công, và Trung Hoa Dân Quốc buộc phải rút về Đài Loan.

Tên của Trung Cộng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bản thân cái tên đó là một sự dối trá.

Tổ tiên của Trung Cộng không phải là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, mà là Marx đến từ phương Tây. Nguồn gốc lý luận của Trung Cộng không phải là văn hóa truyền thống Trung Hoa năm ngàn năm, mà là Tuyên ngôn Cộng sản do Marx công bố cách đây 172 năm. Do đó, Trung Cộng không thể đại diện cho Trung Quốc.

72 năm cai trị của Trung Cộng đã tước đi quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tước đi sự dũng cảm và sung túc/đầy đủ của người dân Trung Quốc. Do đó, Trung Cộng hoàn toàn không phải là một chính phủ cộng hòa, nó đã chiếm đoạt khái niệm này.

Nền cộng hòa là gì? Theo Baidu, trang web thuộc sở hữu của Trung Cộng, thì “Bầu cử công bằng và tự do là một tiêu chí cơ bản khác để đánh giá liệu một quốc gia có thực sự thực thi nền chính trị cộng hòa hay không.” Trong 72 năm cầm quyền, Trung Cộng chưa bao giờ tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và tự do. Chỉ riêng về mặt này, Trung Cộng đã không hề liên quan gì đến một nền cộng hòa. Nó chỉ là một chế độ độc tài tàn bạo.

Mặc dù Trung Cộng, kẻ đánh cắp quyền lực một cách bất hợp pháp, đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ của Trung Quốc và cai trị Trung Quốc đại lục trong 72 năm qua, thì chính phủ hợp pháp của Trung Quốc là Trung Hoa Dân Quốc (ROC) vẫn tồn tại. Ấn tín của Trung Hoa Dân Quốc, tượng trưng cho chính phủ hợp pháp của Trung Quốc, vẫn được lưu giữ ở Đài Loan. Đối với Trung Cộng, Trung Hoa Dân Quốc là một cái dằm trong thịt. Nếu cái dằm ấy không được nhổ ra, thì nó sẽ cảm thấy khó chịu từng ngày.

Thứ hai, chính sách về Đài Loan của Trung Cộng đã thất bại

Vào những năm 1980, cựu lãnh đạo Trung Cộng Đặng Tiểu Bình đã đưa ra ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ” để giải quyết vấn đề Đài Loan. Sau đó, ông Đặng đề xướng thực hiện “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông sau khi nơi này được trao trả vào ngày 01/07/1997, như một viễn cảnh về việc “thống nhất” Đài Loan trong tương lai.

Vào ngày 02/01/2019, lãnh đạo Trung Cộng đương thời Tập Cận Bình đã có bài diễn văn về ý định “thống nhất” Đài Loan bằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ.” Tuy nhiên, vào tháng 06/2019, cuộc vận động lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông chống lại Trung Cộng bạo ngược đã nổ ra. Kể từ ngày 12/06/2019, Trung Cộng đã leo thang đàn áp bạo lực đối với người dân Hồng Kông. Hồng Kông đã nhanh chóng biến thành một thành phố mà ở đó “quyền lực cảnh sát là tối thượng” và “một quốc gia, hai chế độ” chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Những hành động tàn bạo của Trung Cộng ở Hồng Kông đã cảnh tỉnh người dân Đài Loan về sự đạo đức giả của “một quốc gia, hai chế độ.”

Năm 2020, Đài Loan đã tổ chức bốn cuộc bỏ phiếu dân chủ: bầu cử tổng thống, bầu cử Hội đồng lập pháp, bãi nhiệm thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Du, bầu Trần Kỳ Mại làm thị trưởng mới của Cao Hùng. Bằng mọi cách có thể, Trung Cộng đã cố gắng can thiệp vào bốn cuộc bầu cử dân chủ này, nhưng hóa ra việc cự tuyệt Trung Cộng đã trở thành quan điểm phổ biến ở Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn, thành viên của Đảng Dân Tiến (DPP) vốn phản đối Trung Cộng, đã tái đắc cử chức tổng thống với đa số phiếu; Đảng DPP đối kháng với Trung Cộng một lần nữa lại trở thành đảng đa số trong Quốc hội Lập pháp; Trần Kỳ Mại, một thành viên DPP đối kháng với Trung Cộng, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng Cao Hùng; Hàn Quốc Du, thành viên Quốc Dân Đảng (KMT) được Trung Cộng ủng hộ, đã bị đa số công dân Cao Hùng bãi nhiệm sau thất bại lớn trong cuộc bầu cử tổng thống.

Trung Cộng đã thất bại trong việc tấn công Đài Loan bằng cả thâm nhập lẫn đe dọa quân sự. “Một quốc gia, hai chế độ” đã trở thành một khẩu hiệu tuyên truyền mà không còn ai tin vào.

Thứ ba, nhu cầu chống lại chủ nghĩa tư bản

Karl Marx, ông tổ của Trung Cộng, căm ghét chủ nghĩa tư bản. Cách đây 172 năm, ông ta đã hét lên rằng chủ nghĩa tư bản phải bị đánh bại. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác, nhiều thế hệ cộng sản đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa tư bản. Các Đảng Cộng sản ở Liên Xô cũ và Đông Âu đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản trong nhiều thập kỷ nhưng kết thúc trong thất bại. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, toàn bộ Quốc tế Cộng sản Đông Âu do Liên Xô cũ lãnh đạo đã sụp đổ, và hệ thống tư bản chủ nghĩa được khôi phục ở các nước này.

Sau sự sụp đổ của Quốc tế Cộng sản ở Đông Âu, Trung Cộng trở thành đảng cộng sản lớn nhất duy nhất trên thế giới. Dưới vỏ bọc của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, nó tiếp tục là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản.

Khi Trung Cộng “lấy lại được” Hồng Kông vào năm 1997, Trung Cộng đã hứa với thế giới rằng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ không thay đổi ở Hồng Kông trong 50 năm và hệ thống tư bản của Hồng Kông sẽ được bảo tồn. Tuy nhiên, về cơ bản, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là hai hệ thống có giá trị đối lập nhau và không tương đồng về nhiều mặt. Làm thế nào nó có thể cho phép hệ thống tư bản ở Hồng Kông không thay đổi trong 50 năm?

Sau ngày 01/07/1997, Trung Cộng bắt đầu thâm nhập vào Hồng Kông như “nước ấm luộc ếch” và làm xói mòn “một quốc gia, hai chế độ.” Vào năm 2019, không thể chịu đựng thêm nữa, người dân Hồng Kông đã đi đến một đợt bùng nổ cuối cùng. Nhân cơ hội này, Trung Cộng đã biến Hồng Kông thành “một quốc gia, một chế độ.” “Người Hồng Kông cai trị Hồng Kông với mức độ tự trị cao” do Đặng Tiểu Bình đề xướng lúc đó đã trở thành “những người yêu mến Trung Cộng cai trị Hồng Kông và tuân theo mệnh lệnh của Trung Cộng.”

Sau khi Trung Cộng chiếm được Hồng Kông, Đài Loan sẽ là mục tiêu tiếp theo. Tuy nhiên, Đài Loan không phải là một Đài Loan biệt lập, mà là một Đài Loan có chung những giá trị phổ quát với các quốc gia tư bản trên thế giới. Đài Loan là một vị trí chiến lược trong chuỗi đảo đầu tiên của thế giới tự do, do Hoa Kỳ dẫn đầu, để phòng thủ trước sự đe dọa của Trung Cộng. Nếu Trung Cộng chiếm được Đài Loan, điều đó sẽ đe dọa trực tiếp nền tư bản Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines trong tương lai gần, và trực tiếp đe dọa Hoa Kỳ trong tương lai xa, và sau đó sẽ trực tiếp đe dọa toàn bộ thế giới tư bản.

Việc chiếm được Đài Loan sẽ phục vụ cho nhiều mục đích của Trung Cộng. Trung Cộng không thể nào không quấy rối Đài Loan.

Thứ tư, cần chuyển hướng chú ý khỏi xung đột trong nước

Năm nay đánh dấu 100 năm ngày thành lập Trung Cộng, [một đảng] vốn đã sống sót được nhờ vào những thủ đoạn vô lương tâm. Đảng này vốn không có ranh giới đạo đức hay luật pháp gì.

Tỉnh Phúc Kiến, bên kia eo biển Đài Loan là căn cứ quan trọng cho cuộc tấn công của Trung Cộng vào Đài Loan. Tuy nhiên, ông Đặng Lỗ Yến (Deng Luyan), con trai lớn của ông Đặng Khắc Minh (Deng Keming), cựu Phó Tư lệnh Quân khu Phúc Châu, đã công bố một bài viết vào năm 2015 cho biết, “Nạn tham nhũng trong quân đội là rất nghiêm trọng. Khi nói đến vơ vét tiền bạc thì sẽ chỉ ngấm ngầm, còn nham hiểm và lộng hành hơn các quan chức chính quyền địa phương.”

Vào tháng 08/2011, khi bà Tả Dĩnh (Zuo Ying) (cựu phó chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Thượng Hải), vợ của Lưu Phái San (Liu Peishan), cựu chính ủy Quân khu Phúc Châu, qua đời vì bạo bệnh, hơn hai chục con cái của các quan chức cao cấp trong quân đội đã đến dự lễ tang. Ông Đặng Lỗ Yến đã tận mắt chứng kiến các vị khách tặng lượng lớn quà tặng bằng tiền mặt như thế nào. Ông đã nói chuyện với một người bạn về việc này vào đêm hôm đó, và người bạn đó nói: “Con trai đầu của Lưu Phái San là phó chính ủy Tổng cục Hậu cần (thuộc Quân ủy Trung ương). Con trai út là phó tổng cục trưởng Tổng cục Vũ trang (thuộc Quân ủy Trung ương). Ông có biết hai cục này ở Thượng Hải có bao nhiêu đơn vị trực thuộc không? Hàng chục đó! Đơn vị cấp dưới nào dám lơ là tang lễ của mẹ họ chứ? Phen này gia đình ông Lưu nhận được 10 triệu NDT là chuyện thường!”

Ai dám tin rằng một đội quân thối nát như vậy vẫn có khả năng chiến đấu?

Kể từ tháng 01/2013, khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng, hơn 510 quan chức cao cấp từ cấp phó tỉnh (bộ) trở lên đã bị điều tra và trừng phạt, trong đó có hơn 160 tướng như Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, vốn từng là các phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trung Cộng không dám công bố cho công chúng biết ông Từ và ông Quách đã tham ô bao nhiêu tiền, bởi vì nếu sự thật được công bố, thì quân đội sẽ vùng lên chống đối.

Khi Giang Trạch Dân nắm quyền, ông ta đã kêu gọi “lặng lẽ kiếm chác.” Giang Miên Hằng, con trai của ông ta đã dẫn đầu trong việc vừa làm quan chức chính phủ vừa làm kinh doanh. Kết quả là, từ gia đình Giang Trạch Dân đến các quan chức cấp cơ sở của thôn, tất cả đều thực hành một niềm tin rằng “sử dụng quyền hành hoặc bị mất quyền hành.” Sử dụng quyền hành đó như thế nào? Dùng nó để vơ vét tiền bạc. Với gia đình họ Giang là một ví dụ, từ trên xuống dưới, tất cả những người nắm quyền ở tất cả các cấp đều liều lĩnh vơ vét tiền bạc và moi của cải của người dân.

Ở Trung Quốc hiện nay, một mặt, một số rất nhỏ các gia tộc Trung Cộng quyền lực đang sử dụng quyền lực của họ để thu lợi nhuận khổng lồ đồng thời sống một cuộc sống xa hoa và tham nhũng; mặt khác, 600 triệu người Trung Quốc chỉ kiếm được 1,000 NDT mỗi tháng. Nhiều người gặp khó khăn với việc được đi học, nhà ở, chăm sóc y tế, lương hưu, và thậm chí cả hậu sự. Thật khó để mà sống cũng như chết. 72 năm chịu áp lực cao, bị lừa dối và thiếu đi chuẩn mực đạo đức dưới thời Trung Cộng đã dẫn đến sự bất thường rõ ràng của các mâu thuẫn khác nhau trong xã hội Trung Quốc.

Trung Cộng đang làm gì khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng này? Trung Cộng sử dụng “quyền lực phi lý tính” của mình để tuyên bố rằng có những người ở Đài Loan đã tham gia vào “độc lập cho Đài Loan,” rằng Trung Cộng sẽ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của quốc gia, và rằng “thống nhất Đài Loan” là một biểu hiện của lòng ái quốc. Thế nên, Trung Cộng đã hết lần này đến lần khác sử dụng khẩu hiệu “ái quốc” để kích động tình cảm “ái quốc” và tiếp tục giày vò Đài Loan.

Tương lai Đài Loan không nằm trong tay Trung Cộng

Năm 2020, bất chấp sức ép dữ dội từ Trung Cộng trên mọi mặt, Đài Loan đã đạt được sáu thành tựu lớn.

(1) Bốn cuộc thăm dò ý kiến về dân chủ đã được tổ chức thành công, trở thành một hình mẫu về dân chủ trên thế giới;

(2) Việc ngăn chặn dịch bệnh được thực hiện đạt hiệu quả cao, trở thành hình mẫu về phòng chống dịch bệnh trên thế giới;

(3) Kinh tế phát triển nhanh chóng, đứng đầu trong bốn con rồng Á Châu, còn gọi là bốn con hổ Á Châu;

(4) Người dân sống và làm việc trong sự hòa bình và mãn nguyện, đưa quốc gia này trở thành “khu vực hạnh phúc nhất Đông Á”;

(5) Bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan đã được cải thiện trên mọi mặt, đạt mức tốt nhất trong hơn 40 năm qua;

(6) Quốc gia nào bênh vực công lý thì sẽ không đơn độc. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ Đài Loan.

Việc Trung Cộng bức hại toàn diện Đài Loan chỉ khiến 23 triệu người dân Đài Loan thấy rõ ràng hơn bản chất tà ác của Trung Cộng và khiến họ hết sức tránh xa nó. Người chiến thắng trong tương lai của Đài Loan sẽ là người giành được sự ủng hộ của người dân Đài Loan.

Tác giả Vương Hữu Quần (Wang Youqun) có bằng Tiến sĩ Luật từ Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người chấp bút cho ông Úy Kiện Hành (1931–2015), ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997-2002.

Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Do Vương Hữu Quần thực hiện – Từ Huệ biên dịch