Ðiểm Báo Pháp – 16/3/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 16/3/21

Miến Điện: Dân trút giận vào Trung Quốc, giới sư sãi đứng ngoài

16/03/2021 – Tâm lý thù ghét Trung Quốc, vốn sở hữu những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn ở Miến Điện ngày càng gia tăng. Ít nhất hai nhà máy dệt may Trung Quốc gần Rangoon đã bị phóng hỏa, các cơ sở của Đài Loan đã phải treo lá cờ màu xanh đỏ của Đài Bắc để phân biệt với công ty Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng « 32 nhà máy Trung Quốc đã bị đốt », đòi bồi thường thiệt hại 37 triệu đô la.

Khói đen bốc lên từ các nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa ở khu công nghiệp Hlaing Thar Yar gần Rangoon, Miến Điện ngày 14/03/2021.
Khói đen bốc lên từ các nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa ở khu công nghiệp Hlaing Thar Yar gần Rangoon, Miến Điện ngày 14/03/2021. AP

Tại Miến Điện, con số người biểu tình thiệt mạng tiếp tục tăng lên, hôm Chủ nhật ít nhất 50 người, và theo tờ The Irrawady được Libération dẫn lại, là 73 người, chỉ bốn ngày sau khi Hội Đồng Bảo An lên án. Trong sáu tuần qua, ít nhất 183 người biểu tình đủ mọi lứa tuổi hoặc chỉ là người qua đường, đã bị thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Bên cạnh đó, có 2.156 người bị bắt hoặc bị kết án, chỉ có 319 người được trả tự do. Hàng loạt trí thức, công chức đình công nay đã vào tù ; và theo lệnh thiết quân luật tại sáu quận của Rangoon sau ngày Chủ nhật đẫm máu vừa rồi, tất cả những ai bị ra trước tòa án quân sự sẽ bị ít nhất ba năm tù khổ sai, internet thường xuyên bị cắt. Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh nhận hối lộ 600.000 đô là và 11 ký vàng.

Tâm lý thù địch với Trung Quốc ngày càng tăng

Dù bị đàn áp, cuộc biểu tình ngồi vẫn diễn ra hôm qua và thêm 15 nạn nhân. Nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher nhấn mạnh đến lòng can đảm của người Miến Điện, họ đấu tranh để bảo vệ một mô hình dân chủ, đối kháng với mô hình độc đoán của Bắc Kinh, với một thiểu số quyết định thay cho đa số.

Tâm lý thù ghét Trung Quốc, vốn sở hữu những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn ở Miến Điện và không lên án vụ đảo chính, ngày càng gia tăng. Ít nhất hai nhà máy dệt may có liên quan đến Trung Quốc và một nhà máy khác của Đài Loan tại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar gần Rangoon đã bị phóng hỏa. Le Figaro cho biết các nhà máy Đài Loan đã phải treo lá cờ màu xanh đỏ của Đài Bắc để phân biệt với công ty Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng « 32 nhà máy Trung Quốc đã bị đốt », đòi bồi thường thiệt hại 37 triệu đô la và các thủ phạm phải bị trừng phạt. Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo từ phương Tây, « người Hồng Kông ly khai » cho đến các tổ chức phi chính phủ. Publicité

Một nhà đấu tranh nhân quyền Miến Điện phẫn nộ cho rằng nếu Bắc Kinh thực sự lo cho lợi ích của mình thì phải lên án quân đội và có hành động nghiêm túc tại Liên Hiệp Quốc. Chuyên gia Du Rocher nói thêm, người biểu tình Miến Điện vẫn muốn Trung Quốc là đối tác kinh tế nhưng không phải là ông chủ ra lệnh như hiện nay. Khắp Đông Nam Á đều có tâm trạng chán ngán trước sự xâm nhập của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng Miến Điện sẽ là một thách thức cho Biden.

Phật giáo đứng bên lề phong trào phản kháng

Về phía Phật giáo, tuy một số sư sãi tham gia biểu tình, và một nhà sư đã bị cảnh sát bắn chết tại Mandalay thứ Bảy tuần trước, nhưng đa số ủng hộ tập đoàn quân sự. Ngược với cuộc « Cách mạng áo cà sa » trước đây, bối cảnh lần này rất khác. Giáo sư Ashley South, trường đại học Chiang Mai nhận định : « Năm 2007, các nhà sư đã khởi xướng phong trào vì dưới chế độ độc tài quân sự, không ai ngoài họ có thể làm được. Yếu tố thúc đẩy là kinh tế, người dân bình thường bị những thay đổi đe dọa đến nguồn lợi, không thể cúng dường ».

Giới chức sắc Phật giáo không thống nhất về chính trị, và một số kể cả người đứng đầu các chùa ủng hộ quân đội. Vài ngày trước đảo chính, đã có cuộc biểu tình của các nhà sư tại Rangoon và Naypidaw phản đối gian lận bầu cử. Sau cuộc đảo chính, tướng Min Aung Hlaing liên tục đi thăm, cúng dường các chùa lớn, tuyên bố sẽ cho mở cửa tất cả các chùa tại Miến Điện – từ nhiều tháng qua đóng cửa vì Covid.

Nhà nghiên cứu Khin Mar Mar Kyi, đại học Oxford cho biết một số nhà sư có liên quan đến quân đội cảm thấy bị đe dọa dưới thời bà Aung San Suu Kyi. Cho đến gần đây, người ta mặc nhiên coi rằng là người Miến Điện thì phải theo đạo Phật, và trường học thậm chí còn giảng dạy đức Phật là người Miến Điện. Nhưng vai trò thiểu số được tăng lên và giới trẻ ít quan tâm đến tôn giáo khiến một số nhà sư cho rằng chính quyền bà Suu Kyi không có khả năng bảo vệ « bản sắc Miến Điện » « đặc thù Phật giáo ». Dự định giảm ngân sách bộ Tôn Giáo và các đại học Phật giáo càng củng cố niềm tin này.

Sự co cụm của các nhà sư đã nhường chỗ cho các cộng đồng tôn giáo khác, đi đầu là các tu sĩ Công giáo. Hình ảnh sơ Ann Rose Nu Tawng ở bang Kachin quỳ xuống trước cảnh sát hôm 09/03 xin bắn vào mình thay vì trẻ em, đã được truyền đi khắp thế giới ; giám mục Marco Tin Win của Mandalay ngay sau đảo chính đã đến ủng hộ người biểu tình. Tang lễ những thanh niên Hồi giáo ngã xuống dưới lằn đạn cảnh sát ở Rangoon mang lại hình ảnh hiếm thấy : người đạo Phật và đạo Hồi sát cánh bên nhau.

Ấn Độ-Thái Bình Dương, trung tâm địa chính trị mới trước đe dọa từ Trung Quốc

Cũng tại châu Á, Les Echos ghi nhận « Trước khi va chạm với Bắc Kinh, chính quyền Biden củng cố liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc ». Dành chuyến công du quan trọng đầu tiên cho châu Á chứ không phải châu Âu, ngoại trưởng Antony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin muốn khẳng định với Tokyo và Seoul sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington.

Theo tờ báo, Nhật hoan nghênh sự cứng rắn của chính quyền Donald Trump trước Trung Quốc, nhưng phần nào lo ngại về sự thiếu gắn bó của liên minh Mỹ-Nhật. Lần này Tokyo an tâm hơn vì Biden vẫn đi theo đường lối của Trump nhưng phù hợp hơn với lợi ích chiến lược đôi bên. Trước khi lên đường, hai quan chức cao cấp Mỹ cho biết nỗ lực tái thúc đẩy quan hệ với Nhật, Hàn « sẽ giúp Mỹ mạnh mẽ hơn khi phải đẩy lùi mối đe dọa từ Trung Quốc ». Cuộc gặp Mỹ-Trung ở Alaska hứa hẹn sẽ căng thẳng vì chừng như phía Mỹ sẽ nêu thẳng vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương và yêu sách chủ quyền trên biển bất chấp luật pháp quốc tế bằng cách đe dọa.

Chủ trương này gây phấn khởi cho Tokyo, vốn đang phải chịu đựng áp lực ngày càng lớn của tàu hải cảnh Trung Quốc tại Senkaku. Chuyên gia Stephen R. Nagy, đại học Cơ Đốc Tokyo cho biết trong cuộc họp thượng đỉnh Bộ Tứ (Quad) tuần trước, tất cả những điểm chính do Nhật đưa ra đều được ủng hộ, nhất là việc bảo vệ một « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Tuy vậy Nhật Bản cũng ý tứ không muốn trực tiếp đả kích Trung Quốc, nhưng đây là một thế thăng bằng rất khó giữ.

Cũng về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trang web Les Echos nêu ra bản lộ trình của « Global Britain » tương lai, trong đó ưu tiên cho khu vực mà chính phủ Anh cho rằng sẽ là « trung tâm địa chính trị mới của thế giới ». Tài liệu 114 trang này rất được chờ đợi, vì đây là lần đầu tiên thủ tướng Boris Johnson công bố tầm nhìn về vai trò của Anh sau Brexit. Luân Đôn sẽ rút bớt lực lượng ở Bắc Âu, hướng sang khu vực này. Nga được cho là kẻ thù chính, còn Trung Quốc là « thách thức mang tính hệ thống ».

Vac-xin AstraZeneca trong cơn lốc

Vac-xin AstraZeneca, tổng giám đốc tập đoàn Danone bị mất chức và biểu tình Miến Điện là những chủ đề được báo chí Pháp hôm nay chú ý nhiều nhất. Le Figaro nói về « AstraZeneca, chọn lựa thận trọng của Pháp », Libération chạy tựa trang nhất « Tán loạn vì Astra ». Trang bìa La Croix đăng ảnh lọ AstraZeneca bị gạch chéo, với tựa đề « Một vac-xin trong cơn lốc ».

Trong bài xã luận, Libération chỉ trích « Sự hoảng loạn tập thể » đối với loại vac-xin này. Ban đầu bị cáo buộc sai lạc là không hiệu quả đối với người trên 65 tuổi, rồi sau đó vì sản xuất chậm, và nay là làm đông máu. Trong khi khi hiện nay chưa có liên hệ nào giữa vac-xin AstraZenaca và hiện tượng đông máu được chứng minh, cơ quan dược phẩm châu Âu còn khẳng định lợi ích của vac-xin này lớn hơn nhiều so với rủi ro. Hậu quả của sự « lên đồng tập thể » này, theo tờ báo, trước hết là củng cố phong trào chống vac-xin, phá hoại chiến lược tiêm chủng của châu Âu. Và cuối cùng, vào lúc con virus hoành hành trở lại ở nhiều nước, sẽ buộc các nước trong đó có Pháp phải tái phong tỏa, sự chậm trễ tiêm chủng sẽ gây tai hại vô cùng.

Le Figaro giải thích « Sốt, mệt mỏi… là những dấu hiệu chứng tỏ vac-xin hoạt động tốt ». « Những phản ứng phụ là cái giá phải trả, và giá này không cao », theo giáo sư Guy Gorochov, trưởng khoa miễn dịch bệnh viện Pitié Salpêtrière ở Paris.

Thời trang Pháp thích ứng theo xu hướng làm việc từ xa

Trên lãnh vực thời trang, một năm sau cú sốc Covid, cách ăn mặc của người Pháp đã thay đổi. Những bộ veste, cà vạt trịnh trọng bị cất vào ngăn tủ, thay vào đó là các loại trang phục tiện dụng hơn. Cách làm việc từ xa trở nên phổ biến, việc chấm dứt đi nhà hàng, xem văn nghệ…làm thị trường quần áo năm 2020 giảm 15,6% giá trị, doanh số bán quần áo mặc nhà (homewear) thì tăng 9% ngay sau đó.

Các hiệu thời trang bèn nhanh chóng đưa ra các bộ sưu tập mới với những chiếc áo đầm rộng rãi, những kiểu quần thoải mái. Hàng thun xuất hiện nhiều hơn, doanh số trang phục dạng thể thao tăng lên, riêng jogging tăng đến 120%. Đối với nam giới, quần jean áo thun trở nên phổ biến, nhất là khi sử dụng xe đạp hay trottinette (xe trượt) để đi làm thay cho phương tiện công cộng để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt các hiệu như Albert Elbaz, Miu Miu, Celio nhanh nhạy đề nghị quần jogging đi kèm với áo vét xinh đẹp, để phục vụ người làm việc tại nhà, muốn chững chạc mà vẫn thoải mác trong những cuộc họp qua video.

Cướp giựt tại Paris: Đa số thủ phạm là «vị thành niên» Bắc Phi không giấy tờ

Về tình hình nước Pháp, Le Figaro báo động tệ nạn do các thiếu niên người Bắc Phi cư ngụ bất hợp pháp gây ra, đang làm chính phủ đau đầu. Chẳng hạn sau ba vụ cướp giựt ở quận 13 Paris mà nạn nhân là phụ nữ lớn tuổi, cảnh sát truy ra được thủ phạm là một người Maroc không giấy tờ sống lang thang. Nói rằng mới 14 tuổi, thiếu niên này trong năm 2019 đã giựt dọc đến 41 vụ, khai 25 tên khác nhau. Một nhóm khác chuyên cướp trong xe điện ngầm bằng cách quật ngã con mồi cũng bị bắt, trong đó tên lớn nhất 14 tuổi, đã có thành tích 36 vụ dưới 36 danh tính.

Các thiếu niên gốc Bắc Phi chiếm đến 81% trong gần 8.000 vụ cướp giựt tại Paris và vùng phụ cận trong năm 2020. Để có tiền mua ma túy và quần áo hàng hiệu, các tội phạm trẻ tuổi không ngần ngại đập cửa kính các tiệm buôn, phá khóa nhà riêng để trộm những món dễ bán như nữ trang, điện thoại di động ; hung hăng khi giựt dọc nhờ thuốc kích thích. Số vị thành niên đơn thân nhập cư bất hợp pháp đã tăng đến 40 lần trong 10 năm qua, hầu hết từ Algérie và Maroc, nơi có những đường dây tội phạm. Gần đây cảnh sát Paris đã gởi một số hồ sơ sang Algérie, Maroc và Tunisie nhờ kiểm tra nhân thân, và phát hiện có đến 96 % trường hợp khai là vị thành niên thật ra là người đã trưởng thành.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210316-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-d%C3%A2n-tr%C3%BAt-gi%E1%BA%ADn-v%C3%A0o-trung-qu%E1%BB%91c-gi%E1%BB%9Bi-s%C6%B0-s%C3%A3i-%C4%91%E1%BB%A9ng-ngo%C3%A0i