Tin Việt Nam 14/01/2021
Nhân quyền VN 2020: ‘Tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’
Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng 2020 là năm tình hình nhân quyền của VN ‘tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’, khi chính phủ VN bắt và xét xử những nhà hoạt động dân chủ ‘cuối cùng’.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với BBC News Tiếng Việt hôm 14/1 về ‘sự tổn thất nặng nề’ cho phong trào đấu tranh dân chủ khi những nhà hoạt động tiêu biểu ‘cuối cùng’ như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng bị bắt.
Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa công bố báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới. Việt Nam được dành trọn 5 trang.
Trong đó, HRW mô tả Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020”.
“Việc thắt chặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận dường như có liên quan đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra cuối tháng 1/2021,” HRW viết trong thông cáo báo chí.
Ông Vũ Quốc Ngữ của Defend the Defenders bình luận rằng “Vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong năm 2021 ra sao liên quan chặt chẽ tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam mà Đại hội Đảng Toàn quốc 13 sắp tới mang tính quyết định.”
“Nếu công an và quân đội vẫn tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn,” ông Ngữ nói với BBC.
Vi phạm nhân quyền ‘có hệ thống’
Trong báo cáo thường niên, HRW nói Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020” thông qua việc bắt hàng loạt những nhà hoạt động, blogger có tiếng nói chỉ trích.
Đặc biệt, HRW chỉ ra rằng Việt Nam cho bắt những nhà hoạt động hàng đầu vào những thời điểm được cho là nhạy cảm ngoại giao, chẳng hạn như bắt Phạm Đoan Trang chỉ vài giờ phiên họp về nhân quyền với Mỹ.
HRW thừa nhận Việt Nam đạt được một số thành tựu trong chống dịch Covid-1, nhưng với ‘cái giá’ là ‘vi phạm quyền riêng tư, hạn chế quyền tự do ngôn luận, và sự thiếu công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính phủ.’
Còn theo thống kê của Defend the Defenders, năm 2020, Việt Nam bắt nhiều nhà hoạt động hơn, 66 nhà hoạt động, blogger, so với khoảng 40 năm 2019. Trong đó nhiều blogger, Facebooker không tên tuổi cũng bị bắt và bị kết án nặng nề, như vụ Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú.
Các bản án cũng ngày càng nặng nề hơn. Cụ thể, mức án dành cho tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho nhà báo Phạm Chí Dũng là 15 năm tù hồi đầu năm 2021, so với mức kỷ lục năm 2020 của ông Nguyễn Trung Lĩnh 12 năm tù, và năm 2019 của ông Nguyễn Năng Tĩnh, 11 năm tù.
Cao ủy Nhân quyền LHQ lên tiếng vụ Phạm Chí Dũng và đồng sự
Ông Nguyễn Tường Thụy ‘bị công an bắt giữ’
“Cũng với tội danh này, cách đây một thập kỷ, án tù thường chỉ 3 – 4 năm, như trong trường hợp của nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài,” ông Ngữ nói.
Ông Ngữ đề cập đến ‘vết nhơ’ trong lịch sử nhân quyền Việt Nam, với vụ đụng độ ở Đồng Tâm đầu năm 2020 khiến 4 người chết, trong đó có 3 công an. 29 dân làng sau đó bị xét xử với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ, trong đó 2 người bị án tử hình.
Sự kiện này cũng được nêu ra trong báo cáo của HRW.
Các vụ bắt giữ và các phiên tòa
Về quyền tự do ngôn luận
HRW nhắc lại phiên tòa xử Phan Công Hải, Nguyễn Văn Nghiêm, Đinh Văn Phú, Nguyễn Quốc Đức Vượng vào các tháng 4, 6, 7. Họ bị kết án từ năm đến tám năm tù vì chỉ trích đảng và nhà nước.
Tiếp đó, là các phiên tòa xử ông Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, và Phạm Chí Dũng vì liên quan đến Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) cũng như các phát ngôn phản đối Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU. Họ bị buộc tội họ tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.
Danh sách dài thêm với việc bắt giữ 9 người khác gồm blogger độc lập Phạm Chí Thanh, nhà hoạt động vì quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm, và cựu tù nhân chính trị Cấn Thị Thêu cùng các con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tú.
Nổi bật nhất, vào tháng 10/2020, cảnh sát bắt giữ blogger Phạm Đoan Trang.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt
Cha của Trịnh Bá Phương kể về việc con trai và vợ bị bắt
Cả 10 nhân vật nói trên đều bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.
Về quyền tự do tiếp cận thông tin
Báo cáo của HRW chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục cấm báo chí tư nhân, trong khi kiểm soát chặt các đài phát thanh, truyền hình và báo in ‘nhà nước’.
Việt Nam cũng chặn quyền truy cập vào một số website, blog, và buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet xóa các nội dung hoặc các tài khoản được coi là chỉ trích chính phủ.
Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát quyền truy cập vào các máy chủ lưu trữ bộ nhớ cục bộ của Facebook, yêu cầu công ty này xóa các trang do những người bất đồng chính kiến kiểm soát. Và Facebook đã phải ‘cúi đầu trước áp lực’, tạo ra ‘một tiền lệ đáng lo ngại’.
Sự việc tương tự cũng xảy ra với YouTube.
Báo cáo điểm lại các phiên tòa xử hai Facebooker là Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú, lần lượt 18 tháng và 9 tháng tù cho các bài đăng trên Facebook chỉ trích chính phủ theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự.
Công an cũng bắt giữ Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thường vì là người điều hành một nhóm Facebook, trong đó người dùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị.
Về quyền tự do hội họp và lập hội
Báo cáo nhắc đến phiên tòa dành cho nhà thơ Trần Đức Thạch, với cáo buộc ông liên kết với Hội Anh em vì Dân chủ. Các nhà chức trách buộc ông tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 109 của bộ luật hình sự.
Về quyền sở hữu đất đai
Như những năm trước, chính phủ Việt Nam đã tịch thu đất cho các dự án kinh tế khác nhau, thường là không có thủ tục hợp lý hoặc không được đền bù thỏa đáng.
Thuật ngữ “dan dân oan, “hay” những người bị oan sai “, vào năm 2020 đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong cách sử dụng của người Việt để mô tả những người bị chính quyền cưỡng chế đất đai, báo cáo của HRW viết.
Báo cáo của HRW nhắc lại vụ đụng độ ở Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 giữa dân làng và công an, khiến bốn người chết, trong đó ba người là công an.
Các luật sư bào chữa cho biết một số bị cáo bị cáo buộc đã bị tra tấn và buộc phải thừa nhận tội, báo cáo của HRW viết.
EU, Hoa Kỳ, Úc ‘thờ ơ’ với nhân quyền ở VN?
Báo cáo của HRW chỉ ra rằng bất chấp vấn đề nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, nhiều tổ chức và quốc gia vẫn thúc đẩy các cam kết kinh tế với nước này.
Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Quốc Ngữ của Defend the Defenders nói với BBC rằng “chỉ hai tháng sau vụ Đồng Tâm, Nghị viên châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại VN-EU. Như vậy họ tảng lờ vấn đề nhân quyền Việt Nam mà coi trọng quan hệ kinh tế hơn.”
Còn HRW nhận định rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có hiệu lực vào tháng Tám, với các điều khoản về nhân quyền “mơ hồ, không thể thực thi”.
Trong bối cảnh gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, áp lực của EU lại chỉ tập trung vào quyền lao động, báo cáo của HRW viết.
Vào tháng 10/2020, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại nhân quyền trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, việc bắt giữ nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang xảy ra chưa đầy 24 giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại, nhấn mạnh sự thiếu hiệu quả của nó.
Mối quan hệ song phương của Úc với Việt Nam tiếp tục phát triển ngay cả khi một công dân Úc, ông Châu Văn Khảm, vẫn ở tù tại Việt Nam vì tội “khủng bố” với cáo buộc tham gia vào một đảng chính trị ở nước ngoài mà chính phủ Việt Nam tuyên bố là bất hợp pháp.
Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất cho Việt Nam. Như những năm trước, Nhật Bản đã từ chối sử dụng đòn bẩy kinh tế để công khai thúc giục Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình, báo cáo của HRW viết.
Ông Nguyễn Thành Tài được hoãn xét xử
Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) phải hoãn xử vụ ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, vì 2 bị cáo khác là cựu thuộc cấp của ông phải hầu tòa cùng cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng ở Hà Nội. Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 14/1.
Trước đó, tòa án dự kiến sẽ mở phiên xử ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM vào ngày 18/1. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.
Hai cấp dưới của ông Tài vắng mặt liên quan trong vụ án này là Lê Văn Thanh, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM và Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Thành Tài, tuy không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước, không là thành viên Ban chỉ đạo 09 TP, nhưng ông Tài đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỉ đồng.
Trước đó vào ngày 17 tháng 9 năm 2020, Viện Kiểm Sát đề nghị tòa tuyên phạt ông Nguyễn Thành Tài 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015.
Cũng trong ngày 14/1, Công an TP HCM đã công bố thông tin về việc việc ông Tề Trí Dũng, Chủ tịch Công ty SADECO, đã cấu kết cấp dưới đi du lịch Châu Âu, trong vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Lấy danh nghĩa đi ‘tham quan, khảo sát’ nhưng thực chất ông Dũng và các đồng phạm cấp dưới tại Công ty SADECO chỉ đi tham quan du lịch những địa điểm nổi tiếng tại Châu Âu với số tiền từ 180 triệu đồng/người đến 246 triệu đồng/người. Tổng chi phí cho hai đoàn đi Châu Âu là 4,6 tỉ đồng, vượt quá 3,76 tỉ đồng so với số tiền được phép.
Sao kiểm sát viên phải ‘nể’ lãnh đạo địa phương?
Chủ nhiệm Uỷ han Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mới đây nói rằng một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.
Bà Nga đưa ra nhận xét này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào ngày 12/1, đánh giá nhiệm kỳ công tác khóa XIV, 2016 – 2021, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Xác nhận thực trạng vừa nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tình trạng hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên trong các phiên tòa dân sự và hành chính ở cấp huyện, tỉnh vẫn còn vấn đề cả nể.
Cụ thể, lời ông Trí được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau: “Một kiểm sát viên công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện, tỉnh ra tòa mà phát biểu mạnh về ông Chủ tịch tỉnh thì chắc sau khó xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo “nói vừa vừa thôi” thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng phải dùng cách thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu. Ngay cả Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể chứ một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Tất nhiên, kiêng nể cũng phải có nguyên tắc”.
Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp. – LS. Hà Huy Sơn
Trao đổi với RFA tối 13/1, Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng là một nhà báo, hiện đang công tác tại Văn phòng Luật sư Đặng Dũng & Ninh Hoà ở thành phố lớn nhất phía Nam nhận xét về phát biểu của người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như sau:
“Tôi coi bản tin báo Pháp luật như vậy tôi rất buồn. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nói thật như thế thì phải nói rằng nếu kiểm sát viên vì những quyền lợi riêng tư như ông viện dẫn như vậy mà không có hình thức răn đe hoặc nói thế nào thì đó là điều rất thất vọng cho luật sư và người dân. Thiếu điều ông ‘vẽ đường cho hươu chạy’. Ông ấy bảo vì quyền lợi thế này, thế kia thì kiểm sát viên không dám nói gì nhiều, ông bảo ngay cả Viện trưởng cũng phải thận trọng thì tôi thấy rằng điều ông nói như thế là thực tế mà thực tế đó là điều rất đáng buồn và không biết cách nào khắc phục.”
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật TNHH Hà Sơn tại Hà Nội nhận định:
“Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp.”
Vẫn theo lời Viện trưởng Lê Minh Trí tại phiên thảo luận ngày 12/1, tính ‘cả nể’ mà ông nhắc đến không chỉ xuất hiện riêng trong lĩnh vực tư pháp giữa các kiểm sát viên với các lãnh đạo tỉnh, mà vẫn còn nhiều trong cả hệ thống.
Chị Ngọc Hà, một người dân đang sống tại Bình Dương, bày tỏ cảm nghĩ qua Facebook Messenger về phát biểu vừa nêu như sau:
“Mình thì thấy việc ông Viện trưởng nói người dân ai cũng biết, chỉ là bây giờ có quan chức xác nhận sự thật thôi. Mình chỉ thấy lạ là có luật pháp nhưng chính người làm luật lại nói vậy như một sự cam chịu, không thể thay đổi thì trách nhiệm của những người lãnh đạo liên quan ở đâu?”
Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. – LS. Đặng Trọng Dũng
Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay đã có quy định đầy đủ, nhưng ăn thua là người thực thi pháp luật như thế nào, phải có bản lãnh thế nào, vừa phải đào tạo vừa phải kiểm điểm mỗi một vụ án thế nào… Ông tiếp lời:
“Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. Trong đó ông nói là tranh luận là then chốt nhưng thực sự ra tòa luật sư chúng tôi rất muốn tranh luận đến nơi đến chốn nhưng người mà cầm cân trong phiên tòa là chủ tọa, thẩm phán nhiều khi họ cắt ngang chúng tôi. Như một vụ án dân sự tôi vừa vào tòa án cấp cao, chưa tranh luận gì cả thì ông cắt cụp một cái rồi ông đưa một bản án trái pháp luật, cuối cùng chúng tôi phải giám đốc thẩm. May mà giám đốc thẩm được và bây giờ xử lại từ đầu. Tôi thấy nền tư pháp của mình có những thực trạng đáng buồn như vậy.”
Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị của Chính phủ Hà Nội về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật diễn ra ngày 24/11/2020 có nhắc đến nội dung chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.
Do đó, Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra đề xuất:
“Phải thay đổi từ Hiến pháp về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập thì mới thay đổi được cái gốc. Còn do đảng thống nhất, phân công chức năng thì không thay đổi được câu chuyện. Theo tôi việc thay đổi hình thức hầu như không thể thay đổi được vì nó là bản chất hiện nay đó là đảng lãnh đạo toàn nhà nước và xã hội nên không thay đổi được. Quan điểm của tôi là như vậy.”
Vẫn theo Luật sư Hà Huy Sơn, đây là bản chất chế độ chính trị của Việt Nam nên không thể thay đổi. Trong thực tế, những người nêu lên những vấn đề này, với truyền thống chính phủ Hà Nội thì có thể bị kết tội lật đổ chính quyền nhân dân.
Hải Dương phát hiện đường dây nhập lậu hàng hoá từ Trung Quốc về Hà Nội số lượng cực lớn
Công an tỉnh Hải Dương ngày 14/1 thông báo phát hiện một đường dây gồm 14 xe container vận chuyển hàng nhập lậu từ Trung Quốc về thành phố Hà Nội với số lượng hơn 300 tấn hàng hoá nhập lậu.
Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, cho biết đường dây vừa nêu lợi dụng việc nhập khẩu hàng hoá chính ngạch với số lượng lớn từ Trung Quốc qua cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh để trà trộn hàng lậu đưa về Hà Nội.
Ông Lê Ngọc Châu cho hay, sau khi xác định được đường đi của các chuyến hàng thông qua 14 xe container di chuyển qua đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảnh sát Kinh tế đã tiến hành kiểm tra phát hiện lượng hàng hoá nhập lậu do Trung Quốc sản xuất gồm giầy dép, quần áo và nhiều hàng tiêu dùng khác…
Theo Công an tỉnh Hải Dương, đây là vụ vận chuyển hàng lậu lớn nhất từ trước đến nay qua tỉnh này. Hiện đoàn xe được đưa về thành phố Hải Dương để phân loại, kiểm đếm hàng hoá, dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Trong cùng ngày 14 tháng 1, ở phía nam, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân. Qua kiểm tra, ban này phát hiện hơn 5.590 kg thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản và các phụ phẩm động vật gồm 4.400 kg lá lách bò, 760 kg trứng gà non, hơn 340 kg thịt heo ba chỉ, 42 kg sụn gà, 50 kg cá thác lác không có giấy tờ và không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên.
Chủ cơ sở này cho biết, lô hàng được thu mua từ các tỉnh thành và từ nhiều nguồn khác nhau nên không có hoá đơn, chứng từ. Ngoài việc phải tiêu huỷ lô hàng vì không rõ nguồn gốc, dự kiến còn bị xử phạt với số tiền khoảng 90 triệu đồng.
Nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ Khánh Hoà thừa nhận làm giả công hàm ngoại giao
Vụ án “Giả mạo trong công tác” liên quan đến nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hoà và đồng phạm đã được xét xử sơ thẩm vào ngày 14 tháng 1. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin, ngoài bị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác”, ông Nguyễn Quốc Trâm, 53 tuổi nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hoà còn bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Những vi phạm của ông Trâm, theo cáo trạng, đã diễn ra vào cuối năm 2015 đến đầu năm 2016. Lúc bấy giờ ông Trâm đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các tài liệu để bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, lao động tự do, làm Phó chánh văn phòng Sở Ngoại vụ.
Ngoài ra, ông Trâm còn làm giả công hàm ngoại giao gửi Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM để bà Thảo được xuất cảnh.
Tại toà, ông Trâm cũng đã thừa nhận vụ làm giả Công hàm ngoại giao sau khi Tập đoàn Trần Group mời ông Trâm và bà Ngọc Thảo đi Mỹ.
Trước đó, vào tháng 11-2020, Toà TP Nha Trang đã đưa ra xét xử vụ án này và Viện kiểm sát TP Nha Trang khi đó đã đề nghị ông Trâm 6-7 năm tù vì tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và 4-5 năm tù tội “Giả mạo trong công tác”. Riêng bà Thảo bị 3-4 năm tù vì tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cũng trong ngày 14/1, Toà án thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thông báo hoãn xử vụ án tham ô và thiếu trách nhiệm tại Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO) với lý do một số luật sư bào chữa cho các bị cáo phải tham gia phiên xử khác.
Vụ án này theo quyết định của Chánh toà hình sự Toà TPHCM sẽ được xử kín vào hai ngày 21 và 22/1, tuy nhiên Toà TPHCM quyết định sẽ dời phiên xử sang ngày 4 và 5/2/2021.
Giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ: Quy định thái quá!
Phản biện quy định giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ
Báo mạng Zing.vn trong những ngày trung tuần tháng 1/2021 đăng tải các bài viết phản biện của giáo viên và chuyên gia giáo dục đối với quy định mới trong Luật Giáo dục 2019 về yêu cầu giáo viên trung học phổ thông (THPT) phải có bằng thạc sĩ.
Theo ghi nhận của Zing.vn, một số ý kiến cho rằng vẫn còn những điểm bất hợp lý trong lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên.
Ông Hà Đình Lực, một giáo viên dạy môn Toán tại trường TH&THCS Maya, Hà Nội trong bài viết “Tất cả giáo viên THPT có cần bằng thạc sĩ?”, được phổ biến trên Zing.vn vào ngày 9/1, nhấn mạnh rằng điều quan trọng của giáo dục phổ thông không phải là bằng cấp cao mà cần những người am hiểu, có trải nghiệm thực tế.
Bài viết của giáo viên Hà Đình Lực với các phân tích và lập luận chặt chẽ để chứng minh rằng giáo viên cần nâng cao trình độ, làm gương cho học sinh về tự học chứ không phải qua việc bị bắt buộc phải lấy bằng cấp như yêu cầu giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ.
Đài RFA ghi nhận bài viết này của thầy giáo Hà Đình Lực nhận được sự ủng hộ của nhiều độc giả qua hàng chục bình luận trên trang fanpage của Zing.vn.
Đặt vấn đề giáo viên phổ thông bây giờ lại cần có bằng thạc sĩ trước hết tôi cho là sai. Nâng cao trình độ của giáo viên, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, nâng cao sự hiểu biết về xã hội về đất nước để cho họ giảng dạy tốt hơn. Còn bằng hay không có bằng lại là chuyện khác-GS-TS Hồ Sĩ Quý
Zing.vn tiếp tục vào ngày 10/1 dẫn nhận định của giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, rằng giáo viên THPT không cần bằng thạc sĩ.
Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng để đánh giá chuẩn nhất năng lực của giáo viên thì yêu tố quan trọng nhất vẫn là công tác chuyên môn thực tiễn. Yếu tố phụ là bằng cấp.
Giáo sư Phạm Tất Dong đưa ra hai trường hợp gồm một giáo viên dạy giỏi nhưng thiếu bằng cấp và một giáo viên có bằng cấp đầy đủ nhưng dạy không giỏi. Giáo sư Phạm Tất Dong khẳng định rằng ông sẽ chọn trường hợp đầu tiên.
GS-TS Nguyễn Đăng Hưng, vào tối ngày 13/1 chia sẻ với RFA rằng ông có đồng quan điểm với giáo sư Phạm Tất Dong:
“Bởi vì lại một lần nữa, xu hướng hiện nay là cứ sính bằng cấp. Bộ Giáo dục-Đào tạo và những người theo xu hướng này thì họ rất hạn hẹp về triết lý giáo dục. Họ cứ tưởng hễ có bằng cấp là tốt. Tôi cho đây có thể nói là một sự sai lầm càng ngày càng phát triển ra, mà không thể dừng lại được. Thường thì thạc sĩ rất cần thiết nhưng chỉ ở các trường đại học, hay ở những trung tâm nghiên cứu, hoặc ở những công ty chuyên về công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Còn trung học thì trình độ cử nhân là đủ rồi, không cần tới bằng thạc sĩ. Thậm chí những lớp học cấp thấp trung học cũng không cần bằng cử nhân nữa mà chỉ cần những nhà giáo thâm niên, tâm huyết và có chuyên môn về sư phạm, chứ đâu cao cấp mà yêu cầu thạc sĩ. Cho nên, tôi khẳng định đây là một sai lầm nữa của Bộ Giáo dục-Đào tạo.”
Trở lại thời điểm hồi cuối tháng 12/2018, đề xuất về giáo viên THPT phải có trình độ thạc sĩ được đưa ra tại một hội thảo khoa học cấp quốc gia, GS-TS Hồ Sĩ Quý, vào lúc đó đã lên tiếng với RFA:
“Đặt vấn đề giáo viên phổ thông bây giờ lại cần có bằng thạc sĩ trước hết tôi cho là sai. Nâng cao trình độ của giáo viên, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, nâng cao sự hiểu biết về xã hội về đất nước để cho họ giảng dạy tốt hơn. Còn bằng hay không có bằng lại là chuyện khác.”
Lại một lần nữa, xu hướng hiện nay là cứ sính bằng cấp. Bộ Giáo dục-Đào tạo và những người theo xu hướng này thì họ rất hạn hẹp về triết lý giáo dục. Họ cứ tưởng hễ có bằng cấp là tốt. Tôi cho đây có thể nói là một sự sai lầm càng ngày càng phát triển ra, mà không thể dừng lại được -GS-TS Nguyễn Đăng Hưng
Giáo viên sẵn sàng đối với quy định mới?
GS-TS Nguyễn Đăng Hưng, vào tối hôm 13/1 tiếp lời khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề nâng cao chuyên môn của giáo viên tại Việt Nam.
“Nâng cao trình độ, nâng cao chuyên môn của giáo viên hay của giáo sư đại học hay ở bất cứ cơ sở công nghệ là chuyện tự nhiên mà không nước nào không làm cả. Thế nhưng, vấn đề ở Việt Nam là nói một đằng và làm một ngã. Nói như thế nhưng lại đưa ra nâng cao trình độ giáo viên là đòi hỏi bằng cấp và đẩy xu thế xã hội phải đi kiếm bằng. Bởi vì những người học đến trình độ thạc sĩ đâu phải là dễ dàng, mà phần lớn là những người rất bình thường, nhiều khi không có học hành gì, kể cả chưa có bằng tú tài thế nhưng họ vẫn có bằng thạc sĩ như thường.”
GS-TS Nguyễn Đăng Hưng nói rằng ông từ Bỉ trở về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục 20 năm qua và ông nhận thấy tình trạng mua bằng cấp trong xã hội đã và đang diễn ra từ rất lâu. GS-TS Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh, với quy định mới về giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ thì chắc chắn sẽ góp phần vào vấn nạn mua bán bằng cấp tiếp tục diễn ra.
Giáo sư Phạm Tất Dong, khi trao đổi với Zing.vn, cũng lưu ý về công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đang còn nhiều bất cập và không loại trừ việc nâng chuẩn trình độ giáo viên sẽ thúc đẩy một số hành vi, mua bán bằng cấp. Giáo sư Phạm tất Dong trưng dẫn vụ việc mua bán bằng cấp giả ở Đại Học Đông Đô là một trường hợp điển hình mới nhất.
Bắt buộc vậy thì chắc là mệt lắm, tại vì phải đi học nữa. Không phải là không ham học mà là học không nỗi. Như mình thì ở độ tuổi sắp về hưu, không lẽ đi học nữa sao? Những giáo viên nào còn trẻ muốn học thì đi học. Còn tôi thì có lẽ xin được về hưu non-Giáo viên ẩn danh
Đài RFA trao đổi với một giáo viên dạy trung học thâm niên hơn 20 năm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cô giáo không muốn nêu tên chia sẻ rằng trường học nơi cô làm việc luôn tạo điều kiện tốt cho giáo viên nâng cao trình độ và tay nghề.
“Ví dụ như hồi trước tôi đi học cái bằng tiêu chuẩn của Châu Âu thì trường sắp xếp cho thời gian nghỉ để đi học và vẫn hưởng lương bình thường. Trường sắp xếp cho người khác dạy thay cho mình. Trường trả lương cho mình và trả lương cho những người dạy thế đó. Chương trình dạy mới đòi hỏi những kỹ năng để dạy và học nên rất cần thiết. Nếu không học thì mình không biết cách dạy làm sao cho học sinh biết nghe và biết nói thế nào…”
Liên quan việc tự học hỏi và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm giảng dạy, cô giáo ẩn danh bày tỏ:
“Muốn nâng cao thì tìm học trên mạng. Có nhiều thứ để mình học hỏi. Các giáo viên cùng cấp và cùng môn thì lập ra nhóm để chia sẻ kinh nghiệm về những bài giảng dạy của họ. Bây giờ cứ vào google tìm là có thôi.”
Trả lời câu hỏi của RFA về quy định mới theo Luật Giáo dục 2019 yêu cầu giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ, cô giáo này tâm tình:
“Bắt buộc vậy thì chắc là mệt lắm, tại vì phải đi học nữa. Không phải là không ham học mà là học không nỗi. Như mình thì ở độ tuổi sắp về hưu, không lẽ đi học nữa sao? Những giáo viên nào còn trẻ muốn học thì đi học. Còn tôi thì có lẽ xin được về hưu non.”
Theo Luật Viên chức và Thông tư số 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ, giáo viên có bằng thạc sĩ không thuộc diện được nâng bậc lương thường xuyên hoặc trước hạn.
Nhà cầm quyền CSVN không dám đụng vào tài sản trăm, ngàn tỷ của những người “hỉ mũi chưa sạch”
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên loan tin, tại phiên họp thứ 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Cộng sản vào ngày 12 tháng 1 năm 2021, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Cộng sản cho biết, hiện nay ở việt Nam có những thanh niên mới chỉ hơn 20 tuổi đến 30 tuổi nhưng đã đứng tên nhiều tài sản có trị giá cả trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng. Những thông tin này các viên chức Cộng sản đều nắm rất rõ, nhưng họ không thể giải quyết được.
Nguyên nhân được ông Trí giải thích là do quyền sở hữu của công dân nên nhà cầm quyền không thể đụng vào được. Trước thông tin này, một bài viết trên báo Lao động đã bình luận rằng, ông Trí nói đúng 100%, vì thực tế có những người “hỉ mũi chưa sạch” nhưng đã đứng tên tài sản cả trăm tỷ đồng, cả ngàn tỷ đồng. Và ai cũng biết những ông bố của những thanh niên “hỉ mũi chưa sạch” này là ai, nên không dám đụng vào.
Ông Trí ví von rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng của các viên chức Cộng sản như bát nước đổ đi, khi hốt lại thì không bao giờ đầy được, thậm chí là không thể lấy lại. Ông Trí đưa ra thí dụ về một vụ án khi đối tượng tham nhũng đã đồng ý nộp lại 800 tỷ đồng tiền tham nhũng để giãm án, nhưng sau khi luật sư vào gặp thì họ không còn nói gì đến số tiền này nữa. Đơn giản vì nếu nộp 800 tỷ đồng thì sẽ bị ngành tố tụng sẽ hỏi nguồn gốc số tiền ở đâu, và như vậy là tự mình đã chứng minh tham nhũng thì tội còn nặng hơn nữa.
An Nhiên
Giáo sư Carl Thayer: ‘Tôi muốn Thủ tướng Phúc làm tiếp nhiệm kỳ hai’
Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khoảng 10 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra từ ngày 15/1 cho tới 2/2/2021.
Đã và đang xuất hiện một số phỏng đoán các “kịch bản” đối với bốn vị trí quan trọng nhất, hay còn gọi là “Tứ Trụ”.
Hai “kịch bản” được bàn luận nhiều nhất cho tới nay hướng tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng được xét diện “đặc biệt”, sẽ hướng tới ghế Chủ tịch nước.
“Kịch bản thứ nhất” gồm hai vị trí kể trên với ghế Thủ tướng dự kiến thuộc về ông Vương Đình Huệ và vai trò Chủ tịch Quốc hội thuộc về ông Phạm Minh Chính.
“Kịch bản thứ hai” được đồn đoán là đảo lại vai trò của hai ông Huệ và Chính.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt qua email về những đồn đoán nhân sự cấp cao này.
BBC: Ông đánh giá gì về nhân sự các vị trí theo đồn đoán nói trên? Ai sẽ được bầu vào ghế nào, và vì sao?
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư theo một trong hai kịch bản thì điều đó có nghĩa là có một trong hai điều xảy ra. Hoặc là ông Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đủ 5 năm hoặc tái đắc cử với ý tưởng rằng ông sẽ từ chức trước khi hết nhiệm kỳ (một tiền lệ do ông Đỗ Mười đặt ra – ông rời chức TBT giữa nhiệm kỳ hai năm 1997).
Việc ông Trọng tái đắc cử theo một trong hai kịch bản sẽ là dấu hiệu cho thấy ông đã không thành công trong việc chuẩn bị cho người kế nhiệm do có sự phản đối của các ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương.
Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, điều này chỉ có thể được thực hiện theo trường hợp đặc biệt vì thành tích xuất sắc. Trong suốt năm ngoái, có tin đồn liên tục rằng ông Phúc có thể đã đặt mục tiêu trở thành lãnh đạo đảng. Vì ông chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ thủ tướng và được số phiếu bầu tín nhiệm rất cao từ các đồng nghiệp cho công việc của chức vụ này nên điều đó kể như một sự thỏa hiệp.
Tôi hiểu rằng Ban chấp hành Trung ương đã thông qua hai “trường hợp đặc biệt” cho các ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi. Kịch bản mà tôi ưa thích là ông Phúc được tái bổ nhiệm làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai.
BBC: Ông đánh giá thế nào về ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ, và ông có thông tin gì đáng lưu ý không.
Ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, rõ ràng là người hội đủ tiêu chuẩn nhất trong số các ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị dưới 65 tuổi để được bầu làm Thủ tướng. Ông giữ chức Phó Thủ tướng trong 5 năm qua. Ông được đào tạo về kinh tế và từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Hiện ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội mà một số nhà phân tích coi đó là cách để ông bồi đắp thêm kinh nghiệm cho mình. Nếu ông Phúc được bổ nhiệm làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, theo “kịch bản hai” thì ông Huệ sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Các nhà phân tích khác cho rằng nếu ông Phúc tái đắc cử chức Thủ tướng, ông Huệ có thể được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư.
Ông Phạm Minh Chính đứng hàng thứ chín trong Bộ Chính trị, hai nấc trên ông Huệ, người đứng thứ mười một. Ông Chính có bề dày cả trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh. Ông là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Bộ Công an về hậu cần, kỹ thuật, tình báo và là Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng. Kinh nghiệm này hẳn sẽ phù hợp với ông trong ghế chủ tịch nước thay vì ghế thủ tướng.
BBC: Cảm ơn Giáo sư.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị trên 5 triệu thành viên và duy nhất lãnh đạo quốc gia trên 96 triệu dân (2019) được tổ chức 5 năm một lần.
Các nhà quan sát nước ngoài nói sự kiện này có tầm quan trọng quyết định cho hướng đi của Việt Nam nhiều năm tới, cụ thể là để lập tân chính phủ cho nhiệm kỳ 2021-26 và định hướng kinh tế 2021-2030.
Tuy thế, việc kiểm soát luồng thông tin về Đại hội Đảng 13 được Nhà nước Việt Nam chú ý đặc biệt.
Hôm 30/12/2020, Chính phủ nước này ban hành một danh mục được xếp hạng các “bí mật nhà nước”, trong đó có các thông tin liên quan nhân sự và nội bộ của đảng, vào theo truyền thông nhà nước thì “phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật”.
Đại hội 13: Giới thiệu “tứ trụ” mới liệu có được đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 15?
TS. Phạm Quý Thọ
Hội nghị Trung ương 15 liệu sẽ là cuối cùng trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 cận kề, được chính thức thông báo sẽ tổ chức vào ngày 25/1 đến 2/2/2021? Đây là câu hỏi được giới quan sát chính trị quan tâm bởi những tiền lệ thay đổi vào “phút chót”. Nội dung quan trọng nhất của Hội nghị là “chốt” được “các trường hợp đặc biệt” để trình Đại hội. Danh sách các nhân sự này là “tuyệt mật”, nhưng có nguồn tin đồn đoán rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là hai trường hợp đặc biệt, quá tuổi theo quy định, sẽ tiếp tục ở lại với tư cách “tứ trụ” mới được Bộ Chính trị giới thiệu.
Rối loạn chức năng độc đoán
Khi chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm” vẫn đang được đẩy mạnh, nhiều người cho rằng chế độ độc đảng của Việt Nam chưa thể ngăn chặn được mức độ nghiêm trọng của tình hình khủng hoảng chế độ. Việc khởi tố ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, được coi là “phức tạp”, chỉ được tiến hành sau khi ông Nguyễn Văn Nên, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Thành uỷ thay ông Nguyễn Thiện Nhân. Trước đó, cuối năm 2019, ông Tất Thành Cang bị kỷ luật cách chức Uỷ viên Trung ương đảng khóa 12 và Phó bí thư thường trực Thành uỷ tại Hội nghị trung ương 9, nhưng vẫn là Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình lịch sử TP.HCM. Hơn thế, đến tháng 8/2020 ông này chỉ bị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM “thống nhất kết luận phê bình”. Trường hợp kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang có thể được coi là biểu tượng của rối loạn chức năng độc đoán. Ở đây, sự phân quyền cho các địa phương đáp ứng nhu cầu chuyển đổi kinh tế sang thị trường đã tạo ra nguy cơ bất ổn cho chế độ.
“Tập thể lãnh đạo” đang bị lung lay
Tập thể lãnh đạo là một hình thức chính trị lý tưởng của một đảng cộng sản độc quyền. Nhiệm vụ chính của nó là để phân phối quyền hạn và chức năng từ cá nhân đến một nhóm duy nhất. Tại Việt Nam nguyên tắc tập thể lãnh đạo còn được gọi là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng CS VN, theo đó, hầu như không có một lãnh đạo tối cao bởi quyền lực được san sẻ tập trung cho bốn vị trí cao nhất trong chính quyền là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng với các tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương. Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948 từng giải thích rằng “một người dù khôn ngoan đến đâu, cũng chỉ trông thấy một số mặt của vấn đề; vì vậy cần tổng hợp sự xem xét của nhiều người để xét rõ mọi mặt của vấn đề, cho nên mới cần lãnh đạo tập thể. Không lãnh đạo tập thể sẽ dẫn đến “bao biện, độc đoán, chủ quan”… Tuy nhiên, “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, sinh ra sự “bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải đi kèm với nhau.
Nguyên tắc này đang bị lung lay trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đỉnh điểm là nhiệm kỳ 2011-2015, khi “một bộ phận không nhỏ” quan chức “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một trong những dấu hiệu là Ban Chấp hành TƯ đã “làm trái ý” của Bộ Chính trị. Tại Hội nghị TƯ 7 năm 2013 hai ông Nguyễn Bá Thanh, cố Trưởng ban Nội chính TƯ và Vương Đình Huệ, nguyên Trưởng ban Kinh tế TƯ, mặc dù được Bộ Chính trị giới thiệu, đã không được Ban chấp hành TƯ khoá 11 bầu bổ sung vào Bộ chính trị. Một sự kiện “đình đám” khác cũng diễn ra tương tự về việc kỷ luật nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế. Ông Dũng trước Quốc hội ngày 20/10/2012, đã xin lỗi với tư cách người đứng đầu vì tình trạng “bất ổn kinh tế vĩ mô”. Tuy nhiên, ông đã không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào, và trái lại ông lại được số phiếu tín nhiệm cao trong đợt lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại Quốc hội. Mặc dù, ông đã về làm “người tử tế”, nhưng không ít Uỷ viên Trung ương trong Ban Chấp hành khoá 12 đã từng ủng hộ ông vẫn chịu ảnh hưởng.
Ai mới được giới thiệu là “Tứ trụ”?
Như đã nêu ở trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một phương án “trường hợp đặc biệt” được Bộ Chính trị giới thiệu trình Hội nghị TƯ 15 khoá 12 sẽ họp trong nay mai. Những kết quả về chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng “không vùng cấm” do ông trực tiếp chỉ đạo đã tăng cường quá trình tập trung quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng hiện nắm giữ quyền tối cao, như Bí thư Quân uỷ Trung ương, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng… đồng thời là Trưởng tiểu ban nhân sự cho Đại hội 13.
Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền lực tối cao đang gặp khó khăn. Sự giới thiệu người kế nhiệm của ông đã không đạt được sự đồng thuận của tập thể Bộ Chính trị và tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương 14. Bởi vậy, theo các nhà quan sát, ông có thể tiếp tục ở lại để tìm người kế vị để bàn giao nhằm duy trì chế độ độc đảng. Ngoài ra, nếu ở lại, ông chắc sẽ còn nhiều việc phải làm để nội bộ đảng trong sạch. Dư luận băn khoăn về sự bình phục sức khoẻ của ông sau cơn đột quỵ cuối năm 2018.
“Trường hợp đặc biệt thứ hai” là đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ kiến tạo với chính sách phù hợp thực tế, điều hành nền kinh tế thành công mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng gần 3% vừa chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Ngoài ra, những kết quả chống thiên tai bão lũ tại miền Trung cũng để lại dấu ấn tích cực… Ông được giới thiệu với cương vị chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới. Giới phân tích chính trị băn khoăn rằng với thành tích như vậy tại sao ông không được bố trí tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Thủ tướng Chính phủ?
Đồng thời với hai trường hợp đặc biệt trên, trong “tứ trụ” còn hai nhân vật còn đủ tiêu chuẩn được giới thiệu là Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ. Ông Chính, từng là thứ trưởng Bộ Công an, đã trải thực tế thành công với tư cách là Bí thư tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 11. Ngoài ra, ông có kinh nghiệm đối với việc áp dụng mô hình đặc khu hành chính kinh tế còn vướng mắc trong nhiệm kỳ 12. Ông Huệ, giáo sư kinh tế, trải qua nhiều chức vụ như Tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng tài chính và Trưởng ban kinh tế TƯ. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế chỉ đạo tại địa phương chỉ được tích luỹ khi ông là Bí thư Hà Nội năm 2019. Hai ông được giới thiệu với cương vị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội với hai phương án đảo vị trí cho nhau.
Sau “đồng thuận” dự kiến sắp xếp các vị trí quyền lực khác trong Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ban Chấp hành TƯ, các nhà quan sát hy vọng sự giới thiệu “tứ trụ” như trên có thể sẽ nhận được sự “nhất trí” tại Hội nghị TƯ 15 theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Liệu đó sẽ là hội nghị cuối cùng trước thềm Đại hội 13 cận kề? Dù thế nào đi chăng nữa, câu hỏi vẫn đeo đuổi các nhà cải cách rằng tại sao chuyển giao quyền lực tối cao của đảng ngày càng khó khăn?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do