Joe Biden và quả bom nguyên tử Iran

Cac Bai Khac

No sub-categories

Joe Biden và quả bom nguyên tử Iran

05/02/2021 – RFI – Khi xúc tiến hiệp ước nguyên tử Vienna, Obama đã nhận định sai về một yếu tố quan trọng là chủ trương chống Mỹ của Khamenei. Biden cho rằng Hoa Kỳ có thể quay lại nếu việc này mở ra những cuộc đối thoại khác. Nhưng giáo chủ Khamenei không muốn nói về kho vũ khí đạn đạo hay sự bành trướng của Iran ở Liban, Syria, Irak ; vì đó là trung tâm lợi ích của nhóm bảo thủ đang nắm quyền ở Teheran.

Các máy ly tâm tại nhà máy làm giàu uranium Natanz, miền trung Iran. (Ảnh do Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Iran công bố ngày 05/11/2019).
Các máy ly tâm tại nhà máy làm giàu uranium Natanz, miền trung Iran. (Ảnh do Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Iran công bố ngày 05/11/2019). AP

Tựa chính các báo Paris hôm nay 05/02/2021 tập trung vào nội tình nước Pháp trong bối cảnh phải đối phó với con virus đến từ Vũ Hán. Le Figaro chạy tít trang nhất «Học sinh, phụ huynh và giáo chức mất phương hướng vì đại dịch». Libération đả kích các «lang băm» về Covid, với tựa «Quy trình của những người tập sự làm phù thủy». Les Echos lạc quan cho rằng «Kinh tế Pháp chống chọi được» trước đại dịch, tỉ lệ tăng trưởng 6% trong năm 2021 là có thể thực hiện được.

La Croix đăng ảnh chủ tịch Ủy Ban Châu Âu với tựa «Sự thú nhận của Ursula von der Leyen»: bà biện hộ cho chiến lược vac-xin của Liên Hiệp Châu Âu nhưng cũng nhìn nhận đã thiếu dự báo. Riêng Le Monde quan tâm đến các vụ án loạn luân thường được xử kín. Về thời sự quốc tế, các chủ đề chính vẫn là Miến Điện, Navalny, chính sách của Biden.

Quả bom hẹn giờ đầy nguy hiểm

Bài phân tích «Joe Biden và quả bom Iran», cây bút Alain Frachon của Le Monde mở đầu bằng hình ảnh: tic, tac, quả lắc đồng hồ nguyên tử Iran lại bắt đầu điểm, vùng nguy hiểm đã đến gần. Từ đầu tháng Hai, Iran sản xuất uranium làm giàu đến 20%, mức độ có thể nhanh chóng tiến đến mục đích quân sự. Trữ lượng uranium làm giàu 3,7% theo chuẩn Vienna đã tăng gấp 12 lần so với giới hạn được ấn định trong hiệp ước 2015. Cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử lại bắt đầu, làm thế nào ngăn được?

Khi rút khỏi hiệp ước, ông Donald Trump đã giải tỏa những cam kết của Hoa Kỳ. Joe Biden cho biết nếu Iran nghiêm túc tuân thủ, thì Mỹ sẽ quay lại với thỏa thuận Vienna ; còn Khamenei đặt điều kiện phải dỡ bỏ trừng phạt của Trump trước đã. Thông qua ngoại trưởng Javad Zarif, Teheran mong muốn châu Âu đứng ra làm trung gian. Tại Washington, hồ sơ được giao phó cho Robert Malley, một cựu quan chức thời Obama. Nhưng tác giả không cho rằng Biden và Khamenei đề cập đến cùng một chủ đề.

Ông Biden dường như có một cách nhìn rộng hơn thỏa thuận Vienna. Washington có thể trở lại nếu việc này mở ra những cuộc đối thoại khác, về sự bành trướng của nước Cộng hòa Hồi giáo trong thế giới Ả Rập, và về kho vũ khí đạn đạo của Iran. Còn giáo chủ Khamenei chỉ muốn giới hạn trong hiệp ước Vienna đã ký với năm thành viên Hội Đồng Bảo An và Đức, chấm hết ! Không có gì để nói thêm về số hỏa tiễn hay ảnh hưởng chính trị lẫn quân sự lớn lao ở Liban, Syria, Irak ; vì đó là trung tâm lợi ích vật chất và tinh thần của nhóm đang nắm quyền ở Iran.

Obama đã nhận định sai khi xúc tiến hiệp ước nguyên tử Iran

Là người xúc tiến hiệp ước Vienna, Barack Obama đã nhầm lẫn về tầm vóc. Ông hy vọng một sự mở cửa kinh tế, coi đây là khởi đầu cho đối thoại – đã bế tắc từ 40 năm qua giữa Washington và Teheran – để nói về cuộc chiến Syria và về lâu về dài, đưa khu vực ra khỏi cuộc đối đầu giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Có thể tổng thống Hassani và ngoại trưởng Zarif cũng mong như vậy, nhưng giáo chủ Khamenei mới là nhân vật số 1 ở Iran.

Vị giáo chủ quyền lực này muốn mở cửa với châu Âu, nhưng ngăn cấm mọi tiếp xúc với «Đại Satan» Hoa Kỳ. Những doanh nhân song tịch Mỹ-Liban hay Mỹ-Iran kém may mắn, sau hôm hiệp ước Vienna được ký đã đến Iran, ngay lập tức bị kết tội «gián điệp» và bị tống giam. Tại Iran, «bắt con tin» vốn là truyền thống «ngoại giao». Obama đã đánh giá thấp một yếu tố quan trọng là tinh thần chống Mỹ – một sự pha trộn giữa dân tộc chủ nghĩa và Hồi giáo Shia, làm nên cơ sở cho ý thức hệ của nước Cộng hòa Hồi giáo. Chống Mỹ là giáo điều của Khamenei.

Nhà báo Alain Frachon cho rằng việc tái lập hiệp ước là một con đường đầy mìn bẫy. Teheran mong muốn vì lý do kinh tế, nhưng Israel và các đồng minh Hồi giáo Sunni phản đối. Thủ tướng Benyamin Netanyahou muốn duy trì chính sách gây áp lực tối đa của Donald Trump. Không thiếu những khiêu khích, từ vụ ám sát thủ lãnh quân sự Ghassem Soleimani cho đến cha đẻ chương trình nguyên tử Iran Mohsen Fakhrizadeh, tấn công tin học.

Đối thoại Mỹ-Iran: Trước mắt chỉ là ngõ hẹp

Nhưng Iran tránh ăn miếng trả miếng. Teheran đang gặp khó khăn ở «sân sau» Ả Rập: tại Syria, bị Nga phản đối và bị Israel tấn công ; tại Irak, bị người dân ngày càng căm ghét. Còn trong nước, chế độ ra tay đàn áp trong bối cảnh kinh tế xuống dốc. Để mở lại đối thoại, Malley và Zarif chỉ có con đường mòn chứ không phải đại lộ, nhưng liệu có phương án nào thay thế?

Trên La Croix, chuyên gia Ali Vaez của ICG cho rằng một động thái nhân đạo của chính quyền Biden như tạo điều kiện cho Iran có được vac-xin chống Covid có thể giúp tái lập lòng tin. Hoặc Mỹ ủng hộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Iran vay 5 tỉ đô la để chống dịch, và Teheran trả tự do cho các công dân Mỹ đang bị giam giữ.

Tuy nhiên các bên đều đang gặp khó khăn trong nước : chính quyền Biden có thể bị Quốc Hội phản đối mạnh mẽ, các đồng minh Israel, Ả Rập Xê Út cũng tương tự ; còn tổng thống Hassani bị phe bảo thủ Iran cho là quá nhân nhượng. Thời gian không còn nhiều nữa : sắp tới Teheran có thể hạn chế các chuyến thăm của các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA).

Chính sách Biden khiến Putin đang phải ngả về phía Bắc Kinh

Về quan hệ Mỹ-Nga, Les Echos phântích « Đối diện với Biden, Putin đang ngả về phía Trung Quốc ».

Gần đây tổng thống Nga thường dành những lời khen ngợi cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kể từ sau vụ sáp nhập Crimée của Ukraina năm 2014, bị phương Tây trừng phạt, Matxcơva luôn trưng ra việc xích lại gần với Bắc Kinh để chứng tỏ Nga không bị cô lập trên trường quốc tế. Lợi dụng tâm lý này, Trung Quốc ép Nga phải trả giá khá đắt trong các hợp đồng được đàm phán từ lâu, chẳng hạn dự án nhà máy khí hóa lỏng ở Bắc Cực.

Trong khi đó hai nước xưa nay vẫn ngờ vực lẫn nhau từ thời cộng sản, và giới doanh nhân Nga vẫn thích làm ăn với châu Âu thay vì Trung Quốc. Một nhà quản lý cao cấp mỉa mai : « Như thường lệ, tất cả còn tùy thuộc vào những gì được quyết định ở…Washington ». Có nghĩa là, tùy vào Joe Biden. Tại Matxcơva, các nhà ngoại giao lo ngại giọng điệu chống đối Nga dưới thời Biden, giới làm ăn lo sợ lại bị phương Tây trừng phạt. Và như vậy, Nga phải nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn.

Nữ tù bị hãm hiếp: Nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ít được quan tâm

Nhìn sang châu Á, hôm nay Libération đặc biệt có đến hai bài xã luận, trong đó có một bài dài hơn lệ thường, mang tựa đề «Hãm hiếp ở Tân Cương: Hãy lắng nghe các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ».

«Những nữ tù Duy Ngô Nhĩ xinh đẹp nhất bị đưa đến một căn phòng không có camera. Tôi phải cởi quần áo họ ra, còng tay ra sau đầu, rồi để cô ta một mình với một người đàn ông từ ngoài trại hoặc một công an. Khi họ ra đi, tôi đưa cô gái đi tắm và lau dọn căn phòng». Lời chứng trên BBC hôm thứ Ba 02/02 của Gulzira Auelkhan, người đã ở trong trại cải tạo Tân Cương 18 tháng, rất rõ ràng, cụ thể.

Tương tự, một nhân chứng khác là Tursunay Ziawudun, bị cải tạo 9 tháng, kể lại: «Sau nửa đêm, các phụ nữ trong xà lim tôi được chọn lựa đưa đến một ‘căn phòng đen’ không có camera». Ba lần cô bị tra tấn và hãm hiếp bởi nhiều người đàn ông che mặt, mặc thường phục, bị bọn chúng cắn xé khắp người. Những dấu răng này cô cũng nhận ra nơi các nữ tù khác, mà sau khi trở về từ «căn phòng đen», trở nên câm lặng, phát điên, hoặc không bao giờ trở về nữa.

Một số rất ít phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã thoát được khỏi địa ngục trần gian Tân Cương và can đảm lên tiếng thay cho hàng mấy chục ngàn nạn nhân của chế độ diệt chủng Bắc Kinh. Các cô kể lại cả những chi tiết riêng tư nhất, kinh khủng nhất, như bộ phận kín bị hủy hoại vì dùi cui điện, bào thai bị dứt ra khỏi bụng mẹ mà không gây tê, cưỡng bức triệt sản. Nhưng không mấy ai lắng nghe họ – Libération than phiền – trong khi chúng ta đang đứng trước một Nhà nước độc đảng, đã kế hoạch hóa đến từng chi tiết việc diệt chủng một dân tộc.

Quân đội Miến Điện tự cho là đẳng cấp tối cao trong xã hội

Cũng về châu Á, giáo sư Renaud Egreteau của City University ở Hồng Kông khi trả lời phỏng vấn Libération đã nhận định «Quân Đội Miến Điện tự cho mình là đẳng cấp ưu việt».

Thế hệ tướng lãnh Miến Điện hiện nay lớn lên trong bối cảnh cuộc đảo chính 1988, được đào tạo tại các học viện quân sự đã tái cơ cấu trong thập niên 90. Hệ tư tưởng và tầm nhìn thế giới của các sĩ quan này vẫn dựa theo những dấu mốc tri thức và đạo đức tối thượng trong sắc tộc Bamar vốn chiếm đa số, dân tộc chủ nghĩa nhuốm màu tôn giáo – một xã hội mà Phật giáo được ưu tiên.

Từ “fake news” đến “fake” thông tin chứng khoán

Trên lãnh vực kinh tế, nhà bình luận Jacques Attali nhận xét trên Les Echos «Sau tin giả, đến tài chính giả». Số hóa và dân chủ hóa thông tin đã làm nảy sinh nhiều hiện tượng, trong đó có « fake news ». Mới đây với vụ GameStop trên thị trường chứng khoán, có thể gây tác động tương tự, làm xáo trộn cả một hệ thống.

Nhà bình luận Jacques Attali đặt câu hỏi, phải chăng những gì diễn ra trong vụ đầu cơ kỳ lạ đã cho thấy một vấn đề sâu xa hơn nữa ? Chứng khoán luôn là nơi của những tin đồn, dối trá, tin giả, để thu hút đồng vốn cho doanh nghiệp hay các chính phủ đang xuống dốc, để lừa các đối thủ cạnh tranh và thu được nhiều lợi lộc. Nhiều phương tiện truyền thông nhất là ở Pháp từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cũng đã từng đưa tin thất thiệt, những quảng cáo giả dạng bài báo…

Ngày nay, từ báo viết thành báo mạng, trong thời đại mạng xã hội, tin giả lại càng lan tràn nhanh chóng. Những cá nhân nhỏ bé cũng có thể bày tỏ sự phẫn nộ trước những thế lực, những người giàu độc quyền thao túng…Các nhà đầu tư nhỏ tức giận trước những kẻ kiếm được rất nhiều tiền khi đặt cược vào cái chết của một doanh nghiệp như GameStop, BlackBerry, AMC Entertainment, đã liên minh với nhau đẩy giá cổ phiếu các công ty này lên. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Melvin Capital bị rơi vào thế kẹt. Mạng môi giới Robinhood phải cho ngưng giao dịch, và đến lượt mạng này nhận lãnh sấm sét từ người sử dụng.

Hiện tượng này sẽ còn đi xa đến đâu? Tác giả muốn nhìn một cách lạc quan hơn : mọi cuộc khủng hoảng có thể mang lại cơ hội để giải quyết các vấn đề trước đó người ta không dám đề cập. Đó là chỉnh đốn thị trường chứng khoán thế giới, chấm dứt nạn đầu cơ tiêu cực, chống tin giả, và, hãy mơ mộng một chút: hướng nguồn tiền đầu tư vào các doanh nghiệp mang tính bền vững, tích cực, phục vụ những lãnh vực thiết yếu cho cuộc sống loài người.

Hollywood làm phim về GameStop

Một hệ quả thú vị: Le Figaro ghi nhận «Sau khi làm rung chuyển Wall Street, vụ GameStop gợi hứng cho Hollywood».

Những ngày gần đây, feuilleton tài chính xung quanh GameStop – chuỗi cửa hàng trò chơi video bị các nhà đầu cơ Wall Street tấn công và được cả một đội quân các nhà đầu tư nhỏ lẻ bảo vệ thông qua mạng xã hội Reddit – là quá tuyệt để có thể thoát khỏi tầm ngắm của kinh đô điện ảnh. Hiện đang có nhiều dự án làm phim dựa trên câu chuyện này. Netflix cũng đang thương lượng với nhà viết kịch bản từng đoạt Oscar Mark Boal để làm phim dài. Khó thể bỏ qua một câu chuyện David chống lại người khổng lồ Goliah phiên bản 2.0.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210205-joe-biden-v%C3%A0-qu%E1%BA%A3-bom-nguy%C3%AAn-t%E1%BB%AD-iran