Nước Mỹ trong tim tôi
Niên học 1944-1945 tôi đậu kỳ thi tuyển vào lớp 6è Lycée Khai Dinh. Lúc bấy giờ có hai ban, ban Occidentale học Anh ngữ và ban Extrême-Orientale học chữ Hán. Tôi học ban Occidentale. Gia đình tôi vẫn ở tại làng Quảng lượng, tỉnh Quảng trị nên vào học ở Huế tôi ở trọ tại nhà dượng tôi, chồng người em gái của ba tôi. O và dượng tôi có người con trai đầu lòng là Chú Ngữ. Chú Ngữ lớn hơn tôi một tuổi và học trên tôi một lớp. Chú học Extrême-Orientale. Thầy giáo dạy chữ Hán cho Chú là Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, sau này, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, Linh mục trở thành Giáo sư Đại học Văn khoa. Một hôm ông tôi vào thăm con gái và con rể. Khi được biết là cháu ngoại học chữ Hán còn cháu nội học chữ Anh, ông tôi bảo như vậy ông tôi sẽ có hai đứa cháu, một đứa theo Tàu một đứa theo Mỹ. Ông tôi dự đoán đúng gần như 99%. Chú Ngữ đi bộ đội và tập kết nhưng vì gốc tiểu tư sản nên không được thăng cấp cao mà chỉ làm công việc thông ngôn của một sĩ quan cấp trung chuyên thẩm vấn tù binh Pháp bị bắt. Còn tôi thì đúng là theo Mỹ.
Sách tiếng Anh tôi học lúc bấy giờ là sách do các nhà xuất bản Pháp ấn hành. Đó là các cuốn Anglais vivant, Édition bleue ở bậc Một Trung học và Édition beige ở bậc Hai Trung học. Tác giả là P. et M. Carpentier-Fialip, Nhà Sách Hachette. Bìa sách màu xanh lơ, có hình vẽ hòn đảo Anh quốc. Tôi còn nhớ một trong những bài học vỡ lòng tiếng Anh trong sách Anglais vivant, Édition bleue, lớp Sixième có tựa đề là “What things are made of?“. Thầy giáo dạy tiếng Anh cho chúng tôi là ông Richard. Chúng tôi phát âm theo giọng đọc của thầy còn trong sách thì cách đọc được ghi bằng phiên âm quốc tế. Ví dụ I (tôi) được ghi là [ai]. Năm đệ tứ, cả lớp lâu lâu lại lũ lượt sắp hàng dài kéo nhau ra đường để lên trụ sở chính của Trường Quốc học, vào ngồi trong audio-ampithéâtre nghe giọng đọc Anh ngữ phát ra từ một cái máy hát quay tay với dĩa là những bài thu theo cuốn l‘anglais sans peine của hãng Assimil. Bài đầu tiên là “My tailor is rich, my tailor is not rich“. Đáng kể là dẫu không hề được trực tiếp đối thoại với người Mỹ từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ nhất, rồi đây khi ra trường và có dịp tiếp xúc với các nhân viên dân sự Mỹ hay các cố vấn quân sự Mỹ, tôi không hề gặp khó khăn trở ngại nào trong giao thiệp hằng ngày với họ qua tiếng Mỹ. Cách dạy, cách học tiếng Anh-Mỹ mà tôi được truyền đạt có nhiều khía cạnh khác biệt với cách dạy, cách học tiếng Đức sau này ở viện Goethe Sàigòn.
Ngày neuf mars (ngày Nhật đảo chính Pháp) xảy ra, tôi tản cư về làng và mấy năm sau mới được gia đình tìm mọi cách cho vào lại Huế để tiếp tục đi học. Tôi tốt nghiệp Trung học Phổ thông khi theo học Trường Quốc học Huế niên khoá 1949-1950. Tôi đậu đầu kỳ thi đó. Buổi lễ phát phần thưởng cho toàn Trường Quốc học được tổ chức trọng thể và trong buổi lể này tôi nhận phần thưởng lớn nhất, mặc dù còn có phần thưởng dành cho các lớp đệ tam, đệ nhị và đệ nhất. Phần thưởng có một vài cuốn sách nhưng quan trọng nhất là một chiếc máy hát quay tay hiệu La Voix de son Maitre mang hình con chó ngồi nghe tiếng chủ kèm theo mấy dĩa hát với các nhạc phẩm của Phạm Duy như Nương chiều. Xướng ngôn viên buổi lễ lớn tiếng thông báo là phần thưởng do Ông Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Huế ân cấp. Khi tôi đứng dậy tiến lên lãnh thưởng thì ban nhạc sống chuyển qua một bản nhạc chào mừng rộn rã. Tôi đi xe đò về Quảng trị. Ngồi trên xe, thấy tôi ôm cái máy hát mới tinh, nhiều khách đồng hành tò mò hỏi để rồi đều biểu lộ lòng ngưỡng mộ tính hào phóng của vị đại diện ngoại giao Hoa Kỳ đang nhận nhiệm sở tại cố đô. Nước Mỹ bắt đầu đến với tim tôi.
Niên học 1954-1955 tôi theo học lớp Đệ Nhất C, Ban Văn chương, Trường Chu Văn An di cư. Sự hiện diện của Hoa Kỳ càng ngày càng rõ. Đã có sẵn vốn liếng tiếng Pháp từ thời Lycée Khai Dinh, tôi chú tâm trau dồi thêm Anh ngữ. Nội dung chương trình học của năm Đệ Nhất ban Văn chương là phong trào lãng mạn trong văn học sử Anh quốc với các tác giả Byron, Coleridge, Wordsworth. Để tìm thêm tài liệu tôi thường xuyên đến USIS, United States Information Service, Phòng Thông tin Hoa Kỳ, trực thuộc Toà Đại sứ Mỹ, mới đầu đặt trụ sở tại đường Hai Bà Trưng và Thư viện Anh quốc British Library trực thuộc sứ quán Anh đóng trên một căn nhà lầu ở đường Bonard, gần rạp hát Vĩnh Lợi. Tôi làm quen rất nhanh với các bà người Mỹ làm việc tại Phòng Thông tin Hoa Kỳ. Tôi được mời thưởng thức kem Mỹ do các bà làm lấy. Biết tôi gốc dân Trung vào Sàigòn học, một bà Mỹ bảo tôi thỉnh thoảng vẫn có những chuyến bay khứ hồi trong cùng ngày từ Sàigòn ra Huế vào buối sáng và trở lại Sàigòn vào buổi chiều, tôi muốn ra Huế chơi một chuyến thì Bà sẽ giới thiệu. Tôi vui mừng nhận lời và xin hai chỗ, một cho tôi và một cho người bạn. Chuyến bay Air America chở chúng tôi đi về Sàigòn-Huế-Sàigòn vào một ngày thứ bảy. Sau này tôi mới biết Air America là của CIA. Mẹ tôi và em gái tôi nhân dịp đó từ Quảng trị vào Huế thăm tôi. Ngoài ra tôi đang ở trọ tại nhà người quen của ông Lê Văn Hiệp, thương gia buôn bán xe đạp ở Huế, nên ông Lê Văn Hiệp nhờ tôi khi trở lại Sàigòn thì xách theo một giỏ nặng đựng toàn lượng vàng!
Tôi ghi tên học Dự bị Y khoa sau khi thi đỗ Tú Tài. Chương trình gồm nhiều môn học lý thuyết và thực tập. Thực tập có thực tập Lý, Hoá và Sinh. Thực tập sinh học gồm thực tập sinh học động vật và thực tập sinh học thực vật. Một hôm tôi đang ngồi trước kính hiển vi quan sát tế bào củ hành trong giờ thực tập sinh học thực vật thì có phóng viên tờ tạp chí Thế giới Tự do đến làm phóng sự. Người phóng viên chụp hình tôi và đưa lên báo. Bức hình trắng đen rất rõ, rất đẹp. Thế giới Tự do có lẽ là cơ quan thông tin tuyên truyền chính thức của USIS mà nhiệm vụ chủ yếu là giới thiệu các vấn đề, các chính sách và các thành tựu của Hoa Kỳ. Tờ báo được phổ biến rộng rãi trong giới người đọc Việt Nam. Tôi cất rất kỹ số báo đăng hình tôi học PCB, xem như của gia bảo; mãi đến sáng ngày 30.04 mới đem đi đốt!
Tôi đang học năm thứ sáu Y khoa thì chiếc tàu bệnh viện Hope đến đậu dưới bến Bạch Đằng. Trường Quân Y gửi chừng hai chục sinh viên nói được tiếng Anh xuống tàu thực tập. Lúc bấy giờ tôi đang theo môn Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng. Được tin tàu Hope đến, Bác sĩ Vũ thị Thoa yêu cầu tôi chuẩn bị sẵn hồ sơ để chuyển một cháu bé xuống tàu xin được theo dõi điều trị. Cháu bé nằm nhà thương Nhi đồng đã mấy tháng, bệnh không thuộc loại truyền nhiễm, bệnh không nặng lắm nhưng cũng không thể cho về nhà vì sợ biến chứng bất ngờ. Cháu là bệnh nhân đầu tiên của tàu Hope. Khu Nhi đồng trên tàu Hope do nữ Bác sĩ Wier phụ trách. Vài ngày sau khi tàu Hope bắt đầu lác đác nhận bệnh nhân, Ban Giám đốc Điều hành tổ chức gặp mặt giữa sinh viên thực tập và báo chí Việt Nam. Tôi được chọn thay mặt sinh viên thực tập. Bác sĩ G. Eliot Trưởng khu Y khoa gặp tôi và hỏi tôi dự định sẽ nói những điều gì. Tôi trả lời tôi sẽ kể chuyện y khoa Mỹ trên tàu Hope, xin Ông yên tâm. Báo chí đến rất đông. Tôi có mười lăm phút để tiếp xúc báo chí và mười lăm phút để trả lời báo chí. Đại khái nội dung buổi gặp mặt giữa cá nhân tôi và báo chí xoay quanh những mẩu chuyện về nền y khoa tân tiến của Hoa Kỳ. Tôi kể rằng lần đầu tiên tôi được sử dụng những cây kim tiêm và những ống chích bằng nhựa khử trùng sẵn, sử dụng xong là vứt bỏ (trong khi các cơ sở y khoa Việt Nam chỉ có cách dùng nồi nước đun sôi để diệt trùng các dụng cụ tiêm chích và cứ dùng đi dùng lại nhiều lần). Tôi đưa cái ống nghe tôi đang dùng tuy cũng sản xuất ở bên Mỹ nhưng là ống nghe dùng chung cho đủ loại bệnh nhân, trong khi ở khu Nhi đồng Bệnh viện Hope, tôi được phép dùng loại ống nghe nhỏ nhắn, gọn gàng, xinh xắn tương ứng với cơ thể của các cháu bé. Tôi đưa cao hai ống nghe cho báo giới nhìn rõ. Hội trường vỗ tay rộn rã liên tiếp thành nhiều đợt. Tập thể bác sĩ Mỹ đứng trong một góc phòng họp theo dõi cuộc hội báo tỏ ra rất hân hoan. Bác sĩ Wier ngỏ ý muốn thăm một cơ sở điều trị tại Sàigòn. Tôi liên lạc với Giáo sư người Pháp Auguste Riovalen, Trưởng khu Nội khoa Bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia định và xin phép Giáo sư nhận cho Bác sĩ Wier đến thăm. Tôi làm thông ngôn trực tiếp giữa chủ và khách bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Buổi thăm viếng chấm dứt, Giáo sư Riovalen thân hành tiễn khách quí ra tận xe và câu cuối trước lời tạm biệt của Giáo sư là : “Nói với Bà xin đừng quên chúng ta và xin tiếp tục giúp đỡ chúng ta.“
Hai năm 1966 và 1967 các chiến lược gia Hoa Kỳ bắt đầu chiến lược phản tấn công và bình định, đồng thời Mỹ cũng can thiệp mạnh mẽ hơn, cung cấp nhiều phương tiện tài chánh và quân sự hơn cho Việt Nam Cộng Hoà. MACV (Military Assistance Command in Vietnam) thiết lập và/hay củng cố bốn cơ sở quân báo hỗn hợp Việt-Mỹ mà bộ phận quan trọng là do phía Mỹ đảm trách : CDEC, Combined Document Exploitation Center, Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp Việt-Mỹ; CMEC, Combined Material Exploitation Center, Trung tâm Khai thác Quân dụng Hỗn hợp Việt-Mỹ; CMIC, Combined Military Interrogation Center, Trung tâm Thẩm vấn Hỗn hợp Việt-Mỹ; CICV, Combined Intelligence Center Vietnam, Trung tâm Tình báo Hỗn hợp Việt-Mỹ. Cục Quân y bố trí tôi làm việc ở CMEC, Trung tâm Khai thác Quân dụng Việt-Mỹ, trụ sở bí mật đặt trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Tôi trở thành cố vấn cho các cố vấn Hoa Kỳ. Trong bốn năm liền, tôi làm việc chung rất mật thiết với những sĩ quan quân y và những sĩ quan hành chánh quân y Mỹ. Công việc chính của chúng tôi là phân tích những quân dụng thuộc quân y, quân dược và nghiên cứu những tài liệu sách báo y khoa tịch thu được của địch. Trong thực tế, phía Mỹ cung cấp phương tiện vật chất, phương tiện di chuyển, phương tiện nghiên cứu nhưng luôn luôn phải dựa vào phía Việt Nam vì vấn đề ngôn ngữ. Chúng tôi báo cáo cho MACV và cho Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu về các loại dược phẩm, về các dụng cụ giải phẫu do khối Đông Âu hay do Trung cộng sản xuất. Chúng tôi tường trình về hệ thống tổ chức quân y và dân y Việt cộng. Không biết bao nhiêu lần, tôi đã leo máy bay trực thăng và máy bay vận tải sao trắng để lên Pleiku, xuống Cần thơ, sang Long Bình nhằm thẩm vấn tù hàng binh Việt cộng. Mối giao tình của bản thân tôi với các bác sĩ quân y Hoa Kỳ rất chặt chẽ và thân ái. Cùng với các đồng nghiệp người Mỹ tôi viếng thăm Third Field Hospital trước cổng Bộ Tổng Tham Mưu hoặc WRAIR (Walter Reed Army Institut of Research) tại bảo sanh viện tư Dục Anh của Giáo sư Trần Đình Đệ mà người Mỹ thuê lại. Tôi được cung cấp rất đầy đủ các công trình nghiên cứu của phái đoàn WRAIR về sốt rét, về giun sán, về lãi kim. Khi tôi ngỏ ý xin phép các đồng nghiệp mũ xanh người Mỹ để sử dụng các tài liệu điều tra dịch học của họ nhằm viết luận án tốt nghiệp y khoa (chuyển sang Pháp ngữ) cho một số đàn em và sinh viên ở hai Đại học Y khoa Sàigòn và Huế thì họ rất hoan nghênh. Luận án về bệnh sốt rét nhan đề “Le paludisme au Sud Vietnam vu par un médecinmilitaire“ còn nhận được cả lời khen ngợi của Hội đồng Giám khảo. Tôi nhờ bạn bè người Mỹ mua đủ thứ hàng PX. Trong túi tôi vào giai đoạn đó, lúc nào cũng có đôla đỏ. Tôi còn được Bộ trưởng Lục quân USA ân cấp Army Commendation Medal, sáng 30.04 mang đi đốt, để rồi sang Đức tôi xin cấp lại bản tưởng lục năm 1985. Năm 1970, có anh bạn hạ sĩ quan Hoa Kỳ trong toán Quân Y hỏi tôi có thể kiếm cho anh ta một khẩu AK47 mang về Mỹ làm kỷ niệm hay không. Tôi bảo được nhưng không thể kiếm ở Sài Gòn mà phải đi ra Miền Trung. Anh hạ sĩ quan bảo anh ấy xin chỗ ngồi trên máy bay quân sự Mỹ rất dễ dàng. Thế là tôi liên lạc với Đại tá Trần Văn Cẩm (sau này lên Chuẩn tướng, vừa mới mất ở Antonio, Texas, đầu năm 2021), Tham mưu trưởng Sư đoàn 2 Bộ Binh. Anh Cẩm với tôi là anh họ cùng một ông cố. Ở cơ quan CMEC vào buổi tối gọi điện thoại quân sự viễn liên rất dễ dàng, chỉ cần nhấc máy là cô điện thoại viên hỏi ngay : “Thưa giới chức, giới chức muốn liên lạc với địa chỉ nào?“. Kết quả, anh bạn hạ sĩ quan Mỹ ra Quảng Ngãi vào gặp Anh Cẩm và xin được một khẩu AK mang về Tân Sơn Nhứt, anh ta cùng một anh bạn khác hì hụi lau chùi khẩu súng bóng loáng! Sau 75, có đồng nghiệp Mỹ hết sức tìm cách liên lạc lại với tôi trong khi tôi đang ở Đức. Anh bạn Mỹ hỏi thăm mãi trong giới y khoa Việt Nam tại Hoa Kỳ và một hôm tình cờ được một bác sĩ họ “Nguyen“ nào đó cho biết tin tức chính xác về bản thân tôi. Qua internet, tôi nhận được lời thăm hỏi chân thành kèm theo hình ảnh ngôi nhà rộng rãi khang trang anh ta mới mua sắm được!
Bà xã tôi dạy Hội Việt Mỹ. Hai vợ chồng tôi thường mời các sĩ quan quân y Mỹ làm việc chung với tôi tại CMEC ăn Tết ta tại các nhà hàng Sàigòn. Tôi chăm chỉ nhặt tờ nhật báo quân đội Stars and Stripes mang về nhà sau khi người Mỹ đọc xong và loại bỏ. Những hình thức sinh hoạt bình thường như vậy góp phần vào hành trang tri thức cơ bản về văn hoá Mỹ cho chúng tôi; và chúng tôi tự nhiên biết rằng Mỹ có những tiểu bang nào là lớn, có những tiểu bang nào là nhỏ; rằng tên gọi mỗi tiểu bang có một cách viết tắt riêng như TX là Texas, CA là California, WI là Wisconsin. Chúng tôi cũng biết Washington D.C. bên dòng Potomac khác với Washington State nhìn ra Thái bình dương.
Cuối năm 1966, Trường Đại học Y khoa chuyển trụ sở về Trung tâm Giáo dục Y khoa do Mỹ xây cất trên đường Hồng Bàng, Quận 5, Chợ lớn. Cùng với nhà trường mới, thư viện được bố trí rộng rãi khang trang, đồng thời được trang bị và sắp xếp theo khuôn mẫu thư viện y khoa Hoa Kỳ. Sách báo được phân mục theo Phân loại của NLM, National Library of Medicine. Hệ thống Dewey Decimal Classification được áp dụng cho kho sách chuyên môn của thư viện. Về cải cách nhân sự, cùng với tầm vóc mở mang của thư viện, lần đầu tiên thư viện có một bác sĩ quản thủ thư viện và trực tiếp phụ trách công việc văn phòng, hành chánh cho thư viện là một nữ chuyên viên thư viện tu nghiệp về thư viện học ở Hoa Kỳ trở về. Cô sẽ là một người bạn rất tích cực giúp tôi liên lạc thường xuyên và trực tiếp với National Library of Medicine ở Bethesda. Vì cần references nhằm biên soạn các luận án nên tôi phải xin tài liệu từ kho văn khố y học Mỹ qua tham khảo Index Medicus. Index Medicus là những tuyển tập tổng hợp y văn phân phối theo từng thư mục, xuất bản đều đặn hàng tháng. Tài liệu ra rất đúng kỳ hạn, ấn loát hết sức khoa học, gọn gàng, đầy đủ, chi tiết. Mỗi năm lại có một cuốn tổng hợp biên niên dày cộm. Khi cần một tài liệu y học, tôi tra cứu Index Medicus số mới nhất phát hành trong tháng hay trong năm. Tôi ghi lại các chi tiết thư tịch học cần thiết và nhờ cô nữ nhân viên thư viện chuyển qua Mỹ cho NLM. Những năm tháng đó, có lẽ tôi là một trong số ít ỏi thân chủ Việt Nam của NLM. Thư viện Trường Y Sàigòn hầu như là một chi nhánh ngoại quốc của NLM nên các nhu cầu thư tịch học gửi từ Sàigòn, do nữ nhân viên có laixăng ký gửi, được đáp ứng chẳng những nhanh chóng, đầy đủ, khoa học mà còn đẹp đẽ, sáng sủa, chính xác.
Tôi có một nữ bệnh nhân mắc chứng bệnh Morgagni-Stewart-Morel Syndrome*. Tôi viết một bản tường trình chi tiết về trường hợp này bằng Anh ngữ (Morgagni-Stewart-Morel Syndrome, a Review of the Literature and Report of a Case) và gửi cho Tập san Quân y của Trường Quân y. Nhóm phụ trách báo chí đưa bài viết cho viên cố vấn Mỹ, một Y sĩ Trung tá, xem. Vị sĩ quan quân y Hoa Kỳ trả lại bài viết kèm theo một mẩu ghi chú với hai chi tiết : a) các thư mục tham khảo trong bài viết rất đầy đủ và cập nhật; b) nếu muốn đăng bài viết lên một tạp chí y khoa Hoa Kỳ thì chỉ cần tu chỉnh một vài chi tiết nhỏ về biên tập mà thôi. Phần tài liệu tham khảo sở dĩ đầy đủ và cập nhật là vì tôi được NLM cung cấp tài liệu theo Index Medicus bản in mới nhất!
Sau ngày 30.04, vào những dịp tiếp xúc với giới y khoa dược khoa từ Hànội vào, hoặc qua thuyết trình chuyên môn hay qua trao đổi chuyện trò, những tập tài liệu trân quí gửi từ NLM luôn luôn tạo cho họ những ấn tượng ngưỡng mộ, khâm phục chẳng những đối với nền y học Mỹ mà cả đối với nền thư viện học Mỹ. Và tôi có lẽ là bác sĩ gốc nguỵ duy nhất tiếp tục công khai tán dương nền y học Mỹ một cách rất nhiệt tình. Tôi chỉ ra rằng con chuột của Skinner tiến bộ hơn con chó của Pavlov nhiều. Tôi phang giới di truyền học Nga xô lạc hậu và đần độn khi phủ nhận sự hiện hữu và vai trò của gen trong khi các lĩnh vực di truyền học, tế bào học, sinh học phân tử là những lĩnh vực đã mang đến cho các nhà khoa học Hoa Kỳ hàng loạt giải Nobel Khoa học và Sinh lý học. Trong một buổi thuyết trình bằng tiếng Pháp do đồng chí Bát Can, Viện trưởng Viện Dịch tễ Thành Hồ phụ trách nhân đón tiếp một phái đoàn OMS từ Lyon sang, tôi nói thẳng Sabin, người tìm ra thuốc chủng phòng bệnh ấu liệt là người Mỹ chứ không phải là “le camarade Sabin“ như đồng chí Viện trưởng nói! Chắc đồng chí Bát Can thấy tên Sabin có vần in đằng cuối giống Lenin, Stalin, Mitchourin, Iliouchin (và Putin!) nên tưởng Sabin là công dân Liên Xô!.
Đơn vị đầu đời binh nghiệp của tôi là Trường Quân Y. Tôi được xem như trưởng lớp khoá 9 Sinh viên Quân y Hiện dịch. Trước khi ra trường, chúng tôi theo học một khoá Hành chánh Quân y. Giảng viên duy nhất người Mỹ của khoá là Đại uý Hành chánh Quân y Sullivan, cựu sĩ quan tuỳ viên của Đại tướng Patton hồi Đệ nhị Thế chiến. Ông nói tiếng Mỹ rất rõ ràng, phát âm rất rành rọt.
Tất cả những gì cần truyền đạt đến cho toàn khoá học, Ông đều qua tôi, vì thế Ông rất có cảm tình với tôi. Trong một lần nói chuyện với khoá học và nói về tôi, Ông bảo “He will go to the States“. Sau khi ra trường tôi từng phụ trách Phòng Huấn Luyện. Trong tư thế đó, lẽ ra tôi phải có cơ may sang Hoa Kỳ ít nhất một lần để thăm viếng các quân trường trên đất Mỹ. Nhưng số tử vi của tôi không có sao du ngoạn hay công du nên tôi cứ ở Việt Nam hoài để rồi lần xuất ngoại đầu tiên cũng là lần xuất ngoại cuối cùng và tôi không sang Hoa Kỳ, đất nước của niềm tin trong tim tôi, mà lại sang Tây Đức!
Hoài niệm bao giờ cũng đẹp. Renan còn bảo Souvenir est poésie, hoài niệm là thi ca. Nhất là những kỷ niệm cá nhân liên quan đến giai đoạn cộng tác với người Mỹ mà tôi còn giữ kỹ trong ký ức là những hồi tưởng luôn luôn mang tính tích cực. Đối với tôi thuở đó, nước Mỹ cái gì cũng là number one. Nền văn hoá Mỹ là một nền văn hoá tuyệt vời, chế độ chính trị Mỹ là một chế độ gương mẫu, chính sách ngoại giao quốc tế Mỹ là một chính sách hào phóng mã thượng. Nhớ lại thời gian khá dài tôi giao tiếp với nền văn hoá nhân bản Mỹ, với con người lính tráng Mỹ, với vật dụng y tế Mỹ, tôi không sao quên được những tình cảm đẹp đẽ, tốt lành còn tồn tại vững bền mãi mãi trong tim tôi.
01.10.2020 – bổ túc 12.02. 2021
BS. Trần Văn Tích
*Lúc bấy giờ có hai luận án y khoa đề cập đến Morgagni-Stewart-Morel syndrome: luận án thứ nhất trình bày bốn ca ở bệnh viện Grall (Nguyễn Thanh Giá, 1962) và luận án thứ hai giới thiệu hai mươi bệnh nhân thu góp trong chín năm tại bệnh viện Chợ Rẫy (Huỳnh Văn Nam, 1968).