Điểm Tin Thế Giới – 16/2/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Tin Thế Giới – 16/2/21

Đại diện Đài Loan bình luận về vắc xin Trung Quốc. Đại diện Đài Loan tại Nhật Bản, ông Tạ Trường Đình, hôm thứ Hai (15/2), đã có phản ứng trước phát biểu của cựu Tổng thống Mã Anh Cửu về việc quốc đảo có thể sử dụng vắc xin Covid Trung Quốc. “Cũng giống như các sản phẩm của Huawei bị nghi ngờ cài cắm các chương trình ngựa thành Troy để đánh cắp dữ liệu từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu, vắc-xin là một vấn đề của niềm tin. Chúng ta có nên tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc?”, ông Tạ đặt câu hỏi [Taiwan News].

Bà Harris bị nghi lạm quyền. Phó Tổng thống Kamala Harris gần đây đã điện đàm với nhiều nguyên thủ quốc gia, một nhiệm vụ thường được thực hiện bởi tổng thống. Tòa Bạch Ốc cho biết bà Harris đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai (15/2). Bà Harris cũng đã điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào đầu tháng này. “Thật kỳ lạ khi một Phó Tổng thống tiếp xúc với các nhà lãnh đạo quan trọng của thế giới chỉ vài tuần sau khi mới tham gia chính quyền mới”, trang tin National Pulse bình luận [Epoch Times, White House].

‘Bỏ rơi’ ASEAN, Mỹ sẽ khiến khối này theo Bắc Kinh. Đây là nhận định của các nhà phân tích được SCMP dẫn lời. Họ cho rằng nếu chính quyền Biden không cứng rắn với Bắc Kinh thì ASEAN sẽ ngả theo Trung Quốc dù biết rằng ảnh hưởng kinh tế của nước này gây lo lắng. David Shambaugh, giáo sư Nghiên cứu Châu Á và Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, cho biết, bất chấp sự ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực, 7 trong số 10 nước ASEAN dường như đang nghiêng về Bắc Kinh hơn Mỹ. Chỉ có Việt Nam, Singapore và Philippines là có vẻ gần gũi hơn với Washington [SCMP].

Gia đình luật sư của Trump bị đe dọa. Michael van der Veen, luật sư đại diện cho cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tòa luận tội nói với Newsmax vào ngày 15/2 rằng, ông đã phải gửi các con đến một địa điểm bí mật và buộc phải thuê bảo vệ tại nhà riêng và nơi làm việc. Luật sư cho biết nhà của ông đã bị phá hoại bằng hình vẽ bậy. Ông van der Veen cho biết thêm rằng không chỉ nhà bị tấn công, ông cũng bị dọa giết [Epoch Times].

Triều Tiên không có dấu hiệu khiêu khích. Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck đã đưa ra nhận định này hôm thứ Ba (16/2) trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm các phương án tiếp cận vấn đề Triều Tiên. Theo ông Lee, cách tiếp cận mới của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên sẽ bao gồm các tham vấn với phía Hàn Quốc. Đây là điểm khác biệt so với cách tiếp cận có phần quyết đoán của chính quyền tiền nhiệm trong vấn đề Triều Tiên [Yonhap].

75% cử tri Cộng hòa muốn ông Trump giữ vai trò quan trọng trong đảng. Đây là kết quả của cuộc khảo sát được công bố ngày 15/2 do Đại học Quinnipiac thực hiện. “Ông ấy chắc chắn không mất thiện cảm với các cử tri Cộng hòa. Hai lần bị đảng Dân chủ luận tội, phỉ báng trong phiên tòa và hầu như ông ấy giữ im lặng trước mạng xã hội… bất chấp tất cả, Donald Trump vẫn giữ một chỗ đứng vững chắc trong Đảng Cộng hòa”, Nhà phân tích Tim Malloy của Đại học Quinnipiac ngày 15/2 cho biết [Epoch Times].

Anh muốn có hiệp ước minh bạch thông tin đại dịch. Đây là điều Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ ngày 15/2. Theo thủ tướng Anh, tất cả các bên tham gia hiệp ước phải cam kết chia sẻ toàn bộ dữ liệu mình có để có thể tìm hiểu tận gốc những điều đã xảy ra và ngăn đại dịch bùng phát một lần nữa. Tuyên bố của Thủ tướng Anh đưa ra trong bối cảnh London và Washington đang bày tỏ quan ngại về quyền tiếp cận thông tin của phái đoàn WHO phụ trách điều tra dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc [Reuters].

Bà Aung San Suu Kyi đối mặt thêm cáo buộc. Sau cáo buộc về nhập khẩu bộ đàm trái phép, cựu cố vấn nhà nước Myanmar đã phải nhận thêm cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thiên tai. Khin Maung Zaw, luật sư của bà Suu Kyi, cho hay, cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thiên tai được cảnh sát Myanmar đưa ra đối với bà vào ngày 16/2. Ông Zaw cũng cho biết “chưa nghe hay nhận tin xấu nào” về tình hình sức khỏe của bà Suu Kyi, trong khi đó chính quyền quân sự nói bà “khỏe mạnh” và đang ở nơi “an toàn” [France24].

Ngoại trưởng Mỹ gửi thông điệp hòa bình tới Iran. Ông Antony Blinken hôm thứ Ba (16/2) cho biết “con đường dẫn tới ngoại giao đang rộng mở ngay bây giờ” với Iran đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Teheran đã yêu cầu Mỹ phải rút các lệnh trừng phạt thì họ mới tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền Iran đã thông báo với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc rằng họ sẽ tạm hoãn hợp tác với cơ quan này trong một tuần [Reuters].

Lục Du | DKN

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-17-2-ba-harris-bi-nghi-lam-quyen.html