Canada, Mỹ và liên minh 58 quốc gia ra tuyên cáo ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện
16/02/2021 – Hôm 15/2, Canada ra một sáng kiến nhằm ngăn chặn các quốc gia giam giữ công dân nước ngoài để làm đòn bẩy ngoại giao, một phương pháp mà Ottawa và Washington cho rằng Trung Quốc và các nước khác đang sử dụng. Việt Nam không tham gia vào liên minh này.
Ngoại trưởng 58 quốc gia, hầu hết là các nước phương Tây, Úc, Nhật, đã ký một tuyên cáo không ràng buộc nhằm tố cáo việc bắt giữ tùy tiện công dân nước ngoài do một số chính phủ chuyên quyền bảo trợ vì mục đích chính trị, và thường được sử dụng như những lá bài thương lượng trong quan hệ quốc tế.
Ngoại trưởng Canada Marc Garneau gọi các hành động bắt giữ tùy tiện này là hành vi không thể chấp nhận được.
“Việc làm bất hợp pháp và trái đạo đức này khiến công dân của tất cả các quốc gia gặp rủi ro và nó làm suy yếu nền pháp quyền. Điều này không thể chấp nhận được và nó phải dừng lại,” Ngoại trưởng Garneau phát biểu trong một tuyên bố.
“Có đến 1/4 các quốc gia trên thế giới tán thành Tuyên cáo là minh chứng cho tầm quan trọng toàn cầu của sáng kiến,” ông Garneau nói thêm.
Ngoại trưởng Garneau cho biết Tuyên cáo không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng một quan chức Canada cho Reuters biết sáng kiến này xuất hiện do những quan ngại về các vụ bắt giữ người nước ngoài của Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên.
Các quan chức Canada cũng cho Reuters biết rằng sáng kiến mới này có thể gây áp lực lên Bắc Kinh.
“Chúng tôi muốn làm cho họ cảm thấy khó chịu một chút. Chúng tôi muốn họ biết rằng nhiều quốc gia cho rằng hành vi này là không thể chấp nhận được và hy vọng theo thời gian, tuyên bố mới sẽ góp phần thay đổi hành vi”, một vị quan chức giấu tên cho Reuters biết.
Hôm 16/2, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối việc Canada ban hành “Tuyên cáo chống giam giữ tùy tiện” với các nước khác, gọi hành động này là “không có thiện ý và xuyên tạc sự thật.”
“Nỗ lực của phía Canada nhằm gây áp lực với Trung Quốc bằng cách sử dụng ngoại giao tuyên truyền phóng đại hay lôi kéo liên minh là hoàn toàn vô ích và sẽ chỉ đi vào ngõ cụt,” người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nói.
Trước khi Tuyên cáo được chính thức phát hành, trang Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc đã trích dẫn các chuyên gia giấu tên nói rằng sáng kiến này là “một cuộc tấn công hung hăng và thiếu cân nhắc nhằm khiêu khích Trung Quốc”.
Hoa Kỳ, một trong các quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Tuyên cáo, lên án việc bắt giam tùy tiện phục vụ cho mục đích chính trị.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 15/2 ra tuyên bố cho biết: “Việc một liên minh rộng lớn của các chính phủ tán thành Tuyên cáo này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng lịch sử vẫn đứng về phía nhân quyền và thượng tôn pháp luật – chứ không phải việc sử dụng luật pháp như một công cụ chính trị. Con người không phải là con bài mặc cả.”
“Hoa Kỳ rất tán thành tuyên cáo này và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chí hướng làm việc cùng nhau để gây áp lực buộc các quốc gia có can dự vào các vụ bắt giữ như vậy phải chấm dứt thông lệ này, trả tự do cho những người bị giam giữ trong các điều kiện như vậy và tôn trọng pháp quyền và nhân quyền,” Ngoại trưởng Blinken cho biết thêm.
“Chúng tôi lấy làm tiếc nhưng không ngạc nhiên khi không thấy tên của Việt Nam trong danh sách của một liên minh gồm 58 quốc gia này,” Luật sư Vũ Đức Khanh ở Ottawa cho VOA biết qua email.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Iran và Việt Nam, sớm tham gia Tuyên cáo này và, thực hiện các bước cụ thể sau đây để ngăn chặn và chấm dứt : (1) – các điều kiện khắc nghiệt trong việc giam giữ các can phạm; (2) – từ chối can phạm quyền tiếp cận luật sư; (3) – tra tấn, đối xử hoặc có những trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo, những nhục hình khác đối với các can phạm,” Luật sư Khanh cho biết thêm.
Việc giam giữ tùy tiện vi phạm các nguyên tắc cơ bản đã được thiết lập về quyền con người theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế, pháp quyền và tính độc lập của cơ quan tư pháp, như đã nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (1948); Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (1966) và Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự (1963).