Vĩnh biệt Nhạc sĩ Lam Phương (1937 – 2020)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vĩnh biệt Nhạc sĩ Lam Phương (1937 – 2020)
Trăm Nhớ Ngàn Thương… Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07pm ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California.
image.png

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937.Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên…Dòng nhạc Lam Phương có sức lan tỏa rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ.
Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành. “Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh…” 

Tin từ ThuyNga Paris

Chuyện Chế Linh hát nhạc Lam Phương và bị thành tên phản động!

Nguyễn Đình Bổn

23-12-2020

https://baotiengdan.com/2020/12/23/chuyen-che-linh-hat-nhac-lam-phuong-va-bi-thanh-ten-phan-dong/

Vừa online lại facebook thì thấy tin nhạc sĩ Lam Phương từ trần. Tại miền Nam thì tên tuổi của ông, ca khúc của ông ai cũng biết. Thôi nhắc một chuyện liên quan về ca khúc ‘Thành Phố Buồn’ đã khiến ca sĩ Chế Linh bị giam 18 tháng.

Câu chuyện Chế Linh hát ‘Thành Phố Buồn’ khi hát nhạc VNCH được cho là phản động có nhiều người kể nó xảy ra tại nhiều sân khấu không khớp nhau. Mùa hè vừa rồi, trong chương trình Jimmy Show tại Mỹ, chính ca sĩ Chế Linh lần đầu tiên kể chi tiết về cuộc sống của ông sau ngày 30 tháng 4 và cả câu chuyện này.

Theo đó, sau năm 1975, tất cả các bài nhạc vàng sáng tác tại miền Nam trước đó đều bị cấm. Chế Linh có đi “hát chui” một vài nơi, nhưng chỉ hát được những bài “nhạc đỏ” như bài gì… có con bồ câu trắng! (Tự Nguyện).

Rồi khoảng năm 1978, trong lần đi hát ở Thốt Nốt – Cần Thơ, khán giả bên dưới có rất nhiều người là bộ đội, họ yêu cầu Chế Linh hát bài tủ ‘Thành Phố Buồn’. Tuy bài hát này vô thưởng vô phạt, không phải là nhạc lính, nhưng là nhạc vàng bị cấm hát. Chế Linh chần chừ không dám hát, nhưng vì có quá nhiều khán giả bên dưới yêu cầu, từ chối hoài không được, ông đành xin phép ban văn hóa địa phương được phép hát. Lúc đó không thấy có ai ý kiến gì, ông đã hát liên tục một mạch 3 lần bài hát này, bởi vì đã quá lâu rồi mới được hát lại 1 bài nhạc vàng trên sân khấu.

Chấm dứt lần hát thứ 3, khi cúi đầu chào, ông nghe lạnh lưng vì có 2 cây súnɡ của bên quân quản chỉa vào mình. Dù vậy do khán giả và cả bộ đội phản đối quá, lần đó ông thoát được và được kêu giúp xe để ông trốn về Sài Gòn.

Nhưng, cũng theo Chế Linh, chỉ một thời gian sau, ông bị bắt tại Sông Mao – Bình Thuận. Tại đây ông bị cùm chân 13 ngày trong lúc chờ đưa đi biệt giam ở Mỹ Đức – Phan Rang và bị biệt giam 18 tháng may mà không chết để trở về, sau đó đi vượt biên và định cư tại Mỹ.

Chế Linh cho biết khi đó ca khúc Thành Phố Buồn chỉ là 1 trong những nguyên nhân làm cho ông bị biệt giam trong 18 tháng. Khi bị hỏi cung ở trong trại giam, những cán bộ trong này nói rằng ông bị khép vào tội “ρhản độnɡ”, bằng chứng được trưng ra là những tấm hình cũ mà Chế Linh đã chụp chung với các tướng lãnh VNCH và cả tổng thống Nguyễn Văn Thiệu!

Tử sinh hay vinh nhục đều vô thường. Khó ai biết trước rằng cho đến hôm nay, âm nhạc mà chủ yếu là ca khúc của VNCH đã hoàn toàn đánh bại các loại nhạc đỏ trong đó các ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương như một người lính tiên phong.

Và cũng ít ai tưởng tượng được rằng đến năm 2011, Chế Linh lại về hát giữa Hà Nội trong đó có bài ‘Thành Phố Buồn’ mà ông từng bị súng thúc sau lưng khi dám hát tại Thốt Nốt, Cần Thơ.