Đọc báo Pháp – 17/12/2020
Chiến tranh lạnh mới: Trung Quốc thay chân Liên Xô cũ đối đầu với Mỹ – Thụy My
Chiến tranh lạnh dường như đang quay lại, Trung Quốc thay thế Liên Xô, đối đầu với Hoa Kỳ – một hành tinh, hai hệ thống. Chiến lược của Tập Cận Bình nhằm tách rời với Mỹ : Trong một thế giới nay đã trở nên thù địch, Trung Quốc không còn có thể lợi dụng được việc chuyển giao công nghệ của phương Tây.
Les Echos hôm nay chạy tựa trang nhất « Vaccin : Tại sao chiến dịch tiêm chủng kéo dài », Le Figaro giải thích « Bọn buôn lậu ma túy lợi dụng dịch Covid như thế nào ». Libération tóm tắt « Phiên tòa xử các vụ khủng bố tháng Giêng 2015 : 54 ngày, bản án và những bóng ma ». Le Monde nhìn sang « Nigeria : Quân thánh chiến lại tấn công vào trường học ». La Croix dành tựa chính cho « Tunisia, một cuộc cách mạng chưa kết thúc ». Ở các trang trong, các báo đều có nhiều bài vở nhân kỷ niệm 10 năm cuộc cách mạng Hoa Lài.
Cuối mùa quyền lực, Trump vẫn không là « loser »
Liên quan đến bầu cử Mỹ, Le Figaro nói về « Cuối mùa đơn độc cho ông Donald Trump ».Hôm thứ Ba 15/12, lãnh tụ Cộng Hòa ở Thượng Viện đã chấm dứt sáu tuần lễ im lặng, « chúc mừng chiến thắng » của ông Joe Biden và bà Kamala Harris, sau khi đại cử tri đoàn đã bỏ phiếu ngày 14/12.
Khi điện đàm với tất cả các nghị sĩ Cộng Hòa, Mitch McConnell kêu gọi những người còn do dự nhất nên chấp nhận thực tế, và cảnh báo những ai cố gắng tung ra trận chiến danh dự cuối cùng vào ngày 06/01 khi Quốc hội bỏ phiếu chính thức công nhận Joe Biden đắc cử. Ngay cả nghị sĩ nằm trong số trung thành nhất với tổng thống là Ron Johnson cũng hứa sẽ không chống đối.
Nhà Trắng trả đũa bằng Twitter vào nửa đêm, như thói quen của nhà tỉ phú. « Mitch, 75 triệu phiếu bầu, kỷ lục (vượt xa) của một tổng thống đương nhiệm. Quá sớm để bỏ cuộc. Đảng Cộng Hòa phải tập chiến đấu, người dân đang tức giận ! »
Đọc thêm: Chuyên gia: Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump
Thật ra Donald Trump từ bốn năm qua vẫn một mình một ngựa tại Nhà Trắng với cung cách riêng của ông. Nhưng từ ngày 03/11, một loạt quan chức đã bị sa thải : bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper hôm 09/11 do tuyên bố quân đội không can thiệp vào bầu cử, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng Chris Krebs hôm 17/11 vì dám nói rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là « bảo đảm nhất trong lịch sử ». Bộ trưởng Tư Pháp Bill Barr thì sẽ ra đi tuần tới, về mặt chính thức là từ chức, nhưng rất có thể do khẳng định không có gian lận và không báo với tổng thống cuộc điều tra thuế với Hunter Biden, con ông Joe Biden.
Nhà sử học Michael Beschloss cho rằng một khi bước lên chiếc trực thăng Marine One đi xa khỏi Nhà Trắng ngày 20/01, Donald Trump sẽ nhận ra được tâm trạng của Jimmy Carter (1981) hay George H. Bush (1993), những tổng thống không tái đắc cử. Nhưng Trump không phải là chính khách máu lạnh chuyên nghiệp như họ.
Ông vẫn hy vọng luôn duy trì được phong trào đã nảy sinh từ sau chiến thắng năm 2016, thậm chí huy động được nguồn lực cho cuộc chiến pháp lý, không chịu đứng trong bóng tối. Donald Trump không phải là một « loser », ông hé mở khả năng tái ứng cử năm 2024. Một nhà bình luận của Washington Post kêu gọi các báo lớn không nên kéo dài việc đưa tin thường trực về tổng thống Mỹ thứ 45, khiến ông Trump trở thành một « tổng thống lưu vong ảo », như một Napoléon trên đảo Elbe nhưng trên sân gôn.
Chiến tranh lạnh mới : Trung Quốc thay chân Liên Xô cũ
Về quan hệ Mỹ-Trung,Le Monde nhận xét « Thế giới dường như quay lại với chiến tranh lạnh : Trung Quốc thay thế Liên Xô, đối mặt với Hoa Kỳ ».
Năm 2020 bắt đầu với tai họa, nhưng lại kết thúc thắng lợi cho Tập Cận Bình. Covid chỉ còn là kỷ niệm, kinh tế bắt đầu phục hồi, và lá cờ Trung Quốc phấp phới trên Mặt Trăng – dù tận 50 năm sau lá cờ sao của Mỹ. Chắc chắn rằng Bắc Kinh không thể không đắc chí trước sự bất hạnh của người khác. Hoa Kỳ vừa vượt qua ngưỡng 300.000 người chết vì con virus từ Vũ Hán, kinh tế suy thoái.
Đọc thêm: Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung : Nguy hại hơn thời Liên Xô cũ
Joe Biden, người vừa đắc cử hãnh diện cho rằng nền dân chủ Mỹ vẫn vận hành qua việc hạ bệ người tiền nhiệm được bầu lên một cách hợp pháp, nhưng ông Donald Trump vẫn nhất quyết không công nhận. Một hoạt cảnh kỳ lạ, vào giai đoạn đầu của một thập niên cạnh tranh mãnh liệt giữa hai đại cường. Thế giới dường như quay lại với chiến tranh lạnh : một hành tinh, hai hệ thống. Trung Quốc đã thay cho Liên Xô để đối đầu với Hoa Kỳ, và trên lãnh vực sáng tạo công nghệ thay vì quân sự.
Dù đang trải qua giai đoạn khó khăn, Mỹ luôn có khả năng tự vực dậy, như đã từng nhiều lần chứng tỏ. Khi Covid đang giết người, thì một công ty Mỹ là Tesla làm được một cuộc cách mạng trong kỹ nghệ xe hơi với tiến bộ công nghệ mà các nhà sản xuất Trung Quốc luôn thèm muốn. Nhà kinh tế Thomas Philippon, giáo sư trường đại học New York khẳng định Hoa Kỳ sẽ ra khỏi đại dịch với ba nước bài thắng lợi « Amazon, Zoom, vac-xin ».
Đọc thêm: Đối đầu Mỹ-Trung và sự quay lại với thế giới lưỡng cực
Đáng chú ý là cả ba công ty dược hàng đầu về vaccin chống Covid (Pfizer, BioNTech, Moderna) đều do các di dân thành lập hoặc lãnh đạo. Một cặp vợ chồng Thổ Nhĩ Kỳ đã sáng lập BioNTech ở Đức, một người Liban gốc Armenia lập ra và lãnh đạo Moderna ở Massachusetts, và tổng giám đốc Pfizer từ Hy Lạp di cư sang Mỹ năm 34 tuổi. Sự đa dạng này đã tạo nên sức mạnh của nước Mỹ, nhưng không phải là xu hướng của Trung Quốc.
Hô hào mở cửa, nay Bắc Kinh chủ trương tách rời Mỹ
Về phía Bắc Kinh đã rút ra bài học từ nhiệm kỳ ông Trump và đại dịch. Trong một thế giới nay đã trở nên thù địch, Trung Quốc không còn có thể lợi dụng được việc chuyển giao công nghệ vì phương Tây ngày càng cảnh giác hơn, mà chỉ có thể buộc phải tự lực cánh sinh.
Tập Cận Bình đã nhấn mạnh từ tháng Năm, và trong thông cáo của hội nghị trung ương Đảng tháng Mười, chữ « sáng tạo », « công nghệ » được nêu ra đến hơn 20 lần. Thái độ thu mình lại này trái ngược với bài diễn văn ấn tượng của ông Tập tại Davos tháng Giêng 2017 khi tổng thống Donald Trump vừa nhậm chức, cổ súy cho mở cửa, chống chính sách bảo hộ. Từ đó đến nay, gió đã đổi chiều.
Đọc thêm: Công nghệ cao, trọng tâm của chiến tranh lạnh Mỹ-Trung
Đối với nhà phân tích James Crabtree ở Singapore, chiến lược mới của Tập Cận Bình nhằm tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới, tách rời với Hoa Kỳ. Để củng cố quyền lực, ông Tập vừa đóng cửa về chính trị vừa khống chế lãnh vực tư nhân. Mã Vân (Jack Ma), ông chủ nổi tiếng của Alibaba đã phải trả giá đắt cho việc gọi các ngân hàng Trung Quốc là « nhà cầm đồ » trong một diễn đàn ở Thượng Hải, và dám nói ngược lại với phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan). Chỉ vài ngày sau, hôm 03/11 việc phát hành cổ phiếu của chi nhánh Ant Group – hàng đầu về công nghệ ở Trung Quốc – bị chận lại, mục tiêu huy động 37 tỉ đô la tan thành mây khói.
Các tập đoàn kỹ thuật số Mỹ cũng đã trở thành khổng lồ khó thể quản lý, nhưng Washington hành động bài bản hơn qua các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Facebook và Google. Còn Liên Hiệp Châu Âu tuy không có « Big Tech » nào nhưng đã đề ra quy chế để bảo vệ người sử dụng và sự cạnh tranh. Phải chăng với chính quyền Biden, một liên minh kỹ thuật số Âu-Mỹ có thể đối đầu với một Trung Quốc độc tài trên internet ? Rất là « thế kỷ 20 », nhưng hiệu quả, theo Le Monde.
Chiến tranh thương mại : Trung Quốc vẫn chưa bắt nạt được Úc
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại dữ dội với Úc hiện nay. Bắc Kinh liên tục trừng phạt nông sản và quặng mỏ của Úc, khiến Canberra phải kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tức tối trước việc thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở điều tra độc lập quốc tế về nguồn gốc con virus corona ở Vũ Hán, Bắc Kinh ra tay : cấm nhập thịt bò, áp thuế chống phá giá lên rượu vang, tăng 80,5% thuế hải quan đối với lúa mạch, những sản phẩm Úc mà Trung Quốc là khách hàng chính. Mới đây vào Chủ nhật 14/12, Hội đồng Khoáng sản Úc vô cùng lo ngại khi Trung Quốc, từng mua 8,7 tỉ euro than đá trong năm ngoái, tuyên bố ngưng giao dịch.
Chính phủ kiện lên WTO, còn nông dân tìm kiếm khách hàng mới, các nhà sản xuất than đá quay sang Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhìn chung kinh tế Úc đứng vững được trước hành động lấy thịt đè người của Bắc Kinh nhờ giá sắt tăng, mặt hàng này chiếm phân nửa doanh số xuất khẩu của Úc.
Bắt cóc các nhà đối lập lưu vong : Phe cứng rắn Iran đang lấn át
Nhìn sang Trung Đông, bài xã luận của Le Monde nói về « Sự chệch hướng đáng ngại của Iran ». Nước Cộng hòa Hồi giáo lâu nay vẫn biết kềm chế, đang trở thành một Nhà nước côn đồ, với sự đồng lõa, ít nhất là thụ động, của các láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Irak.
Tôn trọng nhân quyền chưa bao giờ là đặc tính của Iran. Nhưng việc bắt cóc đem về nước rồi xử tử bằng cách treo cổ nhà báo đối lập Rouhollah Zam hôm thứ Bảy 12/12, theo Le Monde, là một hành động ngu xuẩn đánh dấu một giai đoạn mới của sự leo thang đàn áp, và sự lấn lướt của phe cứng rắn.
Ông Rouhollah Zam, 41 tuổi, tị nạn tại Pháp từ năm 2012, đã đóng vai trò quan trọng khi đăng tải những hình ảnh biểu tình chống chế độ mùa đông 2017-2018, trên kênh Amadnews của ông có 1,4 triệu người theo dõi thông qua Telegram. Nhà báo còn tiết lộ nhiều vụ tham nhũng của các nhà lãnh đạo Iran, nhờ có các nguồn tin cấp cao.
Mặc cho cảnh báo của cơ quan an ninh Pháp đang bảo vệ, Zam vẫn sang Irak năm 2019, rơi vào bẫy của những kẻ xưng danh là đối lập muốn tài trợ cho dự án truyền hình của ông. Bị Vệ binh Cách mạng bắt, Zam phải « thú nhận » trên tivi các « tội vi phạm an ninh đất nước », « làm gián điệp cho Pháp », « sỉ nhục đạo Hồi ». Vụ hành quyết cho thấy chế độ Hồi giáo Iran không ngần ngại bắt cóc các nhà đối lập đang ở nước ngoài. Một nhà ly khai Iran khác là Habib Chaab, tị nạn ở Thụy Điển, thì lọt vào mỹ nhân kế và bị bắt cóc ở Istanbul.
Việc tổng thống Hassan Rohani không có phản ứng gì trước các hành động quá đáng trên, cho thấy phe ôn hòa đang yếu thế, hoặc đồng tình. Phe quân sự có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 6/2021, mà ông Rohani không thể tranh cử vì đã làm hết hai nhiệm kỳ. Vụ hành quyết nhà báo Zam còn là đòn dằn mặt cho Pháp. Trong khi đó ông Joe Biden lại cho biết muốn quay lại với hiệp định nguyên tử Iran ký năm 2015 mà không đòi điều kiện tiên quyết nào.
Phương Tây không còn ảo ảnh Mùa Xuân Ả Rập
Cũng tại Trung Đông, trong bài « Mùa Xuân Ả Rập, ảo ảnh đánh mất », Le Figaro nhận định chỉ một tia lửa từ vụ tự thiêu của người bán hàng rong Sidi Bouzid đã làm dấy lên vụ hỏa hoạn khổng lồ trong thế giới Ả Rập, từ Tunisia cho đến Bahrein, đi qua Libya, Ai Cập, Syria và Yemen. Mười năm sau, ngọn lửa vẫn còn âm ỉ, nhưng có những tâm điểm mới thỉnh thoảng bừng lên ở Algérie hay Liban.
Ngọn lửa của khát vọng dân chủ và nhu cầu được sống đường hoàng vẫn tồn tại, nhưng những yêu sách về chính trị, kinh tế, xã hội không được đáp ứng. Tại tất cả các nước Mùa Xuân Ả Rập, nếu có bầu cử thì cũng chẳng lập ra được một chế độ dân chủ nào. Ngược lại, những cuộc nổi dậy đã dẫn đến nội chiến, sự thống trị của Hồi giáo, giới quân sự nắm quyền, hoặc đôi khi cả ba. Ngay cả tại Tunisia, nơi có vẻ ổn thỏa nhất, vẫn đang phải đối phó với quyền lực Hồi giáo.
Hầu như khắp các nước Ả Rập nhiều người biểu tình đã thiệt mạng, thêm nhiều tù nhân lương tâm. Thất nghiệp, nghèo đói, tham nhũng, thanh niên ồ ạt tìm cách ra nước ngoài. Thập niên này là một bài học thực tế cho phương Tây, vốn tin rằng có thể xuất khẩu mô hình dân chủ ; can thiệp vào Libya mà không rút được bài học của Mỹ ở Afghanistan và Irak. Khi con quái vật Daech lập ra « Nhà Nước Hồi Giáo » ở Syria, phương Tây đành phải thỏa hiệp với các nhà lãnh đạo độc tài để « trảm » được nó.
Một bức màn đen lại chụp lên thế giới Ả Rập, nhưng phương Tây không còn muốn xen vào nữa. Các dân tộc Trung Đông sẽ phải tự quyết định vận mệnh của mình.
Tin tổng hợp
(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ bị cách ly do có giao tiếp với một ca nhiễm Covid-19.
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 16/12/2020 nói rõ Mike Pompeo hiện âm tính với virus corona. Người bị nhiễm đã tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ trong khuôn khổ các sinh hoạt “cá nhân” của ông Pompeo. Khác với tổng thống Trump, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ luôn đeo khẩu trang mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
(AFP) – Covid-19: một trường hợp dị ứng mạnh với vac-xin Pfizer ở Alaska.
Một nhân viên y tế tại Alaska đã bị dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vac-xin chống Covid-19 của Pfizer-BioNTech, đến mức phải nhập viện, báo New York Times đưa tin trên ngày 16/12/2020. Nhân viên y tế này, không được nêu rõ danh tính, không có tiền sử dị ứng. Về phần mình, công ty Pfizer đã bảo đảm hợp tác với các cơ quan y tế địa phương về trường hợp này.
(AFP) – Đức lần đầu tiên vượt ngưỡng 30.000 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày.
Viện dịch tễ Robert Koch ngày 17/12/2020 báo động tình hình càng lúc càng nguy kịch. Với hơn 30.423 ca nhiễm mới trong một ngày trong 24 giờ qua, đến lượt các sinh hoạt văn hóa phải đóng cửa. Thủ tướng Merkel càng lúc càng lo ngại và đang hướng tới giải pháp phong tỏa nước Đức vào dịp Lễ Giáng Sinh.
(AFP) – Doping: Nga sẽ biết tương lai của mình trong thể thao thế giới ngày 17/12/2020.
Sau bốn ngày điều trần vào đầu tháng 11, vào lúc 16 giờ chiều ngày 17/12/2020, ba trọng tài được Tòa Án Trọng Tài Thể Thao CAS ở Lausanne (Thụy Sĩ) chỉ định sẽ đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử thể thao. Bị cáo buộc gian lận, Nga có thể bị loại trong vòng bốn năm khỏi các cuộc thi quốc tế lớn, bao gồm cả ba kỳ Thế Vận Hội : mùa hè ở Tokyo và Paris (2021, 2024) và mùa đông ở Bắc Kinh (2022).
(AFP) – Vladimir Putin tuyên bố nếu Matxcơva muốn đầu độc Navalny thì nhà đối lập Nga đã “không thoát”.
Trong cuộc họp báo thường niên hôm 17/12/2020, tổng thống Nga tuyên bố như trên tuy nhiên ông dứt khoát không nhắc đến tên Alexei Navalny. Điện Kremlin bác bỏ cuộc điều tra của báo chí quốc tế được công bố hôm đầu tuần theo đó cơ quan mật vụ Nga FSB đứng đằng sau vụ đầu độc ông Navalny hôm 20/08/2020.
(AFP) – Đàn áp luật sư : Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc là một « quốc gia pháp quyền », nơi mà quyền của các nghi can được « bảo vệ đầy đủ ». Với tuyên bố này, Bắc Kinh hôm nay, 17/12/2020, đã bác bỏ cáo buộc của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc về tình trạng đàn áp giới luật sư tại nước này. Hôm qua, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình của các nhà bảo vệ nhân quyền đã lên án các vụ đàn áp những luật sư và nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc.
(AFP) – Alibaba sản xuất phần mềm để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Báo New York Times ngày 17/12/2020 tiết lộ tập đoàn phân phối trên mạng Trung Quốc Alibaba có hẳn một phần mềm cho phép nhận diện người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương. Alibaba thậm chí có hẳn thông tin trên mạng hướng dẫn nhận diện các đối tượng cần được nhắm tới. Trang thông tin này đã được một nhóm nghiên cứu Mỹ IPVM đọc được và đã chuyển tài liệu nói trên đến tòa soạn của báo New York Times.
(AFP) – Về ẩm thực, món couscous của Bắc Phi được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Quyết định được đưa ra hôm 13/12/2020 thỏa mãn đòi hỏi của nước trong khu vực gồm Algeri, Maroc, Mauritania và Tunisia. Đây là một món ăn với một loại hạt mỳ, cùng nhiều loại rau củ hầm với thịt bò, thịt cừu. Đôi khi một số địa phương thay thế các loại thịt này bằng cá.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201217-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới 17/12:
Joe Biden lại ‘bênh’ con; TNS McConnell tiếp tục ‘phá’ TT Trump
Thuần Dương
Mục Điểm tin ngày thứ Năm (17/12) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
TNS McConnell tiếp tục “phá” TT Trump.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell đang đề nghị các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa (GOP) của mình tại Thượng viện rằng không nên tham gia vào nỗ lực phá hoại cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn diễn ra vào đầu tuần này. Ông McConnell được cho là đã nói với các thành viên của GOP trong một
cuộc họp riêng, cánh báo rằng việc cố tranh giành chức tổng thống với Biden sẽ khiến họ mất đi sự ủng hộ [Daily Wire].
Joe Biden lại “bênh” con.
“Tổng thống đắc cử” Joe Biden hôm thứ Tư (16/12) tuyên bố rằng ông “tin tưởng” con trai Hunter Biden của ông và quý tử của ông không làm gì sai. Tuyên bố này được ông Biden đưa ra sau khi phóng viên Peter Doocy của Fox News hỏi ông sau một sự kiện báo chí ở Delaware rằng “Ông có tự tin rằng con trai của ông không làm gì sai?”. Theo Fox News, Hunter Biden vào năm 2017 đã gửi ‘những lời chúc tốt đẹp nhất’ từ ‘toàn bộ gia đình Biden’ tới chủ tịch một công ty Trung Quốc, yêu cầu chuyển khoản 10 triệu đô la [Breitbart].
TNS Virginia kêu gọi TT Trump thiết quân luật.
Bà Amanda Chase, Thượng nghị sĩ đang tranh cử chức Thống đốc bang Virginia, hôm 15/12 chia sẻ trên Facebook rằng “Chúng tôi biết các người đã gian lận để giành chiến thắng và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những kết quả này. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc gian lận để giành chiến thắng; không bao giờ. Nó [cuộc bầu cử] vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, cám ơn Tổng thống Trump vì đã mạnh mẽ và từ chối nhượng bộ. Tổng thống Trump nên tuyên bố thiết quân luật theo khuyến nghị của Tướng Flynn” [Epoch Times].
Julian Assange có thể đã đề nghị TT Trump ân xá.
Nhiều chính trị gia cũng đã đề nghị tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ ân xá cho người sáng lập WikiLeaks vì tầm quan trọng của quyền tự do xuất bản. Assange đang bị giam ở Vương quốc Anh trong khi chờ quyết định dẫn độ sang Hoa Kỳ, nơi ông phải đối mặt với cáo buộc theo Đạo luật gián điệp vì xuất bản Nhật ký Chiến tranh Iraq và Afghanistan. Nếu bị kết tội, Assange có thể phải đối mặt với mức án tối đa 175 năm cho “tội” xuất bản tài liệu mật [Gateway Pundit].
Quan chức Nevada cản trở điều tra gian lận phiếu bầu.
Luật sư Jesse Binnall của nhóm pháp lý TT Trump đã nói điều này với Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện vào ngày 16/12. “Bản sao lưu [phiếu bầu] được cho là để cung cấp sự minh bạch như vậy” đã không được trao cho nhóm. Hơn nữa, các luật sư đã “bị từ chối bất kỳ phát hiện có ý nghĩa nào trong vụ án [gian lận bầu cử]” bao gồm cáo buộc 4.000 người không phải công dân Hoa Kỳ cũng được bỏ phiếu, và hơn 60.000 người đã bỏ phiếu hai lần hoặc không phải là cư dân của Nevada [Epoch Times].
Bắc Kinh truy tố nhóm người đào thoát khỏi Hồng Kông.
Giới chức Trung Quốc ngày 16/12 đã truy tố 12 nhà hoạt động dân chủ bị cáo buộc cố gắng đào thoát khỏi Hồng Kông sang Đài Loan bằng xuồng cao tốc hồi tháng 8. Họ đã bị bắt và giam giữ tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 9 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ bắt giữ 12 nhà hoạt động, đồng thời kêu gọi các quan chức đại lục “bảo đảm đúng quy trình” [France24].
Indonesia miễn phí vắc-xin Covid cho người dân.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 16/12 đã cho biết điều này. “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tôi sẽ trở thành người đầu tiên được tiêm chủng. Điều này nhằm tạo niềm tin và sự chắc chắn trong công chúng rằng vắc-xin an toàn”, ông Widodo nói. “Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính ưu tiên chương trình tiêm chủng và phân bổ lại ngân sách nhà nước để cung cấp vắc-xin miễn phí, nên không có lý do gì người dân không thể tiếp cận với nó” [Straitstimes].
TT Trump chỉ trích TNS Mitch McConnell.
“Mitch, tôi giành được 75 triệu phiếu, kỷ lục đối với một tổng thống đương nhiệm. Còn quá sớm để từ bỏ. Đảng Cộng hòa phải học cách chiến đấu. Mọi người đang tức giận!”, TT Trump viết trên Twitter hôm 16/12. Trước đó, ông Mitch McConnell ngày 15/12 chúc mừng chiến thắng của Biden sau khi đại cử tri hoàn thành bỏ phiếu, nói rằng “đất nước đã chính thức có tổng thống và phó tổng thống đắc cử” [Twitter].
Ngoại trưởng Mỹ cách ly vì tiếp xúc người nhiễm nCoV.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington ngày 16/10 cho biết: “Vì lý do bảo mật, chúng tôi không thể công khai danh tính người mà Ngoại trưởng [Mike Pompeo] đã tiếp xúc”, và thông tin thêm: “Ngoại trưởng đã làm xét nghiệm và có kết quả âm tính. Theo hướng dẫn của CDC, ông ấy phải cách ly. Ngoại trưởng đang được đội ngũ y tế của Bộ theo dõi chặt chẽ” [Reuters].
Tạp chí tiêu điểm
2020 : Năm Covid-19, châu Á trỗi dậy, Âu-Mỹ suy tàn ?
Minh Anh
Chỉ còn có hai tuần nữa là kết thúc năm 2020, nhưng dịch bệnh Covid-19 hoành hành thế giới từ một năm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng dịch tễ đang làm nổi rõ hai xu hướng : Tăng tốc chuyển dịch « trọng tâm » kinh tế sang châu Á và đọ sức giành thế bá quyền Mỹ-Trung ngự trị chính trường quốc tế.
Time : Năm 2020, năm tồi tệ nhất ?
Phải chăng năm 2020 này thật sự là « năm tệ hại nhất » trong lịch sử nhân loại như trang bìa tạp chí Time số ra ngày 14/12/2020 ? Đúng sai thế nào hạ hồi phân giải, nhưng một điều chắc chắn đây là một năm đầy tang tóc. Dịch bệnh virus corona chủng mới, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019, đã thật sự để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức nhân loại. Bằng chứng rõ nhất là theo một thông cáo do mạng xã hội Twitter công bố ngày 07/12, từ khóa #Covid-19 và những thuật ngữ có liên quan được sử dụng đến gần 400 triệu lần. Bởi vì, chỉ trong vòng vỏn vẹn có một năm mà thế giới đã có hơn 72 triệu người nhiễm bệnh, hơn 1,6 triệu người chết vì virus corona.
Một năm sắp trôi qua, âu cũng là dịp để nhìn lại những bài học đau đớn và dự đoán những thách thức trong tương lai. Câu hỏi đầu tiên thoáng nghe : Liệu rằng có một thế giới Trước và Sau đại dịch ? Chuyên gia địa chính trị Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) trên kênh truyền hình quốc tế France 24 có vài nhận xét :
« Covid-19 sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử ngành địa chính trị. Thế giới quen thuộc đột nhiên biến mất, một thế giới hoàn toàn mới bỗng xuất hiện. Đường phố hoang vắng không một bóng người. Cả thế giới như bị tê liệt, hơn một nửa cư dân địa cầu bị “giam lỏng ở nhà”. Hầu như toàn bộ biên giới bị đóng cửa. Nhưng cùng lúc, người ta cũng nhận thấy là không có một xu hướng cơ cấu hoàn toàn mới được hình thành, mà đúng hơn là một sự thúc đẩy, một sự gia tăng nhanh hơn những xu hướng cơ cấu đã hiện hữu trên phương diện địa chính trị. »
Phương Tây và cú sốc kép
Khủng hoảng Covid-19 là một cú sốc kép : Dịch tễ và Kinh tế. Các hoạt động kinh tế, giao dịch thương mại đột nhiên ngưng trệ, thất nghiệp tăng cao do việc áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khiến nhiều cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp bị phá sản. Phương Tây còn ngỡ ngàng nhận ra rằng đã quá lệ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc từ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cho đến cả các mặt hàng từng bị cho là thứ yếu giờ là mang tính chiến lược như khẩu trang chẳng hạn.
Cú sốc dịch tễ là vì số ca nhiễm bệnh tăng đột biến khiến các chính phủ trở tay không kịp. Sự kiện cho thấy những yếu kém của các nước phương Tây, luôn tự hào về những thành quả xã hội đạt được, trong công cuộc đối phó với dịch bệnh. Con số nạn nhân virus corona chủng mới tại châu Á thấp hơn nhiều lần so với phương Tây. Gần đến dịp lễ cuối năm, trong khi châu Á đang dần khôi phục đời sống sinh hoạt bình thường, thì châu Âu và Mỹ cứ mãi loay hoay « đóng đóng, mở mở » hòng ngăn chận dịch bệnh.
Thái độ cao ngạo, chủ quan có lẽ là những nguyên nhân chính. Nhưng dịch bệnh bùng phát tại châu Âu và Mỹ còn gióng lên hồi chuông suy tàn của phương Tây mà hình ảnh hố chôn tập thể ở New York, bệnh viện bị quá tải ở châu Âu thật sự là gây sốc. Ông Pascal Boniface, tác giả tập sách « Địa chính trị Covid-19 » phân tích tiếp đâu là những sai lầm của phương Tây.
« Nhưng điều này thật sự không có gì là mới cả bởi vì từ nhiều năm qua, thế mạnh của thế giới phương Tây đã mất độc quyền mà họ vẫn luôn chưa nhận thấy. Chúng ta có thể nói là cuộc khủng hoảng Covid-19 đáng lý ra phải là một bài học về sự khiêm tốn và thúc đẩy phương Tây ý thức rằng họ không còn là những nước duy nhất có sức mạnh, và họ cũng không còn là những nước duy nhất giầu có, rằng còn có những nước khác tồn tại và phải dành cho những nước đó một chỗ đứng quan trọng trên trường quốc tế ».
Thế kỷ 21 : « Kỷ nguyên của châu Á »
« Người khổng lồ da trắng » nay khó có thể « một vai gánh cả địa cầu » như câu nói có từ thời thực dân của nhà văn Anh Rudyard Kipling thế kỷ XIX. Dịch bệnh kết thúc, tăng trưởng sớm trở lại ở châu Á, cả từ Trung Quốc – đầu tầu kinh tế của hành tinh, lẫn ở Hàn Quốc hay Việt Nam…
Trong khi đó, thị trường châu Âu suy sụp, rơi vào trầm cảm chưa biết hồi nào thoát. Đại dịch Covid-19 dường như còn thúc đẩy nhanh hơn nữa xu hướng chuyển dịch đầu tư, công-kỹ nghệ và các thị phần sang vùng Viễn Đông. Theo sử gia Pierre Grosser trên đài France Culture, điều này một lần nữa khẳng định « Hoa Kỳ không còn là đầu tầu tăng trưởng cho châu Á nữa mà chính là châu Á ».
Đáng chú ý là dịch bệnh Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán nhưng không cản trở được Trung Quốc tiếp tục đà tiến đi lên thành cường quốc. Dịch bệnh là « cơ hội vàng » để Bắc Kinh tiếp tục gia tăng ảnh hưởng, củng cố thế mạnh kinh tế-quân sự của mình, mà bằng chứng điển hình là hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện – RCEP vừa được ký kết hồi trung tuần tháng 11/2020, giữa 15 nước châu Á-Thái Bình Dương, dưới sự chủ trì của Trung Quốc.
« Ở đâu Donald Trump bỏ trống, ở đó Tập Cận Bình len vào » là nguyên nhân chính giải thích vì sao Bắc Kinh vẫn có thể gia tăng ảnh hưởng bất chấp nguồn gốc khởi phát dịch bệnh từ Trung Quốc, theo như nhận định của nhà nghiên cứu địa chính trị.
« Trung Quốc đã biết cách tận dụng sự vắng mặt của Hoa Kỳ. Đó chính là vào lúc nước Mỹ có những chủ trương co cụm mà hành động mang tính biểu tượng thật sự là việc ngưng tất cả các chương trình tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào thời điểm nguồn tài chính này là rất cần thiết. Trung Quốc nhờ vậy đã gia tăng sự hiện diện của mình. Người ta có thể nói là mức độ Bắc Kinh tăng cường sự có mặt của mình tỷ lệ thuận với sự thoái lui của Mỹ ».
Covid-19 còn làm cho cuộc chiến giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận từ kinh tế, quân sự, cho đến cả công nghệ cao diễn ra từ mấy năm qua thêm phần gay gắt. Liệu rằng đối đầu trực diện giữa hai nước có là điều không thể tránh khỏi ? Nhà địa chính trị tại IRIS khẳng định đọ sức Mỹ – Trung vẫn sẽ là chủ đề thời sự quốc tế hàng đầu mà ở đó, châu Á sẽ là đấu trường chính.
« Mầm mống đối đầu đã có từ trước bởi vì Hoa Kỳ cảm thấy khó chấp nhận là Trung Quốc bắt kịp mình do từ năm 1945, Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu. Họ cho rằng nước Mỹ có những phẩm chất đạo đức trên tất cả những nước, nên việc có thể bị một nước khác đuổi kịp mà lại là một nước châu Á, một nước cộng sản đối với Mỹ là một điều không thể chấp nhận được. »
(…) Chúng ta có thể nói rằng đây là một thời điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng dịch tễ, bởi vì sự đối đầu này giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ quan trọng, nay trở thành một sự kiện lớn điển hình quan trọng nhất ở cấp độ địa chính trị và có thể kéo dài trong nhiều năm sắp tới. Cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington chắc chắn sẽ là chủ đề xuyên suốt của địa chính trị toàn cầu. »
Hoa Kỳ : Biden có « thoát » được bóng Obama ?
Trong bối cảnh ảm đạm này, nước Mỹ trong tháng 11/2020 đã chọn ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân Chủ làm tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Đây có lẽ cũng là một kỳ bầu cử đáng ghi nhớ trong lịch sử nước Mỹ. Bởi vì, cuộc bỏ phiếu năm nay diễn ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt : Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 hoành hành dữ dội, nước Mỹ trả giá đắt nhất về số nạn nhân, hơn 16 triệu ca nhiễm, gần 300 ngàn người chết. Dịch bệnh đã làm đảo lộn lịch trình chiến dịch vận động tranh cử.
Thứ hai, xung đột xã hội đột nhiên bùng nổ dữ dội tưởng chừng bên bờ nội chiến, sau vụ George Floyd, một người da đen, bị một viên cảnh sát da trắng kẹp cổ đến chết ngạt. Vụ việc xảy ra khiến hàng trăm ngàn người giận dữ ùn ùn xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát và chống kỳ thị chủng tộc. Nước Mỹ như bên bờ xung đột khi bạo loạn bùng phát kéo dài trong nhiều tuần liền, bất chấp lệnh phong tỏa ngăn ngừa dịch bệnh hoành hành dữ dội. Hình ảnh bạo động phát đi trên toàn thế giới khiến người ta không khỏi tự hỏi : Phải chăng tầm ảnh hưởng của nước Mỹ đã đến hồi suy thoái ?
Cuối cùng, bầu cử Mỹ 2020 lạ lùng vì bị tràn ngập những lời cáo buộc có gian lận lá phiếu bầu cử từ tổng thống mãn nhiệm. Không những không đưa ra được các bằng chứng, Donald Trump còn gia tăng các vụ kiện và đe dọa ngăn cản quy trình chuyển giao quyền lực, có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia. Hành động này của nguyên thủ Mỹ khiến nhiều nghị sĩ trong đảng Cộng Hòa phản đối cho rằng đi ngược với lợi ích của đất nước.
Dẫu sao thì việc ông Biden đắc cử khiến thế giới có những phản ứng trái ngược. Tuyên bố « nước Mỹ trở lại dẫn đường thế giới » khiến châu Âu, đồng minh truyền thống của Mỹ thở phào nhẹ nhõm, sau bốn năm hứng đòn của Donald Trump, nhưng lại được châu Á đón nhận dè dặt. Liệu rằng tổng thống tân cử có chống Trung Quốc mạnh mẽ như người tiền nhiệm hay không ?
Theo giới quan sát, « Trump ra đi, nhưng chủ nghĩa Trump vẫn ở lại ». Chính sách đối ngoại là một sự đồng thuận của cả hai đảng. Cuộc đọ sức với Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng có lẽ sẽ khác về mặt hình thức. Nhìn dàn lãnh đạo mới mà ông Biden vừa công bố, thì vẫn là « America First », chỉ có điều là theo kiểu Joe Biden nhưng mang dáng dấp của Barack Obama. Thế nên, sử gia người Pháp, André Kaspi, chuyên gia về Hoa Kỳ, giáo sư danh dự trường đại học Sorbonne, cảnh báo nếu không khéo « thoát bóng » Obama, đây sẽ là một mối nguy hiểm cho ông Joe Biden.
« Tham vọng của Joe Biden là cho thấy chúng ta đang trở về với nhiệm kỳ của Barack Obama. Đúng là Obama không còn là tổng thống nữa, Biden mới là tổng thống. Nhưng vì Joe Biden từng là phó tổng thống cho Obama, nên ông mang theo cùng ông một loạt các quyết định bổ nhiệm ít nhiều gì cũng giống với những ý tưởng mà ông Obama từng đưa ra trong giai đoạn 2008-2017.
Nghĩa là về mặt cơ bản, Joe Biden là người kế nhiệm do Obama chỉ định và mối nguy hiểm ở chỗ là nhiệm kỳ của ông đơn giản là một nhiệm kỳ thứ ba của Barack Obama, nếu như vậy quả thật là đáng tiếc. Dù vậy, cũng nên hy vọng rằng ông ấy có thể thể hiện tính độc lập, cá tính của mình và như vậy điều đó có thể giúp ông Biden xử lý công việc nước Mỹ một cách đúng đắn ! »