Ðảo chính Myanmar

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðảo chính Myanmar

Cuộc đảo chính Myanmar: Những sự kiện gần đây

01/02/2021 – VOA News

 Quân đội Myanmar, lập chốt kiểm soát tại Naypyitaw, nằm trên đường tiến đến trụ sở Quốc hội.
Quân đội Myanmar, lập chốt kiểm soát tại Naypyitaw, nằm trên đường tiến đến trụ sở Quốc hội

Thời biểu về một số sự kiện chính trong lịch sử nhiều biến động gần đây của Myanmar:

Tháng 11/2015: Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ (NLD) thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử và bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền trong vai trò cố vấn quốc gia.

Tháng 10/2016: Dân quân Rohingya tấn công 3 đồn cảnh sát biên phòng tại bang Rakhine, giết chết 9 viên cảnh sát. Quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch an ninh, khiến 70.000 người bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh.

Tháng 8/2017: Các tay súng Rohingya mở những cuộc tấn công trên khắp bang Rakhine, khơi mào một chiến dịch của quân đội khiến hơn 730.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh. Liên hiệp quốc tố cáo chiến dịch này tàn sát tập thể, hiếp dâm và đốt phá với “ý định diệt chủng,” nhưng Myanmar phủ nhận.

Tháng 1/2019: Những cuộc giao tranh mới khai diễn tại Rakhine giữa quân đội chính phủ và Đạo quân Arakan (AA), một nhóm nổi dậy mưu tìm sự tự trị lớn hơn trong vùng và tuyển mộ phần lớn là người thiểu số Rakhine theo Phật Giáo. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu quân đội “dẹp tan” những người nổi dậy.

Tháng 12/2019: Bà Aung San Suu Kyi xuất hiện tại Tòa Công lý Quốc tế tại The Hague và bác bỏ cáo buộc diệt chủng người Rohingya là “phiến diện và sai lạc” nhưng thừa nhận có thể đã có tội phạm chiến tranh.

Tháng 9/2020: Chính phủ áp đặt lệnh đóng cửa vì COVID tại Yangon và những khu vực khác nhưng quả quyết xúc tiến cuộc bầu cử ngày 8/11.

Ngày 22/9/2020: Ông Thomas Andrews, thanh tra nhân quyền của Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề Myanmar, cảnh báo cuộc bầu cử sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế vì tước bỏ quyền bỏ phiếu của hàng trăm ngàn người Rohingya.

Ngày 17/10/2020: Ủy ban bầu cử Myanmar hủy bỏ phiếu tại nhiều nơi trong bang Rakhine, nơi các cuộc giao tranh với quân AA đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng chục ngàn người rời bỏ nhà cửa.

Ngày 3/11/2020: Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing tuyên bố chính phủ dân sự có “những sai lầm không chấp nhận được” trước cuộc bầu cử. Đây là cảnh báo lần thứ nhì về khả năng thiên vị trong cuộc bầu cử. Bà Aung San Suu Kyi lên Facebook kêu gọi bình tĩnh và thúc giục cử tri chớ lung lay trước những lời thị oai.

Ngày 9/11/2020: Đảng NLD tuyên bố chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội.

Ngày 11/11/2020: Phe đối lập chính được quân đội ủng hộ, Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), yêu cầu tổ chức bầu cử lại, kêu gọi quân đội giúp đảm bảo công bằng bầu cử và tố cáo những bất hợp lệ.

Ngày 13/11/2020: Đảng NLD tuyên bố sẽ tìm cách thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.

Ngày 26/1/2021: Phát ngôn viên quân đội, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, cảnh báo quân đội sẽ ‘ra tay’ nếu tranh chấp bầu cử không được dàn xếp và không loại bỏ khả năng đảo chính.

Ngày 28/1/2021: Ủy ban bầu cử bác cáo buộc bầu cử gian lận, nói rằng không có những sai phạm lớn có thể ảnh hưởng đến tính khả tín của cuộc bầu cử.

Ngày 30/1/2021: Quân đội Myanmar tuyên bố sẽ bảo vệ, tuân thủ hiến pháp và hành động theo luật pháp. Các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội được tổ chức tại một số thành phố lớn, trong đó có Yangon.

Ngày 1/2/2021: Bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và những nhân vật cao cấp trong đảng cầm quyền bị bắt trong cuộc bố ráp vào sáng sớm. Internet và một số dịch vụ điện thoại di động bị gián đoạn tại Yangon. Quân đội ban hành tình trạng khẩn cấp và tuyên bố sẽ cầm quyền trong một năm.

https://www.voatiengviet.com/a/cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BA%A3o-ch%C3%ADnh-myanmar-nh%E1%BB%AFng-s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n-g%E1%BA%A7n-%C4%91%C3%A2y-/5761227.html

Myanmar: Những điều cần biết

01/02/2021 – VOANews

Người Miến Điện sống tại Thái Lan biểu tình chống lãnh tụ cuộc đảo chánh, Tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, trước tòa đại sứ Myanmar ở Bangkok, ngày 1/2/2021.
Người Miến Điện sống tại Thái Lan biểu tình chống lãnh tụ cuộc đảo chánh, Tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, trước tòa đại sứ Myanmar ở Bangkok, ngày 1/2/2021.

Quân đội Myanmar ngày 1/2 tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước trong một năm sau khi ban hành tình trạng khẩn cấp

Tại sao chuyện này xảy ra?

Quân đội tố cáo có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, theo đó Đảng Liên đoàn Toàn Quốc vì Dân chủ (NLD) của nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi thắng đa số ghế tại quốc hội. Ủy ban bầu cử Myanmar bác cáo buộc gian lận.

Tại sao xảy ra bây giờ?

Hành động của quân đội diễn ra vài giờ trước khi tân quốc hội họp lần đầu tiên.

Chuyện gì xảy ra với lãnh đạo NLD?

Một phát ngôn viên của đảng cho hay bà Aung San Suu Kyi bị bắt sáng sớm ngày 1/2 cùng với các giới chức khác, kể cả Tổng thống Win Myint.

Cộng đồng quốc tế phản ứng thế nào?

Các tuyên bố lên án hành động của quân đội Myanmar đến từ Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Bộ Ngoại giao Mỹ và Tòa Bạch ốc, và một số nước khác bao gồm Úc, Ấn Độ và Singapore.

Trung Quốc, một đối tác kinh tế quan trọng của Myanmar, nói họ còn đang thu thập tin tức về những diễn biến.

https://www.voatiengviet.com/a/5761597.html

Đảo chính Myanmar: Mỹ theo dõi và xem xét chế tài

01/02/2021 – Reuters

Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, Jen Psaki.
Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, Jen Psaki.

Tổng thống Joe Biden ngày 1/2 đe dọa tái áp đặt chế tài lên Myanmar tiếp sau cuộc đảo chính của phe lãnh đạo quân sự và kêu gọi đáp ứng phối hợp quốc tế để áp lực những người này từ bỏ quyền hành.

Ông Biden lên án việc quân đội chiếm quyền từ một chính phủ dân sự và việc giam giữ nhà lãnh đạo dân cử kiêm khôi nguyên Nobel Hoà Bình, Aung San Suu Kyi, là “một cuộc tấn công trực tiếp vào sự chuyển tiếp của nước này sang dân chủ và pháp trị.”

Cuộc khủng hoảng Myanmar đánh dấu thử thách đầu tiên đối với cam kết của ông Biden về hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trước những thách thức quốc tế, đặc biệt là trước ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump thường theo khuynh hướng “Nước Mỹ Trên Hết.”

Việc này cũng biểu hiện một chính sách chung hiếm hoi giữa phe Dân chủ của ông Biden và các đảng viên Công hòa cao cấp khi họ cùng nhau lên án vụ đảo chính và cảnh báo quân đội Myanmar là phải đối mặt với những hậu quả.

“Cộng đồng quốc tế nên cùng một tiếng nói gây áp lực lên quân đội Myanmar buộc họ lập tức từ bỏ quyền hành vừa chiếm, trả tự do cho các nhà hoạt động và các giới chức bị bắt giữ,” ông Biden nói trong một tuyên bố.

“Hoa Kỳ gỡ bỏ các chế tài Myanmar trong thập niên qua căn cứ trên tiến bộ dân chủ. Việc đảo ngược tiến trình này sẽ cần đến việc duyệt lại ngay luật và thẩm quyền chế tài của chúng ta theo sau bằng những hành động thích hợp,” ông nói.

Ông Biden cũng kêu gọi quân đội Myanmar gỡ bỏ tất cả hạn chế viễn thông và tự chế không dùng bạo lực chống lại thường dân.

Ông nói Hoa Kỳ đang lưu ý xem những ai đứng về phía người dân Myanmar trong thời khắc khó khăn này.

“Chúng ta sẽ làm việc với đối tác trên khắp khu vực và thế giới để ủng hộ việc khôi phục dân chủ và pháp trị cũng như buộc những ai đảo ngược quá trình chuyển tiếp dân chủ của Myanmar phải chịu trách nhiệm,” Tổng thống Biden nói.

Đảng Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ của bà Suu Kyi đạt chiến thắng áp đảo 83% trong cuộc bầu cử hôm 8/11/2020. Quân đội tuyên bố ra tay hành động để đáp trả điều mà họ gọi là ‘gian lận bầu cử.’

Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, Jen Psaki, cho hay Mỹ đã trao đổi ráo riết với các đồng minh về tình hình Myanmar, nhưng không tiết lộ về những hành động đang được cân nhắc ngoài chế tài.

Đáp câu hỏi rằng Hoa Kỳ chú ý đến cách phản hồi của các nước về tình hình Myanmar có phải là một thông điệp gửi đến Trung Quốc hay chăng, bà Psaki nói ‘Đó là thông điệp gửi đến tất cả các quốc gia trong khu vực.’

Biến cố tại Myanmar là một đòn giáng mạnh đối với chính quyền Biden và các nỗ lực của Mỹ muốn gầy dựng một chính sách Châu Á-Thái Bình Dương mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc.

Nhiều người trong toán chính sách Châu Á của ông Biden, kể cả người đứng đầu Kurt Campbell, là những thành viên kỳ cựu trong chính quyền Obama trước đây. Cuối nhiệm kỳ của ông Obama, họ từng ca ngợi những nỗ lực dẫn tới chấm dứt sự cai trị của quân đội tại Myanamar là thành tựu chính sách đối ngoại lớn. Ông Biden lúc đó là Phó Tổng thống của ông Obama.

Cựu Tổng thống Obama tháo dỡ chế tài cho Myanmar vào năm 2011 sau khi quân đội nước này bắt đầu nới lỏng bàn tay sắt. Năm 2016, ông Obama loan báo dỡ bỏ nhiều chế tài còn lại.

Đến năm 2019, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào 4 tướng lĩnh quân đội của Myanmar trong đó có Tướng Min Aung Hlaing vì những vi phạm nhân quyền liên quan tới người Hồi giáo Rohingya và các thành phần thiểu số khác.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3o-ch%C3%ADnh-myanmar-m%E1%BB%B9-theo-d%C3%B5i-v%C3%A0-xem-x%C3%A9t-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-/5761605.html