Tạp Chí Ðặc Biệt RFI
06/03/2021 – Trọng Nghĩa – RFI
Pháp gián tiếp giúp đài truyền hình Trung Quốc CGTN lách lệnh cấm tại Anh
Nhờ biết lách luật châu Âu, đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN đã có thể hoạt động trở lại tại Anh thông qua nước Pháp, giáo hoàng Phanxicô mở chuyến thăm lịch sử tại Irak, một tỷ phú Nhật Bản quyết định tuyển chọn một số nghệ sĩ cùng du hành vòng quanh Mặt Trăng, bức tượng Trump mạ vàng mà phe bảo thủ Mỹ vừa ra mắt tại Orlando, bang Florida, lại được chế tạo ở Trung Quốc: Trên đây là các đề tài từ Âu sang Á trong tạp chí Thế Giới Đó Đây hôm nay.
Trong phiên họp toàn thể ngày 03/03/2021, Hội Đồng Thính Thị Cấp Cao Pháp – Conseil supérieur de l’audiovisuel (CSA) – cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ băng tần phát thanh và truyền hình tại Pháp, đã ra phán quyết công nhận thẩm quyền pháp lý của mình trên đài truyền hình hải ngoại của Nhà Nước Trung Quốc CGTN (China Global Television Network), một quyết định đồng nghĩa với việc cho phép đài này được phát trên lãnh thổ Pháp.
Bắc Kinh lợi dụng kẽ hở trong luật lệ châu Âu
Căn cứ vào những quy định hiện hành ở châu Âu, theo đó bất kỳ một kênh truyền hình ngoài châu Âu nào được phát qua vệ tinh đều được tự do tiếp vận trên toàn lãnh thổ châu Âu và Vương Quốc Anh, việc được phát đi từ Pháp sẽ cho phép đài Trung Quốc phát hình đến tất cả các nước còn lại thuộc Công Ước Châu Âu về Truyền Hình Xuyên Biên Giới (Convention européenne pour la télévision transfrontière), mà nước Anh là thành viên.
Và đây chính là điểm cốt lõi. Ngày 04/02 vừa qua, Cơ Quan Quản Lý Truyền Thông Anh Ofcom đã thu hồi giấy phép phát sóng tại Anh của CGTN, do sai phạm trong sở hữu giấy phép, tố cáo việc đài này do đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát. Bắc Kinh đã trả đũa ngày 12/02 bằng cách ra lệnh cấm đài BBC Anh tại Trung Quốc với lý do “xâm phạm lợi ích quốc gia”.
Theo nhật báo Pháp Le Monde, bị cấm tại Anh, nơi họ có đại bộ phận khán giả, CGTN – chủ yếu phát bằng tiếng Anh – đã biết khai thác một lỗ hổng trong luật lệ châu Âu khi xin đặt mình dưới thẩm quyền pháp lý của Pháp, cho dù chương trình Pháp Ngữ không đáng kể. Cơ quan CSA chấp nhận dễ dàng vì CGTN hội đủ hai điều kiện kỹ thuật: Được phát trên vệ tinh của Pháp và truyền tín hiệu từ Pháp. Đối với CSA, tiêu chí nội dung biên tập không được tính đến.
Quyết định của Pháp dĩ nhiên đã làm dấy lên nhiều phản ứng bất bình từ giới bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là từ tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders vốn đã thành công trong việc thúc đẩy Anh Quốc cấm đài CGTN. Tổ chức này đã nêu bật vai trò tuyên truyền của đài truyền hình Trung Quốc trong việc loan tin về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông, hay công bố những lời thú tội vì bị cưỡng bức của các nhà báo, luật sư, những người hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ hay những đối tượng chính trị khác mà chế độ Bắc Kinh muốn triệt hạ.
Châu Âu “có đi” nhưng Trung Quốc không “có lại”
Trả lời RFI, bà Marie Holzman, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, đồng thời là một nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đã phê phán quyết định của Pháp trong vấn đề cho phép đài CGTN:
“Đây là một thông tin khá chướng, vì nó cho thấy thái độ thiếu đoàn kết với một nước châu Âu khác, cụ thể là Anh Quốc, vốn vừa thu hồi giấy phép phát hình của đài CGTN.
Nước Pháp như vậy là đã cấp phép hoạt động trên lãnh thổ của mình, qua đó là trên lãnh thổ toàn châu Âu – kể cả Anh – cho một đài truyền hình do đảng Cộng Sản Trung Quốc trực tiếp chỉ huy, mà mục tiêu chỉ là để tuyên truyền cho chế độ Bắc Kinh. Đây là điều mà ai cũng biết.
Trong quan hệ với Trung Quốc người ta thường nói đến các yêu cầu như có qua, có lại, minh bạch… vân vân… Thế nhưng trên vấn đề có qua, có lại, chúng ta đều biết là có rất nhiều nhà báo phương Tây hay ở những nơi khác bị Bắc Kinh cấm cửa, đài truyền hình Pháp France24 chẳng hạn, từ bao lâu nay đã xin phép được phát tại Trung Quốc mà không được, phóng viên của nhiều tờ báo như tờ Le Monde hay các tờ báo lớn khác đã bị Trung Quốc kiểm duyệt hay bị đả kích công khai mỗi khi viết bài về nước này.
Tóm lại, trên vấn đề đó, tính chất có đi có lại hoàn toàn là con số không. CGTN thì được phép phát hình trên lãnh thổ châu Âu, trong lúc chúng ta thì không được quyền phát tại Trung Quốc.”
Trong lúc Pháp bật đèn xanh cho CGTN, thì theo hãng tin Anh Reuters, đến lượt Úc cấm kênh truyền hình này cùng với đài chủ quản là truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.
Đài truyền hình công SBS của Úc đã quyết định ngưng phát sóng chương trình của CGTN bằng tiếng Anh, và CCTV bằng tiếng Quan Thoại kể từ ngày 06/03 trong khi chờ đợi thẩm tra về nội dung chương trình trên hai đài này, bị tổ chức Safeguard Defenders tố cáo là vi phạm nhân quyền.
Giáo hoàng thăm Irak: Biểu hiện của ngoại giao hòa giải
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Bagdad ngày 05/03/2021 trong một chuyên công du nước ngoài đầu tiên trong vòng 15 tháng. Chuyến thăm Irak là một chuyến tông du lịch sử vì đây là lần đầu tiên mà người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đặt chân lên mảnh đất nơi Kinh Thánh ghi lại sự ra đời của tổ phụ Abraham. Đức giáo hoàng Phanxicô đã đặt chuyến đi này dưới dấu ấn của sự hòa giải và kêu gọi đối thoại giữa các cộng đồng khác nhau. Chuyến thăm cũng là để hỗ trợ các nhóm thiểu số Thiên Chúa Giáo giáo tại chỗ.
Thông tín viên Éric Senanque từ Roma cho biết thêm chi tiết :
Chuyến tông du của một đức giáo hoàng đến Irak suýt nữa thì đã diễn ra vào cuối năm 1999, ngay trước thềm Đại Lễ năm 2000. Vào thời điểm đó, Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bày tỏ nguyện vọng được đặt chân lên vùng đất mà theo sách thánh, là nơi sinh của Abraham, tổ phụ của ba tôn giáo độc thần là đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc và đạo Hồi.
Nhưng vào thời điểm đó, ngoại giao đã mạnh hơn. Hoa Kỳ đã vận động để ngăn cản không cho vị giáo hoàng người Ba Lan đến đất nước của Saddam Hussein, kẻ thù số một của Washington. Mỹ lo ngại rằng chế độ Irak sẽ thao túng chuyến thăm của đức giáo hoàng vì mục đích chính trị. Cuối cùng, chính Bagdad đã thông báo cho Vatican là chuyến đi không còn thích hợp, khiến giấc mơ của Gioan Phaolô Đệ Nhị bị chôn vùi trong sa mạc.
Sau đó, Benedicto XVI cũng không thể đến thăm đất nước bị chiến tranh tàn phá. Giáo hoàng Phanxicô vì vậy là người có thể biến ước muốn của người tiền nhiệm thành hiện thực.
Hôm 03/03 vừa qua, người đứng đầu Tòa Thánh Vatican đã tỏ rõ quyết tâm: “Người dân Irak đang chờ đợi chúng ta, chúng ta không thể làm họ thất vọng lần thứ hai”.
Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm vùng đất được đánh dấu bằng nhiều năm chiến tranh và khủng bố để làm vang lên thông điệp hòa bình và hòa giải. Trong một thông điệp qua video gởi người Irak ngài xác đinh: “Tôi đến như một khách hành hương để cầu xin sự tha thứ và hòa giải từ Chúa sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố.”
Điểm nhấn trong chương trình của giáo hoàng Phanxicô ở Irak
Các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây nhằm vào các căn cứ của Mỹ và đại dịch Covid đã không khuất phục được mong muốn của giáo hoàng đến các vùng đất quê hương của đạo Thiên Chúa, một đất nước Irak vốn bị tàn phá với ba thập kỷ chiến tranh, khủng bố và những hành động tàn bạo của Daech từ năm 2014 đến năm 2017.
Đức giáo hoàng sẽ nói chuyện với người Irak thuộc mọi tín ngưỡng từ những tín đồ Thiên Chúa Giáo mà số lượng tiếp tục giảm (hiện chỉ chiếm gần 2% dân số) và ngài đến để an ủi, cho đến những tín đồ đạo Hồi hệ phái Shia và Sunni, hai hệ phái Hồi Giáo chính ở Irak.
Mỗi chặng của cuộc hành trình này, từ Bagdad đến Erbil qua Najaf, Ur, Mosul và Qaraqosh, tất cả đều được chọn lựa nhằm để lại một dấu ấn. Tại Najaf ngày 06/03, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo có cuộc tiếp xúc với Ayatollah Al Sistani, lãnh đạo Hồi Giáo Shia cao nhất ở Irak, người được coi là “giáo hoàng” của hệ phái Hồi Giáo này Phanxicô mở ra con đường đối thoại với thế giới Shia, sau khi đã làm điều này với hệ phái Sunni nhân chuyến thăm Maroc trước đây.
Còn tại Ur, nơi các tín đồ thuộc mọi tôn giáo tập hợp lại dưới gương mặt của Abraham, cha đẻ của ba tôn giáo độc thần, ngài đến để nhắc nhở trong cuộc họp mặt liên tôn giáo này rằng mọi người Irak đều là anh em, chủ đề chính của chuyến đi lịch sử.
Tỷ phú Nhật Bản tặng 8 vé đi thăm Mặt Trăng miễn phí
Tại châu Á, một cơ hội ngàn năm có một vừa được mở ra. Hôm 03/03/2021, một tỷ phú Nhật Bản đã thông báo quyết định tuyển chọn 8 “nghệ sĩ” để cùng ông thực hiện một chuyến du hành bay quanh Mặt Trăng, dự trù vào năm 2023. Mọi người trên thế giới đều có thể tham gia cuộc tuyển chọn, và chuyến bay sẽ miễn phí vì nhà tỷ phú đã bao trọn các ghế ngồi.
Trong một video công bố trên tài khoản Twitter của mình, Yusaku Maezawa, 45 tuổi, một đại gia trong lãnh vực bán hàng thời trang trực tuyến, đã nói rõ hơn về ý định được ông tuyên bố trước đó là mời các “nghệ sĩ” cùng bay lên Mặt Trăng với ông. Đối với nhà tỷ phú Nhật, “tất cả những ai làm được một cái gì mang tính sáng tạo đều có thể được gọi là nghệ sĩ”.
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết:
Có một điều chắc chắn là Yusaku Maezawa, người đã làm giầu nhờ cơ sở thời trang trực tuyến Zozotown của mình, đã mua tất cả các chỗ trong chuyến bay đầu tiên quanh mặt trăng trên tàu vũ trụ Spaceship, một con tàu do các chuyên gia thuộc công ty SpaceX của Elon Musk phát triển.
Năm 2020, nhà tỷ phú Nhật thoạt đầu chỉ nghĩ đến việc du hành cùng cô bạn gái của mình, và đã phát động một cuộc thi để tìm “một phụ nữ độc thân 20 tuổi” luôn tích cực yêu đời và “hướng về hòa bình trên thế giới”. Giờ đây thì ông đã thay đổi quyết định, mở rộng đề nghị, mời từ sáu đến tám nghệ sĩ cùng đi.
Các ứng viên phải sẵn sàng “đẩy xa giới hạn của sự sáng tạo”. Các cuộc phỏng vấn trực tuyến cuối cùng và kiểm tra sức khỏe được dự kiến vào cuối tháng 5 năm nay.
Về các vấn đề còn lại, mọi thứ sẽ tùy thuộc vào khả năng của công ty SpaceX để đảm bảo, trong sự an toàn tuyệt đối, chuyến du hành đầu tiên quanh mặt trăng. Trong những tháng gần đây, các nguyên mẫu của tên lửa Starship đều đã bị rơi nổ khi hạ cánh.
Bức tượng Trump mạ vàng được chế tạo ở Trung Quốc!
Tại Hoa Kỳ, nhân Hội Nghị Hành Động Chính Trị Bảo Thủ – Conservative Political Action Conference (CPAC) – cuộc họp thường niên lớn nhất của những người bảo thủ Mỹ, mở ra ngày 27 và 28/02/2021, nhân vật trung tâm được cử tọa nồng nhiệt chào đón dĩ nhiên là cựu tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, cũng có một “nhân vật” khác – đúng ra là một “vật” – thu hút sự chú ý của những người ủng hộ cựu tổng thống: Bức tượng mạ vàng mang hình dáng ông Trump, mặc áo khoác, đeo cà vạt đỏ và trong chiếc quần đùi đấm bốc với màu sắc của quốc kỳ Mỹ, được trưng bày tại tiền sảnh trung tâm tổ chức hội nghị CPAC ở Orlando, bang Florida.
Theo ghi nhận của tờ báo Mỹ HuffPost ngày 04/03/2021, trong hai ngày họp, hàng trăm người ủng hộ ông Trump đã đổ xô đến bên cạnh bức tượng để chụp hình lưu niệm.
Có điều là, theo hai phương tiện truyền thông Mỹ là CNN và Politico, bức tượng thực ra đã được chế tạo tại Trung Quốc, một chi tiết đáng ngạc nhiên khi ta biết rằng ông Trump luôn tố cáo Trung Quốc “đánh cắp” công ăn việc làm của người Mỹ.
Chính ông Jose Mauricio Mendoza, đối tác của Tommy Zegan, nghệ sĩ là tác giả của bức tượng, đã xác nhận với Politico rằng: “Mọi thứ đều được sản xuất tại Trung Quốc”. Nhân vật này giải thích: “Tôi thích nói ra sự thật vì muốn bán được những bức tượng này thì chúng phải là hàng thật”. CNN thậm chí còn có được những hình ảnh về bức tượng ở Trung Quốc.
Vài ngày trước đó, người tạo ra bức tượng nói với Politico rằng “tác phẩm nghệ thuật” được làm ra ở Mêhicô, nơi anh ta cư trú. Nhưng ông đã không tiết lộ một chi tiết quan trọng: Quả thực là bức tượng được lắp ráp ở Mêhicô, nhưng các thành tố đều được chế tạo tại nhà máy ở Thạch Gia Trang, cách Bắc Kinh 300 km.