Tại sao Nhật Bản đứng lên chống ĐCSTQ sau 50 năm?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tại sao Nhật Bản đứng lên chống ĐCSTQ sau 50 năm?

Đối với việc Mỹ-Nhật đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về những vấn đề chống lại Trung Quốc sau cuộc họp thượng đỉnh và Nhật Bản lần đầu treo quốc kỳ ở Đài Loan, tác giả Đường Hạo đã có bài phân tích bắt đầu bằng câu hỏi, vì sao sau 50 năm khoan dung với Trung Quốc, Nhật Bản lại mạnh dạn ủng hộ Đài Loan?

Sau đây là các phân tích khá đầy đủ trong bài nói chuyện của ông Đường:

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vài ngày trước, họ đã đưa ra một tuyên bố chung, nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là ổn định và không thay đổi, đồng thời họ sẽ chung tay đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Cả hai bên cũng cho rằng ổn định và hòa bình ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên đề cập đến “Đài Loan” trong tuyên bố chung Mỹ-Nhật trong 52 năm qua.

Mặc dù không bên nào tuyên bố rõ ràng rằng nếu Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản sẽ đưa quân đến bảo vệ Đài Loan, nhưng có một điểm đặc biệt trong tuyên bố này là nó công khai đề cập đến Đài Loan. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1969, hai bên nói về Đài Loan trong một tuyên bố chung, nên đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Do đó, thế giới bên ngoài nhìn chung đang tin rằng nếu có tình huống khẩn cấp ở eo biển Đài Loan, cả Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể sẽ can thiệp.

Nhật Bản hiếm khi phá vỡ chính sách “mơ hồ” đối với Trung Quốc, và sau hành động ở cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật, Đài Loan đã “chiếm” trang nhất của nhiều tờ báo lớn của Nhật Bản, điều này đã gây chấn động trong cộng đồng học thuật.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (ảnh: Từ video của Prime Minister’s Office of Japan)

Vậy tại sao Nhật Bản lại công khai thách thức ĐCSTQ và bảo vệ eo biển Đài Loan? Chúng ta có thể nói điều đó ở hai cấp độ.

Từ góc độ vĩ mô của chính trị quốc tế, có ba lý do

Thứ nhất, việc ĐCSTQ mở rộng quyền lực trên biển ở Tây Thái Bình Dương gây ra mối đe dọa đối với an ninh lãnh thổ của Hoa Kỳ và Nhật Bản. ĐCSTQ đã đẩy mạnh sự phát triển của hải quân trong những năm gần đây, và liên tục cử các nhóm tác chiến tàu sân bay trên các vùng biển của Nhật Bản đến Thái Bình Dương để huấn luyện.

Các biện pháp như vậy đã mang lại rủi ro an ninh cho các vùng lãnh thổ của Nhật Bản và các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ như Guam và Hawaii. Ngay cả bờ biển phía tây của Hoa Kỳ cũng có thể bị đe dọa bởi tên lửa xuyên lục địa của ĐCSTQ.

Thứ hai, ĐCSTQ tiếp tục phá hoại các giá trị phổ quát, điều này khiến người dân Mỹ và Nhật Bản cảm thấy bất an. Mọi người đều biết rằng tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền là những giá trị phổ quát được chấp nhận rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay. Vì sao các quan chức của Trung Quốc vẫn gửi vợ con và tình nhân đến các nước phương Tây? Điều này cho thấy, thực ra trong lòng họ cũng khao khát những giá trị phổ quát, nhưng lại không thể nói ra.

Bởi vì các giá trị phổ quát dựa trên việc bảo vệ tự do và an toàn của cá nhân, điều này sẽ mâu thuẫn với sự cai trị toàn trị của ĐCSTQ, làm mất tự do và an toàn của mọi người, xung đột với quyền lực và lợi ích của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của họ. Do đó, ĐCSTQ cũng đã ban hành “Văn kiện số 9” để cảnh báo đảng rằng “nền dân chủ hợp hiến” và “các giá trị phổ quát” ở phương Tây là một trong bảy mối nguy hiểm đối với chế độ ĐCSTQ.

Vì vậy, ĐCSTQ đã liên tục công khai tấn công và bóp méo các giá trị phổ quát trong những năm gần đây để đảm bảo sự ổn định của chế độ. Ví dụ, ĐCSTQ đã sử dụng bạo lực và các biện pháp tư pháp để đàn áp Hồng Kông, công khai xé bỏ lời hứa “một quốc gia, hai chế độ”, “50 năm không thay đổi”, tước đoạt tự do, nhân quyền và pháp quyền của người dân Hồng Kông. ĐCSTQ cũng bức hại tàn nhẫn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Và những biện pháp này đã khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản cảm thấy bất an.

Thứ ba, chính sách ngoại giao sói chiến phi lý của ĐCSTQ đã buộc Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục đường lối đối đầu với ĐCSTQ. Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và những người khác không chỉ công khai mắng mỏ Mỹ trong 16 phút tại cuộc họp tại Alaska, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây còn mắng mỏ Nhật Bản về vấn đề xả nước thải.

Nhưng các “chiến lang” của ĐCSTQ đã không giúp họ thắng thế trước Hoa Kỳ và Nhật Bản mà ngược lại, họ buộc ông Biden và ông Suga phải tiếp tục đường lối chống ĐCSTQ cứng rắn của chính phủ trước đó để duy trì phẩm giá quốc gia và uy tín của chính mình. Ba lý do vĩ mô này cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản liên kết với nhau và công khai đối đầu với ĐCSTQ.

Từ góc độ vi mô hơn, tại sao Nhật Bản công khai thách thức ĐCSTQ?

Như các bạn đã biết, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong một thời gian dài. Do đó, trong 50 năm qua, Nhật Bản rất coi nhẹ các vấn đề của ĐCSTQ và chưa bao giờ công khai lập trường của mình về vấn đề Đài Loan để tránh ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, khi ông Suga và Biden gặp nhau, họ đã công khai ra tuyên bố chung chỉ vào ĐCSTQ và bảo vệ eo biển Đài Loan, cũng công khai quan tâm đến Hồng Kông vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Những hành động này hoàn toàn chứng minh rằng sự ổn định của Đài Loan và eo biển Đài Loan đã nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Vì vậy, bạn có thể tò mò, không phải Nhật Bản đang lo lắng rằng ĐCSTQ sẽ trả đũa? Vậy tại sao Nhật Bản lại kiên quyết ra mặt chống ĐCSTQ lần này?

Lý do đầu tiên: ĐCSTQ đang tích cực mở rộng sức mạnh hàng hải của mình, và họ đã nhiều lần đụng độ với người Nhật trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư. Như mọi người đã biết, quần đảo Điếu Ngư được cả Trung Quốc và Nhật Bản coi là phạm vi lãnh thổ, tuy nhiên hai bên cũng đã nhiều lần xung đột trên vùng biển vì chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư.

Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện “Luật Cảnh sát Hàng hải” vào tháng 2 năm nay, ĐCSTQ cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển ĐCSTQ sử dụng vũ lực trên biển “theo quy định của pháp luật.” Điều này tương đương với mối đe dọa vũ lực trực tiếp đối với các tàu đánh cá của Nhật Bản. Do đó, lần đầu tiên phía Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ, cũng không loại trừ việc sử dụng vũ khí.

Lý do thứ hai: Nhật Bản muốn củng cố hợp tác an ninh Mỹ-Nhật và nỗ lực để Hoa Kỳ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay còn gọi là CPTPP.

Khi công khai xúc phạm ĐCSTQ, Nhật bản có thể bị tổn thất lớn về thương mại, nên Nhật Bản chắc chắn sẽ tìm cách bù đắp từ các khía cạnh khác. Liên minh thương mại tự do hiện tại CPTPP do Nhật Bản lãnh đạo ban đầu có Hoa Kỳ tham gia, nhưng ông Trump đã tuyên bố rút lui sau khi ông nhậm chức để tập trung sức mạnh cho nước Mỹ trước tiên.

Hiện ông Suga đang tích cực hợp tác với Mỹ để công khai đối đầu với ĐCSTQ, có lẽ ông ấy đã cân nhắc mời Mỹ tham gia lại CPTPP, vì Mỹ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Một khi được Mỹ hậu thuẫn, nền kinh tế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ có thể làm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Lý do thứ ba: ĐCSTQ lợi dụng đại dịch để mưu cầu bá chủ, khiến Nhật Bản bị tổn thất lớn. ĐCSTQ đã cố gắng hết sức để che giấu sự thật trong giai đoạn đầu bùng phát, nhưng đồng thời lại cho phép một số lượng lớn người trong nước ra nước ngoài, khiến đại dịch nhanh chóng lan sang các nước láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản và những nơi khác. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản vẫn ở mức cao khiến nội các Yoshihide Suga phải đau đầu.

Tệ hơn nữa, Tokyo có kế hoạch đăng cai Thế Vận hội Olympic vào tháng 7 năm ngoái, nhưng nó đã bị hoãn lại cả năm do dịch bệnh bùng phát. Nhưng bây giờ, một năm sau, vì đại dịch, người dân Nhật Bản đang tẩy chay Thế Vận hội, các quan chức Nhật Bản cũng cho biết nếu dịch bệnh tiếp tục trầm trọng hơn, Thế Vận hội có thể bị hủy bỏ.

Nhật Bản đã đầu tư tổng cộng 15,8 tỷ đô-la Mỹ cho Thế Vận hội, mặc dù khoản đầu tư này không còn khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, nếu Thế Vận hội cuối cùng bị đình chỉ, không những khoản đầu tư khổng lồ của Nhật Bản sẽ bị xóa sổ mà còn khiến Nhật Bản mất nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cơ hội tốt để phát huy sức mạnh dân tộc, nâng cao vị thế quốc tế. Và những thiệt hại to lớn này thực sự không thể tách rời khỏi việc ĐCSTQ che đậy dịch bệnh.

Lý do thứ tư: Nhật Bản hy vọng sẽ nâng cấp vị thế chính trị quốc tế và phấn đấu trở thành một quốc gia bình thường sau khi bị trừng phạt vì Thế chiến. Giờ đây, Nhật Bản đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và có sức mạnh kinh tế và công nghệ mạnh mẽ. Vì vậy, đối với một số người Nhật, họ hy vọng sẽ sửa đổi hiến pháp và có quyền lực và địa vị của một quốc gia bình thường như các nước khác.

Lý do thứ năm: Ông Suga muốn tái tranh cử nên ông sẽ cố gắng có được thành tích ngoại giao và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nền kinh tế Nhật Bản khá yếu kém, và Yoshihide Suga không thể thực hiện được về mặt này. Vì vậy, lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng có thể là chính trường phù hợp nhất với ông. Đặc biệt là hiện nay cộng đồng quốc tế đang khá phẫn nộ với các hành động khiêu khích của ĐCSTQ, đây là cơ hội tốt để ông Suga đi khắp thế giới, mở rộng ngoại giao và cộng điểm cho cuộc bầu cử của mình.

Lý do thứ sáu: Đài Loan là “huyết mạch” về an ninh của Nhật Bản, và nó là một hàng rào trước quần đảo Okinawa. Một khi Đài Loan rơi vào tay ĐCSTQ thì Okinawa sẽ trở thành mục tiêu chiến lược tiếp theo của ĐCSTQ.

Vì vậy, ngoài việc mưu đồ Đài Loan, ĐCSTQ đã liên tục ủng hộ và xúi giục “Okinawa độc lập” trong những năm gần đây, ĐCSTQ muốn lợi dụng điều này để chia rẽ Nhật Bản và tạo ra xung đột trong dân chúng Nhật Bản. Đồng thời, ĐCSTQ cũng có thể muốn bắt chước Nga sáp nhập Crimea, Bố trí cho Okinawa tổ chức trưng cầu dân ý, cho phép Okinawa chủ động chấp nhận sự cai trị của ĐCSTQ và đơn vị đồn trú.

Đừng quên, có một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên Okinawa. Nếu Okinawa trở nên độc lập, xua đuổi quân đội Hoa Kỳ và thay thế bằng quân Trung Quốc, thì các tuyến đường và không phận quan trọng ở Tây Thái Bình Dương sẽ rơi vào tay ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, tất cả Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Philippines, Indonesia, Úc, Guam và Hawaii sẽ lọt vào vòng xoáy bão đe dọa của ĐCSTQ.

Lý do thứ bảy: Eo biển Đài Loan là một trong những huyết mạch kinh tế của Nhật Bản, và Nhật Bản có mối quan hệ lịch sử sâu sắc với Đài Loan.

Eo biển Đài Loan tuy không lớn nhưng là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng nối liền Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trước khi bùng phát dịch bệnh, trung bình có khoảng 600 đến 800 tàu chở hàng đi qua eo biển Đài Loan để đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dầu thô mà Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông cũng phải đi qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, sau đó đi qua eo biển Đài Loan hoặc eo biển Luzon, và cuối cùng được gửi đến Nhật Bản. Vì vậy, eo biển Đài Loan còn được coi là một trong những huyết mạch kinh tế hàng hải của Nhật Bản.

Hơn nữa, Đài Loan đã trải qua 50 năm cai trị của Nhật Bản, Đài Loan và Nhật Bản có mối quan hệ lịch sử và văn hóa khá sâu sắc, giao lưu nhân dân cũng khá khăng khít. Ngày 11/3/2011, khi trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản, số tiền Đài Loan quyên góp cho Nhật Bản là lớn nhất thế giới, điều này cũng khiến nhiều người Nhật Bản vẫn bày tỏ lòng biết ơn cho đến ngày nay.

Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi lần đầu tiên tuyên bố cách đây vài ngày rằng nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ điều động tới hỗ trợ quân đội Mỹ và can thiệp vào các vấn đề ở eo biển Đài Loan. Nobuo Kishi gần đây cũng đã đến thăm hòn đảo của Nhật Bản gần Đài Loan nhất – đảo Yonaguni, tuyên bố rằng Nhật Bản coi trọng Đài Loan về mặt quốc phòng.

Lý do thứ tám: Nhân cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, ĐCSTQ muốn nhân cơ hội này để làm suy yếu sức mạnh của Nhật Bản.

Trước đây, chúng tôi đã nói rằng Myanmar là một trong những thành trì quan trọng của dự án “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ ở Bán đảo Đông Dương. ĐCSTQ hy vọng sẽ mở một đường ống dẫn dầu từ Vân Nam đến Cảng Kyaukpyu ở Myanmar, để ĐCSTQ có thể trực tiếp gửi dầu thô từ Trung Đông, xuất bến trực tiếp từ Myanmar và gửi đến Trung Quốc, tránh các tuyến đường thủy của eo biển Malacca và Biển Đông.

Giờ đây, chính phủ quân sự Myanmar đang phát động một cuộc đảo chính và ĐCSTQ dường như bí mật ủng hộ cuộc đảo chính này. Mục đích là hợp tác với chính phủ quân sự để thúc đẩy nhiều dự án hơn và mở rộng đầu tư, lợi ích và lợi thế chiến lược của ĐCSTQ ở khu vực địa phương. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar. Một khi ĐCSTQ bành trướng tại địa phương, quyền lực của Nhật Bản có thể bị suy yếu và bị loại trừ.

Phụng Minh

https://www.dkn.tv/the-gioi/tai-sao-nhat-ban-dung-len-chong-dcstq-sau-50-nam.html