Tin Việt Nam – 17/12/2020
Hơn 500 công chức, viên chức ở Hà Tĩnh phải thi lại – Khôi Nguyên
Hơn 500 công chức, viên chức của tỉnh Hà Tĩnh buộc phải thi lại do có sai phạm trong quá trình tuyển dụng trong giai đoạn từ 1998-2017.
Ngày 17/12, báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào ngày 15/12 vừa qua, UBND Hà Tĩnh đã ra công văn về Kế hoạch tuyển dụng lại công chức do có sai phạm trong tuyển dụng.
Những công chức, viên chức này hiện đang công tác tại khối cơ quan nhà nước (được tuyển dụng từ ngày 2/12/1998 đến ngày 28/12/2017) thuộc diện phải thi tuyển nhưng chưa thi tuyển theo kết luận số 71 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 2965 của Bộ Nội vụ.
Việc thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi. Vòng 1 sẽ được tổ chức trước ngày 22/12/2020. Vòng 2 dự kiến được tổ chức trước ngày 24/12/2020. Việc tổ chức tuyển dụng lại công chức phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Sau khi có thông báo danh sách, người dự kiến trúng tuyển phải đến Sở Nội vụ để xuất trình bản chính, bản sao các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng lại để hoàn thiện hồ sơ đăng ký tuyển dụng lại.
Trường hợp người dự kiến trúng tuyển lại không hoàn thiện đủ hồ sơ, hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai phiếu đăng ký dự tuyển lại hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định thì sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển lại.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa cho biết trên Doanh nghiệp và tiếp thị, theo thống kê chưa đầy đủ, sẽ có khoảng 500 cán bộ phải thi tuyển lại trong đợt này.
500 cán bộ phải thi tuyển lại này gồm 308 công chức và 199 viên chức, thuộc 20 sở, ban, ngành cùng 13 huyện, thị, thành phố. Trong số này, cán bộ hiện đang giữ chức vụ cao nhất là Phó Giám đốc sở.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, nguyên nhân về việc phải tuyển dụng lại là do thời điểm trước đây, địa phương tuyển dụng một số cán bộ không qua thi tuyển và một số cán bộ được tuyển dụng theo chính sách thu hút nhân tài, không đúng với quy định của Chính phủ.
Sau đợt thi tuyển lại, nếu công chức nào không đạt sẽ bị hủy quyết định tuyển dụng công chức đầu vào trước đó.
17/12/20
https://www.ntdvn.com/viet-nam/hon-500-cong-chuc-vien-chuc-o-ha-tinh-phai-thi-lai-117704.html
Không thể hoàn thành thu phí BOT tự động trong năm 2020
Thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT không kịp tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin như vừa nêu ngày 17/12, cho biết thêm hiện có 7 trạm BOT tại 3 tỉnh thành có tốc độ triển khai chậm là Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Tại 15 địa phương còn lại, có 6/46 trạm thu phí đang xây dựng, chưa thu phí. Ngoài ra, 33/40 trạm đang thu còn lại đã lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động.
Báo mạng Zing trong cùng ngày có bài phỏng vấn với lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị có 4 tuyến cao tốc không thể hoàn thành thu phí tự động trong năm nay, bao gồm Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.
Theo đó, VEC cũng đã đề ra 4 phương án trình lên Bộ Giao thông – Vận tải, trong đó phương án 1 là VEC tự đầu tư bằng tiền thu phí. Phương án 2 là các nhà đầu tư đổ tiền vào và hoàn vốn theo năm. Phương án thứ 3 là các nhà đầu tư đổ tiền vào và cho VEC thuê lại. Phương án thứ 4 là Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư và giao cho VEC quản lý.
Theo người lãnh đạo VEC, trong 4 phương án vừa nêu, chỉ có phương án Nhà nước bỏ tiền đầu tư là không đi kèm điều kiện VEC phải tái cơ cấu. Còn lại, nếu để cho doanh nghiệp đầu tư thì vẫn phải ‘cấu’ tiền thu phí để trả.
Cũng trong ngày 17/12, TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách khi phát biểu tại buổi tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” đưa ra cách giải quyết cho 3 nguyên nhân chính dẫn tới khả năng thua lỗ, sập sàn của các nhà đầu tư vào BOT.
Theo TS. Lê Thanh Vân, đầu tiên, đối với những trạm thu phí có phương tiện giao thông quá ít, Nhà nước cần phải chia sẻ đối với các nhà đầu tư ở vùng sâu, vùng xa bằng các chính sách ưu đãi về vốn vay, chia sẻ về tuổi đời dự án, đặc biệt là chia sẻ về rủi ro.
Ngoài ra, trách nhiệm của Nhà nước là phải phân luồng giao thông đúng, để người tham gia giao thông có sự lựa chọn đi đường thu phí hay không.
Cuối cùng, là định giá phí giao thông sao cho hợp lý, nếu tính toán không kỹ thì có thể lợi cho nhà đầu tư hoặc cũng bất lợi cho nhà đầu tư.
Đề xuất xây sân golf trên đất rừng thông ở Gia Lai bị bác
Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa bác bỏ đề xuất của Chính quyền tỉnh Gia Lai lấy đất rừng thông 50 tuổi để làm sân golf.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn thông báo có nội dung vừa nêu của Tổng cục Lâm Nghiệp gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai vào ngày 17/12. Đồng thời, cảnh báo địa phương phải cẩn trọng khi đề xuất dự án sân golf Đak Đoa, tại huyện Đak Đoa.
Tin cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, vào ngày 30/11 đã gửi tờ trình đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thông 50 tuổi để xây dựng sân golf Đak Đoa. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp ghi nhận tờ trình đề nghị của Chính quyền tỉnh Gia Lai không có hồ sơ của dự án kèm theo nên không có cơ sở để thẩm định theo quy định.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết dự án sân golf Đak Đoa sẽ tác động đến hơn 170 héc-ta rừng, trong đó xấp xỉ 156 héc-ta rừng thông trồng từ năm 1976, làm mất vĩnh viễn thảm thực vật rừng tồn tại gần 50 năm và ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chính quyền tỉnh Gia Lai phải cân nhắc cẩn trọng liên quan đề xuất dự án sân golf Đak Đoa.
Liên quan vấn đề rừng bị phá, Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong cùng ngày 17/12, ra quyết định khởi tố vụ án và bị can đối với một người dân địa phương về hành vi hủy hoại rừng tự nhiên.
Người bị khởi tố là Phạm Phụ, bị Công an thị xã Hương Trà xác định đã phá hoại 2,3 héc-ta rừng nằm sâu trong khu vực đồi núi hiểm trở.
Công an thị xã Hương Trà cho báo giới quốc nội biết vụ án đang được mở rộng điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Việt Nam lên tiếng khi Hoa Kỳ cáo buộc Công ty Việt Nam “làm ăn” với Iran
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/12 lên tiếng về quyết định của Hoa Kỳ trừng phạt một công ty của Việt Nam liên quan đến vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran. Reuters và truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày.
Theo nguồn Reuters, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ rằng “Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hoá dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết của Liên hiệp quốc (LHQ)”.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng tại buổi họp báo trên nói thêm rằng Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam; không làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ hôm 16/12 đã áp lệnh trừng phạt lên một số công ty toàn cầu, cáo buộc họ hỗ trợ việc bán hoá dầu của Iran vào khi Washington đang tăng áp lực lên Tehran trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết Công ty Cổ phần Vận tải khí và Hoá chất của Việt Nam đã kết nối giao dịch và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ từ Iran.
Với cáo buộc đó, bà Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của LHQ và đã xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm theo đó Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ biện pháp trừng phạt lên công ty Việt Nam.
Hoa Kỳ hôm 16/12 cũng áp các biện pháp trừng phạt với đối với các công ty có trụ sở ở Trung Quốc và tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Việt Nam: Thi người đẹp quốc tế không còn cần danh hiệu trong nước
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa ký nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực từ 1-2-2021.
Nghị định được đánh giá là có một số điểm mới so với trước đây.
Trong đó có điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu.
Theo đó, cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu chỉ cần có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi quốc tế; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu chỉ cần nộp hồ sơ để cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản chấp thuận.
Trước đây, những người này phải “Đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước”.
Được hát nhép từ 2021
Nghị định cũng bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP có quy định các hành vi sau đây bị cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn:
1- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
3- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
4- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Không còn khái niệm ca khúc trước 1975
Theo phân tích của tờ Tuổi Trẻ, nghị định mới hoàn toàn không còn nhắc tới các khái niệm: “tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”), người biểu diễn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (ca sĩ hải ngoại).
Lâu nay Nghị định 79 quy định về nghệ thuật biểu diễn hiện vẫn còn hiệu lực có quy định: thủ tục cấp giấp phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca mùa nhạc, sân khấu nếu trong chương trình có sử dụng tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam, hoặc có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn thì ngoài các thủ tục thông thường còn cần phải có chứng thực quyết định cho phép tác giả, tác phẩm và người biểu diễn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn.
Điều đó có nghĩa là nghị định cũ quy định phải có cấp phép riêng đối với ca khúc trước 1975 và ca sĩ hải ngoại.
Nhưng trong nghị định mới không có những quy định này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55353067
Thấy gì qua yêu cầu của Thủ tướng phải khẩn trương bắt Hiệu trưởng Đại học Đông Đô?
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương truy bắt
Trong Công văn số 1044/VPCP-NC, được ký và ban hành ngày 14/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương truy bắt ông Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Đại học Đông Đô.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Công an, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ và 2 trường hợp được ghi nhận thi nâng ngạch thanh tra viên và công chức.
Ông Trần Khắc Hùng, 48 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, bị xác định là chủ mưu trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, ông Trần Khắc Hùng được cho biết là đã bỏ trốn.
Hồi tháng 11/2020, Cơ quan an ninh Điều tra, thuộc Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can đối với 10 cựu lãnh đạo và cán bộ của Đại học Đông Đô bị cho là liên quan trong vụ án.
Công văn của Văn phòng Chính phủ nêu rõ việc khẩn trương bắt giữ ông Trần Khắc Hùng là để xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo trong vụ án “Giả mạo trong công tác”. Đồng thời, vụ án được mở rộng điều tra để tìm ra những cá nhân được Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng, để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Bộ Công an được giao trách nhiệm báo cáo kết quả vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2021.
Tôi đón nhận tin này với đánh giá tốt đối với phía nhà nước. Ít nhất, nhà nước cũng nhận ra đây là điều cần phải làm. Nhà nước xử lý Đại học Đông Đô một cách triệt để thì đưa đến cho người dân một thông điệp rằng từ đây về sau tất cả những gì giống như Đại học Đông Đô làm đều bị xử lý tương tự như vậy. Như thế thì rõ ràng có tác dụng răn đe-Tiến sĩ Hoàng Dũng
Một biện pháp nghiêm trị?
Một cựu cán bộ từng làm việc nhiều năm tại Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, không muốn nêu tên, vào tối ngày 16/12, nói với RFA về thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu truy bắt nhân vật chủ mưu vụ án “Gỉa mạo trong công tác” tại Đại học Đông Đô.
“Nếu Thủ tướng không có động thái gì hết thì dân chúng sẽ có tâm lý là thiếu tin tưởng vào năng lực của cán bộ. Thủ tướng chẳng qua phải làm như vậy để cho lòng dân được yên, chứ không thì họ thiếu tin tưởng. Thành ra phải có động thái gì đó, chứ bây giờ đã có bằng chứng rõ ràng trường Đông Đô cấp bằng lung tung hết mà.”
Là một người rất quan tâm đến vụ án xảy ra tại Đại học Đông Đô, PGS-TS Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM, trong cùng tối hôm 16/12 bày tỏ với RFA:
“Tôi đón nhận tin này với đánh giá tốt đối với phía nhà nước. Ít nhất, nhà nước cũng nhận ra đây là điều cần phải làm. Nhà nước xử lý Đại học Đông Đô một cách triệt để thì đưa đến cho người dân một thông điệp rằng từ đây về sau tất cả những gì giống như Đại học Đông Đô làm đều bị xử lý tương tự như vậy. Như thế thì rõ ràng có tác dụng răn đe.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng nhấn mạnh rằng một trong những biện pháp làm cho hiện tượng Đông Đô không tái diễn là việc xử lý sai phạm của trường Đông Đô một cách nghiêm khắc.
“Người ta tin rằng nhà nước thực lòng giải quyết vụ việc này với tất cả mức độ nghiêm khắc tối đa thì đó là một đòn có tác dụng răn đe. Chứ bây giờ chỉ bắt ông hiệu trưởng và một vài người nào đó có trách nhiệm rồi trừng phạt thì chưa đủ. Bởi vì, 55 cán bộ sử dụng bằng giả hiện nay người ta cũng chưa biết họ là ai. Như thế thì giải quyết được đến cùng đâu?”
Trường Đông Đô là một trong những trường nổi tiếng, cho nên vụ việc đó được chú ý trong xã hội. Thực tế thỉnh thoảng tôi cũng thấy một số cán bộ bị phạt tù, mà không được hưởng án treo. Đối với cán bộ sử dụng giấy tờ không hợp pháp, khi đã được tuyển vào trong một cơ quan hay tổ chức thì họ bị buộc thôi việc. Đó là quy định pháp luật. Và, theo Nghị định 138 của Chính phủ thì ngoài phạt tiền còn tịch thụ bằng giả. Trong trường hợp mua bán văn bằng, chứng chỉ mà đủ yếu tố cấu thành về tội làm giả con dấu tại những cơ quan, tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Về góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết theo ghi nhận của ông, những trường hợp liên quan mua bán và sử dụng giấy tờ không hợp pháp được quy định rõ ràng trong luật và được xử lý nghiêm minh.
“Trường Đông Đô là một trong những trường nổi tiếng, cho nên vụ việc đó được chú ý trong xã hội. Thực tế thỉnh thoảng tôi cũng thấy một số cán bộ bị phạt tù, mà không được hưởng án treo. Đối với cán bộ sử dụng giấy tờ không hợp pháp, khi đã được tuyển vào trong một cơ quan hay tổ chức thì họ bị buộc thôi việc. Đó là quy định pháp luật. Và, theo Nghị định 138 của Chính phủ thì ngoài phạt tiền còn tịch thụ bằng giả. Trong trường hợp mua bán văn bằng, chứng chỉ mà đủ yếu tố cấu thành về tội làm giả con dấu tại những cơ quan, tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.”
Việc sử dụng và mua bán bằng giả được báo giới quốc nội ghi nhận xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Người bị quy kết phạm tội đối với việc làm này, theo Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam và có thể bị phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
RFA nêu vấn đề liệu rằng tình trạng mua bán bằng cấp giả sẽ được giảm bớt sau khi vụ án “Giả mạo trong công tác” tại Đại học Đông Đô được xử lý một cách nghiêm minh hay không. Chúng tôi được nghe tiến sĩ Hoàng Dũng chia sẻ ông và một số đồng nghiệp trong ngành giáo dục có sự lạc quan, nếu vụ án “Đại học Đông Đô” được xử lý đến nơi đến chốn. Còn vị cựu cán bộ thuộc Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng lại e dè rằng với nền giáo dục hiện nay của Việt Nam, dù bằng thật hay bằng giả thì người sở hữu tấm bằng cũng chưa đạt chuẩn đào tạo để có đủ thực lực về chuyên môn cho việc đóng góp vào sự vận hành và phát triển của xã hội.
Viện KSND tối cao đề nghị điều tra danh sách người có bằng giả ĐH Đông Đô
Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao Việt Nam trả hồ sơ vụ Trường ĐH Đông Đô để điều tra bổ sung hành vi giả mạo bằng cấp và yêu cầu nêu danh sách người được cấp. Báo nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 17 tháng 12.
Viện KSND Tối cao Việt Nam đồng thời đề nghị cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của nhiều bị can trong việc cấp bằng giả, hợp thức hồ sơ cấp bằng giả; xác định những trường hợp cấp bằng không qua đào tạo; khoản tiền các bị can thu lợi bất chính và xử lý hậu quả đối với việc làm và cấp bằng giả.
Viện Kiểm sát NDTC cũng yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc nên Viện Kiểm sát yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại.
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã xác định trong số 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ. Cơ quan điều tra cho hay, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.
Cơ quan điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng; Trần Kim Oanh – nguyên Phó hiệu trưởng; Lê Ngọc Hà – Phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang -Phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy, cán bộ nhà trường, cùng 5 người khác.
Hôm 15 tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, thu hồi các văn bằng giả do trường Đông Đô cấp, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý 1 năm 2021.
Mỹ chế tài Công ty Vận tải Khí và Hoá chất Việt Nam vì Iran
Việt Nam nói “lấy làm tiếc” sau khi Mỹ trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam do có liên quan đến vận chuyển sản phẩm khí từ Iran.
Biden và chính sách châu Á: Hai góc nhìn từ Hoa Kỳ và Pháp
TT Trump có thể ‘chơi’ Trung Quốc một vố trước khi rời Nhà Trắng?
Người phát ngôn ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 17/12 trả lời tại họp báo ở Hà Nội:
“Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Mỹ và đề nghị phía Mỹ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ biện pháp đối với Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hoá chất Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam.”
Trước đó, ngày 16/12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam vì cho rằng công ty này tham gia giao dịch để vận chuyển sản phẩm dầu từ Iran.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, là thành viên của Liên Hợp quốc (LHQ), Việt Nam “luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm”.
Bà giải thích quan hệ giữa Việt Nam và Iran “luôn công khai, minh bạch và hợp pháp”.
Phía Việt Nam cho rằng giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của LHQ.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết áp đặt trừng phạt giám đốc công ty là Võ Ngọc Phụng với tư cách giám đốc công ty.
Khi thăm trang web Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam, người ta thấy có một tin liên quan Iran đăng ở đây.
Đó là năm 2016, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang tới Cộng hòa Hồi giáo Iran từ 13-15/3/2016, có đoàn của Tập đoàn Dầu khí Việt đi tháp tùng Chủ tịch nước do Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh và đoàn Tập đoàn đã có buổi thảo luận với lãnh đạo của Tập đoàn Đầu tư Ghadir của Iran
Công ty Cổ phần Vận Tải Khí và Hóa Chất Việt Nam ban đầu có tên Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long (PCT) thành lập 2007.
Đây là nhà cung cấp dịch vụ cho ngành hàng hải quốc tế, vận tải biển và vận tải đường bộ.
Ngày 12/11/2018 Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long đã tổ chức Đại hội Cổ đông Bất thường thông qua việc thay đổi Logo và tên Công ty chính thức là Công ty Cổ phần Vận Tải Khí và Hóa Chất Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55348383
Mỹ chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam
Chính quyền Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam và Thụy Sĩ hôm 16/12. Một động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo Reuters.
Việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ và nguồn tài chính cho phát triển, theo luật Mỹ.
Việt Nam cũng có thể bị Mỹ đánh thuế lên một số hàng hóa xuất khẩu do cố tình hạ giá tiền đồng – kết quả của một cuộc điều tra riêng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ được thúc đẩy từ báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Phòng Thương mại Mỹ hôm 16/12 kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không áp thuế lên Việt Nam do cáo buộc định giá thấp tiền đồng, đồng thời cho rằng Việt Nam không đáp ứng ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để dán nhãn một nước là thao túng tiền tệ, theo Reuters.
Trong một cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ nói rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm áp thuế lên Việt Nam trước phiên điều trần cuối tháng 12 sẽ bỏ qua các thủ tục đã được thiết lập và “gửi một thông điệp xấu đến Việt Nam”, đồng thời sẽ gây tổn hại mối quan hệ song phương.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại Trump có thể áp thuế lên Việt Nam trước phiên điều trần vào cuối tháng 12, nhưng một nguồn tin của Reuters đánh giá rằng việc này có vẻ khó xảy ra.
Chính phủ Việt Nam phản hồi gì?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để đảm bảo một mối quan hệ thương mại “hài hòa và công bằng”, và rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế – thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ.
“Chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong nhiều năm đã được điều hành theo hướng kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng,” Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố trong một văn bản.
Bộ Ngân khố Mỹ nói ‘Việt Nam thao túng tiền tệ’
VN: Nguy cơ từ thâm hụt ngân sách 9 tỷ đô la
Chính quyền Donald Trump chính thức điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời giải thích rằng việc Việt Nam mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Bộ Tài chính Mỹ nói gì?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Mnuchin cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ này “đã thực hiện một bước quyết liệt ngày hôm nay để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.”
Báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Những nước này bị Mỹ đánh giá là có thể đã cố tình phá giá đồng tiền của nước mình so với đồng đôla.
Đại dịch COVID-19 đã làm lệch dòng chảy thương mại và làm gia tăng thâm hụt của Hoa Kỳ với các đối tác thương mại, một nguyên nhân gây khó chịu cho Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, người đã nhậm chức cách đây 4 năm một phần nhờ lời hứa thu hẹp khoảng cách thương mại của Hoa Kỳ.
Việc dãn nhán thao túng tiền tệ cho các nước này được một số nhà kinh tế nhìn nhận là sẽ gia tăng áp lực Biden trước khi ông tiếp quản chính quyền Mỹ.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết nhóm chuyển giao quyền lực của Biden không được thông báo về việc này.
Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen có thể thay đổi những phát hiện trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, sẽ có hiệu lực vào tháng Tư.
Người phát ngôn của nhóm Biden đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Nhóm của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã chỉ trích các động thái khác của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, gồm việc chấm dứt một số chương trình cho vay trong đại dịch của Cục Dự trữ Liên bang.
Trung Quốc, cũng bị ông Mnuchin dán nhãn thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm, nhưng đã được ‘trắng án’ vào tháng 1/2020, hai ngày trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký kết một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”.
Lợi thế thương mại
Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí: Có thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ đôla với Hoa Kỳ; can thiệp ngoại hối vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội; thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.
Việt Nam và Thụy Sĩ vượt xa các tiêu chí này, với mức can thiệp ngoại hối lần lượt là 5% và 14% GDP.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại, trong khi Thụy Sĩ là nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.
Mark Sobel, một cựu quan chức của Kho bạc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói việc gắn mác thao túng tiền tệ là cách giải thích “cơ học” về các ngưỡng mà bỏ qua tính phức tạp và các tình tiết giảm nhẹ, theo Reuters.
Chúng bao gồm dòng vốn đầu tư trú ẩn an toàn bằng tiền tệ của Thụy Sĩ do đại dịch và đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2019 do các công ty tránh thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.
IMF đã dự báo rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP vào năm 2020.
Ông Sobel nói rằng Mỹ, trong khi đó, đang bỏ sót một số trường hợp hiển nhiên hơn về việc có các hoạt động tiền tệ gây hại, như Đài Loan và Thái Lan, những nước vừa suýt soát thóat ngưỡng bị coi là can thiệp tiền tệ, thực tế đã ‘can thiệp mạnh trong nhiều năm’.
https://www.bbc.com/vietnamese/55344013
Việt Nam đang xác minh thông tin nồng độ phóng xạ cao bất thường ở Biển Đông
Việt Nam đang xác minh thông tin nồng độ phóng xạ Iodine-129 cao bất thường ở Biển Đông. Thông tin này do các nhà khoa học Philippines công bố.
Báo chí nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết như vừa nêu hôm 17/12.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến thông tin nồng độ phóng xạ Iodine-129 tăng cao bất thường gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm, đang xác minh thông tin này. Bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 quy định rõ các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, cũng như tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.
Theo Bà Lê Thị Thu Hằng, việc sử dụng, vận chuyển các thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định luật pháp quốc tế, về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và không gây ảnh hưởng đến duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS ở Singapore, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 17 tháng 12 năm 2020 liên quan thông tin này, nói:
“Ở Việt Nam họ nghe thông tin vậy thôi ạ. Thông tin của Philippines nói không thật rõ: cao bất thường là thế nào? Bao nhiêu? Vùng rộng hay vùng nhỏ?… Hiện người Mỹ và Nhật đang giúp coi nó là gì.”
Bắc Kinh đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, để tuyên bố chủ quyền đến khoảng 90% khu vực biển này. Đây là nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng và cũng là nơi được đánh giá có trữ lượng dầu khí lớn, nguồn hải sản dồi dào.
Đường lưỡi bò của Trung Quốc bị Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye hồi tháng 7 năm 2016 tuyên không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử. Tuy vậy Bắc Kinh không tuân thủ phán quyến của tòa và ngày càng quyết đoán hơn trong hoạt động bành trướng tại Biển Đông.
Hiện Trung Quốc, Đài Loan và bốn nước khác trong khu vực quanh Biển Đông gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Điểm tin trong nước 17/12: Việt Nam lên tiếng thông tin nồng độ phóng xạ bất thường trên Biển Đông?; Đi xe máy điện phải có bằng lái
Mục lục bài viết
Việt Nam nói gì về thông tin nồng độ phóng xạ bất thường trên Biển Đông?
Việt Nam lấy làm tiếc việc Mỹ trừng phạt một công ty
Đi xe máy điện phải có bằng lái
Phà biển đầu tiên từ Sài Gòn đi Vũng Tàu hoạt động
Ông Đinh La Thăng quyết không chịu trách nhiệm hình sự
Bị Mỹ xác định thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Năm (ngày 17/12) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Việt Nam nói gì về thông tin nồng độ phóng xạ bất thường trên Biển Đông?
Báo Người lao động đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 17/12, phóng viên nêu câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc các chuyên gia Philippines gần đây nêu vấn đề nồng độ phóng xạ bất thường ở các rạn san hô trên Biển Đông. Những vị trí ghi nhận nồng độ cao nhất nằm gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin này.
Việt Nam lấy làm tiếc việc Mỹ trừng phạt một công ty
Cũng theo nguồn tin trên, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay 17/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hôm 16/12 Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam vì cho rằng công ty này tham gia giao dịch để vận chuyển sản phẩm dầu từ Iran.
Bà Hằng khẳng định Việt Nam tuân thủ các nghị quyết và xử lý nghiêm và thỏa đáng các trường hợp vi phạm. Bà Hằng nói giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran chỉ là hàng hoá dân sinh. Bà nói Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Mỹ và đề nghị phía Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Cũng tại buổi họp báo này, nói về việc Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng chính sách quản chế tự do báo chí của chính phủ Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm khắc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói như thế là sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam.
Đi xe máy điện phải có bằng lái
Theo truyền thông trong nước, người điều khiển xe máy dưới 50cc hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW sẽ được đào tạo, cấp giấy phép lái xe.
Ngày 17/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn qiao thông quốc gia, cho biết quy định trên nằm trong Quyết định 2060/2020 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Về việc sắp tới đây người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 cm3 phải thi giấy phép lái xe, một lãnh đạo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đây là việc rất cần thiết.
Cũng theo quyết định này, từ năm 2021 – 2025 thực hiện kiểm soát phát thải khí thải môtô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông
Phà biển đầu tiên từ Sài Gòn đi Vũng Tàu hoạt động
Truyền thông trong nước đưa tin, ngày 17/12, giới chức TP.HCM cho biết tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào cuối tháng 12 nhằm kịp phục vụ Tết 2021.
Với tuyến giao thông mới này, người dân chỉ mất 30 phút để di chuyển từ TP.HCM đến Vũng Tàu thay vì phải mất khoảng hơn 3 giờ như trước đây.
Phà biển TP.HCM – Vũng Tàu có giá vé dự kiến 60.000-70.000 đồng/khách.
Ngoài ra, tuyến phà biển này còn thuận lợi cho khách đi Long An, Tiền Giang đến Vũng Tàu, thay cho đường bộ qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Ông Đinh La Thăng quyết không chịu trách nhiệm hình sự
Ngày 17/12, toà án tại TP.HCM tiếp tục xét hỏi cựu bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về các cáo buộc sai phạm trong quá trình bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, dẫn đến việc Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”), chiếm đoạt 725 tỷ đồng của nhà nước.
Trả lời trước tòa, cựu bộ trưởng GTVT quyết không nhận trách nhiệm hình sự, ông nói: “Tôi đã nói đi nói lại rồi. Tôi không có trách nhiệm hình sự vì dự án đã được phân công cụ thể. Những ai trực tiếp thực hiện thì chịu trách nhiệm. Tôi chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu”.
Theo bị cáo, là người đứng đầu Bộ GTVT ông phải chịu trách nhiệm với những vấn đề xảy ra ở bộ, song chỉ là trách nhiệm về mặt hành chính – chính trị. “Việc quy trách nhiệm cho tôi về mặt hình sự là rất chủ quan và áp đặt”, ông Thăng nói.
Bị Mỹ xác định thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó xác định Việt Nam và Thụy Sĩ thao túng tiền tệ.
Trong thông cáo vừa phát đi sáng 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải thích việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Ngoài ra, chính sách này cũng sẽ tiếp tục được Việt Nam duy trì trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo nhà điều hành, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của kinh tế Việt Nam.