Khảo sát: Nếu bắt buộc, người Việt đứng thứ 2 ASEAN về chọn Mỹ thay vì TQ
Có tới 61,5% người dân thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói trong một cuộc khảo sát rằng họ muốn khối này đứng về phía Mỹ thay vì liên kết với Trung Quốc, nếu buộc phải chọn một trong hai cường quốc.
Kết quả cuộc khảo sát thường niên được viện nghiên cứu về Đông Nam Á có tên ISEAS Yusof-Ishak công bố hôm 10/2.
Tính chung trong cả khối ASEAN, tỷ lệ chọn đứng về phía Mỹ của năm nay tăng lên đáng kể so với mức 53,6% của năm ngoái.
Trong số những người tham gia cuộc thăm dò, người Philipplines ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất với tỷ lệ 86,6%, người Việt Nam đứng thứ hai với mức 84%.
Ba nước Myanmar, Brunei và Lào có đa số người trả lời là họ chọn đứng cùng phe với Trung Quốc, với tỷ lệ cao nhất là ở Lào, 80%; Brunei đứng thứ hai với mức gần 70%.
Tính chung, số nước ASEAN ủng hộ Trung Quốc trong cuộc khảo sát năm nay giảm mạnh so với năm ngoái, từ 7 xuống còn 3, và tỷ lệ người ASEAN ủng hộ Trung Quốc giảm tương ứng từ 46,4% còn 38,5%.
Theo Viện ISEAS Yusof-Ishak, có 4 nước đổi phe trong năm nay là Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Viện đưa ra nhận định rằng có lẽ sự ủng hộ của khu vực Đông Nam Á dành cho Washington tăng lên là do những kỳ vọng về tân chính quyền của ông Biden. Viện cho biết cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã diễn ra ở thời điểm cuộc khảo sát đang được tiến hành từ ngày 18/11/2020 đến ngày 10/1/2021.
Trong thời gian đó, ông Biden được tiên liệu giành chiến thắng trước ông Trump nhưng chưa chính thức nhậm chức.
Trong nhiều năm trước đây, Mỹ duy trì sự hiện diện quan trọng ở khu vực Đông Nam Á thông qua các hoạt động can dự cả về an ninh lẫn kinh tế.
Tuy nhiên, trong thời ông Trump làm tổng thống, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các quan chức hàng đầu của Mỹ hầu như đều vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực.
Giữa lúc Mỹ dường như sao nhãng mối quan tâm trong mấy năm vừa qua, Trung Quốc lại ráo riết thúc đẩy nhiều hoạt động ở khu vực, trong đó có Sáng kiến Vành đai-Con đường với các khoản đầu tư to lớn vào hạ tầng cơ sở.
Giờ đây, với việc ông Biden là lãnh đạo của Mỹ, cuộc khảo sát của Viện ISEAS Yusof-Ishak nhận thấy có tới gần 69% số người thuộc ASEAN tỏ ra lạc quan rằng nước Mỹ với chính quyền mới sẽ tăng mức độ can dự vào Đông Nam Á.
Mức độ tin cậy của người dân trong khu vực dành cho Mỹ cũng tăng lên 48,3% từ mức hơn 30% trong lần khảo sát trước.
Như VOA đã đưa tin, có những dấu hiện cho thấy chính quyền của ông Biden sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào khu vực này trong những năm tới.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi tháng 1 tiến hành tái cơ cấu đội ngũ nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), giảm bớt người chuyên trách Trung Đông và tăng cường người ở bộ phận điều phối chính sách về châu Á, một động thái cho thấy chính quyền Biden sẽ ưu tiên châu Á, xét đến sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc.
Hơn 88% số người được Viện ISEAS Yusof-Ishak hỏi ý kiến nói rằng họ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về mặt chính trị cũng như trên bình diện khu vực, tỷ lệ này cao hơn mức 85% của năm ngoái.
Trong khi đa số ủng hộ việc chọn phe với Mỹ, song những người trả lời cuộc thăm dò cũng cho rằng Trung Quốc gần đây có ảnh hưởng ở Đông Nam Á nhiều hơn so với mức độ ảnh hưởng của Mỹ, khối ASEAN và các cường quốc khác.
Cụ thể, 76,3% cho rằng Trung Quốc có tầm ảnh hưởng kinh tế mạnh nhất, 49,1% xác định rằng Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị và chiến lược mạnh mẽ nhất.
Những người tham gia khảo sát cũng tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. 62,4% nói họ lo lắng về việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể và có các hành động lấn át các bên tranh chấp, trong đó Việt Nam là một trong các bên tranh chấp gay gắt nhất với nước láng giềng khổng lồ.
Liên quan đến vùng biển này, 45,2% quan ngại về việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị.
Trả lời câu hỏi liệu họ có tin tưởng Trung Quốc làm điều đúng đắn để đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên toàn cầu hay không, 63% nói họ không mấy tin tưởng hoặc hoàn toàn không tin tưởng.
Như vậy, mức độ bất tín nhiệm đối với Trung Quốc đã tăng lên so với mức 51,5% của năm 2019 và 60,4% của năm ngoái.
Tham gia cuộc thăm dò của Viện ISEAS Yusof-Ishak là hơn 1.000 người thuộc 10 nước ASEAN, họ bao gồm các quan chức chính phủ, doanh nhân, học giả, các nhà nghiên cứu và các nhà phân tích.
Việt Nam có số người tham gia đông nhất, 175 người, chiếm 17%; đứng thứ hai là Singapore với 158 người, tương đương 15,3%.
Cuộc thăm dò có mục đích như là “một chiếc phong vũ biểu về thái độ và cảm nhận của các bên liên quan” đối với với các diễn biến quan trọng ở khu vực, theo lời các nhà nghiên cứu.
Theo tìm hiểu của VOA, bản báo cáo sau cuộc khảo sát do 4 nhà nghiên cứu của Viện ISEAS Yusof-Ishak soạn thảo, trong đó có hai người đến từ Việt Nam là Hoàng Thị Hà và Phạm Thị Phương Thảo, hai người còn lại là Melinda Martinus và Sharon Seah.