Ngoại giao “chiến lang” Trung Quốc bị phản đòn từ Mỹ tại Alaska
20/03/2021 – Khẩu chiến dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska trong bối cảnh Washington làm rõ thêm chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, cộng đồng châu Á tại Hoa Kỳ trong cơn chấn động sau một vụ thảm sát 8 người tại Atlanta, bang Georgia, chính quyền Hồng Kông bị tố cáo đối xử tàn nhẫn với trẻ em bị Covid-19… Trên đây là một số đề tài nổi bật sẽ được RFI phân tích trong tạp chí Thế Giới Đó Đây hôm nay.
Trong hai ngày 18-19/03/2021 lãnh đạo hàng đầu của ngành ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gặp nhau tại thành phố Anchorage, bang Alaska miền cực bắc nước Mỹ. Đại diện Mỹ là ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, còn phía Trung Quốc là ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy Viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì phụ trách đối ngoại.
Nhân cuộc tiếp xúc mặt đối mặt cấp cao đầu tiên của hai bên từ ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ để bàn về tương lai quan hệ Mỹ-Trung, đã trở nên rất căng thẳng dưới thời ông Donald Trump, lẽ ra không khí phải hòa hoãn, thế nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Khẩu chiến đã bùng lên dữ dội ngay ngày đầu tiên của cuộc gặp, với Trung Quốc tỏ ngay thái độ hung hăng đối với Hoa Kỳ, sau khi bị Mỹ chỉ trích về một loạt vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan, cho đến vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cùng nhiều hồ sơ khác. Phía Mỹ cũng không vừa, đã đáp trả ngay lập tức. Và tất cả đều diễn ra công khai, dưới ống kính truyền hình quốc tế.
Chính quyền Biden sẵn sàng đọ sức chính trị với Trung Quốc
Theo ông Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), khi công khai nêu bật những quan ngại của mình về các hành động của Trung Quốc, chính quyền Biden đã muốn cho Bắc Kinh hiểu rõ là Washington “sẽ không tự bằng lòng với một cuộc đối đầu kinh tế như thời Donald Trump, mà còn sẵn sàng lao vào một đọ sức chính trị”.Publicité
Nhận xét về các động thái đại diện Bắc Kinh, ông Marc Julienne công nhận đây là “lần đầu tiên mà Trung Quốc áp dụng kiếu ngoại giao “Chiến Lang” ở cấp độ đàm phán cao cấp như vậy”. Cung cách ngoại giao hù dọa, hiếu chiến mà Bắc Kinh áp dụng cho đến nay thường chỉ giởi hạn trên mạng Twitter, trong các thông cáo báo chí hoặc ở cấp đại sứ quán, chứ chưa hề được thấy trong những sự kiện quan trọng như cuộc gặp tại Alaska.
Bắc Kinh tức tối trước các động thái cứng rắn của Mỹ
Giải thích về thái độ hung hăng từ phía Trung Quốc, ông Antoine Bondaz, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS cho rằng đó là phản ứng trước việc chính quyền Biden trong thời gian gần đây đã gia tăng các hành động cứng rắn nhắm vào Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đã hội đàm với các lãnh đạo Úc, Nhật và Ấn vào ngày 12/3 để thổi luồng sinh khí mới vào “Bộ Tứ”, một liên minh được thành lập vào năm 2007 nhằm chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken thì đã chọn châu Á cho chuyến công du chính thức đầu tiên từ ngày nhậm chức, và ghé thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối thủ trực tiếp của Trung Quốc.
Theo ông Peter Gries, giám đốc viện nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại Học Manchester, Bắc Kinh đã xem đó là những dấu hiệu cho thấy là Washington muốn củng cố một mặt trận chống Trung Quốc. Chuyên gia này cho rằng: “Phản ứng của Trung Quốc càng dữ dội hơn khi chính quyền Biden trở lại với chiến lược ngoại giao đa phương mà Bắc Kinh coi là đáng lo ngại hơn kiểu ngoại giao tay đôi mà Donald Trump chủ trương”
Trọng Nghĩa