Nhà thơ Ocean Vương được vinh danh với giải thưởng Nhân tài
Tối thứ Hai vừa qua, trên Hoàng Bách Channel, LS Steven Dieu chia sẻ về câu chuyện của nhà thơ người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong với những giải thưởng lớn của Hoa Kỳ mà nhà thơ đã đạt được. Điều ngạc nhiên là gia cảnh của Ocean Vuong, một gia đình nghèo khó Bà Ngoại anh người Việt (gốc ở Gò Công) ông Ngoại anh là một người Mỹ tham chiến ở Việt Nam sanh ra 2 người con gái (mẹ và dì của nhà thơ) nhưng bỏ vào cô nhi viện mà anh đã vươn lên như thế nào. Ocean Vuong sanh năm 1988 sang Mỹ năm 1990. Mẹ và Bà của anh đều mù chữ Việt và chữ Anh…
Xin post câu chuyện nhà thơ Ocean Vuong.
NA
Nhà thơ Ocean Vương được vinh danh với giải thưởng Nhân tài
https://tuoitre.vn/nha-tho-ocean-vuong-duoc-vinh-danh-voi-giai-thuong-nhan-tai-20190926203122457.htm
Nhà thơ Ocean Vương – Ảnh: John D. & Catherine T. MacArthur Foundation 27/09/2019
Ocean Vương – nhà thơ người Mỹ gốc Việt – là một trong 26 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ được vinh danh. Ở độ tuổi 30, Ocean Vương cũng chính là một trong hai người trẻ nhất trong danh sách nhân tài của nước Mỹ năm nay.
Tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương (On Earth We’re Briefly Gorgeous) hiện đang càn quét danh sách những quyển sách được yêu thích nhất.
Vừa được xuất bản vào tháng 6 năm nay, tiểu thuyết lập tức lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times và vừa lọt vào vòng đề cử giải thưởng sách quốc gia Mỹ. Quyển tiểu thuyết đầy chất thơ này được viết dưới dạng một bức thư của một người con trai gửi cho mẹ mình.
Điều đặc biệt là người mẹ đó không biết chữ. Quyển sách tái hiện một cách sinh động và đau đớn những ám ảnh về chiến tranh và nỗi thương nhớ cố hương mà những người Việt di cư và con cháu họ thường phải đem theo suốt cuộc đời mình.
Một đoạn của tiểu thuyết viết: “Con đã luôn tự nhủ rằng chúng ta đã được sinh ra từ chiến tranh, nhưng con đã sai. Chúng ta được sinh ra từ vẻ đẹp. Đừng để ai nhầm lẫn chúng ta với hoa trái của bạo lực – nhưng bạo lực đó, sau khi xuyên qua hoa trái ấy, không thể nào làm cho nó hư hỏng”.
Quỹ MacArthur cho biết họ trao giải thưởng cho Ocean Vương vì anh “kết hợp truyền thống dân gian với những thử nghiệm ngôn ngữ trong các tác phẩm”.
Sang Mỹ từ lúc 2 tuổi và nói tiếng Việt thông thạo, Ocean Vương là một trong những nhà văn gốc Việt luôn bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Việt trong các tác phẩm viết bằng tiếng Anh của mình.
Trong tập thơ Night Sky with Exit Wounds của anh, bài thơ Headfirst đã được in cùng với hai câu thành ngữ: “Không có gì bằng cơm với cá/ Không có gì bằng má với con”.
Bài thơ My Father Writes from Prison được bắt đầu với sự thiêng liêng của tiếng Việt: “Lan ơi, em khỏe không? Giờ em đang ở đâu? Anh nhớ em và con quá…”.
Tiếng Việt luôn xuất hiện trong tập thơ và các tác phẩm khác của Ocean Vương với đầy đủ dấu. Night Sky with Exit Wounds đã trở thành một trong những tập thơ bán chạy nhất trong thời gian gần đây, được vinh danh với những giải thưởng danh giá nhất như giải thưởng thơ Whiting, giải thưởng thơ Forward Prize, giải thưởng T. S. Eliot…
Ở Việt Nam, tập thơ này đã được nhà thơ Hoàng Hưng chuyển ngữ, Phanbook và NXB Hội Nhà Văn ấn hành với nhan đề Trời đêm những vết thương xuyên thấu.
Giải thưởng Nhân tài mà Ocean Vương vừa nhận được chắc hẳn là nguồn động viên to lớn với mẹ anh, người đang phải điều trị căn bệnh ung thư giai đoạn 4.
Đó là một người mẹ vĩ đại, bởi bà đã quần quật làm việc ở tiệm sơn sửa móng tay để nuôi Ocean Vương khôn lớn nên người. Một lần, khi đến dự buổi ra mắt sách của Ocean Vương, mẹ anh đã khóc và nói với anh rằng: “Má không bao giờ nghĩ mình sẽ sống để nhìn thấy những người da trắng lớn tuổi vỗ tay tán thưởng cho con trai của má”.
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Bài đọc thêm:
Ocean Vương và hành trình thi ca
04/05/2016
https://tuoitre.vn/ocean-vuong-va-hanh-trinh-thi-ca-1092784.htm
TTCT – Sang Mỹ định cư từ khi mới lên 2, những tác phẩm thơ ca của Ocean Vương (Vinh Quốc Vương) mới đây đã khiến tờ The New Yorker gọi anh là “người sửa lại ngôn ngữ tiếng Anh”.
Ocean sinh năm 1988 ở ngoại thành Sài Gòn. Hai năm sau, anh cùng sáu người họ hàng di cư tới Hartford, Connecticut, nơi tất cả sống trong căn hộ một phòng ngủ. Tại trường học, Ocean nói với New York Times, anh mất một thời gian dài “vật lộn” với tiếng Anh trước khi có thể sử dụng thuần thục ngôn ngữ này (mãi đến năm 7 tuổi anh mới biết đọc).
Anh có cái tên “Ocean” (đại dương) vì mẹ anh, với vốn tiếng Anh ít ỏi, trong một lần làm móng cho khách đã phát âm câu “I want to go to the beach” (Tôi muốn đến bãi biển) thành một nghĩa khá nhạy cảm [1]. Một vị khách nghe thế bèn đề nghị bà dùng từ “ocean” để thay thế.
Khi biết từ này không phải để chỉ bãi biển mà để chỉ một vùng nước bao bọc nhiều quốc gia, gồm cả Mỹ lẫn Việt Nam, bà đã dùng nó để đặt tên cho con trai mình.
“Với một người Mỹ sinh ra trên đất Mỹ, cuộc sống bình thường có thể rất tẻ nhạt, song với tôi ngôn ngữ tiếng Anh là một đích đến” – Ocean trả lời Daniel Wenger của tờ The New Yorker. Giờ đây, ở tuổi 27, anh vừa nhận giải thưởng Whiting Award, Nhà xuất bản Copper Canyon Press vừa xuất bản tập thơ mới nhất của anh – Night sky with exit wounds (tạm dịch: Trời đêm và lỗ đạn bắn).
Tại tiệm cà phê Caffè Reggio, Vương uống trà nhài, mặc áo lụa đen trang trí hình hoa chấm tròn. “Nơi này giống như chốn giao thoa của hai dòng thời gian” – anh nói, tay chỉ vào một cái thùng bằng bạc để làm cà phê espresso (một trong những máy làm espresso đầu tiên của nước Mỹ, do Ý sản xuất) và chiếc quầy nơi Joseph Brodsky, một nhà thơ khác (vốn ban đầu cũng không biết tiếng Anh), từng nhận thư.
Một bối cảnh phù hợp cho một người chịu ảnh hưởng bởi lối châm biếm thẳng thừng của Frank O’Hara [2] và những câu chuyện ngụ ngôn dị kỳ của Federico García Lorca [3]. Đọc thơ của Vương giống như chứng kiến cá bơi: anh lội qua những dòng chảy đa dạng của tiếng Anh bằng trực giác của cơ bắp.
Tuyển tập thơ dài đầu tiên của Ocean Vương, Night sky with exit wounds, hiện đã bán hết trên trang Amazon.com (tính đến ngày 25-4-2016, giờ Việt Nam). Ngoài giải thưởng Whiting Award năm 2016, Vương còn nhận nhiều giải thưởng và khen tặng từ Poets House, Quỹ Elizabeth George Foundation, Quỹ Civitella Ranieri, Quỹ nghệ thuật Saltonstall, Hiệp hội Nhà thơ Mỹ. Những tác phẩm của anh xuất hiện trên các tờ Kenyon Review, The Nation, New Republic, The New Yorker, The New York Times, Poetry và American Poetry Review, giúp mang lại cho anh giải thưởng Stanley Kunitz, hạng mục nhà thơ trẻ. Các tác phẩm của Ocean đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Anh tốt nghiệp ngành văn học Anh thế kỷ 19 tại ĐH Brooklyn (Mỹ). |
Thơ của Vương duyên dáng (Bạn, đẩy cơ thể mình/ vào dòng sông/ chỉ để còn lại/ chính mình) và gây kinh ngạc (Nói đầu hàng đi. Nói thạch cao đi. Dao bấm. Kim ngân. Hoàng hoa. Nói mùa thu đi.). Những dòng viết của anh vừa ngắn vừa dài. Sự sắp đặt câu chữ của anh vừa tự sự vừa trữ tình. Cách chọn từ của anh vừa trang trọng vừa phóng khoáng. Nhìn từ bên ngoài, Vương đã nhào nặn một chất thơ mang tính bao hàm.
Vương thích O’Hara và những nhà thơ khác của nhóm New York School [4] vì sự thẳng thắn khi bàn về tình dục. Anh thường trả lời điện thoại tại cửa hiệu làm móng, xem chương trình của Oprah và Ellen trong lúc phục vụ khách.
Năm 2008, Vương học tiếp thị tại ĐH Pace với mong muốn hỗ trợ tài chính cho gia đình, song bỏ học chỉ sau ba tuần. Tại ĐH Brooklyn, Vương chọn chuyên ngành tiếng Anh, viết thơ lên những tấm bưu thiếp để tặng bạn bè.
Khi nhà thơ – tiểu thuyết gia Ben Lerner vào trường, ông giới thiệu Vương với ý niệm rằng đời viết lách là một điều khả thi. Trước đó, theo Vương, “tôi ngỡ mọi nhà thơ đều được sắp đặt trước. Chính quyền quyết định ai là nhà thơ. Obama hoặc Bush hoặc bất cứ ai có quyền nói rằng “Bạn, bạn, bạn””.
Bà ngoại của Vương qua đời vì ung thư xương trong lúc anh đang học ở Brooklyn. Bà được mai táng ở Việt Nam và anh đã quay về đây để dự tang lễ. “Tôi bị choáng ngợp, vì ai trông cũng giống gia đình tôi” – anh nói.
Vài người sẽ xem sự tương đồng này như một nguồn an ủi nhưng “Tôi thích trở nên bấp bênh hơn – Vương nói – Để những điều lạ kỳ có thể xảy ra”. Gia đình anh không hiểu lắm về sự nghiệp của con nên họ gọi anh là “học giả”. Vương không đính chính. “Giọng nói của gia đình tôi vang lên trong đầu mỗi khi tôi viết, khi tôi nghĩ, và tôi nghĩ sẽ chẳng có ngày nào tôi không tự hỏi chính mình rằng tôi nên làm gì với đôi tay này”.■
Ngày nào đó tôi sẽ yêu (Ocean Vương)
Sau Frank O’Hara / Sau Roger Reeves
Ocean, đừng lo lắng.
Phía cuối con đường hẵng còn xa
nó đã sau lưng ta.
Đừng lo. Cha cậu chỉ là cha cậu đến khi một trong hai quên lãng. Như cột sống
sẽ chẳng nhớ đôi cánh của nó
dẫu đầu gối ta bao lần
hôn vỉa hè chăng nữa. Ocean,
cậu có lắng nghe chăng? Phần đẹp nhất
của cơ thể cậu là bất cứ đâu
bóng của mẹ cậu tỏa xuống.
Nơi đây là ngôi nhà của tuổi thơ
thu nhỏ còn một sợi dây bẫy duy nhất.
Đừng lo. Cứ gọi nó là đường chân trời
& cậu sẽ không bao giờ chạm vào nó.
Còn hôm nay. Nhảy đi. Ta hứa đó không
phải một chiếc thuyền cứu hộ. Đây là người
có đôi tay đủ lớn để ôm lấy
những thứ sót lại của cậu. Và đây là khoảnh khắc,
ngay khi đèn tắt, khi cậu có thể nhìn
ngọn đuốc le lói giữa hai chân ông.
Cách cậu dùng đi dùng lại nó
đặng tìm kiếm đôi tay mình.
Cậu xin cơ hội thứ hai
& được trao một chiếc mõm để trút vào
Đừng lo lắng, tiếng súng
chỉ là âm thanh của người ta
đang cố sống lâu hơn chút. Ocean. Ocean,
đứng dậy. Phần đẹp nhất của cơ thể cậu
là nơi nó tiến đến. Và nhớ rằng,
nỗi cô độc vẫn là thời gian sống
trên đời. Đây là
căn phòng với mọi người trong đó.
Những bằng hữu quá cố của cậu đang đâm
xuyên cậu như ngọn gió
xuyên qua chuông gió. Đây là chiếc bàn
với chiếc chân cập kênh và hòn gạch
để giúp nó đứng. Đúng, đây là căn phòng
rất ấm và chung dòng máu,
Ta thề, cậu sẽ tỉnh –
và nhầm lẫn những bức tường này
với làn da.
(Đỗ Trí Vương dịch)
[1]: Từ “beach” trong tiếng Anh dễ bị đọc nhầm thành “bitch” (nghĩa là “chồn cái” và là một từ để nguyền rủa).
[2], [3]: Frank O’Hara (1926-1966) nhà thơ Mỹ, người dẫn đầu nhóm New York School. Federico García Lorca (1898-1936), nhà thơ Tây Ban Nha.
[4]: New York School: nhóm gồm những nhà thơ, họa sĩ, nhạc công… trong thập niên 1950-1960 của New York, hoạt động với nguồn cảm hứng chủ yếu từ chủ nghĩa hiện thực của châu Âu và những hình thức nghệ thuật mang tính “tiền phong” (avant-garde).
(Nguồn: Diacritics.org)