Đọc báo Pháp – 14/12/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 14/12/2020

Bầu cử Mỹ: Khủng hoảng pháp lý sắp chấm dứt, nhưng khủng hoảng chính trị thì chưa – Thùy Dương

Những hy vọng cuối cùng của Donald Trump lật ngược một cách hợp pháp kết quả bầu cử tổng thống đã biến thành mây khói. Việc Tối Cao Pháp Viện bác đơn kiện của Texas đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tấn công pháp lý đáng kinh ngạc của tổng thống mãn nhiễm kéo dài 40 ngày.

Báo thiên hữu Le Figaro nhận định việc Donald Trump từ chối thừa nhận kết quả bầu cử trong suốt « 5 tuần điên rồ » là một thử thách cho sự vững chắc của các định chế của Hoa Kỳ.

Cho dù về pháp lý, cuộc khủng hoảng này dự kiến ​​sẽ chấm dứt với cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, diễn ra vào hôm nay. Nhưng theo Le Figaro, về mặt chính trị, cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. 17 bang, cùng với 126 dân biểu Cộng Hòa, kể cả người đứng đầu nhóm thiểu số Hạ Viện Kevin McCarthy, đã ủng hộ yêu cầu của Texas. Donald Trump, người tiếp tục nắm quyền đến ngày 20/01/2021, vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ trong đảng Cộng Hòa và từ cử tri. Một dấu hiệu khác cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ : 3/4 cử tri phe Cộng Hòa vẫn coi là cuộc bầu cử tổng thống vừa qua có gian lận.

Một cuộc khủng hoảng có thể dự báo trước

Đối với Le Figaro, cho dù là khó tin, nhưng cuộc khủng hoảng hậu bầu cử lần này thực ra đã được dự báo. Kể từ khi Donald Trump bắt đầu sự nghiệp chính trị, tất cả những ai không nhìn nhận nghiêm túc về ông đều đã phải trả giá đắt. Vả lại, kịch bản hậu 03/11 cũng đã được chính tổng thống Donald Trump thông báo cách nay vài tháng : khẳng định phe Dân Chủ chỉ thắng nếu có gian lận, phản đối phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, dọa kiện lên Tòa Tối Cao, từ chối từ bỏ quyền lực ôn hòa nếu thất cử. 

Trong khi phe Dân Chủ tố cáo một cuộc đảo chính dựa trên luật pháp do Trump cố gắng thực hiện, ở phe Cộng Hòa, nhiều người vẫn coi đảng Dân Chủ đã đánh cắp chiến thắng của họ. Nhưng trong nội bộ đảng Cộng Hòa cũng có nhiều luồng ý kiến trái ngược về tổng thống Trump, về kết quả bầu cử, sự chia rẽ giữa truyền thông và Trump cũng ngày càng lớn. Tất cả đều bị thuyết phục là đang đối mặt với một kẻ thù đe dọa nền dân chủ Hoa Kỳ. Tường thuật cặn kẽ những chuyện xoay quanh Trump với kết quả bầu cử, báo thiên hữu Le Figaro kết luận, mặc dù tổng thống Donald Trump không thể lật ngược kết quả cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho mình, nhưng ông đã thành công trong việc biến cuộc đấu pháp lý của mình thành một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Hậu quả của 40 ngày sau bầu cử vừa qua vẫn chưa thể dự đoán được hết.

Joe Biden liệu có hòa giải được người Mỹ ?

Cũng nhìn về nước Mỹ, La Croix chạy tựa trang nhất « Hòa giải người Mỹ với nhau » trên nền bức ảnh chụp tổng thống tân cử Joe Biden. La Croix quan tâm đến việc vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ liệu có xoa dịu được những căng thẳng giữa hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, liệu có trở thành người đứng giữa để tập hợp người dân Mỹ ở hai phe lại với nhau không, trong bối cảnh kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã đào sâu thêm hố ngăn cách giữa hai phần của nước Mỹ.

Người Mỹ đang tự hỏi 4 năm tới sẽ mang lại cho họ những điều gì ? Những người lạc quan đặt cược vào sự gắn kết xã hội mới và ý thức về lợi ích chung. Nhưng nhiều người lại lo sợ là sự chia rẽ sẽ biến thành một kiểu chiến tranh du kích chính trị thường trực.

Một bước tiến lớn của Liên Âu

Về thời sự châu Âu, phát hành sớm từ chiều thứ Bảy 12/12, Le Monde quan tâm đến vụ Hungary và Ba Lan ngăn chặn kế hoạch tái thiết lịch sử của Liên Âu vào thời điểm châu lục đang chìm vào một cuộc khủng hoảng y tế lớn với những hậu quả kinh tế khôn lường.

Trong bài xã luận, Le Monde khen ngợi « Một bước tiến lớn của Liên Âu ». Lý trí và trách nhiệm đã chiếm ưu thế tại hội nghị thượng đỉnh quy tụ 27 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của các nước thành viên Liên Âu tại Bruxelles trong hai ngày 10 và 11/12. Ba Lan và Hungary đã ngưng dùng quyền phủ quyết sau khi đồng ý với một đề xuất của Đức, nước giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu cho đến cuối năm 2020.

Nhờ vậy, kế hoạch tái thiết kinh tế, gắn với ngân sách nhiều năm, có thể được đưa ra từ năm 2021, với tổng số tiền lớn chưa từng có. Đây là một bước tiến vô cùng lớn đối với châu Âu, cả về quy mô và bản chất, vì lần đầu tiên kế hoạch tái thiết kinh tế tạo ra một khoản nợ chung cho Liên Âu. Các nước thành viên sẽ phải đoàn kết hơn, hội nhập tốt hơn. Việc xây dựng châu Âu như vậy đã có một bước nhảy vọt đáng kể về chất.

Không chỉ có vậy, trước thềm kỷ niệm 5 năm hiệp định khí hậu Paris, Liên Âu cũng đã cam kết giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức 40% được ấn định trước đây, để đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Nhóm 27 nước cũng đã vượt qua sự chia rẽ để đưa ra quyết định trừng phạt “các hành động bất hợp pháp và gây hấn” của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Một lần nữa các nước lại đạt thỏa hiệp, bởi quyết định trừng phạt Ankara dù chỉ ở dưới mức Paris mong muốn, nhưng đã vượt qua được sự phản đối ban đầu của một số nước thành viên, trong đó có cả Đức.

Le Monde nhận định không có quyết định nào trong số các quyết định nói trên được đưa ra dễ dàng. Không có thỏa hiệp nào hoàn toàn thỏa mãn hoặc thể hiện đủ tham vọng của các thành viên. Nhưng đây là cách mà châu Âu của 27 nước tiến lên, thông qua tranh luận, thương lượng và thỏa hiệp. Và nếu các nhà lãnh đạo châu Âu thành công trong việc đưa Liên Hiệp tiến bước trong năm đặc biệt này, đó là bởi vì họ đã nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của Liên Âu.

Chính sự cần thiết này đã khiến Vacxava và Budapest phải nhượng bộ, khi đối mặt với khả năng bị 25 nước đối tác gạt ra ngoài kế hoạch tái thiết. Cơ chế gắn kết việc phân bổ các quỹ của châu Âu với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền của các thành viên đã thực sự được thiết lập. Cho dù không hoàn hảo, nhưng cơ chế này là không thể tránh khỏi. Le Monde kết luận lý trí đã thắng thế trong tuần qua và chắc chắn Liên Âu cần áp dụng phương cách tương tự để giải quyết hồ sơ Brexit với Anh Quốc.

Cũng về hồ sơ Liên Âu, La Croix trong bài xã luận « Châu Âu tiến lên » nhấn mạnh thành công vừa rồi là nhờ phần lớn vào nước Đức trên cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Hợp tác chặt chẽ với Pháp và tất cả các đối tác và tổ chức chính, thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà ngoại giao Đức đã có thể xây dựng các thỏa hiệp.

Chiến tranh thương mại : Châu Âu phải trang bị vũ khí cho mình

Vẫn liên quan đến châu Âu, về thương mại, nhất là trong bối cảnh Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC) bỊ tê liệt, sự bành trướng của Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng của Mỹ, Le Monde nhấn mạnh Liên Hiệp Châu Âu phải tìm một lối đi mới để bảo vệ nền công nghiệp và tái lập chủ quyền ở một mức nào đó.

Le Monde tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia. Chẳng hạn, ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc OMC, cho rằng vì các quy tắc thương mại quốc tế về trợ cấp không còn đủ để bảo đảm cho châu Âu có thể cạnh tranh bình đẳng với Trung Quốc, nên Bruxelles có hai lựa chọn : hoặc xem xét lại quy định để khắc phục những điểm còn thiếu sót, hoặc tiếp tục huy động các công cụ phòng vệ thương mại như Liên Âu đã làm trong 4 năm qua.

Trong khi đó, bà Tara Varma, giám đốc cơ quan tư vấn châu Âu về quan hệ quốc tế ECFR, chi nhánh Paris, khuyến cáo nếu muốn vươn lên dẫn đầu, Bruxelles phải cho thấy rõ hơn các ưu tiên kinh tế và địa chính trị như Trung Quốc và Mỹ luôn làm. Châu Âu cũng phải tạo cho mình khả năng đáp trả cứng rắn nếu bị trừng phạt. Về vấn đề này, châu Âu đã nhận thức được nhưng còn xa mới thực hiện nổi, vì việc tạo dựng một sự đồng thuận mạnh mẽ giữa 27 thành viên, với những lợi ích đôi khi khác nhau, không phải là điều dễ dàng.

Ngoài ra, theo Le Monde, châu Âu nên lấy cảm hứng từ mô hình Bắc Âu để phát triển việc đào tạo người lao động, nhằm cho phép họ thay đổi lĩnh vực lao động khi hoạt động trong ngành nghề họ đang làm bị giảm sút, đồng thời phải bảo đảm không có khu vực nào thiếu vắng dịch vụ công và mạng lưới giao thông, đây thường là bước đầu tiên dẫn đến sự suy giảm hoạt động công nghiệp ở các địa phương.

Funk Kirkegaard, kinh tế gia thuộc tổ chức Marshall, nhận định, nếu không muốn bị các đối thủ bỏ lại phía sau, châu Âu cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp của tương lai, như châu Âu đã làm để phát triển lĩnh vực sản xuất pin điện ở một số nước thành viên. Nhưng chuyên gia này lấy làm tiếc là trong kế hoạch tái thiết 750 tỉ euro, Bruxelles không tăng cường tài trợ cho lĩnh vực sáng chế.

Covid-19 : Nỗi sợ của châu Âu trước thềm Giáng Sinh

Kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh đã cận kề, Libération quan tâm đến biện pháp phòng dịch ở các nước châu Âu đang bị dịch nặng. Tình hình chung là các nước châu Âu, như Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha … đều thắt chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch bùng phát vào dịp lễ tết cuối năm. Kể từ thứ Ba, biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, nước Pháp trở lại với lệnh giới nghiêm. Nhưng đây không phải một ngoại lệ ở châu Âu, nhiều nước láng giềng cũng có biện pháp tương tự.

Nắm giữ kỷ lục đáng buồn về số ca tử vong ở châu Âu (trên Anh và Pháp), nước Ý xếp các vùng theo màu xanh lá cây, cam và đỏ, tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng với nhà hàng, quán bán đồ giải khát, bảo tàng, cơ sở biểu diễn và phòng thể thao phải đóng cửa. Ở vùng đỏ, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng nhu yếu phẩm. Từ ngày 21/12/2020 đến ngày 06/01/2021 tháng Giêng, việc di chuyển các khu vực sẽ bị cấm, bất kể mức độ hạn chế ở địa phương.

Thụy Sĩ cũng ra lệnh đóng cửa quán bán đồ uống và nhà hàng từ lúc 7 giờ tối. Nhưng giám đốc bệnh viện Zurich đang kêu gọi các biện pháp hạn chế mạnh hơn ở cấp độ quốc gia, do virus đang lây lan theo cấp số nhân. Nhìn sang Tây Ban Nha, tùy vùng, giờ bắt đầu đóng cửa nhà hàng dao động trong khoảng 18-22h. Bất cứ ai trên 6 tuổi đều phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các cuộc gặp gỡ giữa người thân được giới hạn tối đa là 10 người và chỉ trong các ngày 24 -25-31/12 và 01/01.

Tại Bỉ, các cuộc tụ tập tại nhà riêng bị hạn chế, quán cà phê và nhà hàng vẫn đóng cửa. Lệnh giới nghiêm đã được đưa ra, nhưng giờ giới nghiêm thay đổi tùy theo khu vực. Vương quốc Anh cũng áp dụng biện pháp hạn chế theo khu vực, nhưng nới lỏng phần nào quy định từ ngày 23/12 để dân mừng Giáng Sinh.

Sức khỏe tâm thần, một đại dịch khác

Cũng quan tâm đến đại dịch Covid-19, nhưng báo kinh tế hôm nay chú ý đến khía cạnh sức khỏe tâm thần. Cuộc khủng hoảng y tế và biện pháp phong tỏa đã làm tăng nguy cơ con người bị trầm cảm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, 1/5 dân Pháp đã nghiêm túc tính đến chuyện tự vẫn nếu mọi chuyện còn xấu đi. Theo khảo sát CoviPrev vào giữa tháng 11, 21% dân số Pháp bị trầm cảm, chủ yếu do tình hình tài chính khó khăn, lười vận động, có tiền sử rối loạn tâm lý … Điều đáng chú ý là thanh niên bị tác động nhiều nhất, và xu hướng này ngày càng nghiêm trọng. 29% người dưới 24 tuổi hiện bị trầm uất.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201214-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ph%C3%A1p-l%C3%BD-s%E1%BA%AFp-ch%E1%BA%A5m-d%E1%BB%A9t-nh%C6%B0ng-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-th%C3%AC-ch%C6%B0a

Tin tổng hợp

(AFP) – Bậc thầy về truyện gián điệp John Le Carrré qua đời. 

Tác giả người Anh bán hơn 60 triệu cuốn sách trên thế giới đã qua đời hôm thứ bảy 12/12/2020 vì bệnh viêm phổi, thọ 89 tuổi. Ông đã viết tổng cộng 25 tiểu thuyết và nhiều hồi ký. Tên thật là David Cornwell, John Le Carrré đã nổi tiếng khắp thế giới sau khi cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết thứ ba «  Điệp viên đến từ vùng đất lạnh », xuất bản năm 1964, khi ông còn là một nhà ngoại giao làm việc trong đại sứ quán Anh ở Bonn, Đức.

(AFP) – Kinh tế Pháp sẽ phục hồi chậm. 

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp, tổng sản phẩm nội địa của Pháp trong năm 2021 sẽ chỉ tăng 5%, sau khi sụt giảm 9% trong năm nay, một dấu hiệu cho thấy kinh tế Pháp sẽ mất nhiều thời gian hơn để trở lại mức trước khủng hoảng Covid-19. Dựa trên giả thuyết là đại dịch sẽ không ngừng ngay lập tức và việc triển khai toàn diện vac-xin ngừa Covid-19 đến cuối năm 2021 mới xong, Ngân hàng Trung ương dự báo là phải đến giữa năm 2022, kinh tế Pháp mới trở lại mức cuối năm 2019.

(AFP) – Hoa Kỳ chính thức rút Sudan khỏi danh sách đen các quốc gia ủng hộ khủng bố. 

Biện pháp này được Khartoum mong đợi kể từ khi chế độ độc tài Omar Al-Bashir sụp đổ vào tháng 4 năm 2019. Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum thông báo trên Facebook rằng ngày 14/12/2020, Mỹ đã chính thức xóa tên Sudan ra khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố.  

(France 24) – Ả Rập Xê Út: Một tàu chở dầu bị một vụ nổ ngoài khơi Jeddah. 

Theo chủ nhân người Singapore vào hôm nay, 14/12/2020, một vụ nổ, gây ra từ “bên ngoài”, đã ảnh hưởng đến một chiếc tàu chở dầu ngoài khơi thành phố cảng Jeddah của Ả Rập Xê Út. Tháng trước, một vụ nổ khác đã xẩy ra đối với một tàu chở dầu của Hy Lạp ở miền nam Ả Rập Xê Út. Liên minh quân sự do Riyadh dẫn đầu, hoạt động ở Yemen, cho rằng cuộc tấn công là do phiến quân Houthi thực hiện.

(Reuters) – Đài Loan dọn đường gia nhập Hiệp định TPP mới. 

Bộ Ngoại Giao Đài Loan cho biết đang tham khảo ý kiến với 11 thành viên của Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP 11 nước (không có Trung Quốc và Mỹ từ khi Donald Trump quyết định rút lui). Theo thủ tục, một khi được đèn xanh của 11 nước thì Đài Loan sẽ chính thức nộp đơn. Chưa rõ nước Mỹ của Joe Biden có trở lại Hiệp định này hay không.

(AFP) – Một trên bốn bệnh xá  trên thế giới không có nước.

Theo báo động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới OMS/ WHO, tình trạng thiếu nguồn nước sạch làm cho nhân viên y tế và bệnh nhân đối đầu với nguy cơ nhiễm Covid-19 nhiều hơn. Tổng cộng, ít nhất 1,8 tỷ dân trên địa cầu lâm vào tinh trạng khốn khó này mà cụ thể là không nguồn nước sạch để uống, để rửa tay, không có xà phòng. Bác sĩ, y tá không có găng và blouse an toàn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201214-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 14/12:

Thêm bằng chứng gian lận ở Michigan; Biden sẽ ‘xóa sổ mọi dấu vết của Đội Trump’

Mục Điểm tin thế giới, thứ Hai (14/12), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Tối cao Pháp viện không đủ can đảm xử vụ kiện của Texas.

Đó là đánh giá của Tổng thống Trump trong cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình “Fox & Friends” phát sóng sáng 13/12. Trong cuộc phỏng vấn này ông Trump một lần nữa khẳng định có gian lận phiếu bầu trên diện rộng trong cuộc bầu cử vừa qua. “Chúng tôi đã chứng minh được có gian lận xảy ra nhưng không thẩm phán nào đủ can đảm, kể cả Tối cao Pháp viện”, ông Trump nói [Fox News].

Cựu giám đốc đài truyền hình VOA ủng hộ TT Trump.

Đó là bà Lisa Stancik. Bà đã tham gia cuộc tuần hành hôm thứ Bảy (12/12) tại Washington DC để phản đối gian lận phiếu bầu và ủng hộ Tổng thống Trump.“Chúng tôi đã bỏ phiếu cho TT Trump vì chúng tôi tin vào giá trị tin kính, nhưng chúng tôi ở đây không chỉ vì điều đó. Chúng tôi rất lo ngại về những hành động vô đạo đức của phe dân chủ […] Họ đang mở cửa cho chủ nghĩa xã hội ở tất cả các cấp độ, và chúng tôi không thể ủng hộ điều đó” [Epoch Times].

Mỹ giám sát các đập của Trung Quốc trên sông Mekong.

Một dự án do Hoa Kỳ tài trợ sử dụng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước tại các đập của Trung Quốc trên sông Mekong dự kiến được khởi động vào ngày 14/12. Thông tin thu thập được sẽ được Mỹ công khai cho các nước. Nói về việc Bắc Kinh khống chế dòng sông chảy qua nhiều nước Đông Nam

Á, ông Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson cho biết, Trung Quốc vận hành các con đập một cách tinh vi, chỉ để phục vụ lợi ích của họ mà không quan tâm tới các nước vùng hạ lưu [Reuters].

Chống dịch Covid, Đức ra lệnh phong tỏa một phần.

Lệnh phong tỏa một phần sẽ được áp dụng tới ngày 10/1/2021. Chính quyền Đức khuyến khích các công ty cho phép nhân viên làm việc ở nhà hoặc tăng số ngày nghỉ, theo các biện pháp mới được Thủ tướng Angela Merkel thống nhất cùng lãnh đạo 16 tiểu bang của Đức ngày 13/12. Người dân Đức cũng được khuyên hạn chế tương tác xã hội, không nên tụ tập quá 5 người và có trẻ em dưới 14 tuổi, các cửa hàng không thiết yếu và trường học phải đóng cửa [France24].

Thêm bằng chứng gian lận bầu cử ở Michigan.

Hiện ở bang này đang có vụ kiện của ông William Beiley tố cáo hàng nghìn phiếu bầu cho Tổng thống Trump đã bị máy kiểm phiếu của Dominion chuyển sang cho Biden. Ngoài ra có hai cuộc kiểm phiếu không thể giải thích được kết quả tại hạt Antrim, 742 phiếu bầu đã được thêm vào tổng số phiếu sau khi kiểm phiếu lại vào ngày 6/11. Tổng số phiếu bầu của Dominion cho thấy 663 người đã bỏ phiếu ở một quận nơi chỉ có 6 cử tri đủ điều kiện và chỉ có 3 trong số 6 người đó thực sự đã bỏ phiếu [Gateway Pundit].

TT Trump có thể xử lý gian lận bầu cử bằng lệnh đã ký.

Luật sư Sidney Powell cho rằng ông Trump hoàn toàn có thể kích hoạt Lệnh hành pháp năm 2018 về can thiệp bầu cử nước ngoài để làm việc này. Bà Powell cho biết, lênh này trao cho tổng thống “mọi quyền lực […] để làm mọi thứ từ thu giữ tài sản đến đóng băng bất kể thứ gì, [bao gồm cả] yêu cầu thu giữ máy móc”. Bà cho biết thêm, “Theo quyền hạn khẩn cấp, ông ấy thậm chí có thể chỉ định một công tố viên đặc biệt để xem xét vấn đề này, đó chính xác là những gì cần phải xảy ra” [Epoch Times].

Luật sư Giuliani đang làm điều đúng đắn.

Đây là ý kiến của ông Richard Morholt, một người theo dõi bầu cử ở Pennsylvania. “Ông ấy đang đến từng cơ quan lập pháp ở các bang được đề cập và trình bày bằng chứng có thể chấp nhận theo các tiêu chuẩn luật pháp của chúng ta”, ông Morholt nói. “Và khi ông ấy làm điều đó, ông ấy đang chứng minh cho các nhà lập pháp thấy rằng họ có trách nhiệm như được quy định trong hiến pháp để yêu cầu một cuộc bầu cử cần phải được tiến hành như thế nào [Epoch Times].

Biden sẽ ‘xóa sổ mọi dấu vết của Đội Trump’.

Theo kế hoạch của nhóm Biden, nếu ứng viên Dân chủ “trót lọt” mọi chuyện và trở thành tổng thống Mỹ thì sẽ có một đội dọn vệ sinh mặc bộ quần áo hazmat để làm sạch toàn bộ nội thất Nhà Trắng khi Tổng thống Trump rời đi. Những người dọn dẹp sẽ khử trùng toàn bộ tài sản, bao gồm việc loại bỏ đồ đạc và thậm chí cả thảm được dùng dưới thời Tổng thống Trump [The Blaze].

Bộ Thương mại Mỹ bị tin tặc tấn công.

Họ đã xác nhận thông tin này vào Chủ nhật (13/12) nhưng không cho biết ai là thủ phạm. Trong khi đó Reuters cho rằng các tin tặc Nga đã làm việc này, nhóm tin tặc đã đánh cắp thông tin và theo dõi lưu lượng email nội bộ giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và một cơ quan chịu trách nhiệm quyết định chính sách về internet và viễn thông. Axios sau đó cho biết nhóm hacker người Nga có tên là Cozy Bear [News Max].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-14-12-them-bang-chung-gian-lan-o-michigan-biden-se-xoa-so-moi-dau-vet-cua-doi-trump.html

Tạp chí Việt Nam

Việt Nam: Sức mạnh trỗi dậy và “hổ giấy”

Thu Hằng

Việt Nam gây được thiện cảm và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao trong năm 2020. Bắt đầu từ kinh nghiệm xử lý dịch Covid-19 được báo chí quốc tế liên tục đưa tin, đến vai trò chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và ASEAN được đánh giá cao và tổ chức thành công lễ ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại chiếm 30% GDP toàn cầu.

Viện Lowy, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Úc, xếp Việt Nam ở hạng thứ 12 trong bảng Chỉ số quyền lực tại châu Á năm 2020 (Asia Power Index, công bố ngày 19/10/2020, tăng một hạng so với năm 2019 và đứng sau 4 nước Đông Nam Á) trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Bảng xếp hạng được dựa theo 8 nhóm nội dung, trong đó có tầm ảnh hưởng ngoại giao, năng lực kinh tế, năng lực quân sự…

Từ một nước nghèo, Việt Nam đã đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình và ngày càng ít phụ thuộc vào viện trợ, theo nhận định của cựu đại sứ Anh Mark Kent. Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để có thể thực hiện được tham vọng là một nền kinh tế trỗi dậy, một quốc gia tầm trung về địa-chính trị.

Những điểm này được giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréral (UQAM), Canada, phân tích trong hội thảo trực tuyến « Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec » (Emergence du Vietnam et occasions d’affaire pour le Québec), do đại học Laval tổ chức ngày 22/10/2020. RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Eric Mottet về chủ đề này.

****

RFI : Thưa giáo sư Eric Mottet, trong bài tham luận tại hội thảo « Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec », ông phân tích Việt Nam là « một sức mạnh đang trỗi dậy » nhưng cũng là « một con hổ giấy ». Trước hết, những yếu tố nào cho thấy Việt Nam là một sức mạnh đang trỗi dậy ?

GS. Eric Mottet : Việt Nam là một sức mạnh đang trỗi dậy về mặt kinh tế, có thể thấy điều này qua các chỉ số kinh tế : GDP tăng nhanh đáng kể, tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm gần đây ; tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cũng rất cao, dao động 7% trong khoảng 30 năm trở lại đây – tỉ lệ này khiến nhiều nước, kể cả các nước phương Tây, phải ghen tị ; khối lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu đã tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm ; khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên gấp 10 lần trong vòng 15 năm gần đây.

Ngoài ra, có thể căn cứ vào một chỉ số khác, đó là trong vòng 10-15 năm gần đây, Việt Nam đã ký rất nhiều thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam hiện có khoảng 80 hiệp định đối tác ký với các đối tác nước ngoài. Gần đây, Việt Nam tham gia vào hai hiệp định thương mại lớn ở châu Á-Thái Bình Dương : Thứ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia từ năm 2018 và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Có thể thấy là về phương diện kinh tế, Việt Nam trở thành một phần của khu vực châu Á trỗi dậy đầy năng động này. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay cởi mở hơn, đa dạng hơn rất nhiều, đặc biệt với điểm mới là những khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu phát triển, trong đó có kinh tế kỹ thuật số. Tôi nghĩ là mọi người ở Việt Nam hiện nay đều nhận thấy rằng kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

RFI : Vậy tại sao Việt Nam lại là một « con hổ giấy » ?

GS. Eric Mottet : Thuật ngữ « con hổ » muốn nói đến một nhóm nước công nghiệp châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và giờ là Việt Nam. Những nước này được gọi là những « con hổ châu Á ». Còn từ « giấy » muốn nói đến những yếu kém dai dẳng của nền kinh tế Việt Nam, cũng như những tồn đọng về vấn đề xã hội, chính trị và môi trường. Những ai sống ở Việt Nam và những người từng đến Việt Nam đều biết là Việt Nam có nhiều điểm yếu, cả về chính trị lẫn xã hội và kinh tế.

Tôi có thể đưa ra một vài dẫn chứng. Trước hết là thiếu cơ sở hạ tầng, cảng biển. Nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia trỗi dậy, một quốc gia tầm trung thì phải có các cảng biển để xuất khẩu hàng hóa với khối lượng lớn. Thế nhưng, hiện giờ Việt Nam chưa thể làm được. Đúng là Việt Nam có nhiều cảng biển nhưng không có được quy mô như khoảng 10, 15 cảng hàng đầu của Trung Quốc.

Tiếp theo là những vấn đề liên quan đến xung đột đất đai, có thể thấy thực tế này qua những cuộc biểu tình thường xuyên ở Việt Nam về những dự án đặc khu kinh tế cho phép các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng cơ sở ở đó. Những xung đột quanh vấn đề này ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Ngoài ra, dĩ nhiên phải kể đến sự thiếu minh bạch, tình trạng quan liêu và thủ tục hành chính vô cùng phức tạp. Đối với những doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, họ phải vượt qua hàng loạt cửa ải phức tạp và khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài nản lòng. Vấn đề này vẫn tồn đọng.

Việt Nam sẽ trở thành một sức mạnh kinh tế, trước mắt là trong khu vực và mang tầm quốc tế trong tương lai. Chúng ta cùng chờ xem ! Hiện tại Việt Nam cũng gặp khó khăn về năng lượng và tình trạng thiếu hụt ngày càng thấy rõ. Lĩnh vực này hiện thu hút được đầu tư ồ ạt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh. Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó phải kể đến hàng loạt vụ tai tiếng ô nhiễm trong những năm gần đây.

Việt Nam cũng là nước không đáp ứng đủ phần lớn những yêu cầu về luật lao động và sở hữu trí tuệ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với một doanh nghiệp đa quốc gia muốn hoạt động ở Việt Nam.

Cần phải nhắc lại một lần nữa là khi sử dụng cụm từ « hổ giấy », tôi muốn nói đến việc Việt Nam hiện nằm trong số những nước công nghiệp mới ở châu Á, nhưng vẫn còn rất nhiều điểm yếu phải giải quyết trong ngắn hạn và trong tương lai nếu Việt Nam muốn trở thành một sức mạnh kinh tế lớn trong vùng Thái Bình Dương.

RFI : Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành một sức mạnh tầm trung ? Đâu là chiến lược của Hà Nội để thực hiện tham vọng này ?

GS. Eric Mottet : Đúng thế. Tham vọng mà Việt Nam hướng tới, đó là trở thành một cường quốc bậc trung về địa-chính trị, chứ không phải về kinh tế. Bởi vì Việt Nam chưa phải một sức mạnh kinh tế trung bình nhưng sẽ đạt được mục tiêu đó trong tương lai. Tôi cho rằng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về kinh tế không nghi ngờ gì về khả năng này.

Nhưng Việt Nam có thể trở thành một cường quốc tầm trung về địa-chính trị hay không ? Dù sao chúng ta thấy là Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều theo hướng này trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong tư cách này, Hà Nội đã có rất nhiều bước tiến ngoại giao để cải thiện hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Việt Nam cũng đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong tháng 01/2020, nên hiện có ảnh hưởng lớn hơn ở Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta còn thấy là Việt Nam tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế lớn, như tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, được mời đến G20 – Diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới – tại Nhật Bản (28-29/06/2019), tham gia ngày càng thường xuyên hơn các hội thảo và hội nghị về biến đổi khí hậu… Gần đây, Việt Nam còn tham gia chương trình Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Quân nhân Việt Nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, Cộng Hòa Trung Phi.

Chúng ta có thể thấy là Hà Nội đang từng bước cải thiện hình ảnh về mặt địa-chính trị của mình trên trường quốc tế. Điều này cũng cho phép cải thiện tính chính đáng trên quy mô quốc tế của đảng Cộng Sản Việt Nam và đặt đảng Cộng Sản Việt Nam như là một nhân tố có trách nhiệm và bao dung. Vì vậy, nếu dần cải thiện được hình ảnh này, Việt Nam có thể trở thành một sức mạnh địa-chính trị tầm trung.

RFI : Liệu tham vọng trở thành sức mạnh địa-chính trị tầm trung của Hà Nội có bị tác động vì sự cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay hay không? Việt Nam làm gì để tránh bị kẹt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới?

GS. Eric Mottet : Trước tiên, cần phải nói là mối quan hệ của Hà Nội hiện rất tốt với chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump. Tốt là nhờ vào việc tổng tống Trump, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới tấn công trực tiếp Trung Quốc. Điều này khiến người dân Việt Nam hài lòng.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà còn nhiều lý do khác. Trước tiên là vào năm 2018, có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ tăng tốc di dời cơ sở sang Việt Nam. Việt Nam được hưởng lợi phần nào đó từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra còn có nhiều sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn cho Việt Nam, như việc tổng thống Trump đến Việt Nam hai lần : Lần đầu trong khuôn khổ APEC năm 2017 và thăm chính thức Việt Nam ; lần thứ hai, ông đến Hà Nội vào tháng 02/2019 trong khuôn khổ thượng đỉnh nổi tiếng với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tất cả những sự kiện này đã ghi dấu ấn lớn đối với người dân và chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tồn tại một số điểm bất đồng về ý thức hệ, nhân quyền, tự do tôn giáo… Và từ tháng 09/2020 xuất hiện một số quan ngại về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Việt. Tôi từng nêu trong một bài phỏng vấn với RFI Tiếng Việt (26/10/2020) là thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày lớn với việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Joe Biden sẽ theo đuổi chiến lược này của tổng thống Trump hay sẽ có những chính sách khác hoặc sẽ tập trung vào những nhân tố khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ?

Về mối quan hệ giữa hà Nội và Bắc Kinh, đây là mối quan hệ vô cùng nhập nhằng. Chúng ta biết Trung Quốc là đối tác công nghiệp và thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, giữa hai bên luôn có những bất bình, trong đó có cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tôi nghĩ là không cần phải phân tích nhiều ở đây vì vấn đề này được biết đến rộng rãi.

Vậy Việt Nam cần phải làm gì để tránh mắc kẹt giữa hai cường quốc ? Việt Nam đã liên tục đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế với nhiều nước từ vài năm gần đây, kể cả trong nội bộ ASEAN, đặc biệt với Singapore và nhiều tác nhân nhỏ khác ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Hà Nội mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với nhiều nước khác, như xích lại mạnh mẽ hơn với Nhật Bản trong những năm gần đây, cũng như với Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, thậm chí là với những đối tác xa xôi hơn như Nga, hiện trở lại Việt Nam mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quân sự và năng lượng. Ngoài ra còn phải kể đến quan hệ đối tác với Liên Hiệp Châu Âu và trong tương lai là với Anh Quốc hậu Brexit…

Có thể nói Hà Nội đang tiến hành « chiến lược chia sẻ, giảm bớt rủi ro » bằng cách đa dạng hóa đối tác kinh tế và an ninh để không bị kẹt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréral (UQAM), Canada.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20201214-viet-nam-suc-manh-troi-day-va-ho-giay