Ðiểm Báo Pháp – 10/4/21
Vac-xin ngừa Covid: Châu Âu thất bại về mọi mặt
10/04/2021 – Vì sao châu Âu đã quá chậm trễ trong chiến dịch chích ngừa Covid-19 ? Tuần báo Pháp L’Express tuần này điểm lại một năm mà khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại ở mọi mặt trên mặt trong cuộc chiến chống đại dịch.
“Thu nhập phổ quát. Ngay bây giờ”. Đó chính là hàng tựa trên trang nhất của tuần báo Courrier International tuần này. Tờ báo dành hồ sơ chính cho ý tưởng về thu nhập phổ quát đang ngày càng có khả năng trở thành hiện thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tuần báo Le Point thì đặt câu hỏi trên trang bìa :” Chúng ta còn có thể tránh sự suy tàn?” Đối với Le Point, khủng hoảng y tế đã đẩy nhanh sự thoái trào của nước Pháp, khởi đầu từ thập niên 1970. Sự trỗi dậy trở lại chỉ có thể đến từ việc cải tổ các định chế, dành ưu tiên cho sáng chế và đào tạo, và yểm trợ cho văn hóa. Nhưng với điều kiện phải hành động nhanh.
Tuần báo L’Obs thì đăng trên trang nhất bức ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với hàng tựa :”Sự đánh cuộc cuối cùng”. Theo tờ báo này, khi hứa hẹn sẽ chích ngừa Covid cho toàn bộ dân Pháp ngay từ mùa hè này, ông Macron “đã lấy một rủi ro”. Một năm trước cuộc bầu cử tổng thống, ông đánh cuộc trên sự tái đắc cử. Tuần báo l’Obs giải thích ván cờ mạo hiểm của Macron, điều tra về việc chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của ông rất có thể sẽ diễn ra.
Vì sao châu Âu đã quá chậm trễ trong chiến dịch chích ngừa Covid-19 ? Tuần báo Pháp L’Express tuần này điểm lại một năm mà khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại về mọi mặt trên mặt trong cuộc chiến chống đại dịch.
Nhìn qua các con số thì thấy có vẻ hứng khởi lắm : Từ đây đến cuối tháng 6,360 triệu liều vac-xin sẽ được sản xuất từ các nhà máy của châu Âu. Khoảng hơn 55 triệu liều sẽ được giao cho nước Pháp. Nếu không có vấn đề về hậu cần, thì về mặt lý thuyết, toàn bộ những người lớn ở châu Âu, nếu muốn, đều sẽ được tiêm chủng trong suốt mùa hè năm nay. Châu Âu sẽ nhanh chóng trở thành vô địch thế giới về vac-xin, như lời ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton.
Nhưng theo L’Express, thật khó mà tin được điều đó, cũng như khó mà quên đi rằng trong 12 tháng qua, Liên Hiệp Châu Âu đã quá chi li, bủn xỉn, ngại rủi ro và ngây thơ. Tự hào về mô hình xã hội của mình, khối này đã vấp ngã trước quá nhiều thủ tục nhiêu khê và lại tỏ ra không thực dụng. Sự trễ nãi so với lịch trình ban đầu của chiến dịch tiêm chủng đã gây nhiều thiệt hại nhân mạng và kinh tế. Theo tính toán của hãng bảo hiểm tín dụng Pháp Euler Hermes, thiệt hại về kinh tế đối với toàn bộ châu Âu là 123 tỷ euro.
Tuần báo Pháp nhắc lại là cách đây một năm, các nước châu Âu đã lâm vào cảnh mạnh ai nấy lo, thậm chí tranh giành với nhau khẩu trang và máy trợ thở. Chính trong bối cảnh đó mà cặp bài trùng Macron-Merkel đã thảo luận riêng với một vài hãng dược phẩm AstraZeneca, Sanofi, và cả Moderna. Ngay sau đó, Ý và Hà Lan nhảy vào, cùng với Pháp và Đức lập ra một liên minh để thay mặt Liên Hiệp Châu Âu thương lượng về cung cấp vac-xin ngừa Covid-19.
Sau khi các thành viên khác kịch liệt phản đối, Ủy Ban Châu Âu bèn soạn một văn bản theo đó các nước của khối chấp nhận ủy nhiệm cho Ủy Ban thương lượng các hợp đồng mua vac-xin. Nhưng ngân sách tổng cộng dự trù là không được quá 2,9 tỷ euro.
Không dám nhận trách nhiệm
Vấn đề là các cuộc thương thuyết lại kéo dài cho đến cuối tháng 11. Trong khi Anh và Mỹ sẳn sàng nhận toàn bộ trách nhiệm nếu xảy ra các sự cố hàng loạt về vac-xin, thì châu Âu lại không chịu như thế.
Đến ngày 21/12/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen mới xúc động thông báo Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu EMA cấp phép cho vac-xin ngừa Covid đầu tiên, Pfizer-BioNtech, trong khi vac-xin này đã được Anh Quốc cấp phép từ trước đó 2 tuần, ngày 02/12, còn Hoa Kỳ thì đã cấp phép từ ngày 11/12.
Đến đầu tháng 1/2021, khi chiến dịch tiêm chủng vừa mới bắt đầu ở châu Âu, những trục trặc đầu tiên lộ rõ. Tờ l’Express trích lời nghị viên châu Âu thuộc đảng cầm quyền Pascal Canfin : ” Các nhà thương thuyết và Ủy Ban quá tin tưởng vào các hãng dược phẩm, mà không kiểm tra là họ có đủ khả năng để thực hiện đúng lời hứa hay không.” Sanofi thì phải làm lại các thử nghiệm lâm sàng, còn Moderna và Pfizer thì bị trễ nãi vì không thể sản xuất nhanh được.
Cuối tháng 1, đến lượt AstraZeneca thông báo là trong đợt đầu tiên họ chỉ có thể giao 31 triệu liều, thay vì 80 triệu như dự kiến ban đầu. Rồi hãng Anh – Thụy Điển cuối cùng tuyên bố là họ chỉ có thể cung cấp cho 27 nước châu Âu 110 triệu liều thay vì 300 triệu như đã hứa cho 6 tháng đầu năm 2021. Đây quả là một vụ xì căng đan công nghiệp mang tính chất địa chính trị, vì Liên Hiệp Châu Âu nghi là AstraZeneca dành ưu tiên vac-xin cho nước Anh.
Trong lúc ai cũng lo thiếu thuốc tiêm ngừa Covid-19, thì gần đây, Ủy Ban Châu Âu mới tiết lộ là từ tháng 1 đến nay, đã có đến 77 triệu liều được xuất khẩu ra khắp thế giới, trong đó 21 triệu liều sang Anh Quốc, tức là 1 phần 2 số vac-xin đang được sản xuất trên lãnh thổ châu Âu. Cho nên, Bruxelles nay buộc phải quyết định chỉ cho xuất khẩu vac-xin sang những nước cần nhất. Nhưng đã quá trễ.
Theo l’Express, rút kinh nghiệm những thất bại ê chề của một năm qua, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến thành lập một cơ quan có tên là Cơ Quan Phản Ứng Khẩn Cấp Y Tế (Health Emergency Response Authority – HERA). Theo mô hình cơ quan BARDA của Mỹ, cơ quan mới sẽ có quyền can thiệp vào mọi công đoạn, từ tài trợ cho nghiên cứu cho đến phân phối dược phẩm, từ thử nghiệm lâm sàng cho đến sản xuất công nghiệp.
Châu Âu thua xa Anh Mỹ
Cũng theo tuần báo l’Express, chỉ cần so sánh vài con số, ta thấy ngay là châu Âu đã thua cuộc. Với sự linh động, thái độ thực dụng và tâm lý sẳn sàng chấp nhận rủi ro, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã giành chiến thắng đầu tiên trong chiến dịch chích ngừa Covid-19: đến đầu tháng 4, 31,4% dân số Hoa Kỳ và 47% dân số Anh Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vac-xin, trong khi tỷ lệ này ở Pháp là 14,3% và ở Đức là 12,1%.
Đó không chỉ là thắng lợi về mặt y tế mà còn là thắng lợi về kinh tế. Trong khi các nước châu Âu lục địa bước vào mùa xuân thứ hai bị phong tỏa, thì tại New York, sân khấu Broadway đang nhảy múa và ca hát trở lại. Với nền kinh tế đang hồi phục nhanh chóng, trong tháng 3 đã có hơn 900.000 việc làm được tạo ra ở Mỹ. Theo dự báo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, tăng trưởng của Hoa Kỳ có thể lên tới 6,5% trong năm nay, trong khi Liên Hiệp Châu Âu sẽ khó mà đạt được 4%, thậm chí ít hơn, vì chẳng hạn như nước Pháp vừa mới hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng. Mỗi tuần bị chậm trễ so với lịch trình ban đầu của chiến dịch tiêm ngừa Covid-19, Pháp sẽ bị mất đi 3 tỷ euro, theo thẩm định của hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes. Với đủ thứ trợ cấp cho người dân trong thời gian phong tỏa, mỗi tháng ngân sách nhà nước Pháp phải chi ra hơn 11 tỷ euro.
Sự cách biệt giữa châu Âu với Mỹ càng lộ rõ nếu chúng ta so sánh với tầm mức của kế hoạch phục hồi kinh tế do tổng thống Joe Biden đưa ra cho nước Mỹ. Ở châu Âu, cuộc đua marathon về kế hoạch phục hồi kinh tế chỉ mới ở giai đoạn phê chuẩn ở cấp quốc hội mỗi nước. Quả là một virus, hai mô hình.
Sputnik V gây bất hòa
Không những thế, theo L’Express, một số quốc gia thành viên còn gây bất hòa trong Liên Hiệp Châu Âu khi tự ý đặt mua vac-xin Sputnik V của Nga, trong khi vac-xin này chưa được Bruxelles phê duyệt. Chưa biết Sputnik V hiệu quả như thế nào, nhưng nó đã gây ra nạn nhân đầu tiên: Igor Matovic, thủ tướng Slovaquia, đã buộc phải từ chức sau khi bí mật đặt mua 200.000 liều trong khi vac-xin này chưa được Liên Hiệp Châu Âu cấp phép.
Nhiều nước khác cũng đã không cưỡng lại được sự cám dỗ từ phía Nga. Hungary, Serbia, Cộng hòa Séc, Áo đã đi theo con đường này. Ngay cả thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố sẳn sàng đặt mua vac-xin của Nga nếu nó được Liên Hiệp Châu Âu cấp phép. Nhưng ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa Thierry Breton thì ngược lại, khẳng định là châu Âu “chẳng cần đến Sputnik V chút nào”. Tóm lại, sự xào xáo trong nội bộ châu Âu dĩ nhiên là khiến tổng thống Nga Vladimir Putin khoái chí, vì ông chỉ thích gây chia rẽ 27 nước Liên Âu. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian càng có lý khi tố cáo Matxcơva sử dụng vac-xin Sputnik V như là một “công cụ ngoại giao và tuyên truyền”.
Thu nhập phổ quát: Sẽ hết là chuyện không tưởng?
Trong một thời gian dài bị xem là chuyện không tưởng, ý tưởng về một mức thu nhập phổ quát lại nổi lên trong các cuộc tranh luận do tác động của đại dịch Covid-19. Courrier International nhắc lại là từ đầu đại dịch, các chi phí công đã bùng nổ khắp nơi trên thế giới và tại nhiều nước, chính phủ đã cấp phát nhiều khoản trợ giúp khẩn cấp.
Như tuần báo Anh The Economist có nhắc lại, vào tháng 3/2020, Quốc Hội Mỹ đã thông qua một kế hoạch khẩn cấp dự trù phát cho đa số người lớn một ngân phiếu với số tiền tối đa là 1.200 đôla mà không kèm theo điều kiện nào. Người dân Hồng Kông thì nhận được khoản trợ cấp tương đương 1.300 đôla, dân Nhật được phát khoảng 930 đôla. Những khoản trợ cấp đó (trên nguyên tắc không kéo dài) không phải là thu nhập phổ quát, nhưng đã mở đường và khiến ý tưởng này càng có thêm trọng lượng.
Đã từng có những thử nghiệm ở Phần Lan cách đây 4 năm về thu nhập phổ quát. Theo Courrier International, năm 2021 có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt, nhất là tại Hoa Kỳ. Như tờ San Francisco Chronicle đã nhấn mạnh : « Đại dịch đã làm mất đi rất nhiều việc làm, khiến cho các vấn đề về nhà ở và an ninh lương thực thêm trầm trọng, ý tưởng về một mức thu nhập được bảo đảm đã ngày càng thu hút nhiều người».
Tại Colombia và Hàn Quốc, hai ứng cử viên tổng thống 2022 đã chọn việc thiết lập một thu nhập phổ quát là nội dung chính của chương trình tranh cử. Nhật báo Đức Die Welt thì ghi nhận là ngay tại Đức đã có một đảng, đó là đảng Xanh, lần đầu tiên nêu lên vấn đề thu nhập phổ quát trong cương lĩnh của họ. Tại Pháp, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, hồ sơ này rất có thể sẽ nổi lên trở lại.
Nhưng tuần báo The Economist cũng cảnh báo: «Hiện nay, các nước đua nhau trợ cấp trực tiếp là vì họ không quá lo lắng về gia tăng nợ công. Đến khi hết đại dịch, họ sẽ không còn có thái độ như vậy»
Khan hiếm nguyên liệu
Không chỉ bị tác động của khủng hoảng y tế và kinh tế, theo tuần báo l’Express, nhiều ngành hiện còn đang gặp các vấn đề về cung ứng khiến các hoạt động bị chậm lại và giá cả tăng vọt.
Tiêu biểu là chất Titanium dioxide, một chất mà chắc là ít ai biết, nhưng nó lại hiện diện khắp nơi: trong các mỹ phẩm, kem đánh răng, các loại sơn và cho đến tháng 1/2020 vẫn còn có trong kẹo và bánh chế biến công nghiệp ở Pháp. Ưu điểm của khoáng chất này là có các sắc tố màu trắng bóng.
Theo L’Express, cho tới nay, một mình Trung Quốc cung cấp 1 phần 4 thị trường châu Âu về Titanium dioxide, nhưng nay Bắc Kinh đã quyết định hạn chế xuất khẩu, vào lúc mà cỗ máy công nghiệp của nước này đang hoạt động mạnh trở lại. Hậu quả là giá chất bột trắng này đã tăng vọt 15 đến 20% từ đầu mùa đông vừa qua. Các nguyên liệu gỗ, nhựa, chất bán dẫn và thép đặc biệt cũng gặp tình trạng tương tự.
Nạn khan hiếm chất bán dẫn càng thêm trầm trọng do đại dịch Covid-19 buộc cả thế giới phải làm việc từ xa, khiến số bán máy vi tính và điện thoại thông minh tăng vọt. Tình trạng này, khiến cho giá các con chip tăng đến 40%, ảnh hưởng nặng nhất đến ngành công nghiệp xe hơi, đến mức mà chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, 1,3 triệu xe hơi đã không thể xuất xưởng, vì thiếu các chất bán dẫn.
Nhật: Công chức đua nhau bỏ việc
Chắc nhiều người vẫn tưởng rằng làm công chức nhà nước thì nhàn hạ, nhưng ít ai biết rằng ở Nhật, ngay cả các công chức cao cấp cũng đang làm việc trong những điều kiện rất cực nhọc, có khi làm thêm đến 300 tiếng mỗi tháng. Đó là nội dung một bài báo đăng trên nguyệt sang Le Monde diplomatique số ra tháng 4 này.
Theo tờ báo này, các luật về xã hội, vốn đã không bảo vệ nhiều, lại không được áp dụng đối với công chức. Ngày càng có nhiều người rời bỏ các bộ, gây nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
“Chọn giống” cho gà con
Nước Pháp đã cam kết là trước cuối năm nay sẽ chấm dứt việc nghiền nát những gà con giống đực, một cách thức vẫn gây phẫn nộ cho giới bảo vệ súc vật. Nhưng hiện giờ, theo tuần báo L’obs, hai nước Đức và Hà Lan đã tìm ra các giải pháp, dựa trên công nghệ tiên tiến và và trí thông minh nhân tạo.
Tờ báo này nhắc lại là mỗi năm có khoảng 300 triệu gà con giống đực bị xem là “vô dụng” và bị tiêu hủy ngay khi vừa mới sinh ( trong đó có 50 triệu con bị xay nát ở Pháp ). Vào năm 2014, cả nước Pháp đã xúc động khi hiệp hội bảo vệ súc vật L214 phổ biến những hình ảnh cho thấy những gà con còn sống bị nghiền nát trong một lò ấp trứng ở vùng Bretagne.
Bộ trưởng Nông Nghiệp lúc đó, ông Stéphane Le Foll, đã tháo khoán ngay 4,3 triệu euro cho việc nghiên cứu tìm các giải pháp thay thế. Nhưng công ty Tronico, được tài trợ để tiến hành nghiên cứu này, cho tới nay chưa đạt kết quả nào.
Rốt cuộc, chính một công ty Đức-Hà Lan, Seleggt, đã tìm ra chiếc chìa khóa. Một nhà nghiên cứu thuộc đại học Leipzig của Đức đã tìm ra cách xác định giống của trứng gà nhờ vào hormone nữ. Nhưng vấn đề chính là phải làm sao trích xuất chất lỏng từ trứng ra để phân tích. Giải pháp đến từ Hà Lan, nơi mà tập đoàn Hatch Tech, chuyên về các lò ấp công nghệ cao, đã thành công trong việc công nghiệp hóa tiến trình này, bằng cách cắm kim vào trứng ngay từ đầu. Cùng với tập đoàn siêu thị Đức Rewe, Hatch Tech đã lập ra công ty Seleggt.
Một phương pháp khác của Đức, cực nhanh, là dùng trí thông minh nhân tạo để nhận biết màu của lông tơ trong trứng gà: trắng là con đực, đỏ hoe là con cái. Nhờ biết trước như vậy mà người ta có thể loại bỏ ngay trứng gà sẽ cho ra con đực, và tránh cho chúng khỏi cảnh bị nghiền sống.
Thanh Phương