Ðiểm Báo Pháp – 25/3/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 25/3/21

Liên Âu: Từ cuộc chiến chống Covid-19 đến cuộc chiến giữ vac-xin

25/03/2021 – Phương Tây tập hợp lại liên minh tạo mặt trận đối phó với Trung Quốc và Nga; châu Âu tiếp tục chật vật tìm giải pháp bảo đảm nguồn cung ứng vac-xin để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19; Thổ Nhĩ Kỳ bỗng nhiên ngả sang Liên Âu khi gặp khó khăn… Và tất nhiên không thể thiếu các trang báo về cuộc chạy đua với thời gian chiến chống đại dịch Covid ở Pháp cũng như nhiều nơi khác. Đó là những chủ đề được quan tâm nhiều trên các báo Pháp ra hôm nay.

Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, và Moderna : ba loại vac-xin phòng Covid-19 được sử dụng tại châu Âu. Ảnh minh họa.
Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, và Moderna : ba loại vac-xin phòng Covid-19 được sử dụng tại châu Âu. Ảnh minh họa. REUTERS – DADO RUVIC

Trước hết đến với nhật báo Le Monde. Tờ báo trở lại sự kiện hôm 23/03 vừa qua, tại Bruxelles, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc họp với các đồng minh trong khối NATO. Mục đích cuộc họp này là để « Hoa Kỳ trấn an các đồng minh ». Le Monde ghi nhận, cuộc họp dầu tiên dưới chính quyền Biden này mở ra một « quan hệ mới » mà « Bruxelles đang rất mong đợi, để xóa đi 4 năm căng thẳng chưa từng có, khi chính quyền Donald Trump đã làm lung lay nền móng của tổ chức ». Với các nước châu Âu thì đây là dịp hội ngộ, còn về phần chính quyền mới ở Mỹ thì đây cũng là dịp để khôi phục lại rõ ràng mối quan hệ với các đồng minh. Đó là khẳng định lại « tầm quan trọng của NATO », cam kết « đầu tư, hiện đại hóa » khối đồng minh quân sự này.

Tuy nhiên, theo Le Monde, vẫn còn những chi tiết bất đồng trong lập trường của Washington và của các nước Liên Hiệp Châu Âu, cũng như trong nội bộ NATO như « vấn đề quan hệ với Trung Quốc, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hay về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh ». Nhìn chung đây là cuộc gặp đầu tiên, chủ yếu là để trấn an nhau bằng những cam kết, chưa thể có những quyết định gì lớn, nhưng lại phản ánh sự phân hóa địa chính trị trên thế giới hiện nay.

Trong một bài báo khác trên trang Quốc tế, Le Monde cũng đề cập đến cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước Nga và Trung Quốc. Giữa lúc phương Tây đang tập hợp đội ngũ nhằm vào mình, Bắc Kinh và Matxcơva cũng lập « mặt trận chung đối phó lại với phương Tây », chủ yếu là với việc chính quyền Mỹ của Joe Biden, đang đánh giá lại các hồ sơ lớn quốc tế cũng như ngày càng tỏ rõ lập trường cứng rắn với hai cường quốc đối địch này.

Châu Âu thận trọng với Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyển qua nhật báo La Croix, vẫn là chủ đề địa chính trị, liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời của tổng thống Erdogan trong suốt giai đoạn dài vừa qua luôn tỏ ra ương ngạnh, sẵn sàng lên gân hay ly khai với các đồng minh phương Tây, giờ đây bỗng đổi hướng chiến lược, quay sang ngỏ ý muốn xây dựng quan hệ tốt với châu Âu.

Nhật báo Công giáo chạy tựa lớn trang nhất cho thấy ngay lý do: « Lâm vào khủng hoảng, Thổ Nhĩ Kỳ quay lại hướng châu Âu ». Hôm nay, các lãnh đạo châu Âu có cuộc họp xem xét lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hiện đang lâm vào khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Tờ báo nhận xét, quan hệ Liên Âu – Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều tháng nay liên tục căng thẳng vì các xung đột quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tại Syria, gây căng thẳng ở đông Địa Trung Hải với Hy Lạp hay Libya. Gần đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp có những tuyên bố muốn có quan hệ tốt với Liên Âu. Nguyên do được giới quan sát chỉ ra là chính quyền Erdogan từ cuối năm qua đã gặp quá nhiều khó khăn, cảm thấy không thể đơn thương độc mã nữa, nên quay sang ve vãn Liên Âu. La Croix ghi nhận, tuy sẵn sàng hòa dịu, nhưng châu Âu cũng rất thận trọng với sự xích lại gần của Thổ Nhĩ Kỳ.

Châu Âu khởi động cuộc chiến giữ vac-xin

Chuyển sang vấn đề đang làm cả Liên Hiệp Châu Âu lo lắng nhất lúc này là làm sao bảo đảm được nguồn cung ứng vac-xin phòng Covid, trong lúc các nước trong Liên Hiệp đang chật vật chống chọi với làn sóng dịch thứ 3.

Đây là chủ đề nóng của cuộc họp thượng đỉnh châu Âu qua truyền hình hôm nay. Le Figaro có bài : « Các nước châu Âu sẵn sàng cấm xuất vac-xin ra ngoài Liên Âu » để bảo đảm được cung cấp theo đơn đặt hàng trước. Ngay từ đầu đại dịch cho đến nay, chiến dịch tiêm chủng châu Âu đã liên tiếp bị thất bại. Trong khi hàng loạt nước như Pháp, Đức Hà Lan, Bỉ trong những ngày qua phải tăng cường các biện pháp thắt chặt phòng dịch. Để chống làn sóng dịch thứ 3, hy vọng duy nhất của các nước đặt hoàn toàn vào thành công của chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Thế nhưng, cả Liên Âu lại rơi vào tình trạng thiếu thuốc, trong khi đây lại là nơi tập trung các nhà máy bào chế vac-xin ngừa Covid, hiện đang lưu hành. Theo số liệu chính thức, đến nay mới có 70 triệu liều vac-xin được giao cho các nước thành viên, rất thấp so với đơn đặt hàng 300 triệu liều của Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi 43 triệu liều vac-xin đã được các hãng dược cho xuất ra ngoài châu lục, thì vac-xin vẫn chỉ được ung cấp nhỏ giọt cho Liên Hiệp. Hiện tại, các nước trong Liên Âu đã tiêm hết 60 triệu liều, đạt 12% dân số. Cùng lúc, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ là 30% dân số, ở Anh Quốc là 40%. Đó là lý do khiến Ủy Ban Châu Âu quyết định sẽ siết chặt hơn nữa việc xuất vac-xin ra khỏi lãnh thổ của Liên Âu, cho dù quyết định như vậy gây không ít tranh cãi về vấn đề tự do mậu dịch.

Liên Âu đặt mục tiêu đến hết mùa hè này, 70% dân số trong khối sẽ được tiêm vac-xin. Mục tiêu khó có thể đạt được với tiến độ cung ứng vac-xin như hiên nay. Tranh cãi căng thẳng còn dấy lên giữa Liên Âu và Anh Quốc, nước đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng là khách hàng đặt vac-xin chủ yếu của AstraZeneca, hãng được mang màu cờ sắc áo của Anh. Mặt khác, Anh cũng là nước được nhập vac-xin các loại nhiều nhất từ lãnh thổ của Liên Âu.

Les Echos nhìn thẳng vào dự định cấm xuất khẩu vacxin qua hàng tựa trang nhất : « Vac-xin : Liên Âu tự vũ trang trước Anh Quốc ». Vận dụng đến cơ chế quản lý thương mại và nhân danh chủ quyền kinh tế, để bảo đảm nguồn vac-xin, chỉ là biện pháp mang tính răn đe và đến nước cùng mới phải làm, các báo đều có chung nhận xét.

Cuba bên bờ khủng hoảng thực phẩm

Vẫn liên quan đến những hệ lụy của dịch Covid 19, Le Figaro có bài phóng sự dài về tình trạng thiếu thốn lương thực ở Cuba, giờ càng trầm trọng vì dịch bệnh.

Bài phóng sự có tiêu đề : « Cuba bên bờ hỗn loạn thực phẩm ». Bài phóng sự cho thấy, đất nước này từ nhiều năm qua luôn trong tình trạng thiếu thốn lương thực thực phẩm. Giờ đây với dịch Covid-19, tình hình càng trở nên trầm trọng, người dân ở thủ đô La Habana phải xếp hàng nhiều giờ để mua vài trăm gram gạo hay thịt gà, loại thịt thi thoảng mới có.

Bài phóng sự ghi nhận khắp thủ đô Cuba, các cửa hàng, quán ăn đóng cửa không phải vì phòng dịch, mà vì không có gì để bán. Vẫn duy trì chế độ bao cấp, nhưng chính phủ đã không thể cung cấp hàng hóa, lương thực thực phẩm cho dân. Đầu cơ, tích trữ hàng, chợ đen nở rộ một cách nhốn nháo, càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm thực phẩm, và người dân là nạn nhân đầu tiên.

Ngày càng có nhiều người Cuba bằng cách này hay cách khác tìm cách bỏ nước ra đi. Còn lại chính quyền Cộng Sản tiếp tục kiên định với đường lối Xã hội chủ nghĩa và đổ cho Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ của người Cuba.  

Đuốc Olympic Tokyo không tắt

Trở lại với nhật báo La Croix với một sự kiện diễn ra trong ngày hôm nay ở Nhật Bản, cuộc rước đuốc Olympic. Từ thành phố Fukushima biểu tượng cho sự hồi sinh và tái thiết sau vụ sóng thần và tai nạn hạt nhân khủng khiếp cách đây 10 năm, ngọn đuốc Olympic bắt đầu hành trình về thủ đô, chuẩn bị cho lễ khai mạc kỳ Thế Vận Hội ToKyo đầy biến động, dự kiến vào ngày 23/06 tới.

Tờ báo dành bài phân tích dài lấy tựa đề : « Ngọn lửa Thế Vận Hội Tokyo chập chờn, nhưng không tắt ». Theo La Croix từ vài tuần nay, ở Tokyo lan truyền một giai thoại đùa vui về Thế Vận Hội rằng « Tháng Ba chúng ta có Thế vận hội không khán giả nước ngoài, tháng Tư sẽ là Thế Vận hội không khán giả Nhật, tháng Năm chúng ta sẽ có Thế Vận Hội không vận động viên ». Giai thoại hài hước này nói lên số phận bất ổn của kỳ Thế Vận Hội, ban đầu được người Nhật hằng ao ước, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Thế Vận Hội Tokyo 2020 bị đẩy lùi một năm. Dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nước chủ nhà, với những diễn biến không lường trước được. Chính phủ và các nhà tổ chức quyết tâm bằng mọi giá duy trì sự kiện, đành phải nghe ngóng rồi đưa ra các giải pháp chạy theo sau Covid-19.

Ngày càng đông người dân không còn muốn có Tokyo 2021, giờ có xu hướng chuyển thành một kỳ Thế Vận Hội « giãn cách », một phương thức sinh hoạt đã trở nên quen thuộc với mọi người dân trên thế giới từ một năm nay.

Theo La Croix, hành trình rước đuốc đã xuất phát, « ngọn lửa thiêng chập chờn nhưng không tắt. Đây sẽ là kỳ Thế Vận Hội không giống với các kỳ khác, vì hoàn cảnh đặc biệt buộc phải thích nghi », La Croix kết luận.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210325-li%C3%AAn-%C3%A2u-t%E1%BB%AB-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-covid-19-%C4%91%E1%BA%BFn-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-gi%E1%BB%AF-vac-xin