Ðiểm Báo Pháp – 13/4/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 13/4/21
Hạt nhân Iran phức tạp với vụ “phá hoại” trung tâm Natanz

13/04/2021 – Các báo Pháp ngày 13/04/2021 tập trung nhiều vào phản ánh tình hình chính trị trong nước với sự kiện chính là cuộc bầu cử cấp vùng diễn vào giữa tháng 6, trong khi Pháp vẫn chưa thấy lối thoát  khỏi đường hầm khủng hoảng Covid-19.

Về thời sự quốc tế, các báo chú ý nhiều đến Iran với vụ tai nạn ở trung tâm hạt nhân Natanz ngay sau ngày nước này thông báo khai trương máy ly tâm làm giàu uranium thế hệ mới như để thách thức trước các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cơ sở hạt nhân Natanz ở miền trung Iran bị phá hoại gây trở ngại cho đối thoại với phương Tây.
Cơ sở hạt nhân Natanz ở miền trung Iran bị phá hoại gây trở ngại cho đối thoại với phương Tây. © AFP

Vụ nổ ở tổ hợp hạt nhân Natanz của Iran hôm 11/04/2021 không đơn thuần là một tai nạn bình thường. Như Teheran đã lên án, đó là một vụ “phá hoại khủng bố” từ bên ngoài nhằm ngăn cản Iran phát triển khả năng hạt nhân quân sự. Nhật báo Le Monde cho biết nhiều nguồn tin tình báo Mỹ được báo chí các nước trích dẫn cho rằng có bàn tay của Israel, một kẻ thù không đội trời chung của Iran trong khu vực.

Việc Iran phát triển khả năng hạt nhân quân sự đe dọa trực tiếp đến Israel. Vậy nên quốc gia Do Thái này liên tục có những hành động nhằm phá hoại nỗ lực hạt nhân của Iran. Theo Le Monde, từ năm 2010, trong một chiến dịch chung với Hoa Kỳ, Israel đã triển khai một loại virus tin học có tên gọi Stuxnet để cho xâm nhập vào trung tâm Natanz phá hoại hơn một nghìn máy ly tâm. Đầu tháng 7 năm 2020, một nhà máy lắp ráp các máy ly tâm cho trung tâm Natanz cũng đã bị thiệt hại nặng nề sau một vụ nổ bí hiểm, được chính quyền Teheran quy là hành động “khủng bố”. Tháng 11/2020, kiến trúc sư của chương trình hạt nhân Iran, Mohsen Fakhrizadeh thiệt mạng trong một vụ ám sát gần Teheran. Iran đã quy trách nhiệm của vụ này cho Israel. Đến giờ là vụ nổ ở Natanz. Tại Teheran nhiều quan chức của nước này đã lên tiếng đề nghị chấm dứt các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran.

Nhật báo Les Echos nhận định qua hàng tựa bài viết : “Hạt nhân : căng thẳng dấy lên giữa Israel và Iran”. Tờ báo cho rằng vụ việc vừa xảy ra ở Natanz có nguy cơ làm phức tạp các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Iran và phương Tây về thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi mà ngày 14/04 dự trù tại Vienna sẽ bắt đầu vòng đàm phán giữa Teheran với các nước Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp Đức và một cuộc họp riêng giữa Iran và Hoa Kỳ.

Các báo trích dẫn nhiều chuyên gia đều cho rằng với diễn biến mới này, rất khó để có thể Teheran chấp nhận thỏa hiệp trong đàm phán.

Israel đến giờ vẫn phủ nhận dính dáng vào vụ “phá hoại” ở trung tâm hạt nhân Natanz, nhưng rõ ràng Israel không chỉ muốn làm chậm lại chương trình hạt nhân của Teheran mà còn muốn làm đình trệ tiến trình đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị chính quyền Donald Trump xé bỏ. Israel cũng là nước phản đối mạnh mẽ nhất thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.  

Nga chế ngự thành công Covid-19?

Les Echos nhìn qua nước Nga với bài: “Tại Nga, một sự vô tư lừa phỉnh trước Covid”. Tờ báo cho hay, từ đầu mùa thu vừa qua, những biện pháp phòng dịch ở Nga chỉ được áp dụng ở mức tối thiểu và cuộc sống vẫn diễn ra gần như bình thường ở nước này. Chính quyền dành ưu tiên cho hoạt động kinh tế, đồng thời tập trung vào chiến lược miễn dịch cộng đồng. Có điều, tình hình dịch Covid-19 ở Nga lại dựa trên những số liệu thống kê chính thức không hoàn toàn khả tín.

Nhật báo Pháp cho hay, khác với hầu khắp châu Âu, ở Nga, các rạp hát, rạp chiếu phim, vẫn mở cửa chỉ hạn chế 50% số ghế. Không có lệnh giới nghiêm. Các cửa hàng vẫn hoạt động, đi lại trong nước tự do. Nhịp sống “ở Matxcơva cũng như ở khắp cả nước vẫn diễn ra gần như bình thường, có cảm giác đại dịch ở rất xa nước Nga”, Les Echos ghi nhận.

Lý do là chính quyền đặt cược vào chiến lược miễn dịch cộng đồng với cách quản lý : Để virus lan truyền, dân chúng tự bảo vệ, các bác sĩ làm chủ việc điều trị. Cách làm này ở Matxcơva dường như có kết quả khi số ca nhiễm giảm đáng kể mỗi ngày từ 1000 đến 2000 ca. Lý giải cho chiến lược này là chính quyền muốn ưu tiên duy trì các hoạt động kinh tế. Các biện pháp vệ sinh phòng dịch đã trở thành thói quen của người dân Nga. Dù hệ thống y tế còn kém xa so với châu Âu nhưng trái lại số giường để chăm sách bệnh nhân ở Nga vẫn rất cao.

Một điểm khác lý giải cho thành công của Nga là xử lý dịch theo quân lệnh. Khi phải triển khai các phương tiện lớn, xây thêm cơ sở hạ tầng bệnh viện, Matxcơva đã phản ứng nhanh với thời gian kỷ lục, huy động tổng lực 24/24 giờ. Ở tầm quốc gia và nhất là trong vùng thủ đô, tâm dịch Covid, các quyết định được đưa ra từ lãnh đạo thượng tầng, phải thực thi từ cao xuống thấp, không bàn luận tranh cãi. Đại đa số người dân chấp nhận cách quả lý có phần độc đoán như vậy.

Riêng về vấn đề tiêm chủng, theo Les Echos, trong khi vac-xin Sputnik của Nga đã được cho phép sử dụng ở gần 60 nước, nhưng khả năng sản xuất của nước này vẫn không đáp ứng được nhu cầu, ngay cả cho dân Nga. Mới chỉ có 13 triệu người Nga được tiêm chủng, tức là khoảng 10% dân số trong khi mục tiêu phải là trên 70 triệu người. Lý do là vì chỉ có một phần ba dân Nga sẵn sàng tiêm chủng. Một dấu hiệu cho thấy “virus corona đã khơi lên một khủng hoảng khác tại Nga : khủng hoảng niềm tin giữa xã hội và Nhà nước”.

Hungary chạy đua với thời gian

Trong lúc Pháp vẫn đang cố gắng chống chọi với làn sóng dịch thứ 3, hy vọng tìm được ánh sáng cuối đường hầm bằng cách thúc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, nhật báo le Figaro nhìn sang Hungary với bài : “Viktor Orban sốt ruột muốn kết thúc với Covid-19”.

Theo tờ báo, Hungary giờ đây là một trong số các quốc gia bị thiệt hại nhân mạng nhiều nhất vì Covid-19 tính theo tỷ lệ dân số. Còn một năm nữa đến kỳ bầu cử Quốc Hội, chính phủ của ông Viktor Orban đang bằng mọi cách tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sau khi đã tìm mọi nguồn cung ứng vac-xin có thể từ Sinopharm của Trung Quốc, Sputnik V của Nga đến Pfizer, Moderna, AstraZeneca. Kết quả không đến nỗi tồi, Hungary dẫn đầu Liên Hiệp Châu Âu, đã tiêm phòng được 27% dân (mũi tiêm đầu tiên). Mục tiêu là đến tháng 6 tới, 8 triệu trên gần 10 triệu dân được tiêm chủng để Hungay có thể đạt miễn dịch tập thể, trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng ca tử vong vì Covid-19 ở Hung vẫn rất lớn, hàng trăm ca mỗi ngày.

Anh: Cuộc sống bình thường bắt đầu từ quán rượu

Cũng về chuyện ánh sáng cuối đường hầm Covid 19, Le Figaro có bài phóng sự : “Nước Anh tận hưởng niềm vui các quán rượu mở lại” Các quán rượu -Pub ở nước Anh là một bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội của người dân Anh, bị đóng cửa suốt nhiều tháng qua, giờ đã có thể đón khách trở lại sau khi tình hình dịch được cải thiện. 

Việc cho mở cửa trở lại các quán rượu ở Anh không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là sự giải tỏa về tâm lý xã hội rất lớn và cũng là một nét văn hóa của người dân Anh. Quán rượu là một phần quan trọng trong đời sống người Anh, trung tâm của đời sống xã hội và là di sản văn hóa thực sự của người Anh. Khi ra lệnh đóng cửa lần đầu các quán Pub hồi tháng 3/2020, thủ tướng Boris Johnson nói ông rất “đau lòng” vì quyết định đã tước đi “của những người sinh ra trong tự do ở Vương Quốc Anh cái quyền có từ xa xưa và không thay được là đi đến quán rượu”.

Cúp C1 Châu Âu: PSG – Bayern Munich trận quyết chiến phục thù

Chủ đề duy nhất của các báo Pháp là trận lượt về quyết định tứ kết  tối nay, trong khuôn khổ giải Cúp C1 bóng đá châu Âu, giữa câu lạc bộ Pháp Paris Saint-Germain và câu lạc bộ Đức Bayern Munich, trên sân Parc des Princes. Đây là cặp chung kết của mùa bóng trước với chiến thắng thuộc về câu lạc bộ Đức. Mùa này ở trận lượt đi trên sân Munich cách đây 6 ngày, Paris Saint -Germain đã hạ Bayern trên sân nhà bằng tỷ số 3-2. Đây cũng là thất bại đầu tiên của Bayern Munich ở Cúp C1 từ năm 2019.

Để phục thù cho thất bại ở trận chung kết năm trước, tối nay câu lạc bộ Paris trên sân nhà phải vượt qua đối thủ ở trận lượt về này, một nhiệm vụ không hề đơn giản. Nhất là PSG đã có không ít ký ức thất vọng, chiến thắng tưng bừng ở lượt đi, rồi lại để bị đối thủ lội ngược dòng hạ gục ở lượt về. Các báo Pháp tỏ không ít lo lắng cho câu lạc bộ Pháp dù đã giành được lợi thế ở lượt đi. Dù sao thì hứa hẹn đây sẽ là trận quyết chiến hấp dẫn được người hâm mộ mong đợi nhiều.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210413-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-iran-v%E1%BB%A5-ph%C3%A1-ho%E1%BA%A1i-trung-t%C3%A2m-natanz