Bài học 17/2/1979: Làm gì để Việt Nam tự chủ và bình đẳng hơn?
18/2/21 – Đánh dấu, tưởng niệm 42 năm cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phát động trên biên giới phía Bắc Việt Nam nổ ra ngày 17/2/1979, một số nhà nghiên cứu và quan sát từ Việt Nam bình luận với BBC về việc nước này có thể làm gì để quan hệ với Trung Quốc được tự chủ, bình đẳng hơn.
Từ Hà Nội, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình nói với một hội luận Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm 18/02/2021:
“Theo tôi, quá trình hơn 40 năm vừa qua, ứng xử hay quan hệ cũng có cái đúng, cái sai, nhưng điều quan trọng nhất tôi thấy Việt Nam phải giữ được là sự bình đẳng và tôi chưa thấy hình ảnh độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Hội luận BBC: 42 năm Cuộc chiến Biên giới và bang giao Việt – Trung
https://48074efc0b4931982468a95300b9f79b.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-37/html/container.html
“Hình như là nó rất mờ nhạt, mà nó cứ lệ thuộc vào một cái gì đó, chứ còn quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam trước sau vẫn phải quan hệ, vì họ là nước láng giềng của Việt Nam.
“Song quan hệ thế nào cho bình đẳng thì các vị lãnh đạo ở Việt Nam cũng nên xem lại, mà nếu như ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử nói trong 1-2 năm nay Việt Nam cũng có một sự chuyển đổi, biến đổi hay thay đổi về cuộc chiến tranh mà Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, thì Việt Nam phải tiếp tục phát huy nó lên.
“Tại vì nhân dân Việt Nam rất mong chuyện ấy, trên dư luận người ta rất thắc mắc và người ta rất mong mỏi rằng bây giờ Việt Nam phải nói rõ và phải ứng xử bình đẳng. Nếu đã giao hẹn với nhau đừng nhắc lại quá khứ nữa, thì bây giờ Trung Quốc cũng phải chấm dứt cái quá khứ đó đi.
“Nhất là Trung Quốc cứ theo đuổi mãi chuyện xâm lược Biển Đông, rồi lúc nào cũng theo đuổi đường Lưỡi bò (yêu sách chủ quyền dựa trên bản đồ đường 9 đoạn), như thế là không được rồi.
“Thế thì nhà cầm quyền Việt Nam chắc phải nói với họ rằng anh phải chấm dứt chuyện ấy, mà bây giờ quốc tế rất ủng hộ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Quốc tế 1982 về Luật biển (Unclos), thế thì tại sao Việt Nam không thể nói với người ta rằng đã là hiệp định quy định với nhau thì phải bình đẳng.
“Không bình đẳng là không được. Còn bây giờ tôi nghĩ là các nước trên thế giới đang rất ủng hộ Việt Nam, mà mình lại cứ rụt rè trong quan hệ là không được.”
Độc lập, chủ quyền quốc gia và tình đồng chí?
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề độc lập và chủ quyền quốc gia tại hội luận:
“Tôi nghĩ là cho tới hiện nay các vị lãnh đạo của Việt Nam phải giữ được sự độc lập và chủ quyền cho đất nước, nhưng trong vấn đề độc lập và chủ quyền này, tôi không tin vào cái gọi là tình đồng chí, hay là ý thức hệ.
“Mà tôi tin rằng các quốc gia đều hành động vì quyền lợi dân tộc của họ và trong hoàn cảnh Việt Nam mà hàng xóm là Trung Quốc, một đất nước mà chúng ta không thể nào tự rời đi đâu khác được, và chúng ta vẫn phải sống cạnh họ, mà họ luôn luôn ép Việt Nam về mọi thứ.
“Nào là thương mại, nào là kinh tế, Việt Nam đều bị ép cả, cho đến chuyện Biển Đông, cho đến chuyện biên giới, từ ký hiệp định biên giới ở đất liền cho đến ngoài Vịnh Bắc Bộ.
“Rồi hiện nay, như tin tức tôi vừa nhận được là từ ngày 02/2/2021, tàu thăm dò của Trung Quốc xuất phát từ cảng Tam Á đi vào sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, cách đường biên giới đất liền chỉ chừng 130-140 hải lý, họ vào sâu tới 60-70 hải lý trong thềm lục địa của Việt Nam.
“Ngược lại một chút, có thể thấy Việt Nam đã phải lùi bước liên tục vào các năm 2017, 2018 và 2019, Việt Nam ba lần phải phá vỡ các hợp đồng với các hãng thăm dò dầu khí của nước ngoài, Việt Nam phải đền bù cho các hãng đó, tôi không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là phải đền bù sự phá vỡ hợp đồng.
“Mà Việt Nam thăm dò trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, trong vùng lãnh hải của Việt Nam, phần mà theo Công ước luật biển 1982, Việt Nam được quyền khai thác, mà Trung Quốc ép Việt Nam như vậy.
“Vậy thì tại sao Việt Nam cứ phải bị lệ thuộc vào họ? Tại sao Việt Nam phải cử những đoàn cán bộ đảng, nhà nước v.v… sang Trung Quốc để học cách họ làm thế này, thế kia, chống tham nhũng thế nọ?Tôi nghĩ Việt Nam cần phải thoát Trung thì mới có thể mạnh lên được.”
‘Cần giải mật tư liệu để nhân dân và các giới hiểu rõ’
Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên lịch sử và quan hệ quốc tế Đại học Mở TPHCM, nhân dịp này đưa ra một bình luận với BBC:
“Đối với tôi, nghiên cứu một cuộc chiến tranh không phải là để khơi động lại lòng hận thù, mà nghiên cứu một cuộc chiến tranh để rút ra bài học kinh nghiệm để không có một cuộc chiến tranh như thế nữa trên đất nước này
“Chính vì vậy mà tôi đề nghị là nhà nước Việt Nam nên giải mật các tài liệu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
“Nếu về một mục đích nào đó trong quan hệ Việt – Trung hiện nay chưa giải mật được một cách rộng rãi, thì ít nhất cũng phải giải mật cho giới nghiên cứu, cho các nhà sử học.
“Và chúng tôi tin rằng các giới nghiên cứu và các nhà sử học khi tiếp cận được các tài liệu đó, sẽ có cách truyền tải lại để cho cộng đồng, để cho nhân dân được rõ về bản chất của cuộc chiến này,” ông Đinh Kim Phúc nói với hội luận của BBC.
Còn Từ Nha Trang, sau khi theo dõi cuộc thảo luận, nhà báo Võ Văn Tạo gửi bình luận cho BBC về vấn đề quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn mới, ông nêu quan điểm:
“Theo tôi, muốn bình đẳng, phải có thực lực và tạo thế bang giao trên trường quốc tế. Sau Tuyên bố Thượng Hải 1972 (Mỹ Trung), lãnh đạo Việt Nam đã biết Trung Quốc có tính toán riêng. Từ đó, viện trợ của Trung Quốc cho Hà Nội giảm mạnh.
“Sau 1975, bị Mỹ cấm vận, Việt Nam càng lệ thuộc Trung Quốc nặng nề. Để phá thế bí ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc tư bản, để làm đối trọng với Bắc Kinh.
“Rất tiếc, phái thủ cựu, giáo điều trong chóp bu Việt Nam đã cản trở rất mạnh sáng kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch, làm Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội cất cánh kinh tế (đặc biệt là trì hoãn bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, trì hoãn ký hiệp định thương mại Việt Mỹ).”
Có dám đổi mới và liên minh để bảo vệ chủ quyền?
Và nhà báo Võ Văn Tạo nói thêm:
“Bốn thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc tiến như vũ bão, tương quan thực lực Việt – Trung càng chênh lệch. Nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc lấn hiếp, gây chiến, thôn tính càng rõ.
“Muốn cải thiện tình thế, theo tôi Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khối Mỹ, Nhật, Ấn, Hàn… tăng cường giao thương với họ, và nhất là xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện, kể cả xây dựng liên minh quân sự với các cường quốc.
“Lâu nay, Việt Nam thường tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên rằng liên minh quân sự với nước ngoài sẽ có nguy cơ lệ thuộc, mất độc lập tự chủ, mất chủ quyền quốc gia… nên Việt Nam chủ trương “3 không, 4 không”, theo tôi đó là lập luận sai lầm tệ hại.
“Hãy xem các nước Tây Âu liên minh với Mỹ trong khối NATO, rồi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Úc, Ấn Độ… đều có hợp tác quân sự ở mức cao, hoặc có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ, có nước nào lệ thuộc Mỹ, mất chủ quyền quốc gia đâu?
“Mới đây, Mỹ còn tuyên bố sẽ bảo vệ các đảo của Nhật Bản như bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Do đó, tôi cho rằng lãnh đạo Việt Nam cần có những bước đi mạnh bạo, quyết đoán về vấn đề này, như ĐCSVN đã từng dám chủ trương đổi mới kinh tế hồi Đại hội 6 năm 1986.”