Trung Quốc đối mặt với tâm lý «bài người Hoa» của quân đội Miến Điện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc đối mặt với tâm lý «bài người Hoa» của quân đội Miến Điện

Cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 làm sụp đổ nền dân chủ non trẻ ở Miến Điện. Tập đoàn quân sự trở lại cầm quyền phải chăng làm Trung Quốc hài lòng ? Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lưu ý : Giới tướng lĩnh Miến Điện, vốn dĩ là những người mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, cũng rất nghi ngại thế bá quyền của Trung Quốc.

Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Naypyidaw, ngày 18/01/2020.
Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Naypyidaw, ngày 18/01/2020. AFP – HANDOUT

Virus «chuyên chế» lan mạnh tại Đông Nam Á?

Chủ Nhật, ngày 21/02/2021, ba tuần sau cuộc đảo chính, người dân Miến Điện vẫn đông đảo xuống đường biểu tình phản đối quân đội. Khác với những lần trước, cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật huy động nhiều thành phần xã hội dân sự, từ công chức, y bác sĩ, sinh viên, cho đến người dân đô thị, nông thôn và cả những người thuộc các sắc tộc thiểu số như Shan, Chin, Kachin, Naga…

Làn sóng bất phục tùng dân sự giờ đã vượt qua một bước mới. Sự việc cho thấy giới quân sự đã đánh giá thấp sức mạnh tinh thần của người dân. Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau du Rocher, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trên đài RFI, cuộc đảo chính này còn phản ảnh một sự thật khác đáng quan ngại: « sự lây lan của mô hình chuyên chế Trung Quốc, đang gậm nhấm dần dần vùng Đông Nam Á. Một nhóm nhỏ các nước tự cho mình có một tính chính đáng lịch sử muốn chiếm lấy các chu trình quyền lực nhân danh tính ổn định. Mô hình này chúng ta thấy rõ ở Cam Bốt, Thái Lan và giờ đây là Miến Điện. »

Từ quan sát này, phải chăng cuộc đảo chính tại Miến Điện hôm 01/02 là có lợi cho Bắc Kinh ? Thắng lợi của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 11/2020 có thể sẽ còn đưa Miến Điện, dưới sự dìu dắt của bà Aung San Suu Kyi, tiếp bước trêncon đường dân chủ hóa. Điều này có thể đẩy « chính sách đối ngoại của Miến Điện phát triển theo hướng củng cố quan hệ với Washington. (…) Một Miến Điện dân chủ hơn có nguy cơ dẫn đến xung đột hệ tư tưởng với Trung Quốc »,  như phân tích của ông Wu Qiang, giáo sư khoa học chính trị, từng giảng dạy tại trường đại học Thanh Hoa, với Radio Free Asia.

Quân đội Miến Điện và tâm lý «bài người Hoa»

Nhưng ông Dominik Mierzejewski, một nhà nghiên cứu Ba Lan, trong một bài viết đăng trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu châu Á (CAA), trường đại học Lodz, nhận định : Có lẽ sẽ quá vội vã khi cho rằng Trung Quốc đã có được Miến Điện và sẽ dễ dàng hợp tác hiệu quả với tập đoàn quân sự hơn là với chính phủ bán dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Tác giả nhắc lại rằng tâm lý « bài Trung Quốc » có một vị trí khá lớn trong mối quan hệ giữa hai nước do những yếu tố lịch sử, kinh tế và vấn đề quản lý các vùng biên giới.

Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, David Camroux, CEPI, trường đại học Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), tóm tắt mối quan hệ giữa Trung Quốc với giới tướng lĩnh Miến Điện:

« Giới quân sự Miến Điện luôn có thái độ ngờ vực Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không ưa thích gì giới tướng lĩnh Miến Điện. Tuy không rõ nét như Việt Nam, nhưng người Miến Điện có một thái độ nghi kỵ Trung Quốc khá lớn. Mối ngờ vực này được thấy rõ ở việc từ một thập niên nay, giới quân sự Miến Điện mua nhiều vũ khí từ Nga hơn là Trung Quốc. Tôi cho rằng giới tướng lĩnh Miến Điện rất bài Trung Quốc. »

Tuy cung cấp đến 50% vũ khí quan trọng cho quân đội Miến Điện trong giai đoạn 2014-2019, cùng lúc Bắc Kinh cũng trang bị khí tài cho các nhóm vũ trang ở các bang miền đông bắc Miến Điện, nổi dậy đòi thành lập các khu tự trị.

Tại những vùng nóng bỏng nằm dọc theo biên giới với Trung Quốc, Tatmadaw – tên chính thức của quân đội Miến Điện – chiến đấu từ nhiều thập niên qua chống lại các nhóm sắc tộc nổi dậy, những lãnh chúa buôn thuốc phiện và nạn buôn lậu dưới đủ mọi hình thức.

Trong quá khứ, nhiều tướng lĩnh Miến Điện được đào tạo qua các cuộc đối đầu với những nhóm chiến binh được nuôi dưỡng bằng ý thức hệ cộng sản và ít nhiều gì cũng được Bắc Kinh âm thầm hỗ trợ. Nhật báo Pháp Liberation nhắc lại, trong chuyến công du thăm Naypyidaw tháng Giêng năm 2020, Tập Cận Bình đã không thể thuyết phục được giới tướng lĩnh Miến Điện, dù đã phủ nhận việc hậu thuẫn các nhóm nổi dậy.

Nhà nghiên cứu Renaud Egreteau, tác giả tập sách Lịch sử Miến Điện đương đại (nhà xuất bản Fayard), từng nhận định Tatmadaw, đôi khi mang tư tưởng biệt lập và lo lắng cho việc bảo vệ những cổ phần béo bở trong các tập đoàn nhà nước, luôn cố gắng không bắt tay với Trung Quốc, thậm chí còn thanh trừng các thành phần thân Trung Quốc trong hàng ngũ của mình.

Trung Quốc: «Quân đội Miến Điện tham lam và là một đối tác tồi»

Giờ đây cuộc đảo chính này khiến Trung Quốc lo ngại. Năm năm gần đây, Bắc Kinh đã có mối quan hệ hữu hảo với chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi và đầu tư khá nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong chương trình Con đường Tơ lụa mới tại Miến Điện. Đặc biệt là dự án thiết lập đặc khu kinh tế với một cảng biển nước sâu, nhà máy điện, đường xá và các tuyến đường sắt. Trung Quốc đầu tư nhiều tỷ đô la vào dự án hành lang kinh tế Miến Điện – Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh có thể tiếp cận trực tiếp Ấn Độ Dương.

Nhưng biến cố đầu tháng Hai nhắc Trung Quốc nhớ lại quyết định bất ngờ dưới thời cựu thống chế Thein Sein. Năm 2011, vào thời điểm chính quyền quân sự quyết định mở cửa, chính quyền Naypyidaw đã đình chỉ dự án xây đập thủy điện Myitsone trên dòng Irrawaddy, cho phép cung cấp một lượng điện đáng kể cho tỉnh Vân Nam lân cận.

Sự việc đã khiến Bắc Kinh nổi dóa, vì họ đã đầu tư khá nhiều tiền của, đến mức giờ đây « Bắc Kinh có xu hướng xem quân đội Miến Điện là bội bạc, tham lam, hám tiền và là một đối tác thương mại tồi », theo như phân tích của giáo sư Enze Han, giảng viên thỉnh giảng cho trường đại học Hồng Kông trên tờ East Asia Forum.

Trong bối cảnh này, nhà nghiên cứu David Camroux cho rằng Bắc Kinh sẽ chẳng được lợi gì trước những bất ổn chính trị và việc Miến Điện phải trở về với chế độ quân sự.

« Tôi nghĩ là Trung Quốc có vẻ khó xử, bởi vì biến cố này chẳng có lợi gì cho Bắc Kinh. Ngay từ những năm 1990, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy Miến Điện thoát khỏi sự cô lập. Bắc Kinh khuyến khích Naypyidaw gia nhập ASEAN, thậm chí Trung Quốc còn xúi Miến Điện tạo ra một vẻ bề ngoài dân chủ. Tôi cho rằng Bắc Kinh chẳng có lợi lộc gì khi để Miến Điện quay về với chế độ quân sự. »

ASEAN: Chiếc phao cho Trung Quốc tại Miến Điện?

Bị giam hãm trong chiếc bẫy thế nước đôi và trước những mối ngờ vực từ người dân Miến Điện, Bắc Kinh giờ khó thể đứng ra làm trung gian hòa giải, đành phải nhờ cậy đến ASEAN – vốn dĩ có thể là một công cụ ngoại giao có ích cho Trung Quốc khi hữu sự. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, David Camroux, khi trả lời RFI Tiếng Việt, lưu ý rằng trong vấn đề này, bản thân ASEAN cũng bị chia rẽ.

« Hoa Kỳ và châu Âu cũng muốn trông cậy vào ASEAN. Chỉ có điều trong vấn đề này ASEAN bị chia rẽ vì có ba nhóm lập trường khác nhau : Nhóm những nước muốn đóng vai trò trung gian hòa giải như Malaysia, đặc biệt là Indonesia. Rồi nhóm những nước như Cam Bốt, Lào cho đấy là chuyện nội bộ. Nhưng có những nước như Thái Lan, cũng là một chế độ bán quân sự, thì lại ủng hộ giới tướng lĩnh Miến Điện.

Trên thực tế, giới quân nhân Miến Điện đi theo mô hình của Thái Lan. Họ tiến hành đảo chính với lý do bảo vệ nền dân chủ và hứa hẹn tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng một năm. Đó là một chiêu thức cổ điển, quen thuộc, nhằm biện minh cho các cuộc đảo chính.

Vấn đề là ASEAN không đưa ra được một thông cáo chung về vụ việc này. Chỉ có một thông cáo do chủ tịch ASEAN đưa ra, chứ không phải là toàn bộ thành viên của khối. Chỉ có một nước trong ASEAN đảm nhiệm vai trò này. »

Tóm lại, trong bối cảnh bị công luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ trong nhiều vấn đề như người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, cách xử lý dịch bệnh…, việc tìm đến ASEAN là cách tháo gỡ duy nhất cho Trung Quốc, nếu không muốn mang tiếng là nguồn hậu thuẫn chính cho chế độ độc tài quân sự, theo như kết luận của bà Sophie Boisseau du Rocher trên đài RFI:

« Giờ đây Trung Quốc tìm cách tác động lên các nước ASEAN nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, bởi vì cùng với các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, Trung Quốc hoàn toàn hiểu rằng nếu như họ bị đánh đồng với hành động tàn bạo của Tatmadaw, những nước khác sẽ kềm hãm các mối quan hệ với Trung Quốc. »

Minh Anh – 25/2/21

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20210225-mien-dien-trung-quoc-ngoai-giao-asean