Bắc Kinh muốn ‘thôn tính Đài Loan’ nhưng quân đội lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bắc Kinh muốn ‘thôn tính Đài Loan’ nhưng quân đội lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu

18/4/21 – Vấn đề Trung Quốc liệu có tấn công Đài Loan hay không luôn là chủ đề nóng được cả thế giới theo dõi trong thời qua qua với nhiều lập luận và cách nhìn khác nhau. Về điều này, tác giả Alexander Liao đã có bình luận có tựa đề: “ĐCSTQ muốn tấn công Đài Loan nhưng quân đội thiếu kinh nghiệm chiến đấu” được đăng trên Epoch Times tiếng Anh hôm 16/4.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Gần đây, nhiều điểm nóng xung đột đang bất ngờ nóng lên trên khắp thế giới. Khi nói đến các điểm nóng xung đột quốc tế, về cơ bản không có thay đổi lớn nào từ cuối thế kỷ trước cho đến ngày nay.

Xung đột Israel-Palestine ở Trung Đông giờ đây đã trở thành xung đột Israel-Iran; sự biến động ở Đông Âu hiện đã biểu hiện thành cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Các điểm nóng chính của xung đột còn lại  đều liên quan đến Trung Quốc, đó là Bán đảo Triều Tiên, quần đảo Senkaku, eo biển Đài Loan, Biển Đông, Trung Quốc và Ấn Độ, và căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan.

Liên quan đến ĐCSTQ, cuộc xung đột địa chính trị quan trọng nhất đang xảy ra ngày nay là quá trình quân sự hóa gia tăng chống lại Đài Loan.

Ảnh minh họa: Youtube/DKN.TV.

ĐCSTQ gia tăng quân sự hóa chống lại Đài Loan

Bắt đầu từ đầu tháng Tư, máy bay quân sự của Trung Quốc tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan mỗi ngày, trong mười ngày liên tiếp với tổng cộng 74 lần xâm nhập.

Đặc biệt, vào thứ Hai, ngày 12/4, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo, một kỷ lục 25 máy bay chiến đấu quân sự của ĐCSTQ đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan chỉ trong ngày đó. Các máy bay chiến đấu này bao gồm 2 máy bay chống ngầm Y-8, 1 máy bay giám sát Air Police 500, 4 máy bay chiến đấu J-10, 14 máy bay chiến đấu J-16 và 4 máy bay ném bom chiến lược H-6K được trang bị vũ khí hạt nhân.

Theo bản đồ do Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp, tất cả các máy bay quân sự của Trung Quốc đều bay gần quần đảo Pratas và không đi qua giữa eo biển Đài Loan.

Kể từ tháng Tư, ĐCSTQ đã khai triển các loại máy bay quân sự tương tự, và từ các loại máy bay đã đã được điều động, chúng ta có thể suy ra ý định của ĐCSTQ.

Máy bay giám sát Air Police-500 cần thiết cho các hoạt động hàng không tầm xa hiện đại.

Máy bay chiến đấu J-10 là máy bay quân sự chủ lực trong không chiến; chức năng và thiết kế của nó tương tự như F-16 của Mỹ. J-16 được phát triển từ dòng J-11B và nó được khẳng định là máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi đa năng thế hệ 4,5. J-11 là phiên bản Trung Quốc của máy bay chiến đấu hai chỗ Su-30 của Nga. Chức năng chiến đấu của loại máy bay này tương tự như máy bay F-15 hai động cơ của Mỹ. Đặc điểm nổi bật của nó là khả năng tấn công mặt đất và trên biển tầm xa và mạnh mẽ.

H-6K là máy bay ném bom tầm xa chủ lực được Không quân ĐCSTQ khai triển. Ngoài việc được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, máy bay này còn mang được nhiều loại tên lửa không đối hạm.

Máy bay chống ngầm Y-8, đúng như tên gọi, có chức năng chống tàu ngầm.

Kể từ năm ngoái, các máy bay quân sự này đã thường xuyên đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Chúng chủ yếu hướng đến chiến đấu trên biển.

Kẻ thù tác chiến không phải là mục tiêu trên bộ của Đài Loan, mà là hạm đội hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đang tuần tra trên Biển Đông.

Chìa khóa cho cuộc chiến của ĐCSTQ chống lại Đài Loan

ĐCSTQ đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan trong nhiều năm, và chiến lược tác chiến chống lại Đài Loan gần như đã được hoàn thiện. Nhưng trở ngại lớn nhất là xử lý sự bảo vệ của Hoa Kỳ đối với hòn đảo. ĐCSTQ đã xây dựng nhiều chiến lược “chống tiếp cận”, chủ yếu là để ngăn chặn mối đe dọa từ các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.

Trong tương lai, Không quân sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến. Lợi thế lớn nhất của ĐCSTQ so với Hoa Kỳ trong không chiến qua eo biển Đài Loan là khoảng cách. Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ là trở ngại lớn nhất trong hành trình tiếp quản Đài Loan của họ.

Vì vậy, trong mười năm qua, trọng tâm chiến lược của ĐCSTQ là làm thế nào để đối phó với hàng không mẫu hạm Mỹ. Các máy bay mới được thiết kế đều được trang bị vũ khí nhắm vào nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ.

Đối đầu trên biển giữa ĐCSTQ và chính phủ Đài Loan trong quá khứ

Sau khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực ở Trung Quốc, hầu hết các cuộc chiến lớn đều do các tướng lĩnh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu chỉ huy. Ngay cả trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979, một số lượng lớn các tướng lĩnh chỉ huy là những người dày dặn kinh nghiệm. Đến giờ, những vị tướng này đều đã ra đi.

Thế giới bên ngoài không có cách nào để đánh giá chất lượng của thế hệ tướng lĩnh ĐCSTQ hiện nay. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nhiều tướng lĩnh trong quân đội ĐCSTQ không phải là tướng trên cơ sở thành tích.

Sau khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực, hiệu suất chiến đấu của Không quân ĐCSTQ tốt hơn một chút so với Hải quân. Lực lượng Không quân Cộng sản Trung Quốc đã tham gia các hoạt động trong Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 và trực tiếp chiến đấu chống lại Không quân Hoa Kỳ. Sau đó, trong cuộc đối đầu với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc qua eo biển Đài Loan, hai bên đã thực hiện nhiều trận không chiến trong những năm 1950, và từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Trong chiến tranh Việt Nam, cũng có xung đột giữa máy bay quân sự Trung Quốc và máy bay Mỹ.

Vào cuối những năm 1950, không quân Trung Quốc đã sử dụng các phi đội MiG-17 của Liên Xô trong cuộc chiến chống lại Đài Loan. Vào thời điểm đó, Đài Loan đã đánh trả bằng máy bay chiến đấu F-86 của Mỹ.

Không quân ĐCSTQ đã thua phần lớn trong các trận chiến chống lại Đài Loan. Kết quả là không quân Trung Quốc co lại trong đất liền và không dám chiến đấu ngoài biển khơi.

Lực lượng này đã không bay qua đại dương cho đến những năm 1980.

Điều tác giả bài viết muốn nhấn mạnh là Không quân ĐCSTQ luôn tồn tại như một lực lượng phòng thủ, chứ không phải là lực lượng tấn công dùng để tấn công.

Sau năm 1949, hầu hết hải quân cũ của Trung Hoa Dân Quốc rút về Đài Loan, chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản ở Trung Quốc. Mặc dù các tàu chiến cũ mà nước này nhận được từ Mỹ đã lỗi thời, nhưng chúng vẫn hoạt động tốt hơn nhiều so với lực lượng hải quân mà ĐCSTQ đã vội vã thành lập vào những năm 1950.

Hải quân của ĐCSTQ có sức mạnh hỏa lực nhỏ. Có rất ít tàu chiến trên 1.000 tấn, chủ yếu gồm pháo hạm và tàu phóng lôi. Nhiều trận hải chiến của ĐCSTQ chống lại Đài Loan đều là các trận đánh trên biển, bao gồm ẩn nấp tàu chiến ở các đảo ven biển, sau đó bất ngờ tấn công bất ngờ, áp sát tàu địch với tốc độ nhanh và bắn ngư lôi trước khi nhanh chóng bỏ chạy.

Trận hải chiến cuối cùng giữa Quốc Dân đảng và ĐCSTQ là vào năm 1965. Khi đó, Quốc Dân đảng muốn đánh chiếm quần đảo Pratas. Quân đội Trung Quốc có một số tàu phóng lôi đang chờ phục kích Hải quân Quốc dân đảng. Hai trong số ba tàu chiến của Hải quân Quốc dân đảng bị đánh chìm và một chiếc bị hư hỏng nặng.

Hải chiến giữa ĐCSTQ và chính phủ Việt Nam trong quá khứ

Năm 1974, Hải quân Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hoà đã tham chiến tại quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông và giành được chiến thắng. Trận chiến này được gọi là Trận chiến quần đảo Hoàng Sa, đây là nỗ lực cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà nhằm loại bỏ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi Việt Nam. Người Mỹ đã bán một số tàu khu trục từ Thế chiến thứ hai cho miền Nam Việt Nam và cung cấp huấn luyện. Vào thời điểm xảy ra trận Hoàng Sa, Việt Nam Cộng Hoà mới chỉ tiếp nhận các chiến hạm của Hoa Kỳ. Sức mạnh chiến đấu không thể chỉ hình thành bằng vũ khí chất lượng cao và lòng quyết tâm. Kinh nghiệm là điều quan trọng.

Trong trận hải chiến đó, ĐCSTQ có 4 tàu phóng lôi và tàu quét mìn chống lại 3 tàu khu trục của Hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Phía Nam Việt Nam có lợi thế về hỏa lực và tấn công.

Có lần tác giả bài viết đã nói chuyện với một vị tướng Việt Nam từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng Hoà và sau đó định cư tại Hoa Kỳ. Điều khiến tác giả tò mò là tại sao Hoa Kỳ không có bất kỳ hành động nào trong Chiến tranh Hoàng Sa chống lại Trung Quốc. Họ có một liên minh quân sự nguyên vẹn với miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ hỗ trợ.

Vị tướng này nói rằng sau khi trận chiến ở Hoàng Sa bắt đầu, Việt Nam Cộng Hoà liên tục yêu cầu Mỹ trợ giúp, từ đầu đến cuối đều không có phản ứng nào. Theo ông, nếu người Mỹ hỗ trợ, chỉ cần hai máy bay chiến đấu của họ là có thể giải quyết được vấn đề. Sẽ mất chưa đầy mười phút để từ Vịnh Subic ở Philippines đến nơi xảy ra xung đột hải quân. Tuy nhiên, các cuộc gọi của họ đến Hoa Kỳ đã không được trả lời.

Các tài liệu của Nam Việt Nam ghi lại rằng, sau khi Hoa Kỳ bàn giao các tàu chiến cho Việt Nam Cộng Hoà, họ đã cử một số lượng lớn các chuyên gia tư vấn hải quân để huấn luyện các thủy thủ Nam Việt Nam. Tuy nhiên, vào năm 1974, cũng chính những người Mỹ này ở Việt Nam bất ngờ nhận được lệnh không được rời cảng cùng tàu chiến. Vì vậy, trận hải chiến Hoàng Sa chỉ còn lại một nhóm tân binh miền Nam Việt Nam chèo thuyền chiến Mỹ, chống lại hải quân Trung Quốc.

Vì vậy, tác giả bài viết tin rằng Hoa Kỳ đã ngầm đồng ý để ĐCSTQ tiếp quản quần đảo Hoàng Sa. Hoa Kỳ đã xác định rằng miền Nam Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào tay Bắc Việt Nam. Vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa Bắc Việt Nam và Liên Xô ngày càng khăng khít.

Trong mắt Hoa Kỳ, Hoàng Sa không thể rơi vào tay Liên Xô, vì Biển Trung Hoa là một kênh chiến lược. Chiến lược chính sách đối ngoại ưu tiên Việt Nam trong tay Trung Quốc, hơn Việt Nam trong tay Liên Xô vào thời điểm đó.

Việc Hoa Kỳ và ĐCSTQ thực hiện một thỏa thuận bí mật về vấn đề này chưa bao giờ được công khai. Nhưng tác giả biết rằng sau khi ĐCSTQ chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hoà, điều kỳ lạ là họ không đặt vũ khí và thiết bị tấn công trên quần đảo.

Trang thiết bị tiên tiến vẫn không nói trước điều gì

Chỉ sau năm 2008, ĐCSTQ mới bắt đầu đặt tên lửa trên các đảo ở Biển Đông trong khi mở rộng các sân bay, cùng với các hoạt động chuẩn bị quân sự khác. Nhiều quốc gia bất ngờ trước phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Hoa Kỳ. Có lẽ nó liên quan đến việc ĐCSTQ phá hủy sự hiểu biết ngầm ban đầu với Hoa Kỳ?

Mọi người đều biết rằng, nâng cấp vũ khí sẽ hỗ trợ kết quả trong một cuộc chiến. Nhưng kết quả không bao giờ chỉ là vấn đề chất lượng của vũ khí. Các phương pháp chiến đấu và phương pháp chỉ huy lãnh đạo cũng phải được nâng cấp để bảo đảm chiến thắng.

Hải quân và không quân hiện đại của ĐCSTQ sở hữu trang thiết bị tiên tiến, nhưng điều này không có nghĩa là ĐCSTQ có khả năng chiến đấu tiên tiến. Sự tự tin của Mao Trạch Đông được rèn giũa nhờ có một quân đội ĐCSTQ với hơn hai thập kỷ kinh nghiệm chiến tranh tàn khốc. Quân đội của ĐCSTQ ngày nay sử dụng các chiến lược quân sự chưa được kiểm chứng để điều khiển vũ khí mới, và họ không có kinh nghiệm chiến đấu. Ngoài công nghệ mới hào nhoáng, vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng trong chiến tranh thực sự.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/binh-luan-dcstq-muon-tan-cong-dai-loan-nhung-quan-doi-lai-thieu-kinh-nghiem-chien-dau.html