Chào Mừng 2021 Nhìn Lại 2020
Lê Minh Nguyên
Đúng 100 năm sau đại dịch Spanish Flu 1918-1920 (có tên như thế vì báo chí Tây Ban Nha lúc đó được tự do đăng tải chứ không phải phát xuất từ TBN) thì thế giới lâm vào đại dịch Covid-19 mà mức độ tàn phá hết sức nặng nề và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Covid đã nhiễm trên 84 triệu người và giết trên 1.8 triệu người trên thế giới mà trong đó Mỹ chiếm đến gần 1/4 (Mỹ nhiễm trên 20 triệu, chết trên 356,000). Theo CDC trong 3 tuần đầu tháng 1/2021 số chết sẽ thêm khoảng 80,000 tức trung bình một ngày có khoảng 3,800 người chết ở Mỹ.
Vaccine lại ra chậm hơn dự trù là 20 triệu liều, chỉ 12.4 triệu liều được phân phối và 2.8 triệu trong số này được chích. Do biến thể mới từ Anh với 70% dễ lây nhiễm hơn đã xuất hiện ở Colorado, California, Florida… cho nên vaccine có thể chỉ được chích một mũi thay vì hai như dự trù, một mũi có hiệu quả 80% (hai mũi 95%), mũi thứ hai phải mất vài tháng sau, khi sản xuất đã bắt kịp.
Covid gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới mà việc khôi phục lại phải mất nhiều năm. Thế giới đang trãi qua một mùa đông đen tối, trong khi ánh sáng còn ở cuối đường hầm là vaccines với kỹ thuật tân kỳ mRNA của Pfizer và Moderna được phát minh trong thời gian kỷ lục chưa đầy một năm.
Brexit sau 4.5 năm thương thảo, cuối cùng Anh và Liên Âu đạt được thoả thuận hôm 24/12, chỉ 7 ngày trước khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp. Từ ngày 1/1/21 về sau thì công nhân, hàng hoá, dữ liệu, vốn, dịch vụ tài chính… không còn tự do lưu thông mà phải dưới sự kiểm soát của luật pháp và thuế quan hai bên. Anh cần thị trường Liên Âu hơn Liên Âu cần thị trường Anh vì Anh bán vào Liên Âu đến 50% trong khi Liên Âu bán vào Anh chỉ 8%. Anh không còn là đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn như xưa, bây giờ ra khỏi Liên Âu rất dễ sa vào vòng tay của Trung Quốc và TQ đang khai thác lợi thế này.
Biển Đông, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương là những điểm nóng của năm 2020.
Ở Biển Đông tàu Mỹ tuần tra đông hơn và thường xuyên hơn, nhưng TQ thì đem mồi COC hứa hẹn thông qua bộ quy tắc ứng xử trong vòng 3 năm tới với 10 quốc gia Đông Nam Á, cùng những khoảng cho vay dễ dãi để thực hiện Vành Đai Con Đường. TQ thì mua thời gian để bành trướng sức mạnh quân sự, còn Mỹ thì mua thời gian để củng cố sức mạnh của những quốc gia địa chiến lược trong vùng (Nam Dương, Phi, Việt Nam…) trước khi TQ sút chuồng về quân sự.
Ở Đài Loan thì sự tái đắc cử của bà tổng thống Thái Anh Văn cùng sự mở rộng bang giao và bán vũ khí của Mỹ đã củng cố thêm vị thế độc lập của nước này, trước sự gia tăng đe doạ của TQ ở eo biển Đài Loan như thường xuyên tập trận và bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đài Loan biết mình là con cờ của tranh chấp đại cường và đang thận trọng xây dựng sự độc lập mà không cần tuyên bố.
Ở Hồng Kông những người trẻ đã dũng cảm biểu tình chống luật an ninh mà TQ áp đặt để kết liễu dân chủ HKong và xoá nền tảng một quốc gia hai chế độ sớm hơn 50 năm mà TQ cam kết với Anh năm 1984 để trả HKong về cho TQ năm 1997. TQ đã thành công nhờ vào sự dững dưng của thế giới và sự suy nhược của Anh – một thất bại đáng buồn của dân chủ.
Tân Cương, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị lùa vào các trại tập trung, bị cưỡng bách lao động, bị tẩy não, áp dụng chính sách diệt chủng cho khoảng 21 triệu dân nơi này. Sự phản ứng yếu ớt của thế giới và Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi được TQ, tương lai của dân tộc này có thể bị diệt vong. TQ cần lấy nơi đây làm hạ tầng cho Vành Đai Con Đường trên huớng tiến tây.
Úc và California (giữa tháng 9) bị cháy rừng chưa từng thấy trước đây. Vùng cháy ở Úc to đến 27.2 triệu mẫu và giết trên một tỷ động vật. Các vụ cháy này, bão lụt miền Trung Việt Nam và đông-nam HK, băng tan ở Bắc và Nam Cực (mãnh băng 1,636 km2 lớn hơn thành phố London vỡ trôi ra biển) cho thấy vấn đề biến đổi khí hậu càng ngày càng gây ra nhiều thiên tai làm thiệt hại môi trường sống và kinh tế toàn cầu.
Ở Beirut, Lebanon, vụ nổ kho phân bón ở cảng ngày 4/8 đã giết 204 người, làm 6,500 người bị thương và 300,000 người mất nơi cư trú. Nó là một vụ nổ chưa từng thấy mà không do chiến tranh gây ra.
Ở Thái Lan, khi vua cha băng hà, quân đội lộng quyền, vua con nhu nhược và sống ở Đức nhiều hơn ở Thái. Thái theo chế độ quân chủ lập hiến, tức dân chủ giống như Anh hay Nhật. Nhưng vua cha luôn can thiệp vào chính quyền không cho quốc hội được độc lập, khi vua cha không hài lòng thủ tướng thì hay dùng quân đội hoặc toà bảo hiến để lật đổ. Từ khi lập ra chế độ năm 1932 đến nay Thái Lan kinh qua 20 cuộc đảo chánh và 22 hiến pháp. Vua cha là phù thuỷ dùng quân đội làm âm binh, phù thủy cao tay ấn nên trị được âm binh.
Nhưng vua con là dân chơi bời nên bây giờ âm binh vật ngược lại phù thủy, vua con nằm trong sự điều khiển của quân đội. Các cuộc biểu tình rầm rộ đầy khí thế ở Thái từ giữa tháng 10 là nhằm cải tổ vương quyền cho giống như Anh, Ấn, dẹp luật khi quân hà khắc, đem quân đội trở về doanh trại, cho dân chủ được thực sự vận hành.
Ở Belarus, cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 mà có khoảng 70 quan sát viên bầu cử bị bắt và trên 5,000 chứng cớ gian lận. Tổng thống Alexander Lukachenko nắm quyền từ năm 1994 tái tranh nhiệm kỳ sáu với nữ ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaia (thay chồng là blogger đang ngồi tù). Bà trở thành thần tượng của đối lập và được một số nước châu Âu hậu thuẫn. Có ít nhất 200,000 người tham gia xuống đường ngày 16/8 và những ngày sau đó ở thủ đô Minsk, đông nhất từ khi Belarus độc lập. Yếu tố địa chính trị (trái độn sát biên giới Nga) làm cho phong trào dân chủ chưa thành công nhưng với sự suy tàn của triều đại Putin và quang cảnh thế giới 2021 sáng lạng hơn thì Belarus sẽ dễ dân chủ hoá hơn.
Ở Venezuela, Covid đã giúp cho TT Maduro cơ hội để cấm và đàn áp biểu tình. Cuộc bầu cử Quốc Hội hôm 6/12 mà kết quả coi như đã được biết trước do các đảng phái đối lập kêu gọi tẩy chay và Chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido lãnh đạo đối lập không còn sức thu hút cử tri. Maduro khống chế được QH làm cho Guaido mất lợi thế. Các quốc gia dân chủ, nhất là Mỹ vì vật lộn với Covid mà xao lãng Venezuela. Nước này mất đi cơ hội để thay đổi dân chủ dù đã rất thành công trong giai đoạn đầu, tiền Covid.
Ở Ấn Độ, chiến tranh biên giới với Trung Quốc được tượng hình từ cuối tháng 5 và lên cao vào tháng 8. Ấn tố cáo TQ có hành vi quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng Ladakh. Họ đã đụng độ từ tháng 6 ở vùng thung lũng Galwan trên cao nguyên Ladakh. Đây là vùng cao độ lạnh buôt khô cằn, chẳng có giá trị gì với TQ, nhưng TQ cố ý gây sự để Ấn mất thăng bằng và mất tập trung ở những nơi như Tây Tạng mà TQ đang gặp khó khăn. Quan trọng hơn, TQ muốn ngăn Ấn ở Đông Nam Á như việc TQ muốn đào kinh Kra ở Thái, cũng như không cho Ấn có điều kiện để cũng cố quân sự các đảo ở Ấn Độ Dương, làm suy yếu đại chiến lược Vành Đai Con Đường của họ.
Ở vùng Thượng Karabakh, giao tranh đã xảy ra giữa Azerbaijan và lực lượng ly khai tại vùng Thượng Karabakh do Armenia yểm trợ vào cuối tháng 9 và đầu thắng 10. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp đem quân vào giữ hoà bình nên cả hai đều thua thiệt, Armenia bị thua thiệt nhiều hơn. Vùng này thuộc về Azerbaijan nhưng đa số dân là người Armenia, xung đột kéo dài từ đầu thập niên 1990 khi Liên Xô tan rã. Thổ là đồng minh của Azerbaijan. Nga cung cấp vũ khí cho quân đội cả hai bên. Nga có căn cứ quân sự ở Armenia và có thỏa ước phòng thủ với Armenia. Iran nghiêng về Armenia. Đây là lò lửa địa chính trị có thể cháy lan ra toàn vùng bất cứ lúc nào.
Ở Iran, Mỹ và Do Thái đã kết nhau để tiêu hao sức mạnh quân sự của Iran. Ngày 3/1 Mỹ đã dùng drone để hạ sát tướng Suleimani, lãnh đạo quân sự vùng Trung Đông và hôm 27/11 nhà nguyên tử học Fakhrizadeh bị ám sát, dư luận cho là Do Thái. Hai ngày nữa là giỗ 1 năm của tướng Suleimani, ngay sau đó là tang 40 ngày Fakhrizadeh. TT Trump và thủ tướng Netanyahu có nhu cầu ra tay nếu Iran có động thái gì, dù nhỏ, trong lúc này.
Ở Mỹ, nổi cợm là vụ sát hại George Floyd làm nổ ra những cuộc biểu tình rầm rộ ở nhiều tiểu bang do phong trào Black Lives Matter khởi xuớng để đòi công lý, chống cảnh sát bạo hành và chống kỳ thị có hệ thống. Kế đó là cuộc bầu cử tổng thống mà ông cựu phó tổng thống Joe Biden thắng hơn 7 triệu phiếu phổ thông (81 triệu vs 74 triệu) và 74 phiếu cử tri đoàn (306 vs 232). TT Trump không chấp nhận thua nhưng các định chế Mỹ thì cứ vận hành theo Hiến Pháp quy định.
Ngày 6/1 tới đây là bước cuối, Quốc Hội vận hành theo đòi hỏi của HP để chuẩn thuận quyết định từ cử tri đoàn. Trừ khi phá bỏ HP thì kết quả bầu cử mới có cơ hội đảo ngược, vì các định chế (toà án, Tối Cao Pháp Viện, các uỷ ban tổ chức bầu cử, chính quyền và quốc hội tiểu bang, quốc hội liên bang) đã vận hành đúng theo quy định của HP.
Ở Việt Nam, nổi cợm là CSVN được thế ngư ông đắc lợi trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung khi TQ dùng ngã VN, dán nhãn VN để đưa hàng sang Mỹ, và các công ty di dời sợi dây chuyền sản xuất của họ từ TQ qua VN. Chính quyền Mỹ vừa cho biết sẽ đánh thuế quan để trừng phạt VN, Nguyễn Xuân Phúc vội vã gọi phone cho TT Trump, nhưng cho tới hôm nay vẫn chưa biết là Mỹ có thay đổi.
Trong năm qua CSVN đã bắt Phạm Đoan Trang và rất nhiều Facebookers. Họ thảm sát Đồng Tâm, kết án oan Hồ Duy Hải. Ông Trọng đốt lò hầu hết đàn em của Nguyễn Tấn Dũng còn sót lại trong hệ thống. Các phe trong Đảng tìm cách cơ cấu người của mình cho Đại Hội XXIII từ 25/1 đến 2/2/21. Qua 14 hội nghị trung ương họ vẫn chưa chốt được nhân sự tứ trụ và sẽ tổ chức hội nghị trung ương 15 vào ngày 15/1/21.
Đóng cửa đánh nhau, họ cho nhân sự là điều tối mật, tin đồn rằng ông Trần Quốc Vượng sẽ là tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là chủ tịch nước, ông Vương Đình Huệ sẽ là thủ tướng và bà Trương Thị Mai sẽ là chủ tịch quốc hội. Nếu thế thì sẽ có hai người quá tuổi được huởng quy chế đặc biệt là ông Vượng và ông Phúc.
Nhìn chung, năm 2020 là một năm đen lịch sử, nó sẽ được ghi là năm của đại dịch Covid-19. Đại dịch và thiên tai của năm 2020 sẽ định hình cho những năm sau đó. Năm 2020 cũng là năm dân chủ ở khắp nơi bị thoái trào và độc tài được tung tăng thao túng.
Năm 2020 đang bước qua, nó mang đi những điều xui rũi và dù chúng ta đang còn ở trong đường hầm Covid nhưng phía cuối đường là ánh sáng. Năm 2021 mở ra hy vọng tươi đẹp hơn khi đại dịch được khắc phục vào khoảng mùa hè và kinh tế khắp nơi được trỗi dậy. Khuynh hướng độc tài và chính trị cô lập cũng sẽ lui về phía sau của kính chiếu hậu, phía trước là dân chủ, cộng tác, phát triển và ổn định hơn.
Chúc Mừng Năm Mới.
Lê Minh Nguyên – 1/1/2021