Dân các nước châu Á ngày càng thù địch với Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dân các nước châu Á ngày càng thù địch với Trung Quốc

31/03/2021 – Les Echos nhận xét tại châu Á, tình cảm chống Trung Quốc không ngừng tăng lên. Nếu cứ tiếp tục ngạo mạn và hung hăng như hiện nay, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tâm lý bài Hoa ngày càng lớn mạnh trên thế giới.

Virus corona tiếp tục chiếm đa số trang nhất báo Pháp hôm nay. Le Monde nhận định «Covid: Chính quyền bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ ba». Le Figaro đăng ảnh tổng thống Pháp đeo khẩu trang đang chống cằm suy nghĩ, chạy tựa «Macron dưới áp lực của những người muốn phong tỏa», Les Echos nói về «Covid: Thế tiến thoái lưỡng nan của Macron». Riêng Libération dành trọn số báo hôm nay để «Cám ơn Willem», họa sĩ biếm của tờ báo suốt 40 năm qua, nay giã từ cây cọ vẽ. Còn ảnh bìa của La Croix là những cánh quạt điện gió và tấm năng lượng mặt trời, với hàng tít «Năng lượng xanh bị phê phán».

Ảnh minh họa : Một người biểu tình Duy Ngô Nhĩ dẫm lên cờ Trung Quốc, phản đối chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Vương Nghị ngày 25/03/2021.
Ảnh minh họa : Một người biểu tình Duy Ngô Nhĩ dẫm lên cờ Trung Quốc, phản đối chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Vương Nghị ngày 25/03/2021. AP – Emrah Gurel

Dư luận quốc tế ngày càng thù địch với Trung Quốc

Về châu Á, Les Echos phân tích «Tại châu Á, tình cảm chống Trung Quốc không ngừng tăng lên». Theo tờ báo, nếu không thay đổi mục tiêu, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tâm lý bài Hoa ngày càng lớn trên thế giới. Tại Miến Điện, phong trào tấn công vào các lợi ích Trung Quốc có nguy cơ gia tăng thập bội, bên cạnh đó một bộ phận thanh niên Đông Nam Á tham gia trên mạng xã hội theo cách của mình, tạo thêm sức mạnh cho mặt trận này.

Hồi năm 2017 tại Davos, Tập Cận Bình không giấu sự hãnh diện khi Trung Quốc đóng vai trò lớn trong toàn cầu hóa. Vài năm sau đó, chính quyền Bắc Kinh gây ra không ít ngờ vực cộng với xu hướng chống Trung Quốc ngày một lan rộng. Biển Đông, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Đài Loan : Trung Quốc mở ra nhiều mặt trận và phải gánh chịu làn sóng chỉ trích dữ dội, vốn hiếm khi nghe thấy cho đến nay.

Những «chiến lang» tức chiến binh sói, các nhà ngoại giao thế hệ mới tả xung hữu đột bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh, với thái độ vừa ngạo mạn vừa cố chấp, càng làm dư luận quốc tế thêm thù địch với Trung Quốc.

Bắc Kinh gây thù chuốc oán khắp nơi

Miến Điện là ví dụ mới nhất. Đầu tháng Ba, khi gọi vụ đảo chính của quân đội chỉ là «cải tổ nội các» và từ chối lên án, Bắc Kinh tạo cảm tưởng ủng hộ các tướng lãnh đảo chính. Người biểu tình đã tấn công vào các nhà máy Trung Quốc ở ngoại ô Rangoon, đa số là dệt may. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Miến Điện, khoe rằng đã tạo ra 400.000 việc làm, nhưng chính ảnh hưởng lớn lao về kinh tế đã khiến người ta phải cảnh giác. Không phải là ngẫu nhiên khi trong thăm dò, 3/4 người Miến Điện đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ.

Tâm lý chống Trung Quốc không phải là mới mẻ : Indonesia và Malaysia trong những thập niên trước từng rung chuyển với những cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh. Điểm mới ở đây là sự tương phản giữa hình ảnh của một Trung Quốc «quyền lực mềm» về văn hóa, và «quyền lực cứng» kinh tế, chính trị, quân sự. Một mặt, Bắc Kinh viện trợ, tặng vac-xin cho một số nước nghèo, mặt khác lại giương oai diễu võ trên mọi phương diện. Tháng 4/2020, Bắc Kinh ngang nhiên công bố lập ra cái gọi là «quận đảo Tây Sa và Nam Sa» để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hai tháng sau, trên đỉnh Himalaya, Trung Quốc điều lực lượng dân quân chuyên về cận chiến đến tấn công dã man những người lính Ấn Độ.

Mỗi lần như thế, tình cảm bài Hoa lại sục sôi. Một nghiên cứu của ISEAS-Yusof Ishak Institut về Đông Nam Á cho thấy rõ: trong số 1.032 người được hỏi, có 76,3% nhìn nhận Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế mạnh nhất, nhưng 72,3% tỏ ra lo sợ trước Bắc Kinh.

Liên minh trà sữa, mặt trận xuyên quốc gia chống Trung Quốc

Trên mạng xã hội, «Liên minh trà sữa» là một dạng mặt trận xuyên quốc gia chống độc tài Trung Quốc. Các nhà đấu tranh trẻ tuổi ở Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan với hashtag #milkteaalliance, bên cạnh những mối quan tâm trong nước còn bảo vệ những giá trị ngược lại với Bắc Kinh, từ dân chủ, nhân quyền, Nhà nước pháp quyền, cho đến tự do ngôn luận. Giới trẻ Hồng Kông chống việc Bắc Kinh thô bạo siết lại tự do tại đặc khu, Đài Loan từ chối chịu thua trước áp lực của Hoa lục, thanh niên Thái Lan cũng như láng giềng Miến Điện nghi ngờ Trung Quốc bí mật bán vũ khí cho quân đội nước mình.

Quá tự tin về sức mạnh bản thân, Trung Quốc chẳng những coi thường những lời chỉ trích, mà còn đổ dầu vào lửa. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh với sự giúp sức của các «chiến lang», công khai những tham vọng của mình, và cuộc đối đầu như với Hoa Kỳ có thể mở rộng tại nhiều nơi trên thế giới.

Nếu tại Miến Điện người dân chống lại các ông chủ Trung Quốc, hiện tượng này cũng có cơ nhân rộng tại Cam Bốt hoặc các nước khác trong khu vực. Cung cách ngoại giao hung hăng, chủ trương biến một số nước thành chư hầu đã là chất men xúc tác cho mặt trận chống Trung Quốc. Dù hùng mạnh, Bắc Kinh khó thể thu phục được các láng giềng, và lại càng khó hơn với các đối tác.

Kiểm soát đường hàng hải quốc tế: Sức mạnh của cường quốc biển

Trên lãnh vực kinh tế, nhà báo kiêm kinh tế gia François Langlet khi trả lời phỏng vấn của Le Figaro đã nhận định «Tai nạn ở kênh đào Suez là một lời cảnh báo mới về toàn cầu hóa». Trung Quốc và Nga lợi dụng vụ tàu container Ever Given bị mắc kẹt vừa rồi để cạnh tranh, giành ảnh hưởng với Mỹ.

Theo ông Langlet, tuy hậu quả kinh tế không nặng nề lắm, nhưng hậu quả về địa chính trị rất rõ. Ngay từ khi sự cố này xảy ra, Nga đã đề nghị một con đường khác giữa phương Đông và châu Âu thông qua Bắc Cực, ngắn hơn 5.000 kilomet so với kênh đào Suez. Trung Quốc cũng hành động tương tự với Con đường tơ lụa mới cực bắc.

Cả hai chế độ độc tài đều nhấn mạnh đến lợi thế của con đường mình đề nghị, thay thế cho Suez. Bởi vì xưa nay sức mạnh luôn đến từ việc xây dựng và kiểm soát những tuyến đường thương mại toàn cầu, đặc biệt là kiểm soát đường hàng hải. Một quốc gia chỉ có thể giữ vị trí đại cường khi là cường quốc biển.

Kênh Suez được châu Âu lúc đó đang thống trị thế giới, đặc biệt là Pháp, xây dựng từ thế kỷ 19. Sau Đệ nhất Thế chiến châu Âu phải nhường chỗ cho ông chủ mới là Hoa Kỳ kiểm soát các tuyến đường thương mại quốc tế trong suốt thế kỷ 20. Sự thống trị của Mỹ đang bị Trung Quốc và Nga tranh chấp, hai nước này đề nghị mô hình toàn cầu hóa và tuyến đường của riêng mình.

Tai nạn kênh Suez: Lời cảnh báo cho toàn cầu hóa

Điều gây ấn tượng nhất cho nhà kinh tế này trong vụ Ever Given, là sự trừng phạt đối với những công trình khổng lồ – những chiếc tàu biển luôn lớn hơn, những chồng container luôn cao hơn –  đã trở thành nạn nhân của con kênh hẹp bề ngang. Những tàu chở hàng kềnh càng là biểu tượng của quốc tế hóa với thủy thủ đoàn và hàng hóa thuộc mọi quốc tịch, treo cờ các thiên đường thuế. Tai nạn này là lời cảnh báo mới cho toàn cầu hóa và những căng thẳng mà nó gây ra.

Đại dịch làm luồng hàng xuất nhập khẩu tăng lên. Dường như hành tinh vẫn còn bất động, ít nhất là ở phương Tây, khách hàng yên vị tại nhà vì sợ lây nhiễm, còn hàng hóa được giao đến tận nơi cho họ. Thế giới của các sinh vật sống chậm lại, nhưng thế giới của đồ vật chuyển động nhanh với các tàu chở container. Qua tai nạn vừa rồi, chúng ta phát hiện hậu trường của toàn cầu hóa.

Chẳng hạn với 130.000 con cừu từ Rumani bị kẹt trên tàu, hai vấn đề được đặt ra: điều kiện sống của súc vật bị làm ngơ vì lợi ích kinh tế, bên cạnh đó là thiệt hại cho môi trường qua tình trạng nuôi nhốt hàng loạt và vận chuyển sản phẩm bằng đường biển. Hàng xuất đi của các nước được chuyên biệt hóa cao độ : cừu từ Rumani, trái bơ từ Mêhicô, bò từ Achentina…Nhưng trong hệ thống giá cả hiện nay không tính đến những tác động phái sinh như khí carbonic do tàu biển thải ra, ngược đãi loài vật…Liệu lương tâm tập thể có thể chiến thắng ?

Turkmenistan: Tổng thống từ đời cha sang đời con

Cuối cùng nhìn sang Trung Á, La Croix viết về «Turkmenistan, tổng thống cha truyền con nối»: Con trai của nhà độc tài Gourbangouly Berdymoukhamedov không ngừng được thăng chức từ một năm qua, khiến người ta đồn đãi ông ta sẽ nối ngôi cha.

Cuối tuần qua, tổng thống Turkmenistan, cầm quyền từ 2006, vừa chiếm được một ghế thượng nghị sĩ với 100% số phiếu, một tỉ lệ tương đương với Bắc Triều Tiên, mà Turkmenistan cũng đang «cạnh tranh» danh hiệu đất nước khép kín nhất thế giới.

Năm 2017, ông Berdymoukhamedov tái đắc cử tổng thống của quốc gia 5 triệu dân với tỉ lệ 98%. Năm ngoái, Hiến Pháp đã được sửa đổi với việc thành lập Quốc Hội lưỡng viện, tăng cường vai trò của «Hội đồng nhân dân» mà tổng thống vừa được bầu vào : trong trường hợp tổng thống mất năng lực, thì chủ tịch hội đồng này sẽ thay thế.

«Tầm cao dân chủ mới» và tượng vàng chó cưng của tổng thống

Lo quán xuyến một đại dịch mà Berdymoukhamedov nói là không hiện hữu và cuộc khủng hoảng kinh tế tại một nước lệ thuộc vào nguồn tài nguyên khí đốt, hồi tháng Chín tổng thống khẳng định bản Hiến Pháp «sẽ nâng công việc của các định chế dân chủ lên một tầm cao mới». Chỉ vài tuần sau, một bức tượng dát vàng cao sáu mét của Alabay, chó cưng của tổng thống thuộc giống berger Trung Á, được khánh thành ngay tại thủ đô Achkhabad.

Serdar Berdymoukhamedov, 38 tuổi, con trai tổng thống hồi tháng 2/2020 đang là thống đốc một tỉnh bỗng trở thành bộ trưởng Kỹ nghệ & Xây dựng, và nay chiếm một ghế ở Hội đồng An ninh, đặc biệt là chức phó thủ tướng. Một chức vụ rất quan trọng vì chức thủ tướng đã bị bãi bỏ từ năm 1992.

Giai đoạn mới theo các nhà quan sát, Serdar sẽ được đặt vào ghế chủ tịch Hội đồng nhân dân, như vậy con trai tổng thống sẽ là người kế vị ông. Và thật ra Turkmenistan chưa bao giờ biết đến dân chủ. Gourbangouly Berdymoukhamedov chỉ kế nhiệm Saparmyrat Nyyazow, cầm quyền từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, sau khi ông này qua đời.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210331-d%C3%A2n-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C3%A2u-%C3%A1-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-th%C3%B9-%C4%91%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c