“Hơi muộn” hay đã quá muộn?

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Hơi muộn” hay đã quá muộn?

Danh cầm piano lưu vong Đặng Thái Sơn vừa mới từ Canada đi Việt Nam để làm buổi ra mắt cuốn tuyển tập thơ – họa đầu tiên của cha ông, Nhà thơ Đặng Đình Hưng.

Nhân dịp này, báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Đặng Thái Sơn và được đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 19.1.2021, trong đó có phần hỏi đáp đáng chú ý như sau:

* Chuyến trở về Việt Nam lần này đối với ông chắc hẳn rất đặc biệt, nhất là sau một năm phải ngồi yên ở Canada.

Đặng Thái Sơn với “bố”, và với “má”  

– Nó rất đặc biệt. Tôi đã đi trên chuyến bay giải cứu công dân về nước. Chuyến trở về này là một cuộc báo hiếu, cả với má và bố tôi. Má tôi tết này đã 104 tuổi ta, như ngọn đèn sắp cạn dầu. Tôi cố gắng về lúc này khi má còn nhận ra mình. Với bố tôi, tháng 12 vừa rồi là tròn 30 năm ông ra đi. Cho tới lúc này, bố tôi vẫn là một người nghệ sĩ chìm trong bóng tối. Bố mới có hai cuốn thơ in riêng vào đầu những năm 1990, đây là lần đầu tiên ra mắt một cuốn tuyển tập thơ – họa đầy đủ của ông. Tròn 30 năm bố tôi ra đi, cuốn sách ra đời khiến tôi có cảm tưởng như ông được tái sinh.  

* 30 năm sau khi bố ra đi ông mới làm tuyển tập có phải là hơi muộn?   – Tôi cũng thận trọng. Ai cũng biết quá khứ của cụ, cái đẹp một phần, nhưng cái số đúng là bi thương cả đời. Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm tốt, vậy mà khi làm cuốn sách này tôi vẫn thận trọng, lo lắng.   Chỉ khi cầm được giấy phép phát hành thì tôi mới thở phào. Có lẽ là vì tôi thừa hưởng ở bố tính đa nghi (cười lớn). Bố tôi đi đứng đàng hoàng oai vệ như một ông quan võ, nhưng bên trong rất nhiều cái sợ. Cái sợ ám ảnh cả đời bố.   Năm 1990, bố mất mà tôi không dám về. Lúc đó tôi biết ông ốm rất nặng, nhưng ông dứt khoát cản tôi về vì sợ tôi về sẽ không đi được nữa. Ông bảo: “Bố đã đi tong cả đời bố rồi, đời con phải khác. Thương nhớ thì ở bên trong!”   Hồi đó giới văn nghệ trong nước nói “Đặng Thái Sơn di tản kiểu mới”. Những năm 1990-1992 đất nước mới mở cửa vẫn còn chặt chẽ lắm. Đến năm 1993 thì tôi mới dám về lần đầu, vẫn hãi. Tôi phải lấy cớ về diễn với dàn nhạc và tôi phải lôi một ông chỉ huy nước ngoài sang cùng để có bề gì ông ấy còn “ứng cứu”.   Lần đó tôi diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vừa diễn xong, đi ra cánh gà tôi đã thấy đầy nhà báo. Tôi cứ tưởng họ đợi đó để chúc mừng buổi diễn của tôi nhưng không phải, câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là: “Hiện nay ông đang mang quốc tịch gì?”.  

* Vậy ông đã trả lời thế nào? Lúc đó và bây giờ ông mang quốc tịch gì? – Tôi trả lời là tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Lúc đó và bây giờ tôi đều mang hai quốc tịch, tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Bây giờ có nhiều người Việt có hai quốc tịch, chứ lúc đó rất hiếm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đã giúp đỡ tôi rất nhiều.   Tôi mang ơn cụ Đồng từ nhiều thập niên, bắt đầu từ năm 1976 cụ đã giúp khi mà Nhà nước còn băn khoăn có nên cho tôi đi học nhạc bên Liên Xô không. Nhờ cụ mà tôi đã được đi du học. Tôi là con một người thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm đầu tiên được đi du học, từ đó cũng tạo tiền lệ mới trong chính sách.   Rồi sau khi tôi giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ X năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), cụ Đồng lại là người đầu tiên cho phép tôi đi biểu diễn ở các nước, bao gồm cả các nước Tây Âu, mà thời điểm đó chỉ có những cán bộ “chín chắn” lắm mới được đi. Lúc mới được giải Chopin, tôi nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn nhưng tôi nghĩ đó chỉ là chuyện hoang tưởng, không thể đi được. Đến lúc được bật đèn xanh thì cảm xúc của tôi lạ lắm, cái cảm giác thấy có tương lai. Cả giới văn nghệ sĩ lúc ấy nhìn vào những gì đang xảy ra với tôi mà cùng thấy có một tương lai.   Rồi cũng chính cụ Phạm Văn Đồng quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên cho tôi vào năm 1984, trước sự bàng hoàng của nhiều người. Lúc đó tôi mới 26 tuổi. Tôi nhớ sự kiện này là cú sốc trong dư luận.  

* Hình như Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó còn giúp đỡ gia đình ông cả đời sống vật chất nữa?  

– Đó là câu chuyện dài, bắt đầu từ giải Chopin năm 1980. Tôi vẫn nghĩ giải thưởng đó đối với tôi như là định mệnh, nhờ nó mà bố tôi được mổ, sống thêm được 10 năm đủ đầy hơn trước về cả vật chất và tinh thần. Bố tôi được cái hậu vận. Hồi đó, khi tôi đang đánh chung kết cuộc thi ấy thì ông nhập viện lao vì có u trong phổi. Coi như bố tôi chờ chết thôi. Rồi bất ngờ tôi giành giải nhất. Một số người nghe tin tức từ đài phát thanh nước ngoài đã báo tin cho bố và má tôi sớm. Báo Nhân Dân đưa tin bài trong ba ngày liên tiếp trên trang nhất. Những bài báo rất chi tiết về tiểu sử, cuộc sống của tôi, đến cả con mèo tam thể trong nhà cũng được nhắc đến trong bài báo, nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về bố tôi.   Tôi về nước và được đưa thẳng từ sân bay đến Phủ Thủ tướng. Cụ Đồng ra tận ngoài đưa tôi vào. Trong cuộc gặp, tôi xin hai nguyện vọng: “Cho phép cháu được đưa bố cháu ra nước ngoài chữa bệnh và cho mẹ cháu sang sống cùng với cháu bên Liên Xô”. Cụ Đồng đồng ý luôn nguyện vọng thứ hai, nhưng nguyện vọng thứ nhất thì cụ nói không đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh nhưng sẽ được chữa bệnh ở trong nước với những bác sĩ giỏi nhất bấy giờ. Lập tức bác sĩ mổ phổi số 1 lúc đó là Hoàng Đình Cầu và bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng mổ cho bố tôi.   Cụ Đồng còn giúp tôi, mà thực ra là giúp cho bố tôi, một căn hộ nữa. Lúc đó ông đang sống tại một căn gác lửng chật chội ở cầu thang một căn hộ phố Triệu Việt Vương, các ông nhìn vào chắc thấy cũng chướng nên ngay ngày hôm sau tôi về nước thì có người mang chìa khóa một căn hộ lắp ghép ở tập thể Giảng Võ đưa cho tôi. Nhờ thế mà bố tôi được sống 10 năm cuối đời tương đối thoải mái. Kể những chuyện này để hiểu bối cảnh mà những vần thơ, bức họa rất mới mẻ ra đời trong thời đại của bố tôi rất khó khăn, nhưng tôi không bao giờ nhìn một cách đen tối. Đó chỉ là thời kỳ quá độ. Và ngay cả trong thời kỳ kham khổ ấy thì cũng vẫn có rất nhiều những ân tình đẹp đẽ.  

* Thành danh vang dội ai cũng biết, hạnh phúc với cây đàn ai cũng biết, song liệu ông – một người nghệ sĩ – có đau khổ nào không?  

– Đau khổ thì tôi giữ riêng cho mình. Có những thứ tôi giữ cho tôi, tôi không chia sẻ với ai. Nếu tôi mà là kẻ hám danh vọng thì năm 1980 khi được giải Chopin, tôi nhảy sang các nước bên Tây Âu luôn thì tôi sẽ lên ầm ầm. Nhưng không, tôi không chọn con đường ấy. Tôi không vì ích kỷ cá nhân mà bán những giá trị của mình. Tôi đã lựa chọn vẫn tự do sống theo cách của mình nhưng không được ảnh hưởng đến ai. Tôi là kiểu người không thích xung đột, chiến tranh. Nếu tôi làm cú sốc trên thì có thể rất tốt cho sự nghiệp của tôi nhưng nó không những ảnh hưởng đến gia đình, đến bố tôi, mà thậm chí tôi thấy nó như là một sự phản bội đất nước. Tôi không bao giờ làm thế. (ngưng trích)  

Chuyện ông Đặng Thái Sơn đoạt Giải thưởng Chopin quốc tế tại Ba-Lan năm 1980 và CSVN đã vơ vào để kể công, tuyên truyền ra sao thì hầu như mọi người Việt Nam, ở trong và ngoài nước, đều đã biết.  

Tựu trung, Đặng Thái Sơn là một nghệ sĩ trình diễn dương cầm có tài, muốn được tự do phát huy tối đa tài năng, nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, đau khổ vì là con của Nhà thơ Đặng Đình Hưng, người bị kết tội trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc.   Năm ông Đặng Đình Hưng bị kết án (1958) cũng là năm Đặng Thái Sơn sinh ra đời và đứa bé tuy không bị tòa nào kết án, dù là “tòa án nhân dân” theo kiểu “tòa kangaroo”, nhưng cũng chịu những hình phạt mà ông Đặng Thái Sơn gọi là “định mệnh” – con của một “tên phản động”.   Vì cho là “định mệnh” nên Đặng Thái Sơn đã không oán hận Phạm Văn Đồng, thủ tướng của cái chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” ở miền Bắc dưới sự độc tôn lãnh đạo của đảng Cộng sản sắt máu tôn thờ Mác – Lê – Mao, khi ấy tạm đổi tên thành “đảng Lao Động VN” để che giấu cái đuôi đẫm máu cho đến khi con quái thú nuốt được cả miền Nam VN.   Phạm Văn Đồng chính là kẻ đã “chấp hành” mọi tội ác của đảng CSVN với nước với dân, trong đó vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, chỉ là… chuyện nhỏ, mà ông Đặng Đình Hưng đã là một nạn nhân.  

Không ai bắt ông Đặng Thái Sơn phải căm thù Đồng, nhưng tại sao phải “nhớ ơn” và hết lời cảm ơn “cụ Đồng” nhiều lần về mọi việc mà trong một nước Dân chủ, hay Cộng hòa thật sự, những việc ấy là bổn phận của nhân viên cấp dưới phải lo cho người dân, không phải là một “đặc ân” mà đích thân thủ tướng “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” ban phát cho riêng Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.   Việc đích thân thủ tướng Đồng gia ơn cho “bố” Đặng Thái Sơn “được chữa bệnh”  và sắp xếp cho “Nghệ sĩ nhân dân” Đặng Thái Sơn một căn hộ khiêm tốn (mà ông Sơn đã để cho bố ở) cho thấy mấy chục triệu thường dân Việt Nam khác đã không có được những quyền bình thường ấy. Ông thủ tướng đã kiêm chức cai ngục của cái nhà tù vĩ đại mang tên Việt Nam.   Ở trong cái nhà tù lớn Việt Nam ấy, khi được cai ngục cho ra nước ngoài trình diễn, Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có toàn quyền quyết định trở về nước hay không. Nếu ông không trở về Việt Nam thì không bao giờ là “một sự phản bội đất nước”, như ông Sơn nói.   Khi sinh ông ra đời, cha mẹ ông đã đặt cho ông cái tên Thái Sơn, chắc hẳn quý‎ vị ấy đã kỳ vọng ở đứa con của mình một cái gì khá hơn, như lời Nhà thơ Đặng Đình Hưng sau này nói với con được ông Thái Sơn nhắc lại: “Bố đã đi tong cả đời bố rồi, đời con phải khác.”   Chắc Đặng Thái Sơn thấy có khác, nên đã nói về việc bố ông bị “cụ Đồng” làm cho đi tong cả đời  “chỉ là thời kỳ quá độ”. Bây giờ mọi người “đã nhìn thấy tương lai.”
Trước khi Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn về Việt Nam và nói câu ấy không bao lâu, Văn Bút Quốc Tế (International PEN) đã phổ biến bài báo của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại tố cáo “Hội chứng độc tài Cộng sản Việt Nam độc hại hơn cả vi khuẩn Vũ Hán COVID-19” (Vietnamese Totalitarian Syndrome Worse Than Wu Han’s COVID-19 Virus) khi đăng tin Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bắt giam Nhà văn, Nhà báo Phạm Đoan Trang.
Và, hai ngày sau khi ông Đặng Thái Sơn nói “đã nhìn thấy tương lai”, BPSOS loan tin ngày 21 tháng 1 năm 2021, Nghị Viện Âu Châu đã biểu quyết thông qua nghị quyết yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do cho 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam vừa bị tuyên án tù: Ts. Phạm Chí Dũng, Ông Nguyễn Tường Thuỵ và Ông Lê Hữu Minh Tuấn. Nghị quyết được thông qua với 592 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Ts Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc BPSOS, nhận định: “Tỉ lệ phiếu này cho thấy tuyệt đại đa số các thành viên của Nghị Viện Âu Châu quan tâm đến bản án khắc nghiệt, từ 11 đến 15 năm tù, dành cho các nhà báo độc lập này”.  

Đó là “tương lai” của các nhà văn, nhà báo độc lập tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay sau “thời kỳ quá độ”, đã “cởi trói”, và “đổi mới”!   Và, một người Việt Nam khác, ông Phạm Hồng Thúy-FB Nghia Nguyen, đã vừa viết một bài về “Họa Diệt Chủng” mà Tàu cộng thâm độc thi hành tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt với sáu đại thảm họa không tránh khỏi do sự lệ thuộc của Việt cộng vào Tàu cộng qua “Mật ước Thành Đô” năm 1990 trong đó Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng đã ký kết với Tàu cộng mà cho đến nay không ai biết rõ nội dung ra sao. Theo tin đồn loan truyền trong những năm gần đây thì “Mật ước Thành Đô” có hiệu lực thi hành bắt đầu từ năm 2020 để Việt Nam dần dần trở thành lãnh thổ tự trị thuộc nước Tàu cộng. Và, Việt cộng chưa bao giờ bác bỏ lời đồn ấy. Và ông Phạm Hồng Thúy đã kết luận bài viết của mình như sau: “Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, nếu 90 triệu người Việt không đứng dậy cứu mình trước.”  

Làm cách nào để “đứng dậy cứu mình trước”, dưới một chế độ độc tài tàn bạo, “hèn với giặc ác với dân”, “độc hại hơn cả vi khuẩn COVID-19”?   Mấy năm gần đây dân Việt Nam nuôi hy vọng “thoát Trung” nhờ chính sách cứng rắn và chiến lược lâu dài của Tổng thống Donald Trump nhằm đập tan mộng làm trùm thế giới của Tập Cận Bình, Việt Nam sẽ có cơ hội xóa bỏ độc tài và đẩy lui quân bắc thù để có một tương lai.   Hy vọng ấy đã tắt vào ngày 20.1.2021, ngày Đặng Thái Sơn ra mắt tuyển tập thơ – họa đầu tiên của “bố” tại “Viện Pháp” (?) ở Hà-nội.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên (?) khiến bầu trời Việt Nam càng thêm u ám.

Ký Thiệt, 1/2/21