Nhân Chủ
Lời giới thiệu
Cách đây hơn sáu mươi năm, vào ngày rằm tháng Giêng năm Bính Tý (1936) đúng ngày Tế Nam Giao, ở kinh thành Huế nhộn nhịp ngựa xe, dân chúng già, trẻ, trai, gái ra đường để chờ xem nhà vua ngự giá đi qua, thì ở một gian nhà hẻo lánh gần chân núi Ngự Bình đã có một buổi lễ nhập môn tuy đơn sơ nhưng lại có hậu qủa trọng đại cho nhiều thế hệ trẻViệt Nam sau này.
Ngồi trên chiếc kỷ gụ, một tay dựa vào án thư, nhà đại cách mạng Sào Nam Phan Bội Châu lúc đó đã gần thất thập nhưng mắt còn tinh tường qua cặp kính lão, chăm chú nhìn một thiếu niên mày thanh, mắt sáng, tuổi mới 16 mà trông tuấn tú dĩnh ngộ lạ thường.
Chàng thiếu niên, tên sinh là Nguyễn Hữu Thanh, tuổi Canh Thân mệnh mộc, người huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã được một vị niên trưởng là nhà cách mạng Hải Kình, cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng bí mật đưa từ ngoài Bắc vào để giới thiệu lên nhà chí sĩ Phan Bội Châu người huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Chàng thiếu niên tay chắp trước bụng, ngước mắt nhìn với hết lòng tôn kính vị nho năm đầu thế kỷ đã đậu giải nguyên kỳ hương-thí nhưng không chịu ra làm quan, dấn thân cuộc đời làm cách mạng, bôn ba hải ngoại tìm đường cho giới trẻ du học để sau này về phục quốc, nay vì sa cơ bị thực dân quản thúc nhưng vẫn mong đàn trẻ tiếp nối đại sự còn dang dở.
Cụ Phan không những chỉ khuyên bảo một vài câu như những lần trước đây khi các đồng chí hay kẻ hậu sinh đến thăm viếng, mà cụ lại để thiếu niên Nguyễn Hữu Thanh sống bên cụ gần một tháng trời.
Trong suốt thời gian 25 ngày, ngày đêm cụ Phan đã truyền cho cậu kiến thức về Cách mạng và về dân tộc mà cụ đã thâu thập và nghiền ngẫm trong khoảng bốn mươi năm trời.
Với một trí óc cực kỳ thông minh cộng với lòng ham học hỏi, nay được truyền thụ ý chí vì nước vì dân bởi một vị tôn sư đáng ngôi Bắc Đẩu trong lịch sử Cách mạng phục quốc chống Pháp, chàng thiếu niên sau này đã trở thành một bậc kỳ tài.
Trước khi trở về Bắc, cậu Nguyễn Hữu Thanh đã hỏi cụ Phan là dân tộc ta nên theo Duy Tâm hay ý thức mới là Duy Vật? Cụ đã trả lời: “Dân chẳng Duy Vật, dân chẳng Duy Tâm, dân chỉ Duy Dân.”
Với hành trang đó, cộng với vốn hiểu biết thông suốt về Dịch Lý, Phật học và Triết học Đông phương và Toàn Cầu, khi tuổi mới 16, Nguyễn Hữu Thanh bước chân vào cuộc đời Cách mạng.
Năm năm sau, khi cụ Phan đã qua đời được một năm, chàng trai trẻ lấy tên hiệu là Lý Đông A, tức Lý Trần khi tách chữ Trần làm hai chữ Đông và A, và bắt đầu xây dựng triết lý căn bản cho chủ nghĩa Duy Dân. Năm 1941 sau một thời gian bôn ba ở Trung Quốc ông tới thư viện Liễu Châu để tra cứu các sách về triết học, lịch sử và xã hội cùng khoa học cả Đông Phương lẫn Tây Phương, từ cổ chí kim để tìm những điểm tương đồng và dị biệt và tự đó đưa ra một quan điểm thống nhất về Vũ trụ, Nhân loại và Dân tộc.
Trong Đạo Trường Ngâm, Lý Đông A đã viết:
“Bút nghiên, đèn sách đều sai lạc,
Kim Cổ, Đông Tây cũng hão huyền.
Ví biết lửa hương tìm chắp nối,
Là hay vàng đá để trao truyền.
Văn minh nghĩ kỹ còn bao việc,
Đem cả muôn loài lên Duy Nhiên.”
Sách của ông viết rất nhiều, vào khoảng 30 cuốn, nhưng một số đã bị thất lạc. Hành tung của ông Lý Đông A, vị sáng lập và là Thư Ký Trưởng Việt Duy Dân Đảng để đấu tranh chống Pháp và chống Cộng không được đề cập nhiều trên sách báo ngoài một số tin tức đấu kháng với Cộng Sản qua những chiến tích ở Nga my (1945) và Hòa Bình (1946), sau những trận đó, bị Việt Cộng dùng toàn lực bao vây ông thất tung. Tuy vậy tư tưởng của Lý Đông A còn để lại, những lời hướng dẫn của vị Lãnh tụ Duy Dân vẫn được giới trẻ ngày nay coi là Phương Châm chỉ đạo như:
Nuôi Thân sinh nô tài
Nuôi Óc sinh nhân tài
Nuôi Tâm sinh thiên tài.
Một số tác phẩm của Lý Đông A lưu lại đã được xuất bản như: Đạo Trường Ngâm, Huyết Hoa, Chu Tri Lục, Duy Nhân Cương Thường, Thiết Giáo và một số tài liệu huấn luyện được phổ biến trong nội bộ.
Tư tưởng của các đại triết gia và thi hào tất nhiên là súc tích. Khi xưa ông đã được cụ Phan Bội Châu khích lệ, tất nhiên khi viết sách huấn luyện, Lý Đông A đã nghĩ đến sự truyền lại tư tưởng Duy Dân cho thế hệ sau.
Vì muốn cho ước nguyện này của ông được thực hiện nên Nhóm Nghiên Cứu Nhân Chủ với sự điều hợp của một số cán bộ Duy Dân đã soạn nên bộ sách cho độc giả của thế hệ trẻ bắt đầu Thiên Niên Kỷ thứ ba.
Đa số trong nhóm nghiên cứu thuộc thành phần đấu tranh chống Cộng hoặc thuộc ngành giáo dục đào tạo cán bộ cho đất nước tương lai. Giờ đây, sống ở hải ngoại họ tiếp tục dùng triết bút để nuôi dưỡng tư tưởng nhân chủ trong thế hệ trẻ Việt, những người sau này sẽ đưa đất nước trở thành thịnh vượng, vinh quang khi người dân đã thực sự giành được nhân quyền.
Tôi trân trọng giới thiệu bạn đọc tập sách nghiên cứu rất công phu này.
Nguyễn Xuân Vinh
Giáo Sư Đại Học Michigan..
Thư Ngỏ
Chúng tôi, một nhóm người thuộc nhiều thành phần: Già trẻ có, tôn giáo có, chính trị có đã cùng nhau thảo luận để viết bức thư ngỏ này kính gửi tới qúi vị độc giả để thay lời phi lộ. Khi mới thảo luận, ý kiến của chúng tôi rất phân tán. Rốt cuộc, chúng tôi tự đặt ra câu hỏi: Chúng tôi là ai?
Đáp: Là người tỵ nạn chính trị.
Hỏi: Tỵ nạn để làm gì?
Đáp: Để tìm tự do.
Hỏi: Tự do đã có rồi, vậy gặp nhau để làm gì?
Chúng tôi đồng ý với nhau cùng phân tán mỏng mỗi người một góc tuyệt đối giữ im lặng trong 10 phút để suy nghĩ.
Khi họp lại, chúng tôi vui vẻ đồng ý với nhau về một điểm chung: Toàn thể chúng tôi có nhu cầu phát triển sự tự do đang có để làm một cái gì. Đó là một nhu cầu cần thiết. Không giải quyết được nhu cầu này chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên.
Một chị dơ tay xin phát biểu ý kiến: Chúng ta cần thực tế đi vào vấn đề cụ thể: Chúng ta cần làm gì? Làm văn hóa? Làm chính trị hay làm kinh tế?
Nếu văn hóa là bằng cấp thì anh chị em ta có khá đầy đủ: Bác sĩ, tiến sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, giáo sư. Nhưng đó không hơn không kém, chỉ là chiếc cần câu cơm. Chúng ta đem bán sự hiểu biết chuyên môn để nuôi xác thân, nuôi gia đình. Cũng chẳng giúp gì cho nhân quần xã hội. Như vậy bằng cấp chuyên môn không đủ và chưa đủ để giải quyết vấn đề. Làm chính trị ư? Cộng đồng tỵ nạn chúng ta đã thử và đang thử. Một số chỉ có tên nhưng không có thực. Một số kết hợp được từng nhóm đồng chí hướng nhưng chưa tập hợp được đông đảo. Trong khi đó, phe CSVN cứ tiến tới, lẳng lặng tiến tới, đợi thời cơ chụp lên đầu chúng ta.
Làm kinh tế ư? Một số anh chị em đã về nước nghiên cứu và thăm dò. Họ đâu có cần mình vì mình đâu có tiền để đút lót cho túi tham không đáy của họ.
Vậy chẳng lẽ khi đi vào thực tế, chúng ta lại bị bế tắc hay sao? Chị bạn nói tiếp: Tôi còn nhớ cách đây chừng năm bảy năm khi kiểm điểm văn nghệ cuối năm, nhà văn hóa Nguyễn Ngọc Bích trên báo Ngày Nay (Houston) đã viết: “Là người Việt Nam, chúng ta hãnh diện có Lý Đông A đã cống hiến cho loài người và cho dân tộc thuyết nhân chủ. Lý Đông A là một nhà tư tưởng lớn.”
Khi tìm sách vở, chị bạn nói tiếp, tôi mong tìm hiểu thuyết Nhân Chủ. Nhưng khó qúa, tôi không hiểu nổi.
Hầu hết các hội thảo viên gật gù rồi người nọ nhìn người kia. Một vị trung niên tóc đốm bạc cho biết nhân dịp Tết Nguyên Đán vừa qua anh có tham dự lớp giảng về thiền của Thượng Tọa Khánh Hỷ. Sau lớp giảng, Thầy Khánh Hỷ có cho biết cuối năm 1976, Thầy có bị giam tại Xuyên Mộc cùng nhà tư tưởng văn hóa Hồ hữu Tường. Khi bàn về tương lai, cụ Hồ Hữu Tường trước khi chết đã tiên đoán vào khoảng năm 2005 tư tưởng Cách Mạng Văn Hóa Nhân Chủ của Lý Đông A sẽ bắt đầu từ Đông Nam Á và lan tràn khắp Á Châu.
Vậy Nhân Chủ là gì? Là văn hóa, là chính trị hay là kinh tế? Và Lý Đông A tên thật là gì? Trước đây sinh hoạt ra sao? Ông còn sống hay đã chết? Mọi người lao xao. Rồi im lặng.
Vị chủ tọa buổi hội bỗng lên tiếng: Tôi cũng không biết gì nhiều. Nhưng tôi tin là Ba tôi, một vị lão thành 82 tuổi biết nhiều hơn tôi. Ba tôi trước đây dạy học và giao thiệp rất rộng. Thưa Ba, Ba có thể giúp cho chúng con không? Mọi người đều nhìn theo hướng nhìn của chủ nhà: Trong góc phòng đọc sách rộng lớn, một lão trượng từ đầu buổi hội vẫn im lặng, loay hoay pha cà phê cho anh em. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên, khẩn khỏan mời cụ lên tiếng. Cụ từ từ đi tới bàn hội và nói: Tôi sở dĩ im lặng vì già rồi. Đợi cơ duyên mới lên tiếng. Anh chị em đã hỏi lẽ nào tôi từ chối. Biết tới đâu tôi sẽ trình bày tới đó.
Thứ nhất: Thuyết Nhân Chủ của Lý Đông A là văn hóa, chính trị hay kinh tế? Xin thưa: Cả ba thứ cộng lại vì ông Lý Đông A đã tóm lược: “Xã hội là nền tảng, chính trị là kiến trúc, văn hóa là thuật kiến trúc và kinh tế là vật liệu kiến trúc.”
Thứ nhì: Lý Đông A là ai, còn sống hay đã mất? Vài ba ngày nữa tôi sẽ viết kỹ càng sau khi có thêm dữ kiện và sẽ gửi cho mỗi anh chị em. Ngoài ra muốn tìm hiểu tư tưởng Lý Đông A chúng ta phải kiên trì đọc và suy nghĩ. Phải kiên trì mới đọc nổi. Anh chị em đừng bỏ cuộc. Cần tham khảo ý kiến của nhau nếu chưa thấu đáo. Khi hiểu rồi anh chị em nên dùng ngôn ngữ thật giản dị và bình dân để diễn tả tư tưởng. Trước đây hơn nửa thế kỷ, Lý Đông A cố ý viết khó hiểu, vì ông không muốn kẻ thù nghịch của dân tộc xử dụng tài liệu làm phương tiện bất chính. Nay tình hình đã biến đổi, khác nửa thế kỷ trước đây.
Còn vài ba năm nữa nhân loại bước vào niên kỷ 2000. Đây là thời điểm vừa chín tới để chúng ta đem tư tưởng đó làm phương tiện đấu tranh cho dân tộc và cho nhân loại, đồng thời chuẩn bị để kiến thiết đất nước và ổn định hòa bình cho loài người. Hệ thống tư tưởng Nhân Chủ của Lý Đông A là một chuỗi lý luận hợp lý, cần thiết và đủ cho chúng ta áp dụng bây giờ và cho tương lai.
Theo lời căn dặn của bậc trưởng thượng, tôi, thư ký buổi hội xin viết lá thư ngỏ này để trình bày cùng độc giả diễn tiến cuộc hội thảo của Nhóm Nghiên Cứu chúng tôi.
Sau đó, chúng tôi có những buổi hội thảo khác để trình bày từng chương mục của tập sách ABC Nhân Chủ này.
Trân trọng.
Nhóm nghiên cứu nhân chủ biên khảo.
Thiện Ý – Bolsa