Chính sách Trung Quốc của Joe Biden sẽ như thế nào?
Trừ khi có một cuộc ‘đảo chính’, Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp vào ngày 6 tháng giêng năm 2021 để đếm phiếu cử tri đoàn và chính thức công bố kết quả. Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ chính thức chấm dứt vào lúc 12 giờ trưa ngày 20 tháng Giêng năm 2011 và Biden sẽ là người kế nhiệm làm ông chủ Nhà trắng.
Công tác đầu tiên của Tổng thống Biden là điều hợp công việc chủng ngừa vaccine Covid-19 cho hàng trăm triệu dân Mỹ hầu có thể phục hồi kinh tế và giải quyết nạn thất nghiệp. Dĩ nhiên là cả thế giới đang trông ngóng chính sách ngoại giao của Joe Biden sẽ như thế nào? Vào ngày 24/11/2020, Biden tuyên bố đề cử thành viên Nội các an ninh và ngoại giao gồm có Antony Blinken là Bộ trưởng Ngoại giao, Jake Sullivan làm Cố vấn An ninh Quốc gia, Avril Haines sẽ làm nữ Giám đốc Tình báo Quốc gia đầu tiên, Linda Thomas-Green làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc và John Kerry làm Đặc sứ Biến đổi Khí hậu. Cùng lúc, Biden tuyên bố khai tử chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Trump và sẽ đưa Mỹ trở lại WHO cũng như tái gia nhập Thỏa thuận Biến đổi Khí hậu Paris 2015. Nếu như chính sách ‘nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Trump thể hiện bằng sự ra đi thì Biden sẽ đưa Mỹ trở về với những cơ chế và thỏa thuận quốc tế mà trong đó Hoa Thịnh đốn sẽ hợp tác chặt chẽ cùng với đồng minh cũng như đóng đúng vai trò chức năng và thiên sứ lãnh đạo.
Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là chính sách Trung Quốc của Biden sẽ như thế nào? Trong suốt 2 nhiệm kỳ 8 năm làm phó tổng thống dưới thời Obama, chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ phải nói rất là nhu nhược. Vào tháng 4 năm 2012, tàu cá Trung Quốc và Phi Luật tân đụng độ tại bãi cạn Scarborough Shoal. Quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đứng ra giảng hòa và hai bên đồng ý rút tàu ra khỏi khu vực. Nhưng sau khi tàu Phi rút đi thì Bắc Kinh lại nuốt lời. Chính quyền Obama không làm gì cả mà chỉ khuyên Phi Luật tân tiến hành thủ tục pháp lý.
Vào tháng 9 năm 2015, Tập Cận Bình long trọng tuyên bố với Tổng thống Obama ngay trong vườn Hồng tại Nhà trắng là sẽ không bao giờ quân sự hóa biển đông nhưng tới tháng 12 năm 2016 thì Bắc kinh đã hoàn tất tiến trình tôn tạo đảo và biến các thực thể này thành các tiền đồn quân sự. Thế mà Tập không cần phải trả giá nào. Có lẽ trong giai đoạn này Obama đang cần sự hợp tác của Tập để đạt được thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và vì vậy mà chủ quyền và quyền lợi của đồng minh cũng như của các quốc gia khác trong khu vực được nhẹ nhàng gạt qua một bên.
Vào ngày 2/5/2019 tức gần một năm sau khi Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Biden phát biểu trong một buổi sinh hoạt tại thành phố Iowa rằng Trung Quốc “sẽ không ăn cướp bữa cơm trưa của chúng ta” (China is not going to eat our lunch). Thái độ hời hợt này đã bị nhiều người chỉ trích gồm có các thành viên ôn hòa của cả hai đảng Cộng hòa và dân chủ như Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders và Mitt Romney. Nhiều người cho rằng Biden quá ngây thơ và đánh giá thấp Trung Quốc trong khi Bắc Kinh là một đối thủ nguy hiểm và một kẻ thù tiềm tàng của Mỹ về lâu về dài.
Tuy nhiên Biden bắt đầu đổi giọng vào đầu năm 2020. Trong một cuộc tranh luận với các ứng viên khác của Đảng Dân chủ vào tháng 2 năm 2020, Biden gọi Tập Cận Bình là một tên côn đồ. Ông cũng cho biết là khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông thì ông đã nói thẳng với Tập Cận Bình là Mỹ sẽ cho máy bay đánh bom B1 bay bay ngang qua đó.
Vào tháng 3 năm 2020, Biden phổ biến một bài viết trong tạp chí nổi tiếng Foreign Affairs đề ra chính sách ngoại giao của Mỹ mà ông sẽ theo đuổi nếu đắc cử. Biden lập luận rằng Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Bằng không thì Bắc kinh sẽ tiếp tục đánh cắp sở hữu trí tuệ và công ăn việc làm của người Mỹ. Nhưng tốt nhất là liên kết và lãnh đạo đồng minh đối phó với những hành vi bắt nạt và nham hiểm của Bắc Kinh. Mặt khác, Biden cũng sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong những lĩnh vực có lợi cho đôi bên ví dụ như biến đổi khí hậu, phòng chống đại dịch toàn cầu và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Biden cho rằng GDP của Mỹ chiếm 25% thế giới cộng với các quốc gia đồng minh thì sẽ hơn 50%. Bắc Kinh sẽ không thể nào chống trả với thế giới tự do có hơn phân nửa sức mạnh kinh tế thế giới.
Biden cũng hứa là ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ông sẽ triệu tập một Hội nghị Thượng đỉnh quy tụ các quốc gia dân chủ trên thế giới nhằm để bảo vệ và xiển dương các giá trị tự do dân chủ và nhân quyền, cũng như như tìm cách chống lại các chế độ độc tài và tham nhũng. Các tổ chức xã hội dân sự và bảo vệ nhân quyền cũng sẽ được mời tham dự. Trước đây đã có người đề nghị nới rộng khối G7 gồm có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada thành nhóm D10 bao gồm luôn cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc. ‘D’ tượng trưng cho Democracy. Thượng đỉnh G7 hàng năm có thể đổi thành D10. Nếu là vậy thì sẽ có một mặt trận liên minh của các quốc gia tự do thống nhất chính sách ngoại giao đối phó với các chế độ độc tài và cộng sản mà trong đó Bắc Kinh và Moscow là hai kẻ cầm đầu.
Về mặt quân sự, chính quyền Trump đã có nhiều nỗ lực gầy dựng lại Đối thoại An ninh Tứ quốc (còn được gọi là QUAD). Vào ngày 3 tháng 11 vừa qua, 4 nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc đã tiến hành tập trận chung trong vịnh Bengal trong cuộc diễn tập Malabar thường niên kéo dài 4 ngày. Khuyết điểm của chiến lược xoay trục về châu Á Thái Bình Dương của Tổng thống Obama là không có một tầm vóc quân sự đáng kể để răn đe Trung Quốc. Nếu Biden có thể thuyết phục Nam dương, Singapore, Mã Lai, Thái Lan và Hàn Quốc cùng gia nhập và thiết chế hóa một liên minh quân sự của thế giới tự do tại Ấn độ – Thái Bình dương tương tự như NATO thì có thể ngăn chặn được tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc.
Trong bài viết, Biden cũng lập luận rằng Mỹ không nên nhắm mắt quay lưng với mọi Hiệp Định Thương mại tự do. Thế giới sẽ tiếp tục giao thương, dù có hay không có Mỹ. Vấn đề quan trọng là ai sẽ là người viết ra luật giao thương bảo đảm cho thị trường cạnh tranh công bằng cũng như bảo vệ cho quyền của người lao động và nâng cao tính minh bạch và bảo vệ môi trường là các giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, ông sẽ không thương lượng các hiệp định thương mại tự do mới cho tới khi nào nước Mỹ và người lao động Mỹ sẵn sàng trong tư thế cạnh tranh. Và ông sẽ không chấp nhận ký kết bất cứ hiệp định thương mại tự do nào mà không có sự bảo vệ quyền lao động và môi trường cũng như các biện pháp thực thi đúng nghĩa.
Vào tháng 12 năm 2020, Biden xác nhận với Nhà báo Thomas Friedman của The New York Times là ông sẽ không vội vàng hủy bỏ thuế quan mà sẽ tham vấn cùng với đồng minh để thực hiện một chính sách thương mại nhất quán đối với Trung Quốc. Câu hỏi quan trọng nhất là Biden có đưa Mỹ trở lại TPP hay không? TPP đã được Mỹ dẫn đầu qua hai đời tổng thống Bush và Obama. Quan chức Hoa kỳ dưới thời Obama đã viết ra 30 chương với hơn 600 điều khoản. Chương 17 liên quan tới doanh nghiệp nhà nước, chương 18 là sở hữu trí tuệ, chương 19 về quyền lao động, chương 20 về môi trường và chương 26 liên quan tới tính minh bạch và chống tham nhũng. Có nghĩa là Mỹ đã viết ra luật chơi bảo vệ cho các giá trị cốt lõi nhưng Tổng thống Trump không có tầm nhìn xa nên công tác đầu tiên khi nhậm chức là rút Mỹ ra khỏi TPP.
Vào ngày 15 tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã cùng với 14 quốc gia trong khu vực ký kết RCEP sau gần một thập niên đàm phán. Vào những ngày cuối của năm 2020, Bắc Kinh cũng đã ký một Thỏa thuận Đầu tư với Liên Âu đẩy mạnh quan hệ giao thương để tránh thế cờ vây của Mỹ. Chính sách giao thương của Mỹ dưới thời Trump là thương lượng song phương hầu lấy thịt đè người, tương tự như cách của Bắc Kinh trong việc xử lý tranh chấp tại Biển Đông. Nhưng về phương diện giao thương thì Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các Hiệp định đa phương để giành thế lãnh đạo và chiến lược. Nếu Biden không mau sớm đưa Mỹ trở lại TPP thì khó mà thuyết phục đồng minh tại châu Á đứng về phía Mỹ chống lại Bắc kinh.
Vì chiến lược ngoại giao mới của Biden dựa trên nền tảng sức mạnh tổng thể và liên kết với đồng minh, nên vấn đề nhân sự và đặc biệt là chức vụ ngoại trưởng sẽ vô cùng quan trọng. Ngoại trưởng Mỹ phải là một người có đầy đủ trình độ, bản lĩnh, khả năng, kiến thức, tư cách và văn hóa ngoại giao làm cho bạn lẫn địch phải nể phục. Mike Pompeo không phải là một nhà ngoại giao khéo léo. Đồng minh nể sức mạnh của Mỹ nhưng không phục ông. Với đồng cấp Vương Nghị hoặc Dương Khiết trì thì Pompeo hầu như không có một mối quan hệ tối thiểu để đối thoại. Đồng minh của Mỹ trong khu vực muốn Mỹ qua lời nói và hành động răn đe Bắc Kinh nhưng họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến nguyên tử với Trung Quốc.
Ngoại trưởng là một trong những chức vụ quan trọng nhất. Tổng thống Trump đã ban cho Rex Tillerson, cựu giám đốc công ty dầu khí Exxon Mobil là một người không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao. Antony Blinken có khả năng đưa Mỹ trở lại với vai trò lãnh đạo. Blinken năm nay 58 tuổi nhưng đã làm việc trong lĩnh vực ngoại giao hơn 20 năm. Ông từng làm Giám đốc Nhân sự của Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Ngoại giao của Thượng viện Hoa Kỳ từ 2002 đến 2008, là Cố vấn an ninh cho Phó Tổng thống Biden từ 2009 đến 2013. Blinken được Obama bổ nhiệm làm Thứ trưởng ngoại giao từ tháng Giêng 2015 tới tháng Giêng 2017. Cùng với Kurt Campbell, Blinken được coi là tác giả của chiến lược xoay trục về châu Á Thái Bình Dương dưới thời Obama.
Tóm lại, chúng ta phải ghi nhận công lao của chính quyền Trump đã định hình lại quan hệ Mỹ – Trung từ tiếp cận và hợp tác chuyển sang đối đầu và cạnh tranh toàn diện. Nhưng chính sách ngoại giao ‘nước Mỹ trên hết’ không quy tụ được sự hậu thuẫn của đồng minh. Biện pháp hiệu quả nhất để đối phó với Bắc Kinh là kết hợp cả ba trụ hoặc tạo ra kiềng 3 chân gồm có quân sự, ngoại giao và kinh tế. Nếu chỉ có QUAD thì không đủ. Khả năng ngoại giao vụng về cùng với dị ứng tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với đồng minh trong khu vực có nghĩa là chính sách đối đầu với Trung Quốc của Trump sẽ có giới hạn. Hy vọng là Biden sẽ xây dựng được 2 trụ còn lại để siết chặt Bắc Kinh.
Với Việt Nam, chính sách ngoại giao bất nhất của Mỹ về vấn đề nhân quyền là một rào cản cho phong trào dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Mike Pompeo thường xuyên lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc qua các vụ vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông nhưng lại hầu như làm ngơ với các vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Chẳng những thế, Pompeo còn ca ngợi Việt Nam và “tôn trọng hệ thống chính trị” Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Không biết là chính quyền Biden sẽ áp dụng nguyên tắc nhân quyền trong chính sách ngoại giao đối với Việt nam trên thực tế sẽ như thế nào?
Thích hoặc ghét Trump, không thể chối cãi được Donald Trump là một vị tổng thống Mỹ gây nhiều tranh cãi và chia rẽ nhất không chỉ đối với người Mỹ mà đặc biệt là đối với người Việt ở trong và ngoài nước vốn mang nhiều cảm tính khi bày tỏ quan điểm chính trị. Một hiện tượng đáng tiếc là vì Trump mà có nhiều người Việt trong đó có giới tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tranh cãi gay gắt đến nỗi dẫn đến bất hòa. Phong trào đấu tranh vốn đã mỏng lại càng thêm rời rạc. Điều này phần nào cho thấy văn hóa dân chủ của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết. Nếu một thể chế dân chủ gồm có một quốc hội đa đảng, hệ thống tư pháp và truyền thông độc lập là phần cứng thì văn hóa dân chủ gồm có tranh luận và bày tỏ quan điểm bất đồng trong tinh thần tương kính và cầu thị là phần mềm không thể thiếu được. Có nghĩa là nó đòi hỏi các bên tôn trọng luật chơi không “bỏ bóng đá người”. Tan trận rồi thì vui vẻ bắt tay cụng ly chớ không thù dai. Hy vọng là khi bước sang năm mới thì mọi người bỏ qua chuyện cũ để cùng bắt tay, hợp tác chặt chẽ với nhau đẩy mạnh phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền trong nước.
Ls Nguyễn Văn Thân
4/1/2021
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-sach-trung-quoc-biden-tap-can-binh/5725206.html